Tuyết máu – Truyện ngắn Vũ Tuấn Hoàng

751

(Vanchuongphuongnam.vn) – Anh ngồi trên ghế đá lạnh buốt mà chẳng khác nào ngồi trên đống than hồng, cứ nhấp nha nhấp nhỏm, đứng lên ngồi xuống không yên. Có những lúc, anh đã đứng dậy định chạy thục mạng lên cầu thang và gào lên: “Dừng tay lại, tôi van các người, hãy dừng tay lại!”.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

–        Ông không nhận ra tôi sao?

–        Bà là… dạ, có lẽ bà nhầm tôi với ai đó…

–        Ông quên rồi sao?  Mùa đông băng tuyết năm ấy… trong phòng chờ tại sân bay  Sheremechevo ở Moscow… ông nhớ lại đi… ông đã cứu tôi, ông đã cứu một cô gái mới mười bảy tuổi là tôi lúc đó đã định tự tử…

–        Quả thật…  bà nhầm… tôi chưa bao giờ…

–        Tôi vẫn nhớ rõ khuôn mặt ông, vẫn nhớ rõ cái nốt ruồi bên dưới cánh mũi phải và thân hình cao dong dỏng… mặc dù ngần ấy thời gian đã trôi qua. Ông lúc đó chỉ quá cảnh ở Moscow để bay tới một nước cộng hòa nào đó, hình như Ukraine thì phải…ông cố nhớ lại đi!

–        Xin lỗi bà, đã đến giờ tôi phải lên phát biểu… tôi cam đoan là bà nhầm. Ở đời, thiếu gì người có nét mặt hao hao giống nhau…

Mấy câu đối thoại thật lạc lỏng bị chìm nghỉm đi giữa một không gian chật ních các vị khách quần áo sang trọng, ăn to nói lớn, giữa những câu chuyện còn sang trọng hơn về thị trường chứng khoán, về nhà băng, các phi vụ làm ăn xuyên quốc gia của các doanh nhân Việt thành đạt từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Người phụ nữ đứng ngớ ra, bàn tay cầm ly rượu vang màu đỏ của bà cứ run lên, sánh cả ra ngoài. Bà vội né người tránh sang một bên để nhường lối cho người đàn ông cao gầy, lưng hơi gù  và  tóc bạc trắng như cước, sải những bước dài đầy tự tin về phía diễn đàn chói sáng ánh đèn. Ông dõng dạc trình bày một dự án chuỗi khách sạn dọc bờ biển Việt nam. Những tiếng vỗ tay nổi lên. Rồi, một quan chức cao cấp của chính phủ phát biểu. Những chớp nháy đèn loang loáng của giới báo trí truyền thông vây xung quanh bục phát biểu. Người ta ca hát, cả một dàn nhạc được tấu lên những giai điệu trầm bổng… Nhưng bà đâu có nghe thấy gì và cũng chẳng nhìn thấy gì. Nước mắt đã làm mọi cái nhòa đi. Những cử động của cả dàn nhạc cũng như ông nhạc trưởng đầu hói bóng, hai tay vung vẩy chẳng khác gì  cảnh câm. Bà cố gắng rẽ đám đông để tìm một chỗ ngồi. Cuối cùng, bà cũng tìm ra một chiếc ghế trống, khuất ngay sau các bức tranh áp phích giới thiệu về dự án chuỗi khách sạn của người đàn ông tóc bạc trắng. Bà ngồi xuống, cố thu mình lại và lập cập đưa cốc rượu vang vẫn còn đầy lên môi nhấp một ngụm, nhưng chắc là chẳng cảm thấy mùi vị gì. Mọi giác quan hình như bị cái dòng chảy hồi ức đang sôi sục bên trong trào dâng lên thành từng đợt, lấn lướt, nhấn chìm…

…Lúc mở mắt ra, cô thấy trước mắt mình bóng hình một  khuôn mặt đàn ông xa lạ, lòe nhòe, nhập nhoạng. Và, xung quanh có nhiều tiếng nói lao xao, những âm thanh khó hiểu của tiếng Nga, của cả phụ nữ  lẫn đàn ông. Mùi cồn sát trùng bệnh viện xộc vào mũi.

–        Tỉnh lại đi em! Một câu nói tiếng Việt chợt vang lên khiến cô cảm thấy phấn chấn, yên tâm hẳn trong lòng.

“Nhưng mình đang ở đâu nhỉ? chuyện gì đã xảy ra?” – Cô ngỡ ngàng tự hỏi và đưa ánh mắt thẫn thờ nhìn ra xung quanh.  Người thanh niên Việt Nam kia là ai? Tại sao anh ta lại đứng  đây? Tại sao mình lại nằm trong căn phòng trắng toát này?

–        Em thấy đỡ chưa? Người thanh niên ghé sát mặt lại gần và khẽ hỏi bằng một giọng nhỏ nhẹ – Em thật dại dột… chỉ chậm chút nữa thì…

Cô chợt hiểu ra tất cả và ôm mặt khóc nấc lên đầy tuyệt vọng:

–        Trời ơi, anh… cứu em làm gì? Cô đập mạnh hai tay xuống giường khiến mấy người Nga đứng đó tròn mắt lên vì kinh ngạc – Em có cầu xin anh giúp đâu? Anh có biết, nếu em có sống trở về làng thì người nhà, hàng xóm cũng chẳng để cho yên thân. Họ cũng sẽ làm cho em khốn khổ khốn nạn. Một đứa con gái… chửa hoang… chỉ cần nghĩ đến là người em đã sởn hết gai ốc…

–        Em cứ bình tĩnh lại đi, dù em có thế nào thì cha mẹ em cũng không hắt hủi đâu. Hơn nữa, trong người em lại đang có một mầm sống mới, em không biết chứ …– Người thanh niên hơi dừng lại đăm chiêu –  Đó là niềm mơ ước của rất nhiều người đấy, trong đó có anh…

–         Anh làm sao biết được bố mẹ em, họ chỉ sống vì danh dự, họ sẵn sàng từ em… chỉ để giữ danh dự và thể diện với hàng xóm, họ mạc…

–        Thôi được rồi, chuyện đó sau sẽ hay, còn  30  phút  nữa thôi là tới giờ đăng ký chuyến bay của em về Hà Nội. Em cứ ngồi trong phòng cấp cứu này, chắc họ sẽ giúp em vào máy bay mà không phải xếp hàng chờ đợi.

Đúng lúc đó, người đàn ông mặc áo choàng trắng đeo kính gọng vàng, ngồi sau chiếc bàn trong góc phòng, ngước mắt lên khỏi trang báo đang cầm trên tay, nói:

–        Cô ấy phải trả tiền điều trị thì mới được xuất cảnh – Ông ta còn nhấn mạnh bằng mấy từ tiếng Anh –  Money, money! Rồi, xòe các ngón tay chuối mắn múp míp ra để biểu thị số lượng tiền phải trả.

–        Anh thấy hậu quả việc làm phúc của mình chưa? Anh cứ để cho em chết có phải hơn không? Em không còn đông xu nào cả, trên người em cũng chỉ có độc một bộ quần áo và túi bánh kẹo mà mấy chị em sống cùng phòng góp lại.

–         Thôi được… đã vậy thì em hãy nghe đây – Anh nhìn thẳng vào mắt cô – Anh sẽ trả cho em số tiền viện phí này? Anh và em không họ hàng thân thích, thậm chí trước đây một tiếng  đồng hồ, còn chưa hề biết đến nhau, nhưng anh sẵn sàng bỏ tiền ra trả viện phí cho em vì chúng ta là đồng hương. Anh không nỡ bỏ mặc em ở đây một thân một mình, nhưng… – Nói đến đây, anh thanh niên rút tiền cất trong túi áo ngực ra và đặt mấy tờ rúp nhàu nát lên bàn, trước mặt người đàn ông đầu hói. Ông bỏ tiền vào túi và lững thững bước ra khỏi phòng cùng với hai nhân viên khác. Ánh mắt lộ rõ vẻ coi thường, khinh bỉ khi  nhìn lướt qua hai người Việt ăn mặc tồi tàn, gầy ốm xanh xao.

Cánh cửa đóng sập mạnh sau lưng ông ta.

Chỉ còn lại hai người, một nằm trên chiếc giường đang vật vã thổn thức, một ngồi bất động trên ghế cạnh đó, nhưng  cùng thở chung một bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng như trong một phiên tòa trước giờ tuyên án. Mãi một lúc lâu sau, nhân lúc tiếng nức nở tạm lắng xuống, anh thanh niên mới khẽ cất giọng run run:

–        Chỉ còn hai nhăm phút nữa, anh và em sẽ chia tay nhau… mãi mãi. Anh không hề biết tên em và em cũng không hỏi tên anh. Như vậy, có lẽ tốt hơn. Nhưng có một điều anh muốn khuyên em, đừng bao giờ làm điều dại dột như vừa nãy – Dừng lại một lát để hít một hơi thật sâu, rồi anh hạ giọng nói tiếp:  Chẳng giấu gì em, anh làm mọi việc vừa rồi… cũng chỉ vì… muốn chuộc lại một tội lỗi mà vì nó anh phải  bỏ đi khỏi thành phố Vladivostok. – Người thanh niên đứng bật dậy khỏi ghế. Hình như, trong người anh có một cái gì đó bứt rứt, bồn chồn không yên  khiến chân anh phải sải những bước dài, vội vã, trong căn phòng bé nhỏ, từ bức tường này sang bức tường đối diện và ngược lại – Cứu em, anh chỉ muốn lương tâm mình giảm đi một gánh nặng khi bắt đầu một chặng đường mới còn chưa biết cái gì sẽ chờ đón ở phía trước. Anh vừa ra khỏi tù cách đây không lâu. Tóc còn chưa mọc, gầy đói xanh xao. Hai vợ chồng anh lấy nhau đã hơn 7 năm mà vẫn chưa có con. Anh biết mình là nguyên nhân. Hồi còn nhỏ, trong thời gian chiến tranh sơ tán, anh bị quai bị, nhưng vẫn giấu vợ vì sợ đổ vỡ, vì cô ấy giữ tay hòm chìa khóa tất cả tiền của hai người buôn bán gom góp dành dụm bao năm sống ở Liên Xô. Thế mà chỉ sau khi anh ra tù hai tháng, vợ đã tuyên bố có bầu.  Anh lặng người đi, nhưng bên ngoài vẫn phải tỏ ra vui mừng. Bốn năm trời một thân một mình trên đất nước Nga đầy biến động thật không dễ chút nào đối với người phụ nữ có nhan sắc, lại bị bao lời dèm pha dị nghị về chuyện không có con của bạn bè đồng hương cũng như họ hàng trong nước. Và cũng bốn năm đó, nhà tù đã biến anh thành một con người khác, đầy thù hận và mất hẳn niềm tin vào con người, ghê tởm con người. Bởi vì họ đã mang lại cho anh quá nhiều khổ đau, kể cả những người thân yêu nhất. Cha mẹ coi anh như một đứa con bỏ đi, một vết nhơ vô vọng. Thế rồi, cái ngày định mệnh ấy đã tới. Vợ yêu cầu đưa đi bệnh viện khám thai. Đối với bất kỳ người đàn ông nào khác, đây là một niềm hạnh phúc và hãnh diện. Nhưng đối với anh, cái hành lang bệnh viện dài hun hút, hai bên là những cặp vợ chồng đứng âu yếm cạnh nhau chờ đến lượt vào khám, chẳng khác gì đoạn đường mà anh bị hai nhân viên cảnh sát Nga to cao lực lưỡng còng tay áp giải dẫn vào phòng giam. Chính trong những giây phút khủng hoảng  đó, trong đầu anh bỗng lóe lên một ý nghĩ trả thù, tuy nó còn mù mờ chưa rõ hình thù cụ thể, nhưng đã nặng trĩu chẳng khác gì một đám mây đen kịt trước một cơn dông lớn. Chính lúc này đây anh mới cảm nhận được chân lý: “khoảng cách từ tình yêu đến lòng căm thù, chỉ một bước chân, không hơn”. Cái vẻ bình thản, thậm chí còn khinh khỉnh của cô ấy lại càng làm cho anh điên tiết và rắp tâm thực hiện ý đồ của mình. Lúc khám xong, xuống tầng một chỗ gửi áo khoác ngoài của  bệnh viện, anh chạm trán với một gã bạn tù ở cùng trại, một bác sĩ phẫu thuật người gốc Kavkaz. Ông ta được tha trước anh, nhưng không được tiếp tục cầm dao mổ mà làm chân lao công tạp dịch trong bệnh viện. Ông ấy đưa địa chỉ và mời anh đến nhà chơi uống rượu. Anh cũng ậm à ậm ừ đồng ý cho qua chuyện vì biết ông này bị lĩnh án do liên quan tới một đường dây buôn bán nội tạng sang Trung Quốc. Nhưng sau đó một tuần, hai vợ chồng anh xích mích cãi nhau về chuyện tiền nong. Anh đòi hỏi gì đâu, chỉ muốn mua một đôi giày đông cho tử tế, đôi cũ đã mòn đế và rách đường chỉ khâu. Mà cái lạnh ở vùng Viễn Đông em biết rồi đấy.

–        Mua mới làm gì cho phí tiền, mang ra hiệu sửa chữa giày cũ khâu lại! Vợ anh gào lên

–         Cô thử nhìn lại tủ quần áo của cô có bao nhiêu cái, tủ đựng giày có bao nhiêu đôi, chắc cô cũng không biết, hết mốt này đến kiểu kia!

Anh bực mình khoác áo bỏ ra ngoài phố, trước khi đóng cửa lại còn nghe thấy tiếng chì chiết đuổi theo “đồ ăn bám, đến giấy tờ tùy thân còn không có, lại đòi hỏi”.

Đi lang thang ngoài đường một lúc, người lạnh cóng run lẩy bẩy, anh vội tạt vào một quán cà phê rẻ tiền của người Uzbek. Thọc tay vào túi tìm tiền, móc mãi mới đủ một cốc trà và cái bánh rán nhân bắp cải đã nguội ngắt. Nhưng trong đống tiền lẻ có lẫn mảnh giấy ghi địa chỉ của gã bác sĩ cùng trại giam mà anh đã quên bẵng đi từ lâu. Thế là suốt đêm hôm đó, anh và gã hết bia lại rượu vodka đến tận mờ sáng. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, trong cơn ma men anh đã trút hết bầu tâm sự với gã, cả chuyện mình bị vô sinh nhưng vợ lại có bầu. Thế rồi, cái âm mưu ấy đã phôi thai bởi hai gã đàn ông bị xã hội và gia đình gạt sang một bên. Gần sáng hôm sau, anh trở về nhà bằng bốn chân và tất nhiên, giống như số phận của các loài bốn chân khác, từ hôm đó là ngủ ở ngoài bếp. Quả thật, anh cũng không ngờ mình có thể lạnh lùng và  tàn nhẫn đến như thế khi nhìn thẳng vào mắt vợ và nói một cách trìu mến: “Em nên đi khám thai, đây là chỗ bác sĩ quen”.

Anh ngồi ở ghế đá bên ngoài chờ đợi. Tuyết rơi thành từng chùm, hối hả xuyên qua các cành thông khô cong queo, chọc lởm chởm lên bầu trời xám xịt của vùng Viễn Đông. Một cặp sóc bông màu vàng đang chuyền cành, rồi đuổi nhau trên mặt đất, để lại phía sau những vệt tuyết nhỏ lờ mờ. Chắc chúng cũng là một cặp vợ chồng, nhưng hạnh phúc. Anh ngồi trên ghế đá lạnh buốt mà chẳng khác nào ngồi trên đống than hồng, cứ nhấp nha nhấp nhỏm, đứng lên ngồi xuống không yên. Có những lúc, anh đã đứng dậy định chạy thục mạng lên cầu thang và gào lên: “Dừng tay lại, tôi van các người, hãy dừng tay lại!”. Nhưng không hiểu sao, hai chân cứ như bị chôn chặt xuống lớp băng tuyết đông cứng. Và ánh mắt cũng vậy, cứ cắm xuống đất, như thể mọi câu trả lời và hậu quả của hành động điên rồ này có thể tìm được ở đâu đó trên cái nền đất lạnh giá và vô cảm kia. Sự việc chỉ diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ. Trời lạnh âm mười tám độ mà lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi. Khi tấm mành trắng che khung cửa sổ trên tầng ba khẽ lay động và khuôn mặt của tay bác sĩ xuất hiện, anh cảm thấy chòng chành xuýt ngất xỉu, phải vịn tay vào lưng ghế. Ông ta dùng ngón trỏ và ngón cái làm thành một ký hiệu OK, rồi biến mất khỏi khung cửa.

Trong phòng toa lét hôi hám, bị vỡ cửa kính, dưới tầng một của bệnh viện phụ sản, gió lùa lạnh thấu xương. Anh run rẩy lập cập đếm đi đếm lại từng tờ rúp dính bết vào nhau do gã bạn tù giúi cho.

–        Em vẫn chưa hiểu, anh phải trả tiền bác sĩ chứ? Cô gái  nhỏm người ngồi dậy trên giường, tay vẫn giữ mép chăn, hỏi chen vào một câu, giọng vẫn chưa thôi thổn thức.

–        Bà bác sĩ phụ khoa đã ăn tiền đút lót, đưa cho vợ anh kết quả xét nghiệm giả: cần phẫu thuật một khối u lành để đảm bảo an toàn cho quá trình mang thai

–        Ừ thì sao?

–         Khi lên bàn mổ, tiêm thuốc mê rồi, thì họ muốn mổ gì cắt gì có trời mà biết!

–        Vậy, họ đã làm gì?

–        Em thật quá chậm hiểu. Những đồng tiền anh vừa trả viện phí cho em là một phần tiền anh đã bán… một quả thận của vợ anh.

–        Trời ơi, thật vậy sao? Em… chóng mặt quá, anh lấy cho em cốc nước với!

–        Em thấy đấy, mới mất đi một bộ phận trên cơ thể mà anh đã cảm thấy ân hận, lương tâm day dứt, thế mà em còn định kết liễu cả một con người thì thử hỏi cha mẹ em ở nhà sẽ đau lòng đến mức nào…

Đúng lúc đó, cánh cửa bật mở. Ông bác sĩ đầu hói bước vào, quẳng ra một câu: “ra máy bay! ”.

Tiếng vỗ tay rào rào khiến bà chợt bừng tỉnh, trở lại thực tại. Như người đang lặn sâu dưới đáy nước, bây giờ mới trồi lên để lấy không khí. Bà hít một hơi thật sâu để giữ bình tĩnh và loạng choạng đứng dậy khỏi ghế. Ánh mắt bà bao quát toàn bộ căn  phòng họp rộng và choáng ngợp ánh đèn. Bà đưa mắt về phía diễn đàn để tìm người đàn ông vừa phát biểu nhưng chỉ kịp nhìn thấy mái đầu bạc trắng của ông ấy và tấm lưng gù gù thấp thoáng, hấp tấp đi nhanh về phía cửa ra vào.

Lúc ăn tiệc chiêu đãi, bà cố ý hỏi thăm, nhưng ban tổ chức nói rằng ông Dương bị mệt đã xin cáo lỗi không tham dự tiếp chương trình và rời khách sạn sớm hơn dự kiến.

Lọt qua khe cửa vừa hé mở, một tiếng còi xe từ ngoài đường rít lên thảng thốt, như một tiếng kêu cứu tuyệt vọng.

V.T.H

(Rút từ tập truyện Cây vĩ cầm nhiệt đới, NXB Hội nhà văn 2018)