U Minh Hạ – Tình đất, tình người

1155
Mai Trâm
(Vanchuongphuongnam.vn) – Về với U Minh, được hòa mình với thiên nhiên, với văn hóa miệt rừng – sông – nước và “sống chậm” cùng người dân Tây Nam Bộ, tôi mới cảm nhận được sự thi vị của vùng “đất lành chim đậu”, chứ không có cảm giác là vùng “rừng thiêng nước độc”. 
Tác giả Mai Trâm
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng tràm U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) là vùng căn cứ địa cách mạng của cả Nam Bộ, có ý nghĩa lớn trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Rừng U Minh từng là nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng. Năm 1954, ngay sau khi lên tàu tập kết ra bắc, đồng chí Lê Duẩn, (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ) đã bí mật trở lại rừng U Minh để lãnh đạo cách mạng miền Nam. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, khi làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cũng là người gắn bó máu thịt với U Minh Hạ.
Ông bà Nội tôi cũng có một thời gian hoạt động cách mạng tại vùng đất U Minh Hạ nên ba tôi được sinh ra tại đấy. Lần này đi Cà Mau, tôi cũng muốn tận mắt xem nơi “chôn rau, cắt rốn” của ba ra sao!
Tôi rủ thêm vài người bạn đi cùng, khám phá vùng Đất Mũi (có dịp tôi sẽ nói đến trong một bài viết khác) và bắt đầu hành trình về với U Minh Hạ.

 Tác giả (ngoài cùng bên phải) và nhóm bạn tại Mũi Cà Mau

Xe chạy bon bon trên con đường láng nhựa phẳng lì dài hàng cây số mà không một bóng người, không một ngôi nhà, chỉ có tiếng chim kêu. Lâu lắm mới bắt gặp một chiếc ô tô 7 chỗ đi chiều ngược lại, có lẽ họ cũng là khách du lịch vừa từ trong rừng trở ra. Hai bên đường lau sậy um tùm, mọc liên tục thành từng đám, từng vạt cao che lút người, thỉnh thoảng hiện ra những thảm bèo xanh, những đám bông súng đỏ. Tràm, đước mọc sâu bên trong sau những vạt lau sậy. Chạy mãi thì hết đường nhựa. Rừng đây rồi! Cả nhóm reo lên. Nhưng chặn chúng tôi lại phía trước rừng là một cánh cổng sắt lớn sơn xanh khóa kín. Cả nhóm trở nên bối rối, hoang man, lạc đường rồi chăng? Tra google thì đúng là đường vào U Minh Hạ. Sau một hồi thảo luận, chúng tôi quay ngược trở ra, rẽ vào cây cầu xi măng nhỏ đủ để một chiếc xe 7 chỗ chạy qua, chúng tôi đi suốt theo con đường này và đã gặp may!
Những ngôi nhà lụp xụp đã hiện ra trước mắt với những cái ao, con kinh nở đầy bông súng đỏ. Tôi chú ý ở đây xung quanh những ngôi nhà toàn là kinh rạch, phía trước mỗi nhà đều có chiếc xuồng nhỏ. Nhà cất theo kiểu tựa nhà sàn, xung quanh là những bờ bao trồng cây ăn trái.
Hỏi thăm đường vào Vườn quốc gia U Minh Hạ, người dân đều mập mờ không biết, có người chỉ ngược ra con đường mà lúc nãy chúng tôi đã đi qua, một bác chép miệng: “Xa lắm, trong đó rừng rú mênh mông, vô đó coi chừng lạc không ra được, tui ở đây còn chưa dám đi lần nào”. Một bác trai khác mình cởi trần, vừa bơi xuồng hái bông súng từ dưới dòng kinh bên hông nhà lên, thấy chúng tôi đứng lố nhố, bác ra hỏi thăm sự tình, khi biết chúng tôi tìm đường vào rừng, bác tỏ vẻ ngạc nhiên, nói tỉnh queo: “Ở trỏng có giống gì đâu mà tụi bây đi, toàn cây rừng với muỗi không à, ở xứ Cà Mau này, trâu bò còn ngủ trong mùng, huống chi đi tuốt vô miệt U Minh”. Thấy chúng tôi quyết tâm đi bằng được, bác nhiệt tình hướng dẫn và nói thêm: “Ở trỏng không có chỗ ở qua đêm, đến giờ là người ta đóng cửa rừng, lơ tơ mơ là chết đói như chơi”. Dừng lại một chút, bác tiếp: “Đói thì trở ra đây tao cho bây ăn cơm với bông súng chấm kho quẹt hổng lấy tiền!”. Bác chỉ vào chiếc xuồng chở đầy bông súng đỏ dưới kinh, cười ha hả.
Chúng tôi cám ơn bác trai tốt bụng và hứa sẽ quay lại xin bác cho “ăn ké” nếu không tìm được quán ăn.
Từ cửa rừng (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời), xe chúng tôi chạy mãi cho đến khi hiện ra cổng chào với dòng chữ “Vườn quốc gia U Minh Hạ”. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm! Qua khỏi cổng chào là con đường hun hút dài chen giữa hai rặng chuối xanh tốt và rừng tràm tuyệt đẹp. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và trầm trồ khi thấy những buồng chuối dài gần cả mét với những nải chuối trái mập ú, còn bắp chuối thì cái nào cái nấy to gần gấp rưỡi bắp đùi người lớn, đỏ au. Vài cán bộ bảo vệ rừng đang ôm mấy cái bắp chuối vừa bẻ được nói cười vui vẻ, không biết các anh bẻ bằng cách nào khi chuối ở đây mọc khá cao. “Chắc là dùng móc để bẻ” – một người trong nhóm đoán như vậy. Chúng tôi cho xe chạy chậm để ngắm nhìn cảnh vật hai bên. Những cây mít trái đeo lủng lẳng, những cây mận với những chùm trái xanh, đỏ chìa ra sát đường. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại một lúc để tránh đàn khỉ kéo ra ngồi… hóng mát (!!!), chúng nhảy nhót lung tung, có mấy con ôm cả những trái mít chín ngồi giữa đường tách vỏ, tranh nhau ăn mặc cho bác tài bóp kèn xe “xin đường” một cách khổ sở, lũ khỉ vẫn không đoái hoài gì đến.
Suốt chặng đường dài, chúng tôi bắt gặp mấy cán bộ bảo vệ rừng vác theo rựa, gậy, ba lô, chân mang ủng chở nhau trên những chiếc xe gắn máy, chạy len lỏi vào rừng. Chúng tôi dừng lại tránh đường và bắt chuyện thì được biết các anh phải tuần tra hàng ngày để ngăn chặn người dân lén lút đi lấy ong, làm cháy rừng. Để tuần tra trên những tuyến chính thì có thể lưu thông bằng xe máy hoặc vỏ lãi, khi vào sâu bên trong thì lực lượng kiểm lâm và cán bộ giữ rừng phải tự mở đường, đó là một trong những lý do họ mang theo rựa, gậy để xua những loài bò sát như rắn, rết. Theo hướng dẫn của các anh, chúng tôi trở ngược ra để thuê vỏ lãi, theo những dòng kinh luồn vào rừng nhưng con đường nhỏ không thể trở đầu xe, đành phải chạy thụt lùi mấy cây số.
Xe dừng lại tại đài quan sát cao 24 mét, đây là nơi những người giữ rừng dùng để quan sát và kịp thời phát hiện những đám cháy. Cả nhóm leo lên trên đài cao, phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn cảnh và không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn màu xanh của lá, của rừng như kéo dài vô tận, cảm thấy con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên rộng lớn. Rời đài quan sát, chúng tôi thuê vỏ lãi chạy dọc theo những con kinh mà hai bên bờ là lau sậy, trải dài trên mặt nước là những cánh bèo, những đám lục bình xanh ngát, bắt đầu hành trình khám phá khu rừng hoang sơ đầy bí ẩn trong tiếng máy nổ ì ạch, ồn ào và mùi hương tràm thơm ngát. Bèo ở đây nhiều và dày đến nỗi những con chim Trích cồ màu sắc sặc sỡ đi lại trên mặt bèo mà không bị rơi xuống nước (chúng tôi biết tên loài chim này là do hỏi thăm người lái vỏ lãi). Thỉnh thoảng người lái vỏ lãi phải giảm tốc độ, thậm chí vỏ lãi đứng yên một chỗ không thể di chuyển vì va phải những đám bèo, lục bình đang lững lờ trôi, làm cả nhóm đứng tim! Có con chim gì khá to tìm mồi ven bờ giật mình sải cánh vụt lên không trung tạo nên một khung cảnh tuyệt vời và hùng vĩ.
Đường vào U Minh Hạ – ảnh do tác giả chụp từ đài quan sát cao 24 mét
Chúng tôi thích thú nhìn đám cây bình bác mọc ven sông, cành nhánh vươn ra lòng sông, trái chín lúc lỉu chạm trên mặt nước, rụng và trôi theo đám lục bình. Lũ sóc diện những bộ quần áo kẻ sọc nâu, kêu líc nhít, nhổng cao những chiếc đuôi dài chạy đi chạy lại trên cây. Khỉ ở đây rất đông, con thì rượt nhau, con thì chuyền cành đánh đu trên nhánh bình bác, thấy chiếc vỏ lãi lướt qua, đám khỉ hè nhau hái trái chín ném vào chúng tôi, có hai trái văng gọn vào lòng vỏ lãi, nhờ vậy cả nhóm may mắn được thưởng thức vị bình bác giữa rừng U Minh. Tôi liên tưởng đến những tác phẩm văn học “kinh điển” của những nhà văn nổi tiếng như “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam, “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi. Chính những trang viết ấy đã thôi thúc tôi quyết tâm tìm về với U Minh khi có điều kiện. Và giờ đây chúng tôi đang ở giữa rừng U Minh Hạ, vùng đất của Bác Ba Phi, của những con rắn hổ mây ngóc đầu cao 4 mét, của làng muỗi rừng và những con cá sấu thành tinh. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao xưa: “Cà Mau là xứ quê mùa, muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu” và bất giác rùng mình! Trong suốt chuyến đi, rắn hổ mây, cá sấu thành tinh và cọp tùa thì tôi chưa thấy, chỉ thấy muỗi rất to con và nhiều vô kể nhưng không to bằng gà mái! Muỗi rất háu thắng, lúc cả nhóm đứng đợi người lái vỏ lãi đến, từng bầy muỗi cứ thế xông vào tấn công chúng tôi tới tấp như  chết đói lâu năm. Chúng hung hăng quá khiến mọi người khó lòng đứng yên. Cái vợt muỗi được một thành viên mang theo đã tận dụng hết công suất để giải vây cho cả nhóm nhưng vẫn không kịp diệt chúng mặc dù muỗi va vào vợt chết khét lẹt!
Anh chủ vỏ lãi trở thành người hướng dẫn viên cho chúng tôi. Theo lời anh thì người dân sống ở rừng U Minh Hạ là những người được nhà nước giao đất, giao rừng và mưu sinh trên chính mảnh rừng của họ bằng những nghề như gác kèo ong, giăng câu, đặt lợp, trồng rừng khai thác gỗ, thả lưới… Trên những bờ bao, người dân trồng cây ăn trái. Gắn bó với rừng nên người dân U Minh Hạ rất yêu rừng, yêu thiên nhiên và giữ rừng như chính báo vật của mình. Năm 2009, Vườn quốc gia U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Khi nói về đặc sản của U Minh, anh kể đến một sản vật vô cùng quý giá nơi rừng sâu nước thẳm, đó là mật ong lấy từ các tổ ong trong rừng tràm. Mật đặc, trong và vàng như nước cam mang hương vị của bông tràm và có giá trị dinh dưỡng cao. Một món ăn độc đáo khác từ ong là ong non. Mỗi lần vào rừng gác kèo lấy mật, người dân lại lấy một ít ong non để nấu cháo, làm gỏi. Anh dừng một chút rồi tiếp: “Nghe tới ong non lúc nhúc đem nấu cháo thì mấy cô, mấy chị thường thấy sợ, nhưng là đặc sản miệt này, không có bán trên thị trường đâu, vì mỗi lần người ta chỉ lấy một chút ong non thôi, lấy nhiều thì còn đâu ong để làm mật nữa. Ong non ngon và bổ lắm á!”. Anh cười to, tiếng cười của người miệt “rừng thiêng nước độc” nghe hào sảng lạ!
Tôi chú ý đến những cây mắm, cây đước mọc hằng hà sa số. “Mắm trước, đước sau”, mắm đâm tua tủa bám đất rồi đến đước, tràm. Trái rụng xuống, cây lại mọc lên không bao giờ ngừng nghỉ. Tôi có cảm giác những cây mắm, cây đước có rất nhiều chân, chúng di chuyển, chạy nhảy, đâm chồi khắp nơi, không chừa chỗ nào ở cánh rừng này.
Đậu trên những tán tràm, tán bần là các loại chim, cò, trong đó có những loài chim mà chúng tôi không biết tên. Nhờ có môi trường sinh thái ổn định và phù hợp nên các loài chim, cò đều tụ hợp về đây sinh sản, trú ngụ và phát triển với số lượng đông đúc lên đến 182 loài. Gây ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh con cò trắng, bởi lẽ trong các loài chim, con cò là một trong những loài chim đi vào đời sống của người Việt Nam sâu đậm nhất. Hình tượng con cò trong văn hoá Việt có ảnh hưởng và gắn liền trong tâm thức của con người, nhất là ở vùng nông thôn. Người Việt hay ví von, ca hát nhắc đến con cò. Điều này có thể thấy rõ nhất trong ca dao, dân ca, hình tượng con cò được phải ánh và hiện lên vô cùng sống động, rõ nét:
Con cò mà đi ăn đêm
   Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Được tận mắt chứng kiến một không gian thiên nhiên đầy sống động của các loại chim, cò ở vùng đất phương Nam – bao mệt nhọc dường như tan biến dẫu vừa trải qua một chặng đường dài. Một góc rừng đang yên tĩnh bỗng trở nên huyên náo bởi “bản nhạc chim cò” với muôn vàn âm thanh rối rít của những chú cò con há miệng đòi ăn, tiếng cò mẹ líu ríu tìm con, tiếng “cãi vã” ồn ào tranh nhau chỗ đậu và cả tiếng xào xạc của những cành tràm khi cả chục chú chim, cò cùng lúc đậu lên. Khi đàn chim, cò tụ họp, màu trắng của chúng như muốn lấn át cả màu xanh của cây lá xung quanh.
Người dân Nam Bộ rất gần gũi và gắn bó với con cò, họ từng xem cò như là người bạn thân thiết. Nét nổi bật đáng quý ở cò là đức tính chịu thương, chịu khó, chăm chỉ cần cù. Họ ví câu chuyện con cò với cuộc đời mình quanh năm lênh đênh sông nước. Vất vả mưu sinh là vậy nhưng cuối cùng họ cũng trở về với gia đình, với nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mảnh đất cha ông gây dựng bao đời. Nhìn đàn cò gần gũi, khăng khít với nhau khiến ta liên tưởng đến một gia đình hạnh phúc. Nếu nhìn kĩ, quan sát kĩ, ta dễ dàng nhận thấy cò đi kiếm ăn thường kết thành đôi, thành đàn như sẵn sàng bảo vệ, che chở cho nhau trong mọi hoàn cảnh, ví như tấm lòng tương thân tương ái, trượng nghĩa, hào sảng của người dân miền Tây Nam Bộ.
Chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi đi một vòng rồi trở lại điểm xuất phát, do thời gian của chúng tôi có hạn nên đành tạm chia tay U Minh Hạ mà chưa kịp khám phá hết bí ẩn của khu rừng cũng như chưa kịp thưởng thức đặc sản nơi này, chưa được trải nghiệm cuộc sống của người dân “làng rừng” nên ai cũng luyến tiếc và hẹn ngày trở lại.
Ra khỏi rừng, chúng tôi đỏ mắt tìm quán ăn nhưng không tìm được nên đành ghé nhà bác trai lúc trưa đã có lời mời. Bác vui vẻ gọi vợ làm cơm đãi khách. Bác gái hiền lành, dễ mến dọn chỗ cho chúng tôi ngồi rồi lăng xăng lo việc nấu nướng. Vài người hàng xóm lân cận thấy nhà bác có khách họ cũng nhiệt tình đến giúp một tay. Thấy mọi người gọi bác bằng “bác Tư” nên chúng tôi cũng gọi theo như vậy. Bác Tư thết đãi chúng tôi bằng những sản vật của U Minh: bông súng nấu canh chua cá lóc, gỏi bông súng trộn lá é, cá lóc nướng trui chấm mắm me (bác bảo món này là đặc sản), rắn bông súng chấm muối ớt hột đâm với ớt hiểm xanh (món này thì tôi không dám thử!) và một rổ rau đủ loại như đọt choại, lá sen non, bông lục bình… Bác Tư bảo những thứ này có mặt ở khắp nơi. Tráng miệng là món cà na ngâm đường (ngào đường).
Lần đầu tôi được thưởng thức món tráng miệng độc và lạ này. Theo lời bác Tư gái thì những năm 2000 về trước, cà na ở Cà Mau không khó tìm, song vì giá trị kinh tế không cao, thêm vào đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, cây cà na trở nên hiếm hơn, ở các nhóm chợ huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh người người dân thường mang theo cà na tươi bán cùng các loại nông sản khác. Cà na làm được nhiều món ăn hấp dẫn như cà na muối, ngào đường, cà na đập dập chua cay, cà na kho với cá rô hay thịt ba rọi thì rất ngon. “Xứ đâu là xứ quê mùa, đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na; Cà na là trái trời cho, cứ tha hồ hái ăn cho đã thèm” rồi bác chỉ tay qua phía nhà đối diện: “Cà na này là bên nhà bà Bảy, lát nữa mấy con quá đó coi cho biết trái cà na tươi!”. Tôi đáp lời bác bằng một tiếng “dạ” rõ to!
Bữa cơm chiều diễn ra và kết thúc trong bầu không khí thân tình, ấm áp. Người dân hiếu khách, xem chúng tôi như chòm xóm, người nhà. Trước khi ra về, chúng tôi ngỏ ý gửi lại bác Tư một ít tiền gọi là phụ với bác bữa cơm, bác xua tay: “Tiền bạc gì, lúa gạo có sẵn, thức ăn cũng có sẵn quanh nhà, có tốn đồng bạc nào đâu mà tụi bây khách sáo, lần sau có dịp đi thì cứ ghé bác ăn cơm. Tiếc là tụi bây không ở lại buổi tối, chớ ở lại thì được nghe đờn ca tài tử trong xóm và nghe muỗi thổi sáo về đêm, hay lắm!”. Bác cười một cách sảng khoái.
Bác Tư gái gọi thằng nhỏ đang chơi ngoài bờ bao: “Út Mót, dẫn mấy cô chú này đi coi cây cà na bên nhà mày nè!”. Thằng nhỏ chừng mười tuổi nhanh nhẩu chạy vào, dẫn chúng tôi men theo bờ sông một đoạn, nó chỉ: “Cây cà na đó cô!” rồi thót lên cây rung cho trái rơi xuống đầy mặt sông. Út Mót lại nhảy tùm xuống sông lượm trái bỏ đầy áo mang lên bờ đưa cho chúng tôi. Tôi cầm một trái định ăn thử thì thằng nhỏ can: “Trước khi ăn cô phải lấy trái chà vào áo cho hơi dập rồi chấm muối ớt ăn mới ngon, để con dô nhà lấy muối!”.
Út Mót đem nhúm muối ớt gói trong tờ giấy lịch ra, tôi cầm trái cà na chùi chùi vào áo theo sự hướng dẫn rồi chấm muối ớt cho vào miệng và cảm nhận được vị mặn, cay, chua, chát và vị thơm dân dã tan ra nơi đầu lưỡi.
Trở lại nhà bác Tư với mớ cà na tươi mà Út Mót vừa hái kèm lời dặn hồn nhiên: “Cho cô về ngào đường ăn nè, ngào đường thì khi ăn cô không phải chùi chùi vô áo đâu!”. Chúng tôi chia tay Út Mót, mấy người dân và gia đình bác Tư, tôi len lén chùi nước mắt. Tôi lấy làm xúc động trước tình cảm của gia đình bác Tư nói riêng và người dân ở đây nói chung đối với người xa lạ. Họ là những người nông dân chất phác, hồn hậu và mến khách. Tôi nhớ mãi căn nhà mái lá đơn sơ không cửa, lợp bằng lá dừa nước, sàn nhà cũng là thân cây dừa nước, chủ nhà là hai ông bà già cùng ba mẹ con chú chó mực hiền lành. Tôi nhớ mãi bộ xong nồi đen thui do nấu bằng củi, một rổ chén bát, tô, dĩa mà trong đó có cái đã mẻ miệng khá nhiều, một chiếc chiếu cuộn lại ở góc nhà mà tôi đoán bên trong có lẽ là mùng mền và cái ấm sứt quai được cột lại bằng dây kẽm dùng để nấu nước pha trà cùng với một tấm lòng phóng khoáng dùng đãi khách phương xa! Chiếc xe 7 chỗ của chúng tôi chật hơn bởi chở thêm một bó to bông súng đỏ, hai hủ bồn bồn muối chua (đặc sản Cà Mau) của gia đình bác Tư gửi cho cả nhóm và mớ cà na của Út Mót. Chuyến xe nặng hơn bởi nó chở theo cả nghĩa tình của người dân miệt thứ!
Về với U Minh, được hòa mình với thiên nhiên, với văn hóa miệt rừng – sông – nước và “sống chậm” cùng người dân Tây Nam Bộ, tôi mới cảm nhận được sự thi vị của vùng “đất lành chim đậu”, chứ không có cảm giác là vùng “rừng thiêng nước độc”.
Rời Cà Mau, rời U Minh Hạ, tôi không quên được những rừng cây bạt ngàn, chằng chịt kinh rạch, những đám bông súng đỏ au trồi trên mặt nước, những con người thật thà, chất phát, và nhất là hình ảnh cánh cò trắng thân thương, chấp chới trong ánh dương tà. Tôi băn khoăn tự hỏi: Ở cái xứ sở muỗi bay loạn xạ này, không biết chính xác chỗ nào giữa miệt rừng sâu nước thẳm, là nơi ba mình đã từng được “cắt rốn, chôn rau”?!
M.T