(Vanchuongphuongnam.vn) – Nơi cái xóm Vú Sữa cặp bờ kè sông Cái Khế ở Thành Tây, nói đến Tư Bụng, không ai là không biết. Gã nổi danh đình đám không chỉ nhờ vào cái bụng to kềnh như bụng ông địa mà còn được coi là có biệt tài chuyên nghề khóc mướn. Dường như giữa chân dung con người độc đáo này và cái xóm lao động nghèo có cái tên ngọt ngào nghe như một mạch suối nguồn dinh dưỡng kia có một gắn kết keo sơn từ thời hồng thủy.
Sừng sững ngự trị nơi đầu góc hẻm, bao quát cả một khu cửa nhà san sát, cách không xa chiếc cầu sắt cũ, cây vú sữa con hẻm mang tên như người lính đứng gác giặc một mình nơi điểm tựa biên cương, không quản ngại ngày đêm mưa nắng dãi dầu. Người cao tuổi sống nơi đây cũng không biết cây vú sữa ấy mọc từ bao giờ hay do ai trồng để từ đó con hẻm nhỏ được mang tên nó. Người ta chỉ biết nó trông ra vẻ đã có từ lâu. Thân nó cao lớn vạm vỡ như cây sao, bao quanh bởi lớp vỏ khô nức nẻ sù sì, được che hờ sương nắng bằng mấy cành khẳng khiu lơ thơ trụi lá trên ngọn cao. Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh bông vàng nhỏ li ti như đám bụi vàng hoa sao rụng lác đác xuống mặt đường nhưng không bao giờ thấy cây kết trái. Có người bảo nó là cây vú sữa đực. Những khi trời mưa to gió lớn, mấy chú se sẻ bé tí, chim chìa vôi đẹp mả hay trao trảo liếng thoắng không biết từ đâu bay về, mượn mấy cành khô làm nơi trú ẩn. Ai thường đến đường Duy Tân chỗ chạy ngang đầu hẻm cũng biết bà Mụ Sỏi nổi tiếng cả một vùng đồng bằng. Bà già đỡ đẻ mát tay này có cậu con trai lớn là anh hai Khương – còn gọi là Khương Tò Le vì anh thổi kèn trompette rất hay – sớm giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến từ thời Nam Kỳ khởi nghĩa. Hẻm Vú Sữa chạy ngang qua am Cô Hồn đến cuối cùng trông ra đường Phan Thanh Giản là đầu hẻm Hai Địa, tên một ông lính thổi kèn tây mập ú, rượu chè như Lưu Linh của thời còn mồ ma thằng thực dân Pháp.
***
Không gian xóm nghèo chiếm hết hai bên con đường nhỏ bò quanh co giữa lau sậy, dài chỉ hơn cây số, cả xóm Vú Sữa hoang sơ vắng vẻ, với nhà cửa ọp ẹp nhưng chứa đựng nhiều huyền thoại của một thời đấu tranh chống Mỹ khi Tân tại Tây Đô. Ngôi nhà lá nhỏ ọp ẹp của nhà văn Nhất Tâm cách không xa miếu bà Chúa Xứ, bên cạnh đụt mả giữa xóm là một nghĩa địa hoang đầy âm khí. Cái xóm nghèo chưa đầy cây số vuông, với con rạch Tàu Hủ nhỏ bé lừ đừ chạy qua trông như dòng nước tù, luôn bốc lên mùi hôi tanh nồng nặc mà có đến bốn nghệ sĩ văn nhân và hai dũng sĩ thời đánh Mỹ.
Tư Bụng ở ngay giữa nghĩa địa hoang khu đụt mả giữa lòng xóm hoang vu trong một chòi lá ọp ẹp dựng lên với một mái lá tựa vào gốc một cây xộp hoang cổ thụ. Không thấy bóng dáng vợ con gã, ngày ngày sau khi đi hành hiệp về, Tư Bụng một mình thong dong tự lo cơm nước. Khi đánh hơi nơi nào có đám tiệc, Tư Bụng nhanh nhẹn vô tư có mặt tại ngay tại chỗ như một vị khách không mời vì biết chắc chắn người ta sẽ cần mình. Gia chủ trong lúc bận rộn với việc nhà đang có tang sự cũng không buồn để ý đến chuyện vặt. Rồi sự hiện diện của Tư Bụng trước hết là sửa tay kéo chân lo tẩn liệm người chết rồi sau đó vài hôm tiếp tục lên đường đưa linh cửu người quá cố của chủ nhà đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Được phép đầu đội khăn sô, mình mặc áo tang trắng như người trong tang quyến, Tư Bụng biểu diễn thần tình hết vai trò của một người thân đang biểu lộ xúc động cao độ về lòng yêu thương với người khuất bóng. Gã vừa đi khệnh khạng vật vã vừa kêu gào, khóc than kể lể vô cùng thảm thiết hơn cà thân nhân chính cống của người quá cố, bên mấy anh nhạc công đạo tỳ đang tò le inh ỏi giai điệu nhạc buốn đưa đám hỗn tạp mượn từ những bản nhạc vàng của một thời xa vắng. Hết khóc than kể lể lu bù, Tư Bụng lấy tay rút khăn mù soa trong túi quần jean cũ ra chặm nước mắt lia lịa. Bao nhiêu khăn tay cho đủ bây giờ! Trông Tư Bụng sụt sùi, người ta nghĩ gã đã khóc cho bảy đời ông bà tiên tổ mình đã chết chứ không phải riêng chỉ cho một người không có họ hàng với gã đang nằm trong áo quan:
– Nếu gom hết nước mắt trong đời gã đã khóc cho thiên hạ thì thủy lượng bao la của con sông Hậu mênh mông trong mùa nước nổi cũng không bằng. Bất chợt nhìn thấy Tư Bụng trong một lần đưa tang, một bà sồn sồn ngứa miệng. – Cái bụng to của gã dường như dành chứa nước mắt để khóc cho đời trong đó có cả thân nhân đích thực của gã lẫn người dưng! Một chị bán xôi bên lề đường gần nhà Tư Bụng mỉa mai, dửng dưng phát biểu một cách vô tội vạ.
– Không biết tiền khóc mướn của Tư Bụng có đủ cho gã uống rượu đế hàng ngày hay không nhỉ? Và còn không biết bao lời ve tiếng nhặng về Tư Bụng nữa.
Thực ra, lấy lẽ công bình mà nói, Tư Bụng còn có cái việc làm hay đáng trân trọng khác ngoài cái nết khóc dư nước mắt cho người dưng để kiếm tiền nuôi thân. Trong một lần, tại xóm Cầu Củi ở đường Nguyễn Trãi không may xảy ra hỏa hoạn dữ dội, ngọn lửa bà hỏa ác độc đã thiêu rụi hết nhiều căn nhà trong một khu phố, gây thiệt hại lớn cho nhiều bà con. Tại một trận cháy lớn khủng khiếp đó, trong lúc có kẻ thừa nước đục thả câu, lăm le chực chờ hôi của, Tư Bụng là người can đảm trước tiên dám xông pha vào biển lửa ghê gớm để cứu người… không màng tới hiểm nguy và mạng sống của mình. Lần khác, một nhà dân bên bờ rạch Tàu Hủ gần bên cầu Cái Khế bị chập điện, ngọn lửa dữ hùng hổ đe dọa khủng khiếp tài sản và sinh mệnh của bà con, cũng chính Tư Bụng lại là người có mặt hăm hở hành thiện. Chú Tư Bụng xung phong như một kẻ thí mạng cùi, chẳng khác nào con vượn thoăn thoắt trèo lên cột nhà, đu nhanh qua cột điện để cúp cầu dao. Chú Tư đã nhiều lượt khệ nệ cõng người và lỉnh kỉnh ôm vác đồ đạc trong nhà chạy ra ngoài để tránh lưỡi lửa tàn ác của bà hỏa.
***
Trọn đời Tư Bụng đã đem hết nước mắt khóc cho thiên hạ nhưng nghề nghiệp của gã đã khiến cho không ít người tỏ ra khinh khi, ít ai thích tới lui quan hệ với gã lúc còn sinh tiền. Nhưng khi Tư Bụng chết, người ta nghĩ lại đoái thương nên đi đưa đám tang gã còn đông hơn dân nghiện bóng đá đi coi World Cup! Ngày đưa gã khóc mướn trong chiếc quan tài từ thiện bằng gỗ mít đưới cơn mưa lạnh cắt da đến lò thiêu Mỹ Khánh, chiếc xe tang đi ngang qua nhà, ai thấy cũng khôn cầm được nước mắt và có người không ai mời đã tự động tạt vào tham gia cùng đoàn đưa tang.
– Đám ma ai đó mà trông trọng thể quá vậy anh?
– Chú Tư Bụng, gã khóc mướn chuyên đi đưa đám ma ngày trước đó chị biết không?
– A, tưởng ai chứ Tư Bụng, gã đưa đám lấy bụng ở đời ai cũng rành sáu câu hết đó mà!
– Ý, đừng nên xúc phạm. Nghe nói ông ấy là liệt sĩ đã từng treo cờ Mặt trận ở đụt mả xóm Vú Sữa mỗi lần có lễ trước kia đấy.
Giờ thì chú Tư Bụng, ngày xưa đôi khi bị mỉa mai như một vị khách không mời của đám tiệc hay gã khóc mướn chuyên nghiệp đã nằm yên trong áo quan. Dưới trời mưa lạnh, đoàn ô tô mai táng Tư Bụng – người đã làm những việc không vô ích cho xã hội mà chưa chắc ai cũng làm được. Những kẻ hàm hồ ngứa miệng hay nói bậy giờ đây mới cảm thấy chạnh lòng, trắng mắt ngộ ra một nỗi niềm xót xa muộn màng. Sau đoàn xe lặng lẽ chạy chầm chậm đưa Tư Bụng về chốn an nghỉ vĩnh hằng là cả một đoàn người đưa tang triền miên vô tận thể hiện niềm thương tiếc khôn nguôi chú Tư Bụng, gã khóc mướn khả kính như một anh hùng không tên ở xóm Vú Sữa Thành Tây.
P.Đ