Câu chuyện tự do ngôn luận dẫn đến cuồng ngôn dường như vẫn là một câu chuyện dài với những cá nhân ảo tưởng sức mạnh quyền lực trên không gian mạng, kèm theo đó là một tâm lý bất ổn, thậm chí không được bình thường, nếu không có sự can thiệp kịp thời và một đời sống tinh thần an ổn.
Ngày 01/11/2024, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng với những lời lẽ nặng nề, thô thiển nhằm công kích và xúc phạm nhắm vào nhà sư Thích Minh Tuệ và nhiều người khác, với khẩu khí hằn học đầy tính sân si, bà Nguyễn Phương Hằng dùng những ngôn từ như “mày, tao” khi nhắc về sư Minh Tuệ, sau đó, bà quy kết sư Minh Tuệ bằng lối lập luận vô cùng thiển cận, phàm phu, mang quan điểm cá nhân, thiếu hiểu biết để chà đạp danh dự, nhân phẩm người khác.
Tác giả Phương Trâm
Trong đó có đoạn, bà phản bác lời nói của nhà sư Minh Tuệ khi sư cho rằng “Nếu cả nước đi tu thì nước khác sẽ cung cấp lương thực để nuôi sống người dân nước đó”, đây là câu nói xét về khía cạnh Phật giáo hoàn toàn không có gì sai trái, vì ngày xưa Phật cũng đi khất thực, cũng nhờ bá tánh cúng dường. Ngày nay, các Chùa chiền, Tự viện cũng chỉ làm nhiệm vụ hoằng pháp độ sinh, người đã xuất gia sinh sống trong Tự viện thì không tham gia vào việc kinh doanh, kiếm tiền theo cách của người thế tục và cũng nhờ vào sự cúng dường của bá tính. Người tu họ mang lại giá trị cho cuộc đời theo một cách khác, không phải bằng tiền bạc mà bằng sự hướng thiện, sự an lạc trong tâm trí. Ngày xưa đức Phật cũng là người từ bỏ tất cả hư vinh, từ bỏ vật chất ngai vàng để tìm ra con đường giác ngộ và thoát khổ cho nhân loại. Những giá trị Ngài mang lại không từ vật chất mà từ sâu thẳm chân tâm để con người biết buông bỏ bớt những bon chen tham vọng, ngũ dục lục trần, có hiểu được chân lý của đau khổ mới giúp con người thoát khổ. Tạo ra giá trị của cải vật chất để trao tặng là đáng quý, đạo Phật không khuyến khích người ta bỏ hết công việc mưu sinh chỉ để đi tu, bởi mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh của riêng mình nhưng đạo Phật hướng con người đến một đời sống cân bằng giữa vật chất và tinh thần, giữa bên ngoài lẫn bên trong. Đạo Phật giúp con người khai thác được giá trị nội sinh tiềm ẩn trong bản thể để từ đó, con người biết vận dụng tâm thức và tri thức để sống an vui, sống tử tế, biết yêu thương chia sẻ. Khi con người có nội tâm phong phú, có một đời sống tinh thần an ổn thì mới có được nguồn năng lượng tích cực để tạo ra của cải, phục vụ cộng đồng.
Giá trị vật chất luôn đồng hành cùng giá trị tinh thần, nếu một trong hai không cân bằng thì đời sống con người sẽ rơi vào ngổn ngang khủng hoảng, thế nên việc đề cao giá trị tiền của dành cho xã hội là hơn giá trị tinh thần, tâm linh tín ngưỡng hoặc ngược lại đều là sự so sánh không phù hợp.
Một minh chứng cho thấy rằng khi bà Nguyễn Phương Hằng đề cao giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần thì lòng bà đã thiếu đi sự bình yên, thiếu đi sự an ổn, vì thiếu những điều đó nên bà mới phát ngôn những câu đầy rẫy sân si, nông cạn thậm chí cuồng ngôn loạn ngữ. Từ bi không chỉ trong việc làm mà còn cả trong lời nói, trong cách hành xử hằng ngày, tránh gây bất hòa, xung đột, tránh gây tổn thương cho người khác cũng là một dạng từ bi. Thế nhưng có đất nước nào mà 100% người dân đi tu hết hay không? Đó là một câu hỏi mà chắc chắn rằng “không bao giờ có” bởi tu hành không phải chuyện giản đơn mà bất kỳ ai cũng muốn làm và làm được. Và nếu có một quốc gia nào mà toàn bộ dân số chấp nhận đi tu, đó sẽ được xem là Đất Phật, là vùng Thánh địa và tôi tin cũng sẽ có những quốc gia sẵn sàng cúng dường, giúp đỡ trợ duyên như thầy Minh Tuệ đã nói.
Ở góc độ một người tu hành, người ta sẽ có cách nhìn theo cách của người tu hành, người thế tục thì có cách nhìn theo cách của người thế tục, cũng như người thế tục cho rằng con người phải lấy chồng, lấy vợ, sinh con để duy trì nòi giống, để tạo ra nguồn lao động và thế giới không bị tuyệt chủng; Người tu hành xuất gia thì cho rằng người tu là giải thoát, đoạn diệt ái dục để chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Nếu hỏi người xuất gia vì sao không lấy chồng lấy vợ, sinh con, họ sẽ trả lời như vậy, nhưng người thế tục không chịu, cho rằng họ nói vậy là sai? Là làm cho con người trở nên tuyệt chủng?
Vậy thì bà Nguyễn Phương Hằng chỉ trích sư Minh Tuệ là chỉ trích ở phương diện nào? Ở phương diện của một người trần tục hay đặt mình vào vị trí một người tu? Và đây là câu hỏi giả thuyết mà người ta đặt ra cho sư Minh Tuệ trả lời chứ không phải tự sư Minh Tuệ kêu gọi, khuyên bảo tất cả đi tu. Hai khái niệm này là hoàn toàn khác.
Không những vậy, qua câu trả lời của nhà sư Minh Tuệ, bà đã lấy đó làm cơ sở để đả kích nhà sư và lôi kéo lực lượng công an vào làm tấm bình phong, làm lý do để so sánh với người tu hành học đạo, bà cho rằng sư Minh Tuệ nói vậy thì lực lượng công an phải bỏ súng, bỏ nhiệm vụ để đi tu thì lấy ai làm việc cho đất nước? Đây là một lối so sánh vô minh, thiển cận, tự suy diễn, có yếu tố tự diễn biến tự chuyển hóa của bà Nguyễn Phương Hằng.
Liên tiếp sau đó, bà liên tục có những lời lẽ mang tính quy chụp một cách vô căn cứ, tôi xin trích lại sau đây:
“Sư Minh Tuệ làm ảnh hưởng cả quốc gia; Đất nước này vì sư Minh Tuệ mà bị nước ngoài thưa kiện, bị đưa ra Liên Hiệp quốc để khởi kiện; Vì một người ôm nồi cơm điện đi ngoài đường mà Việt Nam trở thành quốc gia bị người ta đánh giá; Bên Mỹ dựa vào sư Minh Tuệ để kiện đất nước Việt Nam và bà quy kết cho những người ủng hộ sư Minh Tuệ là không yêu nước qua câu hỏi “Tụi bây ủng hộ cho nó thì tụi bây yêu nước chỗ nào?”, sau đó, bà liên tục gọi người ủng hộ sư Minh Tuệ là “u nang, u mê”; Bà cho rằng sư Minh Tuệ tự tu tự phát chứ không ai công nhận? Bà thách thức cộng đồng bằng ngôn từ “Tao kêu là thằng cu Tuệ thì ai làm gì tao?” Bà cho rằng sư Minh Tuệ tạo ra hiệu ứng lôi kéo nhân dân ra đường làm loạn, bà hùng hổ tuyên bố sẽ quất sư Minh Tuệ không trượt phát nào, sẽ chửi sư Minh Tuệ, buộc sư Minh Tuệ phải gọi bà là “Phật”, bà liên tục nhắc lại người ủng hộ con đường tu tập của sư Minh Tuệ là “Chấp cánh cho việc gây mất an ninh trật tự”, là giặc nội xâm.
Bà còn cho rằng: “Theo quy định thì các thầy tu bị cấm không được ôm bình bát đi khất thực”. Bà lôi kéo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam vào câu chuyện của bà để tạo thêm sức mạnh cho sự cuồng ngôn, công kích nhà sư Minh Tuệ, nhưng GHPG Việt Nam chưa cần đến sự can thiệp của bà, và GHPG Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức Tôn giáo đại diện cho một nhóm nhà tu hành có tham gia vào các hoạt động xã hội trong một quốc gia chứ không phải đại diện cho tu sĩ Phật giáo trên toàn thế giới mà bà cho rằng người tu phải được công nhận mới là tu.
Bà Nguyễn Phương Hằng nên nhớ rằng trong Kinh điển Phật giáo, Phật là người đã từng đi khất thực, dù con người và Pháp luật có thay đổi thế nào cũng vẫn tôn trọng những vấn đề thuộc về Lịch sử và Kinh điển, bởi đó là những nội dung không thể thay đổi. Nhà nước cũng không hề cấm người tu đi khất thực và hiện nay nhiều nhà sư vẫn còn thực hiện theo nếp sống khất thực này, nhiều quốc gia vẫn duy trì hạnh khất thực như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Sri Lanka, Campuchia, Lào…Ở Việt Nam, hình ảnh này thường thấy trong cộng đồng người theo Phật giáo Nam tông Khmer ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Chỉ là không cho lợi dụng việc khất thực để lừa đảo hoặc làm điều sai phạm gây mất uy tín Giáo hội Phật giáo, mất uy tín tu sĩ, tăng đoàn, tuy nhiên điều này, sư Minh Tuệ hoàn toàn chưa có gì sai, ngay cả văn bản số 795/TGCP-PG ngày 16/5/2024 của Ban Tôn Giáo Chính phủ cũng đã ghi rất rõ là “Tạo điều kiện cho tăng, ni, phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, cách hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo theo đúng quy định pháp luật”
“Thông tin, tuyên truyền để quần chúng nhân dân, tăng, ni, phật tử và nhân dân hiểu về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, về cách thức hành trì của Phật giáo, không cản trở việc tu học đúng chính pháp”.
Văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ không hề có nội dung nào cấm cản việc người tu đi khất thực. Vậy thì bà Nguyễn Phương Hằng dựa vào đoạn nào trong Kinh điển Phật giáo và văn bản của Bộ Luật nào để nói rằng pháp luật nhà nước cấm người tu hành đi khất thực khi không có lý do chính đáng?
Có thể nói, những lời lẽ của bà Nguyễn Phương Hằng đều xuất phát từ cảm tính cá nhân trong tâm thái bất ổn thiếu kiểm soát, đó không được xem là chứng cứ, bằng chứng có đủ tính pháp lý để quy chụp, công kích, thóa mạ người khác.
Việc tu tập, tu hành là việc của mỗi cá nhân, khi con người có nhu cầu tìm cầu học đạo, hướng đến con đường thoát khổ, Phật vẫn dạy chúng sinh “Hãy thắp đuốc lên mà đi”, “Đừng nương tựa ai mà hãy nương tựa vào Pháp, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác” và câu “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, cho thấy rằng mỗi người đều có thể nương tựa vào Chánh pháp để tu tập, tu học hướng đến đời sống giác ngộ, giải thoát mà không cần phải lệ thuộc vào ai, vào tổ chức nào. Chúng sinh đều có thể thành Phật nếu nói được như Phật, làm được như Phật, sống được như Phật và giải thoát được như Phật. Cũng không ai có thể công nhận ai là người đã tu hành đắc đạo, ai thoát khổ bằng chính bản thân người đó.
Bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng việc tu hành phải có người công nhận vậy thì bà cho rằng bà đi tù vì dân, bà thương dân, bà làm tất cả vì dân là có ai công nhận hay không? Hay bà đang tự vẽ vời rồi tự khoác lên mình chiếc áo thánh thiện và cao thượng?
Mỗi một quốc gia đều có chủ quyền, không phải ai muốn thưa kiện thì thưa, và ai là người đã vì sư Minh Tuệ mà thưa kiện đất nước Việt Nam? Họ có đủ cơ sở, đủ thẩm quyền để tác động đến Tòa án quốc tế, đến Liên hiệp quốc hay không? Không lẽ lời nói của một tổ chức nhỏ lẻ, một cá nhân nào đó mà cao hơn mối quan hệ hợp tác hòa bình, hữu nghị về kinh tế, chính trị, văn hóa của các Chính khách quốc gia?
Khi khơi mào về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Hằng cần đưa ra thông tin chính xác về đối tượng nào đã thưa kiện đất nước Việt Nam và thưa về nội dung gì? Những hậu quả gì đã xảy ra cho đất nước sau những lời thưa kiện đó và những đối tượng đó có liên quan gì đến bản thân nhà sư Minh Tuệ? Nếu không chứng minh được cũng đồng nghĩa là bà mang suy diễn cảm tính để hù dọa đến nền chính trị Việt Nam.
Và bà Nguyễn Phương Hằng có quyền gì để lên mạng xã hội đòi “quất”, đòi “chửi” người khác khi người ta chưa hề đụng chạm đến bà? Và đó có phải là hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, lợi dụng truyền thông, mạng xã hội nhằm xúc phạm, đe dọa, gây mất uy tín danh dự người khác hay không?
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Phương Hằng có bằng chứng nào, dựa vào cơ sở nào để cho rằng người tôn trọng, tôn kính sư Minh Tuệ là không yêu nước, là giặc nội xâm? Những ai là người không yêu nước? Hành động nào của họ là không yêu nước? Thống kê số liệu bà lấy từ đâu? Bà cần có dẫn chứng rõ ràng chứ không phải bằng lối suy diễn mông lung vô căn cứ. Khi bà đã nói trên mạng xã hội, trước nhiều người thì bà cần có trách nhiệm trước lời nói của mình và có những bằng chứng cụ thể, mọi người cần bà cung cấp điều này. Nếu không cung cấp được, đồng nghĩa là bà đang vu khống cho cộng đồng xã hội.
Qua lời nói của bà Nguyễn Phương Hằng cho thấy bà đã có những lời lẽ mang tính xúc phạm cá nhân, xúc phạm tín ngưỡng và lòng tôn trọng tín ngưỡng của nhiều người, nếu với một người thông thường đã là vi phạm thì đối với người phát nguyện tu hành, được nhiều người tôn kính và ngưỡng mộ, thì hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng càng bị xem là xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng; Lợi dụng quyền tự do ngôn luận bôi nhọ danh dự nhân phẩm uy tín người khác.
Những người tôn kính sư Minh Tuệ, có nhiều thành phần, từ người bình dân đến nhân sĩ trí thức, họ tôn kính và học theo hạnh buông xả của Sư Minh Tuệ chứ hoàn toàn không xuất phát từ mục đích nào liên quan đến chính trị hay tin theo cách mù quáng và mê tín dị đoan, họ cũng không cổ súy cho những việc làm sai trái vi phạm pháp luật, trái với Phật pháp nên việc bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng người tôn kính sư Minh Tuệ là “u mê, u nang”, có thể nói đây là những lời lẽ mang tính xúc phạm, thóa mạ người khác một cách nặng nề, nghiêm trọng.
Chúng ta phải thừa hiểu rằng, chúng ta đang sống trên một đất nước có pháp luật, mọi hành vi sai trái đều sẽ chịu sự xử lý theo quy định pháp luật khi có đủ căn cứ, chứng cứ. Không phải người ta lợi dụng vào sư Minh Tuệ để làm sai thì cho rằng cái sai đó là do sư Minh Tuệ. Việc tùy tiện để quy chụp, dùng ngôn từ kích động thù hằn nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây chia rẽ, bất ổn trong tôn giáo và ảnh hưởng uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh, thích đáng.
Trong thời gian qua và cho đến ngày nay, sư Minh Tuệ cũng đã ẩn tu, không còn tình trạng người dân đổ ra đường gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự, và cơ quan chức năng cũng sẽ có những giải pháp để giúp đỡ, tạo điều kiện cho người tu hành được thực hiện nguyện vọng tu tập của mình theo đúng Luật tín ngưỡng, tôn giáo, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nếu cá nhân, tổ chức nào sai thì pháp luật sẽ xử lý cá nhân, tổ chức đó.
Chúng ta cũng thấy, từ khi sư Minh Tuệ ẩn tu đến nay, không có bất kỳ vấn đề nào nhạy cảm và xung đột xảy ra liên quan đến chính trị và tôn giáo, nếu có thì cơ quan chức năng sẽ tùy vào tình huống, hoàn cảnh mà có cách điều phối và xử lý cho ổn thỏa. Chỉ đến khi bà Nguyễn Phương Hằng được trở về đời sống bình thường sau khi thi hành án thì bà Hằng đã lên mạng xã hội và tự xới tung câu chuyện về nhà sư Minh Tuệ với những con người liên đới thuộc tổ chức nào đó mà bà cho rằng phản động, đã gây hoang mang dư luận, kéo theo đó là hàng loạt kênh Youtube liên tục đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, nhằm câu view, câu like theo hướng tự suy diễn, tạo nên bầu không gian mạng đầy sự bát nháo, ồn ào và hỗn tạp.
Cả một hệ thống chính trị Đảng và Nhà nước thì không đợi đến sự kêu réo, gào thét, phanh phui hay đấu tố của bà Nguyễn Phương Hằng về vấn đề sư Minh Tuệ hay vấn đề an ninh đất nước thì người ta mới biết. Có thể nói, những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng trong những ngày qua trên mạng xã hội và đỉnh điểm là ngày 01/11/2024 đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận bởi nó thể hiện sự ấu trĩ và kém văn minh bằng những ngôn từ thô thiển, thiếu văn hóa giữa một xã hội mà con người cần ứng xử văn minh, nhất là văn minh doanh nghiệp và trên không gian mạng, thế nhưng những lời lẽ phát ngôn của bà Hằng đã đi trái lại nếp sống văn minh, trái với thuần phong mỹ tục, trái tinh thần Phật pháp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây bất ổn an ninh chính trị. Những lời lẽ của Nguyễn Phương Hằng mang tính lộng ngôn, đề cao bản thân, xem thường người khác, xem thường pháp luật, nếu không kịp thời chấn chỉnh và xử lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, ảnh hưởng tình hình an ninh chính trị trên không gian mạng và ngay cả trong đời sống thực tế hằng ngày, tạo ra tiền đề để nhiều người dựa theo và bắt chước. Thiết nghĩ, trước những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng xấu này, cơ quan chức năng cần vào cuộc và sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời để trả lại sự bình yên cho không gian mạng, trả lại đời sống xã hội văn hóa văn minh.
Phương Trâm