Truyện ngắn tác giả trẻ Ngô Thuý Nga

467

Ngô Thuý Nga sinh năm 1989 ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM, hiện là Biên tập viên NXB Hội Nhà Văn chi nhánh miền Nam. Cô đã xuất bản 2 tập truyện ngắn Nước mưa của chàng câm, Mùa này sao cứ dài nhung nhớ, tiểu thuyết Những mùa ngâu và tập thơ Nốt lặng; được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM năm 2016 cho tập thơ Nốt lặng và Giải ba Giải thưởng Cây Bút Vàng lần thứ 3 (2015 -2017) với tiểu thuyết Những mùa ngâu.

Vượt qua những khó khăn, bất trắc đời thường, Ngô Thúy Nga là cây bút đa năng thầm lặng mải mê với trang viết, tránh xa những ồn ã hư danh, cho ra đời những tác phẩm đáng trân trọng. Quan niệm về nghề cầm bút, Ngô Thúy Nga chia sẻ: “Văn chương đến với tôi như một mối duyên lành, rồi từ đó bén rễ sâu và ở lại trong cuộc sống cũng như tâm hồn tôi. Viết là một hành trình dài và thật sự nghiêm túc, càng ngày tôi càng nhận ra, giá trị thật sự của văn chương là mang tình yêu thương đến với người, với đời. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn biết ơn mối duyên lành kết nối tôi với những trang viết”.


Tác giả trẻ Ngô Thuý Nga.

NGƯỜI BỊ SÉT ĐÁNH

1. Làng yên bình gối đầu lên chân một mỏm núi mà thở nhẹ nhàng. Làng cười nhẹ như gió bên nhánh sông thầm thì lời bìm bịp gọi nhau. Làng tôi đấy! Có núi, có sông, có cánh đồng mà đàn cò dang cánh, rộng thênh thang. Có tuổi thơ của chị em tôi và những chị em khác nữa.

Người ta nói miền Trung như cái đòn gánh, quảy trên lưng hai đầu của đất nước. Đòn gánh cong oằn vì nặng, vì nắng mưa. Cái nắng như cào xé, thiêu đốt làng tôi bằng những trận gió Lào nóng như ngậm lửa. Cái rét  – người ta không gọi là lạnh, vì nó không đủ sức diễn – như cứa vào thịt da, nhức nhối cả mùa đông.

2. Ngôi nhà của mẹ con cụ Nhờ sát bên sông. Chẳng ai biết ông Nhờ ở đâu. Cụ Nhờ một mình lủi thủi nuôi con. Giờ anh Cu đã lớn, mà còn học rất giỏi nữa. Cụ Nhờ tự hào về anh Cu lắm. Thực ra anh Cu có cái tên rất đẹp – Xuân Hào. Nhưng mọi người trong làng đều gọi là anh Cu. Anh Cu tốt bụng và nhiệt tình. Ai nhờ lợp cái nhà, hay rào cái vườn rau anh Cu đều hăng hái làm giúp. Cụ Nhờ thấy thế thì vui lắm. Hai mẹ con dựa vào nhau mà sống. Cả làng ai cũng thương hai mẹ con cụ. Lâu lâu lại có người kêu: “Cụ Nhờ ơi cho tui mượn anh Cu một lúc, cụ Nhờ ơi tui biếu cụ bó rau, con cá…”. Chị em tôi cũng hay chạy đến chơi nhà cụ. Cụ hay cất dành cho chúng tôi củ khoai nướng, cái bắp luộc và những củ lạc đầu mùa béo ngậy.

3. Cụ Nhờ quý chị tôi lắm. Cụ luôn gọi chị là con. Anh Cu cũng quý chị. Chị hiền lành, ít nói, suốt ngày chỉ thấy chị cười hiền, chẳng khi nào chị biết to tiếng với ai. Mà chị đảm đang nữa. Chị nấu ăn ngon. Khâu vá, thêu thùa gì chị cũng biết. Chị mang nét đẹp của cả người phụ nữ truyền thống và hiện đại. Chị lãng mạn. Nhưng chị cũng trong suốt như hạt mưa, dễ vỡ, dễ tổn thương. Một cảnh hoàng hôn chiều cũng làm chị đứng ngây người. Một cánh hoa rừng cũng làm chị thảng thốt. Và…một cái gì đó bất chợt cũng có thể làm nước mắt chị rơi. Trên đời này, tôi chưa thấy ai mau nước mắt như chị. Chị thánh thiện như một thiên sứ mang bình yên. Tôi yêu chị nhưng cũng lo cho chị. Chị quá yếu đuối. Chị cần được che chở. Chị như hạt mưa, chạm tay vào là vỡ tan. Và chị quá kín đáo. Dường như chị chỉ biết giữ tất cả trong lòng. Chẳng khi nào chị tâm sự với ai. Chị cũng chẳng có một người bạn nào ngoài tôi với mẹ con cụ Nhờ.

4. Anh Cu dạy chữ cho chị. Chị dạy lại cho tôi. Anh Cu cũng cho chị em tôi nhiều sách vở. Tối nay chị dạy tôi, nhưng tôi cảm nhận được chị không tập trung. Chị cứ mơ màng, mắt nhìn ra cửa sổ. Tôi hỏi mà chị cũng chẳng biết. Tôi lắc tay mạnh. Chị giật mình. Tự nhiên trong tôi có cảm giác lo sợ sẽ có điều gì xẩy ra. Có lẽ, tôi sắp mất chị. Chị đang yêu đấy. Rồi chị sẽ đi lấy chồng. Tôi thành mồ côi. Mồ côi cha mẹ, và sắp mồ côi luôn cả chị. Chiều nay chị với anh Cu ra hái bèo ngoài bờ sông. Và tôi biết anh Cu lại hái hoàng hôn cho chị. Lúc về nhà, tôi đọc được niềm hạnh phúc trong mắt chị. Đôi mắt chị cười, long lanh, và thú thật là tôi say luôn ánh mắt chị. Nếu chị không phải là chị tôi, nhất định tôi sẽ yêu chị. Sẽ tranh chị với anh Cu cho tới cùng. Nhưng…nhưng tôi vẫn yêu chị. Thực ra tôi cũng muốn anh Cu yêu chị. Nhưng mà…tôi sợ. Tôi sợ mất chị. Tôi sợ chị sẽ không yêu tôi nhiều nữa. Nhưng mà…nhưng mà chị đã hai mươi ba. Chị đã là thiếu nữ. Và chị sẽ đi lấy chồng.

5. Dạo này mưa nhiều. Ngày nào trời cũng mưa, có khi rả rích cả ngày. Chiều nay, cơn giông lại ập đến. Mưa như roi quất vào người. Chớp nhoáng đuổi nhau ngùng ngoằng. Cả sấm. Sấm ầm ầm. Mưa cứ như trút nước. Gió lớn. Gió rít lên từng cơn như đang đánh nhau với mưa. Hôm nay anh Cu lên huyện, cụ Nhờ lại gọi hai chị em tôi đến ăn cơm cùng. Trưa. Đang ăn cơm, bỗng dưng một con chim bồ câu từ trên chuồng rơi xuống sân, đập đập cánh vài cái rồi nằm đơ. Chị em tôi chạy ra thì con chim đã chết. Tôi đưa vào cho cụ Nhờ xem, cụ không nói gì, nhưng hình như sắc mặt cụ biến đổi. Tôi hỏi cụ làm sao, cụ lắc đầu không nói.

Mưa vẫn chưa ngớt. Ba bà cháu sốt cả ruột. Không biết sao giờ này anh Cu vẫn chưa về? Lúc sáng anh Cu bảo phải lên huyện xin giấy tờ gì đấy. Ba bà cháu cứ đi đi lại lại, điện thì không có. Được cái đèn dầu gió cũng thổi tắt ngúm. Ban ngày mà tối thui. Không ai nói với ai câu gì. Chị nắm tay cụ Nhờ thật chặt. Tôi biết chị đang bảo cụ cứ yên tâm, tạnh mưa anh Cu sẽ về. Ba bà cháu tôi, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng, làm căn nhà bé nhỏ của cụ thêm u uẩn. Bỗng “đùng” một tiếng to kinh khủng, chúng tôi giật nẩy mình. Sét! Chắc nó đánh ở đâu gần lắm. Ở đây, cứ mỗi lần trời mưa giông lại hay có sấm sét. Mấy năm trước, sét còn đánh chết cả đàn bò bảy, tám con…

Một lúc sau mưa tạnh. Tôi đang hí hoáy chống cái rèm cho nhà cửa sáng lên chút thì bà Toán hàng xóm hớt ha hớt hảy chạy đến, chưa vào tới nhà đã gọi toáng lên:

– Ơi cụ Nhờ! Ơi cụ…

– Cụ đang ở trong nhà. Có việc gì mà bá vội vàng thế ạ? – Tôi đáp.

– Cụ…Bảo cụ…Anh Cu…Thằng Cu…

Nghe giọng hốt hoảng của bà Toán, mà lại có nhắc đến anh Cu. Cụ Nhờ và chị tôi trong nhà chạy ra.

– Bá ơi. Anh Cu…Anh Cu làm sao hả bá? – Chị lo lắng.

– Thằng Cu…Thằng Cu nhà tôi nó làm sao…bà Toán? – Cụ Nhờ hốt hoảng.

– Thằng Cu…Thằng Cu chết rồi…

Có gì đó vừa bục vỡ từ những lời khó nhọc của bà Toán.

– Bá nói gì thế bá? Bá đừng nói bậy. Bá làm bà xỉu bây giờ – Tôi chạy lại lay mạnh tay bà Toán.

Chị và cụ Nhờ đứng như trời trồng. Tay tôi vẫn bóp mạnh tay bà Toán.

– Sét đánh chết thằng Cu rồi. Nó với chiếc xe đạp cháy sém. Nó… Nó đang nằm trước cửa nhà tôi – Bà Toán nói những lời khó khăn còn lại.

Hai chị em tôi dìu cụ Nhờ đi theo bà Toán. Ra tới nơi, anh Cu đang nằm bên chiếc xe đạp. Mặt bị sém một bên. Áo quần, chỗ cháy chỗ không. Chị tôi lại rút chiếc khăn tay thò ra một múi từ túi áo anh Cu. Đúng là anh Cu thật rồi. Đó là chiếc khăn chị thức mấy đêm hết thêu rồi lại là cho phẳng phiu để tặng anh.

6. Đám tang anh Cu, người làng đi rất đông. Ai cũng xót thương cho anh Cu, vừa hiền lành, đẹp người đẹp nết, lại có tài, vậy mà phải chết trẻ. Người ta xì xào “Đúng là cái số”. Họ cũng xót thương cho cụ Nhờ, có đứa con như vàng, bây giờ…Còn tôi xót thương cho cả chị tôi nữa. Chị như không còn giọt nước mắt và chút sức lực nào. Anh Cu cũng ác. Anh Cu bỏ chị tôi mà đi.

Trời tối rồi, mà chị không chịu về, cứ ngồi bên mộ anh Cu. Tôi nói thế nào chị cũng chẳng nghe. Tôi đùm đùm gói gói mang cơm ra nghĩa địa cho chị, nhưng chị chẳng buồn ăn. Chị cứ ngồi thế như pho tượng. Trời đêm heo hút. Gió thoang thoảng rót vào bãi tha ma những tiếng vi vu, rì rầm nghe lành lạnh. Tôi bất giác rùng mình, cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng và dựng tóc gáy. Chị thì cứ ngồi  vô hồn, mặc cho gió vờn tóc rối tung. Trong đêm tối, ánh trăng lờ mờ hắt xuống đôi mắt chị trũng sâu, ráo hoảnh và gương mặt không chút cảm xúc. Tiếng ếch nhái vọng ra liên hồi, khi nhặt khi khoan. Tự nhiên, tôi liên tưởng tới một bộ phim ma nào đó mà mấy đứa bạn lâu lâu vẫn rủ tôi xem, rồi thét lên, rồi òa khóc vì sợ. Chị thì ngưng lặng, mà thời gian thì cứ vô tình cứa vào mọi thứ, ăn mòn. Khi mảnh trăng mỏng thé như lá lúa nghiêng rơi vào đám mây đen, hình như có ai đó vừa thoáng qua. Như vô thức, tôi bíu chặt lấy tay chị, bảo chị về, người ta nói ở ngoài này nhiều ma lắm. Nhưng chị cứ như không hề nghe thấy.

Tôi bất lực. Mảnh trăng vẫn bị đám mây đen kia nuốt chửng. Không gian lờ mờ, tôi cảm giác như mưa phùn đang bắt đầu thấm xuống mặt và vai, lành lạnh. Rồi sực nhớ, tôi vội chạy về nhà dắt con dao con vào người rồi chạy ra với chị. Lúc đó, tôi sẽ chém vào con ma nào dám đụng tới chị tôi. Như một người đàn ông thực thụ (mặc dù chưa đầy mười tám tuổi), tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ chị, và bảo vệ mình. Tôi là con trai mà, con trai thì không được sợ ma đâu, không chúng bạn sẽ cười.

Chị vẫn ngồi vô hồn bên nấm mồ anh Cu. Tôi còn nghe thấy mùi của đất mới chưa khô, và thoang thoảng mùi của mấy vòng hoa đã gần héo úa. Tôi thấy mắt cay xè, từ nhỏ tới giờ, có khi nào thức khuya đến vậy đâu. Mảnh trăng hình lá lúa đã chui ra khỏi đám mây đen khổng lồ, ung dung nghiêng ngả phía trời xa. Tôi dụi dụi mắt, ngáp dài và gối đầu lên chân chị ngủ thiếp đi. Đang mê man thì chị lay mạnh vai tôi gọi:

– Lực! Dậy mau! Nhanh đi em!

– Có chuyện gì thế? – Giọng tôi ngái ngủ.

Khi tỉnh hẳn, tôi thấy có một toán người đang đứng trước mặt. Người cầm xẻng, người cầm rạ, người cầm xà beng. Tôi chưa kịp định thần, bọn họ đã quát vào mặt:

– Hai chị em mày có khôn hồn thì biến khỏi đây mau.

– Các anh định làm gì? – Khi sinh ra, ông trời đã phú cho tôi cái tính lì.

– Không phải việc của mày, đừng có xía vào con, khôn hồn thì dẫn chị mày biến đi và câm mồm lại – Người đàn ông có mặt mũi bặm trợn quay lại mấy người đi cùng, khoát tay – Chuẩn bị đào đi bọn mày!

– Ai cho phép các anh đào mộ anh Cu? Các anh điên rồi à? Tôi giết các anh đấy!

Bỗng nhiên cái máu điên nó sục sôi trong tôi. Tôi muốn giết chết cả mấy người kia. Nhưng bọn chúng cười khoái trá, không thèm quan tâm đến những gì tôi vừa nói và gương mặt đã nóng ran vì tức giận của tôi. Bọn họ chuẩn bị đào mộ anh Cu thật. Biết rằng không thể làm gì bọn chúng, tôi dẫn chị đi xa một đoạn và chạy thật nhanh về gõ cửa nhà bà Toán:

– Bá ơi bá! Bá ơi! Mau mở cửa cho con! – Tôi vừa thở, vừa đập cửa ầm ầm và cố gọi thật to.

– Có việc gì thế? Lực hả? – Giọng bà Toán ngái ngủ.

– Nhanh lên bá ơi. Bọn nó đang đào mộ anh Cu. Bá ơi nhanh lên!

Cánh cửa mở toang, và bà Toán tỉnh hẳn.

– Thôi chết! Bá quên mất. Nhanh nào, mình đi. Khoan đã, để bá gọi thêm bá trai.

Dọc đường đi, bà Toán kể rằng người xưa nói những ai bị sét đánh chết thì phải có người canh gác mộ, nếu không sẽ bị người ta đào mộ để chặt tay. Họ nói chỉ cần chặt được tay người ấy thì sẽ làm ăn phát đạt. Chỉ cần đi theo hướng chỉ của bàn tay người chết thì sẽ trộm được nhiều của cải mà không bị phát hiện. Có người còn lấy những đốt tay của người bị sét đánh về ngâm làm thuốc gì đó. Bà Toán nói nhiều nhưng tôi không biết mình nghe có đúng không. Bá nói “mãi lu bu với công việc sau đám tang nên bá quên không nhờ người ra canh gác, may mà có hai đứa không thì…”. Chúng tôi ra tới nơi thì họ đã đào gần xong. Nhận ra bá Toán trai, người có máu mặt trong làng nên bọn họ vứt xẻng, cuốc, rạ…bỏ chạy. Bá trai bảo bá gái đưa hai chị em tôi về nghỉ, bá ở lại canh mộ anh Cu. Lúc đó, trời cũng đã nhá nhem sáng. Sương lùng bùng trước mặt chúng tôi.

Về gần tới nhà, chúng tôi lại thấy cụ Nhờ hớt hải đằng trước. Cụ bảo cụ nằm mơ thấy anh Cu về báo mộng là người ta đang đào mộ anh ngoài nghĩa địa. Tôi kể lại đầu đuôi cho cụ nghe rồi cùng chị dẫn cụ về nhà. Cụ thở phào, nghe nỗi đau đang vướng mắc trong lòng đâu đó. Ba người chúng tôi đi bên nhau, nhường lời lại cho bình minh đang dần đội núi. Vài tiếng gà gáy sáng vang lên, bỗng dưng nghe buồn và não nề thấy lạ!

7. Anh Cu mất được ba ngày thì chị tôi phát điên. Chị không còn biết gì nữa. Chiều nào chị cũng đi lang thang dọc con sông. Tiếng cười của chị nghe rợn cả người, có gì đó còn não nề hơn tiếng khóc. Mà có một điều rất lạ, thường ngày chị tôi rất hay khóc và rất dễ khóc. Có khi tôi đã tưởng người chị làm bằng nước, cứ chọc tay vào là nước sẽ chảy. Thế nhưng khi anh Cu chết, chị tôi không hề rơi một giọt nước mắt. Tôi cứ nghĩ rằng chị sẽ phải là người khóc nhiều nhất mới đúng. Tôi không hiểu tại sao, và cũng không cố tìm hiểu làm gì. Đôi mắt chị ráo hoảnh và hình như là cứ đau đáu nhìn về một cái gì đó. Ngày xưa tôi từng say đôi mắt ấy, bây giờ, đôi mắt ấy lại làm tôi lạnh cả người. Miệng chị lúc nào cũng lẩm bẩm như người đang cầu kinh. Tôi không thể nghe rõ chị nói gì, và không biết trong âm thanh thì thầm ấy, có tên anh Cu, và có tên tôi hay không.

Tôi nằm thiếp đi ngoài hiên nhà, nơi mảnh trăng mỏng thé hắt ánh sáng nhàn nhạt xanh. Nhưng bây giờ, trời đang chập choạng tối. Mảnh trăng còn chưa lên. Tôi nhìn ra xa phía con kênh có màu ráng hồng in hằn lần cuối rồi chìm vào giấc ngủ. Cơn mơ đưa tôi đến nơi nào đó hoang vắng, lạ lẫm nhưng lại rất nhiều gương mặt thân quen. Chỉ có điều tôi không thể nhớ tên. Tôi muốn cất tiếng gọi nhưng miệng cứ cứng lại như người câm. Tôi thấy anh Cu đang dắt tay chị đi, trên tay chị cầm mấy bông lục bình tím nhợt nhạt. Tôi cố gọi nhưng không được. Tôi chạy theo thì liền bị mấy người xung quang túm tay giật lại. Tôi vùng vẫy nhưng càng cố thì họ càng túm chặt hơn. Rồi bỗng dưng tôi khóc thật to, hình như tôi gào thét. Và rồi tôi choàng tỉnh. Tôi không thấy chị đâu. Không ai bên mình cả. Người tôi lạnh toát, mồ hôi hột còn đọng quanh trán và rịn khắp cả người. Tôi vùng dậy chạy đi tìm chị. Mắt trái tôi giật liên hồi. Kệ! Tôi chạy khắp nơi trong cái làng nhỏ bé này nhưng vẫn không thấy chị đâu. Tiếng tu hú từ ngọn đồi bên cạnh vọng ra nghe thật khủng khiếp. Tôi vẫn chạy. Tiếng tu hú vẫn vọng liên hồi…

Ra tới bờ kênh, tôi thấy lòng hoang vắng, cảnh vật hoang vắng. Chỉ có ráng chiều nhuộm con kênh một màu mỡ gà và có chỗ đỏ lên hình tròn như mặt trời vừa rụng xuống đó. Tôi nhìn thấy hai khóm mây như hình hài anh Cu và chị tôi đang nắm tay nhau bước về phía mình. Anh Cu cười, và chị tôi cũng thế. Trong hoàng hôn, tôi nghe lòng mình nhẹ tênh, tôi mỉm cười theo chị. Trong khoảnh khắc ráng chiều biến mất và màn đêm đổ ụp xuống, tôi kịp nhìn thấy hai khóm mây tan vào nhau, vô hình dạng…


Tranh của họa sĩ Thành Chương.

ĂN LỤC BÌNH

Con kênh nhỏ nối giữa làng tôi với làng thằng Lực vẫn lai láng dòng nước đục ngầu màu gạch. Bà nội nói đó là màu phù sa. Phù sa là cái gì hả bà? – Tôi ngờ ngợ hỏi nội. Phù sa để bón cho lúa tốt, để nội với cháu có cơm ăn. Tôi thôi không hỏi nữa. Và tôi cũng lấy làm lạ với chính mình hôm nay. Như mọi lần, tôi phải đưa ra hàng chục câu hỏi và bắt nội trả lời cho kỳ được mới thôi. Lắm khi những câu hỏi lục vấn của tôi làm nội bực mình. Nhưng tôi vẫn cứ hỏi, hỏi cho khi nào cảm thấy không thể đặt một câu hỏi nào nữa mới thôi. Có lần, nội muốn phát điên với những câu hỏi ngây ngô của tôi, nội quát: “mày kêu bố mẹ mày về mà hỏi”. Xong rồi nội hối hận lắm khi nhìn thấy hai con mắt tôi đỏ hoe. Làm sao tôi biết bố mẹ tôi đang ở đâu để gọi về mà hỏi? Người ta nói bố mẹ tôi chết rồi. Tôi hỏi họ chết là gì. Có người nói chết là lên thiên đàng. Người nói chết là xuống âm phủ. Còn thằng Lực nói chết là trở về với Chúa Giê-su. Thằng Lực hơn tôi bốn tuổi nhưng chẳng bao giờ tôi gọi nó bằng anh. Mà nó cũng chẳng gọi tôi bằng em. Nó gọi tôi là Vịt Giời. Còn tôi gọi nó là Đầu Trâu.

Mỗi buổi chiều, Đầu Trâu lại bơi qua con kênh, đến lôi tôi chạy ra cánh đồng. Hai đứa cùng thả diều và chơi đủ thứ trò. Tôi luôn thắng nó trong trò chọi gà. Còn nó lại biến tôi thành kẻ bại trận trong trò sấp ngửa. Hôm nay trời thật đẹp. Trong xanh và lộng gió. Diều của chúng tôi cao vút tưởng chừng như sắp chạm vào đám mây kia. Hai đứa cùng nằm trên bãi cỏ cằn cỗi và ngắm mây trời, ngắm lung tung.

– Ê, Vịt Giời! Lớn lên mày sẽ làm gì?

– Tao ấy à? Tao làm nghề như nội tao.

– Thế nội mày làm gì?

– Nội tao á? Tao không biết.

– Con khùng! Không biết sao mày lại đòi làm nghề như nội?

–  Kệ tao! Thế mày sẽ làm gì?

– Tao…Tao làm phi công.

– Phi công là cái gì hả mày?

– Ngu thế! Phi công là người lái máy bay trên bầu trời đó. Mày có thấy chiếc máy bay kia không. Đó đó. Tao sẽ lái mày đi hái mây nhá. Mày muốn đi bất cứ đâu cứ nói, tao sẽ lái máy bay chở mày đi.

– Ê, thế có hái được mặt trăng không mày?

– Dễ ợt! Mày thích hả? Hôm nào tao hái cho.

– Không! Tao không thích! Tao muốn hái nó thu đi. Vì cứ mỗi lần mẹ tao về thăm tao được tí tẹo rồi lại ngồi lên mặt trăng bay đi mất. Mai mày lái máy bay lên hái nó rồi ném xuống con kênh đi nhá.

Thằng Lực quay sang nhìn tôi hồi lâu rồi im lặng. Sau cùng nó nói:

– Thôi, tao phải về đây. Con Mực sắp chết đói rồi.

– Sao mày ngu thế, không mang nó qua đây.

Thằng Lực về rồi, còn lại mình tôi trên cánh đồng đã nhuốm một màu tối om. Tiếng ếch nhái vọng lại từ xa xa. Còn gần bên tai là thứ âm thanh quen thuộc của bọn côn trùng. Thằng Lực là đứa bạn duy nhất của tôi. Thế giới của tôi có thêm nội nữa là ba. Còn thế giới của nó thì chỉ có mình tôi với nó, à, cả con Mực nữa, cũng là ba. Sao tự nhiên hôm nay nó về sớm thế không biết. Tôi còn chưa kịp gọi nó một tiếng Đầu Trâu nào. Chán chết đi được. Chẳng có ai mà nói chuyện. Nằm ngắm sao trời một mình cũng buồn. Cái thằng Đầu Trâu chết tiệt, lẽ ra nó phải dắt theo con Mực chứ.

***

Mới sáng sớm đã thấy thằng Lực lội bì bõm từ dưới con kênh lên, lần này nó dắt theo cả con Mực nữa. Thấy tôi, nó cười hớn hở:

– Ê, Vịt Giời. Mày làm gì mà ra đây sớm thế?

– Ừ. Tao đi xem hoa lục bình. Mày cũng xem đi. Nó như một cái chùa hình tháp. Sao hôm nay mày sang sớm thế?

Nó cười và lại ngồi bên tôi:

– Này Vịt Giời. Tao biết sau này mày sẽ làm gì rồi.

– Tao á? Làm gì? Sao mày biết?

– Tối qua tao nằm mơ thấy sau này mày sẽ làm nhà văn đó.

– Nhà văn là cái quái gì? Tao vừa nghĩ ra tao sẽ làm gì rồi. Tao sẽ trồng lục bình.

– Mày ngu lắm. Nhà văn là người viết văn, viết sách. Những trang sách mà mày hay bảo nội đọc cho tao với mày nghe đó, nhớ nữa không?

– A! Tao nhớ rồi. Cái gì nhỉ? “Sóng ở đáy sông”. Nội đọc “Sóng ở đáy sông” đó.

– Ừ. Sau này mày sẽ làm như thế. Mày sẽ viết và người ta sẽ đọc.

– Thế tao viết lại cái “sóng ở đáy sông” mà nội đọc à?

– Có ai ngu hơn mày nữa tao cho tiền. Mày viết những cái mà người ta chưa viết ấy. Mày thích viết gì cũng được sất.

– Thật không mày? Thế tao viết về mẹ có được không? Về lục bình nữa. Rồi về cả mày, cả tao, cả nội và cả con Mực nữa. Được không mày?

– Tất nhiên là được – Đầu Trâu gật đầu cái rụp. Nó vỗ vai tôi – Mày viết đi.

– Được. Tao viết. Nhưng mai mày đi xin cho tao tờ giấy với cây viết nhá – Tôi nghe lòng mình háo hức..

– Tưởng cái gì. Dễ ợt! Mai tao mang cho mày cả cuốn tập luôn. Cho mày viết cho đã – Đầu Trâu cười ngoác miệng. Rồi, đột nhiên hắn đứng dậy – Thôi tao về nhá. Mai tao sang.

Đầu Trâu về rồi. Tôi mơ màng nghĩ về những điều tôi sẽ viết. Nhiều lắm. Như nước của con kênh này. Như hàng ngàn bông lục bình tím ngát đằng kia. Sao hôm nay thằng Đầu Trâu khôn thế.

Tôi chạy về khoe với nội. Chẳng thấy nội đâu. Tôi gọi rát cả họng cũng chẳng thấy nội trả lời. Tôi chạy ra giếng thì thấy nội đang nằm dưới đất, bên thành giếng. Tôi gọi và lay mạnh người nội nhưng nội cứ nằm im, không thèm trả lời tôi. Tôi gào lên và không hiểu sao tự nhiên nước mắt tôi cứ tuôn ra, mà tôi có khóc đâu. Đôi đâu có biết khóc…

Hôm sau người ta đưa nội ra bãi tha ma. Họ nói nội đã chết và quấn lên đầu tôi vành khăn màu trắng. Họ nói là khăn tang, nội chết nên phải để tang cho nội.

***

Tôi chạy ra bờ kênh và nhìn sang phía bên kia tìm Đầu Trâu. Đã gần tối rồi mà chẳng thấy Đầu Trâu đâu cả. Tôi tìm nó không phải để hỏi tập, hỏi viết. Tôi tìm nó để nói với nó rằng nội chết rồi. Thế giới của tôi chỉ còn lại tôi với nó, chỉ có hai nữa thôi, chẳng là ba nữa.

Trời tối rồi cũng chưa thấy nó đâu. Ngồi chờ mãi và tôi ngủ quên bên bờ kênh. Tỉnh dậy đã thấy trời sáng. Thấy những bông lục bình lại tím ngát cả con kênh. Cái thằng Đầu Trâu này, không biết đi đâu rồi. Nói với người ta mai sẽ sang vậy mà đã hết một ngày mai rồi vẫn chưa thấy đâu cả. Đói quá, tôi lội xuống hái mấy bông lục bình lên ngồi ăn. Vừa ăn tôi vừa đợi Đầu Trâu. Giá như tôi biết bơi thì hay biết mấy. Tôi sẽ bơi qua con kênh và tìm thằng Lực.

Tôi lại thiếp đi bên bờ kênh dập dờn những dòng lục bình tím ngát. Và khi tỉnh dậy, Đầu Trâu cùng con Mực đang ngồi bên cạnh, lấy nhành cây che cho tôi đỡ chói mắt. Lòng tôi chợt lóe lên một ngọn lửa ấm áp, và một cảm giác gì đó bình yên lạ lùng. Phải rồi, tôi biết mà. Đầu Trâu sẽ không như nội bỏ tôi mà đi đâu. Đầu Trâu sẽ mãi bên cạnh tôi, thế giới của chúng tôi, chỉ có hai và con Mực nữa, thế cũng đã đủ lắm rồi. Còn nội, tôi biết nội phải đi tìm ba má, nội sẽ kể cho ba má nghe về tôi. Nội sẽ nói cho ba má biết tôi đã nhớ ba má như thế nào. Và nội còn phải kể ba má nghe ước mơ của tôi nữa. Rồi ba má và nội sẽ đứng trên trời cao kia mà nhìn xuống, nhìn tôi, thằng Lực, cả con Mực nữa, và mỉm cười.

– Mày tỉnh rồi hả? Ngủ ngon không? – Giọng thằng Lực nhỏ nhẹ và ấm áp lạ thường.

– Mày đi đâu, sao mấy hôm nay không sang? Tao… tao nhớ mày và con Mực quá!

– Tao xin lỗi. Là tao đi kiếm cái này cho mày nè!

Thằng Lực nói rồi đưa hai tai thu sau lưng ra trước mặt tôi, cười tươi rói. Tôi tròn xoe mắt khi thấy hai cuốn tập và hai cây viết thật đẹp. Chưa bao giờ tôi thấy tập và viết đẹp đến thế. Còn in cả hình hoa cỏ và ngôi nhà trên sông nước. Có cây dừa cao vút, có cây cầu bắc qua sông, và có hai đứa trẻ đang ngồi trên cây cầu ấy, nhìn về phía mặt trời mọc, và một con cún đáng yêu đang đứng bên cạnh, cũng nhìn về hướng ấy. Lần đầu tiên tôi biết khóc. Mà cũng không biết có phải khóc không nữa. Chỉ thấy mắt cay xè và sống mũi cũng cay cay. Tôi khóc vì cảm thấy hạnh phúc, ấm áp khi có những người bạn bên cạnh. Nghĩa là, tôi không bao giờ lẻ loi. Phải. Tôi là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì có Đầu Trâu và con Mực trong cuộc đời. Và…tôi sẽ viết, bằng chính cây viết và cuốn tập của thằng Lực cho tôi. Và…bằng cả trái tim của ba chúng tôi gộp lại.

***

Hơn mười năm trôi qua. Tôi và Lực trở về đứng lại bên bờ kênh ngày xưa. Lục bình vẫn một màu tím ngát. Chúng tôi lội xuống hái bông lục bình, nhìn nhau mỉm cười, và ăn. Và ăn…


Tranh của họa sĩ Bửu Chỉ

LỠ ƠI…

– Lêu lêu, thằng Lỡ không mặc quần.

– Thằng Lỡ không cha, đồ con hoang. Lêu lêu.

– Thằng câm bây ơi. Đồ thằng câm.

Mấy thằng con nít cười ồ, cười nắc nẻ, cười khoái chí. Thằng Lỡ đứng bên vệ đường, tay cầm vắt xôi nắm chặt hơn, miệng mếu máo khóc. Mấy thằng con nít vẫn tiếp tục chọc ghẹo và gỡ tay thằng Lỡ để lấy vắt xôi. Thằng Lỡ nắm chặt hết cỡ và khóc thét lên. O Luyên chạy từ trong nhà ra, bặm miệng và giơ tay dọa đánh mấy đứa trẻ để bảo vệ con mình. Thằng Lỡ thôi khóc, tay vẫn nắm chặt vắt xôi. O Luyên cúi xuống, cười nụ cười như mặt biển trước hoàng hôn không có sóng. Thằng Lỡ thấy mẹ cười thì cũng nhăn răng cười. Hai mẹ con dắt nhau đi khi bóng chiều chập choạng tắt.

***

Người ta kể lại rằng o Luyên bị câm khi mới sinh ra. Không nghe ai nhắc gì tới ba mẹ hay bà con thân thích gì, chỉ thấy cứ chiều về, có người đàn ông tới căn nhà xiêu vẹo ngoài cánh đồng hoang, dúi nắm gì đó vào tay o, rồi đi mãi vào bóng đêm hun hút cuối con đường. Ngày này qua tháng khác, người đàn ông vẫn đi lại, có khi câm lặng, có khi cúi mặt nghe giọt mặn chực trào khỏi khóe mắt cay xè. O Luyên lớn dần lên với mùi bùn đất và những ngọn đòng đòng mùa lúa trổ bông. Thấy o Luyên vặt cây lúa tút đòng đòng ăn mỗi sớm mai thức dậy, người bực, người thương, người ném cho vài câu chửi thề tục tĩu rồi đi, mặc o Luyên ngồi khóc. Như một quy luật bù trừ, mất cái này, được cái kia, o Luyên không nói được, nhưng nghe được, và nghe rất thính. Nên, ai nói gì o Luyên đều nghe thấy, vui thì cười, buồn thì khóc, cũng có khi cả khóc cả cười. Có lẽ thấy vậy nên người ta càng muốn chọc cho o Luyên cho vui làng vui xóm. Nhất là mấy đứa con nít, cứ mỗi lần thấy o Luyên đi qua, cả đám lại reo hò.

– O Luyên áo xấu. Lêu lêu.

– Lêu lêu lêu… O Luyên áo xấu! O Luyên áo xấu! O Luyên áo xấu…

O Luyên nhìn xuống áo quần tả tơi, cáu bẩn và bàn chân trần đen nhẻm, móng vàng khè, mếu máo. Rồi, o bật khóc tức tưởi, để lộ hàm răng thiếu nguyên hai cái răng cửa hàm trên, cũng vàng khè và cáu bẩn. O Luyên ngồi bệt xuống lòng đường, khóc bù lu bù loa. Đám con nít thấy vậy thì càng khoái chí, reo hò inh ỏi, sà vào cầm áo o Luyên kéo. Chiếc áo rách rưới đã bợt chỉ, kêu “roạt” rồi rách ra cả bửng lớn, để lộ bờ vai đen đúa. Bọn trẻ cười ngả nghiêng, reo hò. O Luyên gạt nước mắt, trừng trừng nhìn bọn trẻ, rồi, bặm môi giật đại cành cây bên đường quất túi bụi về phía đám con nít. Bọn trẻ thấy vậy thì hò hét nhau chạy toán loạn. Tiếng cười nắc nẻ của đám con nít hòa lẫn trong tiếng khóc tức tưởi của o Luyên nghe chát chúa.

Trời chiều đổ mưa. Mưa giông ầm ào. Mùa này, những cơn giông thường hay đến lúc chiều về. Tiếng bước chân người chạy vội vã. Tiếng xúc lúa chạy mưa nghe ràn rạt, hấp tấp. O Luyên vẫn ngồi đó, bên vệ đường, với vẻ mặt chụ ụ và bộ áo quần vừa rách thêm một mảng to. Manh áo mỏng theo mưa dính bết vào người, ôm sát khuôn ngực trần phập phồng lạnh. Mảnh vải rách khá to để lộ bờ vai trần đen và săn chắc. Vài người đàn ông đi qua, ngấp nghé mắt nơi khuôn ngực lồ lộ, rồi vụt đi, chẳng dám nhìn lâu hơn nữa, cũng không biết vì sao. O Luyên đứng dậy, lùi lũi đi trong mưa. O thôi khóc, dòng nước mưa chảy qua miệng mặn đắng.

Trên đoạn đường dẫn ra nhà o Luyên, lão Thông lùa đàn vịt đi ăn lúa trôi theo những con nước nhỏ ven đường. Thấy o đi tới, mặt buồn thiu, lão Thông ra chiều thông cảm.

– Ai lại trêu chọc mày à?

O Luyên ngước nhìn lão Thông, rồi gật lia lịa, đưa một tay ra ngang ngực và một tay giơ ngón tay cái lên.

– Mấy đứa con nít lại chọc áo xấu chứ gì? Kệ mẹ tụi nó, hôm nào bắt được, tao đánh cho trận – lão Thông tỏ ra hào hiệp mà mắt thì cứ nhìn chằm chằm vào khuôn ngực lồ lộ dưới mảnh áo ướt nhẹp của o Luyên.

O Luyên nghe lão Thông nói vậy, lại gật đầu lia lịa và nhăn răng cười.

– Sao áo quần ướt hết thế kia? Lại đây tao xem.

Lão Thông kéo o Luyên lại trước mặt mình. Lão nhìn trước sau, con đường không một bóng người, chỉ có tiếng mưa ầm ào và tiếng đàn vịt “cạp cạp” quyện lẫn vào nhau. Lão nhìn ngực o Luyên, nuốt nước bọt như vô thức. Lão để hai tay lên ngực o, thở hổn hển.

– Đừng để bị cảm lạnh nghe không? Quý lắm đó – Lão Thông bóp mạnh ngực o Luyên khiến o cúi người, cười khùng khục.

Không biết o Luyên nhột, hay là thích thú, lão Thông thấy o cười thì càng làm tới, hai ngón tay cầm lấy đầu ti đen sẫm sau manh ảo mỏng ướt nhẹp của o Luyên, vàu vò. O Luyên lại cười khùng khục. Lão Thông càng vàu mạnh và o Luyên càng cười. Tiếng cười của o văng vẳng trong màn mưa ngày càng dày…

***

Thằng Lỡ lên ba, vẫn không biết nói, cũng chẳng biết cười, chỉ ngờ nghệch khóc rồi lăn ra ngủ. Căn nhà tồi tàn trên cánh đồng của o Luyên có thêm đôi người thường lui tới. Có người mang cho hai mẹ con o chén cơm nguội và vài miếng thịt mỡ thừa. O Luyên không chê của cho bao giờ. Ai cho gì, o cũng ăn, cũng nhăn răng cười với họ.

– Ăn đi, có tí sữa mà cho nó bú, chứ mi còi rồi, đừng để cho nó còi nữa, tội nó – người đàn bà trạc 60 tuổi vừa nói với o Luyên, vừa vuốt vuốt mấy sợi tóc lưa thưa của thằng Lỡ đang nằm ngủ trên nền đất.

Miếng cơm trong miệng o Luyên chững lại. Rồi, o trệu trạo nhai, nuốt khó nhọc miếng cơm xuống cổ. O và thêm miếng nữa, to hơn, gắp miếng thịt mỡ bỏ vào miệng nhai thật nhanh, rồi nuốt cũng thật nhanh. Người đàn bà nhìn o Luyên, thở dài thườn thượt. “Ông trời thật khéo đùa giỡn” – người đàn bà ném lại câu nói rồi đứng dậy, phủi đít quần đi về. O Luyên vẫn tiếp tục và cơm và gắp từng miếng thịt mỡ ăn ngấu nghiến. Ăn được hơn nửa chén cơm thì thằng Lỡ cựa người rồi bật khóc. O Luyên vội vàng để chén xuống đất, đỡ thằng Lỡ ngồi dậy, ôm nó vào lòng. Muốn nựng con một tiếng, muốn ru con vài câu nhưng đành chịu, chỉ có thể ôm thằng Lỡ vào lòng, xoa xoa lưng.

Ngồi ở nhà mãi rồi không biết lấy gì mà ăn, lấy sữa đâu mà cho con bú, o Luyên đâm hoảng. Cũng không hiểu vì sao, người đàn ông thường hay ghé lại mỗi chiều, mang cơm cho o Luyên không còn lui tới nữa. Nghe đâu, chiều hôm trời âm u, người đàn ông lại tới, mua rất nhiều món ngon. O Luyên cười tít mắt, cầm tay bốc ăn một cách ngon lành. Đó là lần đầu tiên người đàn ông ấy cười. Nhưng rồi, ngay sau đó, o Luyên chạy ra vườn, nôn thốc nôn tháo ra những thứ vừa ăn xong. Người đàn ông chạy theo ra, lo lắng. Ông nhìn o Luyên hoài nghi, đi lại xem gì ở cổ o Luyên, rồi cầm lấy cổ tay bắt mạch. Mặt người đàn ông tái mét, rồi nhanh chóng chuyển sang giận dữ. Ông giáng xuống mặt o Luyên một cái tát mạnh, và đau. O Luyên ôm mặt, nhìn người đàn ông sững sờ. Giọt nước mắt o Luyên chưa kịp trào ra khỏi vành mi thì người đàn ông đã bỏ đi, không để lại một câu nói, hay một ánh nhìn nào nữa. O Luyên không khóc, giọt nước rỉ ra rồi cô lại đặc quánh xung quanh vành mắt. Như vô thức, o đưa tay xuống bụng, mắt lọt thỏm giữa khoảng không đang loang lổ tối trước mặt.

Từ đó, người đàn ông ấy không bao giờ lui tới nữa.

O Luyên bế thằng Lỡ đi lang thang đầu làng cuối xóm, cứ thấy nhà nào có đám cưới, hoặc đám ma, thì sà vào. Mọi người đang ăn cỗ, thấy mẹ con o Luyên, người thì khịt mũi khoát tay, người thì thương tình, vắt cho vắt xôi và miếng thịt gà, bảo hai mẹ con ra ngoài mà ăn cho thoải mái. O Luyên lại nhăn răng cười, gật đầu lia lịa rồi cầm vắt xôi và miếng thịt gà đi. Ra ngoài, o Luyên đặt thằng Lỡ ngồi xuống bên vệ đường, và dở vắt xôi ăn. Thằng Lỡ đói, khóc tréo lên, tay bíu lấy tay o Luyên đang cầm nắm xôi vừa cắn được một miếng. O Luyên đói lả, mặc thằng Lỡ khóc, o ăn lấy ăn để vài miếng, cho đỡ run tay run chân. Thằng Lỡ khóc to hơn. O Luyên khựng lại nhìn con, rồi nhai miếng xôi đút cho thằng Lỡ. Không thèm biết cái gì, cứ thấy có ăn là thằng Lỡ nuốt chửng. O Luyên lại nhai miếng khác đút cho con. Thằng Lỡ ăn lấy ăn để, rồi ho sặc sụa, mặt mày tái mét. O Luyên quăng cả vắt xôi và miếng thịt gà, vuốt vuốt ngực, đập đập lưng cho thằng Lỡ. Thằng Lỡ nôn ra hết sạch, mặt nhợt nhạt, thở phì phò. O Luyên ôm con, khóc. Vắt xôi còn hơn nửa và miếng thịt gà nằm chỏng chơ, dính đầy đất cát.

***

Khi cơn giông ngưng lặng cũng là khi người đàn ông rời căn nhà tồi tàn trong bóng đêm để đi về phía có ánh sáng. O Luyên lặng lẽ khoác lại bộ đồ hôi hám và cũ nhàu thường ngày. Có vệt máu đỏ ửng khi tia chớp lóe lên ngoài trời, xuyên thủng mái che đã bợt màu thời gian. Mặt o Luyên tái mét, mếu máo, rồi òa khóc như một đứa trẻ. Đêm đó, o không ngủ. Đêm đó, o nằm trằn trọc mong trời sáng. Nỗi sợ hãi quá lớn khiến o muốn chia sẻ với một ai đó. Cơn giông đã ngưng hẳn. O Luyên nằm lắng nghe tiếng gió thì thào xô những vạt lúa bên ngoài. Nằm như thế, cho đến khi bình minh bắt đầu bóc dần mảng bóng đêm lờ mờ, o Luyên vội vàng dậy, nhìn về phía có lác đác vài tiếng nói cười và tiếng cắt lúa nghe ràn rạt. O Luyên mừng rỡ, đi nhanh về phía ấy.

Người phụ nữ cúi lom khom gặt lúa, vội đứng dậy, cởi chiếc nón lá đội trên đầu xuống, quạt quạt cho mát, rồi mới thong thả hỏi.

– Làm sao?

O Luyên chỉ chỉ tay xuống đũng quần vá chằng chịt mấy lớp, rồi dùng một ngón tay chặt chặt ngón tay khác, rồi rùng mình, khóc lên. Người phụ nữ chau mày, không hiểu o Luyên đang muốn nói gì. Thấy cách diễn đạt không tác dụng, o Luyên vội đưa ngón tay lên miệng cắn mạnh cho chảy máu. Người phụ nữ hoảng hốt cầm tay o Luyên.

– Mày điên à. Sao tự cắn mình cho chảy máu?

O Luyên “ư ư” lên mấy tiếng, rồi lại chỉ tay xuống đũng quần. “Thôi chết!” – Đáy mắt người phụ nữ lặng đi nơi chiếc quần rách rưới của O Luyên.

– Khổ mày rồi con ạ! Sao mà dại thế hả? Thế đứa nào? Đứa nào làm mày?

O Luyên ngẩn người đi giây lát, rồi chỉ tay về phía đường làng, nơi có ngôi nhà to lớn đằng kia. Người phụ nữ lặng đi, không nói thêm gì. O Luyên cũng cảm thấy đã thỏa mãn khi chia sẻ nỗi sợ hãi của mình, lặng lẽ đi về phía con đường làng.

Mặt trời bắt đầu nhô lên cao. Sau cơn giông, mọi thứ dường như xơ xác. Những hạt mưa còn đọng lại trên đóa trinh nữ bên vệ đường, chẳng còn nguyên vẹn nữa màu hồng. Lão Thông lại lùa vịt ra đồng, vừa thấy o Luyên, lão vội vàng lùa đàn vịt đi hướng khác. O Luyên chạy theo lên phía trước, phô hàm răng thiếu hai chiếc răng cửa phía trên ra cười với lão Thông. Sao mà lúc này, lão ghét o Luyên đến thế. Lão chỉ muốn cầm que lùa vịt, quất cho o vài cái. Nhưng lão không dám. Lão sợ những lời đàm tiếu, sợ vợ con lão nổi điên, mà khi đàn bà nổi điên, sợ lắm. Nghĩ tới nghĩ lui, lão chẳng nói gì, vội vàng lùa đàn vịt đi cho khuất mắt. O Luyên chưng hửng nhìn theo.

Trở về ngôi nhà tồi tàn, o nằm dài ra chiếc chiếu cói đã bợt bạt giữa nhà. Vệt máu từ đêm qua đã khô và sẫm màu, khiến chiếc chiếu trông càng bẩn thỉu và hôi hám.

Từ dạo đó, lão Thông không chịu giáp mặt với o Luyên nữa. Cứ thấy o Luyên ở đâu là lão tránh ở đó. Nhất là từ hôm lão lùa đàn vịt đi ăn và nghe người ta kháo nhau rằng o Luyên không chồng mà chửa. Người ta không trách o, vì o ngờ nghệch, không học không hành. Họ chửi thằng làm cho o Luyên có bầu, thiệt loại súc sinh, làm hại cả con câm rách rưới. Lão Thông chột dạ, thấy mặt nóng ran. Lão không nói gì, lẳng lặng lùa đàn vịt đi chỗ khác.

Bầu được một, hai tháng thì o Luyên bắt đầu ốm nghén, ăn ngủ không được, nên vốn xấu nay lại càng xấu hơn, vốn tiều tụy nay lại thêm tiều tụy. Ngày ngày, o Luyên vẫn ra đứng trước đường làng, lắng nghe tiếng “cạc… cạc” của đàn vịt lão Thông đi qua. O chỉ muốn nhìn lão Thông một cái, rồi đi, mặc lão Thông có đáp lại hay không. Có những hôm, bụng đau quằn quại, o vẫn mặc, cứ đứng đầu làng từ sáng cho đến khi trời nhập nhoạng tối và trăng bắt đầu lên. Không thấy bóng dáng lão Thông đâu cả, o buồn lắm, lủi thủi trở về nằm co ro một góc trong căn nhà nhỏ tồi tàn. Ở mi mắt o, rỉ ra hai giọt mặn đặc quánh, lăn dần xuống thái dương và mất hút trong mớ tóc rối bù.

Cái thai trong bụng o Luyên cứ lớn dần theo ngày tháng. Hình hài đứa bé cũng rõ dần lên từng ngày. O Luyên vẫn thường để tay lên bụng để cảm nhận sự sống đang hiện hình bên trong mình. O hay cười hơn. Ra ngoài gặp ai, o cũng cười, chỉ xuống cái bụng giờ đã tròn vo sau lớp áo mỏng bợt bạt để khoe. Thế mới biết thiên chức làm mẹ thiêng liêng và hạnh phúc đến nhường nào. Không còn ai đi lại mang cơm và thức ăn cho o Luyên nữa, o đành phải tự mình đi kiếm ăn. Và lần này, vì đứa con trong bụng, o lại càng phải đi nhiều hơn, phải kiếm cái ăn nhiều hơn, để nuôi mầm sống ấy lớn lên dần. Không ai nỡ từ chối o Luyên khi nhìn xuống cái bụng đang ngày càng lớn. Có người cho thêm quần áo, vì cái bụng của o đã quá cỡ với chiếc áo ngắn cũn cỡn và bạc màu. Đằng sau nụ cười của o, là những tiếng thở dài và những cái lắc đầu chua chát. Họ tội nghiệp cho cô gái mới hai mươi tuổi đầu đã phải chịu quá nhiều bất hạnh, đã phải làm “o”. Cũng có người mừng cho o, ừ thôi kệ, có đứa con sau này nhờ cậy, trong cái rủi có cái may. Không biết vô tình hay hữu ý, nhiều người hỏi o Luyên cha của đứa bé là ai. O thoáng buồn, rồi lại cười hề hề chỉ chỉ tay vào ngôi nhà đồ sộ của lão Thông ngay đầu làng. Thế là, tiếng lành đồn gần tin dữ đồn xa tới tai vợ con lão Thông. Không ai biết đêm đó xảy ra chuyện gì, chỉ nghe tiếng đồ đạc vỡ, tiếng chửi bới mà không hề nghe thấy tiếng cự cãi nào. Từ dạo đó, không còn thấy lão Thông lùa vịt đi ăn nữa. Nghe đâu, vợ lão, hay chính lão, đã thuê con Dần thọt chân đi chăn vịt thay, lo cho nó ngày hai bữa cơm và một chỗ ngủ tương đối ấm cúng dưới chuồng vịt.

Những cơn giông chuyển mình về đêm. Nhà dột khắp nơi, o Luyên không có lấy một vùng khô ráo để trải chiếc chiếu cói ngủ. Cái thai tháng thứ bảy làm o thêm ì ạch mệt. Bàn chân mầm sống trong bụng o Luyên khẽ đạp nhẹ. O cười như ngày mùa được nắng, vuốt ve lên vùng bụng căng tròn, chỉ mong tới ngày nghe tiếng o oa của mầm sống chào đời. Nhưng… niềm vui ấy chưa vẹn tròn thì đã vọng bên tai o Luyên những bước chân chát chúa. Trong ánh đèn dầu tù mù, hai bóng người ập tới, lao về phía o Luyên và đánh tới tấp. O chưa kịp ư a kêu lên vài tiếng đã ngã quỵ xuống nền đất sũng nước. Máu từ giữa hai đùi non của o Luyên loang lổ ra quần, và loang xuống cả nền đất trong ánh sáng tù mù.

***

Thằng Lỡ ngồi bên vạt lúa tút mấy ngọn đòng đòng mọc lên từ cuống rạ sau mùa gặt, ăn ngon lành. Xa xa trên ruộng lúa ngả vàng, o Luyên đang đuổi theo bắt những con châu chấu sữa béo mùm. Mấy đứa nhỏ, thay nhau chọc o Luyên bằng những câu đùa ác ý thường ngày, với hi vọng o Luyên sẽ khóc mà bỏ về, để tụi nhỏ bắt được nhiều châu chấu hơn. Nhưng… o mặc, không thèm khóc, cũng chẳng thèm cười. Bây giờ, o chỉ muốn bắt thật nhiều châu chấu, để trưa nay hai mẹ con có bữa no. Châu chấu về vặt hết cánh và chân, rang mỡ thì ngon phải biết. Thằng Lỡ thấy châu chấu vàng ươm trên đĩa, vội ăn ngấu nghiến. O Luyên thấy vậy, chẳng cần ăn cũng no tới tận mang tai.

Khi mùa châu chấu qua đi, o lại men theo những bờ kênh nhỏ bắt cua đồng. Thằng Lỡ thích ăn gạch cua và chỉ ăn mỗi gạch cua. Không ít lần o Luyên bị rắn nước cắn vì móc nhầm hang rắn ở, cũng chẳng hề hấn.

Thằng Lỡ lên năm, cũng chẳng thấy nói cười gì. Cứ ngờ ngệch ăn rồi ngủ. Nó cũng chẳng còn bú mẹ nữa, có lẽ vì, núm vú không nhai đi nhai lại cũng chán. Tai thằng Lỡ càng ngày càng to. Cái bớt giữa lòng bàn tay trái thằng Lỡ ngày nào màu xanh, nay bỗng dưng chuyển màu đỏ lự, không hiểu vì sao. Người ta cũng không thèm quan tâm đến cái bớt to như củ lạc ấy của thằng Lỡ. Cái họ e ngại là đến giờ thằng Lỡ vẫn không biết nói năng gì. Người ta lo cho nó rồi sẽ giống mẹ, khổ cả hai mẹ con. Họ còn nhớ như in cái đêm hôm mưa gió của năm năm về trước, mấy người đi soi nhái ban đêm, thấy o Luyên nằm bất tỉnh ngay liếp cửa hờ không khép, máu loang lổ chảy. Người ta lật đật đưa o vô trạm xá. Đêm đó, o Luyên sinh non thằng Lỡ. Mấy cô y tá dùng dằng, vì chỉ cứu sống được một trong hai. Chẳng có ai là người nhà của o Luyên nên không ai lên tiếng cứu sống o, hay giữ lấy đứa trẻ. Cuối cùng, mấy cô y tá tự quyết, cố gắng cứu lấy cả mẹ và con, còn lại, đành nhờ cậy vào số trời. Rồi, như một phép màu, các y tá vỡ òa, người đưa o Luyên vô trạm xá vỡ òa, khi thấy mẹ tròn con vuông. Thằng Lỡ khóc thét lên ngay khi chào đời, tiếng khóc văng vẳng đòi ăn. O Luyên dù đã mệt lả, mồ hôi rịn ra ướt nhẹp cả mớ tóc bù xù trên trán, vẫn cười sung sướng, hở hàm răng thiếu mất hai cái, đón thằng Lỡ từ tay y tá, bắt vạt áo cho thằng Lỡ bú ngon lành. Dù lúc đó sữa chưa có, nhưng kệ, o cứ làm những gì mà sự thiêng liêng của thiên chức làm mẹ mách bảo.

Cũng không hiểu vì sao, thằng Lỡ lại có tên là Lỡ. Người ta theo nhau gọi, chẳng biết cái tên đó bắt nguồn từ đâu. Ai gặp o Luyên cõng thằng Lỡ đi xin ăn, kéo tay o lại hỏi sao đặt tên con là Lỡ, o chỉ cười hềnh hệch. Nhưng khi người ta hỏi cha thằng Lỡ là ai, thì o Luyên lại bật khóc, khóc tu tu, tay chỉ chỉ vào nhà lão Thông đầu làng. Người ta hỏi cho có hỏi thế thôi, chứ ai cũng biết tỏng câu trả lời từ lâu. Mà cũng lạ. Từ cái đêm hôm mưa gió năm năm về trước ấy, nhà lão Thông sa sút trầm trọng. Đàn vịt bỗng dưng lăn đùng ra chết. Chó mèo cũng lăn đùng ra chết dần chết mòn. Người ta kháo nhau rằng, lão Thông “ăn vặt” quen miệng, cứ đêm đến lại lẻn xuống chuồng vịt ngủ với con Dần. Có lần, mụ vợ lão Thông đi cầu, con Dần trong lúc sung sướng, kêu to quá nên bị mụ bắt quả tang. Con Dần bị đánh què luôn chân kia, giờ thành thọt hai chân, đi cà nhắc cà nhích đến tội. Mụ vợ lão Thông ghen có tiếng trong làng. Chỉ trách lão Thông không biết đường “liệu cơm gắp mắm”, cái tính trăng hoa vẫn không tài nào bỏ được. Mà con Dần cũng không vừa, con gái mà tuổi Dần thì phải biết. Nghe đâu sau lần bị đánh què chân, nó thù mụ vợ lão Thông, thù luôn cả lão Thông đàn ông mà hèn. Thế là, trước khi đi khỏi nhà, con Dần thuốc cho vịt gà và chó mèo chết hết. Vợ con lão Thông khóc lóc. Con Dần hả hê. Xóm làng hả hê trả báo: “Ai bảo sống cho ác lắm vào, giờ thì sáng mắt ra đó. Ác giả thì ác báo, ông trời có mắt lắm”. O Luyên chẳng vui, cũng chẳng buồn. Ngày mai sinh nhật thằng Lỡ rồi. Hôm nay o chỉ muốn xin cho được vài chục, hoặc bó rau, hoặc miếng thịt, để làm cho thằng Lỡ một mâm cơm thật ngon. Chẳng ai nhớ tới ngày sinh của thằng Lỡ, nhưng thấy o Luyên chìa tay xin mà nước mắt ngắn dài, thì không cho không đặng, thôi thì bấm bụng, rút ruột mà cho lấy o vài ngàn, coi như, cũng là một cách làm phước.

Ngày thằng Lỡ tròn 5 tuổi, trời mưa như trút nước, mưa như cái ngày nó chào đời. O Luyên nhìn trời, ngán ngẩm đội mưa đi mua gạo và thức ăn về làm đồ ăn cho con. Thằng Lỡ lon ton chạy theo ra tới cửa khi o Luyên đã khuất hẳn trong cơn mưa mù mịt. Thằng Lỡ vừa khóc vừa mon men đi theo mẹ ra tới con đường đầu làng. Mưa trắng trời. Mưa ném xuống người thằng Lỡ từng giọt đau điếng. Thằng Lỡ vừa quệt mắt cho bớt mưa cay xè. Nước dâng lên lút mắt cá thằng Lỡ, rồi dâng đến cổ chân. Mưa như ai mang nước trút hết ra ngoài. Thằng Lỡ lội bì bõm theo bản năng. Dáng lão Thông to béo lù lù xuất hiện ngay đầu ngõ. Thấy lão Thông, thằng Lỡ không dưng mừng rỡ, cười toe toét rồi cất miệng bập bẹ mấy tiếng “Ba…. Ba”. Mọi người ngước lên nhìn thằng Lỡ, ngạc nhiên. Cuối cùng thì nó cũng nói được. Lão Thông vừa vui, lại vừa sợ. Nửa muốn chạy lại ôm chầm lấy con mình, nửa lại sợ hàng xóm dị nghị, và sợ mụ vợ đang đứng trong nhà nhìn ra. Thằng Lỡ lại bập bẹ thêm mấy tiếng ba, rồi lội nhanh lại phía lão Thông. Nó đạp nước mà đi, như thể sợ lão Thông sẽ biến mất ngay tức thì. Lão Thông đứng như trời trồng, không biết phải làm gì. Thằng Lỡ chạy gần tới lão Thông, đưa cánh tay với thì bỗng có người bế thốc nó lên, và đưa đi. Lão Thông chưng hửng, mấy người đi đường chưng hửng, đứng nhìn theo hai con người rẽ mưa đi khuất. Bóng dáng người đàn ông bế thằng Lỡ đi, trông quen lắm.

O Luyên đi về, không thấy thằng Lỡ đâu. Tìm khắp nhà cũng không thấy. O Luyên khóc lóc chạy ra màn mưa vẫn còn dày kịt, đảo mắt tìm kiếm. Gặp ai, o Luyên cũng đưa tay ngang bụng, khua tay loạn xạ lên hỏi thằng Lỡ. O Luyên bắt gặp lão Thông đầu làng, đang đứng trầm ngâm nhìn về hướng người đàn ông bế thằng Lỡ đi. O Luyên lật đà lật đật chạy lại, cầm tay lão Thông lay mạnh. Mưa trên mắt o cay xè. Mưa chảy tràn vào miệng o mặn đắng. O Luyên ư a lên vài tiếng như muốn nói điều gì, đủ để lão Thông hiểu được. Bất giác, lão Thông ôm chầm lấy o Luyên, ôm thật chặt, rồi buột miệng:

– Lỡ rồi…Lỡ ơi!…

Theo Ngô Thúy Nga/Vanvn