Truyện vui cái tên – Cao Thanh Mai

175

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hai Cọt, con trai lớn nhà Thợ Út đóng xuồng ghe nổi tiếng ở vàm Kỳ Hà càm ràm ông già đặt cái tên nghe kỳ cục.

Tụi bạn chọc miết hồi còn ở truồng tắm sông tới đi học đã đành, lúc vỡ giọng, râu mọc lúng phúng, mụn ra như nấm mối, tay chưn giò cẳng lóng ca lóng cóng khi gặp gái nó càng ngậm đắng nuốt cay hơn vì đứa nào cũng chê bao nhiêu tên đẹp không đặt tự nhiên đặt tên Cọt? Nghe chẳng giống ai! Đứa ngúng nguẩy bỏ đi, đứa trề môi, háy nguýt. Ủa! Cái tên để kêu thôi chớ làm gì quan trọng dữ vậy? Con trai mà tên vậy là mất giá đó biết hông? Ai biết, ông già đặt sao kêu vậy đi. Nó bực mình cự lại. Cái tên có làm nên tính cách hay không, ảnh hưởng tới tương lai như thế nào làm sao ông già nó biết.

          Thợ Út là ông già thằng Cọt, suốt ngày chỉ biết còng lưng xả ván, rồi bào, rồi đục đẽo, đóng lụp cụp không ngơi tay. Nghĩa là cứ cắm đầu xuống đất chớ mấy khi nhìn trời đâu mà nghĩ được cái tên hay ho nào khác đặt cho đám con loi nhoi ra đời năm một của mình. Còn bà vợ chỉ biết nấu cơm phục vụ chồng, lại mắn đẻ, phát nào trúng phát đó, mới ngoài ba mươi mà sồ sề, xấu xí.

Vợ Thợ Út, con  gái ông Ba Vôi xóm dưới, bên sông. Ba Lùn là gái muộn chồng, đầu đít chưa tới ba mét chia đôi hụt một khúc. Mặt lúc nào cũng hớn hở, khi buồn cũng như vui môi không khép lợi bao giờ. Ba Lùn mà cười bảo đảm không thấy trời đất là gì luôn. Ai chọc cứ hề hề, được cái hay chăm việc nhà. Tướng đi sà nôn giống Ba Vôi như đúc khuôn.

Ông Hai Nồi là tía Ba Vôi, tối ngày vấn khăn rằn trên đầu trầm mình dưới sông móc đất be bờ. Ông chết vì cảm lạnh. Người nhà hay, ông đã chết cóng rồi. Nghe nói ông bị vọp bẻ, quéo tay chưn bò lên bờ không kịp. Ba Vôi nói về cái chết của ông già một cách bình thản “sanh nghề tử nghiệp”. Nghĩa là vì ông trầm sông nên chết cũng gắn bó với sông. Thời bảnh tỏn Ba Vôi cưới Sáu Tảo, gái cùng làng, cao hơn mình một cái đầu, mục đích cải thiện giống nòi. Nhưng đẻ ra con Ba Lùn giống tía nó y hệt. Và một đám em trai giống má, gái giống tía. Coi như âm mưu của tía nó bị phá sản. Sự phân chia cao thấp so le rất rõ ràng trong ngôi nhà ba trai bốn gái.

Phần Thợ Út nối nghiệp ông già Bảy Đẹt cũng không khấm khá hơn, làm nghề đóng xuồng ghe từ nhỏ. Học hành ít, chỉ biết viết con số để cộng trừ, còn lại thường tính rợ nhanh hơn. Anh chị lớn có gia đình ra riêng hết, Thợ Út lãnh phần phụng dưỡng cha mẹ và được truyền nghề. Cái tên Thợ Út xuất phát từ cái thứ và nghề. Việc cưới Ba Lùn không do ai mai mối cả. Người làng trên, kẻ xóm dưới cách nhau con sông chỉ nghe tiếng chưa biết hình. Bữa nọ, chắc là thong thả, Ba Vôi bận bộ đồ lụa màu lá lúa, chưn đi guốc vông thả lên xóm trên tìm bạn trà.

Bên kia sông, Bảy Đẹt cũng đang buồn không ai trò chuyện. Thấy Ba Vôi, ông ới một tiếng rồi sai thằng Út bơi xuồng qua bến bà Sáu Quát rước. Hai bạn già nói chuyện làng chuyện xóm, thăm dò nhau gần cạn bình trà để trong trái dừa khô giữ ấm, thấy Thợ Út giở đồ nghề ra bên chiếc xuồng đóng còn dang dở, Ba Vôi đâm mê cái sức vóc vạm vỡ của trai làng. Bụng nói với dạ: Gả con Ba Lùn về đây thì còn gì bằng? Sẵn có con gái quá tuổi nhổ giò mà không cao được mấy bèn rủ Bảy Đẹt kết tình sui gia. Bảy Đẹt cũng dễ tính, day qua hỏi thằng con: Chịu hông mậy? Ai biết! Tía tính sao cũng được. Trai thợ mộc trả lời cụt ngủn. Vậy là hai bạn già gật đầu cái rụp. Lễ cưới diễn ra mà cô dâu chú rể còn chưa biết nắm tay là gì.

Theo sự sắp đặt của hai ông già đám cưới diễn ra nhanh gọn sau đó một tháng. Ba Vôi rất cáo, nếu không làm nhanh lỡ có người nói ra nói vô thằng Út chê con Ba vừa lùn vừa hô lại mắt hí thì ai mà rước. Đầu năm cưới, cuối năm vợ Thợ Út lặt lè đẻ thằng Cọt. May mắn cho thằng Cọt ra đời theo gene cha nên Ba Lùn coi như được vé an ủi. Loay hoay thế nào năm sau nối tiếp Hai Cọt, thằng Ba Kẹt chui ra lại giống hệt má nó.

Người ta nói tại Thợ Út làm cái nghề hay đụng chạm, tối ngày vận cái quần lửng cứ đu đưa trên ván hoài chịu sao thấu? Ai làm nghề thì biết chớ có cạy miệng Thợ Út cũng không nói ra đâu. Cái lưng Thợ Út cong hơn một chút vì thêm miệng ăn chưa có tay làm.

Những lúc Thợ Út trỗ tay nghề thì khỏi chê. Nhứt là lúc đứng xả ván, chân chùng chân thẳng, điệu bộ như một vũ công hai tay cứ kéo lên ấn xuống liên tục, mọt cưa tóe ra hai bên dòm không chán mắt. Tới công đoạn bào ván mới thấy thân hình cường tráng của gã đàn ông ngoài ba mươi, bắp tay săn chắc, cuồn cuộn, hai tay đẩy ra kéo về, bụng phình rồi thóp, eo thon ngực nở… hình thể đẹp do quen vận động chớ có phòng gym đâu mà tập như bây giờ. Nhìn vâm bào văng ra mỏng đều, miếng ván láng o đẹp không chê chỗ nào. Hẳn Bảy Đẹt rất tự hào về truyền nhân của mình. Thợ Út làm nghề rất có tâm, đóng xuồng ghe chiếc nào nhìn ưng bụng chiếc đó. Khách hàng đặt mua không kịp đóng. Cứ nhịp điệu đẩy ra kéo vô để kịp giao hàng thì vợ Thợ Út cho ra đời thêm thằng Éc, con Ẹc, Chiếu, Ngọt, Mọt, Cưa… tới đây Thợ Út quéo càng.

          Bảy Đẹt qua đời chưa kịp chứng kiến trong đám cháu nội đứa nào sẽ tiếp nối truyền thống ông cha đóng xuồng ghe nữa hay không. Ông ra đi khi Thợ Út đủ tuổi già cần có người truyền nghề như ông khi xưa. Hỏi trong mấy đứa cháu trai chẳng đứa nào nhận vì nó chứng kiến cái cảnh cực khổ của tía nó. Vâm bào, mọt cưa chụm không hết mà tiền không đủ nuôi đám con nên đa số học không tới nơi tới chốn. Thợ Út không cổ hủ như ông già bắt con phải theo nghề khi không còn phù hợp. Bảy Đẹt chết chỉ khép hờ con mắt, ý chừng để tao coi tụi bây có trúng không. Tới giờ tẩn liệm, Thợ Út vuốt mặt tía lần cuối miệng lầm bầm vái:

– Tía yên tâm nhắm mắt đi. Con lộ bên sông làm xong rồi, chánh quyền có hứa bắc cầu đúc qua xóm doi nhà mình không ai cần xuồng qua sông nữa đâu.                                                   Nghe xong Bảy Đẹt như thỏa lòng, mắt khép kín cho con cháu đưa vô hòm một cách nhẹ nhàng. Sau hơn nửa năm kể từ ngày Bảy Đẹt mồ yên mả đẹp, bà con tối lửa tắt đèn, đi qua chạy lại trên cây cầu bê tông rộng hơn hai mét. Hôm khánh thành ông Ba Vôi tới dự, diện bộ bà ba lụa trắng, đi dép tổ ông cho phù hợp cảnh nông thôn mới tưng bừng khởi sắc. Thợ Út mời tía vợ vô nhà, châm bình trà nóng nói chuyện nghề đóng xuồng cui và những thay đổi làng quê.

          Hai thằng Cọt, Kẹt trình độ học vấn không cao chỉ xin vô làm bảo vệ công ty may khu công nghiệp Hòa Phú. Hai Cọt khai thông tư tưởng tía nó:

– Bây giờ làm gì cũng phải vô hợp tác xã, làng nghề mới bền vững đó tía, làm ăn riêng lẻ không ai bảo vệ mình, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ.

Thợ Út cãi:

 – Cái nghề của tao có liên cang tới ai mà phải vô làng nghề. Ở đây có mình tao đóng xuồng ghe thì vô với ai? Tụi bây không muốn theo nghề thì thôi, mắc gì kêu tao phải vô?

Xem ra Thợ Út còn bảo thủ lắm, nghĩa là chưa thông. Thằng Kẹt lên tiếng binh thằng anh:

 – Anh Hai nói chung thôi, có gì mà tía quạo. Bây giờ người ta đi xuồng bằng composite hết ráo, tía đóng xuồng cây ai mua nữa đâu?

Thợ Út nghĩ mông lung. Có khi tụi nhỏ nói đúng. Bây giờ ván đóng xuồng ghe khó tìm, giá cao, bỏ công đóng, tiền lời không nhiều. Miệt thượng nguồn lại bị mấy thằng bạn phản thùng đắp đập ngăn phù sa, tôm cá không còn như xưa. Nghề giăng câu, kéo cá trên đầu nguồn không còn nhộn nhịp nữa. Có khi cũng phải giải nghệ. Sức tàn lực kiệt rồi. Hồi trước ba ngày đóng xong chiếc xuồng. Bây giờ tuần lễ chưa xong. Đơn đặt hàng giảm. Đói thì chưa, kéo dài thì khó. Mấy đứa nhỏ: Éc, Ẹc, Chiếu, Ngọt, Mọt, Cưa đang tuổi ăn học thiệt tình không biết giải quyết sao nữa. Trong cái khó nó ló cái khôn. Cuối đường hầm đã có tia sáng. Chính thằng Ba Kẹt nó đưa ra một ý tưởng gọi là “đột phá” vừa giúp tía nó giữ được nghề vừa có tính hội nhập với sự phát triển du lịch địa phương. Tại sao không?

Sau khi nghe thằng con tuy đen đúa cục mịch giống mẹ như đúc trình bày, với đầu óc khá nhạy bén chắc do nó tiếp thu được những cái mới từ khi đi làm bảo vệ công ty? Thằng Cọt có phần khù khờ hơn vì lúc cho nó ra đời tía nó chưa có kinh nghiệm. Nó hiền queo, nhưng nói câu nào cũng chắc nụi: “Con hơn cha, nhà có mái bằng”. Thợ Út cười rung bụng.

– Vậy là tìm được hướng đi hả anh Hai? Ba Kẹt hỏi.

– Ừ! Tía già rồi, làm việc này cũng nhẹ. Mấy đứa nhỏ vừa đi học vừa phụ tía làm cũng được. Nếu suông sẻ, sản phẩm làm ra mình sẽ gởi tới các khu du lịch nhờ họ giới thiệu giùm. Được thì làm nhiều hơn.

          Mấy mùa nắng hạn, cây lúa nghẹn đồng, bà con khóc cạn nước mắt. Dòng sông trơ đáy. Chiếc xuồng nằm lẻ loi. Thay vì đóng xuồng ghe lớn như trước cha con Thợ Út thu nhỏ lại trong lòng bàn tay, có thể cầm xách đi xa được. Rồi cái bàn, cái ghế, cái gì liên quan tới đời sống người dân gợi miền ký ức xa xưa là ông Thợ Út bày cho con làm. Không ngờ những sản phẩm đó được khách tham quan chú ý, thấy xinh xắn có thể mua về làm quà kỷ niệm. Cũng để những người xa xứ nhìn cho đỡ nhớ quê. Đôi khi chỉ một vật nhỏ thế thôi mà cũng gợi nhớ biết bao điều tưởng chừng rơi vào quên lãng. Thỉnh thoảng có người ở xa tới mướn đóng xuồng, ông từ chối, tay không còn mạnh để bào ván láng o nữa rồi. Ông đã già. Con cháu ông nó nhạy bén hơn chỉ làm những mặt hàng theo thị hiếu của khách hàng. Trong nhà đã có điện, có ga đâu còn xài vâm bào nữa mà lo cơm canh không kịp chín.

          Vậy là cha con Thợ Út bắt tay vô làm không ngờ giúp du lịch địa phương phát triển. Khách tới tấp nập, rộn ràng suốt ngày. Phải cho mấy đứa nhỏ học thêm tiếng Anh tiếng u gì đó chớ để mấy chú mắt xanh mũi lõ xí xồ xí xào hông có đứa nào dịch mình cũng mất mối lắm. Hướng đi mới đã được tháo gỡ. Mấy nhà trước kia cũng đóng xuồng ghe cung cấp cho bà con đón nước tràn đồng kiếm chút cá tôm thấy mô hình mới phát triển nên mở lại đồ nghề cho ra những sản phẩm nhỏ nhỏ, xinh xinh rất bắt mắt, phục vụ mùa du lịch rộn ràng trên khắp quê mình.

                                                                      C.T.M