Về lại quê cũ, Tư Cheo sắm xe ba gác mưu sinh. Hằng ngày, tàu thuyền cập bến, người buôn bán cá đến mua, Tư Cheo nhận chở vô chợ.
Chiều, mấy người bán cá ở chợ lựa dạt ra, người ta chê không mua, ông mua rẻ lại. Giỡ cơm mang theo, đạp xe ba gác đói đâu ăn đó. Có người thấy Tư Cheo ăn khổ, nói: “Đạp ba gác mà ăn uống vậy lỏng đầu gối, đạp sao nổi?”.
Thấy tội, bạn hàng chở cá của ông mua cho miếng thịt heo bằng bàn tay để ông mang về xắt nhỏ kho chung. Ăn xong, tối ngủ, Tư Cheo thấy “khó chịu trong người”, sáng, không ra khỏi giường.
Đang làm ăn ngon lành thì Tư Cheo bị tai biến. Trang ngồi ăn khoai, nghĩ từ miền quê “gói” nghèo khổ về đây, ba cô mong hai cha con sống được qua ngày từ mấy đồng tiền đạp ba gác. Tiền trong nhà còn mua mười ký gạo nữa là hết. Thấy bạn hàng chở cá của ba đến nhà gọi, bí quá, Trang “liều mạng” thế chân ba đạp ba gác. Trang bịt mặt còn chừa hai con mắt, “thượng” lên chiếc ba gác. Từ cảng, Trang đạp ba gác chở cá “túc tắc” dọc đường bờ kè rồi lấn vô chợ. Sáng, trưa, chiều, tối hễ có mối gọi là Trang lên đường.
Có lần chiếc ba gác lấn vô hẻm chợ, cạ vô lưng người phụ nữ, người đó quay lại trợn mắt trắng sát khí như muốn ăn thịt Trang, tung đòn thánh chửi: “Có đui cũng thấy mờ mờ, người ta ngồi mà không thấy hay sao …”. Bà chửi văng “kim cương” (nước miếng). Bà này ở xóm chợ gọi là “bà chằn lửa” chửi có trường lớp.
Lần sau Trang chở cá ngừ, có con nặng 20 kg, đầu cá lòi ra khỏi bình thùng, xe ba gác ôm cua gấp, có người phụ nữ bước ngang qua, mỏ nhọn con ngừ đâm trúng “chỗ hiểm”, người phụ nữ ngã ra. Đưa người phụ nữ đi bệnh viện cấp cứu, nhiều người xúm lại chửi Trang: “Chở ba gác mà không có miệng hô để người ta tránh đường”. Có người chửi thêm: “Bị câm hay sao?”…
Đường đi trong chợ vừa lọt chiếc ba gác, Tư Cheo chở cá, vô đến chợ là “miệng ông đi trước”, hô lên: “ba gác, ba gác, tránh ra, tránh ra”. Người ta nghe tự dọn đường cho ba gác. Từ ngày ông bệnh, người trong chợ ngồi mua hàng thong thả lấn đường ba gác.
Bữa gặp mối lạ, người ta ướp đá cá sơn, cá đổng, cá nục, Trang nhận chở ba gác từ cảng vô chợ. Chất rổ cá lên xe, đi một đoạn thì bánh xe xẹp, Trang đẩy đến tiệm sửa. Ông thợ vá ruột xong thì máy bơm hư, phải mang “bộ đồ nghề hư” của mình đi sửa xong quay lại bơm lốp. Chờ lâu, đá tan chảy nước, cá… ươn, Trang vội đẩy ba gác vô chợ, lo tránh người, bánh ba gác sụp hầm, lọt hố (rãnh nước trong chợ), cá trong rổ trên bình thùng xe “đánh lộn” nhau, từ cá nguyên con thành cá vụn. “Trời ơi, cá này cho ông Tư Cheo ba gác, chớ ai mua”, nói dứt lời, người chủ “xắn tay áo” lao đến đôi co. “Bà chằn lửa” đứng gần đó chạy đến, can ngăn nói chuyện đâu còn đó (bà chằn lửa được chuyện này mất chuyện kia). Trang ngất xỉu, người ta hô la, xoa bóp, tháo bao mặt ra: “Trời ơi, con gái, còn trẻ măng à, vậy mà hổm rày tưởng đàn bà đạp ba gác”. Lát sau, Trang tĩnh lại, hai hàng nước mắt chảy dài…
Hồi nhỏ Trang nghe kể sơ qua dân “chợ búa”, đàn bà cũng có máu mặt, giờ mới đụng độ.
Chiều, Kiểu đến quán bờ kè nhậu. Cụng vài ly với bạn rồi nhìn xa xăm về hướng biển, mùa này cơn sóng vỗ nhẹ. Từ chợ, Trang đạp ba gác về, qua chỗ bờ kè, xe tải vượt qua. Bốp! Bánh xe ba gác bên phải tung thẳng vô cục gạch (xe tải chở vật liệu xây dựng làm rớt xuống viên gạch, một đầu bị chặt góc, một đầu mẻ mấy miếng nhỏ), bánh bên trái cua qua, ném đít xe qua một bên (Trang ngồi trên ba gác lãnh đủ). Kiểu ngồi nhậu không quá mười mét, nghe tiếng ba gác ném đít qua một bên…ầm, nhìn lại. Trang nhìn thấy Kiểu… Kiểu bước đến định phụ giúp, nhưng Trang kịp lên xe đạp đi. Trang bịt kín mặt, Kiểu không nhận ra.
Hồi trước Trang ước mơ sau tốt nghiệp về mở công ty kinh doanh, đâu ngờ là kinh doanh “đạp ba gác”. Từ ngày về miền biển đến nay, Trang mới thấy Kiểu, muốn gọi anh ơi nhưng e ngại, sợ Kiểu mất bình tĩnh khi thấy cảnh đời… đạp ba gác của mình.
Mấy ngày sau trời động, tàu cá nằm bờ, ba gác đứng bánh. Trang ngồi nhà nhìn ra cửa sổ chỗ mấy đứa nhỏ chơi bán đồ hàng, nhớ lại thời tuổi thơ.
Căn nhà trên quê hồi đó xây gạch không tô, ba lấy giấy báo khổ lớn dán che lại mạch hồ. Đi học về, Trang thấy vách tường nhà dán kín báo. Lần đầu tiên Trang đọc “báo tường”. Tờ báo dán gần cửa cái hình đẹp, đang đọc ngon lành mấy dòng, báo hướng dẫn đọc tiếp theo trang 8. Trang nhìn xung quanh nhiều dòng chữ tiếp theo trang… Rà một hồi phát hiện ra chỗ trang 8 tiếp theo nằm dưới trang… ông Táo.
Kiểu mặc quần méo đáy đến chơi, lom khom đọc “báo tường”. Trang chỉ bài báo có dòng chữ tiếp theo trang 8, rồi “thách” tìm được chỗ tiếp theo trang 8, Trang khen tài. Báo dán tường, ngang có, dọc có. Chỗ dán trên cao, Kiểu đứng nhón chân, chỗ thấp quỳ gối. Kiểu tìm quẹo cổ, mờ mắt không ra. Trang dẫn đến chỉ… dưới trang ông Táo, rồi cú lên đầu một cái thiếu điều móp trán. Kỷ niệm đó đã đóng bụi…
Những lần sau Kiểu qua nhà chơi, cơm nấu đang sôi, Trang sai Kiểu xuống giở nắm vung. Sai cột miệng bao lúa. Sai vô bụi dúi ông Tướng (gốc bụi dúi có hòn đá to dựng đứng, người trong xóm gọi là đá Tướng) hái lá giang về nấu chua, Kiểu đi liền. Sai gì cũng làm.
Có lần, Kiểu sang chơi rồi về, Trang hẹn Kiểu hôm sau qua chơi, Kiểu gật đầu.
Chiều, Trang nấu rổ khoai, dự định Kiểu qua, Trang chỉ sai một chuyện giã muối ớt ăn khoai. Chờ mãi Kiểu không qua. Kiểu hứa… lèo. Kiểu nghĩ qua thì đường nào cũng bị sai… nên… thôi.
Ở bên nhà, Kiểu cười thầm vì cho Trang “húp cháo… lừa”, rồi vui sướng hát “cà giựt cà thọt” như tụng kinh.
Lớn lên, Trang học ngành kế toán, Kiểu học xây dựng. Tốt nghiệp ra trường chờ tìm việc làm, hai đứa yêu nhau.
Biết chuyện, ba Trang phản đối, Tư Cheo kiên quyết ngăn cấm. Hồi trước, Tư Cheo và má Kiểu yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Má Kiểu lấy chồng, Tư Cheo cưới vợ. Giờ hai đứa trẻ yêu nhau, ông phản đối vì không muốn làm sui gia với má Kiểu. Tư Cheo tìm cách đưa con gái về lại quê cũ.
Hàng xóm thì nói ông bị bệnh…, thời buổi này mà còn lạc hậu. Nói gì thì nói, cuối cùng hàng xóm chào thua Tư Cheo là có thiệt.
Về quê cũ, Trang nghĩ, xa cách nhau rồi biết bao giờ gặp nhau. Vậy mà, sao hổm rày Kiểu xuống đây.
Qua mùa biển động, tàu cá cập bến, Trang bịt mặt đạp ba gác. Chiều nay, ba gác đi từ hướng cảng cá lên. Kiểu ngồi nhậu quán bờ kè, điện thoại reo, quán nhậu đông người ồn ào, Kiểu ra đứng gần đường nghe. Chiếc ba gác tiến gần, bay mùi cá tanh rình, Kiểu lánh xa, đi vô quán. Chiều đó, không biết Trang khóc bao lâu, nhiều hay ít nhưng cái bao mặt to bằng cái áo gối xếp chéo, ướt sũng…
Tuần sau, Trang đạp ba gác chở cá vô chợ. Đi đến đoạn nhà ông thợ sửa xe “đụng độ” đám cưới, họ gái rào đường chụp hình, toàn người quen. Ông bơm lốp xe là cha cô dâu, bà bị đầu cá đâm trúng chỗ hiểm là mẹ cô dâu… “Bà chằn lửa” chắc cô dì, bác thím gì đó, đứng chụp hình chung rất thân thiện.
Có người nói tránh ra để ba gác đi, tội người ta đứng chờ. Chiếc ba gác bay mùi cá tanh rình. Ông thợ chụp hình bấm vội mấy tấm hình rồi đi.
Trang lại gần, chỗ hôm trước chiếc ba gác bị xẹp lốp chờ bơm hơi giờ dựng lên cổng “rồng bay phượng múa” đặt hình cô dâu chú rể. Chú rể trong hình thấy quen quá. Trời ơi, Kiểu chớ ai. Cô dâu mặc áo ngực “lấp ló”. Trang nhìn như “đốt mắt” mình.
Qua ngày đám cưới, Kiểu xem hình chụp bên họ gái, trong hàng chục tấm hình, Kiểu đứng hình khi nhìn chiếc ba gác “đi lạc” vào trong đám cưới.
Sau ngày ba Trang về quê cũ, Kiểu xin vào làm việc công ty xây dựng. Công ty trúng thầu công trình xây dựng bờ kè ven biển chống sạt lở. Công ty phân công Kiểu chỉ huy công trình, điều xe chở gạch…Hôm chiếc xe gắn máy lủng lốp, Kiểu đem đến tiệm vá, ông chủ tiệm vá xong lại mắc chứng “bộ đồ nghề hư”, đi sửa. Cô con gái coi tiệm. Kiểu ngồi chờ… làm quen. Thời gian sau “bợ” con gái ông chủ tiệm vá xe.
Chiều, Trang quét trang ông Táo đơm nải chuối cầu mong ba gác chở đắt hàng. Trang lau chùi, nhớ lại chuyện bài báo tiếp trang 8… nằm dưới trang ông Táo. Thời gian trôi qua, còn một chút gì để nhớ để quên. Dòng đời trôi, Trang cũng không hiểu sao mình “cả gan” đạp xe ba gác.
Trang đạp ba gác về nhà Trang thường tháo bao mặt bỏ lên trên bao gạo. Tư Cheo nhìn bao mặt to giống như hồi ở trên quê, ông lấy tấm áo mưa rách tủ bao lúa mỗi khi trời mưa nhà dột.
Mấy tháng sau, vợ Kiểu mang bầu sai Kiểu đến cảng mua cá (ý vợ Kiểu là mua cá ở cảng chưa tính chi phí thuê ba gác, giá rẻ hơn mua chợ). Sáng, Trang đi ra cảng cá, gặp người quen hôm trước thuê cô chở cá, ba gác đi nửa đường bị xẹp lốp, giờ bảo cô chở tôm hùm “cấp cứu” (tôm hùm ngộp do nuôi dày thiếu ô-xy). Trang lắc đầu. Người này bực mình nói bậy về chuyện chiếc ba gác của cô đâm trúng chỗ hiểm một phụ nữ khiến người này bị thương tật vĩnh viễn, bị chồng bỏ. Mà đâu có, người này nói hơi quá, hôm Trang gặp chị ấy ở đám cưới mà. Đến lúc này Trang không giữ miệng nữa, tháo bao mặt, to tiếng. Người kia thấy mặt “hình sự” của Trang… ớn liền.
Cãi nhau một hồi thì Kiểu đến. Kiểu sững người khi thấy Trang, vợ sai đi mua cá “gieo duyên” cho Kiểu gặp lại người yêu cũ. Kiểu đến gần, hai người nhìn nhau cười xã giao, chiếc ba gác tội nghiệp “mắc kẹt” ở giữa.
Theo Mạnh Hoài Nam/Người lao động