Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

708

Bùi Công Thuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm 2023 nhà văn Nguyễn Thái Hải xuất bản tập truyện dài thiếu nhi “Làm chị Hai thật là oai”(Nxb Văn học). Đây là tập sách thiếu nhi thứ 43 của ông. Nhà thơ Trần Hoàng Vy cho biết, Nguyễn Thái Hải từng tuyên bố: “Những sáng tác đầu tiên của tôi là viết cho thiếu nhi. Những sáng tác cuối cùng của tôi cũng dành cho tuổi thơ!”[[1]].

Ông đã đạt giải cuộc thi Sáng tác “Vì tương lai” lần thứ nhất 1993 do Nxb Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức với tập truyện “Cha con ông mắt Mèo”; và cuộc thi “Tình bạn tuổi thơ” năm 2006 do NXB Kim Đồng và Quỹ hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch tổ chức với truyện ngắn “Hai con diều bay thấp”.

Bài viết ngắn này chỉ là nhận dạng bước đầu một vài đặc điểm tư tưởng-nghệ thuật truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải. Xin đọc thêm Phụ lục tác phẩm [[2]].

PHONG PHÚ VỀ THỂ LOẠI – HƯỚNG ĐẾN NHIỀU LỨA TUỔI

Nhà văn Nguyễn Thái Hải trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Cuối Tuần:

Tôi phân biệt rõ: nhi đồng (6-10 tuổi), thiếu niên (11-15 tuổi) và mới lớn (16-18 tuổi). Mỗi lứa tuổi có nhận thức khác nhau. Tôi thường chọn viết cho các em từ 6-15 tuổi và tùy lứa tuổi để chọn những hình thức phù hợp.

Tôi không có cách nào khác hơn là tiếp cận và “chơi” với các em. Ngôn ngữ của chúng rất “ngộ”. Khi không “chơi” với các em ở lứa tuổi đó, người viết dễ bị “chìm” trong lứa tuổi của mình và không thoát ra được. Đôi khi tôi có thể viết về tuổi đó vào thời của tôi, hoặc hóa thân hoàn toàn vào các em hiện tại” [[3]].

Trong hành trình sáng tác, Nguyễn Thái Hải đã viết truyện Tuổi Hoa cho “tuổi mới lớn” (xin đọc bài riêng viết về truyện Tuổi Hoa [[4]]; viết đồng thoại cho nhi đồng (Khu vườn hạnh phúc, Lớp học làng rừng, Mèo con đã lớn như thế…) và nhiều truyện cho lứa tuổi thiếu niên. Đó là những truyện viết về sinh hoạt gia đình, trường học, truyện lịch sử… Xin đọc: Những trái sao xoay (1993), Mơ làm thủ lĩnh (2011), Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ (4 tập. 2018), Thám tử học trò (6 tập. 2019-2023), Làm chị Hai thật là oai (2023). Hiện ông đang hoàn thành bộ sách Bước chân trời Việt (ông gọi là “du ký”) viết cho thiếu nhi. Ông cho biết: “Bộ sách viết về các di sản di tích, danh thắng… trên 63 tỉnh thành Việt Nam”. Ộng định in thành 6 tập, mỗi tập 200 trang. Những truyện như “Những mặt hồ lung linh mây trời”, “Một chuyến đi ươi” là truyện trong bộ sách này

          Tại Hội thảo chuyên đề “Văn học cho thiếu nhi – Nhìn từ miền Đông Nam Bộ” do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai ngày 10.5.2012, nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ:

          “Tôi chỉ “thuộc” loại viết về sinh hoạt của thiếu nhi trong gia đình, làng xóm, trường lớp… Từ ấy đến nay, với gần trăm truyện ngắn, hơn hai mươi cuốn sách viết cho thiếu nhi, tôi vẫn chọn nhân vật là chính các em, không gian chủ yếu vẫn là gia đình và học đường. Có điều, bên cạnh những nội dung tạm gọi là “tình cảm”, thỉnh thoảng, tôi cũng chọn nội dung có chút trinh thám hay hài hước, hoặc truyện loài vật để thay đổi “khẩu vị” cho chính mình và cho các em.

“Dòng truyện” cho thiếu nhi mà tôi bền bỉ theo đuổi, có những thời điểm không được ưu tiên lắm – chẳng hạn như mấy năm gần đây người ta hô hào nhiều về việc viết truyện giả tưởng cho kịp bước với các nhà văn viết cho thiếu nhi phương Tây. Cũng tốt thôi! Nhưng tôi thấy truyện sinh hoạt với các nhân vật tuổi nhỏ gần gũi với các em, mang hình bóng của chính các em, vẫn “sống” và chưa lúc nào có dấu hiệu bị suy giảm đến nguy cơ biến mất. Vì vậy, tôi yên tâm với phần việc nhỏ nhoi của mình, coi đó là đóng góp của mình vào cái chung với những “dòng truyện” khác mà các nhà văn khác viết giỏi hơn mình.”

Những chia sẻ trên giúp người đọc nhận ra “con đường sáng tạo” riêng của Nguyễn Thái Hải khi viết truyện thiếu nhi.

Và từ năm 2012 đến nay (2023) nhà văn Nguyễn Thái Hải vẫn kiên trì với

sự chọn lựa ấy. Ông đã gặt hái được nhiều thành công. Xin đọc: Một ngày hè ở biển (tập truyện. 2012), Khu vườn hạnh phúc (truyện đồng thoại 2014), Hai con diều bay thấp (tập truyện 2014), Thám tử học trò (bộ truyện thiếu nhi 6 tập. 2019-2023), Làm chị Hai thật là oai (2023).

“Con đường sáng tạo” truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải có những đường nét gì?

Trước hết là sự chọn lựa “bút pháp”(tôi đến cách viết), ông chọn những chuyện có thật trong đời sống xung quanh trẻ, những chuyện thật của trẻ (tôi tạm gọi là truyện “hiện thực”) để viết cho trẻ. Xin lưu ý, có những tác giả lầm lẫn giữa “viết cho trẻ” và “viết về trẻ” (cho người lớn đọc). Nói “hiện thực” là để phân biệt về cách viết truyện “giả tưởng”, “viễn tưởng”, “Siêu thực”. Xin lưu ý, “Hiện thực” trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải không phải là bút pháp của Chủ nghĩa hiện thực. Bởi Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi xây dựng “nhân vật điển hình” trong “hoàn cảnh điển hình”. Truyện của Nguyễn Thái Hải không có đặc điểm này.

Nói một cách cụ thể, Nguyễn Thái Hải không miêu tả bối cảnh lịch sử xã hội làm nền cho nhân vật, không miều tả tính giai cấp và những quan hệ xã hội phức tạp chi phối hành động của nhân vật; mâu thuẫn truyện không phải là những xung đột ý thức hệ giữa các tầng lớp xã hội. Thí dụ: Truyện Những trái sao xoay chỉ kể lại việc học và vài sinh hoạt gia đình của nhân vật Triều suốt 4 năm Trung học đệ nhất cấp (cấp 2) đến sinh nhật lần thứ 15 của Triều. Trong truyện không có bóng dáng hiện thực miền Nam những năm ấy (từ 1955 đến1965).

Thử đối chiếu với Theo dấu người xưa, truyện vừa của Hoàng Văn Bổn (nxb Đồng Nai.1986). Hoàng Văn Bổn kể truyện Út, 11 tuổi, quê làng Bình Long, có cha là Bí thư huyện bị cảnh sát bắt và trốn thoát. Ngày ngày Út gánh 2 thúng bún đi bán. Những thông tin Út biết được về chi khu cây Chàm, về sân bay biên hòa, về Trại cải huấn Tân Hiệp đã giúp lão ăn xin Lãng tử vẽ bản đồ để quân cách mạng, do cha Út chỉ huy đánh vào sân bay Biên Hòa, chi khu cây Chàm. Nhân vật Út được miều tả cụ thể trong bối cảnh cuộc đấu tranh cách mạng ở Biên Hòa trước 1975.

Thử so sánh với Lạc giữa hành tinh, truyện vừa của Phạm Thanh Quang (Nxb Kim Đồng. 2003). Truyện kể lại thân phận của đứa trẻ hơn 10 tuổi tên là Côi ở miền Bắc những năm xây dựng hợp tác xã. Mẹ Côi đi hái chè. Côi chăn bò. Cha Côi hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ở với dượng, Côi bị hành hạ đủ điều dù là lúc ở nhà hay đi gánh phân cho hợp tác xã. Côi còn bị kỳ thị vì có ông nội là địa chủ trong Cải cách ruộng đất. Nhân vật Côi được miêu tả trong phong trào lao động sản xuất của Hợp tác xã Măng non đội thiếu niên tiền phong tỉnh Hà Tây. Xã của Côi có 2 thôn. Cả xã có một Hợp tác xã nông nghiệp, chia làm 12 đội sản xuất. Mỗi đội sản xuất có 1 đội thiếu niên, nằm trong liên đội thiếu niên toàn xã. Tham gia lao động, Côi nghĩ ra hố phân tập thể với khẩu hiệu: “Chưa góp phân thì ăn chưa ngon”.

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải không miêu tả bối cảnh xã hội như Hoàng Văn Bổn hay Phạm Thanh Quang. Tất nhiên mỗi tác giả có sự chọn lựa riêng, và nhờ đó, văn học thiếu nhi ở Đồng Nai có nội dung và nghệ thuật rất đa dạng.

Việc dùng chất liệu đời sống để kể truyện của Nguyễn Thái Hải sẽ tạo niềm tin, thuyết phục người đọc rằng, truyện tác giả kể là chuyện có thật, để những bài học mà tác giả gửi gắm có sức thuyết phục.

Nguyễn Thái Hải thổ lộ cách viết truyện Làm chị Hai thật là oai: “Thường thì các nhân vật trong truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa, còn thì là hư cấu. Duy trong ‘Làm chị hai thật là oai’ thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi nhật ký để sau này làm tài liệu sáng tác. Hết đợt học ‘trực tuyến’ của cháu, đọc lại thì thấy đây đã sẵn là một truyện dài rồi. Tôi chỉ còn một việc là viết lại và đổi tên thật của cháu thành tên nhân vật là hoàn thành”[[5]]. Nghĩa là những gì ông “ghi nhật ký” để “làm tài liệu sáng tác” được chuyển ngay thành một truyện dài mà không cần hư cấu, sáng tạo.

Xin đọc: Truyện Những trái sao xoay (1993). Nguyễn Thái Hải  kể lại việc học và sinh hoạt ở nhà, ở lớp của Nguyễn Thanh Triều trong 4 năm Trung học đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến lúc Triều tốt nghiệp và mừng sinh nhật tròn 15 tuổi). Có thể nhận ra Nguyễn Thanh Triều là chính tác giả lúc nhỏ. Triều ly hương, bị bịnh thương hàn, yếu tim, mơ làm bác sĩ, nhạc sĩ và văn sĩ. Gia đình lúc đầu ở ngoại ô Sài gòn rồi dời về tỉnh Biên, có vựa bán cây lá sau chuyển sang đại lý cho hãng bia BGI…những sự việc như thế được tác giả kể rõ trong tự truyện Nhớ Biên Hòa (2005). Nguyễn Thanh Triều cũng viết truyện thực của chính mình. Truyện “Cú đấm” kể rằng, năm học lớp Đệ Lục 3, Triều bị Thành móm đấm vào mặt; truyện“Anh Bi của tôi” kể về hành động anh hùng của anh Bi. Vì cứu người trong lúc xóm bị cháy, Anh Bi bị cây đè, lúc đưa đi cấp cứu thì chết; và “Món quà của ba tôi” kể về căn gác riêng mà ông Nguyễn, cha của Triều làm cho Triều.

Thế nghĩa là, những chuyện thật của chính mình đã được Nguyễn Thái Hải xây dựng thành truyện Những Trái sao xoay. Nhưng ông cho biết: “truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa”.

Kể chuyện đời thực (tôi tạm gọi là hiện thực) giúp nhà văn đi sâu vào nhiều cảnh đời, nhiều thân phận và nhiều tình huống của chính bạn đọc nhỏ tuổi, khiến cho truyện gần gũi với các em, những bài học cũng toát lên từ chính những gì các em trải nghiệm.

Đặc điểm thứ nhì Nguyễn Thái Hải ghi dấu trên “con đường sáng tạo” truyện thiếu nhi là sự chọn lựa nhân vật, bối cảnh, nội dung, tình huống truyện.

Nhân vật của truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải là lứa tuổi từ 11 đến 15, đa phần là học trò gia đình nghèo, cùng với một số những mảnh đời bất hạnh (Cha con ông Mắt Mèo; Cánh cửa sổ không còn khép lại, Tha lỗi cho Hương chim nhé, Mơ làm thủ lĩnh. Chú bé phiêu lưu, Hai con diều bay thấp…). Vì “chọn nhân vật là chính các em” ở lứa tuổi 11-15, nên nội dung truyện là những sự việc xảy ra trong gia đình và nhà trường, và “không gian chủ yếu vẫn là gia đình và học đường” (xin đọc: Tiết học cuối năm, Cô bé lãnh thưởng một mình, Sao chim không hót, Con ma trong buổi học nhóm, Nửa điểm thêm, Thằng đầu bò, Bóng lăn…)

Nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy sự “điều chỉnh” ngòi bút của Nguyễn Thái Hải trong việc miêu tả “không gian” xã hội, trong việc dùng từ và cả cách thể hiện khi viết truyện kể về giai đoạn sau 1975, so với truyện trước đó. Đó là một yêu cầu để không có sự khác biệt nhiều trong thế giới nghệ thuật truyện thiếu nhi của ông. Thử so sánh truyện Những trái sao xoay viết về hiện thực trước 1975 với Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ, truyện Bóng lăn trong tập Một ngày hè ở Biển).

Hướng về hiện thực để viết truyện thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải có một “nguồn vô tận” chất liệu sáng tác. Điều này giải thích được tại sao đến nay ông đã in 42 tập truyện thiếu nhi.

Nhưng không phải cứ “bê nguyên xi” chuyện đời thực vào trang viết là thành truyện. Đó mới chỉ là “ký” (những ghi chép, chưa phải truyện). Điều gì tạo nên “tính truyện” của Những trái sao xoay, Làm chị Hai thật là oai? Câu trả lời là, chất liệu đời sống cần phải được nhào nặn với “tư tưởng-thẩm mỹ”, cùng với tài năng kiến tạo tác phẩm của tác giả như: sử dụng ngôn ngữ, khám phá những vấn đề, khắc họa các nhân vật, hư cấu những tình huống độc đáo, tô vẽ những sắc màu nghệ thuật,…lúc ấy chất liệu mới thành truyện. Quá trình đó là một bí mật, “bí mật” của tài năng, bởi trải nghiệm, vốn sống, chất liệu thì ai cũng có, ai cũng có thể kể chuyện, nhưng để thành một nhà văn (người kể truyện) thì đòi hỏi những năng lực trời cho. Xin thử khám phá quá trình sáng tạo ấy của Nguyễn Thái Hải trong Cha con ông Mắt Mèo, Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ.

Sau này, Nguyễn Thái Hải còn khai thác thêm một “nguồn chất liệu” khác là lịch sử, văn hóa, khiến cho ngòi bút của ông như “rồng thêm cánh”. Xin đọc Bầy Nai tung tăng trên đồng cỏ, Những mặt hồ lung linh mây trời…).

TÍNH GIÁO DỤC TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI

          Kể truyện thiếu nhi, nhà văn phải tuân thủ hai yêu cầu: thứ nhất là kể một truyện hay và truyện hướng đến việc giáo dục trẻ. Hai yêu cầu này phải được kết hợp nhuần nhiễn để “tính truyện” là chủ đạo. Truyện phải là tác phẩm văn chương, truyện không đơn thuần là bài học đạo đức trực tiếp, gượng ép.

Thực ra “tính giáo dục” của văn chương rộng hơn nhiều so với “bài học” mà nhà văn muốn gửi trong một truyện. Chẳng hạn, tính thẩm mỹ của ngôn ngữ (dạy cho trẻ về cái đẹp của lời văn), sức hấp dẫn của hình tượng nhân vật (xây dựng những nhân vật lý tưởng để các em noi theo), vẻ đẹp của thiên nhiên (giáo dục lòng yêu quê hương, yêu thiên nhiên). Truyện có nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống, nhiều mối quan hệ xã hội, dạy cho các em bài học về ứng xử, kinh nghiệm xử lý tình huống, kiến thức nhiều mặt của đời sống (xin đọc Một ngày đi ươi, Mùa bắt dế cơm, Những mặt hồ lung linh mây trời của Nguyễn Thái Hải [[6]]).

Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải chú ý toàn diện tính giáo dục của văn chương mà đối tượng là thiếu niên, nhi đồng. Nguyễn Thái Hải chú ý đến sử dụng ngôn ngữ của trẻ, xây dựng hình tượng có những phẩm chất mẫu mực trong từng chi tiết nhỏ, miêu tả bối cảnh thiên nhiên, hình thành môi trường văn hóa, phong tục, lối sống và những ứng xử đời thường theo những chuẩn mực truyền thống. Tất nhiên ở mỗi truyện, trọng tâm giáo dục đặt vào những nội dung khác nhau. Ở lĩnh vực giáo dục, nhà văn Nguyễn Thái Hải là một người thầy hết sức tinh tế, cẩn trọng và chu tất trong việc giáo dục trẻ. Tính giáo dục trong tác phẩm của Nguyễn Thái Hải đã trở thành phẩm chất nghệ thuật.

Thí dụ, chuyện học sinh đánh nhau trong nhà trường (trong truyện Những trái sao xoay [[7]], lên lớp đệ lục 3, Triều bị Thành móm đấm vào mặt), các nhân vật đã hòa giải một cách tốt đẹp, nhân ái. Bài học giáo dục nằm ở chỗ, hành xử của nhân vật trở thành khuôn mẫu giáo dục cho trẻ khi đọc truyện (tác giả không thuyết lý). Kết quả học kỳ I của Triều chỉ đạt thứ hạng 24/45, nghĩ đến cha đang phải làm việc cật lực cho mình đi học, Triều tự nhủ phải quyết tâm hơn. Hoặc, mở đầu truyện Những trái sao xoay, Triều hứa với cha (ông Nguyễn) sẽ đi thi và thi đậu vào lớp đệ thất trường công (tr.4 đd), cuối truyện, khi Triều đã đậu tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp, ông Nguyễn nhắc Triều về lời giao ước ấy (tr. 80. đd). Cách kết cấu truyện như vậy cũng gợi ra nhiều ý nghĩa giáo dục.

Truyện Cha con ông Mắt Mèo hướng trẻ con đến ý thức sống lương thiện, tình yêu thương gia đình, mối quan hệ với mọi người, ý thức lao động tự lập. Ông Mắt Mèo nói với Út Đen: “- Con thấy không, bà con chòm xóm nghèo tiền lại thường giàu tình cảm. Khi mình hoạn nạn, bao giờ họ cũng sẵn sàng giúp đỡ hết lòng. Bù lại, mình phải sống sao cho có tình có nghĩa…”

Nguyễn Thái Hải nói về việc viết sai chính tả tiếng Việt trong truyện Thằng Heo sữa: Những ai viết một bài chính tả sai đến mười lăm lỗi như nó quả là đáng trách! Nghĩ thế, chính Heo sữa đã có “sáng kiến” mày mò tìm lỗi chính tả trong các tập truyện tranh vào lúc nó tranh thủ đọc trước khi bán. Có lần nó đã phát hiện ra trong một tập truyện, người ta cho nhân vật thám tử nói: “Tên trộm đã dấu cái máy vào trong lu gạo”, một tập khác thì viết: “Không ngờ đó lại là một học sinh xuất sắt”.”(đọc thêm truyện Mình khờ lắm, cũng về vấn đề chính tả tiếng Việt [[8]]

Truyện thiếu nhi Nguyễn Thái Hải đem đến cho trẻ nhiều tri thức đời sống:

Tín hỏi ba:

-Ba ơi, đèo là gì?

-Đèo là con đường bám theo sườn núi con à.

-Ba ơi, tại sao đi trên đèo con thấy khó thở quá?

-Vì không khí ở đây bị tù hãm. Khi ra khỏi đèo, con sẽ thấy thoáng đãng dễ chịu ngay thôi. (Nguồn: Truyện Anh em – chùm truyện Anh em Tín-Nghĩa, trong tập truyện Hai con diều bay thấp).

Đọc truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải, trẻ con học được nhiều điều tốt đẹp về cuộc sống xung quanh, cả tri thức phổ thông, kiến thức lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, lối sống.

Nhà văn Nguyễn Thái Hải chú ý giáo dục trẻ những phẩm chất nhân bản, giáo dục văn hóa cộng đồng. Đó là lòng yêu thương con người, tình yêu thương cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, yêu thương những người bất hạnh, yêu quê hương đất nước, tinh thần trách nhiệm, ý thức dấn thân, tính hướng thiện. Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải bao giờ cũng hướng trẻ về một thế giới tốt đẹp, về một quan điểm sống tích cực và về những thái độ ứng xử giàu phẩm chất văn hóa…Nói chung nội dung giáo dục trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải rất phong phú và tinh tế (các tập truyện: Cha con ông Mắt Mèo, Sao chim không hót, Một ngày hè ở biển, Khu vườn hạnh phúc, Hai con diều bay thấp,…)

Có điều tôi chưa lý giải được là, vì mục đích giáo dục mà Nguyễn Thái Hải viết truyện thiếu nhi, hay khi quan sát sinh hoạt của trẻ, ông thấy những điều các em làm chưa đúng chuẩn mực đạo đức, văn hóa chung, từ đó phát sinh ý thức giáo dục? Có thể hiểu tính giáo dục trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải là phẩm chất tự nhiên xuất từ tấm lòng nhà văn với trẻ. Xin đọc: các truyện Lá thư, Tiết học cuối năm, Trái banh sấm sét, Sao chim không hót…(trong tập truyện Sao chim không hót).

NHỮNG THỦ THUẬT TẠO NÊN PHONG CÁCH

Cách đặt tên nhân vật

          Tên nhân vật thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải là tên đặt theo cách gọi bình dân. Tên kèm với một từ chỉ đặc điểm con người mà người bình dân thường dùng. Cách gọi tên này là ngôn ngữ của trẻ. Thí dụ: Hưng kều, Hảo lùn, Tí sún, Sáu trọc, Heo sữa, chị Hồng “mo-rát (tập truyện Thằng Heo sữa); Út Đen, ông Mắt Mèo, Lân công tử (tập truyện Cha con ông Mắt Mèo); Triều xỉu, Thành móm, Hậu trọc, Thủy to đầu, Hưng trâu cui (truyện vừa Những trái sao xoay), Phùng nhựa, Quắn củi, Xuân gấu, Huyền thầy bói, Út hột mít, Thiên ăn mày giả (tập truyện Chuyện kể của chú bé phiêu lưu), Hổ mun, Rắn nước, Năng râu, Tý thuyền trưởng (truyện Ai cướp chiếc Laptop)…

  1. Nguồn “tư liệu”

          Thường thì các nhân vật trong truyện thiếu nhi của tôi, chỉ giống nguyên mẫu khoảng một nửa, còn thì là hư cấu. Duy trong ‘Làm chị hai thật là oai’ thì khác hẳn. Đầu tiên tôi chỉ ghi nhật ký để sau này làm tài liệu sáng tác..”(đd).

Những thổ lộ như vậy của nhà văn Nguyễn Thái Hải giúp người đọc nhận ra “nguồn tài liệu sáng tác” của ông chính là đời sống hiện thực của các em mà ông đã ghi lại, rồi hư cấu thành truyện.

Có khi những “ghi chép” ấy đã là một truyện như trường hợp Làm chị Hai thật là oai. Có khi từ chất liệu đời thường, ông trích xuất một ít, rồi tạo một chủ đề để viết thành truyện (thí dụ: mảng hiện thực ông sinh hoạt ở Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Đồng Nai). Xin đọc: Thầy trò cùng thi (trong tập Hai con diều bay thấp). Bầy Nai tung tăng trên sân trường,..)

Nhiều truyện là những vấn đề của sinh hoạt đời thường. Truyện Trái banh sấm sét kể: tan học, lớp Tuấn đá banh trên lề đường. Cú sút của nó bay ra đường làm người đi xe bị té. Về nhà ba nó nói nó lên bệnh viện thăm người bị té xe do bọn học trò đá bóng. May quá không phải do trái banh của nó. Nó nghĩ từ nay sẽ xin đá bóng ở sân cỏ…(Xin đọc  các tập truyện Sao chim không hót, Mơ làm thủ lĩnh, Một ngày hè ở biển, Hai con diều bay thấp…)

Có khi là truyện của chính tác giả lúc còn nhỏ tuổi (Những trái sao xoay), hay khi tác giả lúc đã là ông của các cháu (Làm chị Hai thật là oai).

Một nguồn khác mà ông mới triển khai về sau là những truyện khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa (Bầy nai tung tăng trên đồng cỏ; Khí phách Biên Hùng, Đấng thiêng của K’Min)

Do đối tượng sáng tác là trẻ thơ trong đời thực mà trẻ con ở mỗi thời mỗi khác về hoàn cảnh sống (đời sống xã hội, văn hóa, trào lưu…) nên truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải cũng được “cập nhật” cho phù hợp, và vì thế có “tính thời sự” (Những trái sao xoay, Đấng thiêng của K’Min, Làm chị Hai thật là oai…)

Ở những truyện “du ký” viết cho thiếu nhi, Nguyễn Thái Hải hướng đến hai khát vọng của trẻ là được đi đây đó và được hiểu biết về thiên nhiên, đất nước, di sản, phong tục. Tính giáo dục thể hiện trực tiếp trong nội dung truyện kể (xin đọc: Ở thủ phủ cừu, Những mặt hồ lung linh mây trời, Một ngày đi ươi…)

  1. Hư cấu sáng tạo

          Ở những truyện “hiện thực”, nhà văn chỉ dụng công trong việc kiến tạo tác phẩm, chọn chủ đề và thể hiện tư tưởng.

          Những truyện hư cấu, phiêu lưu, trinh thám, đồng thoại, giả tưởng đòi hỏi năng lực sáng tạo đặc biệt. Nhà văn phải xây dựng một cốt truyện hay, phải khắc họa được những nhân vật “gân guốc”, cá tính; phải đặt nhân vật vào những tình huống bất ngờ, nan giải và phải giữ được cấu trúc truyện, chặt chẽ, bí mật đến phút cuối. Xin đọc Cha con ông Mắt Mèo (hư cấu), Ai cướp chiếc Laptop, Thám tử học trò (trinh thám), Khu vườn hạnh phúc (đồng thoại), Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ (giả tưởng),…

          Cha con ông mắt Mèo là một truyện hư cấu. Người đọc không rõ truyện xảy ra ở vùng miền nào, vào thời gian nào (không gian và thời gian truyện không được xác định cụ thể). Nhà của Út Đen ở trong vùng của Tám Long, cha của Lân công tử, người có quyền lực có thể “còng đầu” Út, có thể “đuổi” Út khỏi vùng. Điều này thường có trong truyện xưa khi tác giả nói về tội ác của địa chủ, cường hào. Chi tiết: khách của bà Hai Ngọc bắn súng trúng chân trái của ông Mắt Mèo là điều không có trong hiện thực hôm nay. Nhà vườn nếu có súng (súng săn), sẽ bắn chỉ thiên để dọa kẻ trộm vườn, không bắn sát hại. Chuyện má của Út Đen viết thư cho ai đó (không được tác giả lý giải), và khi bị chồng hành hung, “Má Út Đen quơ dao chém. Ông Mắt Mèo bị bất ngờ, lãnh đủ một dao nơi cánh tay trái. Máu ứa ra rồi chảy ròng ròng”, tôi không rõ phụ nữ Việt ở vùng miền nào lại hung dữ như vậy. “Trong cơn say, ông Mắt Mèo đã nói, không hiểu là nói một mình hay nói với Út Đen: – Chữ với nghĩa mà làm gì? Để viết thư cho trai hả?”. Út Đen là con trai, sao ông Mắt Mèo vì ghen với má Út mà cấm con học chữ? Út có bao giờ “viết thư cho trai”! Nếu Út là con gái thì Mắt Mèo còn có cớ. Tô đậm tình cha con ông Mắt Mèo mà bỏ quên tình mẹ con, lại miêu tả hiện tượng má Út Đen vác dao chém ba nó, tác giả có thể sẽ gây ra ác cảm của con đối với mẹ. Việc tác giả chất lên vai Út Đen gánh nặng kiếm sống, nuôi cha là quá sức trẻ, bởi vì Út mới mười tuổi rưỡi, (Út phụ việc phu hồ bị đuối sức, chú Năm thợ xây phải cho Út nghỉ mấy bữa)…Điểm qua một vài chi tiết nêu trên để thấy Cha con ông Mắt Mèo là một truyện hư cấu. Song điều quan trọng là tư tưởng-thẩm mỹ tác giả. Nhà văn muốn nói lên khát vọng của trẻ con trong gia đình đổ vỡ, khát vọng được yêu thương, được học hành, có cha có mẹ hiền lành (Út thích nghe ba nói gọi “con trai à”, thích cô y tá tên Trúc dịu dàng giúp đỡ nó). Truyện Cha con ông Mắt Mèo có đủ phẩm chất của một truyện hay, giàu ý nghĩa tư tưởng, dù là một truyện hư cấu. Đó chính là giá trị của năng lực sáng tạo của nhà văn.

          Ở những truyện đồng thoại, phiêu lưu, trinh thám, giả tưởng, tác giả nghiêng về khơi gợi trí tò mò, óc tưởng tượng, kỹ năng quan sát, khám phá và nhận thức của trẻ. Truyện cũng đem đến những hiểu biết nhất định về đời sống cho trẻ.

          Miu Miu hỏi Sẻ nâu: (Lớp học làng rừng)

– Tại sao hoa hướng dương màu vàng mà không màu đỏ.

– Vì hướng dương là hoa mặt trời, mà mặt trời thì màu vàng.

– Thế tại sao hoa hồng màu đỏ mà không màu xanh?

– Vì hoa hồng đẹp nhưng khiêm tốn nên luôn luôn đỏ mặt trước những lời khen.

Tất nhiên người đọc hiểu rằng những “tri thức” về hoa hướng dương, hoa hồng mà tác giả giải thích là hoàn toàn sáng tạo theo khả năng nhận thức của trẻ và mục đích giáo dục của nhà văn (truyện đồng thoại); sẽ rất khác với “tri thức” trong truyện dành cho lứa tuổi lớn hơn như Lớp nhiếp ảnh thiếu nhi của thầy Thăng Long đi săn ảnh các hồ ở Hà Nội (truyện Những mặt hồ lung linh mây trời – truyện hiện thực), tác giả đưa kiến thức lịch sử, địa lý chuẩn giáo khoa vào truyện:

“Hồ Gươm rộng 12 ha nằm ở trung tâm Hà Nội. Thời phong kiến hồ tên là Lục Thủy (Nước trong xanh), thời chúa Trịnh hồ được ngăn làm hai hồ Tả Vọng và Hữu Vọng, trong đó hồ Hữu Vọng đê duyệt thủy binh. Đời vua Tự Đức thì Hữu Vọng được gọi là hồ Thủy Quân. Qua thời Pháp, họ cho lấp phần hồ Thủy Quân để có thêm đất xây dựng cho Hà Nội.

Tên hồ Hoàn Kiếm xuất hiện cùng với truyền thuyết vua Lê Lợi đang đi thuyền dạo chơi trên phần hồ Tả Vọng thì một con rùa vàng nổi lên đòi lại thanh gươm mà Long Vương đã cho vua mượn để đánh đuổi giặc Minh. Vua liền trả gươm cho rùa thần. Từ đấy, hồ có tên là Hoàn Kiếm (Trả gươm)…

Xin đọc: Khu vườn hạnh phúc [[9]], Vụ án ba trái xoài, Ai cướp chiếc Laptop, Thám tử học trò, Phù Thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ…

THAY LỜI BẠT

          1.Tính đến nay (2023), nhà văn Nguyễn Thái Hải đã xuất bản 42 tập truyện cho thiếu nhi. Đó là một gia tài đồ sộ và rất giá trị cả về văn chương và giáo dục. Ông cũng dành tâm huyết cho các hoạt động văn học thiếu nhi như: 10 năm phụ trách tờ báo Dưới mái trường (1998-2008, Hội VHNT Đồng Nai); cũng 10 năm sinh hoạt với Câu lạc bộ sáng tác văn học Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai, tổ chức các trại sáng tác, ươm mầm văn chương. Tôi nghĩ, ông xứng đáng nhận giải thưởng quốc gia vì sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi.

  1. Nghệ thuật viết truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải có thể giúp ích rất nhiều cho các cây bút trẻ về tìm nguồn tài liệu, về thử sức ở các thể loại, và đặc biệt là sự kết hợp “chất văn chương” và “tính giáo dục” để viết một truyện hay, giàu ý nghĩa giáo dục cho trẻ.
  2. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã có những truyện hay, giàu ý nghĩa giáo dục đạt giải (Cha con ông Mắt Mèo, Hai con diều bay thấp); đặc biệt là trên kệ sách của nhiều nhà phát hành, nhiều truyện thiếu nhi của ông đã “hết hàng”, nghĩa là ông có một số lượng độc giả đồng đảo trong cả nước, nhưng những công trình nghiên cứu, những luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ viết về truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải chưa nhiều; ngay cả những chuyên luận viết về truyện thiếu nhi Việt Nam của các nhà nghiên cứu cũng chỉ nhắc đến Nguyễn Thái Hải một cách hời hợt [[10]]; hơn thế, truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải cũng chưa được chọn đưa vào sách giáo khoa. Tôi chưa lý giải được hiện tượng này. Phải chăng tác phẩm văn chương của Khôi Vũ vang danh hơn, lấn át hơn hẳn truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải. Khôi Vũ đã hai lần đạt giải của Hội Nhà văn viết Nam với tác phẩm Lời nguyền hai tram năm (1990) và Sông Luộc ở phương Nam (2020)?
  3. Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải đã lớn lên ở Đồng Nai từ lúc nhỏ (gia đình ông đến Biên Hòa từ cuối 1955, lúc ông mới 5 tuổi (Nhớ Biên Hòa, tự truyện, tr.4). Như vậy, ông là người Đồng Nai, là nhà văn Đồng Nai. Sau nhà văn Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm thì nhà văn Khôi Vũ-Nguyễn Thái Hải là người có sức sáng tạo thật đáng nể. Số lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ. Bối cảnh, nhân vật, những vấn đề của hiện thực Đồng Nai trở thành chất liệu cho sáng tác của ông, và ông gửi gắm trong đó tâm huyết của cả một đời viết văn. Ông viết văn với một ý thức trách nhiệm rất cao [[11]]. Đó là một đóng góp rất quý giá cho văn học, văn hóa (ông cũng viết nhiều sách văn hóa) của miền đất này.

          Năm nay ông đã 73 tuổi, xin chúc mừng cho những ước vọng từ thời còn là học trò đến nay ông đã đạt được. Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho văn chương nghệ thuật, và đặc biệt cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.

Tháng 12/ 2023

Bùi Công Thuấn

[1] Trần Hoàng Vy-Cây viết có duyên với truyện thiếu nhi

  http://toquoc.vn/cay-viet-co-duyen-voi-truyen-thieu-nhi-99125294.htm

[2] Bùi Công Thuấn-Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải-PHỤ LỤC

  https://buicongthuan.wordpress.com/2023/12/09/truyen-thieu-nhi-cua-nguyen-thai-hai-phan-phu-luc/

[3] Kim Ngân-Hạnh phúc khi được “va chạm” với tuổi thơ.(11/9/2014)

https://cuoituan.tuoitre.vn/hanh-phuc-khi-duoc-va-cham-voi-tuoi-tho-641968.htm

[4] Bùi Công Thuấn-Truyện Tuổi Hoa của Nguyễn Thái Hải

  https://buicongthuan.wordpress.com/2019/01/15/truyen-tuoi-hoa-cua-nguyen-thai-hai-khoi-vu/

[5] Dẫn theo Hoàng Hà-Văn nghệ Đồng Nai (bài đăng trên trang FB của Nguyễn Thái Hải.

[6] Nguyễn Thái Hải

  Một ngày đi ươi: https://vanvn.vn/mot-ngay-di-uoi-truyen-viet-cho-thieu-nhi-cua-nguyen-thai-hai/

  Mùa bắt dế cơm: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021

  Những mặt hồ lung linh mây trời: https://vanvn.vn/nhung-mat-ho-lung-linh-may-troi-truyen-thieu-nhi-cua-nguyen-thai-hai/

[7] Nguyễn Thái Hải-Những trái sao xoay. Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 1993. Tr. 44

[8] Nguyễn Thái Hải-Mình khờ lắm

http://vanthothieunhi.blogspot.com/2012/11/minh-kho-lam-truyen-cua-nv-nguyen-thai.html#more

[9] Bùi Công Thuấn: Những thú vị trong “khu vườn hạnh phúc”

http://buicongthuan.vn102.space/2021/07/31/nha_v_n_khoi_v_khu_v_n_h_nh_phuc

[10] Thanh Tâm Nguyễn-Bí mật tuổi trăng non. Phê bình văn học dành cho lứa tuổi 13+.Nxb Kim Đồng.

   Luận văn NCS Trần Thu Hà: Thi pháp truyện viết cho thiếu nhi Việt Nam đương đại 

   https://ussh.vnu.edu.vn/vi/dao-tao/luan-an/tom-tat-luan-an-ncs-tran-thu-ha-19803.html

   Lê Văn Nhiệm-Đặc điểm nghệ thuật truyện viết cho thiến nhi của Nguyễn Thái Hải.

   (Luận văn Thạc sĩ 2021-Trường Đại học Thủ Dầu Một)

[11] Nguyễn Thái Hải: Trong truyện Thằng đầu bò (1989), kể lại câu chuyện cây đa bị cháy, ông viết: “Tôi là người viết văn, rất cần đến trí tưởng tượng. Nhưng tưởng tượng không bao giờ đồng nghĩa với bịa đặt, dẫu như Quán nói, trong trường hợp này sự bịa đặt chẳng hại gì ai! Quán có phần lý của mình, nhưng anh ấy còn không biết một điều: chuyện bịa đặt năm ấy làm lòng tôi nhức nhối.”