Truyện ngắn ‘Mảnh vỡ’

872

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nằm trên cái võng cả mấy tháng nay rồi, bà Lượm ngày một tiều tụy hơn, cái căn bệnh K đã quằn thân xác bà chỉ còn như bộ xương khô. Xạ trị xong rồi hoá trị, cứ mỗi lần vô toa thuốc là bà lại nôn thốc nôn tháo, chẳng ăn được gì. Mới chỉ hơn năm mươi tuổi, có ngờ đâu căn bệnh quái ác mà xã hội thế kỷ hai mươi mốt này người ta bảo nhau là án tử. Bà cũng sợ lắm chứ, sợ đến phát khóc, muốn la lên, muốn than thở, nhưng bà còn đứa con gái đang ở tuổi gả chồng, bà chưa yên, bà chỉ còn mỗi nó, bà cần phải gả nó trước khi theo chồng và hai thằng con trai đang đợi bà ở bên kia. Bà cố gắng uống từng ngụm sữa, từng hớp nước yến mà nước mắt như chợt trào ra.

Bà nói lẫm bẩm một mình: “Trời đất ơi…! Sao bao nhiêu bất hạnh lại ập xuống đầu con.” Bà lại muốn chửi thề cho đã cái miệng, cho đã cơn đau đang giằng xé lên thân xác bà. “Ung thư…, sao lại vướng vào ngay cái thân này.” Ăn thì cũng đã lựa đã chọn những gì ngon và bổ nhất rồi mà. Nhà chỉ còn hai mẹ con tưởng như giông bão đã trôi qua. Có ai ngờ đâu còn cái tấm thân này cũng ung. Cái xã hội loài người này có bao nhiêu tệ nạn nó dồn hết vào cái gia đình này rồi! Rồi bà đưa tay lên đấm tay thình thịch vào ngực mình. Nước mắt hai hàng đổ xuống bà vội lấy cái áo khoác chặn lại, như giấu đi vẻ yếu đuối đang chực chờ lấy bà.

Bà không muốn thế, bà muốn sống một vài năm nữa cho con bé Quỳnh nó có tấm chồng. Nên bà bắt buộc mình phải mạnh mẽ.

Vừa lau kịp giọt ngắn giọt dài trên gương mặt xanh xao, với cái đầu không còn cọng tóc, nhu nhú lên vài sợi như đinh màu trắng. Bà ngồi dậy, ra mở cửa cho cô Liên hàng xóm, cô này quê ở Phú Yên, cùng gia đình vào đây làm công nhân, cho các con đi may ở xí nghiệp, còn hai vợ chồng đi làm hồ. Người ở quê nói chuyện lơ lớ, mới nghe chẳng hiểu được gì, nhưng được cái từ ngày bà bệnh cô Liên này thường hay chịu khó qua nhà bà tâm sự mỗi ngày. Bà quý mến lắm, trong cơn cùng cực, bi ai,thì một câu nói ủi an đã đem lại cho trái tim bà một động lực to lớn. Con gái bà có gì cũng muốn biếu cô. Vì hơn ai hết cả bà và cô con gái đều rất biết ơn người đã bỏ thời gian ngồi bên gia đình trong lúc bạo bệnh này.

Vừa bước tới của Cô Liên ngồi xuống nói nhỏ với bà:

– Em nói chị nghe nhé, à mà không chị cho phép em mới dám nói.

– Em nói đi, chị với em mà ngại gì!

– Vậy em nói nha, có gì chị đừng giận!

– Biết mà, giận gì mà giận!

– Em thấy sao nói vậy, nhà chị tự dưng trước hiên lại ba cây cột. Chị không nghe người ta nói: “Sanh- lão-bệnh- tử” à!

– Ba cây cột nó ứng với chữ “ bệnh ”- nói rồi cô lấy bàn tay ra đếm “sanh- lão- bệnh”.

– Chị thấy chưa? Cái nhà là sinh mạng của gia chủ mà chị.

– Mê tín dị đoan làm gì em ơi, thời giờ chẳng quan trọng chuyện đó nữa!

– Em nói thật với chị à chị không tin thì em thì thôi, chứ căn nhà chị có vấn đề, chẳng ai mà tai hoạ cứ ập xuống, hết con rồi chồng hết chồng rồi con, giờ thì đến chị bệnh tật như vậy. Em thấy trước nhà chị nên đập ba cây cột trước hiên đi mới mong nhẹ đi cái oan nghiệt này bớt chị ạ!

– Bà Lượm rơm rớm nước mắt…

– Giờ biết nhờ ai đập giúp đây?…

Cái cảm giác chẳng biết nhờ vả ai cũng chẳng biết làm cách nào để thoát khỏi lưỡi hái của tử thần căn bệnh u với ung này.Giờ ai chỉ bảo gì bà cũng làm cả.

– Ngày mai chủ nhật, chồng cô chắc không đi làm cho người ta, cô làm ơn nói giúp chồng qua đập giùm tôi. Thiệt tình giờ ai chỉ gì tôi làm vậy, khổ quá cô ơi…

Cả hai người đàn bà đều rơi vào khoảng không gian thinh lặng, cô Liên cũng chẳng dám nói gì khi thấy đôi mắt của bà đã đỏ hoe. Ánh mắt nhìn lên bàn thờ nơi có di ảnh của chồng bà, cùng với hai thằng con trai mơn mởn đang nhìn bà như vẫn còn đang tồn tại trong căn nhà này. Bà cứ nhìn như vậy cho đến khi ức trong người quá bà mếu máo như một đứa trẻ nhỏ đang bị ai ức hiệp vậy.

– Cô Liên, cô nghĩ sao mà cái số tui chó vậy nè, thằng đầu vừa mới lớn lên được mười tám tuổi, vừa tập tành làm người lớn thì bước ra phố là bị tai nạn chết thảm chứ, thằng Tý anh – nó vừa hiền vừa biết giúp đỡ tui… vậy mà nó chết. Chết không kịp cho tui chuẩn bị tâm lý nữa .

– Thôi, chị đang bệnh nhớ lại chuyện xưa chi cho đau lòng.

– Nhưng nếu tôi không nói trái tim tui muốn vỡ ra cô ạ, có cô qua ngồi với tui lúc này tui cảm ơn biết là bao nhiêu…

Rồi bà lại khóc, bà Lượm mà ở cái xóm này ai mà không biết bà là một người đàn bà vững vàng đến mức nào. Miệng bằng tay tay bằng miệng, bà có bao giờ chịu thua ai đâu.

Vậy mà…

Giờ với thân thể gầy nhom này bà chịu thua tất cả.

– Cô biết không, cứ tưởng mất một thằng con trai, tui cũng còn thằng Tý em – em trai nó. Vậy mà mới vừa lớn lên lại tụ tập xì ke ma túy, sau bao nhiêu bận can ngăn không được, tui bỏ thí thì lại đi trộm cắp, cướp giật, để rồi vào tù ra tội. Khi tui nhận xác nó trong tù chỉ còn bộ xương, chẳng biết nó chết vì bệnh gì. Cán bộ chỉ nói nó bệnh không qua khỏi, nhưng tui biết chắc nó chết vì sida chứ gì. Nó chơi ma túy rồi đem mấy con bồ về đây là tui nghi rồi. Kể cho cô nghe tui cũng biết xấu hổ chứ, nhưng tui cũng gần chết rồi. Còn sống được mấy hơi nữa đâu mà giấu diếm chứ. “Giấu cũng như mèo giấu cức” thôi, chi bằng tui nói ra hết, để xuôi tay nhắm mắt, mà quên sự đời, kiếp sau làm giun làm dế còn hơn phải sống kiếp người mà chịu những khổ đau như vậy, cô à!

– Thì chị cứ nói cho nhẹ lòng, xã hội bây giờ tệ nạn nhiều, chứ có riêng gì nhà chị.

– Ừ, nhưng chắc không nhà nào như nhà chị đâu!

– Em nè, con trai em đi làm công nhân mà cũng bị rủ rê, ông chủ nhà trọ ổng nghi nó hút chích nên vừa báo tháng nay em phải dọn đi. Chắc ổng sợ trộm cắp. Thiệt khổ hết sức, em không biết phải dạy con như thế nào?…

– Mà cô biết không, tui với ông chồng tui, chấp nhận đã mất đứt hai thằng con trai, nghĩ do mình không biết dạy con nên đành chịu. Rồi vợ chồng tui cố lo cho đứa con gái, vậy mà mới xong lớp sáu nó đòi nghỉ học, vì ở trường nhiều bạn hăm he nó. Sợ con bị đánh tui cho nghỉ học, ở nhà cùng tui lột củ hành. Còn ba nó đi vô Đà Lạt coi xưởng cho người ta.

Nói đến đây, bà Lượm vội cầm cái thau để sau cái võng lên rồi nôn thốc nôn tháo vào đó. Bà vừa vô xong toa thuốc hoá trị thứ tư, bác sĩ nói vô xong các đợt hoá trị bà sẽ khá hơn. Vậy mà sao, cứ mỗi lần vào thuốc sức khỏe bà càng xuống, càng tồi tệ hơn, có lúc bà nghĩ cuộc sống này đã chấm dứt với bà. Nhưng sao bà muốn sống, muốn sống lắm, con bé Quỳnh chưa có chồng, chưa có nơi để hạnh phúc để bà yên tâm. Nước mắt lại lả chả rơi…, đôi mắt càng đỏ hoe.

Bà vội vàng lấy tay quệt, xem ra muốn dừng lại cảm xúc.

Cô Liên cũng không dám nói gì. Chỉ biết nhìn bà và ra vẻ thương cảm như chừng muốn chia sẻ với bà.

Không khí thật im lặng với những tiếng gà trưa, của những lồng gà đá đang được mấy ông hàng xóm nuôi bên cạnh, thỉnh thoảng vang vọng vài tiếng nói của mấy người đàn ba đánh tứ sắc bên xóm trọ. Cái không khí của thời bình mới sung sướng làm sao. Người ta không phải lo lắng nhiều, mà ai cũng tìm cho mình một thú vui.

Sự im lặng không quá lâu, bà lại nhìn lên bàn thờ.

– Cái ông này, tự nhiên đi Đà Lạt về vài tháng thì lăn ra bệnh. Bảo đến bệnh viện không chịu đi. Viện cớ này cớ nọ để nằm ở nhà rồi ra đi như vậy. Gặp cái xóm này nhiều chuyện, người ta chết rồi còn bàn ra tán vào. Mà chồng tui, tui biết chứ cô Liên, ổng có mê gái chứ, đàn ông mà, nhưng ổng khôn lắm, lúc nào cũng thủ bao cao su trong túi hết. Tui giặt đồ cho ổng mấy lần ổng về thăm tui biết chứ. Tui già tui xấu với lại tui có ham muốn gì nữa đâu. Nên thôi kệ, tui cho ổng tự do. Tui nghĩ ổng bị viêm phổi thôi, vì ở Đà Lạt lạnh ổng không quen. Vả lại ổng hút thuốc dữ lắm.

Bà Lượm cứ nói, còn cô Liên cứ ngồi nghe.

Con bé Quỳnh nó đi làm rồi, chỉ cần lát nó về thôi, nó thấy có người ngồi nghe mẹ nó nói thì nó cũng tặng gì đó cho người đó thôi. Nó tặng cho cô Liên hoài. Khi thì chiếc túi xách nó mua mà chỉ mới dùng một vài lần. Khi thì cây son môi, hộp phấn…

Quỳnh mới lớn nhưng điệu đà lắm. Từ ngày ba nó mất, nhà chỉ còn hai mẹ con nên nó tha hồ được bà Lượm cho ăn diện. Quỳnh đẹp hẳn lên và rất lanh lợi. Nhưng cả xóm ai cũng khiếp khi con bé đi đòi nợ cho mẹ.

Bà Lượm cho vay, cái nghề cho vay thật ra nó không xấu, ngân hàng cũng cho vay, và có thế chấp hoặc có uy tín. Còn cho vay đơn lẻ như bà là may rủi cao nên việc lấy lãi cao là tất nhiên. Nhưng bà có phải là dân xã hội đen đâu. Cho vay rồi họ không trả, nên may sao bà có đứa con gái này nó rất hung dữ nên giúp mẹ một tay. Thật lòng bà thương nó vô cùng, ngay cả khi bà bệnh như thế này cũng không dám làm nó buồn, làm sai ý nó. Không nó giận lại xách va li đi bụi.

– Nè Liên!…, bà Lượm chợt tỉnh táo hẳn.

 – Em coi đó, coi có thằng nào được làm mai cho con bé Quỳnh nhà chị. Chị cầu mong cho nó có chồng rồi chị ra đi. Căn nhà và tài sản chị để lại hết cho nó. Em làm ơn giúp chị.

– Con bé Quỳnh nó dữ quá, ai cũng biết tiếng nó, nên thằng nào hiền không dám yêu nó đâu chị ơi.

– Nhưng nhờ có nó chị mới làm ăn được mới lấy được nợ. Chị hỏi em nếu hiền thì làm sao có tiền có của chứ. Nếu hiền thì giờ này bệnh nằm đây tiền đâu ra mà chữa bệnh?

– Em cũng biết vậy, nhưng con gái phải tập cho hiền dịu chị ạ. Em nói thật chị đừng buồn chứ giờ kiếm thằng có đạo đức có ăn học người ta thấy nó nhạt lắm. Còn những thằng chịu nó lại là những thằng giang hồ ăn chơi, chị có thích không?

Được nước nói, cô Liên làm một tràng luôn. Cái bà đàn bà nhiều chuyện mới về xóm này chính là Liên . Được cái thấy gì nói đó và ai có chuyện buồn là chịu khó ngồi nghe. Dù nói lại thì đớt đớt vì cơn tai biến khi sinh đứa con thứ tư, nên giờ mang theo cái tật, nghe Liên nói phải ngóng để nghe. Bà Lượm cũng vậy. Cố gắng nghe từng câu Liên nói.

– Chị có yên tâm không khi gã nó cho một thằng như vậy, chẳng mấy chốc căn nhà của chị, tài sản, xe cộ của chị em bảo đảm mộ chị chưa xanh cỏ đã tiêu tan.

Nói đến đây, biết mình đã quá thẳng thắn. Liên vội lái sang chuyện khác.

– Chị uống nước yến nha, để xuống tủ lạnh lấy giúp chị. Nãy giờ nôn hết ra rồi, giờ uống chút cho tĩnh nghe. Buồn làm gì, đôi dép còn có số huống chi tui với bà.
Liên đánh trống lãng xong thì đứng lên xuống nhà dưới.

Bà Lượm nhìn ra xa, ngoài đường, những nữ sinh mặc áo dài đang đạp xe để đến trường bắt đầu buổi học chiều.

Phải chi mình cho con Quỳnh, nó học đến nơi đến chốn. Phải chi mình đừng nghe lời nó, phải chi mình đừng bỏ cuộc với thằng Tý em, phải chi mình nói chuyện với Tý anh nhiều hơn. Phải chi mình biết phải lo sức khỏe của mình, phải chi mình đừng tự cho mình luôn đúng, mà không nghe ai.

Tiếng gà gáy ban trưa thật bực bội làm sao. Nó cứ inh tai bà, bà đứng lên cố nuốt hủ nước yến cái ực mà không cảm nhận được vị ngon. Quăng hủ vào thùng rác bà Lượm buộc miệng nói:

– Mẹ kiếp lúc khỏe mạnh tiếc bốn mươi ngàn không dám uống một hủ nước yến. Giờ bệnh xuống uống chẳng nghe ngon. Yến một lạng mấy triệu cũng chẳng tác dụng gì. Đúng là đời mà.

Nói vừa xong thì cô Liên chào ra về.

Bà nói với theo:

– Mai nhớ kêu chồng qua đập giúp cây cột đó.

Rồi bà thim thiếp nhắm mắt giấc ngủ trưa muộn.

Ừ, thì giờ này còn gì nữa mà không mê tín. Hết thật rồi bấu víu hy vọng được gì thì cũng thử. Chứ có thể làm gì đây? Khi đứng trước sự sống và cái chết người ta bỗng muốn làm được nhiều thứ hơn là tích lũy của cải vật chất, người ta muốn mình sống lương thiện hơn, sống hạnh phúc, sống một cuộc đời cho ra đời, cây cho ra cây, hoa cho ra hoa, nhưng quỹ thời gian thì không còn nữa.

Thật đáng buồn!

Bà Lượm ngủ, giấc ngủ không biết có ngon không? Nhưng nghe tiếng ngáy của bà rất to, đều đều trong xóm nhỏ của ngoại thành. Ai đó, ngang qua, không khỏi chạnh lòng.

H.X.Đ

Trích từ tập Khao Khát Bình Yên- nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn năm 2017