Truyện ngắn Lê Mỹ Ý: Con một

1249

24.02.2018-12:00

Nhà văn Lê Mỹ Ý

 

>> Mùa cỏ ngắng

>> Trong một khoảnh khắc

>> Giữa mộng và thực

 

Con một

 

TRUYỆN NGẮN CỦA LÊ MỸ Ý

 

NVTPHCM- Nàng đã thức suốt đêm. Cái đêm thật ngắn chẳng tày gang. Chưa mấy chốc mà trời đã vội sáng. Nắng ngoài sân liếm dần từ ngoài hiên đến bậu cửa sổ một cách mờ nhạt, rồi hửng lên, ngay chỗ nàng ngồi, nhuộm vàng mái tóc nàng lúc nào không hay. Những dòng chữ trên máy tính thì vẫn đang ngoằn nghèo trước mắt, nhảy múa từng điệu xiêu vẹo. Có lẽ nàng đã hoa mắt. Bởi nàng đã thức suốt đêm. Nước mắt đã chảy. Ngược vào trong, từng dòng, từng dòng. Và có lẽ chưa bao giờ nàng thèm được khóc đến vậy.

 

Thiêm cũng đã thức và đến sau lưng nàng tự lúc nào. Nó nhìn chị gái qua cái cần cổ cao trắng như ngó sen nhưng lại nâng đỡ một gương mặt rầu rĩ, ảo não. Cả gương mặt chỉ có đôi mắt là ánh lửa. Trông chị nửa như một góa phụ đau khổ, lại có nét tựa như cô gái vừa chớm tuổi yêu, hừng hực, nông nổi và khờ dại lắm. Thiêm liếc nhìn cái tít truyện ngắn trên máy vi tính chị gái vừa lăn chuột lên lên xuống xuống. Nó trề môi:

 

– Trời ơi! Thời buổi này mà còn viết ba cái truyện đạo lý khuyên răn lăng nhăng đó, ai đọc nữa hả bà?

 

Nàng giật mình quay lại. Hình như nàng đã ngủ thiếp đi. Ngủ gật ngay trên cái ghế xoay nóng nực, bức bối mồ hôi và những dòng chữ vội vã nhảy ra màn hình. Nàng ngủ gật mà tay vẫn xoay xoay con chuột, cứ như thể chưa hề ngủ lịm đi lấy một phút, tri giác chưa hề mất, ý thức chưa hề chìm lỉm. Trong ý thức của nàng, tri giác của nàng, thậm chí trong thẳm sâu vô thức của nàng nữa, nàng hiểu rõ mình phải hoàn thành câu chuyện ngay trong hôm nay, trước tám giờ sáng nay. Nghĩ đến giờ giấc, nàng lại giật mình đánh rột. Cái cần cổ ngó sen đảo lui một trăm tám mươi độ:

 

– Mấy giờ rồi hả mày? Sao không gọi tao?

– Ai biết bà ngủ đâu. Thấy cái tay vẫn xoay xoay mà…

– Con quỷ! Mày lại đọc trộm truyện của tao chứ gì?

 

– Truyện của bà có mời đây cũng không thèm đọc. Chán bỏ xừ đi… Cái gì mà con một với con hai lằng nhằng hết biết. Lại còn khóc lóc nước mắt nước mũi nữa… Chị Hai à, thời buổi này mà…

 

– Vâng, con biết rồi, má ạ! Thời buổi này… thời buổi này…

 

Nàng quay lại với đoạn truyện đang viết dở. Nhân vật nữ của nàng, một người con gái thất tình đang ngồi trong phòng, khóa chặt cửa phòng khóc lóc. Nàng muốn dẫn nhân vật đi chơi. Nhưng dỗ cách mấy nhân vật vẫn không nín và nhất định không chịu mở cửa cho mẹ vào. Nhân vật của nàng bảo:

 

– Chị có bao giờ phải khóc vì tình yêu chưa?

 

Nàng trả lời:

 

– Có chứ! Nhưng thời ấy đã qua lâu rồi. Bây giờ, đã hết nước mắt.

– Chị đã làm gì để hết đau khổ?

– Không làm gì cả. Cứ ngồi và khóc. Nước mắt sẽ trôi mọi thứ.

 

Nàng bảo tiếp:

 

– Mà khóc ít thôi, em ạ. Mày đã khóc đúng một tiếng rồi đấy…

 

Đúng vào lúc nàng hưng phấn cao độ định nhoay nhoáy lướt tay trên bàn phím thì Thiêm lại xuất hiện. Nó đặt phịch tách cà phê xuống chỗ trống ngay cạnh bàn phím. Thêm cái bánh bông lan.

 

– Ăn sáng đã rồi muốn làm gì thì làm. Viết cả đêm thế nó rạc cả người ra, rồi chẳng ma nào thèm ngó chị cho xem!

 

Nàng bật cười:

 

– Thì vẫn chẳng có ma nào thèm ngó đấy thôi!

 

Nói rồi, nàng quay người lại trên cái ghế xoay, chòng chọc nhìn nó. Thiêm đang cầm trên tay cái bánh bông lan to gấp đôi bánh của nàng, má phồng căng ra. Nó trợn mắt, như mắc nghẹn:

 

– Ăn sáng đi chứ còn nhìn với ngó cái gì. Ăn rồi còn xử lý vụ con một.

 

Nàng hỏi:

 

– Hình như thằng Hiệp, cái thằng đến tán mày hôm qua, là con một phải không?

 

Thiêm phì cười, suýt phun cả bánh vào mặt nàng:

 

– Ừ! Nó là con một, bố nó làm giám đốc xuất nhập khẩu mây tre đan lớn nhất Hà Nội đấy.

 

– Tại sao mày lại câu được thằng như thế nhỉ?

– Thì… em gái chị tài giỏi hơn người mà…

– …

 

Kỳ thực, Thiêm không phải là em gái của nàng. Nó chỉ là em nuôi. Thiêm con bác Nhân, là người anh kết nghĩa của mẹ nàng hồi còn ở chiến trường. Mẹ bảo, hồi mẹ đi Xê mới có mười sáu tuổi, không có bác Nhân đỡ đầu chỉ bảo quan tâm, chắc mẹ chẳng còn sống để mà gặp bố, lấy bố và sung sướng như bây giờ. Có lẽ vì vậy mà khi nhà cao cửa rộng ra đường xe đón xe đưa, mẹ đã về đón Thiêm – đứa con gái duy nhất của bác Nhân – lên thành phố, cho nó ăn học và chữa bệnh.

 

Thiêm bị bệnh máu trắng, nhà bác Nhân thì nghèo, mẹ nàng đã phải mất mấy năm với bao tiền của thay máu cho nó. Nghe người ta mách thuốc thang ở đâu là mẹ liền đi tìm đấy, có lần nó uống sừng tê giác mất toi mấy chục triệu, thế mà mẹ cũng chả tiếc. Riết rồi nó thành con của mẹ, đứa con mà mẹ yêu hơn cả nàng. Hai vợ chồng bác Nhân vẫn lụn đụn dưới quê, yên tâm vì con gái đã được mẹ bảo bọc, mặc dù họ cũng có lúc hơi buồn. Vì thế, thực ra nàng là con một. Và nàng cũng có đôi lúc ấm ức với sự có mặt của Thiêm. Thiêm đã giành mất mẹ của nàng, hay chính nàng đã tự rời xa mẹ.

 

Kể từ lúc nàng tuyên bố không học đại học, ở nhà viết văn, tự sống bằng văn chương, mẹ đã coi như không có nàng trên đời nữa. Nhưng dù sao nàng vẫn là đứa con một cật ruột của mẹ. Đôi lúc, nàng cũng thèm mẹ lắm. Mà những lúc như thế, Thiêm đã chắn giữa mất rồi.

 

***

 

Nàng định viết một cái truyện về con một, nhưng không đủ dũng cảm để viết chính  mình. Nàng sợ mẹ đọc, sẽ cười nàng xưa kia khăng khăng tách rời mẹ, không cần mẹ để đi viết văn, nay mới có mấy năm đã nhọc nhằn đầu hàng. Nàng cũng sợ cả Thiêm đọc. Nó rất hay nghịch máy tính của nàng. Nó sẽ tủi thân, sẽ sứt mẻ tình cảm, mà nàng thì không muốn sứt mẻ tình cảm. Ngay lúc này đây, nàng lại thấy nó như đứa em ruột thịt.

 

Phân vân giữa cái muốn thổ lộ và cái không muốn ấy, nàng cho nhân vật, người con gái con một trong gia đình gia giáo, bị thất tình. Cô gái đã thất tình ngay từ lần yêu đầu tiên, y như nàng, năm học lớp mười hai, yêu phải một thằng nghiện hút. Nàng đã khóc hết nước mắt. Còn nhân vật của nàng thì khóc hết nước mắt vì người yêu là một kẻ sở khanh lừa đảo, phụ bạc. Và nàng xoáy vào nỗi đau khổ đó, chứ không phải xoáy vào sự cô đơn của đứa con một ương ngạnh, muốn làm theo ý mình, nhưng cũng khao khát được mẹ vuốt tóc hay nấu cho những món ăn ngon. Đã lâu lắm, nàng không được mẹ nấu cho những món ăn ngon. Đến bữa, mẹ chẳng nói gì với nàng, chỉ gắp thức ăn lia lịa cho Thiêm. Ban đầu, Thiêm cũng có vẻ ngần ngại lúng túng. Sau rồi thành nghiễm nhiên, cũng chẳng ai để ý nữa. Chỉ có nàng là âm thầm nhìn, rồi âm thầm buồn.

 

Nhưng đến tám giờ sáng nay, nàng đã phải nộp bài. Nàng đăng ký gửi truyện ngắn này cho tờ tạp chí in vào số tháng tới. Nàng đã nói dối họ là mình viết xong rồi, chỉ còn chỉnh sửa, hay lắm. Văn chương cũng phải marketing, nếu không, nàng lấy đâu tiền để đóng cơm hàng tháng cho mẹ. Nghĩ đến điều đó, hớp vội tách cà phê nóng, nàng lại quay vào máy vi tính. Nhân vật của nàng vẫn đang ngồi khóc. Đã khóc hơn một tiếng đồng hồ. Phải kết thúc thôi. Truyện ngắn mà nhiều nước mắt quá, người ta cũng chẳng muốn đọc. Nàng hí hoáy gõ tiếp. Nước mắt của nhân vật nhảy nhót trên má nàng. Cô ta bảo:

 

– Chị ơi, em đã quyết rồi. Em sẽ không nghĩ đến thằng sở khanh ấy nữa. Mai em sẽ nhận lời lấy thằng Y.

 

Nàng muốn can. Nhưng có can ngăn cũng đã quá muộn. Nhân vật Y vừa mới xuất hiện, cũng là con một, bố làm giám đốc xuất nhập khẩu mây tre đan to nhất Hà Nội. Nhân vật con một lại thổn thức:

 

– Em vẫn tự tin là mình xinh đẹp, mình có học, mình sẽ giữ được nó. Ngờ đâu… Cái thằng sở khanh ấy, nó chẳng coi em ra gì. Em gọi di động cho nó, nó cũng không thèm nghe, chắc là nó đang hú hí với con nào đó, chị ạ!

 

Nàng bảo:

 

– Mày còn gọi di động cho nó làm gì nữa hả trời! Quên nó đi!

 

– Nhưng mà… Em thấy vẫn còn yêu nó. Em cũng muốn xem mặt người yêu mới của nó, xem nó hơn gì em!

 

– Mày trẻ con… bỏ mẹ! Việc gì phải xem! Quên nó đi!

 

Nàng bắt nhân vật mình phải quên, nhưng nàng nào có quên được. Nàng đã không quên được vết thương đầu đời, không quên được gã nghiện hút bảnh trai mà trong những phút giây ở nhà một mình, bố buôn bán đằng bố, mẹ ăn chơi đằng mẹ, đứa con gái một là nàng đã trót buông thả. Vì thế mà nàng chọn nghề viết văn, nàng muốn cảnh tỉnh những đứa con một, những cô gái nhẹ dạ cả tin như nàng. Đáng tiếc, đến cái đoạn này, nàng lại tịt, không biết nên nói gì với nhân vật đang thất tình nữa.

 

Nàng chưa kịp nghĩ ra cái gì chữa cháy cho đoạn tịt ngóm này thì Thiêm vào. Theo sau Thiêm có cả Hiệp. Hiệp đi BMW, đẹp trai, hút xì gà thơm nức phòng. Mắt Hiệp cứ nhìn vào cái cần cổ của nàng như có lửa. Còn Thiêm, lúi ha lúi húi ở góc thay quần áo, hẳn là đang chọn để nhặt một cái áo nào đó của nàng trong tủ áo, mượn tạm. Nó vẫn thích bắt chước chị.

 

Thiêm đã ra. Nó mặc cái dài tay màu mỡ gà cổ trễ của nàng. Cái áo có riềm quấn phất phơ rất điệu. Ai mặc vào da cũng trắng nõn, trông trẻ ra và béo ra. Nó xoay một vòng trước mặt Hiệp. Đến lượt nàng đỏ mặt, không phải vì cái nhìn có lửa của Hiệp, mà vì cái áo lót đen nổi bật sau lần vải mỏng. Hiệp xuýt xoa:

 

– Đẹp quá! Em sẽ là nữ hoàng của đêm nay.

 

Thiêm cười tít. Còn nàng vẫn đỏ mặt, không nói được lời nào. Cái áo lót đen như con mực ám vào đầu nàng. Nó là của nàng. Cái áo duy nhất hiệu Triump mà nàng có. Nàng đã cắn răng mua bằng nhuận bút hai cái truyện ngắn in ở một tạp chí địa phương. Thiêm vút đi như  gió sau cánh cửa gỗ, trước khi đóng sầm, còn kịp thõng một câu:

 

– Bà chị trông chừng thằng em nhé!

 

Cửa đóng lại. Thói lịch sự trưởng giả của dân thành phố, với lối giải thích ngụy tạo “để chống bụi” đã được Thiêm học hỏi từ lâu. Nó đóng cửa mà không nghĩ đến bà chị đang ngồi chết dí, với một thằng đầu nhuộm vàng, ăn mặc rất bảnh, đẹp trai, mùi nước hoa Hugo Boss vừa trẻ con háu đá, vừa quyến rũ một chút khi lẫn lộn với xì gà thơm nức phòng khiến bà chị bối rối. Con bé thật là… Nàng thầm trách, đầu vẫn không thôi luấn quấn với cái áo lót đen.

 

Nàng cố giấu vẻ bối rối bằng cách cắm mặt vào màn hình vi tính. Im lặng như ngừng thở. Nàng cảm thấy rất rõ đôi mắt có lửa đang nhìn mình. Cạch cạch cạch. Những ngón tay không tuân ý nàng. Máy treo. Chẳng biết nàng đã bấm nhầm vào phím quỷ sứ gì. Nàng đờ mặt ra vì không phím bấm hay cú click nào làm con chuột nhấp nháy nữa. Thật là một buổi sáng khốn kiếp! Nàng không thể đứng dậy đi ra. Lối ra quá nhỏ. Hiệp đang ngồi chắn đường. Váy áo của nàng cũng xộc xệch. Nàng cảm thấy tóc tai rối bù và mặt đỏ nhừ lên. Một hơi thở phà vào sát tai, thoang thoảng mùi xì gà chính là nguyên nhân khiến nàng đỏ mặt.

 

– Máy của em bị treo rồi. Chắc do vi rút.

 

Hiệp gọi nàng bằng em tỉnh queo và lướt cái ghế xoay tới gần nàng từ lúc nào, êm ru khiến nàng không hay biết. Giọng nói vang và ấm đầy sức hút, như muốn xoáy người nghe vào đó. Nàng ngồi yên, chết điếng. Vì Hiệp đang vòng tay qua người nàng, rất tự nhiên, với một ổ USB to bự vừa được rút ra trong cái xích lằng nhằng anh ta quấn quanh người.

 

– Con vi rút của em rất mới. Rất khó diệt. Anh biết loại này. May mà có sẵn chương trình cập nhật diệt vi rút hôm nay.

 

Hai tay Hiệp nhoay nhoáy. Người Hiệp đang cọ rất sát vào lưng nàng. Không còn mùi Hugo Boss. Cũng không còn mùi xì gà. Chỉ có mùi đàn ông thật đặc. Nàng muốn chống cự. Muốn đẩy Hiệp lùi ra. Muốn lùi ra khỏi Hiệp. Anh ta vòng cả hai tay qua người nàng, điều khiển máy tính từ sau lưng nàng. Một phút. Hai phút. Nàng nín thở, mím môi. Vừa lấy hết sinh khí định đẩy Hiệp ra thì con chuột trên màn hình nhấp nháy. Hiệp lướt một vòng trên bàn phím. Hơi thở luồn qua cổ nàng, vào tận ngực áo. Tim nàng đập như chưa từng được đập, át tiếng gõ phím của Hiệp. Màn hình bừng sáng. “Em mới chính là nữ hoàng duy nhất của anh!”. Bôi đậm. Ba dấu xxx tiếp theo làm nàng choáng.

 

Cốc cốc cốc… Tiếng gõ cửa như chạy thẳng vào tim. Nàng chưa kịp làm gì thì đã thấy màn hình hiện nguyên chỗ cũ.

 

– Nhưng mà… Em thấy vẫn còn yêu nó. Em cũng muốn xem mặt người yêu mới của nó, xem nó hơn gì em!

 

– Mày trẻ con… bỏ mẹ! Việc gì phải xem! Quên nó đi!

 

Hiệp đã ngồi ngay ngắn lối cửa, phì phèo thơm lựng xì gà. Mùi đàn ông vẫn đặc sánh luấn quấn. Thiêm bước vào:

 

– Hai người đã làm quen với nhau chưa? – Chẳng đợi ai trả lời, lại tiếp – Anh xem em có tuyệt không?

 

Nàng ngoái cổ, làm như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cảm giác giọng mình run run:

 

– Con quỷ! Mày đi đâu lâu thế?

 

Câu trả lời là Thiêm cười nhoẻn, xoay một vòng, cái áo vàng có riềm quấn tung lên lộ cả mảng bụng trắng hếu. Gương mặt nó như vừa được phù phép bằng một thầy phù thủy không cao tay lắm. Mặt trắng như các geisha Nhật. Mắt kẻ viền đen thật đậm ở trên và dưới. Mảng trên cùng là màu vàng cùng màu áo, lấp lánh ánh nhũ. Môi đỏ chót. Tóc bới cao cài ba nhánh trâm.

 

– Trông em còn đẹp hơn Chương Tử Di trong Hồi ức kỹ nữ! – Hiệp bảo.

 

Nàng suýt bật cười vì nhận xét đó của Hiệp. Đúng nó trang điểm theo cách nhân vật nữ trong bộ phim đang được chiếu tràn lan. Nhưng nó chẳng có cốt cách Nhật tí nào. Miệng cười tí toe tí toét, áo lót đen nổi bật sau lần vải vàng. Cái váy di gan của nó màu xanh dương, được cả phái nữ và nam chuộng nhất hiện nay nhưng chẳng ăn nhập gì với kiểu trang điểm đó. Thế mà cũng bảo là đẹp hơn Chương Tử Di!

 

– Ừ! Giống lắm – Nàng thốt lên một câu lấy lệ rồi cắm mặt vào màn hình.

 

Thiêm và Hiệp cặp tay nhau nhún nhảy đi ra. Nàng ngồi thần mặt. Màn hình lại hiện lên dòng chữ Em mới chính là nữ hoàng của anh! xxx thật đậm. Giống viền mắt Thiêm. Nàng bấm phím xóa. Xin lỗi, máy vi tính của bạn không thể xóa virút này! Trời đất! Hắn diệt con vi rút này để cài con khác vào. Khốn kiếp. Vi rút. Hắn đúng là một con vi rút khốn kiếp. Nàng cũng là một con vi rút khốn kiếp…

 

***

 

Mãi đến chiều nàng mới hoàn thành được cái truyện ngắn. Nàng mất hai cú điện thoại để xin lỗi và báo muộn cho tòa soạn. Thật đúng là đã nghèo lại gặp phải eo. Đành “cắn răng chấm com” thôi, con vi rút Hiệp cài cứ năm phút lại hiện một lần, làm nàng vừa mất thời gian vừa không sao tập trung được tâm trí làm việc.

 

Nàng uể oải xuống nhà, lục cơm nguội. Mẹ đã đi chùa. Lúc nào cũng đi chùa. Thiêm đã bảo tối nay đi sinh nhật bạn, về muộn. Nàng ừ hử, chẳng buồn để tâm. Ăn xong bát cơm nguội, ngó ra sân, nắng đã lặn mất tăm tích từ lúc nào. Con mèo gầy gò bên nhà hàng xóm đến cọ cọ chân vào nàng. Mềm mại và uể oải. Lúc nào ăn cơm, nàng cũng cố kiếm cái gì đó thảy cho nó qua hiên. Hình như nó mới là kẻ gần gũi và yêu thương nàng nhất, dù chẳng nói lời nào.

 

Nàng bế thốc nó, đặt lên lòng. Nó vẫn nằm im, mềm mại và ấm áp đến nao lòng, ấm áp hơn bất kỳ hơi thở nào của con người. Nàng thấy chua chát vì ý nghĩ của mình, lại đặt nó xuống, vào nhà tắm, vục đầu trong bể nước. Nước mát lạnh. Rửa trôi mọi thứ. Bực tức. Phiền não. Run rẩy. Quyến rũ. Giận dữ. Ganh tỵ. Chua chát. Cả cái áo lót đen như con mực luấn quấn. Con mèo già mềm hơn bông và ấm hơn hơi thở con người.

 

Cầu trời khấn Phật con vi rút đó bỗng nhiên bị đột tử. Nàng bật máy, vào yahoo messeger, định chat nhờ thằng bạn tải hộ chương trình diệt con virut cứng đầu đó. Một bông hồng đỏ chót hiện ra. Có một nickname langtuhathanh đang link. Nàng trả lời: “Tôi không có ý định chat với người lạ đâu, mất thời gian. Xin lỗi”.

 

Đáp lại ngay: “Tôi không phải là người lạ của em. Tôi biết em và yêu em”.

 

Nàng không trả lời. Định thoát ra nhưng nghĩ đến con vi rút của Hiệp, lại thôi. Không xóa, cái Thiêm về táy máy mở máy lên thêm phiền. Nó sẽ trêu ghẹo vặn vẹo cho đến lúc nàng phát cáu. Bao giờ cũng vậy.

 

Lại gõ: “Sao em không trả lời, nữ hoàng của tôi?”.

 

Nàng giật mình, mặt nóng lên:

 

– Bạn là ai? Đừng quấy rầy tôi nữa!!!

 

– xxx… – Tiếp theo là một gương mặt cười đang đưa tay hôn gió.

 

Mặt nàng đỏ nhừ. Chẳng nhẽ Hiệp? Không thể. Hắn đang cùng Thiêm dự sinh nhật. Nghĩ thế, nhưng nàng cũng gõ lại:

 

– Có phải Hiệp, bạn của Thiêm?

 

Lại một bông hồng nữa. Và chuông điện thoại di động của nàng réo vang. Chết tiệt. Ai gọi vào cuối ngày?

 

– A lô!

 

– Anh đây. Anh là Hiệp. Xin đừng cúp máy. Anh đang ở tiệc sinh nhật, nhưng anh đã ra ngoài vì nghĩ tới em. Anh muốn làm bạn với em.

 

– Làm bạn?- Nàng định cúp máy nhưng không hiểu sao lại đai giọng trả lời – Thiêm của anh đâu? Anh đừng để tôi phải mách với Thiêm!

 

– Em dọa anh à? Thiêm chẳng có ý nghĩa gì với anh cả.

 

Tiếng nói đầu bên kia bỗng dưng chìm đi, tiếng nhạc vang lên ầm ĩ. Nàng nghe rõ tiếng Hiệp thật vang, đến mức chói lói ở đầu dây bên kia:

 

– Đừng! Anh không nhảy đâu, anh đang nói chuyện với bạn anh!

 

Bỗng nhiên, nàng cảm thấy thương thương Hiệp. Thấy hả dạ nữa. Con mực đen – cái áo lót mà nàng đã dành dụm tiền nhuận bút hai cái truyện ngắn mồ hôi nước mắt của nàng lại hiện lên. Phải, nàng quyết định làm quen với Hiệp. Hiệp đã muốn làm quen với nàng, dám nói với Thiêm là anh đang nói chuyện với bạn anh, thì tại sao nàng lại không? Phải, Thiêm đã giành hết của nàng, mẹ, tình thương, sự may mắn, cả những cái áo đẹp nhất nữa… Tất cả… Nàng cần phải dạy Thiêm biết thế nào là lễ độ. Thiêm cần phải biết thế nào là lễ độ. Hiệp sẽ không thể là của Thiêm. Hiệp sẽ là của nàng…

 

***

 

– Cuối cùng thế nào, cái truyện chát chít yêu đương của cô lằng nhằng mất thời gian quá!

 

– Ông tổng biên tập sốt ruột.

 

– Tôi… Tôi định cho cô ấy yêu Hiệp, và sau đó lại bị phụ tình…

 

– Ôi dào! Chuyện của cô suốt ngày chỉ toàn bị phụ tình. Cô nên cho độc giả ăn món gì đóá nhẹ nhàng, tươi mới một chút. Người ta chán phụ tình rồi, chỉ thích tươi vui và hy vọng, cô nhớ chưa! Thời buổi này chẳng còn tình yêu tình iếc gì nữa, nên chẳng ai phụ tình ai đâu. Ai không cao tay không lừa được đối phương thì bị đối phương lừa thôi. Thế thôi. Nhớ nhé! Cô phải viết đúng tâm lý thời thượng chứ. Một tuần nữa nộp bài, không được trễ như lần trước đâu. Không ai đợi cô đâu, nhà văn nhiều như nấm…

 

– Vâng, vâng… em sẽ…

 

Tạch. Điện thoại cắt ngang. Nàng buông cái di động tróc lở, quay lại màn hình.

 

Trên màn hình tạm dừng, hiện lên khuôn mặt cười nhấp nháy. Cũng là chế độ tự động do Thiêm cài đặt. Khuôn mặt cười cứ nhấp nháy mãi, như trêu ghẹo nàng. Nó cũng giống  nụ cười của Thiêm, lúc ở bên cạnh đọc những câu chuyện đạo lý khuyên răn mà nàng thức trắng đêm để viết.

 

Bỗng nhiên, nàng muốn viết một câu chuyện mới, một câu chuyện được mở đầu bằng nụ cười của nhân vật. Cho dù cô ta thất tình, cho dù cô ta đau khổ thế nào đi nữa, cô cũng nên cười. Như nàng, ba mươi tuổi, đứa con gái một bị khước từ. Mệt mỏi, già sọm. Và cứ muốn nở nụ cười.

 

***

 

Nhưng sao mà khó…

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Về nhà – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Chậu mai chiều 30 Tết – Ngô Đình Hải

>> Mỗi năm một lần – Trương Anh Quốc

>> Từ bỏ – Nguyễn Ngọc Tư

>> Bồng bềnh mây trắng – Ái Duy

>> Mắt sông – Phương Huyền

>> Đi tìm cha – Lê Quang Trạng

>> Kế hoạch cho Valentine – Võ Chí Nhất

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…