Tượng sáp Trần Văn Khê rút khỏi bảo tàng

532

12.12.2017-20:10

Chị Nguyễn Thị Diện, giám đốc Công ty Cổ phần Tượng Sáp Việt cho biết tôn trọng ý kiến của 3 người con Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê, vào ngày 9.12.2017 phía Bảo tàng tượng sáp Việt đã cho rút tượng sáp của ông sau 10 tháng trưng bày tại đây.

 

Vừa qua, Bảo tàng tượng sáp Việt đăng tải thông tin trên trang fanpage về việc rút tượng sáp của GS.TS Trần Văn Khê với nội dung: “Tôn trọng ý kiến của gia đình GS.TS Trần Văn Khê về việc cần có sự điều chỉnh, ngày hôm nay 9.12.2017 chúng tôi đã dời bức tượng sáp của GS.TS Trần Văn Khê về xưởng của công ty chúng tôi”.

Tượng sáp GS Trần Văn Khê

 

Liên lạc với bảo tàng, chị Nguyễn Thị Diện, giám đốc Công ty Cổ phần Tượng Sáp Việt cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ phía những thành viên trong gia đình GS.TS Trần Văn Khê, chị và công ty đã nhanh chóng quyết định cho rút tượng sáp của GS.TS Trần Văn Khê ra khỏi khu vực trưng bày và mang về xưởng.

 

Chị Nguyễn Thị Diện cho biết, ngày 8/12 phía bảo tàng có nhận được e-mail từ ông Trần Quang Minh – con trai thứ của GS Trần Văn Khê, đại diện cho hai người em của ông là bà Trần Thị Thủy Tiên và Trần Thị Thủy Ngọc (hiện đang sống tại Pháp) đề nghị chấm dứt việc trưng bày tượng sáp của GS Trần Văn Khê.

 

Ba lý do gia đình đưa ra đề nghị “chấm dứt ngay việc trưng bày bức tượng sáp mang tên “GS Trần Văn Khê” tại Bảo tàng Tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam, kể cả tại tất cả những không gian trưng bày khác ở trong nước và ngoài nước” là: tạo hình gương mặt hoàn toàn không giống GS; tạo dáng ngồi đờn cò vô hồn, sai bàn tay cầm đàn; kiểu cách ăn mặc, mang guốc là trang phục mà GS Khê chưa bao giờ mặc trong các buổi thuyết trình.

 

Giám đốc Bảo tàng tượng sáp Việt chia sẻ: “Khi chúng tôi thực hiện tượng sáp của GS.TS Trần Văn Khê đã có sự đồng ý của ông Trần Quang Hải, con trai trưởng và cũng là người quyết định cho phép chúng tôi đo đạc chỉ số cơ thể từ ông để mô phỏng bức tượng của cha mình, vì khi đó GS.TS Trần Văn Khê đã qua đời. Chúng tôi cũng không biết những người con còn lại của giáo sư, tuy nhiên khi có ý kiến của gia đình chúng tôi vẫn tôn trọng và đã cho ngừng trưng bày ngay trong thời gian chờ ý kiến từ GS Trần Quang Hải”.

 

Chị Diện cho biết thêm, vì lần đầu làm tượng sáp chưa có kinh nghiệm phải có sự đồng ý của cả gia đình, tuy nhiên chị cũng cho rằng việc làm tượng sáp GS.TS Trần Văn Khê là để tôn vinh công lao, đóng góp của nghệ sĩ chứ không phải buôn bán, kinh doanh.

 

Thế nhưng, về phía gia đình khi yêu cầu “chấm dứt” trưng bày thì có phần nặng nề, thiếu thiện chí.

 

“Vì khi bức tượng làm người đã mất nên không thể giống hoàn toàn như so với những người còn sống. Nên cho rằng bức tượng vô hồn có phần nặng nề và thiếu thiện chí so với ý nghĩa ban đầu mà chúng tôi dành tâm huyết cũng như không ngại đầu tư để thực hiện. Nếu yêu cầu đến sửa chữa vì chưa giống chúng tôi sẵn sàng sửa ngay và rất ủng hộ tinh thần đó”, chị Diện bày tỏ.

 

Giám đốc bảo tàng cho biết, hiện tại vẫn đang chờ ý kiến chính thức từ GS Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS.TS Trần Văn Khê.

 

Chúng tôi đã liên lạc với GS Trần Quang Hải hiện đang tại Pháp và chờ phản hồi chính thức từ GS về sự việc này.

 

BĂNG CHÂU/ DÂN TRÍ

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…