Tuấn râu – nhà nghiên cứu vùng trung du Bắc bộ

608

21.5.2018-17:00

Đại diện Đồn Biên phòng Lũng Cú trao tặng lá cờ được treo trên Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) cho Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) do Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn đại diện nhận

 

“Tuấn râu” – nhà nghiên cứu khoa học

lịch sử và khảo cổ vùng trung du Bắc bộ

 

KIM NGỌC ĐẠI

 

NVTPHCM- Nói đến Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương tỉnh Phú Thọ, Chi hội trưởng Chi hội lý luận phê bình văn học, thành viên Hội đồng VHNT Hội VHNT tỉnh Phú Thọ – những người quan tâm đến các vấn đề văn hóa – lịch sử sẽ nhớ đến “thương hiệu Tuấn râu” – tác giả một số sách “công cụ” nói về các thời đoạn văn hóa cổ – cận trên miền đất trung du Vĩnh Phú trước đây và Phú Thọ ngày nay.

 

Nguyễn Anh Tuấn là người thực học, thực hành say mê nghề nghiệp, sớm xác lập cho mình một lối đi riêng trong nghề nghiên cứu lịch sử, phát hiện, quản lý và giải mã cổ vật. Anh đã sống và trưởng thành từng bước chắc chắn trong nghề nghiệp một cách chuyên sâu, đầy tự tin và phóng túng như một đạo sĩ vương bụi đường. Với tập sách “Nghiên cứu văn hóa Đình làng vùng Đất Tổ” Nguyễn Anh Tuấn đã được nhận Giải thưởng Hùng Vương – Giải thưởng cao quý về VHNT của UBND tỉnh trao tặng cho những tác phẩm có đóng góp đặc biệt trong 5 năm 2005-2010.

 

***

 

Năm 1976 – 1980, Nguyễn Anh Tuấn (NAT) học ngành Khảo cổ, thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau tốt nghiệp, anh nhập ngũ tham gia Quân đội, đóng quân ở Động Lâm – Sơn Tây. Từ tháng 6/1981 đến tháng 10/1982, NAT làm cán bộ giảng dạy bộ môn Lịch sử Trường Văn hóa Quân khu IV đóng tại Thừa Thiên Huế. Ra quân, NAT xin về công tác tại Bảo tàng Hùng Vương thuộc Ty Văn hóa – Thông tin tỉnh Vĩnh Phú. Trong quá trình công tác, Nguyễn Anh Tuấn được tỉnh Vĩnh Phú cử đi làm Nghiên cứu sinh tại Viện Khảo cổ, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ năm 1986 – 1990. Năm 1996, anh bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Sử học: “về Cụm đình Tam Canh trong hệ thống đình làng trung du Bắc bộ”.

 

Khi bước sâu vào đời công tác nghiên cứu Lịch sử, thám sát – khai quật khảo cổ học và bảo quản – trưng bày Cổ vật, với niềm đam mê – yêu say nghiệp Sử, NAT đã lần lượt cho ra đời những sách nghiên cứu tìm tòi về Văn hóa – Danh thắng, Kiến trúc, Phát hiện Khảo cổ học của mình. Có thể kể tên một số đầu sách như sau:

               

– Phần Vị trí Văn hóa vùng Đất Tổ – In trong tập sách Đồng bằng sông Hồng – Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 1988.

 

Di tích và danh thắng vùng Đất Tổ – Sở Văn hóa – Thông tin Phú Thọ xuất bản năm 1998.

 

Đình Hương Canh – Sở Văn hóa – Thông tin Vĩnh Phú xuất bản năm 1999.

 

Trống Đồng vùng Đất Tổ – Sở Văn hóa -Thông tin Phú Thọ xuất bản năm 2000.

 

Nghiên cứu Văn hóa Đình làng vùng Đất Tổ – Sở Văn hóa –  Thể thao và du lịch

Cổ vật Phú Thọ – NXB Văn hóa – Thông tin năm 2006.

 

Đi tìm dấu tích Kinh đô Văn Lang –  Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ xuất bản năm 2007.

 

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương (chủ biên) – Hội Unesco xuất bản năm 2015

 

Trong một bài viết năm 2007 “Cùng Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn đi tìm dấu tích Kinh đô Văn Lang”, nhà thơ – nhà báo Nguyễn Hưng Hải nhận định: “Bằng các chứng cứ khoa học, NAT đã rất có trách nhiệm khi đặt vấn đề, Phú Thọ là một tỉnh “giàu” di tích khảo cổ, song đến nay mới chỉ có di tích khảo cổ học Làng Cả được xếp hạng Quốc gia. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thời đại Hùng Vương cần được tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt là cần đi sâu vào nghiên cứu thời đại Kim khí ở vùng Đất Tổ – cội nguồn dân tộc. Từ đó, NAT đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp về công tác nghiên cứu khoa học, công tác bảo tồn bảo tàng và việc quản lý của Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ”.

 

***

 

Một buổi chiều hè nóng nực gần đây, tôi cùng NAT và một người bạn nữa đi có việc. Khi ngang qua đường Quang Trung, Việt Trì, chợt có hai ông đi xe máy chầm chậm bóp còi inh ỏi hỏi thăm đường. Chúng tôi dừng lại bên bóng cây. Ông cụ ngồi sau khoảng 80-90 tuổi, ông cầm lái như là con trai cụ khoảng 50-60 tuổi tranh nhau hỏi đường vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi chỉ đường xong, đều ngoái đầu ái ngại nhìn theo xe hai ông con họ. Suốt buổi chiều muộn hôm ấy, khi ngồi bên mấy vại bia nhạt, ba chúng tôi cứ lan man chuyện phiếm về hai ông hỏi đường kia. NAT thì phỏng đoán và quả quyết: dứt khoát là ông bố cả đời không ốm, nay hơi mệt mỏi một tý là bắt con đưa xuống bệnh viện mới này khám xem thế nào đây. Vào thì đi xe máy, không khéo lúc ra ông cụ phải đi xe ô tô taxi chưa biết chừng… vì cái “mác bệnh viện”… Tôi thì chỉ giữ ý kiến là ông con họ đi thăm người nhà đang điều trị trong đó thôi. Anh bạn còn lại thì bảo: mừng quá, nhìn biển số xe 19 là của tỉnh ta rồi, vậy mà đến giờ mới biết đến Bệnh viện tỉnh, thì dù lý do gì đều là may cho họ quá. Chuyện về hai con người lạ ấy, tự dưng cứ khêu gợi mãi tâm trí Tuấn râu về sự may – rủi, về sự nổi tiếng và điều tiếng của cái gọi là “tên hiệu” này nọ. Đấy, NAT đôi khi là một lương dân chi chút, nhiệt thành, tình nghĩa với bạn bè là vậy và lắm khi cũng “bỗng dưng” thương người đời là vậy.

 

Trong đám bạn bè đồng trang lứa hay tụ bạ loanh quanh ở Phú Thọ của Tuấn râu, tôi là đứa em út ít nhất. Nhưng có lẽ do tôi vướng vào tý chút nghiệp viết lách, nên tôi và anh thường đoảng qua nhau chuyện trò “không đầu cuối” những chuyện chợt gặp – những chuyện kiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình…” đâu đó. Anh trực ngôn, trực tính rất đàn ông. Nhiều khi tôi đùa anh: này hiệp sĩ, “một mình chống lại mafia” là không ổn đâu đấy. Anh cười, vuốt râu, đôi khi thốt lên: bực bỏ mẹ, mình không thể thờ ơ được…

 

NAT là người tốt, là một “cổ vật sống quý hiếm”. Đã vài năm nay, “tự dưng” rất nhiều học sinh phổ thông chán học, ghét học Lịch sử nói riêng, ít quan tâm – tìm hiểu những vấn đề về Lịch sử nói chung, thì Tuấn râu càng là một Người Yêu Sử đáng trân trọng. Con người anh – tôi nghĩ – đã vận vào một phần nghề nghiệp của anh: phát hiện, bảo quản, giải mã cổ vật và phân tích lịch sử qua hiện tượng, hiện vật. Hiếm có một cơ quan quản lý Nhà nước nào lại có một cán bộ hoạt náo, bản lĩnh – như một nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thực thụ. Hiếm có một cán bộ – công chức Nhà nước nào lại “được phép” có một bộ râu đẹp mà ngang tàng, đẹp mà già cả như vậy. Nhắc đến Tuấn râu – tôi nghĩ – là nhắc đến một Người tốt, một Tiếng tốt. Tôi chợt nhớ và muốn liên hệ anh với một dụ ngôn có tính giáo dục cao trong các truyện về đề tài tôn giáo mà tôi đã đọc lâu lâu. Truyện về sự cách nhau và mất nhau, rằng: Một ngày kia Lửa, Nước và Tiếng tốt đi chơi. Họ quy ước,nếu lạc nhau thì tìm qua đặc tính của nhau. Lửa nói: hãy tìm tôi ở nơi có khói. Nước nói: tìm tôi ở nơi có bùn. Tiếng tốt nói: các bạn đã mất tôi thì không bao giờ tìm lại được.

 

***

 

Tôi nhớ, tháng 4 năm 2010 với trách nhiệm là một thành viên của Hội đồng VH-NT của Hội VH-NT tỉnh, tôi đã phải đọc kỹ tập sách của NAT: Nghiên cứu văn hóa Đình làng vùng Đất Tổ để xét trao giải thưởng VH-NT 5 năm 2005 – 2010. Và tôi đã bỏ phiếu tín nhiệm tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc này vào Giải thưởng Hùng Vương. Bây giờ đọc lại lời nhận xét trong lá phiếu còn photo lưu giữ, tôi vẫn thấy không cần phải thêm bớt gì. 5 Năm trước tôi đã viết: – Đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc, ký lưỡng, khoa học và xác đáng. Đây là công trình đầu tiên có độ tin cậy cao về đình làng Phú Thọ, mà trước đó chưa có ai nghiên cứu thấu đáo. – Tác giả là nhà khoa học lịch sử và khảo cổ, nên “các bước đi” của tập sách khoa học đã được anh trình bày sáng rõ, thật chuẩn mực. – Cùng với các tập sách trước (các nghiên cứu về Trống Đồng, về các nền văn hóa Gò Mun, Sơn Vi, Phùng Nguyên) đến tập sách này, sẽ là cả một “bộ hồ sơ – tư liệu” quý giá dành để tham khảo học tập và nghiên cứu cho những ai có nhu cầu học hỏi văn hóa. – Tập sách nghiên cứu được viết bởi một văn phong mạch lạc, có dụng công. Đôi khi còn biểu lộ cả tư duy xã hội và quan điểm cá nhân tác giả một cách đầy trách nhiệm trước các biển đổi lạ đi của văn hóa… – Đáng khâm phục và trân trọng công trình khoa học này.

 

Lại nhớ, có thể do tính quảng giao, do tính ưa sáng tạo và phát kiến, do tính thích quan sát và phân tích… mà tôi đã “chập vào” NAT từ dạo Hội VH-NT tỉnh Vĩnh Phú chuẩn bị Đại hội năm 1995 (lần cuối trước khi chia tách tỉnh). Dạo đó, nhà tôi bên đường Hùng Vương, quãng gần trụ sở UBND phường Thọ Sơn, luôn là “điểm đến” của nhiều bạn bè văn chương. Những văn nghệ sĩ “hợp cạ” với tôi luôn gặp nhau: Hoàng Tá, Nguyễn Công Dương, Võ Huy Cát, Quang Thái, Hoàng Gia Vinh, Nguyễn Cảnh Tuấn, Nguyễn Lưu, Lê Duy Ngoạn, Trần Dư, Nguyễn Hưng Hải, Thiện Kế, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Dũng và một số người khác. Trong một buổi ngay trước Đại hội năm ấy, bọn tôi ngẫu hứng tụ bạ bia bọt và “hạ quyết tâm”: lần này phải có đại diện cánh trẻ vào BCH mới đi chứ, cứ toàn các bác già mãi thế à. Thế là Trần Dư, Hoàng Tá, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Anh Tuấn và tôi là “tốp đầu” hăng hái nhất, vô tư vui vẻ nhất “vận động hành lang” để ủng hộ các bạn Đỗ Dũng, Nguyễn Hưng Hải vào BCH. Kết quả Đại hội sau đấy đúng như vậy. Lần đầu tiên, BCH Hội VH-NT tỉnh Vĩnh Phú qua các thời kỳ đến nay đã có các tác giả trẻ đại diện cho một lực lượng sáng tác đầy triển vọng.

 

***

 

Gần đây, NAT được tham gia đoàn công tác của tỉnh (cùng với các tỉnh – thành và bộ ngành TƯ hợp thành Đoàn công tác số 15) ra thăm cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ trên các đảo ngoài quần đảo Trường Sa. Tôi đã nghe kể và xem tư liệu nhiều về không gian sinh tồn cùng các điều kiện công tác của cán bộ chiến sỹ ta. Nhưng qua những lời kể và tâm tư của Tuấn về biển đảo, anh đã cung cấp cho tôi một hình dung mới, một cách nhìn mới biệt lập mà thân thiện, bão giông mà ấm áp của tình người tình đất đảo khơi. Tôi vô cùng cảm động nhận ra một tấm lòng yêu nước mình theo cách riêng của Tuấn. Trên đường từ đảo khơi trở về đất liền mọi người trên tầu được phát biểu cảm tưởng và đóng góp ý kiến cho Bộ đội Hải Quân, cho Đảng – Nhà nước về những vấn đề biển – đảo. NAT có 5 góp ý – kiến nghị, nhưng ngay vấn đề thứ nhất đã khiến Ban lãnh đạo đoàn công tác và Ban chỉ huy tàu Hải Quân đánh giá cao nhất. Anh đề nghị: từ nay, tất cả ngôn ngữ – chữ viết thể hiện trên tất cả các hiện vật, các văn bia, các biểu ngữ…  được viết – vẽ, khắc – tạc nơi công cộng hay trong các cơ quan – đơn vị, trong các đình – chùa ngoài đảo, đều phải biểu đạt bằng chữ quốc ngữ thuần việt. Chữ việt, tiếng việt ngoài biển – đảo là một biểu lộ sức sống và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam – dân tộc Việt Nam.

 

***

 

Tuấn râu quảng giao, có quan hệ sâu – rộng với nhiều đồng nghiệp, bạn bè ở Thủ đô, ở tỉnh nhà và các vùng miền khác trên cả nước. Có thể do anh là người làm công tác nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn thì phải thế. Nhưng không phải người làm công tác khoa học nào (kể cả ở lĩnh vực của các văn nghệ sỹ – trí thức khác), cũng có được mối quan tâm – ràng buộc thân tình – chí tình mau mắn như vậy.

 

Trong tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp cả ở Hà Nội và địa phương, Tuấn râu luôn cần là có mặt, luôn không thấy khi không cần ở đâu đấy, ở việc nào đấy. Với tôi, thoạt trông Tuấn râu tưởng là người phong trần, nhưng thực ra – hơn thế – anh là người có phong thái, rất có phong thái. Bây giờ, mỗi khi vui vẻ ào ào hoặc chào hỏi xã giao, người ta hay gọi nhau, tán nhau bằng những danh xưng quý trọng xưa cũ. Nhiều người chỉ gọi, chỉ nhận danh xưng ào ào – vui là chính chứ không rõ thật nghĩa, thật giá trị của danh xưng ấy đến đâu. Riêng tôi, quả thật tôi rất quý bạn, tôn trọng bạn mà muốn gọi Tuấn râu – Tiến Sĩ NAT bằng những mỹ từ của người xưa trọng nhau (và chỉ có thế) mới rõ lên được nội hàm – nội dung biểu đạt: Tuấn Trượng Phu, Tuấn Tiên Sinh.

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…