Tuyên ngôn độc lập – “Một áng Thiên cổ hùng văn”

500

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong suốt quá trình dân tộc đấu tranh đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương, những trang lịch sử Việt Nam vàng son còn lưu lại nhiều áng văn nổi tiếng mang tính cách chính luận hùng hồn, đanh thép. Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…, và gần đây là Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá là một áng “thiên cổ hùng văn” tuyệt bút.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

           Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập vào sáng ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình – Hà Nội, mở ra một trang sử mới chói lọi cho dân tộc ta – kỷ nguyên độc lập tự do, dân chủ, nhân dân Việt Nam, bắt đầu tự làm chủ và quyết định vận mệnh đất nước mình.

Vững vàng, sâu sắc ngay trong phần lý luận mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã mạnh dạn bác bỏ đi luận điệu của thực dân, bằng cách dùng lý lẽ của kẻ thù, theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Bác Hồ sử dụng hai bản tuyên ngôn nổi tiếng ở thế kỷ thứ 18 của nước Mỹ (1776) và của cách mạng Pháp (1791). Nội dung cơ bản là “mọi người sinh ra có quyền bình đẳng”, “quyền được sống”, “quyền tự do” và “mưu cầu hạnh phúc”. Từ đó, Bác Hồ nhấn mạnh “Đó là lẽ phải, không ai chối cãi được” như khẳng định một chân lý muôn đời. Cách lập luận của tác giả bản tuyên ngôn vô cùng khéo léo và rất cương quyết. Bởi lẽ, ai cũng trân trọng tư tưởng tiến bộ của người Mỹ, người Pháp nói riêng và của nhân loại nói chung. Do vậy, hôm nay mọi dân tộc trên thế giới phải tôn trọng chủ quyền, độc lập của Việt Nam

Đồng thời, Bác cũng nhắc cho họ biết: nếu xâm lược Việt Nam thì họ phản bội lại lý tưởng của tổ tiên mình, làm vây bẩn màu cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng cao đẹp của các quốc gia trên khắp năm châu trong đó có nước Mỹ và nước Pháp. Ý thức sáng tạo trí tuệ đặc biệt của bản Tuyên ngôn độc lập là Bác không dựa vào quyền lực của tự nhiên để khẳng định quyền sống của con người mà Bác lại đặt quyền lợi, chủ quyền của mỗi dân tộc trên thế giới để khẳng định quyền lợi của dân tộc đó. “Tất cả dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và tự do”.

1

Trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam lúc bấy giờ, việc hình thành và phát triển lập luận như vậy là một hành động cách mạng táo bạo mà đanh thép, tài tình giàu tính pháp lý trong một bản văn chính luận. Cùng lúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nâng cao lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam bằng cách đặt ngang hàng thực chất và giá trị ba cuộc cách mạng, ba nền độc lập dân tộc, ba bản tuyên ngôn của Việt Nam, Mỹ và Pháp ngang hàng nhau. Từ đó, Bác ngụ ý muốn nói lên quyền sống, sự bình đẳng, sức mạnh và sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam cũng ngang tầm cao với thực dân, đế quốc và cả thế giới.

Nhìn tổng thể, với cách bố cục và lập luận chặt chẽ, lời lẽ đanh thép, mạnh mẽ, luận cứ xác đáng, tư tưởng trí tuệ, Hồ Chủ tịch đã khẳng định chủ quyền của mỗi dân tộc, chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho bản Tuyên ngôn độc lập, một áng thiên cổ hùng văn của nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới.

19. 10. 2022

   N.T