Truyện ngắn: Mùa én gọi bầy

631

Cao Duy Sơn

Mày cùng nó đi với nhau từ đâu về đây? Vừa dốc bát rượu vào miệng, gã vừa hỏi, ánh nhìn uy hiếp. Ghen tuông, ngờ vực bị kìm nén những muốn nổ tung lồng ngực. Gã cố giữ vẻ bình tĩnh. Vẻ bình tĩnh của thú đói đang đánh lừa con mồi. Ngó bầu trời đang dần tối, gã nghiêng bộ mặt kín râu lạnh lùng liếc sang kẻ đối diện bên kia bếp lửa. Khói đưa tàn than leo cột gỗ đen nhức rồi biến mất hút trong những chùm bồ hóng như xác dơi lơ lửng nóc nhà. Gã trai vẫn tỏ mặt bình thản. Sao qua nổi mắt gã! Đang che đậy bất an đấy thôi. Run lên rồi kìa! Không run mới lạ. Sao có thể không chút lo ngại khi đến cái nơi không phải của mình. Trong một lũng sâu heo hút chẳng mấy ai đặt chân đến. Vậy mà nó cả gan theo vợ gã bước vào nhà này. Ô hô, đứa vợ ư, chỉ danh nghĩa thôi. Gã thề rồi, sẽ không bao giờ tin vào sự thủy chung của nó nữa.

– Cái lưỡi mày bị mắc trong cổ rồi à?

Gã lại hỏi. Vẫn giọng khiêu khích. Những lời lọt qua răng cửa he hé như thường trực đe dọa bạo lực.

Bường vẫn điềm tĩnh. Đâu phải lần đầu lâm cảnh khó xử như lúc này. Anh chỉ khẽ cười. Có lẽ chủ nhà đã nhầm khi thấy anh khẽ so người bởi luồng gió lạnh thốc sau lưng.

– Tình cờ đi chung chuyến xe, thấy thằng bé bị sốt cao, nghe mấy người nói nhà cô ấy ở xa, nên tôi đã chủ động đặt vấn đề đi cùng để có thể giúp. Mặc dù cô ấy từ chối, nhưng tôi thấy mình nên làm việc đáng làm. Ai nào gặp hoàn cảnh này chắc cũng sẽ như tôi thôi! Còn phải nhắc lại thêm với ông nữa không?

– Mày sẽ còn phải nói nữa đấy, cho đến khi nào tao nghe được những điều muốn biết, hiểu chưa?

– Ông đang dọa tôi sao?

Nghe có vẻ thách thức quá! Suýt không kiềm chế nổi cơn giận. Mắt gã lóe những tia sắc lạnh. Gã bỗng vo từng ngón tay cứng như thép những muốn bẻ gãy xương thằng trẻ này như đã từng với những thằng đến gần vợ mình. Vậy mà không hiểu sao lần này lại có vẻ khác, chưa thể ra tay như mọi khi? Giá nó quỳ xuống, van xin… Nhưng hình như thằng này không giống lũ kia. Điềm tĩnh như không. Lạ đấy! Cũng đáng tò mò lắm. Nguyên cớ hôm nay đã rõ, không hiểu sao gã chưa ra tay? Có gì đó khác thường đang chuyển động trong đầu? Chợt lờ mờ, bao năm chỉ toàn những hồ nghi, hằn thù vô cớ ngấm sâu tận huyết cốt như căn bệnh. Khác nào tự xếp những tường đá bịt kín các lối ra với con người. Ngày xưa, hỡi ôi! Những ngày vui sống hồn nhiên! Chạnh nhớ lòng còn xao động. Đôi lúc thoáng nhớ lại còn như có lời khẽ dụ gã trở về. Về lại như xưa? Sao có thể. Như cứt trâu nát gặp mưa rồi. Khác nào bắt ngựa leo cây! Nhưng hình như vẫn còn chút vương vấn. Tỷ như lúc này. Thời hạnh phúc ấm êm đã vời vợi xa. Tại gã, hay tại cái số kiếp nó thế? Hỡi ôi, những giản dị, hồn nhiên từng có ở gia đình này sao không thể trở lại? Vậy là cái sự khác thường đang chuyển động trong lòng có lẽ là đây. Khao khát trở lại những ngày ấm êm, giản dị trong gã vẫn chưa tắt hẳn. Ấy là thèm được nghe tiếng nói con người. Từ lâu lắm chẳng ai dám chuyện với gã. Gã cũng chẳng thể ngồi được với ai bởi tính cách nóng lạnh khó đoán. Lần này thử xem. Dẫu mỏng manh nhưng đừng để cơ hội tuột mất. Mắt gã chợt dịu xuống.

Bường nhìn gã, ngạc nhiên. Tình thế sao xoay chuyển đột ngột?

***

Cái gã có ánh nhìn lạnh như dao ấy sẽ không ngần ngại nện cho mình một trận nhừ tử. Cảm nhận đó xuất hiện ngay khi Bường cõng thằng Nuôi vào nhà, bắt gặp đôi mắt ẩn sâu trong râu tóc đầy ngờ vực. Từ ngờ vực chuyển dần thành khó chịu như muốn bật lời: “Đồ chuột chết thối tha kia, ở đâu sao dám vác mặt đến đây?”.

Biết gã định làm gì, Đẹm vội đỡ lời:

– Con bị ốm, anh ấy đã giúp tôi đưa con về đây.

– Hừ, hừ!

Không ra nói, không ra cười, tiếng hừ hừ bị ngăn lại trong cái mồm mím chặt nghe như rên rỉ. Bất ngờ gã bước đến, bế thốc thằng bé trên lưng Bường, đưa vào buồng.

Đêm, lửa khẽ reo trên những đầu củi chụm. Không gian lặng như tờ. Đẹm ngồi tựa cột phía góc nhà, mắt lơ đãng nhìn bóng hai người đàn ông nhập nhòa trên vách liếp. Mùi rượu thơm nồng. Thi thoảng nghe tiếng hỏi đáp ngắn giữa hai người. Không thân mật, cũng không quá khô khan miễn cưỡng.

Bên kia bếp lửa gã ngồi im lặng. Khuôn mặt rậm râu le lói cặp mắt lờ đờ như đang buồn ngủ. Mái tóc dài phủ trên đôi tay bó gối như sắp rụng. Đừng nghĩ hắn đã say, thói quen đó thôi, gã vẫn đang hướng về phía thằng trẻ lạ mặt với vẻ canh chừng khó đoán. Cái mặt đầy râu chợt phát ra tiếng:

–  đang mời mày đấy, muốn ấm người thì nên uống chút rượu, ở rừng tầm này lạnh lắm. Đừng sợ, lại gần đi, tao không có ý định dùng mày làm đồ nhắm đâu.

Bường đưa mắt về phía Đẹm.

– Chồng tôi mời thật đấy! Đừng ngại, tôi sẽ đưa đồ ăn lên ngay.

Giọng nói vừa cất lên hệt như một tiếng thở phào. Khuôn mặt Đẹm chợt bừng sáng.

– Im mồm! Tao không khiến mày mời.

Gã dựng cái đầu rối bù hướng về phía Đẹm bật từng lời như lệnh.

Gã ba lăm hay bốn mươi tuổi? Thật khó đoán. Không cao giọng, chỉ từng lời cộc lốc, cộng với điệu bộ có vẻ gia trưởng xem ra là hạng người không dễ khuất phục. Bường rời chỗ, đến ngồi xuống bên gã chỉ khoảng cách tầm tay với.

Gã lặng lẽ nâng vò rượu rót vào hai chiếc bát.

– Rượu ngô đấy! Hôm nay mày gặp may, vò này tao cất trong hang đá đã gần một năm. Cái thứ thơm nức, tê lưỡi này đêm nay sẽ tưới đẫm mày, cả tao nữa. Thật là may cho mày.

Phải, thằng trẻ này gặp may. Gã cũng không hiểu sao mình lại tin nó. Thay vì giã cho nó một trận lại đổi ý mời rượu chẳng phải may là gì.

– Mời ông! – Bường nhận bát rượu từ tay gã, đưa lên môi, dốc cạn.

– Khá đấy! – Mắt vẫn không rời Bường, gã cộc lốc – đưa đồ ăn lên đi.

Nghe nhắc, Đẹm bưng mâm thức ăn đặt giữa hai người. Lần đầu tiên từ lúc gặp, Bường mới thấy có chút vui hiện trên mặt Đẹm.

– Nhà tôi uống khỏe lắm anh không theo được đâu.

– Thử mới biết! Để rồi xem.

Bát nữa được rót đầy, Bường vừa nâng lên vừa nhìn lão như thách thức.

– Uống, uống đi! Tao chấp nhận, hai bát liền, hết rót tiếp. Mày thắng sẽ được ngủ lại bên bếp lửa này, chuyện coi như xóa. Bằng không tao sẽ lôi mày vứt ra rừng. Rồi cút, cút khỏi đây. Hổ báo ăn thịt cũng mặc nhớ chưa.

– Được thôi.

– Mày nói, mày là cán bộ nông nghiệp tỉnh à?

– Đúng!

– Nhưng tướng mày sao trông như thằng… thiến lợn? Thứ ấy cuốn lá gừng đem nướng, nhắm rượu là vào lắm.

– Ờ ờ! Chỉ nửa phút là tôi lấy ra được.

– Ăn đi, uống được nữa thì tự uống đi, không thi đấu nữa. Tối nay mày thắng, mày thắng rồi, nhưng nhớ, chỉ được ngủ bên bếp này, không đi lại lung tung nhớ chưa? Tao sẽ lấy của mày ra đấy! Không đến nửa phút như mày lấy của con lợn ra đâu, nhanh hơn.

Cả hai lăn ra ngủ. Nhìn hai gã đàn ông nằm ngáy vang như hai đô vật vừa sau cuộc tỉ thí, Đẹm khẽ mỉm cười. Chị lặng lẽ dọn dẹp. Tàn lửa bay lên từ bếp chợt bị gió từ đại ngàn thổi tới xua tan. Xa xa tiếng lá rừng đang mùa chín đỏ rơi xuống mặt đất xào xạc dịu êm như những bước đi cảnh giác của muôn loài muông thú.

***

Bường tỉnh giấc. Việc đầu tiên phải làm là gỡ chân gã khỏi bụng mình. Nhìn cái cẳng bất động, anh suýt bật cười, gã vẫn canh chừng ngay cả khi đã say như chết.

Ngoài trời bóng tối vẫn nhập nhòa. Không có đồng hồ nên không biết lúc này là mấy giờ. Bếp đã rực hồng, hơi ấm mang đến cảm giác ấm áp dễ chịu. Nhớ, sáng nay tám giờ hội nghị sẽ khai mạc, lại là báo cáo viên chính về kỹ thuật áp dụng giống ngô lai số sáu, loại giống mới cho năng suât cao, sẽ được triển khai trong toàn huyện mùa vụ tới, anh vơ vội chiếc ba lô khoác lên vai. Đi bộ nhanh khoảng hơn ba tiếng sẽ đến trung tâm huyện, kịp lúc hội nghị khai mạc. Vừa định bước ra cửa chợt có tiếng khẽ hỏi:

– Còn tối lắm, anh định đi luôn sao?

Từ trong buồng Đẹm vừa bước ra, vừa đưa tay lên sau gáy cuốn lại mái tóc. Đến bên bếp lửa chị ngồi xuống chất thêm mấy khúc củi. Lửa tỏa sáng soi rõ khuôn mặt mang nét buồn lặng lẽ.

– Vâng, xuất phát lúc này chắc mới kịp giờ khai mạc chị ạ. Chắc đêm qua hai chúng tôi làm chị mất ngủ?

– Không sao, đêm qua tôi cũng thiếp đi được chút ít.

– Cháu đã đỡ hơn chưa?

– Đã hết sốt, đang ngủ ngon lắm!

– Vậy thì yên tâm rồi! Tôi muốn xin lỗi vì đã làm phiền gia đình. Giờ xin phép đi luôn đây.

– Vậy cũng được, tôi đã chuẩn bị xôi cho anh đem theo.

Nhận gói xôi còn nóng, Bường không khỏi xúc động:

– Cảm ơn chị.

– Những chuyện hôm qua anh đừng để bụng, nhà tôi thế nhưng tính tốt thôi mà.

– Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.

– Chưa hẳn như anh nghĩ đâu, anh là người may mắn đấy.

– Chị nghĩ anh ấy có thể đánh tôi?

– Nhiều người đã bị như thế rồi, đó là điều đã làm tôi rất lo khi anh theo tôi về đây.

– Vậy tôi cũng có chút uy đáng nể đúng không?

– Không, chẳng ai lấy sức mà khuất phục nổi anh ấy. Nhiều lần tôi từng là nguyên nhân của những trận đòn vô lối của anh ấy với những người đàn ông đến gần tôi.

Đẹm nén tiếng thở dài.

– Tôi hỏi thật, vậy có khi nào gã đụng tới chị không?

– Nhà tôi có tên đấy! Anh ấy tên Thùng.

– Tôi xin lỗi!

– Tuy tính khí thất thường, dễ nổi nóng nhưng chưa khi nào anh ấy ra tay với tôi, nhất là với con, anh ấy rất mực thương con. Cái sự may mắn đến với anh cũng làm tôi bất ngờ. Nhưng tôi nghĩ có lẽ là từ sự chân thành của anh nên nhà tôi…

Bường ngắt lời:

– Tôi vẫn không hiểu, tại sao chị vẫn còn có thể sống với một người đàn ông tâm tính phức tạp như vậy?

Đẹm khẽ cười. Nụ cười khiến khuôn mặt trở nên đẹp lạ lùng.

– Chuyện dài lắm! Với lại anh cũng chẳng nên biết hơn làm gì. Tôi đã chấp nhận tất cả.

– Chị vẫn còn dạy học chứ?

– Vâng, trường cũng gần đây thôi, trên ngọn đồi bên đường, chỗ ta xuống xe ấy.

– Có khi nào chị nghĩ, sẽ rời đây không?

– Chưa!

Đẹm khẽ đáp, đầu hơi cúi như muốn giấu đi ý nghĩ đang làm mình bối rối.

Tiếng trở mình bên cạnh làm hai người im lặng.

Thùng đã tỉnh. Gã ngồi dậy, đưa tay khẽ vuốt mái tóc rậm dày.

– Định đi luôn sao?

– Vâng, đi sớm cho kịp buổi họp.

– Kịp sao được, đường xấu nhanh cũng phải hơn ba tiếng đồng hồ.

– Tôi sẽ cố gắng để có thể bớt của anh được nửa tiếng. Nhất định kịp.

– Đừng lên giọng, chân này từng đi rồi, có vừa đi vừa chạy cũng hơn ba tiếng đấy. À mà này, mày biết cưỡi ngựa chứ?

Thấy Bường vẫn vẻ ngạc nhiên, Thùng hỏi tiếp:

– Ngựa ấy, mày biết cưỡi không?

– Tưởng gì, mẹ tôi sinh ra tôi trên lưng ngựa đấy!

– Thế thì tốt rồi, tao buộc con ngựa dưới cầu thang, lấy mà đi cho nhanh.

Không ngờ mọi chuyện thay đổi nhanh đến vậy. Hóa ra đêm qua gã chỉ giả say mà thôi. Đột nhiên Bường bối rối, cả chút ân hận nữa, vì có lúc nghĩ, gã chỉ là kẻ bỏ đi, một kẻ mắc căn bệnh ung thối về tâm hồn.

***

Vậy mà đã hai năm có lẻ Bường mới trở lại tìm đến ngôi nhà dưới chân đồi kia. Nhà vẫn đây, vẫn những bậc cầu thang khô nẻ cũ mòn, nhưng sao vắng lặng như không ai? Đã định lên tiếng gọi, lại thôi. Bỗng thấy mình vô duyên. Sao lại thế? Điều gì đã xui khiến quay lại nơi này? Người phụ nữ đã có chồng, một người chồng luôn mang trên mặt sự hằn học, thường gây thương tích cho bất cứ gã đàn ông nào cả gan đến gần vợ mình.

Đang còn lưỡng lự, chợt nghe có tiếng ván sàn rung lên nặng nề. Một mái đầu rối bù xuất hiện nơi ô cửa. Bường thoáng thất vọng. Đây không phải khuôn mặt anh muốn thấy.

– Đến rồi thì vào nhà đi. Người quen cũ vắng mặt lâu rồi đấy. Đừng ngại, tao không đòi ngựa đâu, con ngựa nó tự nhớ đường tìm về rồi, giờ nó cũng đã có chủ mới.

– Chào anh, tiện công tác qua đây tôi ghé thăm.

Nụ cười mơ hồ ẩn sau hàm râu đen rậm. Lạ chưa! Cái mặt kia đã biết cười! Bường kịp ghìm lại ngỡ ngàng, leo lên cầu thang, vào nhà.

– Đã đến đây, sao còn định bỏ đi?

– Thấy vắng, tôi tưởng nhà không có ai!

– Đúng đấy, nhà này không còn ai nữa rồi, cả cái thằng tôi đây cũng không còn rồi. Nào uống với nhau bát rượu. Có rượu vào miệng dễ nói, tai dễ nghe hơn.

Tay run, trán vã mồ hôi thế kia không nghiện rượu là gì! Có gì đó đã làm gã thay đổi. Cư xử bớt thô lỗ, nói năng cũng mềm hơn. Cái cách nhìn người soi xét lạnh lùng cũng biến đâu mất cả? Đã có chuyện gì đã xảy ra? Xem nào! Bường chưa kịp lên tiếng, gã đã tiếp lời:

– Tao biết, tao biết mày cũng thích cô ấy, đúng thế không? Tao nói sai hay sao mà mày ngây như cây chết thế. Tao chưa say đâu, thật đấy. Mà mày cũng đâu có lỗi trong chuyện này. Cô ấy đẹp thế kia mà! Ở lại đây uống rượu lâu lâu với tao nhé.

Không thể từ chối, chỉ tự trách, lẽ ra nên đi luôn ngay khi đến đây trước khi gã xuất hiện. Giờ thì không thể. Vậy là phần nào đoán được chuyện gì đã xảy ra. Bên bếp lửa năm nào chỉ còn lại gã. Giờ thì gã đang vẻ  tuyệt vọng lắm! Với gã lúc này chắc chỉ còn biết mượn rượu nuốt vào lòng những phiền muộn. Giọng gã chậm rãi:

“Thằng Thùng có con vợ xinh nhất Lâm trường Nà Pha”. Đó là lời khen pha chút ganh tị của hơn hai chục thằng đàn ông cùng đơn vị. Vợ đẹp con ngoan, chồng lái xe kiếm được chút ít nên cuộc sống khá hơn mọi người. Nhưng má vợ nó hồng thế kia, đôi mắt nữa, nhìn thấy mấy thằng trẻ trai cứ cười tít thì ngờ lắm. Biết thằng nào vớ bẫm đây? Những lời này là của mấy mụ đàn bà bụng dạ đầy tị hiềm. Tất nhiên chỉ riêng họ nói với nhau, chỉ thằng Thùng không biết. Vậy là lời đồn hóa thật. Cuối cùng lọt đến tai Thùng. Thoạt đầu chưa tin. Vợ yêu Thùng lắm kia mà, Thùng cũng thế, sao có thể! Bọn người ganh ghét buôn chuyện phá quấy đấy thôi.

– Mày không tin hả? Được, hôm nào đi chở gỗ, đến đâu đó dừng lại, đợi lúc mười giờ đêm đi bộ quay về mà xem. – Người đàn ông gần năm chục tuổi ít lời nhất lâm trường nói với Thùng – tao không muốn những người tốt như mày bị đứa khác lừa dối.

Phải một lần cho rõ ngọn ngành. Dù còn nghi hoặc, cả đau khổ nữa nhưng Thùng đành làm theo.

Đêm xuống, rừng như bị bó kín trong im lặng. Thùng nhẹ nhàng trèo lên cành sồi đầu nhà, trườn sang mái tranh, nằm phủ phục như một con mèo ngay phía trên buồng ngủ. Có tiếng thì thầm, tiếng rúc rích vọng từ phía giường ngủ. Chiếc giường tự tay Thùng đóng kê trong buồng này từng chứng kiến những ngày ngập tràn hạnh phúc, vậy mà giờ kẻ nào đó đã thế vào. Nó đang mơn trớn bộ ngực căng tròn của Đẹm, dưới vú bên trái có vết sẹo nhỏ, mỗi lần nằm bên nhau Thùng rất thích vuốt lên chỗ đó. Vậy mà giờ kẻ nào đó có lẽ cũng đang vuốt ve. Nỗi cay đắng chợt làm mặt nóng bừng. Những nan giường nghiến nhau ken két. Toàn thân Thùng như bị lửa thiêu đốt. Định vạch mái, nhảy xuống đổ cơn giận bằng lưỡi dao trong tay. Nhưng chợt nghĩ, chúng không thể chết dễ dàng như thế được. Một ý định lóe trong đầu. Thùng bò lùi, tụt xuống đất.

Không tiếng động nhỏ, chỉ nửa phút cửa đã bị chèn bằng một khúc gỗ. Ngôi nhà cũng do gã dựng nên, nằm riêng bên mé đồi. Cách lán tập thể công nhân gần hai trăm mét, từ đây chạy xuống đường cái dễ dàng, sẽ không ai phát hiện. Không chút chần chừ, ngọn lửa từ que diêm trong tay đã liếm vào mái tranh. Đợi lan rộng bằng chiếc nón gã mới tụt xuống ta luy đường, chạy ngược về phía đỗ xe. Chân vấp những cạnh đá sắc nhọn cũng không cảm giác đau đớn. Trong đầu chợt nổ những tiếng ì ùm như sấm rền. Sau lưng có tiếng la hét kinh động, tiếng ù ù của lửa cháy cuồn cuộn ngút trời. Tiếng tre nứa nổ bôm bốp như súng pháo. Tiếng ơi ới gọi nhau náo loạn sau lưng gã mỗi lúc xa dần.

Nhảy lên chiếc xe Zin đỗ sẵn bên đường, gã nổ máy, đạp ga phóng như điên dại trên con đường chênh vênh vách núi. Không còn nghĩ đến an toàn của bản thân, chỉ ý nghĩ rồ dại sẽ cùng chiếc xe tan xác đâu đó dưới đáy vực. Nhưng trớ trêu xe chỉ chồm lên nghiêng ngả xong vẫn bám chặt mặt đường như quyết không cho gã toại nguyện ý định. Cho tới khi đến thị xã Bình Lãng mới chịu dừng, cùng lúc trời sáng.

Giao xong xe gỗ, gã lảo đảo như kẻ mất hồn leo lên xe, chạy một mạch về Bảo Lâm. Lần đầu quên lấy hóa đơn giao hàng. Hình như gã đang bị điên. Là điên thật rồi! Thằng con trai gã, sao lúc đó không nhớ nó vẫn trong đó. Gã giết con thật rồi. Con ơi, pa giết con rồi. Gã gào lên đau đớn. Lần đâu tiên gã khóc thành tiếng. Trong nước mắt cay đắng gã lờ mờ thấy những xe ngược chiều phanh gấp, quật lái xuống đám ruộng mới cày. Không quan tâm đến gì khác, chỉ nghĩ phải về thật nhanh, hy vọng con mình vẫn còn sống. Nó sống mình sống, nó mà làm sao mình sẽ tự chết.

Thằng Nuôi vẫn lành lặn, chỉ mặt mũi nhem nhuốc bụi tro. Nó đang ngối cạnh ai thế kia? Không thể tin sao có chuyện lạ? Con dâm phụ vẫn còn sống. Cơn giận lại bốc ngùn ngụt, nhưng Thùng đã kịp nén lòng. Bước qua bãi tro than còn ngún khói, gã run run:

– Nuôi ơi, con ơi!

Thằng Nuôi rời mẹ chạy về phía gã. Ôm con trong đôi tay run rẩy mọi lo âu trong gã chợt tan biến. Con gã đây, máu thịt của gã đây! Trời còn thương mình. Thằng bé khẽ nói như sợ ai nghe thấy:

– Pa ơi, nhà mình cháy rồi, bác Sáng đã cứu mẹ và con đấy, trong nhà còn một người nữa không kịp chạy đã bị cháy thui.

Có người bước đến gần, khẽ nhắc:

– Thằng Nuôi ra với mé mày đi, để bác nói chuyện với pa.

Nuôi ngoan ngoãn rời pa nó, rồi chạy về phía người đàn bà tóc rối bù, đang ngồi gục mặt bên gốc trám loang lổ. Thùng ngẩng nhìn. Là Sáng, người đàn ông ít nói nhất Lâm trường, là người trước đây đã nói cho gã biết chuyện.

– Cảm ơn, anh đã cứu giúp tôi!

– Có gì to tát đâu. – Sáng khe khẽ – Không nghĩ anh lại nặng tay như thế, suýt giết cả thằng bé.

Thùng lạnh người, định nói, Sáng vội đạt tay lên vai:

– Bình tĩnh nào! Sau khi cho anh biết chuyện, tôi cứ nghĩ mãi, không biết mình làm như thế có đúng không? Lo lắm. Rồi nghĩ, thể nào cũng có chuyện. Vậy nên thường để mắt đến anh. Cho đến đêm qua… nhưng mọi người đã kịp phá vách… thôi anh nghỉ ngơi đi. Mọi việc để tôi lo.

– Còn người kia?

– Là đội trưởng Lằm, nó bị cả cây nóc đè, không kịp thoát ra. Mọi việc ổn cả rồi. Tôi nói với mọi người, chính nó là người đầu tiên nhảy vào đám cháy cứu hai mẹ con cô ấy. Ai cũng cảm phục.

– Anh cứ tố cáo tôi đi. Tôi vì giận đã hồ đồ ngu muội.

– Thôi, mọi việc qua rồi.

– Là đều do tôi, tại tôi, mải kiếm sống mà biền biệt, không thể quan tâm đầy đủ đến người khác. Cơ mà có phải ai cũng thế đâu, người khác vất vả hơn, khổ hơn tôi mà đâu có xảy chuyện gì. Sao số kiếp tôi nó tối tăm vậy? Giờ biết phải thế nào để sống tiếp đây?

– Tôi biết anh yêu con, tốt nhất nên quên chuyện này đi, đưa mẹ con cô ấy đến đâu đó thật xa mà sống.

– Phải tiếp tục với nó nữa sao?- Hai mí mắt Thùng giật giật.

– Khẽ thôi! Đến Pù Dặm, ở đó có trường tiểu học, xin cho cô ấy đến đó dạy. Còn anh tìm cách gì đó mà sống. Còn nghĩ đến con thì phải thế! Núi rừng sông suối sẽ giúp con người ta khuây khỏa, tìm lại được sự yên tĩnh. Ở lại đây không tốt đâu, chuyện sẽ tồi tệ hơn đấy. Tôi đi đây.

Thoắt cái đã mười năm. Giữa mênh mông đại ngàn Thùng ẩn mình trong các cuộc đi săn. Đẹm xin về dạy học ở trường Phù Dặm. Chỉ bữa cơm chiều hai người mới thấy mặt nhau. Nói là thấy thôi, bởi khác gì hai bóng ma câm lặng. Chuyện cũ như củi mục góc vườn, nhưng nào dễ quên. Lửa đã thiêu cháy ngôi nhà thủa nào thời cũng đã thiêu rụi tình cảm của họ.

***

Cả mày nữa Bường ạ! Hôm đó tao cũng đã chuẩn bị sẵn một bữa kha khá cho mày. Không hiểu sao mày lại được ưu tiên. Là cái cung cách từ con người mày ra đấy. Đàng hoàng điềm nhiên như không. Điều đó đã làm tao thích và nghĩ lại. Nhưng nhìn mắt mày, tao biết mày cũng thích nó, nhưng chỉ ở mức tôn trọng ngưỡng mộ thôi. Mày không hề có tướng mạo của một kẻ đểu giả. Vậy là thay bằng đòn, mày đã được nhận bữa cơm rượu. Còn tao được nghe tiếng nói con người, tuy chỉ toàn những linh tinh nhàn nhạt, nhưng khoái tai.

Thùng xoay lại thế ngồi. Giọng gã ngàn ngạt:

– Vẫn nghe đấy chứ? Sau hôm chia tay mày, đôi lúc nghĩ, tao thấy cô ấy cũng tồi tội, có lúc thương nữa.

Bường khẽ đáp:

– Tôi không nhớ đêm đó tôi với anh đã nói với nhau những gì.

Gã cầm bát rượu đưa cho Bường, rồi phẩy tay:

– Đâu cần phải nói mới là nói, tao không đủ lời để mày hiểu đâu. Mày biết từ lâu tao không còn nói với con người. Nhưng đêm đó những chuyện mày nói làm tao nhận ra, hóa ra mình cũng là người, và chợt thấy băn khoăn. Nhưng hỡi ôi, vừa biết thì vừa hết. Một ngày nọ đi săn về, giữa ngôi nhà đầy gió hoang chỉ còn lại mình tao. Gọi con, không nghe đáp. Bắc tay hú, chỉ tiếng vọng từ núi vọng về. Lẽ nào cô ấy đã dắt con bỏ đi thật sao. Chỉ còn lại lá thư trên mặt bàn sứt sẹo. Tao cầm lên đọc, không tin đó là sự thật.

Đón lá thư từ đôi bàn tay run run của Thùng, Bường thấy có gì đó như một thoảng gió buồn. Anh thấy mình có lỗi với gã. Bấy lâu trong mắt anh, gã luôn chỉ là kẻ cục cằn thô lỗ. Vậy mà lúc này đôi mắt gã nhòe ướt. Gã đang khóc. Bường vờ như không thấy. Anh giở lá thư đã ngả màu ra đọc. Những dòng chữ đứt nối hiện lên: “…Em biết, sẽ không bao giờ anh tha thứ cho em. Nhưng tất cả vì con, nó rồi sẽ lớn lên cùng với tương lai của nó nữa. Em sẽ đưa nó đi thật xa… hứa với anh, bao giờ con lớn em sẽ chỉ đường cho nó về với anh”. Không chữ ký, chỉ những chấm nước loang khô trên mặt giấy.

– Sao anh không đi tìm cô ấy về?

Đang đắm trong sầu não, nghe Bường hỏi, gã thẫn thờ nhìn về phía những đỉnh núi xa. Cặp môi mấp máy như định nói điều gì. Đôi mắt chợt như bị bóng tối che khuất. Gã tuyệt vọng:

– Mày thấy gì phía ngoài trời kia không? Là mùa đông sắp đến rồi đấy! Lũ chim én đang gọi bầy rủ nhau đi về phương Nam đấy. Ước lúc này tao được hóa thành chim, dù phải vượt ngàn rừng, ngàn núi nếu được nghe tiếng Đẹm gọi cũng sẽ bay đến. Nhưng giờ biết đâu mà tìm? Nghe có người bảo, hai mẹ con đã đưa nhau vào Nam. Tao giờ như chim lạc bầy, muốn đi nhưng lại sợ, nhỡ đâu lúc mình vắng nhà hai mẹ con trở về sẽ trơ trọi giữa mênh mông rừng núi. Tưởng mình đã chết mất xác đâu, lại bỏ đi. Nghĩ vậy nên chưa dám rời khỏi đây, và giờ thì ngày nào, chiều nào cũng ngóng ra con đường phía xa kia. Mong ước, rồi ngày nào hai mẹ con sẽ hiện ra trên con đường đó, rồi cất tiếng gọi thật to. Gọi cái tên thằng tao ấy. Và khi đó tao sẽ đến quỳ xuống xin Đẹm tha thứ. Là tao xin chứ không phải tao được cái quyền bắt vợ tao làm cái việc ấy đâu.

Thùng đứng dậy bước về phía chiếc rương, lấy ra một gói giấy. Gã nhẹ nhàng mở lớp báo cũ, cầm lên những chiếc quần xanh trẻ con cùng cỡ.

– Lại sắp sửa tết nữa rồi!  Năm đó tao mua cho thằng bé quần này để diện tết, vậy mà nó không được mặc. Cứ nghĩ, nhất định sẽ có ngày nó trở về, nên năm nào gần đến tết tao cũng ra chợ tìm mua cho nó một đôi giống nhau. Thằng Nuôi thích nhất màu xanh, tổng cộng là tám cái, tha hồ diện.

– Thằng bé năm nay có lẽ cũng đã mười bốn, hay mười lăm gì đó, những quần kia cùng cỡ nhỏ xíu thế làm sao còn mặc vừa?

– Vừa mà, thằng Nuôi vẫn còn bé thôi, và nó sẽ mãi còn bé nhỏ như ngày nào cho đến khi trở về trong vòng tay pa nó đấy. Nhưng bao giờ sẽ đến ngày đó, tao không biết nữa? Nhưng tao sẽ đợi. Nhất định hai mẹ con sẽ trở về. Tao tin thế mà.

Mặt trời đã đứng bóng. Trên những cánh rừng nắng tràn lan, từng đàn én ríu rít gọi bầy, rồi cùng đảo cánh bay về phương Nam. Bường chợt thấy buồn, một nỗi buồn vu vơ. Đâu đó trong lòng, anh nghe có lời trách móc.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021