Truyện ngắn Y Mùi: Đường chiều

734

25.3.2018-23:00

 Nhà văn Y Mùi

 

>> Người tử tế

>> Người quê

Đường chiều

 

TRUYỆN NGẮN CỦA Y MÙI

 

NVTPHCM- Đã gần bảy giờ sáng nhưng mụ Tân vẫn nằm yên vị trên giường nghe mưa rơi. Mụ bất chợt thở dài. Tiếng mưa bao giờ cũng gợi cho mụ một cảm giác rất buồn. Mụ Tân càng buồn hơn vì trận mưa nước lên lần này cứ dầm dề, dai dẳng. Cảm giác buồn não lòng mỗi khi trời mưa đã ngấm từ từ, ngấm dần dần vào mụ Tân theo năm tháng suốt từ tuổi ấu thơ đến tận bây giờ…

 

Hết tuổi lao động nghĩa là đã già. Người già thì lẩm cẩm. Người lẩm cẩm thì hay kể lể linh tinh, chuyện đáng nói thì không nói lại nói những chuyện rất vớ vẩn chẳng đâu vào đâu. Người già ai cũng mắc chứng bệnh đó, tuy mức độ nặng nhẹ còn phụ thuộc vào một loạt yếu tố: tâm lý, tình cảm và mối quan hệ của người cao tuổi với gia đình, xã hội và cộng đồng bao quanh họ.

 

Sự lẩm cẩm ở người hết “đát” quả thật là một chứng nan y trong con mắt những người trẻ tuổi. Mụ Tân cũng không là ngoại lệ. Hơn nữa, là đàn bà nên chứng lẩm cẩm ở mụ Tân càng nan giải. Chẳng lẩm cẩm mà lại ngồi gõ máy tính vào lúc đêm khuya khoắt thế này a? Chẳng lẩm cẩm mà lại thích làm việc khi lẽ ra được nghỉ? Chẳng lẩm cẩm mà lại viết lách vào giờ đáng ra phải ngủ? …

 

Hằng ngày mụ Tân vẫn chơi dài. Cả ngày mai mụ cũng chưa có kế hoạch gì cụ thể thì sao cứ thân làm tội đời, ngồi ôm máy tính vào lúc đêm đã sang canh ba thế này? Đấy, ngay cả cụm từ “sang canh ba” mụ dùng cũng cũ kỹ. Chả là lẩm cẩm rồi ư? Chẳng biết cái máu me văn chương ngấm vào mụ Tân từ bao giờ. Khi còn đi làm, hơn một lần mụ Tân nói: “Mọi người hãy cẩn thận nhé. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nguyên mẫu nhân vật của ta đấy”.

 

Bây giờ mụ Tân bắt đầu thực hiện cái công việc mà người trong giới khẳng định: “viết văn là công việc nhọc nhằn, khổ ải”. Nguyên mẫu nhân vật trong truyện ngắn đầu tay lại chính là mụ, chứ không phải ai khác trong số những người cùng cơ quan, nơi mà mụ đã tiếp xúc, quan sát họ gần hết cả cuộc đời làm công ăn lương. Khi trình làng, truyện ngắn ấy được một giảng viên văn chương khen đó là một truyện tàm tạm. Cốt truyện không mới nhưng văn phong sáng sủa, ngôn từ giản dị. Truyện chiếm được cảm tình của bạn đọc do cách dẫn truyện theo kiểu từ trái tim đến trái tim.

 

Mụ Tân nghe được cứ sướng âm ỉ mãi.

 

***

 

Đã vào giữa mùa thu nhưng thời tiết vẫn như cô gái già trái tính trái nết. Mấy ngày liền mưa tầm mưa tã. Mưa thối đất thối cát. Ngay sau đó lại là những ngày nắng liên tục. Cái nóng lên tới gần bốn mươi độ C như giữa mùa hè. Người ta nói người già như cái hàn thử biểu quả không sai. Sáng nay mụ Tân thấy người đau nhừ như bị đánh, không nhấc được mình lên khỏi giường. Mụ đã già thật rồi.

 

Thật lòng, mụ Tân cũng sợ tuổi già, sợ mà không níu kéo được tuổi trẻ ở lại. Vậy mà không ít người bảo mụ còn ngon lắm. “Sắp nghỉ hưu rồi à? Trông còn trẻ thế mà đã hưu? Có khi trứng vẫn còn cũng nên. Khéo mà vỡ kế hoạch…”. Đó là những câu xã giao có một chút “nịnh đầm” rất sướng cái lỗ tai mụ Tân khi ai đó tếu táo hỏi về tuổi tác của mụ.

 

Hình như là mưa suốt cả đêm. Cứ mỗi lần thức giấc là mụ Tân vẫn thấy tiếng mưa không dứt hạt. Gió không ngừng đổi chiều khiến cho cái vũ điệu của giọt giời thả xuống cũng thay đổi liên tùng tục. Khi gió thổi từ hướng đông bắc về là mưa lại đập ràn rạt vào tấm kính cửa sổ đã được đóng chặt ở phòng ngủ của mụ Tân. Kiểu này là mưa gọi nước lên đây. Thế nào rồi thành phố cũng sẽ lại ngập úng. Các con đường mới, cũ của Thủ đô chả mấy chốc lại trở thành những dòng sông lớn bé giữa lòng thành phố giống như hồi mùa hè. Ai đang sống trong những căn nhà tạm, nền thấp sẽ lại thả sức mà lo che chắn, kê xếp đồ đạc. May, mụ Tân đã thoát cảnh nhà ổ chuột từ mươi năm trở lại đây.

 

Mưa chỉ nhẹ hạt hơn từ khoảng năm, đến sáu giờ sáng. Sáu giờ trở đi mưa lại bắt đầu xối xả. Con ngõ nhỏ dẫn từ đường lớn vào nhà mụ Tân cũng đã dềnh nước tới ngang ống chân người. Nhà của mấy gia đình hàng xóm chưa có tiền cơi nới, xây cất lại đã bị nước tràn vào. Nước ở các ống cống và nước mưa đã hòa thành một dòng đen đục như nước điếu cày lâu ngày không thay rửa. Cái mùi nước thải sinh hoạt hòa trộn với nước mắt của trời rất đặc trưng, ngột ngạt bốc lên tận căn phòng trên tầng hai nhà mụ Tân khai đến nhức đầu.

 

“Mẹ ơi, mẹ chưa dậy à? Mẹ ổn đấy chứ?” – Tiếng cô con gái từ phòng bên vọng sang. Sáng nào cũng vậy, nếu vợ chồng con cái nhà nó dậy mà chưa thấy tiếng động từ phòng bà Tân là cô con gái của bà Tân lại hỏi vọng một câu y như vậy. Thằng cháu tuổi mẫu giáo thì ngó sang phòng bà ngoại nói: “Hôm nay bà dậy muộn hơn cháu nhé. Cháu chào bà, cháu đi học đây ạ”. Sau câu chào là tiếng cánh cửa gỗ đóng sầm. “Con đóng cửa nhẹ thôi” – Mẹ Mai nhắc nó. Tiếp theo là tiếng chàng rể: “Hai mẹ con chuẩn bị nhanh lên. Bố muộn làm rồi”.

 

Tiếng lạch cạch, lộc cộc, lanh canh của cửa gỗ, cửa sắt va nhau. Cuối cùng là sự va chạm của cái khóa treo với cánh cổng sắt. Mụ Tân hình dung ra cửa gỗ, cửa sắt mở rồi đóng qua những tiếng động quen thuộc vọng lên tận phòng ngủ mỗi khi vợ chồng con cái chúng rời nhà.

 

“Lạy trời, ngớt mưa đi” – Mụ Tân lẩm bẩm cầu trời ngừng mưa. “Khổ thân lũ trẻ quá! Nghỉ hưu sướng thật!” – Mụ Tân chợt nghĩ.

 

Đã gần bảy giờ sáng nhưng mụ Tân vẫn nằm yên vị trên giường nghe mưa rơi. Mụ bất chợt thở dài. Tiếng mưa bao giờ cũng gợi cho mụ một cảm giác rất buồn. Mụ Tân càng buồn hơn vì trận mưa nước lên lần này cứ dầm dề, dai dẳng. Cảm giác buồn não lòng mỗi khi trời mưa đã ngấm từ từ, ngấm dần dần vào mụ Tân theo năm tháng suốt từ tuổi ấu thơ đến tận bây giờ.

 

Những ngày còn thơ bé, mỗi khi trời mưa không ra đồng được, thay vì hát những câu hát ru thì lần nào cũng như lần nào mẹ lại ngâm nga mấy câu chả giống thơ cũng chả giống hò vè: “Trời mưa bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Có đói thì con ăn khoai. Con đừng khóc nhé điếc tai láng giềng…”.

 

Lớn thêm một chút cô bé Tân đi học trọ xa nhà. Đêm đêm nằm ngủ khi ngoài trời mưa rơi Tân lại nhớ mấy câu thơ buồn mẹ đã vô tình gieo vào tâm hồn non nớt của cô. Mỗi khi trời trả về đất những trận mưa cho vạn vật sinh sôi thì cô gái quê sớm phải sống tự lập lại thấy nhớ nhà, nhớ mẹ nhiều hơn. Cô ước giá có đôi cánh để bay về sà vào lòng mẹ mà vòi vĩnh: “Con đói mẹ ơi. Nhà có gì ăn được không?”…

 

Vậy mà đã gần qua một vòng đời nữa.

 

Chỉ như cái chớp mắt, vòng đời khác lại đã và đang trôi đi. Mới ngày nào khi con Mai mới lẫm chẫm biết đi, đồng lương công chức thì luôn luôn không đủ chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Nhà thì không có vẫn phải ở nhờ nên hai vợ chồng mụ Tân bàn nát óc cho ra một quyết định táo bạo. Chồng mụ Tân đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu. Lúc ấy anh chồng hai mươi chín tuổi và mụ Tân mới hai mươi sáu tuổi. Họ được cả hai bên nội, ngoại tập trung nguồn lực cho vay không tính lãi để đôi vợ chồng nghèo nhắm tới mục đích đổi đời khi anh chồng mãn hạn xuất khẩu lao động. Tiền dự phòng và đồ trang sức bằng vàng trên tay, trên tai của những người họ hàng được huy động tối đa làm vốn liếng cho chồng của Tân đi học thêm ngoại ngữ và mua hàng mang theo vì biết chắc một điều để tiền ở trong nhà thì tiền chửa, khi đến nước người thì tiền có thể đẻ ra nhiều tiền.

 

Tân và cô con gái nhỏ chờ mòn mỏi trong nghèo khó mong đến lúc đón khúc khải hoàn ca. Năm năm. Bảy năm. Mười năm. Thời gian trôi chậm chạp như dòng nước đổ vào cái ao tù. Người chồng cùng tiền bạc vẫn hun hút phía trời Âu. Thời gian người chồng mới đi, cứ ba tháng một lần Tân nhận được một thùng hàng mười ký lô anh chồng gửi về qua đường bưu điện. Sau này thì bặt bóng chim tăm cá. Không quà. Không cả thư từ.

 

Một người quen cùng đi xuất khẩu một chuyến với anh chồng về báo tin xấu. Chồng Tân đã cặp bồ ngay sau khi sang đến nước bạn một thời gian ngắn. Cô bồ là con gái một nhà buôn ở phố Hàng Đường, rất giỏi giang trong việc buôn bán, kinh doanh. Là con gái nhà giàu nhưng trót dính phải người chồng mê cờ bạc, thích chim chuột. Như bông hoa nhài bị cắm vào bãi cứt trâu nên cô gái hận đời bật đi lao động xuất khẩu cho quên tủi hờn chứ không phải vì muốn có tiền mà đi như đa số người đi lao động xuất khẩu lúc bấy giờ. Mạnh, người chồng bội tình đã chung sống và sinh con cùng cô gái phố Hàng Đường bất mãn với hôn nhân. Trai có vợ gái có chồng chung sống như vậy là vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Họ biết vậy nên tính chuyện không quay về Việt Nam nữa.

 

Uất ức trào lên tận cổ, nếu ở gần chắc Tân sẽ nhảy bổ vào mà cào xé hai đứa gian phu, dâm phụ ấy, băm vằm chúng ra thành nhiều mảnh cho hả dạ.

 

Bên cạnh Tân, người mẹ bị đánh cắp tình yêu chỉ còn bé Mai là điểm tựa, đứa trẻ ngây thơ, giọt máu kết tinh từ tình yêu không vụ lợi của cô với kẻ bạc tình. Sau đó một thời gian khá dài, đời là một chuỗi ngày uất ức, cô đơn, buồn tủi của người vợ trẻ con thơ.

 

Tân trở thành mẹ đơn thân, tuy tờ hôn thú vẫn còn nằm yên trong ngăn tủ.

 

***

 

Hồi mới lấy nhau, vợ chồng mụ Tân phải ở nhờ trong một gian nhà tạm mượn được của một người bà con có họ xa bên nhà chồng. Gọi là nhà nhưng chỉ là cái mái vẩy lợp bằng giấy dầu trên nền đất lấn mương thoát nước dân sinh để làm chỗ tắm rửa, vệ sinh của chủ nhà vừa đủ kê cái giường đơn đã trở thành buồng tân hôn cho đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng mụ Tân ở nhờ cho đến khi sinh con Mai.

 

Mụ Tân ở cữ đúng vào mùa mưa. Với mụ Tân những trận mưa mùa hạ như đổ nước từ trời đã trở thành nỗi kinh hoàng. Ngay từ đầu mùa hạ, cứ mỗi trận mưa đến là một lần mụ Tân lại phải ôm đứa con đỏ hỏn ngồi co cả hai chân lên cái giường cá nhân do chồng mụ Tân tài ngoại giao mượn được của cơ quan.

 

Chồng mụ Tân lấy cái chậu nhựa nhỡ – quà cưới của công đoàn cơ quan múc nước từ trong nhà đổ ra phía ngoài bậu cửa. Cái lỗ có chu vi bằng bắp chân do không còn chức năng như mục đích xây dựng đã được nhét chặt đất lấp lại sau khi mụ Tân biến diện tích đó thành buồng hạnh phúc nay phát huy kịch liệt vai trò phản tác dụng của nó.

 

Nước úng đen xì ngập ngụa tanh tưởi muốn phát nôn, tưởng chừng không thể bẩn hơn từ mương nước ngăn cách với túp lều chỉ là một lượt gạch “ba – banh” gắn với nhau bằng vôi vữa cứ đùn lên nền nhà qua cái lỗ chết tiệt đó. Mụ Tân có cảm giác nếu chồng mụ chỉ ngừng tay múc nước đổ ra sân thì trong giây lát nước sẽ leo lên tận giường. Chồng mụ Tân có cố gắng tát đến mấy thì nước vẫn cứ dềnh lên mấp mé mép cái dát giường cá nhân, nơi người vợ mới ở cữ ôm một sinh linh bé bỏng, chưa qua ngày cúng mụ đang ngồi.

 

Những lúc trời mưa to, nước từ cống chảy tràn vào nhà thì cái giường cá nhân trở thành chỗ chứa tất cả tư trang áo quần đồ đạc của cả nhà. Cái bếp dầu là tài sản quý giá nhất nhà cùng với rổ bát đũa cũng được đưa lên giường. Xoong nồi, thau, chậu, mấy thứ đồ dùng linh tinh thường vẫn đút ở gầm giường và dép guốc thì mặc sức trôi lềnh bềnh trên sàn nhà vì đâu có chỗ để cất chúng cao lên.

 

Trời mưa to nước ngập đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với mụ Tân nhiều năm sau đó.

 

***

 

Ngày ấy đã lâu rồi. Bây giờ khi mà mưa không đến mặt, nắng không đến đầu nữa thì nỗi sợ mỗi khi trời mưa cũng đã biến đi và chỉ còn lại nỗi buồn găm trong lòng mụ Tân. Lật qua lật lại trên cái giường đôi, nhưng từ khi sắm nó đến nay vẫn chỉ có một người nằm, mụ Tân thầm nghĩ, may là mụ đã nghỉ hưu, không phải đến cơ quan khi trời mưa gió thế này.

 

Thoắt, đã gần một năm hưu trí rồi…

 

Chuông điện thoại reo. Rồi cuộc nấu cháo điện thoại giữa mụ Tân với ông bồ, là bạn nhảy, già nhân ngãi non vợ chồng.

 

“Alo, em nghe đây”.

 

“Vẫn còn nằm à?”.

 

“Vâng”.

 

“Anh đến nằm chung nhé?”.

 

“Không vớ vẩn!”.

 

“Dậy đi thôi! Ngớt mưa anh đưa em đến một chỗ hay lắm”.

 

 

Nghe tiếng gọi của tình nhân, mụ Tân bật dậy khỏi giường như chưa hề có vụ đau nhừ tử cái ngọc thể đêm qua còn dư âm đến tận sáng bạch nhật. Tắm rửa, vệ sinh cá nhân xong, mụ Tân diện bộ đầm khiêu vũ mới sắm hôm chủ nhật. Mụ quay người xoay tròn trước cái gương của bàn trang điểm. Mụ mỉm cười với khuôn mặt trong gương. Khuôn mặt hơi khó đoán tuổi ấy cũng đáp lại mụ bằng một nụ cười tươi mãn nguyện. Khuôn mặt hết “đát” đã khó đoán tuổi trở nên càng khó đoán hơn khi cái miệng nở nụ cười tươi, con mắt cũng đang cười và có cả đuôi.

 

“Chưa đến năm mươi?”.“Chỉ ngoài năm mươi một chút là cùng, phải không?”… Những câu hỏi như thế rất thường gặp. Mụ Tân chỉ cười và mỗi khi cười trông mụ lại càng trẻ trung hơn. Biết thế nên mụ Tân càng hay cười. Có người hồ nghi, mụ Tân chắc sướng lắm; chắc cuộc sống của mụ ấy viên mãn, hạnh phúc lắm nên lúc nào cũng tươi tắn thế… Mụ Tân vẫn chỉ cười trừ.

 

Sướng hay khổ là do quan niệm của mỗi người. Riêng với mụ Tân, cái thời khổ ải qua rồi. Hưu trí là thời kỳ nghỉ ngơi, thư giãn, hưởng thụ và làm những việc mụ thích, làm những việc khi còn công tác mụ chưa có cơ hội để làm. Với nhà nước, mụ Tân đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một công chức, viên chức. Với gia đình, mụ Tân cũng hoàn thành trách nhiệm của người làm cha mẹ. Mụ vừa là mẹ vừa phải làm cha của con Mai, nuôi nấng dạy dỗ nó đến trưởng thành. Khi mụ Tân bằng tuổi của con Mai bây giờ thì bố của nó ra đi và biến mất cùng với một khoản tiền vay mượn khá lớn hòng cứu nhà.

 

Lão Mạnh đã ôm tiền đi biệt tăm, bỏ rơi mụ và đứa con chưa đến tuổi đi mẫu giáo. Hai mẹ con mụ bìu díu nuôi nhau, tạm bợ ở nơi gọi là nhà nhưng chỉ là chỗ để chui ra chui vào, chẳng khác gì ổ chuột cùng những món tiền nợ phải trả. Nhưng ông trời đâu có lấy đi của ai tất cả. Cần cù làm việc, dè xẻn chi tiêu mụ Tân trả hết nợ cho họ hàng. Mụ nuôi con Mai khôn lớn. Trường chuyên, lớp chọn, thầy giỏi ai mách mụ Tân cũng tìm cho con theo học.

 

Mai đã trưởng thành và đủ trải nghiệm để nhận biết, mẹ Tân của cô là một phụ nữ kiên cường. Mẹ đã hy sinh quá nhiều cho cô, để cô có được như ngày hôm nay.

 

Một lần tình cờ mụ Tân nghe được cuộc tranh luận giữa con gái và con rể. Đối tượng chúng bàn đến là bà mẹ đơn thân.

 

“Mẹ có ông nào không nhỉ?”.

 

“Mẹ già rồi, còn nhu cầu sinh lý đâu nữa”.

 

“Em biết? Mẹ còn cuốn hút người khác giới lắm đấy”.

 

“Vớ vẩn”.

 

“Em không thấy tủ quần áo của mẹ luôn đầy ắp và được bổ sung thường xuyên đồ mới à? Bàn phấn của mẹ cũng đầy ắp đồ trang điểm. Đồ “Mếch – ấp” của mẹ còn khủng hơn của em ấy chứ!”.

 

“Thì cả đời mẹ sống vì con cháu bây giờ thư nhàn, mẹ có thể vui chơi một tí có sao đâu”.

 

“Nếu mẹ đi bước nữa thì sao nhỉ?”.

 

“Chả sao. Em cũng mong mẹ có bạn tâm giao để đỡ cô đơn khi tuổi già. Một người phụ nữ được cho là thành công trong xã hội, làm cha và mẹ, rồi làm bà, về hưu mà ham chơi một chút cũng tốt chứ sao?”.

 

 

***

 

Gần hết một thời tuổi trẻ, suốt cả cái thời “gái một con trông mòn con mắt”, mụ Tân đã phải gồng mình cõng phận đàn bà ngược nắng ngược gió, lo tròn bổn phận. Mụ Tân đã thay người đàn ông trong nhà, đảm đương vai trò người mẹ và cả người cha nuôi nấng dạy dỗ cô con gái trưởng thành. Mụ kén rể, cưới chồng cho con. Bây giờ thì mụ Tân xứng đáng được sống cho mình. Mụ Tân hoàn toàn có thể làm những việc mình thích. Mụ có quyền định đoạt cuộc đời còn lại của mình.

 

Tuy mụ Tân biết rõ, nếu có người đàn ông nào muốn theo mụ về nhà này hay mụ muốn cặp với người đàn ông nào đó, thì chắc con gái con rể cũng không cản. Mụ đã trải qua gần trọn cuộc đời không có đàn ông. Dù không hiếm khi cái bản năng đàn bà trong mụ đã từng nổi loạn, từng hành hạ mụ rất ghê. Mụ đã chiến đấu, quyết liệt chiến đấu chống trả sự nổi loạn của “con cái” mỗi khi nó lên cơn thèm giống đực. Ơn trời, mụ đủ bản lĩnh và cũng đủ công việc để phân tán hết tâm trí và sức lực. Cơn thèm đàn ông chỉ thoảng qua, đến rồi đi.

 

Bây giờ thì đã khác. Mãn dục rồi nên cái sự ham muốn thân xác cũng dần dần nguội đi. Mụ Tân kết thân, cặp với ông Toàn cũng chỉ để cho vui vẻ, để có đôi có cặp mỗi khi ra sàn nhảy, không phải thuê mấy trai choai choai dẫn.

 

Mụ Tân trang điểm vừa xong thì ông Toàn đã ở cửa nhà.

 

“Cho anh vào nhé”.

 

“Không. Ta đi đâu đó thôi”.

 

Mụ Tân biết nếu để ông bồ vào nhà sẽ rách việc lắm.

 

“Đường ngập lắm. Anh nghĩ chúng mình ngồi nhà cà phê nghe nhạc thôi cho lành em ạ ”.

 

Ông Toàn vừa nài nỉ, vừa thò tay vào lần tìm cái khóa treo bên trong cánh cổng sắt.

 

“Cổng đang khóa. Để em lấy chìa”.

 

Mụ Tân nhượng bộ ông bồ và chèo kéo thêm một điều kiện.

 

“Hôm nào thời tiết tốt, trời tạnh nắng anh về quê thăm mẹ cùng em đấy nhé”.

 

 “Tưởng gì to tát chứ đi thăm mẹ thì anh luôn sẵn sàng”.

 

“Về chứ sao lại là đi?”.

 

“Ừ thì về”.

 

….

 

Câu chuyện của đôi tình nhân tuổi xế chiều tưởng chừng không bao giờ kết thúc.

 

Đang giờ hành chính nên nhà hàng xóm yên ắng, ngõ phố vắng lặng.

 

Trong ngôi nhà của mụ Tân có đôi tình nhân không chịu già, đang hưởng thụ chút dư vị cuộc sống tuổi xế chiều.

 

Mùi cà phê sữa ngầy ngậy hòa quyện với âm thanh du dương của một điệu van – xơ chậm.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Miền xa vẫy gọi – Ma Văn Kháng

>> Còn nghe tiếng gà gáy – Cao Duy Sơn

>> Làn khói xám – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Mười bảy năm và mười bảy ngày – Ái Duy

>> Bẫy tình – Hoàng My

>> Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

>> Thằng Đúa – Lê Mỹ Ý

>> Cách một trời mưa – Hồ Anh Thái

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…