(vanchuongphuongnam.vn) – Trong thế giới phẳng hiện nay, sự bùng nổ của hệ thống báo chí truyền thông đã đặt ra cho các cơ quan chứ năng trong đó có cả chính quyền trong mối liên hệ tương tác giữa hai chủ thể trong việc xử lý nguồn tin để định hướng dư luận xã hội. Cho nên, việc phân định rõ vai trò của báo chí và chính quyền là một vấn đề cấp thiết. Báo chí nói riêng, các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang đóng góp nhiều vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.
Ảnh minh họa: Sức mạnh của truyền thông đến việc định hướng dư luận xã hội.
Báo chí – diễn đàn để công chúng công khai phê bình, kiểm soát các hoạt động của các cấp quản lý, cơ quan tư pháp và những tổ chức khác trong hệ thống chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, phê bình và kiểm soát ở đây là sự tương tác, đồng hành để cùng hoàn thành vai trò của mình đối với xã hội chứ không phải là đối lập. Mối quan hệ này cần có sự minh bạch, trung thực toàn diện. Bởi một sự hiểu lầm xảy ra bất cứ phía nào trong mối quan hệ này đều gây tác hại không nhỏ đến cộng đồng xã hội.
Cuộc hội thảo “Tương tác giữa chính quyền với báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nhà báo các tỉnh Bắc Sông Hậu tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã xác định thêm vai trò, vị trí và tầm quan trọng của báo chí trong mối tương tác giữa các cấp chính quyền để cùng nhau hướng tới mục tiêu phản biện, đồng thuận trong việc giải quyết các thông tin, sự kiện diễn ra hàng ngày.
Duy trì tốt dòng thông tin đa chiều; phát triển tốt mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ thể và khách thể quản lý, bảo đảm cho các quyết định quản lý được thông suốt và thực thi đúng theo quy định của pháp luật. Theo đó, càng phát huy dân chủ, báo chí càng thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội của mình.
Báo chí có nhiệm vụ làm rõ các chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thông qua đó tạo cho cộng đồng hướng tới một quan điểm, ý thức chung, cùng chính quyền quản lý xã hội. Thông điệp của thông tin đại chúng chuyển đến công chúng hoàn toàn không thể giới hạn đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, tác động của báo chí đến đời sống xã hội có tác dụng rất lớn trên một bình diện rộng.
Nhà báo Nguyễn Hữu Nhân – Chi hội nhà báo “Văn Nghệ Đồng Tháp” nhấn mạnh mối tương tác giữa báo chí và chính quyền là một cách tạo thương hiệu cho một chính quyền. Theo ông, sự minh bạch và trung thực của báo chí với chính quyền có thể hiệu theo nghĩa rộng là quan hệ công chúng. Khi thông tin cho chính quyền, báo chí đang làm công tác PR cho chính quyền một cách gián tiếp thông qua phương tiện của mình. Duy trì thường xuyên và có mục đích mối liên hệ qua lại giữa hai bên, giúp chính quyền hiểu nhân dân và nhân dân hiểu chính quyền nhằm mang lại lợi ích song phương.
Có ba vấn đề mà nhà báo Nguyễn Hữu Nhân đề cập để sự tương tác giữa báo chí và chính quyền đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Thứ nhất, việc phát ngôn cho báo chí phải cụ thể, rõ ràng trên tinh thần thẳng thắn trao đổi, hoàn toàn có trách nhiệm và không bưng bít, tránh né sự thật. Người phát ngôn cho báo chí ngoài việc thông tin sự việc còn phải có trách nhiệm cùng báo chí định hướng dư luận. Người cung cấp thông tin cho báo chí theo kiểu lập lờ, đánh đố sẽ dẫn đến việc mỗi tờ báo sẽ đưa thông tin một cách, không nhất quán; dẫn đến thông tin sai lệch, từ đó sẽ gây nên nhiều hệ lụy đáng tiếc, nhất là giảm sút niềm tin của người dân với chính quyền là điều khó tránh khỏi. Thậm chí người dân còn hoài nghi tính dân chủ của chính quyền trong công tác điều hành và quản lý xã hội.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần tăng cường cung cấp thông tin chính thức , chính xác, toàn diện và kịp thời cho báo chí. Khi lạm dụng “yếu tố bảo mật” để chối bỏ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, tức là chính quyền từ chối sự giám sát của dư luận, xã hội đối với cán bộm công chức. Tâm lý “tốt khoe, xấu che” đang là một rào cản cần phải gỡ bỏ. Cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ , chính xác, toàn diện là một trong những giải pháp giúp cho cơ quan báo chí có điều kiện thực hiện vai trò giáo dục, tuyên truyền; làm cho người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận được những thông tin lành mạnh, bổ ích; đồng thời biết tránh các luồng thông tin xuyên tạc, độc hại.
Thứ ba, chính quyền phải thật sự xem báo chi là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chính quyền không nên tạo ra sự đối lập với báo chí hay xem báo chí là một đối tượng luôn đối đầu với chính quyền. Con đường để chính quyền trao đổi thông tin với người dân để dân thấy, dân biết chính quyền đã làm được gì cho họ thông qua báo chí là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất. Ở góc nhìn của người làm công tác tư tưởng, quản lý báo chí ở cấp địa phương, ông Nguyễn Tuấn Kiệt – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long đánh giá cao các hoạt động của báo chí.
Theo ông, báo chí đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng tư tưởng và dư luận, làm cho nhân dân nhận thức đúng, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí là kết quả tất yếu của sự lãnh đạo của Đảng cộng với nỗ lực của các cá nhân, tập thể cơ.
Bảo Trung