Tu huýt, chiếc bánh tuổi thơ – Tạp bút của Nhuận Tâm Hiền 

665

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những đứa trẻ sinh ra trong thời buổi này có mấy khi biết về chiếc bánh độc lạ quê tôi. Đứa trẻ nào biết được chắc có lẽ cũng nghe ông bà, cha mẹ thế hệ trước kể lại. Riêng tôi thì đó là cả một câu chuyện dài về nó. Trong thời điểm mọi người phải hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội, buôn bán khó khăn bởi dịch bệnh thì thu nhập của từng người, từng gia đình đã hạn hẹp, chi tiêu cũng thắt chặt hơn, tôi lại càng nhớ đến chiếc bánh tuổi thơ mình, nhất là sáng nay má đã làm cho cả nhà ăn loại bánh ấy. Kỷ niệm ùa về trong tôi.

Bánh Tu Huýt

Thời đó cách đây cũng hơn hai mươi năm rồi. Quê tôi cũng như các vùng quê nghèo ở nông thôn đang trong thời kỳ chuyển mình cùng đất nước qua thời kỳ khó khăn. Một thời túng ăn túng mặc, những đứa trẻ trong những gia đình nông dân thì bữa đói bữa no. Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có ông bà là công chức, nhà lại có máy xay xát gạo nên ít phải chịu cảnh đó. Nhưng những đứa bạn cùng thời với tôi thì đều chung cảnh khó khăn của nhiều gia đình. Bữa cơm những ngày đó đa số là độn khoai lang, khoai mì nhiều hơn gạo, trong mâm cơm mà có vài con cá, con cua là quý lắm.

Cuộc sống bây giờ mà ăn sắn ăn khoai thì chỉ khi thèm người ta mới ăn và lâu lâu ăn một lần sẽ thấy ngon. Chứ cả tuần mà sáng, trưa, chiều, tối chỉ ăn khoai lang với khoai mì thì nghẹn lắm! Cái khó ló cái khôn, thế là các bà các má thời đó mới nghĩ ra một loại bánh để làm cho những đứa trẻ ăn đỡ ngán, cho chúng quên đi cảnh suốt ngày phải ăn khoai luộc, khoai hấp cơm. Cũng bởi không có đủ điều kiện để chuẩn bị những bữa cơm đủ đầy, tươm tất, nên việc tạo ra sự hấp dẫn cho bữa ăn đối với những nông sản làm ra quanh năm thì nhiều gia đình nghĩ ra cách làm mới các nguyên liệu cũ, có sẵn để chế biến món ăn. Thế là chiếc bánh Tu Huýt ra đời, bánh còn có tên gọi khác là bánh Vắt Vắt.

Để làm được món bánh này, mỗi mùa thu hoạch khoai lang, má cắt lát phơi rồi hì hụi xay thành bột. Với khoai mì thì có thể cắt lát phơi khô tương tự khoai lang hoặc có thể cạo vỏ, xay tươi, lọc bớt tinh bột rồi dùng xác xay đó để làm thành bánh. Bột khoai trộn đều với đường cát rồi nhồi kỹ. Nhà nào có điều kiện hơn thì thì cho thêm chút mật ong. Xong công đoạn nhồi là nặn. Thường thì cứ nặn quanh đầu ngón tay hay sáng tạo ra cách dùng chiếc đũa làm trụ rồi dùng tay vắt bột thành chiếc bánh hình trụ tròn, khi chiếc đũa được rút ra để lại lỗ thông hơi ở giữa. Đó cũng là hình hài cái bánh Tu Huýt! Cuối cùng, xếp bánh theo chiều dọc trong nồi hấp, thổi lửa và đậy kín nắp nồi. Lúc này có thể bỏ thêm vào nồi hấp nắm lá dứa để tăng vị thơm cho bánh. Hấp khoảng 20 phút thì bánh chín. Mùi thơm của khoai lang, khoai mì cộng với mùi mật ong hay mùi lá dứa trong làn khói bốc lên nghi ngút khiến những đứa trẻ cứ chụp ăn lấy ăn để! Vừa ăn vừa thổi xuýt  xoa cho đỡ nóng nên người ta đặt tên cho bánh này là bánh Tu Huýt. Cái tên Tu Huýt có từ đó.

Ngày còn nhỏ, nhà tôi ít khi làm bánh Tu Huýt, bữa nào năn nỉ quá, má mới lục đục chuẩn bị bột, bắc nồi nước để làm. Đơn giản vì công việc buôn bán và chăm lo cho gia đình đã chiếm hết thời gian của má. Mỗi lần má làm bánh là mấy lần anh chị em chúng tôi chộn rộn cả lên, rửa tay sạch sẽ và cầm trên tay một người một chiếc đũa để chuẩn bị làm bánh cùng má. Sau 15 đến 20 phút đỏ lửa thì bánh chín, hơi bốc lên nghi ngút từ nồi bánh, anh chị em tôi lại tranh nhau hít hà cái hương vị đặc sản quê mình. Hôm nào, má làm số lượng ít thì má cho lên nồi cơm vừa sôi tới để hấp luôn một thể cho tiện. Tôi thích ăn những chiếc bánh được hấp ở nồi cơm như vậy lắm. Cứ mỗi lần má hấp bánh tôi lại lật tung nắp nồi cơm, thò tay lấy bánh Tu Huýt cho vào miệng nhai ngồm ngoặm.

Chiếc bánh Tu Huýt thường dùng cho chúng tôi ăn sáng. Phần còn lại má gói cho anh chị em chúng tôi vài ba chiếc bánh vào tấm lá chuối tươi đã hong qua lửa để lá dẻo hơn, cất gọn một góc trong cặp sách để giờ ra chơi có cái mà lót dạ, đỡ đói. Thường thì bánh Tu Huýt khi nguội không còn nhiều mùi thơm của khoai, sắn như vừa mới hấp xong, cũng không còn dẻo mềm nhưng lại có vị ngọt hơn nên đứa trẻ nào cũng thích.

Cuộc sống đổi thay. Nông nghiệp công nghệ cao ngày càng hiện diện trên những cánh đồng thay thế những bước chân nhọc nhằn của những chú trâu, bò lấm lem bùn đất. Diện tích đất nông nghiệp ở các làng quê ngày càng bị thu hẹp trước cơn lốc đô thị hóa. Khoai lang không còn là cây trồng chủ lực của bà con nông dân như thuở chưa có thủy lợi về làng. Khoai mì làm cuộc di cư đời mình lên những nương rẫy cao, giống khoai cũng được thay thế hướng đến mục tiêu xuất khẩu tinh bột sắn ra nước ngoài. Người nông dân dần xa rời với khoai lang, khoai mì – những nông sản từng một thời là lương thực chính cứu đói trong mỗi gia đình – như một lẽ tự nhiên.

Tôi nhận ra mùi vị món bánh năm nào, cơ hồ như mình vừa đánh rơi điều gì ngọt ngào lắm. Nhưng rồi bất chợt nhận ra, có những mùi vị không bao giờ mất hẳn dù tháng năm có nhàu nhò, xếp góc. Dù chái bếp củi ám khói ngày xưa đã được thay thế dần bằng những bếp gas hiện đại, nền nhà lót gạch hoa láng bóng chứ không là nền đất ẩm, nhưng tôi tin rằng Tu Huýt là món bánh ngon nhất mà chúng tôi từng được ăn, bởi nó không chỉ là bánh mà nó là mùi vị ấu thơ – mùi vị không chỉ riêng một món ăn mà còn gói trọn những thảo thơm từ đôi bàn tay của má.

Giờ món này được má làm cho ăn là tuyệt, nhất là khi nỗi nhớ tuổi thơ trong tôi đang lũ lượt kéo về!

N.T.H