Công Nguyễn
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Bước qua lời nguyền” (truyện vừa) in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ tháng 11 năm 1989. Sau đó được tập hợp trong Nhân Vật (Tác phẩm chọn lọc: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn và kịch), Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, 2002. Khi vừa ra đời “Bước qua lời nguyền” đã nhận được nhiều lời ngợi ca của giới nghiên cứu phê bình văn học và độc giả yêu mến văn chương trong cả nước. Một số nhà nghiên cứu khẳng định “Bước qua lời nguyền” là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tạ Duy Anh và lo ngại nhà văn khó “bước qua lời nguyền” trong sự nghiệp sáng tác văn chương của mình.
“Đất mồ côi” (tiểu thuyết) mang bút danh Cổ Viên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, phát hành tháng 12 năm 2020 với số lượng khá lớn nhưng đã bán sạch sau một thời gian rất ngắn. Trong thời buổi “cô hàng bán sách lim dim ngủ” và không ít nhà văn, nhà thơ bỏ tiền túi in sách làm niềm vui, biếu bạn bè, chúng ta mới thấy sức hút của “Đất mồ côi” biết dường nào!
“Bước qua lời nguyền” và “Đất mồ côi” đều viết về đề tài cải cách ruộng đất và nông thôn miền Bắc sau cách mạng tháng Tám. Cùng một đề tài nhưng được viết vào hai giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Thời tuổi trẻ (“Bước qua lời nguyền”), thời chiêm nghiệm, trải nghiệm và nhiều suy tư về cuộc sống (“Đất mồ côi”) vì thế hai tác phẩm trên có nhiều điểm hấp dẫn riêng.
“Bước qua lời nguyền”, “Đất mồ côi” – hai tác phẩm của Tạ Duy Anh.
1. Nhân vật người kể chuyện
Cả hai tác phẩm người kể chuyện là nhân vật “tôi” ở ngôi thứ nhất nhưng địa vị xã hội và thành phần giai cấp của họ hoàn toàn khác nhau.
Nhân vật kể chuyện trong “Bước qua lời nguyền” là con trai của một bần nông, thuộc thành phần cốt cán của cách mạng. Sau cải cách ruộng đất bố cậu ta làm Chủ tịch xã, lãnh đạo một địa phương (cấp xã) xây dựng cuộc sống mới, chế độ mới nhưng lòng hận thù giai cấp vẫn sục sôi. Ông gieo vào tâm hồn trẻ thơ lòng hận thù giai cấp không đội trời chung.
Một hôm tôi bảo với bố tôi:
– Ông Hứa ngày xưa ác bá ra sao, mà ngày nay ông ấy hiền thế?
Bố tôi trợn mắt:
– Mày sắp quên mối thù rồi đấy. Chẳng qua thời nay là thời của bần cố nông thì lão phải chịu đấy con ạ…
Và để tôi ghi mối thù vào xương tủy, mỗi ngày bố tôi lại kể cho tôi nghe một chuyện thời xưa về sự tàn ác của lão Hứa. Mỗi ngày một chuyện, lời kể của ông tuyệt vời như kể chuyện cổ tích, khiến tâm hồn tôi thấm đẫm những hồi ức kinh hoàng không bao giờ còn hong khô được nữa.
Vì thế, Quý Anh – con gái lão Hứa, mới 6 tuổi đã trở thành đối tượng cho bọn trẻ hành hạ, đấu tố. Hàng ngày đi học về, bọn trẻ thường vây nó lại, ném đất vào người: “Hôm sau, tháng sau và suốt một thời trẻ con, chúng tôi không ngớt hành hạ Quý Anh. Có hôm mặt nó tím bầm. Cũng có bận nó khóc, còn đa phần nó gắng chịu đựng”.
Với cương vị là người đứng đầu một xã, ông không cho con cái những người thuộc thành phần bóc lột trước 1945 vào hợp tác xã (dù họ đã bị tịch thu hết nhà cửa, ruộng đất): “Khỏi phải nói khi có quyền trong tay, bố tôi đã đè bẹp, nghiền nát đám quan lại cũ ra sao. Lão Hứa tất nhiên thuộc đối tượng đầu tiên ông nghĩ đến. Lão bị tịch thu đến cả chiếc lư hương, khu trại cũ bị san phẳng thành ruộng. Lão sống lủi thủi như con chó lạc loài… suốt ngày cặm cụi cùng vợ con cày xới mảnh đất vườn bé tí tẹo”.
Nhân vật kể chuyện trong “Đất mồ côi” là cháu chắt của địa chủ, trí thức, thuộc thành phần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Cố nội người kể chuyện là người đầu tiên đến khai sơn phá thạch lập nên xóm làng. Ông đã thu nạp và giúp đỡ rất nhiều người tha phương cầu thực được an cư lạc nghiệp và đóng góp nhiều tiền của cho cuộc kháng chiến nhưng vẫn bị cách mạng xử bắn vì tội giàu có. Ông nội cậu ta là một trí thức yêu nước, một sĩ quan vệ quốc quân nhưng cũng bị cách mạng xử bắn vì tội nhiều chữ, hiểu biết rộng và là ân nhân cứu mạng một cô gái Mường xinh đẹp đã lọt vào mắt chỉ huy trưởng (ông bị tố lấy quân lương và hủ hóa). Đáng lý ông đã thoát chết khi huyện đưa lệnh hoãn xử bắn về xã nhưng nếu vậy chỉ tiêu vượt 1% mà đội cải cách đăng ký với cấp trên không đạt! Vì thế, các ông đội đã sai lão Hận dẫn người đưa tin đi uống rượu thịt chó để xử tử rồi báo lại là nhận tin được sau khi đã hành quyết.
2. Điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện
2.1. Trong “Bước qua lời nguyền”, điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện trải dài theo thời gian từ năm lên 7 tuổi đến năm 28 tuổi (21 năm). Dù được bố với quan hệ ruột thịt (cha đẻ) và địa vị xã hội (chủ tịch xã) cùng những người có trách nhiệm ở địa phương thường xuyên nhắc nhở “có nghĩa vụ làm sáng danh cha anh mình” và “khắc ghi mối thù vào xương tủy” nhưng cậu bé vẫn có cách nhìn trong trắng, không hùa theo đám đông bạn bè luôn hành hạ, đánh đập, chửi mắng cha con lão Hứa. Trong mắt cậu, lão Hứa rất hiền lành: “Chẳng biết ngày xưa lão lý trưởng ăn gan uống máu ra sao, nhưng khi tôi lớn lên chỉ thấy lão nhu mì như hòn đất… Ra đồng, lão lý trưởng xưa kia cũng đứng riêng một chỗ. Gặp từ đứa trẻ lên sáu, nhất nhất lão đều lên tiếng chào trước”.
Thậm chí, năm lên mười hai tuổi, bắt gặp lão Hứa móc trộm khoai lang ăn, cậu đã “gí thanh nứa vạt đầu vào cổ lão” định đâm một nhát trả thù cho chú nhưng khi thấy lão quỳ xuống van xin: “Kìa cậu Tư, tôi cắn rơm cắn cỏ lạy cậu (…). Cậu cứ lớn lên đi cậu sẽ hiểu tôi chả là cái gì trước số phận, trước thời thế… Cuộc đời cũ nó ắt phải thế”. Nhất là khi Quý Anh chạy đến, quỳ xuống xin tha cho bố, cậu thấy hiện lên trước mắt mình một tiên đồng “khuôn mặt nó trong veo, cặp mắt trong veo với hai lọn tóc lắc lư bên má”. Vì thế bao nhiêu hận thù trong con người cậu tan biến, “tôi để tuột mất thanh kiếm tráng sĩ vì một lời khẩn cầu dâng lên từ đất: Cậu và tôi… và những mùa vàng rực nắng, chúng ta cùng là con đẻ của cuộc đời không thù hận”. Đây chính là cột mốc làm thay đổi hoàn toàn điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện từ hận thù sang cảm thông, chia sẻ, thương yêu. Vì thế, độc giả không ngạc nhiên khi “cậu Tư” đã “chạy vụt đến bên cây phi lao cụt, quỳ hẳn xuống dùng cả răng lẫn tay dứt tung lớp dây quấn từ ngực đến chân Quý Anh” rồi cùng cô chạy trốn lũ trẻ mục đồng năm mười lăm tuổi.
Sau đêm mơ “được ngủ với cô tiên”, cậu Tư đã loại ra khỏi bộ nhớ lời nhắc nhở thường nhật của bố mẹ: “Lão Hứa và con cháu lão là kẻ thù truyền kiếp”. Vì thế, cậu ta luôn nghĩ, nhớ và bảo vệ con kẻ thù: “Tôi sẵn sàng cãi nhau với bố để bênh vực Quý Anh”. Do đó, cậu đã “phản bội” bố mẹ, yêu thương, gắn kết với con “kẻ thù truyền kiếp”: “Đêm ấy không có trăng nhưng đầy sao và hương thơm mùa màng tỏa ra từ đất. Lần đầu tiên trong đời, trái tim tôi nóng như hòn than cháy ngún trong ngực, khi tôi biết cảm nhận sự kỳ diệu của da thịt… Tôi và Quý Anh, hai kẻ trong trắng như nhau, tội lỗi như nhau đã bước qua lời nguyền, đã ân xá cho nhau trong sự chứng kiến của các thiên thần”.
Dù bị gia đình và cả xã hội ngăn cấm, hăm dọa: “Đêm ấy, các vị đã bọc chặt chúng tôi bằng dáo, mác, bẵng nỗi căm ghét phi lý” và phải bỏ làng đi biệt xứ mười năm nhưng điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện không thay đổi. Mười năm xa cách, nhớ nhung, chờ đợi để khẳng định mối tình đầu trong trắng sẽ vượt thoát mọi trở ngại, khó khăn; băng qua mọi gian lao, thử thách. Thời gian ấy cũng góp phần làm thay đổi định kiến thiển cận của những người xung quanh. Đứa em gái út nanh nọc năm xưa nay đã thành một thiếu nữ xinh đẹp, vừa gặp anh đã ân hận “khóc nức nở, khóc thổn thức, ai oán” và không ngớt lời khen chị Quý Anh chung thủy, đáng yêu. Ngay ông bố mang nặng đầu óc thủ cựu, đầy hận thù cũng thay đổi cách nhìn: “Chờ nhau ngần ấy năm… thời buổi này không dễ có mấy người. Anh chị đã quyết, tôi cũng không dám cản. Nhưng anh hãy đợi khi nào tôi chết hẵng đưa nó về ở cái nhà này”.
Điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện trong “Bước qua lời nguyền” dù trải dài theo thời gian nhưng cơ bản là nhất quán, một chiều. Ngay từ đầu, “cậu Tư” đã nghi ngờ những câu chuyện “tuyệt vời như kể chuyện cổ tích” của bố. Sau đó, hàng ngày tiếp xúc với cha con lão Hứa, cậu phát hiện lão Hứa rất hiền lành: Quý Anh hiền dịu, ngây thơ, trong trắng.
2.2. Điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện trong “Đất mồ côi” là của một người trưởng thành, từng trải. Câu chuyện bắt đầu khi anh ta phát hiện con trai thứ hai của mình không cùng nhóm máu. Từ đó, người kể chuyện bắt đầu thông qua những trang hồi ký của mẹ, những bức thư của bố và những câu chuyện thu lượm từ nhiều nguồn để lần về quá khứ, tìm hiểu cội nguồn năm đời gia đình mình, của nhiều gia đình, của cả một vùng quê khốn khổ.
Điểm nhìn của người kể chuyện trong “Đất mồ côi” được soi chiếu dưới nhiều góc độ, nhiều góc nhìn. Đó là cái nhìn đa chiều, khách quan, có phần lạnh lùng. Các nhân vật trong “Đất mồ côi”, từ đàn ông đến phụ nữ đều hiện lên sống động, chân thực. Không có ai trong số họ là người hoàn hảo. Họ đều là những người từng mắc lỗi lầm hoặc bị đẩy vào các tình thế phải phạm tội lỗi. Những lỗi lầm đó con cháu họ phải gánh chịu về sau. Chẳng hạn, ông cố nội là người có công khai sơn phá thành, lập nên xóm làng nhưng cũng không ít lần ra lệnh chôn sống những người hủi từ nơi khác đến mà không chịu rời làng. Ông nội được cố nội chăm bẵm, cho ăn học thành tài, trở thành là trí thức yêu nước nhưng đã quên “công cha như núi Thái Sơn” khi chỉ điểm căn hầm bí mật để hội kín bắt xử tử cố nội. Mẹ đẻ là phụ nữ xinh đẹp, yêu chồng thương con, đảm đang, tháo vát nhưng dục vọng ái ân luôn sục sôi; không đủ kiên nhẫn chờ đợi chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận, đã dan díu với tay thư ký đội và em chồng…sinh con.
Sự thay đổi điểm nhìn của nhân vật người kể chuyện tạo cho “Đất mồ côi” thật hơn, gần đời thường hơn nhưng cũng khó đọc hơn. Những độc giả quen thuộc với các loại truyện phân chia nhân vật thành tuyến thiện ác rạch ròi sẽ rất khó chịu khi bắt gặp các nhân vật mình yêu mến “phạm tội” một cách bất ngờ. “Tiểu thuyết vận dụng nhiều truyền thuyết, từ Kinh Thánh, sự tích truyện Trăm trứng đến các huyền thoại truyền miệng tạo nên một khung cảnh huyền bí và siêu thực nhưng cũng đầy ắp tư liệu đời sống. Các thành ngữ được vận dụng khéo léo để câu chuyện đậm chất làng quê” (Nguyễn Phan Quế Mai) đã góp phần đa dạng hóa điểm nhìn cho nhân vật người kể chuyện.
3. Kết cấu và yếu tố tâm linh, huyền thoại
3.1. “Bước qua lời nguyền” dù có đan xen “những câu chuyện bố tôi kể” nhằm tăng sức hấp dẫn cho truyện, nhưng cơ bản vẫn kết cấu theo trình tự thời gian. Truyện bắt đầu từ năm người kể chuyện lên bảy, học vỡ lòng: “Năm lên bảy tuổi, tôi đã được giáo dục khá cẩn thận về vị trí mà tôi đã chiếm một khoảng tí tẹo giữa cuộc đời mênh mông này” và kết thúc bằng lời trăn trối của người bố khi anh chuẩn bị ra đi sau kỳ nghỉ phép: “Anh hãy đợi khi nào tôi chết hẵng đưa nó về ở cái nhà này. Tôi biết nói ra điều ấy không xứng đáng với một ông bố. Nhưng tôi không thể…anh hiểu ý nguyện của tôi chứ?”. Do đó rất dễ đọc, rất dễ tóm tắt. Thế hệ độc giả ưa thích truyện dân gian, truyện Nôm, truyện kết thúc có hậu, đời sống nội tâm nhân vật không quá phức tạp và mạch truyện phát triển theo trình tự thời gian sẽ hào hứng đọc một lèo và thở phào nhẹ nhõm khi gấp lại cuốn sách.
Nội dung tư tưởng và điểm nhìn, cách nhìn của truyện rất mới. Đó là thông điệp từ bỏ hận thù, từ bỏ định kiến, hãy đoàn kết, yêu thương vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và đoàn kết. Suốt hành trình lịch sử, mọi người dân Việt Nam không kể giàu nghèo đã đồng sức, đồng lòng dựng nên đất nước, cớ gì ngày nay chúng ta lại khư khư ôm nặng mối thù truyền kiếp và coi đất nước này là đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp bần cố nông?
Kết cấu, nghệ thuật kể chuyện dung dị, dễ hiểu, dễ tóm tắt. Không khí bao trùm truyện là bầu khí quyển dân chủ, hồ hởi, tự do khi văn nghệ sĩ được “cởi trói” sau Đại hội VI. Nhiều độc giả đọc xong truyện, mở tung cánh cửa bay vào bầu trời tự do, cất cao tiếng ca “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”.
3.2. “Đất mồ côi” mang nhiều yếu tố của tiểu thuyết hậu hiện đại. Nó không còn kiểu cấu trúc tuyến tính thông thường, nó phá vỡ mọi trật tự, xáo tung mọi mạch lạc, “tạo ra những cấu trúc phân mảnh”. Cốt truyện được trình bày theo kiểu tháo rời. Người đọc có thể đọc ngược đọc xuôi, có thể đọc bất cứ phần nào trước rồi ghép chúng lại với nhau. Cách kể chuyện cũng “lắt léo, nhiều nút thắt, đan xen nhiều bối cảnh không gian, thời gian, sự bám đuổi theo nhiều tuyến nhân vật”. Có phần “Ngoại truyện”, “Chính truyện”, “Lời giữa sách”, “Phần viết thêm”. Truyện mở đầu bằng “Gã dị nhân và viên đá có dòng chữ cổ” mang yếu tố huyền thoại và Kinh thánh. Sự xuất hiện của các nhân vật không theo hệ thống, “hành trình ra đời” của các nhân vật đảo ngược và thường không trọn vẹn. Bởi thế các chương sau có thêm phần “Kể tiếp”, “Kể thêm”, “Mấy lời viết thêm”… “Tiểu thuyết đầy sự tương phản. Hiện thực và truyền thuyết. Cái ác và sự thiện lành. Bạo lực và tình yêu. Lòng căm thù và sự tha thứ. Sự tuyệt vọng và hy vọng. Ánh sáng và bóng tối. Những câu văn nhẹ nhàng và mơ màng như thơ được cài vào những cảnh tượng bi thương, đẫm máu, như những lát dao sắc cứa vào tâm can người đọc. Quyển sách chật căng những cung bậc cảm xúc: từ ghê tởm cho tới hài hước, từ suy tư, đau đớn, đến sự buông thả, bất cần” (“GIỚI THIỆU SÁCH MỚI TẠ DUY ANH – BẬC THẦY KỂ CHUYỆN” – Nguyễn Phan Quế Mai).
“Đất mồ côi” rất khó tóm tắt và cũng không dễ đọc, dễ hiểu như những tiểu thuyết truyền thống. Độc giả phải đọc hết, đọc chậm, thậm chí đọc nhiều lần một số đoạn, sau đó chắp nối lại, “ghép chúng lại với nhau”. Trong phần “Tiểu dẫn của người kể chuyện”, tác giả đã khuyên người đọc “phải đọc ngược từ cuối lên, nghe thì có vẻ rắc rối, đánh đố… nhưng chẳng có vấn đề gì dưới những cặp mắt xanh”.
Đặc biệt trên phương diện tổ chức văn bản, tác phẩm đã sử dụng giọng điệu giễu nhại như một chủ âm. Tất cả những vấn đề dù nghiêm túc, dù kỳ vĩ đều trở thành tâm điểm của giọng điệu giễu nhại, đó là “lối u mua màu đen kết hợp với hoang đường khủng khiếp với hoạt kê, thông qua cái hài để biểu đạt cái bi đát nhất. Tác giả thường lập ý quái dị, tưởng tượng phong phú, nhưng là nhằm vạch ra cái tính chất buồn cười trong những sự việc thường thấy, cười cợt khôi hài một cách chua chát, kể cả tự trào trong một trạng thái lạnh lùng, bế tắc, tiến thoái lưỡng nan… U mua màu đen, do đó, là sự phản ánh vào văn học loại khôi hài tuyệt vọng, nó cố gây tiếng cười cho con người, xem như sự phản ứng lớn nhất của loài người đối với những cái vô nghĩa hoang đường mà lại thường thấy trong cuộc sống” [Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới những vấn đề lý thuyết, NXB Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây-2004, tr. 80 – 81]. Giọng điệu giễu nhại tạo nên sức mạnh của các tác phẩm. Giọng điệu giễu nhại cũng chính là liều thuốc hữu hiệu nhằm thích ứng với thời đại đánh mất hoàn toàn sự ngây thơ.
“Đất mồ côi” có nhiều hình ảnh, chi tiết ám ảnh như “Viên đá có dòng chữ cổ” xuất hiện cùng với “Gã dị nhân” và đặc biệt là tiếng gọi “Cha ơi” lúc gần lúc xa, lúc hiện hữu lúc mơ hồ, lúc phát ra âm thanh lúc tồn tại trong tâm tưởng nhưng mỗi khi những người trong gia đình của nhân vật kể chuyện từ cố nội, ông nội, chú Tỉnh… gặp điều bất trắc hay hối hận, đau thương đều thốt lên. Tiếng gọi ấy vượt khỏi cuốn sách, luôn ám ảnh, lay động, xốn xang và neo đậu vĩnh viễn trong tâm trí độc giả. Hễ nhắc đến “Đất mồ côi”, người đọc đã nghe âm vang tiếng gọi “Cha ơi”. Độc giả có thể không nhớ tên nhân vật, không tóm tắt được tác phẩm, thậm chí không nhớ nội dung câu chuyện nhưng tiếng gọi “Cha ơi” không bao giờ quên!
C.N