Tư duy ‘ếch ngồi đáy giếng’ và tư tưởng ‘ta về ta tắm ao ta’…

568

Giải Nobel văn chương luôn là khát khao của không ít người cầm bút và câu hỏi bao giờ một tác giả người Việt ta có được giải thưởng danh giá này luôn là mong ước, là khát vọng của những người yêu mến văn chương nước nhà. Song, xem ra mơ ước đó còn xa vời, ít nhất là trong vòng vài chục năm tới.

Vì sao vậy? Hạn chế của các nhà văn Việt Nam là gì? Làm gì để vượt qua những rào cản đó?

Muốn trả lời câu hỏi “vì sao vậy” có lẽ nên bắt đầu từ câu hỏi “hạn chế của các nhà văn Việt nam là gì” bởi “biết mình là ai” luôn là câu hỏi không dễ.

Về hạn chế thứ nhất, xin thưa đó là tư duy “ếch ngồi đáy giếng”, tự mình ru ngủ mình mà đầu tiên, đó là ít người thông thạo ngoại ngữ. Tôi có thể khẳng định, hầu hết các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không biết (hoặc biết rất lỗ mỗ) ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, một ngôn ngữ đang có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việc không biết (hoặc lỗ mỗ) ngôn ngữ này khiến các nhà văn Việt Nam như “ếch ngồi đáy giếng”, không tiếp cận được với văn học thế giới qua bản gốc. Trong khi đó, văn chương là “lập ngôn”, nhất là với thơ, một lĩnh vực mà ở đó, tài năng sử dụng ngôn từ được coi là số một.

Không biết ngoại ngữ, không chỉ không tiếp cận được với văn học thế giới, mở mang tầm nhìn mà còn không chuyển tải được văn chương của mình ra với bạn bè quốc tế. Không biết ngoại ngữ, sẽ tự “ru ngủ” mình như con ếch ngồi trong đáy giếng, luôn ảo tưởng về mình với khoảng trời xanh bằng bàn tay trên cao tít tắp.

Tệ hại hơn là tư tưởng che giấu sự ngu dốt bằng bài ca “ta về ta tắm ao ta” mà không biết ngoài kia có sông sâu, bể rộng, có sóng cả, gió to để rồi an ủi rằng cái “ao ta” tù túng, khê đọng đó “dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Tệ hại hơn, họ còn gieo vào đầu công chúng sự sùng bái tiếng Việt một cách thái quá qua cảm tính mà hoặc vô tình, hoặc cố tình không dựa trên những luận cứ khoa học. Yêu tiếng nước mình, dân tộc mình là rất đáng trân trọng. Song, coi ngôn ngữ của quốc gia mình, dân tộc mình là “đỉnh cao chói lọi” thì đó là sự ngộ nhận đáng thương.

Không có ngoại ngữ, các nhà văn Việt Nam không chỉ khó tiếp cận với hơi thở văn học thế giới mà còn sẽ rất hạn chế khi giao lưu với các nhà văn quốc tế. Tai hại hơn nữa nếu như đọc phải những bản dịch méo mó, vừa ngô nghê ngốc nghếch, vừa tắc trách nhan nhản trên thị trường sách hiện nay thì đó còn là bi kịch cho văn chương. Khi biết thêm một ngôn ngữ, ta có thể hiểu thêm tâm hồn một dân tộc, đồng thời có “đối tượng” để so sánh với ngôn ngữ mẹ đẻ, từ đó nói và viết sẽ chính xác hơn.

Thực tế cho thấy một số nhà văn thông thạo ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) thường hay có tác phẩm được giới thiệu ở nước ngoài mà gần đây nhất, nữ nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai là một ví dụ. Nếu không thông thạo tiếng Anh, viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh, tôi đồ rằng Nguyễn Phan Quế Mai không thể có vị thế văn chương trên văn đàn quốc tế như hiện nay.

Nếu chọn một trong những thiệt thòi, mất mát lớn nhất trong cuộc đời của mình, đối với tôi, đó là không biết ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh! Tiếc rằng đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa qua đã không nhận được sự ủng hộ!

Hạn chế thứ hai, đó là thói “ăn mày dĩ vãng” một cách thái quá trong khi cái “kho tàng dĩ vãng văn chương” của ta lại vô cùng èo uột. Chúng ta luôn “tưởng tượng” rằng Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… là những thi hào nhân loại nhưng liệu thế giới có nhìn như chúng ta và họ có thực sự là những “vì sao” trên bầu trời văn chương quốc tế? Tôi đồ rằng khó bởi các vị trên là những nhà nho, sử dụng chữ Hán là chính. Dù có bao biện kiểu gì thì cũng không thể nói khác, truyện Kiều lấy từ cốt truyện của nhà văn Trung Quốc.

Tôi nhớ một nhà văn nào đó nói rằng một văn hóa dân tộc được khẳng định bởi ba yếu tố: lãnh thổ, tiếng nói và chữ viết. Trong khi chữ quốc ngữ của chúng ta mới thịnh hành từ đầu thế kỉ XX và như vậy, nếu nói văn học Việt Nam “thuần chủng” có lẽ nên tính từ đầu thế kỉ XX chăng? Có thể nói đây là thời điểm “vẻ vang” của văn chương bởi không chỉ hướng tới chân – thiện – mỹ mà văn học giai đoạn này còn làm phong phú và góp phần hoàn thiện chữ quốc ngữ.

Hạn chế thứ ba, chúng ta xuất phát từ cái “nền” thấp trong hầu hết các lĩnh vực, từ văn hóa nghệ thuật đến khoa học, công nghệ. Việt Nam đã có những đóng góp gì cho thế giới ở các lĩnh vực này? Từ bỏ ảo tưởng và thói kiêu ngạo đi thì thấy, những đóng góp của chúng ta vào kho tàng tri thức nhân loại là khiêm tốn, rất khiêm tốn.

Xuất phát từ cái “nền” như vậy, đòi hỏi đỉnh cao phải chăng là ảo tưởng? Xin thưa, những đỉnh núi cao thường xuất hiện trên nền tảng một dãy núi. Không thể có một tỉ phú Bill Gates ở Việt Nam cũng như không thể có Maradona hay Pê lê trong bóng đá và càng không thể có một Lev Tolstoy hay Gabriel Garcia Márquez trong văn chương Việt lúc này.

Nếu nhìn thẳng vào sự thật, khắc phục những hạn chế, hi vọng rằng sớm nhất cũng phải vài chục năm sau thì may ra mới hi vọng.

Tư duy “ếch ngồi đáy giếng” và tư tưởng “ta về ta tắm ao ta” chính là chiếc vòng kim cô xiết lên đầu nền văn học Việt.

Theo Bùi Hoàng Tám/Văn nghệ