Tường Vi Lam – Truyện ngắn Trương Thị Chung

718

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông tiếp tục hôn lên má, lên mắt, lên môi cô. Lam mặc kệ. Bàn tay khô vì tuổi tác của ông lần mò xuống cổ cô. Lam nghe tim mình rung lên khe khẽ, chỉ là cảm giác gần gũi thân thuộc, không phải tình yêu. Nhưng thôi, mặc kệ.

Nhà văn trẻ Trương Thị Chung

– Cô có còn coi ai ra gì không? Cứ đến trễ rồi lại xin lỗi là xong sao. Nếu ai cũng như cô thì còn đâu nề nếp!
Trưởng phòng vứt tập hồ sơ xuống bàn mắng mỏ xối xả còn Lam chỉ đứng trân người, trơ mặt hứng những lời nạt nộ, miệng lắp bắp mỗi hai từ “xin lỗi”.
– Có chuyện gì ồn ào vậy?
Cả phòng lập tức im phắc khi thấy ông Nhân. Ông ta là giám đốc điều hành của công ty. Sáu mươi chín tuổi. Ông nổi tiếng xứ thành bởi tài kinh doanh và những mối tình, phụ họa thêm là các cuộc đánh ghen của vợ ông. Ông nhìn Lam trân trân như bắt gặp phải sinh vật lạ. Lam không sắc sảo như các cô gái phố thị khác, số đo ba vòng của cô cũng chẳng nóng bỏng bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng Lam hút hồn người bằng đôi mắt sâu long lanh biết nói, đôi lúm đồng tiền duyên dáng trên khuôn mặt chữ điền đầy đặn, làn da nâu săn chắc và khỏe khoắn gợi cảm, đoan trang. Ông đến đối diện Lam, hỏi:
– Cô vừa gây ra lỗi gì sao?
– Tôi xin lỗi, tôi hứa sẽ không bao giờ đi trễ nữa. Xin bỏ qua cho tôi lần này.
– Anh có bao giờ đi làm muộn, về sớm chưa trưởng phòng. – Tay trưởng phòng tím mặt, giọng cà lắp:
– Dạ thưa, có rồi ạ!
– Vậy thì bỏ qua cho cô ấy lần này đi.
– Cám ơn ông! – Lam rối rít.

Chiều. Phố thị đông đúc, những tiếng còi xe quát mắng nhau xin đường ồn ã. Lam ghé sạp hàng rong ven đường mua đôi dép tông thay đôi guốc năm phân dưới chân. Thả dòng suy nghĩ miên man theo cung đường, vỉa hè như rộng hơn, thênh thang hơn vì hàng thông cổ thụ bên đường vừa bị đốn hạ theo quy hoạch thay thế cây xanh của tỉnh.

Chiếc Camry đời mới màu cà phê bóng loáng lùi lại rồi rê chầm chậm bên cạnh, Lam phát hiện ra chủ nhân trên xe là giám đốc điều hành. Ông ta bấm còi, hạ kính nửa vời, đưa ngón trỏ ra hiệu Lam lên xe. Cô cúi đầu cám ơn nhưng từ chối lên xe. Thoạt, cô rẽ nhanh vào con hẻm gần đó, vừa đi vừa nhìn xem liệu chiếc xe kia có bám theo mình. Nhân viên công ty đồn rằng, cô gái nào lọt vào mắt của giám đốc điều hành thì không sớm cũng muộn, không tự nguyện cũng phải chấp nhận ngã vào vòng tay ông. Và đương nhiên rằng bao nhiêu lần nằm trong vòng tay ấy là bấy nhiêu lần nếm đòn roi của vợ ông, có ai may mắn thoát được những trận giăng bẫy, đánh ghen ấy thì cũng phải bỏ xứ thành đi đến một nơi xa khác. Lam sợ những điều đó. Cô không muốn mình là người tiếp theo. Bên cô còn có mẹ. Đến cả khi đi ngủ cô vẫn còn ghim vào đầu mình hình bóng của mẹ.
Giám đốc điều hành đối với cô thật xa xỉ. Chuyện nhân tình đối với cô cũng thật xa xỉ.
Đêm nay trời như rộng và dịu hơn, mẹ bớt đau nhức nên ngủ từ sớm. Lam đẩy cửa, ra sân sau hít thở khí trời. Sân sau là khoảng không gian trong lành nhất cho Lam sau ngày làm việc bộn bề. Tiếng rì rào của những tán xà cừ và tiếng mọt nghiến vào củi mục nghe rõ hơn. Chú dế nâu nằm dài dưới trăng đợi bạn. Lâu lâu nó lại gãi râu, đá chân tí tách, bò lui bò tới có vẻ sốt sắng. Rồi cuối cùng, bạn của nó cũng đến. Lam mải miết ngắm nhìn cuộc hẹn hò của hai chú dế như thôi miên. Sau một hồi gạ gẫm thì chú dế nâu kia cũng dắt được bạn mình về tổ. Có lẽ mai kia, chính nơi này Lam sẽ nhìn thấy thêm vài chú dế con tắm trăng. Cũng chẳng biết có phải chúng hẹn hò không hay chỉ do cô tự tưởng tượng ra nhưng trong đầu cô loáng thoáng ý nghĩ hồi sinh. Làn gió phảng phất luồn vào cổ, mùi hương tường vi khe khẽ thơm. Nỗi nhớ bắt đầu len lỏi khắp da thịt. Hình bóng Dũng bắt đầu ẩn hiện. Đêm ấy cũng là một đêm sáng như đêm nay. Mẹ đi làm qua đêm. Tại nơi này. Trăng cao. Sao dày. Trời rộng. Những cánh tường vi tím lấm tấm rắc đều lên thảm cỏ xanh, chen lẫn nhau dưới ánh trăng vàng mộng. Lam tựa đầu vào vai Dũng thủ thỉ ước mơ của mình. Dũng vón những bông tường vi rụng đắp lên chân Lam. Anh đan chiếc nhẫn cỏ, ướm vào tay cô“ Mình cưới nhau nhé!”. Lam ngước mặt, chạm phải ánh mắt tha thiết của anh. Có thứ bùa yêu đắm đuối trong đôi mắt ấy. Anh đặt môi mình lên môi cô. Lam ngã vào lòng Dũng. Mơn man. Hạnh phúc. Chìm đắm. Đôi ngọn cỏ xanh mới nhú loang vệt đỏ. Lam thuộc về Dũng.

Sau tích tắc hạnh phúc ấy, cuộc điện thoại khiến Lam giật bắn người, run rẩy. Dũng chở Lam đến bệnh viện. Hành lang khoa cấp cứu nhợn người với những tiếng rên la, những tấm drap trắng muốt dính máu, mùi hóa chất khử trùng, mùi thuốc tây nồng nặc, tiếng va chạm các dụng cụ y tế lạnh tanh, cơ mặt người khoác bluose trắng lúc nào cũng căng lên… Đám người bên hành lang đang bàn tán xôn xao về một vụ đánh ghen nào đó. Lam lao vào phòng cấp cứu. Mẹ nằm im bất động. Mắt nhắm nghiền phải hít thở bằng bình trợ khí. Toàn thân mẹ quấn trắng toát bởi băng gạc y tế. Máu rỉ ra qua các vết thương. Bác sĩ cho biết mẹ bị tạt axit và bị ép uống thuốc ngủ quá liều, cũng may rửa ruột kịp thời. Phóng viên, báo đài thi nhau chụp ảnh, phỏng vấn. Dũng che mặt cố len qua đám đông ra ngoài. Lam khuỵu xuống ôm lấy mẹ. Hàng loạt tin bài, hình ảnh được đưa lên facebook và các trang mạng xã hội khác với những cái tít nóng hổi “Cuộc đánh ghen hội đồng”, “Gái một con cướp chồng bị đánh ghen” , “Bạn trai con gái người đàn bà bỏ chạy khi thấy nhạc mẫu tương lai bị đánh ghen”… Và, Dũng cũng biến mất từ đó.

Lam tì mặt vào đầu gối, dùng bàn tay xoa nhẹ vào cánh tay mình để làm dịu bớt nỗi cô đơn – nỗi cô đơn dày vò đến đáng sợ và tê tái đến điên dại sau mỗi một ngày lăn lộn, chật vật với đời. Nỗi cô đơn gặm nhấm và cào cấu mỗi khi ánh mắt người đời đổ xô về phía cô mà chửi mắng xối xả mẹ như oán hận, như nguyền rủa khiến Lam chênh vênh đến cùng cực. Giá có ai đó đứng phía sau đặt bàn tay lên vai Lam và nói “Không sao đâu” để Lam tựa vào bờ vai ấy mà khóc tức tưởi.

***

– Thư kí giám đốc nghỉ sinh trong thời gian sáu tháng, phòng nhân sự phải sắp xếp một người thay thế vị trí. Cô Lam đảm nhận nhé! – Trưởng phòng nói.
Lam tiếp quản ghế thư kí giám đốc vào một sáng mưa nhẹ. Từng hạt mưa hắt liêu xiêu lên khung cửa kính. Tự nhiên Lam thấy mình rảnh quá, giám đốc chẳng giao việc gì cho cô cả.
– Cho cô này. – Giám đốc điều hành đặt lên bàn Lam chiếc túi nhỏ . Cô tần ngần không dám nhận. Ông gắt gỏng:
– Cô đừng nghĩ tôi có ý gì với cô nên mua cho cô. Cô nhìn mình kìa, thư kí giám đốc mà ăn mặc thế sao được. Tôi mua cho cô là vì diện mạo của công ty, nhé!

Lam đứng săm soi trước gương một hồi rồi quyết định chọn chiếc váy màu xanh lam như chính cái tên cô, như màu hoa tường vi mà mẹ vẫn hằng ước thấy. Cô đi lui, đi tới, quay trước, quay sau… nhìn. Ngờ ngợ và có vẻ vướng. Trước giờ Lam vẫn quen mặc quần tây nên cô thấy hơi bất tiện. Cô tô chút son môi nhẹ, búi tóc cao hơn mọi ngày. Có tiếng còi xe trước cửa. Là giám đốc điều hành. “Trời ơi, sao ông ấy lại đến đây?”. Lam lấy bình tĩnh dắt xe ra, vờ như không thấy. Giám đốc điều hành nhấn còi, hạ kính:
– Này cô, cô tưởng tôi rủ cô đi chơi sao? Hôm nay phải đi gặp đối tác. Lên xe đi.
– Sao ta không bắt đầu đi từ công ty?
– Tôi định như thế nhưng tôi không yên tâm, lỡ cô lại ăn mặc như con bé nhà quê mới lên phố thì hỏng việc.

Cung đường từ nhà Lam đến nơi mà giám đốc điều hành gọi là gặp gỡ đối tác khá xa. Đó là một vùng phía tây ngoại thành.

Trên đường về, ngồi ở hàng ghế sau, thi thoảng Lam liếc mắt nhìn dò xét. Giám đốc điều hành làm như không để ý gì nhưng qua kính chiếu hậu ông ta thấy mồn một từng cử chỉ, ánh nhìn của cô. Gã với tay đưa cho cô chai nước lọc:
– Cô chợp mắt chút đi, sắp tới đường xấu sẽ mệt đấy!
– Cám ơn ông, tôi không sao! Lần sau những đối tác thế tôi sẽ không đi cùng ông đâu!
– Cô chọn lựa được sao?
– Thật mất thời gian. Mẹ tôi đang một mình.
– Thì tôi đang đưa cô về còn gì?

Trời mưa rả rích, những bông lau bên đường ngấm nước cúi xuống nặng trịt chỉ chờ gió nhẹ là nằm ẹp ngay xuống đất. Thời tiết hè năm nay lạ, mưa nấn ná mãi không lui, bất chợt nắng ấm, bất chợt lại mưa, có khi mù mịt, xới tung đất thật đáng ghét. Mùi hương tường vi dịu nhẹ từ bình hương trên ô tô phảng phất, giám đốc điều hành mở bản nhạc du dương về mưa. Lam thấy lòng mình nặng tâm tư. Người đàn ông cô đề phòng đã già nhưng tinh mắt và có nét gì đó quen quen. Rõ ràng ông đang có ý đồ với Lam nhưng sao ông ta không vồ vập, sấn tới Lam rồi quẳng vào mặt cô ví tiền, một căn nhà, một chiếc bốn bánh như những cô gái trước. Ông ta tỏ ra lạnh lùng và bất cần, ngạo mạn và coi thường cô.
Lam nghiêng người sang bên, mắt cô bắt đầu khép dần, khép dần. Giám đốc điều hành cho xe đi chậm hơn. Ông cố gắng đến mức có thể để tránh những chiếc ổ voi bên đường. Thi thoảng ông lại ghé mắt vào kính chiếu hậu nhìn trộm gương mặt Lam. Lam gợi cho ông nhớ đến một người phụ nữ của quá khứ, cái quá khứ mà thi thoảng nhớ đến ông lại thấy tim mình nhói lên từng cơn đến ngột ngạt.

Trong giấc ngủ chập chờn, Lam thấy loáng nhoáng bóng mẹ mải miết chiết ghép, chăm chút gốc tường vi. Mẹ ao ước một ngày nhìn thấy bông tường vi rộ nở màu lam nhưng mãi vẫn không được. Mẹ gào thét, cào xé, trách móc “tại sao”? Mẹ yêu đến độ cả đứa con gái duy nhất cũng mang tên của màu sắc ấy.

Lam giật mình choàng tỉnh bởi tiếng chuông điện thoại.
– Thay đổi nhạc chuông đi. Ồn ào!
– Đi nhanh giùm tôi. Đến bệnh viện K. Nhanh đi. Xin ông!
Giám đốc điều hành cho xe lao vun vút, tận dụng cả những giây đèn vàng ít ỏi trên các ngã tư. Lam ngồi bên nhấp nhổm không yên. Đến nơi, cô chạy tức tưởi vào phòng cấp cứu và tông rầm phải cánh cửa đang đóng. Một y tá kịp thời xuất hiện:
– Thưa cô, cho tôi hỏi bà Hoàng Thanh Tường Vi…
– Cô là người nhà?
– Vâng!
– Mời đi theo tôi đóng tiền tạm ứng viện phí.
– Mẹ tôi…
– Mẹ cô đang được bác sĩ chăm sóc. Phải hạn chế tiếp xúc bệnh nhân. Cô phải hoàn thành thủ tục nhập viện và ký cam kết cho chúng tôi.
– Em ngồi đây. Để tôi lo. – Giám đốc điều hành dìu Lam ngồi xuống dãy ghế phòng chờ một cách ân cần như người thân với người thân. Những người có mặt ở đó, kẻ nhìn cô dèm pha suy xét, người tỏ ra đồng cảm, quan tâm.

Mẹ nằm trong phòng cách li, thở bằng bình trợ khí. Tám năm trước mẹ còn là phụ nữ đầy đặn, nhan sắc mặn mà nhưng chỉ sau một đêm mẹ biến thành người đàn bà tật nguyền mãi mãi. A xít như ngấm vào da thịt mẹ, bào dần, ăn dần từng chút một. Thứ chất độc quái ác ấy khiến mẹ chịu đựng mỏi mòn, điên dại. Mẹ bảo người đàn ông duy nhất mẹ gặp gỡ là bố Lam. Nếu vậy thì Lam là kết quả của cuộc tình vụng trộm nào đó chăng? Mẹ Lam là tình nhân của bố? Bố là ai? Bố có yêu mẹ không, sao bố không bảo vệ mẹ?

Lam thở dài nhìn ra phía cửa sổ. Lớp sương đặc quánh, trắng xóa bện chặt lên khung cửa hình ca rô xanh. Tất cả mọi thứ bên ngoài trở nên lờ mờ, nhạt nhòa. Tình hình của mẹ ngày càng nặng. Những cơn đau cứ dồn thúc và mẹ phải oằn mình gánh chịu. Ước gì Lam có thể san sẻ bớt giúp mẹ chút nỗi đau ấy. Cô nguyện chịu đựng thay mẹ. Phụ nữ chẳng ai muốn mình chỉ là sân ga tạm thời, là nhân tình lén lút sau lưng của một người đàn ông nhưng đâu phải chỉ muốn là được. Nửa đời mẹ là nhân tình của bố để nửa đời còn lại làm một sân ga lở loét, quá đát và bỉ ổi trong mắt người đời, trừ Lam. Nửa đời mẹ yêu và nguyện núp sau lưng một người đàn ông đã có hôn thú để nửa đời còn lại gồng mình lên chống đỡ những cơn đau quặn thắt, mòn mỏi.
Sự trả giá cho kẻ xen vào gia đình người khác như thế có quá đắt? Câu hỏi này Lam đã lặp đi, lặp lại trong trí nhớ của mình không biết bao nhiêu lần nhưng chẳng bao giờ cô tìm được lời giải đáp.

Hoàng hôn buông. Những mầm cây bé nhỏ mới được trồng thay thế bên đường run rẩy, chới với. Đám sẻ nâu bị tước mất chỗ trú tần ngần vạch những đường kẽ trên vỉa hè kiếm cái ăn. Lam đi lòng vòng ném những câu hỏi không đầu, không cuối vào mớ không gian ồn ã của phố thị. Cô rẽ vào cửa hàng drap nệm định bụng mua cho mẹ chiếc nệm mềm để mẹ nằm yên lưng hơn. Cô tình cờ gặp tay chủ nợ trên đường. Cô đứng khựng. Run rẩy. Lắp bắp:
– Tôi… tôi… Tôi xin lỗi anh!
– Chào cô em. Xem ra cô em cũng khéo đấy. Kiếm được ông già họ hàng lắm tiền thế mà giấu, khiến tụi này khổ sở theo đuôi bao phen. Cô nói sớm chẳng phải anh em mình đã không nặng lời với nhau thế?
– Ý anh là sao?
– Cô em có khiếu giả nai thế thảo nào ông già họ hàng kia mê mẩn là phải.
– Ông già họ hàng? Là ai?
– Là người trả nợ giúp cô đó. Vị giám đốc đi con Camry đời mới bóng loáng ấy. Cô không biết thật sao? Mà thôi, việc gì phải nghĩ, nợ xong rồi tôi chẳng có cớ gì phải to tiếng với cô em cả. Chào nhé!

Lam chạy băng qua các dải phân cách đường đến bệnh viện. Giám đốc điều hành đang giúp cô trông mẹ ở đó. Cô cảm thấy mình mang ơn ông. Đã n lần ông giải quyết và gỡ rối giúp Lam. Đúng thế n lần! Sâu thẳm trong tâm hồn cô, sau bức bình phong mang ơn đó là sự cảm tình. Thú thực, Lam thấy gần gũi và như có sự gắn kết gì đó với con người đáng sợ kia. Nếu như Dũng bỏ cô vì dư luận, vì gánh nặng cô phải mang trên đôi vai mình, vì anh đã đoạt được những gì thuộc về con gái trong Lam thì giám đốc điều hành lại lấp đầy những chỗ trống đó của Dũng. Ông ta luôn bên cô đúng lúc, vỗ nhẹ vào vai cô mỗi khi cô thực sự mệt mỏi và cần nương tựa. Giám đốc điều hành cũng giúp cô trút bỏ được một phần gánh nặng trên đôi vai. Đúng thế, vì ông ta có tiền. Với Lam, ông ta sẵn sàng bỏ ra khoản lớn chỉ để đổi được nụ cười hay thậm chí chỉ để vơi bớt chút phiền muộn trên vầng trán cô. Hơn hết, ông ta dùng tiền để giúp đỡ Lam bằng cả tấm chân tình chứ không phải là cuộc mua bán, đổi chác niềm vui và thể xác.

Trên ghế đá cuối góc công viên bệnh viện, Lam ngồi xuống cạnh giám đốc điều hành. Góc không gian không quá sáng để thu hút sự chú ý của mọi người. Phía trước mặt Lam cây tường vi cuối mùa hoa khe khẽ đưa như ru hời những bông hoa còn sót lại. Mùi hương trên áo giám đốc điều hành tỏa ra dịu nhẹ. Lam thở dài. Giám đốc điều hành nhẹ nhàng nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô như để an ủi, như để nói “Không sao đâu, có anh ở đây rồi!”. Lam gục đầu vào vai ông, mơn man trong dòng suy nghĩ. Cảm giác cô đơn, trống trải nhớ Dũng lại ập đến. Giá như người ngồi bên cạnh Lam lúc này là Dũng, cô đã có thể ôm chặt anh mà khóc hoặc nói “Em mệt lắm anh ạ!” Cô giữ yên bàn tay mình trong lòng bàn tay giám đốc điều hành, miệng lí nhí “Em cảm ơn ông!” Giám đốc điều hành hôn lên trán người thiếu nữ mà ông đang tội nghiệp, Lam mặc kệ. Ông tiếp tục hôn lên má, lên mắt, lên môi cô. Lam mặc kệ. Bàn tay khô vì tuổi tác của ông lần mò xuống cổ cô. Lam nghe tim mình rung lên khe khẽ, chỉ là cảm giác gần gũi thân thuộc, không phải tình yêu. Nhưng thôi, mặc kệ. Ông còn tốt hơn Dũng gấp bội.

Trong cơn mê man ánh mắt vợ ông đập vào trí tưởng tượng Lam. Ánh mắt sắc lẹm, hơn cả dao găm, bà ta chỉ cần nguýt là đã cứa đứt được cả khuôn mặt tình địch. Đôi tay bà ta to kệch, móng vuốt dài ngoằn, đỏ chót, bà ta sấn tới túm tóc Lam, giật tung hàng cúc áo sơ mi, dùng móng vuốt của mình cào cấu liên tục vào ngực cô. Cô đau bốt, tê tái, những vệt cào dài đỏ thẫm, rỉ máu… Đám người đi cùng bà ta sấn tới, kẻ tát, kẻ đá, kể cắt tóc giật, đầu… Họ túm tay túm chân cô chặt khư, mụ vợ của ông đứng trước mặt tay lăm le bình a xít. Không. Cô không muốn. Cô không muốn dẫm lên vết chân mẹ đã từng vướng phải. Cô hoảng sợ. Cô đẩy giám đốc điều hành, kéo áo, bỏ chạy.

***

Lam tựa tường ngồi nhoài xuống nền hành lang nơi dành cho người nhà bệnh nhân. Phía sau khoa bệnh nơi mẹ nằm là nhà xác. Tối om và lạnh lẽo. Có mấy bóng người loáng thoáng qua lại trong bóng tối ấy. Chốc chốc có vài đốm sáng lấp lóe nhỏ xíu như mắt của loài chim cú trong đêm. Mùi nhang thoang thoảng, len lỏi vào màn đen tĩnh mịch. Lại có ai đó ỉ ôi, sụt sùi, nấc nghẹn. Vài con quạ đen liệng lui, liệng tới, thi thoảng sà thẳng xuống cửa nhà xác, gặp dáng người canh gác kêu toáng lên rồi lại bay đi. Lam bỗng thấy sợ hãi. Nỗi cô đơn xâm lấn lên thân thể và tâm hồn cô. Cô muốn nói chuyện với mẹ. Lòng cô như gào lên, thét lên từng cơn, từng cơn một. Quằn quại. Cuộn sôi. Cô muốn nói với mẹ rằng cô cần có giám đốc điều hành bên cạnh. Con người đáng sợ đó như là vị cứu tinh của cô những lúc cô cần, những lúc cô dường như sắp rơi xuống bờ vực của sự cô đơn và tuyệt vọng. Cô muốn mẹ hãy cho cô chút sức mạnh để cô bước qua ranh giới của sự sợ hãi. Mỗi lần tựa đầu vào bờ vai vững chải ấy cô thấy mình an tâm hơn. Dù gì thì Dũng cũng đã vứt bỏ cô như người ta vứt bỏ một chiếc áo hàng hiệu nhưng khó mặc. Dù gì thì những gì còn sót lại trong cô suy cho cùng cũng chỉ là một con đàn bà quá lứa. Cô cần giám đốc điều hành. Ông có thể cho cô mọi thứ trừ dũng cảm. Vì thế cô cần mẹ, cô cần mẹ cho cô dũng cảm.
– Em nghỉ một chút đi! Nếu cứ thế này em sẽ ốm mất. – Giám đốc điều hành đứng bên cô từ khi nào. Ông vừa nói vừa khoác lên cô chiếc áo lông thú dài đủ để làm ấm cho cô từ đầu đến chân.
– Em cám ơn ông!
– Em không cần phải cám ơn tôi. Tôi mới là người phải cám ơn em. Em cho tôi cảm giác gần gũi và quen thuộc. Em làm tôi nhớ đến một người mà tôi từng yêu say đắm và mê mải. Chỉ tiếc tôi nhu nhược không thể bảo vệ được người ấy. – Giám đốc điều hành bắt đầu rỉ rả tâm sự với Lam những chuyện về cuộc đời ông. Người phụ nữ mà ông yêu, người vợ hiện tại bây giờ của ông. Những ẩn khuất sâu thẳm trong tâm hồn, trong trái tim ông. Trong phút chốc con người đáng sợ ấy bỗng trở nên yếu đuối và hiền lành đến lạ. Ông bảo rằng Lam cho ông cảm giác gần gũi và quen thuộc. Lam cũng có cảm giác đó. Vì sao? Cảm giác đó là gì? Thực sự tự Lam không thể giải thích!
– Sao ông không tìm bà ấy!
– Tôi không đủ can đảm. Bà ấy sợ tôi nhìn thấy bà ấy xấu còn tôi sợ phải nhìn thấy bà ấy đau đớn.
– Sợ hay ông chỉ ngụy biện cho bản thân mình.
– Tôi sợ. Mà thôi! Nói chuyện mình đi, đừng nhắc đến bà ấy nữa.
– Chuyện gì?
– Chuyện tôi và em. Em có đồng ý về sống với tôi không?

Lam in lặng.
– Em đừng sợ vợ tôi. Tám năm trước bà ấy đã phải vào tù vì tội hành hung người khác trong một vụ đánh ghen. Chúng tôi đã ly hôn từ đó.
– Có phải với người phụ nữ ông bảo giống em và ông từng yêu say đắm.
– Đúng vậy? Em về sống với tôi nhé!
Đèn báo của máy trợ tim phòng mẹ chớp nháy liên tục khi giám đốc điều hành vừa dứt lời đề nghị. Mẹ với tay ú ớ điều gì đó. Lam hốt hoảng hét lên “Bác sĩ, bác sĩ ơi. Mẹ tôi”. Khoa bệnh náo loạn và tỉnh hẳn với tiếng chạy hối hả, vội vàng của các y bác sĩ. Lam lao thẳng vào phòng bệnh chụp lấy bàn tay mẹ. Giám đốc điều hành cũng vào theo. Bất thình lình ông buông Lam và hét lên “Bà ơi!”. Mẹ mở mắt nhìn giám đốc điều hành như muốn nói hàng ngàn vạn lời nhưng cơn đau khiến mẹ phải nhắm nghiền mắt không kịp nói. Y tá xua hai người ra ngoài.

Máy trợ tim được đặt vào lồng ngực mẹ. Tấm thân gầy gò với đầy các vết thương lở loét của mẹ cứ ẩy lên rồi rơi xuống liên tục. Oằn oại. Đớn đau. Nhịp tim lên dần, lên dần rồi bỗng chốc lại hạ dần, hạ dần cho đến khi màn hình vi tính chỉ còn lại đường thẳng dài xanh lét.
Hàng loạt tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội, nào là “Người tình của Giám đốc điều hành Tập đoàn Y. từ trần sau tám năm trên giường bệnh”, nào là “Giám đốc điều hành tập đoàn Y. đau đớn trước sự ra đi của nhân tình”, vân vân và vân vân…
Lam thu mình cuối góc vườn mân mê cuốn nhật ký của mẹ “Con gái à! Nếu một ngày mẹ ra đi mà chưa kịp mang bố về với con thì con có oán hận mẹ không? Sau này con có thể yêu bất cứ người đàn ông nào trên đời nhưng riêng giám đốc điều hành của con thì không được đâu con à! Đã bao lần trong giấc ngủ mẹ nghe thấy con gọi tên ông ấy nhưng tuyệt đối không được. Hãy nhớ lời mẹ con nhé!”.
Tường vi đã thôi ra hoa. Mấy chú dế nâu nhỏ xíu lượn lờ trước mặt cô. Trời đêm không trăng nhưng chi chít những vì sao xa. Người ta bảo rằng khi một vì sao rơi xuống thì một con người sẽ lên trời thay thế vì sao đó để tỏa sáng. Lam cố nhìn xem trong hàng vạn vì sao ấy vì sao nào là mẹ. Chẳng biết nhưng có lẽ là vì sao xa nhất, cao nhất, sáng nhất đằng xa kia.
Cành tường vi cô chiết ghép dạo trước đang bẽn lẽn nhú mầm. Có thể mùa hoa sang năm sẽ có những bông tường vi màu lam cũng có thể không nhưng hi vọng mẹ ở trên cao kia sẽ thỏa thích ngắm nhìn sự dịu dàng của chúng…