Từ “nỗi buồn” và một tâm hồn thôi thúc

762

Như Nguyên

(Đọc bài thơ “Lửa” của Đỗ Thành Đồng)

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Lửa” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng chất chứa điều ma mị, lôi cuốn đồng thời gợi mở nhiều tầng không gian, sự cách điệu khác.

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng 

Có những lần ta mập mờ trong rung cảm và thoạt thấy được ngôn ngữ đang chuyển động một cách thuần túy đến lạ thường. Thơ đảm đương trọng trách ấy, nó khiến đọc giả không thể lường trước, nhiều khi cứ nghĩ đây sẽ là một mớ hỗn độn, rối ren. Vì thế cần phân bua, sắp xếp để trật tự được giải thể rõ ràng. Nhờ “thơ” người viết như áng mây lang bạt thả những suy tư, đau đáu, nhìn nhận của mình xuống tưới mát một đồng cỏ bao la rộng lớn. Mỗi người đều có sự chiêm cảm riêng hình thành nên cái mới, cái độc tôn, đó là nguồn tài nguyên vốn có đã sản sinh trong chính bản thân mình, khi họ biết tận dụng khai thác triệt để thì dĩ nhiên trở nên quý hiếm.

Tôi ấn tượng với nhiều cây viết ở thời kì văn học đương đại lúc bấy giờ, mỗi người một màu sắc, tư duy, góc nhìn khác nhau. Trong đó có nhà thơ Đỗ Thành Đồng, ông sở hữu đôi mắt buồn, định hình qua đôi mắt ấy là những bí ẩn khó có thể diễn đạt bằng lời nói. “Buồn là đặc sản, những lần đau đớn là tài sản”, ông nói bâng quơ và đương nhiên trong thơ ông luôn có thứ đặc sản “buồn” và tài sản “đau”. “Lửa” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng chất chứa điều ma mị, lôi cuốn đồng thời gợi mở nhiều tầng không gian, sự cách điệu khác. Ở bài thơ “Lửa” sự khoáng đạt về hình thức, khắt khe với nội dung được ông chú trọng. Xuyên suốt bài thơ là những dòng tự sự của một tâm thế và hoàn cảnh không mấy vui vẻ nhưng vẫn đâu đó xuất hiện vài tia sáng len lỏi để rồi người đọc không phải cảm thông, xót xa quá nhiều cho một số phận con người.

  1. Quy luật “suy” được thắp sáng

“Mạch kị thẳng, ý kị lộ” thi sĩ chính là tâm điểm giữa ngôn ngữ và con người, không những thấu hiểu đời thực mà phải thâm nhập vào được phía khuất của nhân loại. Nhà thơ Chế Lan Viên có quan niệm về thơ như thế này “Thơ không có trí tượng như bể cạn hết nước”. Trong “Lửa” của Đỗ Thành Đồng đã không vội vàng nói ngay ra hết tất cả. Đa phần mặt chữ nhà thơ che đi, càng xúc tích càng gợi nhiều. Để rồi một câu chuyện bình thường đã chuyển hóa nên một câu chuyện nghệ thuật có giá trị nhất định. Thơ Đỗ Thành Đồng luôn vậy, dễ đọc ư? Đúng! Công nhận thơ ông dễ đọc nhưng có điều không dễ hiểu, nếu người đọc không tinh ý sẽ cho rằng ông đang ”tạo thêm phức tạp thêm cho thơ”. Cái khó này sẽ đúc kết cái hay, cái đẹp kia bằng nhiệt huyết, bằng máu thịt. Theo thời gian rồi ranh giới, rào cản thẩm mỹ sẽ được người nghệ sĩ phá vỡ và chinh phục nó.

Tôi cho rằng “Lửa” của Đỗ Thành Đồng là ngọn lửa mới, khác với những ngọn lửa thông thường. Lửa của ông không phải nhen nhóm bằng củi khô, lá khô… mà bằng sự lương thiện, cảm thương đối với người phụ nữ chân yếu, tay mềm phải tự mình vươn lên cuộc sống. Bằng khả năng quan sát, Đỗ Thành Đồng mạnh bạo tạo một không gian ảo với chức năng cũng cố tinh thần hiệu quả. Ông đang cứu vớt một tâm hồn bằng những lời khuyên chân thành nhất. Chính vẻ đẹp hiện sinh trong “Lửa” đã nung nấu một phẩm chất, phẩm giá đẹp. Không những thế còn nói lên tầm vóc của một người nghệ sĩ lao động bằng ngôn ngữ, có ý niệm trong sáng mang trong mình cá tính trời cho và khát khao xây dựng nền văn học phong phú, mới mẻ.

“Như đống lửa hực trước mặt/ em không thể đặt bàn chân lên/ cũng không thể ngồi xuống bên cạnh/dù đôi môi đã tái nhợt vì rét” Không phải lửa, mà thứ gì đó giống lửa tồn tại ở nơi mà chẳng thể chiếm hữu được. Sự tháo vát về việc xây dựng chân dung người phụ nữ tràn ngập tại khổ thơ đầu. Bàn tay Đỗ Thành Đồng tạo ra nhưng lại không thể đụng chạm mà chỉ cảm nhận và nhìn nhận thông qua ý thức. Tại đây quy luật “suy” được thiết lập, người đọc sẽ cảm nhận được sự lắt léo của một người say thơ, sự uyển chuyển của ngôn từ đang ở mức độ nào. Đồng thời cũng hình dung được một người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ luôn mong muốn mình được thoát khỏi những điều âm u, khó nhọc trước tàn khốc của bể đời.

Những lời độc thoại mang tính lãng mạn như được tiếp sức, có lẽ vì ảo giác hay là một giấc mơ với chiều hướng tích cực. Cái tư tưởng cứu vớt điều không thể bằng một lập luận xác đáng từ biện pháp so sánh “anh là kẻ thèm đống lửa đó/ cho mùa đông không phải riêng mình”“những con kiến trong hang có thể nhờ hơi ấm/ để cuộc tình hồi sinh” song cũng chỉ rõ được mối quan hệ mật thiết của người với người bằng tình cảm, bằng tấm lòng hướng đến tương lai tốt hơn và tình yêu không còn góc khuyết nữa.“…hãy cứu lấy sắc hồng bằng lửa/ đừng sợ chiếc nhẫn kia ám khói…” đỉnh điểm của sự thăng hoa khẳng định dấu ấn sâu nặng mang lại sức gợi lớn, khỏe. Vật chất đối với tác giả chỉ là phù du, hãy đem nó đổi lấy hạnh phúc, hãy tự cứu rỗi tâm hồn mình khi đang còn có thể vùng vẫy. Dù hơi thở ấy thậm chí đếm ngược ở con số 1.

  1. Một tâm hồn đa cảm với những triết lý cuộc đời

Đọc “Lửa”, bỗng cảm giác “hơi ấm” đang cựa quậy quanh mình, bởi tôi cảm nhận được vẻ đẹp man mác của người phụ nữ, sự ân cần và phẩm chất đẹp từ một thi nhân hiện diện qua sự éo le, bi thương của số phận. Tiếng nói tận đáy lòng người quân tử bộc bạch như vầng trăng nhân từ rắc những ánh vàng bên đêm, hất đi cái tối tăm, phẫn uất tạo dựng một niềm tin ở nơi không phải chỉ có màu hồng tỏa sáng. Bằng kinh nghiệm sống, bằng đức tính nền nã trời cho, ý niệm cứu rỗi bừng bừng thức tỉnh trong hoàn cảnh chia cắt. Dù cho bức tường trời kẻ ngang mặt đất nhưng âm thanh vẫn vang vọng và truyền tới đối phương khi cần thiết nhất.

Nói như Maiacopxki: “Làm thơ là cần 1 phần nghìn milligram quặng chữ”. Phải biết công dụng của quặng chữ ấy có thể nung nấu được gì? Thơ cũng thế, vì là tinh túy của những dòng chữ, Nhà thơ đã cháy bỏng với tất cả những gì mình đụng phải và hiểu rõ các kẽ sâu của nhân loại bằng những gì chi tiết nhất, thông thái nhất, để rồi chiêm nghiệm, đúc kết ra những triết lý minh triết không những vì mình mà còn vì cái lớn lao hơn. Ngọn “Lửa”  khác biệt này xây dựng nên một Đỗ Thành Đồng có phong cánh nổi bật, riêng biệt, mới lạ. Không những thế còn đem đến cho người đọc những giá trị nhân văn nhất quán “nhìn nhận hiện thực, thay đổi trực quan, tạo dựng niềm tin… đặc biệt là tình người – cách sống” gói gọn trong các câu thơ em đừng nghĩ rằngsự lẻ loi không cần chói sáng…/ chúng mình chỉ là những kẻ qua đườnggặp mùa đông nên cần nổi lửacon đường ta qua cũng cần sạch sẽnên ngày mai không có đống tro tàn…”. Cái gì đến rồi cũng sẽ đến có chống đỡ được sự chênh chao, nặng nề kia không đều do bản thân quyết định, nhưng còn gì có thể tốt hơn nếu được tiếp nhận niềm tin từ nhiều hướng khác.

Tôi ấn tượng với hai câu kết của bài thơ “Lửa” vì tôi cảm nhận được cái “tình”, cái “chân ái” ở đoạn kết này em cứ ngồi xuống đâykẻo mai không còn rét. Chẳng diễn giải nhiều, ngắn gọn, nội hàm bao bọc hết thảy ý nghĩa bài thơ. Đôi khi trong sự lạnh lẽo mà ta sẽ tìm thấy sự ấm áp cho mình bằng những điều đơn giản, gần gũi nhất như những tiếng nói chân thành, thật tâm của nhà thơ đối với người phụ nữ đã từng là kỉ niệm. “Lửa” đã làm được, đã thành công mang thông điệp gởi đến người đọc một cách khách quan, khát quát. Nhà thơ Đỗ Thành Đồng dùng “nỗi buồn” cất thành cái đẹp và  giá trị nghệ thuật, sự đối lập tách rời nhưng vẫn có thể can dự vào nhau thông qua ngôn ngữ hoàn thiện ghép lại một tình yêu vỡ vụn. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của một nhà thơ ngoài ý tứ đẹp cộng thêm bút pháp, cách viết riêng của mình thì cái mong muốn, khát khao là điều mình làm có thể giúp một con người hoàn thiện hơn, tâm hồn trong sáng hơn từ những đúc kết cuộc đời của chính mình.

N.N

LỬA 

Như đống lửa hực trước mặt

em không thể đặt bàn chân lên

cũng không thể ngồi xuống bên cạnh

dù đôi môi đã tái nhợt vì rét

 

anh là kẻ thèm đống lửa đó

cho mùa đông không phải riêng mình

những con kiến trong hang có thể nhờ hơi ấm

để cuộc tình hồi sinh

 

em cứ ngồi xuống và đưa những ngón tay ra

hãy cứu lấy sắc hồng bằng lửa

đừng sợ chiếc nhẫn kia ám khói

nó đã quá nhỏ với thời gian

 

em đừng nghĩ rằng

sự lẻ loi không cần chói sáng

vì nếu em không qua nổi mùa đông

thì đống lửa này có tội

 

chúng mình chỉ là những kẻ qua đường

gặp mùa đông nên cần nổi lửa

con đường ta qua cũng cần sạch sẽ

nên ngày mai  không có đống tro tàn

 

em cứ ngồi xuống đây

kẻo mai không còn rét.

(Đỗ Thành Đồng)