Từ tình huống đến tình người, và niềm tin sáng tạo từ một chiếc lá không rơi…!

2473

Trần Ngọc Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện ngắn O. Henry rất đỗi đời thường, nhẹ nhàng, dễ hiểu, pha chút hài hước, dí dỏm song rất giàu tình cảm. Ông có thể sáng tác bất cứ ở đâu, trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, như giai thoại về cái thực đơn tính tiền trong quán ăn về cách lựa chọn đề tài để viết của ông. Nét đặc sắc nổi bậc nhất về tính nhân văn trong truyện ngắn của O. Henry là việc xây dựng các tình huống truyện, mà từ tình huống ấy nhân vật bộc lộ tính cách, vẻ đẹp tình người… 

Nhà văn O. Henry

“Những con đại bàng” trong văn học xứ “cờ hoa” 

So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, văn học Hoa Kỳ hình thành và phát triển khá muộn, khoảng trên dưới 400 năm trở lại đây, nếu tính luôn cả trong thời kỳ thuộc địa. Ngoại trừ những nhà văn tiên phong buổi đầu, nhắc đến văn học Mỹ phải kể đến các “những con đại bàng” làm rạng danh cho xứ “cờ hoa” của văn học hiện đạị với nhiều phong cách khác nhau. Đó là Mark Twain (1835-1910), tác giả của Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (The Adventure of  Tom Sawyer), cây bút sáng tác gắn liền với miền viễn Tây nước Mỹ, nhà văn lớn nhất của nước Mỹ thế kỷ XIX, phản ánh cuộc sống và tâm hồn của con nguời Mỹ nghèo nàn mà yêu đời, thích phiêu lưu, mạo hiểm. Sáng tác của ông là “sự hòa quyện giữa chất hiện thực, hài hước với phê phán, tạo nên phong cách nghệ thuật độc nhất vô nhị của văn học Mỹ trong thế kỷ XIX” (Phùng Văn Tửu). Là Jack London (1876-1916), nhà văn hiện thực nổi tiếng với truyện ngắn Tình yêu cuộc sống (Love of Life) được nhiều người “gối đầu giường”, cha đẻ của thể loại tạp chí thương mại thịnh hành bấy giờ với “trí tưởng tượng phi thường”, đề cập đến những triết lý, “đặt giữa sự cao thượng và thấp hèn, làm cho con người bộc lộ nhân cách giữa những xung đột gay gắt” (Từ điển Văn học, bộ mới, NXB Thế giới). Đó còn là nhà văn xuất sắc nhất thời kỳ hiện đại của văn học hiện đại Mỹ – Ernest Hemingway (1899-1961, đạt giải Nobel Văn học 1954), cha đẻ của kiệt tác The Old man and The sea (Ông già và biển cả), nổi tiếng với đề tài viết về cuộc sống và tâm trạng của một lớp thanh niên trong và sau chiến tranh thế giới, tiêu biểu cho loại văn chương mà các nhà phê bình gọi là văn chương của “thế hệ mất mát” (lost generation), đổi mới cho lối viết của tiểu thuyết phương Tây hiện đại thế kỷ XX, nổi tiếng với phương pháp sáng tác theo nguyên lý “tảng băng trôi”

Tuy nhiên, không thể không kể đến cây bút bậc thầy về thể loại truyện ngắn trong văn chương Hoa Kỳ và nhận loại, đó là nhà văn O. Henry (1862-1910). Khác với phong cách sáng tác của các tác giả nói trên, đặc trưng của truyện ngắn O. Henry là rất đỗi đời thường, nhẹ nhàng, dễ hiểu, pha chút dí dỏm song rất giàu tình cảm. Ông có thể sáng tác bất cứ ở đâu, trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, như giai thoại về chiếc thực đơn tính tiền trong quán ăn mà nhiều người biết đến. Nét đặc sắc nổi bật nhất về tính nhân văn trong truyện ngắn của O. Henry là việc xây dựng các tình huống truyện, và từ tình huống ấy nhân vật bọc lộ tính cách, vẻ đẹp tình người.

“Giải mã” tình huống truyện trong truyện ngắn O. Henry  Tình huống là sự kiện, hoàn cảnh, bối cảnh, cảnh ngộ, cơ sở… làm tiền đề cho sự xuất hiện của nhân vật, câu chuyện. Theo ý kiến của các nhà lý luận, tình huống truyện là “cái hoàn cảnh riêng” được tạo nên bởi một “sự kiện đặc biệt” khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và “ý đồ tư tưởng của tác giả” cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Khi sáng tác, tình huống thuộc thao tác tư duy nghệ thuật của người cầm bút, song khi nó đi vào tác phẩm thì trở thành một khía cạnh nội dung. Theo Hegel (1770-1831), nhà triết học, mỹ học người Đức thì tình huống là “một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy định. Ở trong thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật” (Mỹ học). Lựa chọn tình huống truyện cho thấy cảm quan, chân tài, sở trường của các bút thủ.

Về mức độ, có tình huống bao trùm, chi phối toàn bộ tác phẩm, có tình huống trở thành một chi tiết trong truyện. Về bản chất, có các loại tình huống thường gặp trong truyện ngắn là: tình huống tâm trạng, hành độngnhận thức. Tình huống tâm trạng đưa ra cảnh ngộ để bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật và người đọc. Tình huống hành động là cách ứng xử bằng thái độ, hành động. Còn tình huống nhận thức là từ cảnh ngộ rút ra những ý vị triết lý sâu sắc. Nói như Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Những người cầm bút có biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại” (Trang giấy trước đèn, NXB KHXH, 1994, tr.258).

Vậy, tình huống của đa số truyện ngắn O. Henry là gì? Đó là tình huống hành động. Tình huống hành động trong truyện ngắn O. Henry thể hiện lối tư duy thực dụng của phong cách người Mỹ. Khác với cách tư duy của phương Đông, tác phẩm thường ngầm phải rút ra ý nghĩa triết lý. Nó cũng ít có lối khám phá sâu sắc tâm trạng nhân vật như văn học châu Âu, văn học Nga – Xô Viết. Tuy nhiên nếu ngẫm nghĩ kỹ, mỗi truyện ngắn của O. Henry vẫn thấm đượm dư vị triết lý, nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn truyện ngắn Món quà của các nhà hiền triết (The gift of the Magi) là cách ứng xử đầy tình nghĩa, thể hiện sự quan tâm, hy sinh vì nhau trong tình huống ngặt nghèo vào dịp Giáng sinh: anh chồng đã bán chiếc mặt đồng hồ không có dây đeo quý giá để mua chiếc kẹp tóc tặng vợ, và người vợ đã bán mái tóc dài óng ả của mình để mua chiếc dây đeo đồng hồ tặng chồng… Hay truyện ngắn hai Hai mươi năm sau (After twenty year) là tình huống ta dễ gặp trong cuộc sống, đó cũng là cách ứng xử hợp lý, hợp tình của hai bạn cũ sau 20 năm gặp lại, giờ một người trong số họ là cảnh sát, còn người kia là tội phạm. Truyện Một cuộc đổi đời (A retrieved reformation) cũng là một truyện với mô típ như thế. Nhân vật chính của truyện là Jimmy Valantine. Anh ta là một kẻ trộm tài ba, người có thể mở được bất kỳ ổ khóa nào, cho dù là ổ khóa khó nhất. Sau vài phi vụ sau khi ra tù, Jimmy đến thị trấn Elmore, bang Arkansas. Tại đây, anh đã phải lòng với một cô gái là con của một ông chủ ngân hàng. Jimmy đổi tên thành Ralph D. Spencer, mở một hiệu đóng và bán giầy. Anh quyết định sẽ lập nghiệp tại đây để có thể lấy được con gái của ông chủ ngân hàng về làm vợ. Trong lúc này, thanh tra Ben Price đã đánh hơi được dấu vết của anh, và quyết định đến Elmore để bắt anh về tù một lần nữa. Trong buổi khoe về chiếc tủ sắt mới toanh có thể ngăn cản được mọi kẻ trộm của ông chủ ngân hàng, một sự cố đã xảy ra. Một cô bé nhỏ đã bị nhốt trong chiếc tủ, và chiếc tủ sắt không tài nào mở ra được. Thanh tra Ben đã đến trước cửa ngân hàng, đang lựa chọn thời cơ để bắt bằng được tên trộm khét tiếng. Mọi suy nghĩ lóe qua đầu Jimmy, và anh quyết định để lộ thân phận của mình. Anh đã cứu cô bé nhỏ khỏi chiếc tủ sắt, sau đó đi về phía vị thanh tra. Anh chấp nhận bị bắt. Nhưng thanh tra Ben lại nhìn anh một cách kỳ lạ và nói: “Ông đã nhầm rồi…”. Và rồi, vị thanh tra quay đi, “bước dọc theo hè phố, nơi có một chiếc xe ngựa đang chờ sẵn”. Đọc truyện này tôi chợt nhớ đến cách ứng xử theo phương châm “dùng tình thương để cảm hóa con người” của người tù khổ sai Jean Valjean với mật thám Javert trong tiểu thuyết Những người khốn khổ (tiếng Pháp: Les Misérables) của đại văn hòa Pháp Victor Hugo.

Tình huống đến tình người, và niềm tin sáng tạo nghệ thuật từ một chiếc lá không rơi

Từ cái chết của họa sĩ già, đến sự hồi sinh cuộc sống một cô gái sau khi hoàn thành bức họa kiệt tác – vẽ một chiếc lá không bao giờ rơi – đã đẻ ra bao nhiêu tầng ý nghĩa thú vị. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (The Last leaf) của O. Henry từ lúc ra đời đến nay luôn có mặt trong những lần tuyển chọn các truyện ngắn hay của nhân loại. Được đưa vào chương trình phổ thông ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Sức hấp dẫn của truyện toát ra từ sự xuất sắc của bút pháp nghệ thuật cùng với nội dung ngập tràn tính nhân bản, nhân văn. Dưới đây là một cách nhìn: Từ tình huống đến tình người, và niềm tin sáng tạo nghệ thuật từ một chiếc lá không rơi.

Xin bắt đầu bằng việc xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Thế giới nhân vật trong truyện khép kín và ít ỏi. Ngoài vị bác sĩ khám bệnh, thì ba nhân vật chính của truyện là những họa sĩ. Gồm cả hai thế hệ già và trẻ: ông già Behrman, người đã xế bóng cuộc đời ngụp lặn trong những thất bại về nghệ thuật; Johnsy và Sue, những họa sĩ trẻ mới bắt đầu tìm vị trí cho mình. Lựa chọn và xây dựng nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu khi thai nghén tác phẩm. Nó thể hiện chủ ý sáng tác của tác giả. Xây dựng hệ thống nhân vật như thế, O. Henry muốn làm cơ sở cho việc thể hiện chủ đề câu chuyện. Nhân vật sống, hoạt động, suy nghĩ, đối thoại… đều trên một nền tư tưởng nhất định. Mà ở đây cảm hứng sáng tạo, hay niềm tin sáng tạo là yếu tố quan trọng trong hệ tư tưởng nhân vật. Với công việc tay chân, người thợ xây có thể xây những công trình của mình bằng các tâm trạng khác nhau. Song người nhạc sĩ không thể diễn tả những nốt nhạc hoành tráng, khoáng đạt bằng tâm trạng buồn ủ dột của mình. Không có cảm hứng sáng tạo và niềm tin thì không thể có nghệ thuật với đỉnh cao của nó.

Cảm hứng sáng tạo thực sự đã tắt lịm trong các họa sĩ này. O. Henry đã miêu tả cụ thể các hoàn cảnh làm tiền đề cho sự tắt lịm đó: hoàn cảnh khách quan (tình huống ngoại cảnh) và hoàn cảnh chủ quan (nhân tố chủ quan). Hoàn cảnh khách quan là khu “kiều dân” khổ sở, khắc nghiệt đang bị hoành hành bởi một căn bệnh của “gã viêm phổi” – Theo như cách nói của khu này: “Không có tư cách cao thượng của một hiệp sĩ thời xưa”.

Hoàn cảnh khách quan hẹp là thế, rộng hơn là sự ngột ngạt của cuộc sống xã hội Mỹ đối với tầng lớp người nghèo khổ lúc bấy giờ. Con người bị lệ thuộc và chi phối hoàn toàn vào hoàn cảnh, bị đẩy vào tình thế nguy kịch. Người ta khó có thể sống thanh tao với nghề của mình một cách đúng nghĩa. Nổi tiếng và đầy tài năng như bác Behrman cũng chỉ đáng ngồi làm mẫu cho những bức tranh quảng cáo. Đầy nhiệt huyết như Sue cũng buộc phải hành nghề bằng cách vẽ minh họa cho một số trang sách báo nhảm nhạt…

Hoàn cảnh khách quan làm tiền đề cho nhân tố chủ quan. Đây là tâm lý con người. Bi kịch tâm lý này được ngụ ý dưới một trạng cảnh: căn bệnh của Johnsy. Thật sự là Johnsy đang rơi vào tình huống mất hết nghị lực và cảm hứng sáng tác. Những niềm tin, những ước mộng được làm những gì to tát giờ đã chết gục trước sự khắc nghiệt của cuộc sống. Những mầm xanh của nghệ thuật bị thui chột dưới cái nắng trời ác quái của mưu sinh. Căn bệnh của Johnsy chỉ là dụng ý của tác giả về tinh thần hơn là sinh lý. Hãy nghe lời đối thoại đầu tiên của truyện giữa vị bác sĩ và Sue: “Cô ấy mười phần chỉ sống nổi, chúng ta hãy nói là một thôi. Và một phần đó còn tùy ở cô ta muốn sống hay không…”. Câu hỏi tiếp theo của vị bác sĩ làm dụng ý của tác giả rõ hơn một chút: “Cô ấy có điều gì vương vấn trong đầu không nhỉ?”. Và Sue đã trả lời: “Cô ấy… cô ấy muốn một ngày nào đó sẽ vẽ bức tranh về vịnh Napoli”.

Có thể nói, từ khi bước chân vào khu nhỏ phía tây quảng trường Washington lộn xộn và đầy khắc nghiệt này, Johnsy đã tắt hẳn niềm tin sáng tạo. Ước mơ được vẽ vịnh Napoli bây giờ lại như đèn dầu treo trước bão. Nhân tố khách quan là căn bệnh viêm phổi, cả sự phũ phàng của những chiếc lá ngoài ô cửa cứ vô tình rơi bởi sự khắc nghiệt của tiết trời. Nhưng nhân tố chủ quan là nghị lực, ý chí của con người – Johnsy có đủ nghị lực và niềm tin hay không để vượt lên hoàn cảnh mà đạt được ước mơ về sáng tạo ghệ thuật.

Kịch tính dâng đến đỉnh điểm. Cái chết của Johnsy ngày một gần hơn. Nhưng đến cuối truyện, tình thế lại đảo ngược hoàn toàn. Một ông già gầy yếu, mang trong mình mầm bệnh viêm phổi, đã lắm phen thất bại chua chát trong nghệ thuật, đã chứng minh cho một chân lý: Con người có thể bị hoàn cảnh chi phối chứ nhất định không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Sự sống sẽ hồi sinh nếu con người còn nghị lực. Giá vẽ căng sẵn đầy bụi bặm giờ đã có những nét màu để lưu lại trần thế kiệt tác – Một chiếc lá không rơi. Nếu đặt nhân vật ông già Behrman và Johnsy trong tương quan so sánh sẽ thấy sự nghịch đối: Một người đã qua xế bóng cuộc đời, mang trong mình mầm bệnh, nhưng được tự chữa chạy bằng liều thuốc tinh thần, nên đã đạt được mục đích, ước mơ. Một người trẻ tuổi, nhưng lại đổ bệnh trầm trọng vì do thiếu nghị lực, đuối tinh thần. Thì ra con người ta sống được là ở tinh thần chứ không phải thể xác. Mà niềm tin chính là phương thuốc hữu hiệu nhất nuôi dưỡng ước mơ và xua tan bệnh tật. Một kiệt tác ấp ủ bấy lâu đã được thực hiện. Một chân lý đã được kiểm chứng. Bác Behrman đã hoàn thành một “món nợ” để trả cho đời bằng bằng chính tình thương của mình với Johnsy. Bởi không ít những lần ông cụ đã thốt lên trong tác phẩm: “Tội nghiệp con bé!”.

Từ niềm tin sáng tạo này, truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng đã đem đến cho người đọc những thông điệp triết lý vô cùng ý nghĩa: Con người còn niềm tin khi còn tình thương lẫn nhau. Và niềm tin muốn tồn tại, có giá trị phải vì con người. Chỉ có con người mới tạo ra niềm tin, nuôi dưỡng nó và thực hiện nó. Điều quan trọng nhất là: Người này muốn tạo niềm tin cho người khác chỉ bằng cách hiệu quả nhất là chứng tỏ niềm tin của chính bản thân mình.

Bức tranh chiếc lá cuối cùng không chỉ đơn thuần là đã vẽ giống như thật một chiếc lá không bao giờ rơi. Vì đã là lá, lại đúng mùa phải rụng thì tất sẽ rụng. Điều hiển nhiên ấy chắc hẳn Johnsy thừa hiểu và sẽ làm cho cô tuyệt vọng hơn. Cho nên đằng sau chi tiết ấy là cả một dụng ý nghệ thuật của tác giả: Trong tình huống kiệt cùng, con người vẫn có thể làm chủ được tình thế bằng chính niềm tin vào bản thân.

Cái chết chỉ là sự ra đi. Còn niềm tin thì ở lại mãi mãi. Đã có một sự sống đang trỗi dậy từ cái chết. Tình thương và niềm tin của ông già Behrman là tấm gương nghị lực để vực Johnsy đứng lên từ căn bệnh. Trong truyện, O. Henyi đã thể hiện niềm tin đó qua chi tiết cuối của tác phẩm, khi Johnsy nói với Sue: “Sue ạ, một ngày nào đó em hy vọng  được vẽ vịnh Napoli!”.

T.N.T

  1. Henry tên thật là William Sydney Porter. Ông sinh ra tại Greenboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, O. Henry từng xuất bản 10 tập truyện ngắn với khoảng 600 truyện, trong đó có các truyện được nhiều người yêu thích như: Món quà của các nhà hiền triết, Hai mươi năm sau, Căn gác xép, Một cuộc đổi đời, Chiếc lá cuối cùng…