Từ trang sách đến gương mặt văn chương

782

Sau “Mùi chữ” xuất bản năm 2013, đến năm 2021, Nguyễn Hoài Nam ra mắt bạn đọc tập tiểu luận – phê bình mới: “Từ trang sách đến gương mặt văn chương”. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành, gồm hai phần: Từ trang sách và Đến gương mặt văn chương.

Qua những trang viết, Nguyễn Hoài Nam đã thể hiện bản lĩnh, cá tính của một cây bút phê bình chuyên nghiệp: quan điểm phê bình rõ ràng, thẳng thắn và có phong cách, giọng điệu riêng.

Đọc Từ trang sách đến gương mặt văn chương, chúng ta thấy Nguyễn Hoài Nam quan tâm đến nhiều thể loại, thể hiện sự đọc vừa sâu vừa rộng và nền tảng tri thức khoa học văn học vững chắc. Để viết được Tự truyện, trước giông bão của dư luận, tôi tin Nguyễn Hoài Nam đã phải đọc đến hàng ngàn trang sách thuộc thể loại này. Hay như chỉ trong bài Tản văn, nhìn lướt từ một thể loại nhỏ, anh đã nêu lên một cách cẩn thận, kĩ càng cả mấy chục tên tuổi viết tản văn của Trung Quốc, của Việt Nam cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư với những tác phẩm tiêu biểu của họ. Những nhận xét về thể loại tự truyện, tản văn, về phong cách, bút pháp, sự nghiệp các tác giả Linda Lê, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Huy Thiệp… cho thấy Nguyễn Hoài Nam am hiểu đến “chân tơ kẽ tóc” những đối tượng phê bình. Không chỉ chú ý đến những tác giả đã thành danh, anh còn quan tâm đến những tác giả trẻ. Về tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang (sinh 1994), anh nhận định rằng tác phẩm đã cho thấy “một kiểu người viết và một kiểu viết khác” và đây là một “vệt sáng của văn xuôi trẻ”.

Một điểm khác làm nên sức hấp dẫn (và chắc chắn là gọi những tranh luận) của Từ trang sách đến gương mặt văn chương nằm ở những nhận xét, đánh giá của Nguyễn Hoài Nam. Anh thường có những nhận xét, đánh giá mang tính khái quát cao, bao quát cả tiến trình phát triển của một thể loại, một thế hệ tác giả, một giai đoạn, thậm chí là một thời đại văn học. Ví như trong bài Những tập thơ làm thành lịch sử, Nguyễn Hoài Nam đưa ra một nhận định rất đáng lưu tâm rằng lịch sử thơ sẽ là lịch sử của các tập thơ hay, có tính nghệ thuật cao chứ không phải là lịch sử của bài thơ. Cùng với đó, anh “cả gan” đưa ra danh sách 5 tập thơ như 5 cột mốc đánh dấu lịch sử thơ ca. Đây là hành động dũng cảm, thể hiện chủ kiến, cá tính của một nhà phê bình chuyên nghiệp. Ở bài Bên lề một diễn trình đổi mới, Nguyễn Hoài Nam cũng có một nhận định xác đáng về sự vắng khuyết của văn học khi so sánh tác phẩm của những tác giả thế hệ 5x, 6x với những tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x – “sự vắng khuyết của cái mà trong lịch sử phát triển của nhiều nền văn chương, thường được gọi là sự đối đầu thế hệ”. Về đề tài chiến tranh, Nguyễn Hoài Nam cho rằng con đường đi từ một tác phẩm lạ đến một tác phẩm lớn là con đường mà các tác giả tiểu thuyết phải thể hiện “bản lĩnh nhân văn”, “cái nhìn về chiến tranh hoàn toàn độc lập” của mình, tức là “sự không nệ thuộc, sự được tẩy rửa khỏi những áp đặt từ bên ngoài”. Theo anh, “nếu được như thế thì từ lạ đến lớn, đối với một tác phẩm văn học mà xét, có lẽ không phải là con đường quá dài”.

Từ trang sách đến gương mặt văn chương cho thấy Nguyễn Hoài Nam không chỉ quan tâm đến việc “viết về nội dung” mà còn chú ý đến cách “viết nội dung”. Phê bình của anh kết hợp hài hòa giữa phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ. Trong một bài viết, để đảm bảo tính khoa học, bao giờ anh cũng giải thích khái niệm các thuật ngữ một cách rõ ràng; trích dẫn, dẫn nguồn chính xác; lập luận chặt chẽ mang tính nghiêm túc rồi đột ngột chêm vào một câu văn rất khẩu ngữ, rất đời thường để làm giảm bớt cái bầu không khí “3K” (khô, khó, khổ) ngột ngạt mà phê bình học thuật thường tạo ra cho bạn đọc. Bên cạnh đó, Nguyễn Hoài Nam có ý thức dụng chữ ngay từ việc đặt nhan đề. Nhiều nhan đề trong cuốn sách có cái tên khá gợi, kích thích sự tò mò của bạn đọc như: Những người đàn bà của nhà văn Ma Văn Kháng; Đầu chày đít thớt ông đâu ngán; Hai ông Trương, một Tự lực văn đoàn; Bạn tôi, nhìn từ phía góc nghịch… Ngoài ra, Nguyễn Hoài Nam khá ưa dùng những câu văn tu từ, giàu hình ảnh. Những câu biểu cảm như “Nếu coi tập Về Kinh Bắc như một giấc mơ-thơ mang năng lực xoa dịu những vết thương đang hoác ra từ cơn địa chấn dữ dội nhất trong cuộc đời Hoàng Cầm, thì năm đêm của nhịp Một – Khấn Nguyện, có thể nói, chính là năm mảnh mơ-thơ linh diệu nhất của một đời thơ” xuất hiện khá dày trong tập sách, sinh tạo nhiều khoái cảm của sự đọc, sự viết.

Từ trang sách đến gương mặt văn chương là một tập tiểu luận – phê bình đáng đọc. Đọc tập sách, chúng ta không chỉ thấy chân dung những nhà văn mà còn thấy thấp thoáng chân dung của nhà phê bình hiện lên trên từng câu chữ.

Theo Hoàng Kim Ngọc/VNQĐ