Tứ thơ là một khám phá

3542

Nguyễn Vũ Tiềm

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Việt nhiều năm nay chừng mực, thật thà quá, nhiều “khôn ngoan”, “điệu đàng” mà ít tìm tòi khám phá, có lẽ đây là lý do làm cho thi đàn rơi vào khủng hoảng: người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ, người in thơ nhiều hơn người mua thơ!

Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Vũ Tiềm

Túi nhà thơ có ba ngăn
Tứ – Từ – Tư đủ quanh năm tiêu xài (1)
(NVT)

1. Tứ thơ và sự khám phá thế giới

Trong lĩnh vực sáng tác hay thẩm bình thơ thì tứ thơ được quan tâm hàng đầu.
Nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn “Công việc làm thơ”, trang 117 hai lần ông nhắc:
“Lao động thơ, trước hết là tìm tứ”…
“Lao động thơ, khó nhất là tìm tứ”…
Ông viết tiếp: “Tứ thơ là nhân ở trung tâm bài thơ, chi phối ra toàn bài”.

Trong cuốn “Từ điển thuật ngữ văn học” NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 1999: Tứ thơ là “sự kết hợp giữa hình ảnh sống động và ý nghĩa thơ, sao cho sự sống của hình ảnh càng triển khai ra càng khơi sâu thêm ý nghĩa của bài thơ”. (trang 260).

Nhà thơ Phạm Quốc Ca trong cuốn “Thơ và mấy vấn đề văn học” viết: “Tứ thơ là cách liên kết, cấu trúc của các ý thơ nhằm tập trung thể hiện có hiệu quả nhất chủ đề trữ tình”.

Nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, nhà văn xưa nay từng có những luận giải về thuật ngữ này. Nhà thơ Chế Lan Viên trong cuốn “Vào Nghề”; nhà thơ Huy Cận trong cuốn “Suy nghĩ về nghệ thuật”; nhà thơ Hà Minh Đức trong cuốn “Vấn đề sáng tạo tứ thơ”; nhà thơ Mã Giang Lân trong cuốn “Tìm hiểu thơ”…

Nói chung các luận giải hay đúc kết đều có giá trị tiếp cận một vấn đề muôn thuở nhưng không bao giờ cũ.

Trong phạm vi bài này, tôi xin giới thiệu một tiếp cận mới: Tứ thơ là một khám phá.

Hướng tiếp cận này mong muốn làm nổi bật điều cốt yếu: trong thế giới tinh thần có nhiều ảo diệu mơ hồ là thơ thì bản chất, đặc trưng của lao động sáng tạo là tìm tòiphát hiện gọi chung là khám phá. Chính những thao tác nền tảng này mới thực sự mang lại giá trị đích thực và bền vững cho thơ.
Xin nêu một số ví dụ về tứ thơ mang yếu tố khám phá.

Một bài thơ Đường:

Lạc đệ

Lạc đệ viễn quy lai
Thê tử sắc bất hỉ
Hoàng khuyển diệc hữu tình
Đương môn ngọa dao vĩ.

(Đường Thanh Thần)

Thi hỏng

Thi hỏng, từ xa về
Vợ con đều rầu rĩ
Chó vàng lại có tình
Vẫy đuôi mừng từ cửa.

(Nguyễn Vũ Tiềm dịch)

Sĩ tử hỏng thi, vất vả mưa nắng vượt hàng ngàn dặm trở về. Lẽ ra thấy chồng, cha về thì cả nhà mừng vui chứ, sao lại ủ ê để người đi xa về thêm tủi hổ? May mà có con chó vàng có tình, vẫy đuôi đón chào từ cửa. Hai câu sau tạo nên sự bất ngờ thú vị gợi cho người đọc suy nghĩ về lẽ đời, tình người, tình của con vật. Thơ Đường cách ta trên nghìn năm, xa hàng vạn cây số vậy mà bài thơ vượt không gian, thời gian cho đến nay vẫn không cũ mà còn thời sự nữa chính nhờ yếu tố khám phá ra chi tiết bất ngờ này.

Tháp bay on

Anh là tháp Bayon bốn mặt,
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh,
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc,
Làm đau ba mặt kia trong cõi vô hình.

(Chế Lan Viên)

Nhà thơ mượn hình tượng tháp Bayon để nói thế thái nhân tình. Tháp có nhiều mặt, mặt phô ra, mặt giấu đi; cuộc đời, con người cũng vậy. Hai câu trên so sánh để tạo tình huống đặc biệt khác thường, hai câu dưới, từ tháp cổ im lặng nhiều thế kỷ bỗng đột biến khai ngộ bừng thức thành “nghìn trò cười khóc”, mặt này làm đau mặt kia là thể hiện các mối quan hệ xã hội phức tạp, nỗi niềm đau đáu thẳm sâu của người nghệ sĩ.

Bẽn lẽn

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em.

(Hàn Mặc Tử)

Ngay từ câu mở đầu, nhà thơ tả vầng trăng không không bình thường chút nào “nằm sóng xoãi”, “lả lơi”… Những câu tiếp theo vẫn với mạch thơ ấy đều rất khác thường. Mức độ khác thường càng về sau càng cao hơn: “bóng nguyệt trần truồng tắm/ lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”…

Qua những ví dụ trên ta thấy tứ thơ mang nội hàm khám phá (discovery) chủ yếu ở ba yếu tố chính: Bất ngờ – Đột biến – Khác thường. Những tác phẩm thơ kinh điển cổ kim đông tây đều thế cả. Một bài thơ gọi là có tứ, phải ít nhất có một trong ba yếu tố ấy, hay nói cách khác không có khám phá thì không thành tứ được. Nội hàm của khám phá còn mang ý nghĩa: từ một sự vật (đối tượng thẩm mỹ) nhà thơ phải cảm nhận được và viết ra những điều mà người khác không thấy, ở đó cái đẹpsự thật ngời lên một giá trị mới mẻ. Đó cũng là thiên chức khải huyền (Kinh Thánh – vén lên bức màn bí mật) của Đấng Tạo Hóa. Chỉ như thế, sản phẩm của anh ta mới là thứ mà mọi người cần để thưởng thức và trải nghiệm; và chỉ có như thế nhà thơ mới thực thi được thiên chức phản biện, khai sáng, thức tỉnh, tránh cho thơ chỉ có nỉ non, hoặc xác quyết ba cái chuyện vụn vặt tầm thường.

Thơ Việt nhiều năm nay chừng mực, thật thà quá, nhiều “khôn ngoan”, “điệu đàng” mà ít tìm tòi khám phá, có lẽ đây là lý do làm cho thi đàn rơi vào khủng hoảng: người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ, người in thơ nhiều hơn người mua thơ!

Từ một ý tưởng được khám phá, khải huyền, nhà thơ cấu trúc (gestalt) thành tứ thơ gọi là cấu tứ.

2. Các hình thức cấu tứ
Tìm hiểu nghệ thuật thơ, tôi thấy có 4 hình thức cấu tứ phổ biến.

Một. Cấu tứ chủ đề

Nhà thơ và kẻ trộm

Nhà thơ ngủ thường mở toang các cửa
Buộc lỏng bốn dải màn vào bốn chùm sao
Ông không biết đêm đêm những tên đầu trộm
Qua cửa nhà ông đều lặng đứng cúi chào…

(Trần Nhuận Minh)

Vấn đề cơ bản của bài thơ này là mối quan hệ giữa hai nhân vật: nhà thơ và anh kẻ trộm. Nhà thơ nghèo vật chất nhưng giàu tinh thần. Anh kẻ trộm rất điêu luyện trong việc lấy trộm tài sản vật chất, những thứ này nhà thơ không có. Còn thứ mà nhà thơ rất giàu có, ấy là tinh thần, sự lãng mạn mộng mơ thì anh kia lại không thể nào lấy trộm được. Nên hằng đêm qua cửa nhà thơ, anh ta nhìn vô mà cúi chào thán phục. Một vấn đề, một tương quan đặc biệt giữa hai nhân vật được tác giả cấu tứ trong một bài thơ ngắn có sức khái quát cao tạo được ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh.

Bài này và các bài thơ dùng làm dẫn chứng ở phần 1, mỗi bài đều nêu ra và giải quyết một vấn đề cơ bản, trọn vẹn.

Cấu tứ chủ đề là bài thơ nêu ra và giải quyết trọn vẹn một vấn đề cơ bản của cuộc sống, chủ đề ấy nhất quán từ đầu đến cuối bài thơ.

Cấu tứ chủ đề có ưu thế đặc biệt là dễ khắc họa hình tượng thơ, dễ tạo ấn tượng và ám ảnh. Thơ Việt truyền thống hầu hết là cấu tứ chủ đề. Các nhà thơ Huy Cận, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Sĩ Sáu, Trương Nam Hương, Phùng Văn Khai… rất sở trường về cấu tứ chủ đề, mỗi người từng ghi dấu ấn vào thi đàn bằng nhiều tác phẩm đặc sắc.

Hai. Cấu tứ cảm đề

Cuối năm

Gió sao là lạ. Mây khang khác
Không hiểu. Hay là nhịp cuối năm
Hôm qua thì tiếc. Mai thì sợ
Tuột cương. Trăng cũ lại sang rằm.

(Hữu Thỉnh)

Tác giả không nêu ra và giải quyết một vấn đề gì mà “chỉ lặng chuồi theo giòng cảm xúc” (Xuân Diệu). Hữu Thỉnh không dụng công vào hình ảnh, hình tượng mà để tâm trạng giãi bày tự nhiên. Với chất liệu như vậy, nếu bản lĩnh yếu, tay nghề không vững, bài thơ rất dễ bị nhạt. Như một nghệ sĩ xiếc, Hữu Thỉnh đi trên sợi dây thơ buộc hờ chông chênh, vượt qua sự hồi hộp lo âu của khán giả, anh đã đến đích một cách hoàn hảo. Ta hiểu đó là phút giây tâm thức bừng nở, hiển lộ thi ảnh trong vô thức. Bài thơ để lại những dư chấn cảm giác bềnh bồng và lắng sâu.

Cấu tứ cảm đề thiên về cảm xúc tự nhiên, lý trí lùi lại phía sau để việc thể hiện tình cảm được trọn vẹn.

Ví dụ khác:

Nhật Ký

Len theo các đường cong chậm rãi, sự lãng quên trườn lên thang gác trọ,
như những bông hoa tím nhỏ…
(Vai nàng ấm từng giọt mồ hôi, đôi mắt nàng trong như mới khóc)
Nuông chiều tình yêu như đang nâng niu chiếc bình gốm cổ: đẹp và lười biếng.
Lũ lộc vừng nằm khoanh dưới bầu trời no bụng.
Vậy còn hơi thở nào buốt giá, tim óc lạnh như thép?
Em ngắt khỏi cây bông hoa đẹp nhất,
Đó cũng là cách em tin vào tình yêu của anh…

(Lãng Thanh)

Mỗi dòng thơ như những mảnh vỡ của cuộc đời được đặt một cách tình cờ, có vẻ như chả ăn nhập gì với nhau. Đó là một trạng thái tâm hồn trước ngưỡng cửa cuộc đời và tình yêu đang có nhiều lo âu bất ổn chăng? Hay cuộc sống vận động với tốc độ ngày càng vội vàng, lắm chông chênh, ngổn ngang nghịch lý? Nhiều giá trị bị thay đổi chưa lý giải được chăng?

Kết cấu bài thơ tuy có vẻ rời rạc nhưng vẫn có sự gắn kết bằng một nguồn mạch ẩn kín. Những bài thơ trên thuộc loại thơ không liền mạch (khác với thơ truyền thống hầu hết là liền mạch, những bài thơ làm ví dụ ở phần 1 cũng vậy). Đặc điểm của loại thơ không liền mạch là dành ra những khoảng trống mỹ cảm hay nói cách khác là những gián cách thẩm mỹ để người đọc liên tưởng. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi không gian, thời gian khác nhau liên tưởng một khác khiến cảm thức, ý tứ của bài thơ được mở ra với những chiều kích mênh mang không giới hạn.

Loại thơ có cấu tứ cảm đề này nếu phải tìm chủ đề và tứ thơ thì không dễ chút nào và dễ gây tranh cãi bởi không phải chỉ có một cách hiểu mà nhiều cách hiểu, ấy là chưa kể nhiều trường hợp khó hiểu. Kết thúc bài thơ thường là mở ra chứ không đóng vào. Cấu tứ cảm đề dễ tích hợp hằng số bí ẩn, dễ tạo nên những trầm tích tâm linh tiềm thức…

Nhiều nhà thơ đoạt giải Nobel danh giá cũng từng sử dụng cấu tứ cảm đề như Rabindranath Tagore, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborska… Nhưng số lượng những bài thơ cấu tứ chủ đề của họ vẫn chiếm nhiều hơn một cách áp đảo. Nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer Nobel 2011 thì hầu như không sử dụng cấu tứ cảm đề mà toàn là cấu tứ chủ đề.

Vậy cấu tứ chủ đềcấu tứ cảm đề, bên nào ưu thế hơn? Xin thưa: 50 – 50. Ca khúc Trịnh Công Sơn thuộc dòng nhạc ballade, thiếu vắng cao trào, hơi đều đều dàn trải nhưng đâu có thua kém gì dòng nhạc khác? Thiếu vắng cao trào nhưng giai điệu phải độc đáo, lắng sâu, ca từ phải thấm đẫm minh triết và say đắm lòng người. Trong cấu tứ cảm đề thường là mỗi câu hay cặp câu là một chi tiết độc đáo, hoặc ý tưởng sâu sắc mới lạ, có khả năng đứng riêng biệt đủ để người ta dừng lại nghĩ suy, chiêm nghiệm. Bài thơ của Hữu Thỉnh trên đây chỉ nửa câu cũng đứng độc lập được. Bài của Lãng Thanh cũng vậy: “sự lãng quên trườn lên thang gác trọ”, “đôi mắt nàng trong như mới khóc”.

Gần đây các nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, Lê Khánh Mai, Inrasara, Nguyễn Bình Phương, Trần Hùng, Nguyễn Phong Việt… có nhiều bài thơ cấu tứ cảm đề đa sắc diện với những ánh chớp thi tài rất thú vị.
Trong thơ đổi mới và cách tân, nhiều nhà thơ đã thể nghiệm loại cấu tứ này.

Ba. Cấu tứ định đề

Tôi ở cách xa tôi (Karl Lubomirski)

Tôi ở cách xa tôi
Xa đến nỗi, nếu em không đến đó
Không cuộc đời nào đến được với tôi đâu.

(Quang Chiến dịch)

Nhà thơ Karl Lubomirski hiện là Chủ tịch Hội Văn bút Công quốc Lichtenstein tạo nên tứ thơ độc đáo trong bài thơ ngắn. Cái lạ và “phi lý” ở câu thứ nhất tạo nên sự khác thường; câu thứ hai và ba đột biếnbất ngờ khiến người đọc phải dừng lại tìm hiểu. Bài thơ nêu một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng, kín đáo “nếu không có em thì chính tôi cũng chẳng đến được với tôi, có khi tôi cũng chả còn là tôi nữa”.

Nếu hòn sỏi nói (Bertolt Brecht)

Khi bạn tung hòn sỏi lên trời
Hòn sỏi nói: Tôi sẽ rơi về đất
Bạn tin hòn sỏi kia nói thật.

Nếu có ai ném bạn xuống nước
chắc chắn bạn sẽ bị ướt.

Nếu có cô gái viết thư và hẹn giờ đến gặp
Thì bạn chớ vội tin
Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên.

(Mai Lược dịch)

Nét đặc sắc ở bài này là sự phi lý khó tưởng tượng: Hòn sỏi tất nhiên không thể nói được, thế mà nhà thơ lại xui ta: “bạn tin hòn sỏi kia nói thật”. Còn cô bạn gái gần gũi viết thư hẹn, việc ấy trên cả mức tuyệt vời thì ông lại bảo: “chớ vội tin”. Cốt lõi bài thơ này ở câu cuối “Vì đó không phải là tất yếu của tự nhiên”.

Cấu tứ định đề là từ một ý tưởng gần với triết học hoặc chính là triết học, nhà thơ tìm chi tiết thích hợp diễn đạt sao cho sinh động, hấp dẫn, giàu chất thơ.

Có thể nói con đường của cấu tứ định đề là đi từ “lý luận màu xám” đến “cây đời xanh tươi”. Tuy lộ trình ngược chiều với cấu tứ chủ đề nhưng đều chung một đích, đó là tác động vào cảm thức, lay động trái tim ta. Hai lộ trình bổ xung cho nhau làm cho thơ thêm chất trí tuệ bên cạnh thơ giàu cảm xúc.

Trong trào lưu đổi mới và cách tân, một số nhà thơ Việt Nam cũng thể nghiệm hình thức cấu tứ định đề như Mai Quỳnh Nam, Trương Đăng Dung, Đặng Huy Giang… Nhiều bài thơ của các anh rất hàm súc và minh triết.

Bốn. Cấu tứ phản đề:

Xin nêu vài chi tiết về phản đề trong thơ. Câu thơ tương truyền của Cao Bá Quát:
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Một đời chỉ biết lạy hoa mai).
Không ai thấy ông lạy hoa mai bao giờ nhưng hàng ngày gặp vua ông vẫn cúi đầu lạy. Không lạy (hoa mai) mà lạy (A), lạy (vua) mà không lạy (B). Nêu (A) để phủ định (B).

Trong bài Xa cách, Nguyễn Bính có câu thơ ấn tượng:
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng yêu em”
Trong trường hợp này ta phải hiểu ngược lại.

Bài Ngoảnh lại mùa đông của Chế Lan Viên có đoạn:
Cúc cù cu gáy từng đôi
Chim chớ làm ta nóng ruột
Cái con tu hú liên hồi
Ta ôm cuộc đời sao xuể
Thôi đừng gọi nữa chim ơi!
Trong trường hợp này thì ta hiểu là nhà thơ rất vui mừng nhận thấy sự đồng cảm của con chim với mình chứ không phải nhà thơ trách nó.

Hay phản đề một cách hình tượng trong bài Tự thú của Hữu Thỉnh:
Cây đổ về nơi không có vết rìu.

Hoặc bài:

Xin cuộc đời cay đắng cứ nhiều hơn

Tuổi đôi mươi thanh khiết đã không còn
em vẫn lọc hồn em qua đắng chát
em vẫn lọc hồn em qua mất mát
qua rất nhiều rạn vỡ cô đơn

em vẫn yêu những khoảnh khắc bình yên
yêu tất cả những niềm vui bé nhỏ
hơn thế nữa, em yêu ngày sóng gió
xác xơ hồn, tàn phế giấc mơ đêm.

xin cuộc đời cay đắng cứ nhiều thêm
để em lọc hồn em dâng cây lá
dâng trời đất, dâng người thân người lạ
thanh khiết này huyết mạch dướng nuôi em

thanh khiết này anh có nhận không anh?

(Đinh Thị Thu Vân)

Trong trường hợp này thì ta phải hiểu là nhà thơ muốn nhận thật nhiều cay đắng về mình để cuộc đời mỗi ngày bớt đi nhiều cay đắng.

Cấu tứ phản đề là phủ định điều này để khẳng định điều kia; hoặc tưởng như phủ định, nhưng thực ra là để khẳng định mạnh mẽ hơn.

Cấu tứ phản đề thường khai thác yếu tố nghịch lý, đó là lưỡi dao sắc bén mổ xẻ những góc khuất đớn đau của cõi người một cách rất hiệu quả. Nhưng loại cấu tứ này bấy lâu nay hiếm gặp, có hai lý do: một là viết khó, phải là những cao thủ trong nghề mới vận dụng được độc chiêu này, nếu non tay dễ bộc lộ sự ngô nghê và nực cười. Hai là dễ gây hiểu lầm là “biểu tượng hai mặt” dễ gặp những hệ lụy không nhỏ. Nhưng văn chương thì đa nghĩa mới hay, tức là chấp nhận biểu tượng nhiều mặt. (Lịch sử thi ca thế giới, một số thi tài phô diễn độc chiêu này được vinh dự lên đoạn đầu đài không hiếm. Ở Việt Nam, Cao Bá Quát là một ví dụ). Trên thực tế khá đông độc giả cũng dường như chưa quen với loại cấu tứ này.

Cái hay của loại thơ cấu tứ định đềphản đề là sự khám phá phát hiện đột biến bất ngờ từ một quang phổ của trí-tuệ lóe sáng. Thơ ấy đa phần tác động vào bộ-não-minh-tuệ trước tiên, rồi từ đó nó mới truyền đến trái-tim-đa-cảm.

Với bốn hình thức cấu tứ, sử dụng hình thức nào là tùy sở trường từng người và từ chỉnh thể thẩm mỹ ấy (nội dung hình thức bài thơ) quyết định.

__________
(1) Tứ thơ, từ ngũ, tư tưởng.