Tuyết Sương & Có những nụ hôn như thế – Kỳ 1

576

26.8.2017-17:45

Nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Sương

 

Có những nụ hôn như thế

 

BÚT KÝ CỦA TUYẾT SƯƠNG

 

NVTPHCM- Cuối cùng đoàn nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi cũng nhìn thấy hàng chữ “MÃ ĐÀ MOTEL” to đùng giữa cổng. Phía dưới, bên phải có một băng-ron màu xanh với dòng chữ trắng “Chào mừng các nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh về dự trại sáng tác 50 năm Mậu Thân (14.8 – 21.8.2017”.

 

Xe chậm chậm tiến vào sân của khu nhà nghỉ. Đó là một khoảng sân rộng rãi dưới những táng cây lá xum xuê, mát rượi. “Tới nơi rồi! Các anh chị ơi”! Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng trại sáng tác kêu lên với niềm sung sướng sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi gò bó trên xe. Tôi cảm thấy niềm vui sướng ấy cũng hiện rõ trên khuôn mặt nhà văn Tố Hoài, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nhà thơ Phạm Đình Phú, nhà văn Triệu Xuân, nhà văn Nguyễn Mạnh Hồng và mọi người khi ánh mắt tôi lướt qua…

 

Nhận phòng, cơm nước xong chúng tôi tập trung lại Hội trường. Sau các thủ tục “ngoại giao” như chào hỏi, giới thiệu từng người… Qua đó tôi biết hai cán bộ của Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai ngồi đối diện với nhà thơ Lam Giang, nghệ sĩ diễn ngâm – nhà thơ Vân Khanh, nhà văn An Bình Minh, nhà văn Đặng Hồng Quang là, Tiến sĩ Trần Văn Mùi, giám đốc và cử nhân kinh tế lâm nghiệp Nguyễn Minh Tâm, phó giám đốc. Ông Mùi giới thiệu cho đoàn toàn bộ khu bảo tồn Đồng Nai qua một số hình ảnh minh họa cụ thể trên màng hình bảng điện tử. Ngay sau đó đoàn nhà văn đi tham quan Hồ Trị An.

 

Được nghe nhiều, thấy nhiều qua hình ảnh, báo chí, ti vi… nay được ngồi lên thuyền lênh đênh trên mặt hồ khiến tôi thật sự sững sốt về độ mênh mông, trong xanh của nó. Tôi càng choáng nghợp hơn, khi phía sau tôi có một giọng nói ấm áp nhưng mạnh mẽ pha chút hãnh diện “Chị nhìn kìa! Hai vẹt xám đậm đó! Là hai hòn đảo nhô lên giữa lòng hồ. Đẹp lắm chị ơi! Lát nữa chị sẽ thấy rõ hơn!” Có lẽ mãi mê ngắm cảnh nên tôi không thấy cậu phó giám đốc trẻ có nụ cười rất tươi và rất hiền mà tôi đã biết và làm quen lúc ở hội trường đứng bên cạnh. Theo hướng ngón tay trỏ của Nguyễn Minh Tâm, tôi dán mắt vào hai cái vẹt xám đậm ấy. Dần dần, theo cự li giữa thuyền và đảo, hai vẹt xám hiện rõ ra trước mắt tôi là hai ngọn núi xanh tươi nhô lên! Thật sự tôi không tìm thấy từ nào hơn là “choáng ngợp” để diễn tả cảm xúc của mình trước phong cảnh “sơn thủy hữu tình” nầy, giữa lòng Hồ Trị An.

 

Lúc này nhà đạo diễn, nhà nhiếp ảnh Lê Văn Duy rất bận rộn. Nào ngắm chọn phong cảnh. Nào sửa dáng đứng từng người sao cho có những tấm ảnh ưng ý. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và tôi cùng nhà văn Trần Thanh Hà, nhà văn Võ Thu Hương được anh ấy ưu ái nhất. Bởi chỉ có bốn nữ trong tổng số gần ba mươi nhà văn, nhà thơ của đoàn. Còn bởi chúng tôi là “phái đẹp”, sẽ làm… đẹp hơn tác phẩm của anh chăng. Chúng tôi được dùng bữa tối trên hồ. Được ngắm cảnh chiều tà, mặt trời in đáy nước, ánh nắng soi nghiêng chiếu những sợi tơ vàng óng xuống mặt hồ lăn tăn tạo nên những ánh bạc lóng lánh, phong cảnh trở nên vô cùng lãng mạn. Cảnh mặt trời từ từ lặn xuống phía chân trời xa xa, ráng đỏ còn vương tạo thành những sắc màu tuyệt đẹp! Đẹp đến nao lòng! Cùng nhà thơ Xuân Trường, nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa, nhà thơ Quảng Huệ, nhà văn Bùi Đức Ánh, nhà thơ Ngọc Thu… dựa vào mạn thuyền “rình” khoảnh khắc mặt trời lặn. Và tôi đã chụp được một tấm ảnh ưng ý gửi lên tin nhắn, lên facebook, ai ai củng “Like” và “Like”. Khi hoàng hôn buông rèm bao phủ mặt Hồ, đoàn chúng tôi mới lên bờ. Tạm biệt hồ Trị An.

               

Ngày hôm sau, chúng tôi được cậu hướng dẫn viên trẻ tuổi và đẹp trai nữa, tên Nam, đưa đến viếng đền thờ, miếu thờ và nghĩa trang liệt sĩ khu di tích Chiến Khu Đ. Những mấm mồ nằm rải rác dưới bóng những cây cổ thụ của cánh rừng gìa. Trông thật hoang sơ giữa đại ngàn hiêu quạnh. Không hoành tráng như một số nghĩa trang khác. Song tôi cảm giác ở đây có sự linh thiêng, huyền vi riêng của nó. Lúc tôi ngồi trước miếu thờ liệt sĩ ở gốc cây da, thấy  bên phải tôi là nhà văn Hoàng Đình Quang, bên trái về phía trước là nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, cô đưa ngón tay có con bướm nhỏ màu xám bạc đang đậu, nói nhỏ với tôi: “Em mới khấn các anh xong thì nó đậu…” Tôi thấy cô khẽ đuổi, con bướm bay lên rồi lại đậu xuống tay cô, đến mấy lần như vậy. Tôi thấy hơi nổi da gà. Còn hai viên vitamine C cam mua từ Hàn Quốc nhân chuyến du lịch vừa rồi, tôi mời nhà văn Hoàng Đình Quang một viên, tôi ngậm một viên như để giải tỏa…

 

Một con bướm khác đậu lên vai tôi, trong lúc giọng nói truyền cảm và lưu loát của cậu Nam cho chúng tôi biết nhiều sự tích oanh liệt của các đơn vị bộ đội và sự chiến đấu dũng cảm của các liệt sĩ ở Chiến Khu Đ thời chiến tranh vệ Quốc. Đặc biệt là có cả “nụ hôn rất nhân văn” nữa. Khiến ký ức gần năm mươi năm trước trong tôi ào ạt tràn về với một sự việc cũng có nụ hôn như thế. Sự việc này có trong “Cô y tá nhỏ” tác phẩm đầu tay của tôi, viết dưới dạng tiểu thuyết. Tôi bụng hỏi dạ “Có phải hương hồn anh Khang đang trên vai tôi”. Đó là thời gian tôi được cử ra các đơn vị lưc lượng vũ trang. Và được ở lại trực tiếp chăm sóc thương binh cùng hai đồng nghiệp ở đội phẫu thuật của các đơn vị lưc lượng chủ lực. Vì lực lượng cần chuyển địa bàn để tiếp tục chiến đấu, mà thương binh bị thương từ những trận đánh mấy hôm trước chưa được chuyển hết về phía sau. Họ cắt y sĩ Khang, y tá Hào và tôi ở lại, cùng bộ dụng cụ tiểu phẫu và ít thuốc men, bông gạc để sử dụng cho thương binh trong thời gian chờ dân công tải thương, sau đó mới về lại đơn vị của mình.

 

Cả tổ làm việc cật lực, mãi đến hơn mười giờ đêm, thương binh mới được chuyển đi hết. Ba anh em ăn vội vắt cơm nguội còn lại từ lúc sáng, rồi tranh thủ leo lên võng ngủ bù cho mấy ngày qua không chợp mắt, chờ trời sáng đi về đơn vị. Trong lúc đang ngon giấc, bỗng tôi nghe tiếng hô to:Địch! Có địch!” tôi lăn khỏi võng, quờ lấy súng, đồng thời nghe những phát đạn dày đặc về hướng có Khang và Hào nằm cách đó sáu bảy mét. tôi siết một băng cạc-bin vào lưới đạn đang khạc ra tua tủa. Anh Hào chưa kịp bắn viên nào đã bị trọng thương. Anh Khang bắn xong một loạt AK rồi vội kê vai cõng Hào chạy. Trời không một ánh sao, song tôi nhận biết anh Khang cõng anh Hào chạy theo hướng sườn đồi, qua con suối nhỏ nước ngập mắt cá chân. Tôi vừa chạy theo vừa nạp đạn bắn, yểm trợ cho anh Khang.

               

Khi nghe tiếng “Vi xi, Vi xi” chúng tôi biết đó là đơn vị lính Mỹ chứ không phải lính Ngụy. Chúng nói hàng tràng nhưng chúng tôi chỉ hiểu được có hai tiếng Vi xi (Việt Cộng). Có lẽ chúng đang hành quân và tình cờ phát hiện chỗ đóng quân của ta chứ không phải chủ động phục kích. Nếu nó chủ động phục kích thì chắc ba anh em chỉ có nằm im luôn trên võng. May mà thương binh đã được chuyễn hết ra khỏi trại.

               

Chúng truy kích theo, bắn pháo sáng để tìm kiếm ta. Biết ta chỉ có ba người nên chúng quyết bắt sống cho được, vì chỉ có ba cái võng, một võng bị mấy lỗ đạn để lại vết máu, ba bồng, ba túi cứu thương bởi anh Khang và tôi chỉ kịp vơ súng đạn thoát thân. Anh Khang cõng anh Hào chạy trước, tôi chạy theo sau. Qua ánh sáng của pháo dù Mỹ bắn, tôi thấy từ lưng của Hào máu phun ra từng hồi theo nhịp thở, tôi đoán, anh bị viên đạn xuyên qua phổi. Chân phải anh bị gãy nát, đầm đìa máu,lắc lư theo bước chân của Khang.

               

Phía sau đạn cứ bắn đuổi theo như vãi cát. Thỉnh thoảng tôi quăng trả lựu đạn, bắn một loạt rồi chạy tiếp. Súng các-pin hết đạn. Tôi dùng cây AK của anh Hào, bắn tiếp. Cứ mỗi lần tôi bắn, hoặc quăng lựu đạn thì tiếng lào xào hò hét của giặc chựng lại một lúc, rồi chúng lại đuổi tiếp, nhưng tiếng giặc xa dần.

Đoàn nhà văn TPHCM đi tham quan lòng hồ thuỷ điện Trị An ở Chiến khu Đ

Dâng hương nghĩa trang liệt sĩ khu di tích Chiến Khu Đ

 

Sợ phải cõng thế này sẽ không chạy thoát được, mặc dù Khang cõng Hào như cõng một đứa trẻ, bởi Khang cao to lực lưỡng, đang độ tuổi sung sức nhất, còn Hào người nhỏ nhắn, xương xương. Với giọng khó khăn, Hào nói:

               

– Bỏ tớ xuống! Các cậu chạy đi!

               

Khang thở hổn hển. Anh nói như đinh đóng cột:

               

– Không được! Chết cùng chết! Sống cùng sống!

               

– Máu ra nhiều quá, địch còn ở xa, hay để xuống em băng cho ảnh đỡ mất máu. Anh cũng cần nghỉ một lát.

 

Khang đặt Hào xuống gần gốc cây to để được chắn đạn. Tôi rút khăn rằn quấn cổ định băng cho Hào, nhưng anh đẩy ra, nói:

               

– Em để mà dùng. Anh không sống được đâu, đừng băng, vô ích!

               

– Đừng vậy mà anh! Để em làm mau, kẻo địch đuổi kịp.

               

Tôi xé vạt áo bà ba nhét vào vết thương ở lưng Hào, rồi lấy khăn cột lại. Khang cởi áo mình, rịt chặt cái chân Hào bị gẫy, xong anh nhanh chóng cõng chạy đi.

               

Địch vẫn tiếp tục đuổi theo sau, đạn đại liên bay rào rào trên đầu, song không làm giảm bước chân của chúng tôi. Cứ thế chạy mãi. Bỗng Khang quỵ xuống, làm Hào lăn ra. Tôi chạy tới đỡ anh Hào. Khang lồm cồm ngồi dậy ôm đùi:

               

– Đu mẹ, trúng giò rồi!

               

– Địch đã tới gần. Anh ráng chạy đi. Em cõng anh Hào cho.

               

Hào phều phào nói từng tiếng một:

                 

– Anh.. không… sống… được… em dìu Khang… chạy thoát thân. Hãy giữ mạng… trả thù cho… anh!  Đừng để… cả ba… lọt vào … tay…giặc.

               

Như có một sức mạnh vô thường, tôi bế xốc anh Hào chạy đi tìm bụi râm. Đặt anh Hào xuống, tôi nghẹn ngào nói:

               

– Anh nằm đây! Em sẽ quay lại.

               

Tôi toan chạy đi. Anh Hào nắm tay tôi kéo khẽ:

                 

– Khi miền Nam… giải phóng,… tìm đưa… vợ con anh… cái này, đưa… cho anh quả… lựu… đạn!

               

Dưới ánh sáng của những trái pháo dù nối đuôi nhau bay lên cao, trái này chưa tắt đã có trái khác bay lên, Tôi thấy rõ ánh mắt tuyệt vọng của Hào, song môi anh lại như hé cười:

               

– Đừng lo… cho anh, mau đưa… Khang… đi! – anh nói phều phào như muốn tắt hơi.

               

– Dạ! Em sẽ quay lại.

 

Tôi nghẹn ngào nói khẽ rồi chạy lại chỗ Khang đã thấy anh tự cởi quần dài của mình cột vào vết thương. Tôi dìu anh đứng dậy, hai người rẽ qua một hướng khác. Khang lê từng bước khó nhọc xuống một khu rừng tán thấp. Khang thì cao to, Tôi thì thấp bé, vai không kê vào nách anh được, anh phải lấy tay tì vào vai tôi để cò nhắc bước đi. Nghiệt ngã là cái chân bị thương nó cứ như thộn ra, không nghe theo sự điều khiển. vướng cây làm anh đau nhăn mặt. Càng động vết thương, máu càng chảy nhiều. Lúc này tôi chỉ sợ ra nhiều máu địch dễ phát hiện, không nghĩ tới bị hạ đường huyết sẽ bị choáng, Tôi với tay bứt sợi dây rừng, cột kéo co gối Khang lại, rồi treo vào cái nịt đạn trên thắt lưng anh cho không bị vướng, dễ đi hơn.

 

Tiếng địch hò hét nghe mỗi lúc một gần. Khang bảo:

               

– Em chạy thoát thân đi! Để anh núp ở đây, sẽ ăn thua đủ với bọn nó, chứ mình có chạy cũng không thoát được nữa rồi! Chúng sẽ lần theo dấu máu mà phát hiện ta thôi.

               

– Hay anh nằm xuống bò đi, để em ngụy trang. Chết! bọn chúng tới rồi kìa, nó đang bấm đèn pin tìm dấu máu. Em không chạy một mình đâu! Ta không bắn nữa, lộ mục tiêu. Bên phải có đám bòng bông kìa!

               

Bòng bông là một loài dương xỉ, mọc thành đám rộng, có nơi đến mấy mẫu, chỗ nào đất ẩm thích hợp thì nó phát triển càng nhanh, càng nhiều, chiều cao có khi ngập đầu người, thân ống, nhỏ như ngón tay, nhưng cứng, chặt khó đứt, cứ như ván ép cuộn tròn, màu huyết dụ, lá xanh, nhỏ nhưng dầy và cứng. Những cây chết khô cứ đứng mãi, lâu mục, lớp khác lại mọc lên, cứ thế, lớp này đan xen lớp kia, tạo thành đám bùng nhùng. Đi chân không mà đạp phải gốc khô chỉ có lủng chân. Đi vào đó thì phải giơ cao chân đè nó xuống mà bước, chứ rẽ để bước thì chỉ bị cứa nát da, xẻ thịt. Đã lọt vào đó, không tài nào chạy nhanh được, nó cứ quấn chằng chịt. Người ta nóirối như bòng bônglà vậy.

               

Chúng tôi quyết định chui vào đám bòng bông là coi như cùng đường rồi! Bòng bông dày, núp vào đó thì địch khó phát hiện, mà chúng cũng không nhào vào đám bòng bông để kiếm, còn nếu như nó phát hiện được thì… tình huống ngoài ý muốn. Coi như năm ăn năm thua, không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi quyết định chui vào đám bòng bông.

               

Chân Khang cứ lắc lư vướng vào đám cây ấy, làm anh đau thót. Tôi cố giữ sao cho chân anh không vướng. Khi Khang bước qua, Tôi quay lại  lấy lưỡi lê súng AK nâng đám bòng bông lên để xoá đi dấu vết. Loay hoay mãi, cũng chỉ vào khoảng hơn mười mét. Chúng tôi sợ địch thấy dấu máu, rồi xả súng bắn đại. Nhưng thật may! Trời đã cứu chúng tôi. Cơn mưa bất chợt ập đến! Chỉ có ai sống trên mảnh đất này, mới thật sự thấm thía thế nào là mưa trên mảnh đất cao nguyên, những cơn mưa bất chợt, mây giăng giăng mù mịt, mưa như nghiêng trời trút nước xoá sạch dấu vết.

               

Thân hình Khang vốn to cao, màu da ngăm ngăm, giờ nằm trênthảmmàu huyết dụ, với mỗi cái quần xà lỏn trên người. Dưới ánh sáng bàng bạc của buổi ban mai, da anh như trắng ra, người to bè, và dài hơn nữa. Tôi nằm xuống bên cạnh anh, với tay kéo bòng bông che kín cả hai người. Một lát sau, tiếng giày đinh  nện lên mặt đất, tiếng súng đạn va vào nhau lách cách, nghe rõ mồn một. Chúng nói nhiều lắm, nhưng chúng tôi không hiểu gì. Thỉnh thoảng nghe chúng hét lên mấy tiếng Việt lớ ngớ “Đo hang đi, Đo hang đi”, chúng tôi hiểu nó bảo đầu hàng đi…

               

Chúng tôi nằm im thin thít, không dám thở mạnh, bên cạnh ổ kiến nhọt đen sì, kiến bò qua người. Không biết do mất cảm giác vì sợ hoặc kiến có chích hay không, mà chẳng ai thấy đau hay nhột gì cả. Chúng tôi cứ nằm im như khúc gỗ, nghe máu căng phồng như đông đặc trong các mao mạch, tim đập mạnh như muốn vỡ tung trong lòng ngực. Một con cóc ngồi chong ngóc, da xù xì, mụn mủ như muốn chảy ra trông gớm ghiếc, hai mắt lồi dựng đứng nhìn chúng tôi, một nhúm da nhăn nheo ở cổ nó cứ nống ra thụt vào một cách gấp gáp, đều đặn. Tôi vội nhét cả bốn ngón tay vào miệng mình, cố giữ không cho bật ra tiếng thét ngày thường nếu gặp nó. Tôi hồi hộp sợ nó nhảy vào người như hồi hộp sợ giặc phát hiện, nổi da gà, chân tóc dựng ngược. Chúng tôi nằm không lâu, đã nghe tiếng máy bay cán gáo rè rè bay tới. Tôi nghĩ bụng nó nghi mình trốn trong bòng bông nên trời vừa sáng, đã đem “gáo” tí quạt. Phen này chắc mình không trốn thoát rồi! Vì cây rừng to bằng thân người, nó còn quạt cho nghiêng ngả, bụi tre gai còn bị rẽ ra như người ta rẽ tóc để bắt chấy, giết gàu trên đầu. Đám bòng bông – cây nhỏ xíu này thì có nghĩa lý gì, nó quạt một cái chắc chúng tôi sẽ nằm trơ trọi trên mặt đất.

 

Không ai nói với ai, nhưng chúng tôi cùng một suy nghĩ: “Sẽ nằm chờ giây phút xấu nhất”. Còn mấy băng đạn, mấy quả lựu đạn này sẽ “chơi” với chúng đến cùng rồi ra sao thì ra. Chúng tao sẽ cho bọn “mặt Mẽo” chúng mày tận mắt chứng kiến khí phách dũng mãnh của người Việt Nam chống quân xâm lược như thế nào.

               

Hai chiếc máy bay cán gáo mò tới. Nó nghiêng cái cánh quạt xuống đám bòng bông mà quạt. Tiếng cây bòng bông khô gãy rào rào, lớp bòng bông tươi ngã lên nhau, lớp này chồng lên lớp khác, nằm bẹp xuống. Tiếng rốp rốp, ào ào, dần dần tiến đến chỗ chúng tôi đang nằm nghiêng mặt vào nhau. Khang đưa tay choàng qua vai tôi, anh ghì chặt như không để quạt gió thổi bay. Thảm thực vật đắp lên người chúng tôi dày hơn nửa mét. Như vậy, đám bòng bông chôn chúng tôi xuống chứ không phải bị tốc ra nằm trơ trọi như cách đây mấy phút tôi đã nghĩ. Luồng gió đi qua người chúng tôi rồi đi thẳng, không quay lại.

               

Mỹ rút quân. Chúng tôi ra khỏi đám bòng bông. Lúc này Khang mới thấy ê ẩm cả người, những chỗ trên da thịt anh đạn Mỹ chưa phá nát thì lại bị bòng bông cào cấu. Nhưng dẫu sao, cũng  cảm ơn cây bòng bông đã che chở chúng tôi. Người Khang nóng ran, mệt rã rời, môi khô khốc, cái biđông dính theo dây nịt đạn cũng nhẹ tênh, khô ráo. Đang ở giữa lưng đồi làm gì có nước cho anh uống?! Tôi nhìn quanh, thấy những chiếc lá rừng còn đọng nước mưa nằm dưới đất, tôi rón rén đổ vào ca từng ít một rồi cho Khang uống đỡ. Trong lúc cho anh Khang uống nước, tôi như sực nhớ đến anh Hào, tôi nói:

               

– Bây giờ anh nằm đây, em quay lại cõng anh Hào.

               

Khang mơ mơ màng màng gật đầu không nói.

               

Anh Hào vẫn ngồi nguyên tư thế cũ, tay nắm trái lựu đạn da láng, nhưng khi vạch tán cây ra không thấy cái đầu. Tôi điếng hồn điếng vía, toan chạy trở lại chỗ Khang nhưng chân nặng như  mang đá, Tôi đứng chết lặng, rồi từ từ quỵ xuống, cứ thế ôm mặt khóc nức nở: “Em ra đây cùng kề vai sát cánh với các anh… nhưng em không làm gì được cho anh… đến cái xác nguyên vẹn cũng không giữ được… em thật đau lòng quá!” Trong đầu tôi hình thành bao câu hỏi và tự trả lời: Có lẽ anh ấy tắt thở trước khi chúng phát hiện, nếu không, trái lựu đạn kia anh đãchia lửavới chúng rồi. Hào đã chết, sao chúng nó còn độc ác, dã man đến như vậy. “Thật là loài khát máu”. Bỗng tôi vung mạnh hai nắm tay, thét lên những tiếng như để khắc cốt ghi tâm:

               

Đế quốc Mỹ! Tao căm thù chúng mày! Tao thề giết hết bọn mày!

               

Trong tâm thức như có ai nhắc nhở, cái xác anh Hào còn đó, anh Khang bị sốt nóng đang chờ… Tôi vụt đứng dậy. Mình phải mau đến với Khang. Không thì…trời ơi! Làm sao đây! Nơi nào cũng đang cần mình! Tôi cầm súng đến bên xác của anh Hào, kéo lưỡi lê ra, đâm mạnh từng nhát xuống đất, dùng tay hốt đất lên. Cứ thế tôi moi đến dộp cả da bàn tay, mười đầu ngón tay rướm máu, tôi dùng miệng cắn mấy cành lá lót xuống hố, rồi đặt thi thể Hào xuống. Nước mắt và mồ hôi nhỏ lên thi thể của anh mà lòng tôi thầm nhủ: “Anh Hào ơi! Sao mà đơn sơ quá, phải không anh? Mong anh thông cảm vì kháng chiến và lúc này chỉ có mình em giữa nơi đây. Em xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt anh!”

               

Chôn xong người anh, người đồng đội, tôi không quên bẻ những cành cây đắp lên mộ. Như vậy cọp sẽ không dám moi lên. Tôi chần chừ một lát, rồi chạy như bay về chỗ của Khang. Thấy anh nằm im không động đậy, tôi hoảng quá áp tay lên trán. Đầu Khang nóng ran. Sờ vào ngực thấy tim anh đập nhanh và yếu, Tôi kêu:

               

– Anh Khang ơi! Anh Khang! Anh thấy trong người thế nào?

               

Khang cựa mình nói khẽ:

               

– Anh khát quá!

               

Tôi lấy nước cho anh uống. Anh nhìn vào đôi mắt đỏ và sưng húp của tôi rồi với giọng khó nhọc anh hỏi:

               

– Anh Hào… không còn nữa hả, em?- Thở ra một hơi dài anh nói tiếp: Tội nghiệp! Khi anh ấy ra đi mà không có chúng ta tiễn biệt. – Nói xong, Khang nắm tay tôi đưa lên trước mặt, anh nhìn rồi hỏi: – Em chôn cất anh ấy rồi phải không? Anh biết, em đã làm được điều đó. Nhưng em có nhớ vuốt mắt cho anh ấy không?

 

Câu hỏi như xát muối vào lòng, tôi nấc lên rồi gục mặt vào vai anh khóc nức nở. Khang đưa tay lên, dịu dàng xoa vai tôi, an ủi:

               

– Hãy vững vàng lên em! Nước mắt chỉ làm cho mình mềm yếu và người khác thêm đau lòng!.

               

Khang đưa tay nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi. Đoạn, anh lại hỏi tiếp:

               

– Em quên vuốt mắt cho anh Hào phải không?

 

Tim tôi như bị ai bóp, cắt, đau điếng. Tôi nói khẽ nhưng dứt khoát

               

– Không! Không… phải…

 

Tôi rưng rưng, nghẹn ngào nấc lên… Khang vỗ về

               

– Không phải là tốt rồi!

               

– Không tốt đâu anh! Chúng nó đã… cắt đầu đem đi!

               

Như bị điện giật, Khang bật ngồi dậy, quên cả chân đau:

               

– Trời đất! Quân dã man! đồ man rợ! Đế Quốc Mỹ…, tao thề không đội trời chung với chúng mày, sẽ giết hết chúng mày…. Quân man rơ! Man rợ đến thế là cùng.

               

Khang ngửa mặt lên trời, hai hàm răng nghiến nghe răng rắc, cơ mặt co lên tạo những nếp nhăn rắn chắc toát lên sự căm thù lẫn thương đau đến cực độ. Hai tay anh nắm chặt, đấm thình thịch xuống đất rồi ôm mặt gục vào bờ vai nhỏ bé của tôi khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh nói trong ước mắt:

 

– Anh căm thù chúng nó đến tận xương tủy!

 

Trại sáng tác Mã Đã – Chiến Khu Đ tháng 8.2017

 

(Còn tiếp 1 kỳ)

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…