“Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”: Những trang sách kể về bước chân ân tình mang chí lớn

475

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xuất bản lần đầu tiên năm 1996, sau 25 năm, “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của nhà văn Trình Quang Phú đã được 6 nhà xuất bản tái bản đến 19 lần. Đó là con số đáng mơ ước của bất cứ nhà văn nào. Nhà văn Trình Quang Phú khi viết về Bác với tất cả tấm lòng kính yêu của mình có lẽ không ngờ những trang sách của mình sau hàng chục năm vẫn luôn được đón nhận. Sáng 2/6/2021, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề nội bộ về tác phẩm này nhân 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2011).

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM – Nhà văn Trịnh Bích Ngân tặng hoa chúc mừng nhà văn Trình Quang Phú tại buổi sinh hoạt chuyên đề nội bộ về tác phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”.

Viết về Bác Hồ luôn là đề tài lớn. Và vì lớn nên khác với những lát cắt cảm xúc được khắc họa nhiều trong thơ ca, không phải nhà văn nào cũng đủ tầm để có thể tạo nên dấu ấn khi viết về Người. “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú là tập ký viết về Bác Hồ giai đoạn thời niên thiếu đến khi rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, hồi ức của các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng dũng sĩ, các cán bộ miền Nam được gặp Bác Hồ. Chính những câu chuyện giản dị, bé nhỏ, rất thật, những ứng xử đời thường lại khắc họa thành công tầm vóc vĩ nhân.

Cuốn sách chia ra hai phần: Miền Nam trong trái tim người và Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng. Nhà văn Trình Quang Phú đã chọn thể loại ký, kể lại những câu chuyện thật từ kỷ niệm, cuộc đời Bác Hồ, với ngôn ngữ viết giản dị, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về địa phương, vùng đất nơi Người sinh ra và lớn lên cũng như những nơi bước chân Người đi qua khi đặt chân lên Bến Nhà Rồng. Điều này không nhiều nhà văn làm được. Nhà văn Trình Quang Phú sinh ra ở Phú Yên, có nhiều năm công tác ở Nghệ An, hàng chục năm sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Có lẽ chính cơ duyên gắn bó với những vùng đất ấy đã giúp ông hiểu, mến yêu và thể hiện câu chuyện rất thành công.

Những trang sách viết về tấm lòng người miền Nam đối với Bác, tình cảm Bác đối với miền Nam là điểm nhấn của cuốn sách này. Tình cảm son sắt ấy được nhà văn Trình Quang Phú kể lại bằng những câu chuyện súc tích, cảm động, đi vào lòng người.

Tôi lặng đi với những chia sẻ mà nhà văn ghi lại của nữ du kích Quảng Nam – Huỳnh Thị Kiển – người bị giặc bắt, chặt chân vẫn giữ tấm lòng kiên trung kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác: “Thưa bác, cháu cũng như nhiều bạn cháu ở miền Nam luôn nghĩ rằng: Trong chiến đấu dù bị cụt hết tay chân mà còn đôi mắt sáng để đến ngày chiến thắng, được nhìn thấy bác thì không bao giờ buồn. Hôm nay, cháu được gặp bác, cháu chỉ biết vui suốt đời”“Nghe tôi nói đến câu đó, mắt bác chớp nhanh. Giọt nước mắt lăn trên đôi gò má Bác”. Cô du kích ấy về sau được qua Hungari lắp chân giả, tập đi lại những bước thăng bằng, cảm nhận được cái tình của Bác trong cả những bước chân mình: “Biết rằng từng bước đi của tôi có tình thương và sức mạnh của Bác. Tôi nguyện sẽ đi nhanh hơn có thể trở về đội ngũ”…

Miền Nam, là nơi lúc trẻ người thanh niên chí lớn Nguyễn Tất Thành xuyên dọc chiều dài đất nước, từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Miền Nam cũng là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về: “Có thể nói rằng, ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và nếu gộp những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại, thì đó chính là nỗi đau khổ của tôi”. Cho đến phút cuối cuộc đời lúc nào bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất.

“Khi gặp đoàn cán bộ miền Nam, được nhận những quà tặng của người miền Nam, Bác đã xúc động mãnh liệt chỉ vào ngực trái: “Bác chỉ có trái tim”. Bác tặng miền Nam trái tim thiêng của người. Người miền Nam nào nghe câu nói mộc mặc đầy tình yêu thương ấy của bác mà không thấy lòng mình xao xuyến cảm động”. 

Sau ngày Bác mất, lục lại tài liệu mới thấy bác rất quyết tâm để vào với miền Nam. Trong Thư gửi đồng chí Lê Duẩn năm 1965 bác đề nghị được bố trí để Bác vào Nam bằng đường biển, sau đó Bác lại đề nghị bố trí cho bác đi bộ qua đường Trường Sơn. Hàng ngày bác tập đi bộ, leo dốc… rèn luyện sức khỏe nhưng vì sức khỏe không đảm bảo, Trung ương chưa bố trí được để Bác vào Nam thì người đã mãi mãi ra đi với nỗi niềm: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Không thể thiếu một trái tim lớn để có thể thành một vĩ nhân. Đó là điều tôi có thể cảm nhận được khi khép lại những trang sách. Ngoài những câu chuyện kể về cậu bé Nguyễn Sinh Cung lớn lên từ Làng Sen, trưởng thành người trai chí lớn Nguyễn Tất Thành, ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước; sau những câu chuyện gắn bó với vùng đất, con người từ dặm dài suốt miền Nam đất nước từ Huế vào Sài Gòn, nhà văn Trình Quang Phú đã khéo léo kể những câu chuyện nhỏ nhưng khắc họa trí tuệ, tình cảm của Bác, như chuyện Bác trồng hoa hồng tặng khách vì hoa hồng tượng trưng cho hạnh phúc nhưng nhắc nhớ rằng, niềm hạnh phúc của dân tộc đổi bằng xương máu trong chiến đấu. Hoa hồng đẹp nhưng cũng đừng quên những chiếc gai sắc nhọn bảo vệ thân cây.

Chọn cho mình một lối đi riêng, hầu hết tác phẩm một đời viết của Trình Quang Phú đều viết về Bác Hồ. “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”… Lối đi này, quả thực không dễ dàng. Nhưng bằng sự hiểu biết, tình cảm chân thành, sâu sắc của mình, ông đã viết và đã được độc giả đồng cảm trên hành trình văn chương của mình.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá: Trình Quang Phú là một người dành suốt cả cuộc đời viết đề tài về Bác Hồ, về chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính vô bờ, với tình yêu vô cùng sâu sắc và với sự ý thức rất cao về thiên chức của người cầm bút, nhà văn đã tạo cho tác phẩm “Từ làng sen đến Bến nhà rồng” có một sức sống bền bỉ; đó là tác phẩm đạt được giá trị chân thực, giàu cảm xúc và là truyền cảm xúc đến người đọc.

“Từ Làng sen đến Bến Nhà rồng” cho tới nay đã in đến lần thứ 20 (sau mỗi lần tái bản, được tác giả bổ sung thêm tư liệu, tình tiết mới) và số bản in lên tới nhiều vạn bản, điều này, minh chứng cho sự cần thiết, rất cần thiết là những tác phẩm viết về chủ tịch Hồ Chí Minh đạt được giá trị chân thực, bạn đọc luôn tìm đọc. Đọc không chỉ để hiểu thêm về cuộc đời của Bác, mà còn để được soi mình vào tấm gương của Bác, để tự răn mình và có thể hoàn thiện mình.

Với tôi, bằng trực giác và cả linh giác của một người cầm bút, tôi nhận ra sự chân thành trong trái tim và sự chân thực của nhà văn Trình Quang Phú sau trang viết, sau nhiều quyển sách của ông viết về Bác Hồ, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đó là sự lặng lẽ cống hiến, âm thầm cống hiến với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm đối với cuộc đời, đối với quê hương, đối đất nước và đối với cả thế hệ tương lai, bằng những việc làm hết sức cụ thể của mình trong suốt hành trình theo chân Bác. 

Thu Hương