Từ bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, càng thấy thêm độc giả còn yêu thơ

634

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hơn hai tuần nay, đã có hàng trăm bài viết trên Facebook, Messenger, Zalo, trên các báo điện tử, báo in… bàn về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” và bàn về sự công minh của Ban giám khảo cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ (2019-2020). Có thể thấy ba luồng ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến chê, một số ý kiến khen và một số bạn đọc vừa chê vừa khen. Đó là các luồng ý kiến mang màu sắc cá nhân khác nhau của các bạn yêu thơ và không yêu thơ. Song, có thể thấy đọc giả chưa quay lưng lại với thơ, họ vẫn trăn trở, yêu thích những áng thơ hay đúng nghĩa của nó.


Nhà phê bình Lê Xuân.

Theo tôi, ở đây chưa bàn đến những luồng ý kiến đúng sai, trái chiều, nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng cho nền văn học đương đại. Bởi người ta có yêu thơ thì mới quan tâm và lạm bàn như thế, tùy theo ý chủ quan và cách thẩm thơ của mỗi người. Còn khi người ta chai lỳ, không thèm bàn gì cả, bởi ai cũng nghĩ “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì lại là điều đáng lo, đáng ngại cho người làm văn chương.

Nhà hiền triết Tuân Tử người Trung Hoa, đã nói: “Kẻ chê ta đúng là thầy ta, kẻ khen ta đúng là bạn ta, kẻ khen ta không đúng (nịnh ta) là kẻ thù của ta vậy” (Phàm ở đời ai chẳng thích khen. Phải là bậc thầy biết rõ cái đúng, cái sai mới chê. Bạn bè thì thường hiểu nhau, khen nhau. Còn kẻ chỉ chiều lòng người khác khen bốc thơm không đúng là hại người ta, để họ không thấy được cái sai của mình mà sửa.)

Việc trao giải B (không có giải A) cho chùm thơ của tác giả Tòng Văn Hân (người dân tộc Thái ở Điện Biên) vượt lên trên 3.500 bài thơ dự thi là điều đã có sự cân nhắc kỹ của Ban Chung khảo mà nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có giải trình. Tuy nhiên những ý kiến đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục lắm. Vẫn biết rằng “nhà thơ phải làm dâu trăm họ” thì chùm thơ ba bài trong đó có bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” ấy vẫn chưa đủ tiêu chí của thơ hay để trao giải Nhì, cùng lắm chỉ là giải Khuyến khích thôi. Theo nhà thơ, nhà PBVH Nguyễn Vũ Tiềm thì bài thơ hay phải hội đủ ba yếu tố: Tứ, Từ, Tư (Tứ thơ, Từ ngữ thơ, Tư tưởng bài thơ):

Túi nhà thơ có ba ngăn

Tứ – Từ – Tư đủ, quanh năm tiêu xài

Tôi cứ tạm cho đây là tiêu chí cần và đủ để thuyết phục các nhà thơ hướng theo để định dạng thơ hay. Nhưng do tạng của mỗi nhà thơ, mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau thì việc vận dụng ba tiêu chí đó cũng chỉ là tương đối. Đem quy chiếu vào bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của Tòng Văn Hân, thì ta thấy: Đây là bài thơ có tứ lạ và hay như nhà thơ Hữu Thỉnh đã giãi bày. Nó phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người dân tộc nói chung và người Thái nói riêng. Đó là cách chửi LẠ trong dân gian miền núi mà lâu nay ít thấy các nhà thơ nói tới. Tôi đã dạy học ở miền núi Tây Bắc 15 năm, gần gũi với người dân tộc nên thấy tư duy của họ luôn mang tính cụ thể – hình tượng, như PGS-TS Văn Gía cũng đã đề cặp tới trong bài viết. Các bài thơ “Em tắm” của Bạc Văn Uì, “Nhớ vợ” của Cầm Vĩnh Ui, “Núi Mường Hung, dòng sông Mã”, “Người con gái Châu Yên” của Cầm Giang là những bài thơ được chọn trong số 100 bài thơ hay của thế kỷ XX (thực ra là của cùng một tác giả Cầm Giang, người Kinh ở Thanh Hóa, có tên thật là Lê Gia Hợp). Ông nhập vai, nhập họ người dân tộc để sáng tác thơ theo tư duy hình tượng cụ thể của dân tộc Tây Bắc. Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Dương Thuấn, Đinh Sơn, Cầm Giang, Ngọc Anh, Vi Hồng, Insara… thường cũng viết theo lối tư duy ấy.

Triển khai cái Tứ chửi Lạ và Mới  của Tòng Văn Hân ta mới thấy bài thơ  nổi bật tính nhân văn. Nghĩa là có  tưởng tốt (nội dung tốt). Nó khác xa với cách chửi của người Kinh khi mất gà, mất lợn… Họ đào mồ cuốc mả cha ông ba đời người ta lên mà chửi bằng những từ ngữ thô tục, ngoa ngắt…và đã được một số nhà văn đưa vào tác phẩm, như Nguyễn Công Hoan đưa tiếng chửi vào tiểu thuyết “Bước đường cùng”… Trái lại, bà mẹ dân tộc Thái ở đây chửi nhưng thực ra là mong cho thằng kẻ trộm giàu có, hạnh phúc để nó khỏi đi ăn trộm nữa. Thật nhân đạo, bao dung, vị tha và nhân ái biết bao! Vì thế tính thẩm mỹ của bài thơ được tăng lên. Qua đó góp phần giáo dục con ngời vươn tới cái đẹp, cái cao cả, cái thiện lương.

Xét về mặt sử dụng Từ ngữ và hình tượng thơ, chúng ta thấy tác giả còn “non tay” ấn. Từ ngữ trong bài thơ là từ ngữ giao tiếp, là khẩu ngữ thông dụng, mộc mạc hàng ngày gần với văn nói chưa nâng lên thành những “tín hiệu thẩm mỹ” hay “nhãn tự” cho cái Tứ và  bay lên. Nó khác xa cách dùng từ ngữ chau truốt mang tính “bác học” của các nhà thơ người Kinh. Séc-nư-sep-ski (người Nga) nói “Cái đẹp là sự giản dị”. Nhưng sự giản dị trong thơ không đồng nghĩa với sự trần trụi theo “chủ nghĩa tự nhiên”. Nếu chúng ta cứ khen kiểu diễn đạt tự nhiên bằng những ngôn từ như thế thì chẳng khác nào “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” (Truyện Kiều – câu 3158). Vì vậy các ý kiến tuy “quá tả”, “cực đoan” của một vài nhà thơ, nhà PBVH nhận xét cũng góp phần cảnh tỉnh cho Ban giám khảo ở cấp Trung ương cũng như cấp địa phương khi được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” chấm giải các cuộc thi văn chương. Đã có những lần người đoạt giải thấp không nhận giải để phản đối người đoạt giải cao, phản đối Ban Chung khảo. Xét ra cái tôi của họ còn quá lớn.

Cũng qua cuộc trao giải thi thơ lần này bộc lộ mặt bằng thơ ca đương đại của chúng ta đang chùng lại chăng? Hàng trăm bài thơ na ná giống nhau về cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt tình, ý; nhất là nhiều bài lục bát như vè, như ca dao. Số lượng thì nhiều mà chất lượng thì ít. Nhà thơ Huy Trụ đã có lần trăn trở về thơ, rồi tự bạch: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau/ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành” (Gửi bạn làm thơ).

Thơ ca cũng như con người, như cỏ cây hoa lá. Người thưởng thức thơ cũng trăm ngàn vạn kiểu tùy theo tâm lý lứa tuổi và học vấn. Nhưng dù sao thì thơ hay bao giờ cũng như “người con gái đẹp đi đâu cũng lấy được chồng”. Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của Tòng Văn Hân là “hương đồng gió nội” của vùng đất Điện Biên lịch sử, viết theo “cái hồn, cái vía” của người Thái quê hương. Nó đằm sâu chất dân ca kết hợp các cảm nghĩ chân thực, thiết tha rất đẹp của nội tâm người dân tộc. Bài thơ như một bản nhạc có nhiều “nghịch phách” (đảo phách) lạ này rồi dần dần sẽ quen tai các nhà thẩm âm. Điều đáng mừng là dân tộc ta vẫn còn rất nhiều người yêu thơ, không quay lưng lại với thơ. Những ý kiến trái chiều cũng là “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương” (Nguyễn Đình Chiểu) mà thôi. Theo tôi, công bằng mà nói thì chùm thơ ba bài của nhà thơ Tòng Văn Hân chỉ nên  trao giải Khuyến khích.

L.X