Sang thu – tùy bút của Nguyễn Thanh

1304

Nguyễn Thanh

Hôm nay ngày khai trường
Ngoài phố đông như hội.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tâm tư không vương vấn chút nỗi niềm hoài cổ, trong thoáng chốc, sáng nay tôi bất chợt nhận ra tiếng thu về theo âm hưởng thiên nhiên sông nước cây cỏ: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về” (Hữu Thỉnh). Gần nửa năm qua, trong lòng tôi đã nghe trong vườn cây hoa im vắng tiếng ong bướm vo ve và bầu trời thênh thang cũng không còn rộn rã tiếng chim rừng mùa xuân bay về hót ca ríu rít bắt đầu ngày hạ lửa oi nồng. Hơn tuần nay, ngọn thu phong hiu hắt thổi về giữa bầu trời “không mưa không nắng” đã gieo vào lòng tôi bao nỗi niềm nhung nhớ bâng khuâng!

Thong dong khoát kín chiếc áo gió cũ bạc màu, tôi cảm nhận được chút se sắt hơi lạnh của buổi sang mùa. Không gian hôm nay vẫn là không gian thuở trước, chỉ mái tóc tôi bây giờ đã không còn giữ trọn mùa xanh thắm ngày xưa và đôi mắt trữ tình thăm thẳm của người em gái nhà bên cũng nhuộm dáng thời gian qua. “Hỡi thời gian, hãy dừng cánh bay!“ (thơ Lamartine). Mới đây mà thắm thoát đã hơn nửa thế kỷ qua! Trong lòng mang mang hồi tưởng lại mới ngày nào, khi tôi còn là một chú bé con thơ dại hồn nhiên. Trước mỗi độ thu sang, tôi đã sống vô tư với những thú vui trong sáng qua mấy tháng hè, tung tăng chạy nhảy như chú chim sẻ con trên nẻo đường quê bò lang thang khắp làng thôn. Nuối tiếc hè vui bao nhiêu, hôm nay tôi càng cảm thấy không còn dửng dưng trước buổi thu về với những chiếc lá vàng lác đác rơi trên hè phố quạnh hiu: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng” (thơ Xuân Diệu).

Sáng hôm nay, trong tiết trời sang thu còn phảng phất hơi hướng mùa dịch dai dẳng kéo dài ngót sáu tháng qua khiến các trường học trong thành phố vẫn chưa bắt đầu ngày khai trường cho năm học mới. Tôi chợt thèm trong nuối tiếc âm thanh rộn ràng vọng lên từ quang cảnh nhộn nhịp trên khắp đường phố chẳng khác chi ngày hội của những năm nào: “Hôm nay, ngày khai trường/ Ngoài phố đông như hội/ Rộn rã trên vệ đường/ Tiếng guốc giày inh ỏi” (Nguyễn Văn Hai). Trong khoảnh khắc, tôi cảm thấy bồi hồi như được sống lại những giờ khắc thần tiên của những ngày thơ ấu. Kìa! Vui sao những em học trò mẫu giáo nhỏ bé thơ ngây, xúng xính trong bộ quần áo mới, sặc sỡ tung tăng bên phụ huynh trong ngày vui đến trường. Vẻ mặt ngây thơ, các bé mang chiếc cặp xinh xắn chứa sách vở nặng trĩu trên lưng, tung tăng chạy nhảy bên cạnh cha mẹ. Miệng các bé không ngớt vòi vĩnh mẹ cha mua quà trước cửa hàng dã chiến bày bán đồ chơi, bánh kẹo bên lề phố đối diện cổng trường.

Trong không gian ngày ấy, đám học trò nhỏ bậc tiểu học lưng mang chiếc cặp đựng sách vở dày cộm, hoặc lớp ở trung học lớn với quần áo giày dép đàng hoàng, ra vẻ đầm thắm hơn. Anh này đang yên lặng trầm tư như một triết gia qua cặp kính cận ra vẻ băn khoăn nghĩ ngợi về năm học sắp tới với chương trình thay đổi hay về thầy cô và bạn mới với bao nỗi bộn bề. Chị kia hăm hở tranh thủ ăn vội khúc bánh mì bình dân bên lề đường trước khi vào lớp cho vững bụng trong suốt buổi học ở trường. Không như ngày xưa trong thời chiến tranh khói lửa, đất nước nay đã hòa bình thịnh vượng, cha mẹ học sinh ăn mặc lịch sự, thể hiện sự sung túc trong việc đưa con đến trường học bằng xe máy hạng sang hoặc ô tô bóng lộn đắt tiền. Xe cộ các loại đậu san sát choáng gần hết cả lối đi tại những con đường trước cổng trường. Nỗi bận rộn của giới trẻ về việc đèn sách và mối quan tâm chính đáng của phụ huynh hằng năm vào mỗi độ thu về minh chứng rõ nét chân lý: “Sự học là con đường duy nhất để lập thân”.

Có một điều mà bất cứ ai cũng phải công nhận là trong xã hội văn minh hay đang phát triển, từ một vĩ nhân, nhà bác học cho đến kẻ phàm nhân vô danh, không một ai là không từng mài đũng quần ít nhiều thời gian trên ghế nhà trường. Bởi lẽ, trường học đích thực là nơi luyện chữ để rèn người. Có văn hóa, con người dễ hướng thiện, bởi vì thầy giáo và sách vở trong nhà trường đều nhằm mục đích cao đẹp là hoàn thiện con người về nhân cách, lễ nghĩa. Văn hóa giáo dục luôn hướng nhân loại lên đỉnh cao nhân văn đạo lý. Thánh hiền xưa thường nhắc nhở hậu thế: “Nhân sinh bất học, minh minh như dạ hành” (Người không học thì mù mịt như kẻ đi đêm) hoặc “Ngọc bất trác, bất thành khí/ Nhân bất học, bất tri lý” (Ngọc không mài giũa thì không thành ngọc quý/ Con người không học thì không am tường nghĩa nhân đạo lý). Ông bà ta ngày trước cũng thường dạy con cháu “Học thì như gấm thêu hoa/ Có văn có lễ mới ra con người” (Ca dao).

Nhưng chao ôi! Không giống bao năm trước, mùa hè năm nay oái oăm lại trớ trêu đến muộn sau mùa dịch ác nghiệt khiến cho sắc phượng sân trường mang ý nghĩa học trò đã phôi pha vẻ hồng thắm trong không gian vắng vẻ quạnh hiu nơi cửa Khổng sân Trình.

Suốt thời gian dài hơn thập niên qua, hằng năm ra giêng vào khoảng cuối xuân, như một thông lệ, vào thượng tuần tháng ba, các em sinh viên Đại học Cần Thơ đã lục tục cùng nhau đến đăng ký tại các trung tâm ngoại ngữ để vào giữa tháng năm được thực tập. Nghiệt ngã thay! Năm nay, không khí u ám mùa đại dịch ác ôn đã phủ xám lên không gian trường học ngay từ sau những ngày Tết Nguyên Đán. Vậy mà các em sinh viên vẫn thể hiện một tinh thần hiếu học đáng quý. Được các thầy cô ở Đại học hoặc các bậc đàn chị học trước một năm quan tâm giới thiệu, anh em sinh viên sắp ra trương, háo hức tìm đến những địa điểm quen thuộc để giữ sẵn trước một chỗ thực tập ngành nghề chuyên môn mình đã chọn từ năm thứ nhất mới vào Đại học. Biết được điều này, sau ngày Thơ Vệt Nam (dù năm nay Hội Nhà văn Việt Nam và các địa phương không tổ chức vì tình hình dịch bệnh), trung tâm tôi vẫn hăm hở cho sửa sang và sơn quét lại phòng ốc sáng sủa để đón những “đại học sinh” – tiếng Hoa chỉ sinh viên – đến từ Đại học đến thực tập như mọi năm.

Không khí thực tập năm nay thật khác lạ hơn những năm trước đây. Các em sinh viên ngoại ngữ đến đăng ký thực tập tại trường Đăng Khoa – có nghĩa là thi đỗ hay tốt nghiệp đại học – khoảng trên 12 em đủ làm một tổ đều đặn trong gần một thập niên qua. Sang năm 2020, ngay từ những tháng sắp sang hè từ đầu mùa dịch, dù biết ra đường là nguy hiểm, tội nghiệp các em vẫn háo hức đến xin ghi danh để được thực tập chính thức với số lượng không ngờ đã vượt trội đến con số gần 70 em, tức là 6 tổ. Giáo trình thực tập không đáng ngại vì giảng viên hướng dẫn đã quen nghiệp vụ chuyên khoa và đã đánh giá tốt toàn bộ sinh viên về học tập và ý thức học tập trong nhiều năm qua. Dựa vào số lượng danh sách sinh viên đăng ký, lập tức tôi, ở tư cách giảng viên trực tiếp hướng dẫn đã phân tổ và thiết lập ngay một thời khóa biểu thích hợp đồng thời báo cáo cho khoa Ngoại ngữ trường và sinh viên an tâm. Vì sĩ số quá sung túc, các em mỗi tổ đều phải học buổi sáng lẫn chiều để đỡ bị động với thời gian và bớt vất vả lui tới trung tâm trong giai đoạn thực tập đang ở vào mùa mưa lại thêm nạn đại dịch ác ôn bỗng nhiên tự trên trời rớt xuống!

Cuối buổi sáng một ngày nắng đẹp không mưa, tôi từ trường học mới vừa về đến nhà
nhìn thấy đứa con trai đầu lòng mới lên bốn tuổi, còn đang học lớp mầm tại trường mẫu giáo Sơn Ca gần nhà:

– Tâm, con trai của ba đang lúi húi làm gì đó ?

– Dạ thưa ba, con làm thịt con heo đất, góp tiền cho cô con mua khẩu trang y tế tặng cho các bạn con trong trường.

– Ngoại đâu rồi con. Tôi nhìn vô góc nhà nơi mẹ vợ thương nằm trên chiếc ghế nệm hỏi con.

– Thưa ba, ngoại vừa đi rút tiền tiết kiệm để giúp bà con vùng dịch.

Đứa con tôi trán rịn mồ hôi, mình trần trụi, mắt chăm chú nhìn, bàn tay nhỏ xinh xắn đang cầm con heo đất nện cạch cạch xuống nền gạch tàu tại hàng ba trước nhà. Tôi bất chợt cảm thấy thương con nhiều hơn trước sự cảm thông nhạy bén của tuổi thơ trước tình hình đại dịch các nơi chưa hạ nhiệt. Nhanh nhẹn dẫn xe máy cà tàng vào nhà, tôi vào nhà sau chuẩn bị nấu buổi cơm sáng cho gia đình. Hôm nay, vợ tôi phải về muộn vì bận rộn hướng dẫn thêm tiếp giáo viên công nghệ thông tin cho đám học trò các lớp trên cách học online. Rồi sau đó, chị phải đi phát khẩu trang cho học trò ở vùng ngoại ô chiều mãi đến tối mới về nhà. Vừa nghĩ đến vợ con, tôi bất chợt lại thông cảm nghĩ đến Tâm, BS. Quân y em vợ tôi cùng những anh chiến sĩ bạn trong thành phố đã tình nguyện tăng cường thêm quân số, lên sân bay Cần Thơ đón hành khách từ vùng dịch các nước hải ngoại mới về. Họ lại phải đưa hành khách xuống trại cách ly tại Bạc Liêu và ở luôn tại đó hai tuần mới về nhà trong tình trạng không bị lây nhiễm Covid-19.

Đoàn sinh viên thực tập tại trung tâm Đăng Khoa chấp hành nghiêm túc theo khuyến cáo của chính quyền về phòng chống dịch bệnh. Từ buổi sinh hoạt đầu tiên trước ngày thực tập, các buổi họp mặt thầy trò ở quán nước gần trường, trong buổi liên hoan kết thúc đợt thực tập và suốt thời gian học tập ở trung tâm với giảng viên hướng dẫn.Tất cả sinh viên và giáo viên đều nhất loạt 100%, phải mang khẩu trang y tế (medical mask), cài bluezone ở điện thoại thông minh để yên tâm cho Khoa và Trung tâm cụ thể trước tiên là ở thầy trò. Tôi thương các em vô hạn! Trong phòng học thực tập bưng bít, giữa mùa oi bức khó chịu, ngồi cách xa nhau 2 mét, nhiều em mắt có độ phải mang kính, còn mắc thêm khẩu trang trong khi phải vắt óc, mất năng lượng cho việc học tập.

Khác với những buổi sáng tương đối thời tiết thường mát mẻ, trời không mưa, có những buổi chiều mưa gió sụt sùi, đường phố ở Tây Đô ngập lụt thành biển nước, các em vẫn chịu khó đội mưa nắng đến trường thực tập. Em nhà ở tận quê miền quê biển Kiên Giang, em ở tận Trà Vinh xa xôi phải về nhà giúp ba mẹ vào cuối tuần Tôi thương tất cả thành viên trong lớp thực tập. Ngồi thu mình trước chiếc laptop, trông từng khuôn mặt em gái xanh xao lo lắng cho việc sách đèn, với đôi mắt tập trung moi từng con chữ nhỏ bé trên màn hình bé tý của chiếc điện thoại thông minh như một vật bất ly thân nằm trong lòng bàn tay mảnh khảnh.

Tôi thầm nghĩ: “Trắng da vì bởi phấn giồi/Xanh da vì bởi em ngồi học đêm/ Nghiêng nghiêng tóc liễu buông rèm/ Lượn trên bàn phiếm, ngón tiên dặt dìu”. Lấy nghĩa từ câu nói: “Đời là một vũng bùn, ta cố ngoi lên chỗ cao” (Le monde est un bourbier, tâchons de nous rester sur les hauteurs) trước những gian khó trong học tập c nả những nhiêu khê ở đường đời, tôi thường liên hệ cho các em những bài học quý giá từ chân lý trong văn học: “Nếu phải đường đời bằng phẳng hết/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Phan Châu Trinh) hay “Chiến thắng không nguy hiểm là chiến thắng không vẻ vang” (À vaincre sans périls, on triomphe sans gloire – Corneille) để các em làm phép thử đầu đời ở phòng học trước khi bước chân ra trường đời.

Sáu tuần lễ thực tập gian nan như một phép thử trong mùa dịch về ý chí và nghị lực cho tuổi trẻ, 68 sinh viên trong đoàn đã đạt kết quả xuất sắc về cả hai mặt học tập và đạo đức với số điểm cao nhất ở mỗi em.

Trong bầu không khí trong lành quang đảng sáng nay, buổi liên hoan vui vẻ tại quán Cà phê Hồng Phương tại khu La Tin ở trung tâm thành phố, kết thúc tốt đẹp một quãng đường mài bút của sinh viên. Với khuôn mặt rạng rỡ mang ý nghĩa những vòng hoa nguyệt quế và sự tin yêu hài lòng của thầy hướng dẫn thực tập, các em sinh viên Ngoại ngữ trường Đại học Cần Thơ về với gia đình nghỉ hè muộn một thời gian ngắn trước khi trở lại mái ấm Đại học yêu thương vào mùa khai trường năm học mới.

N.T