19.5.2018-19:20
Nhiều người đi xe máy than phiền rằng cảm giác này tăng lên khi càng đi vào giữa đường hầm, một số người hoa mắt, thậm chí lạc tay lái. Nguyên nhân do đâu và giải pháp là gì?
Buồn nôn, chóng mặt
Sáng sớm 17-5, hàng ngàn xe máy chen chúc qua hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm, theo hướng từ Q.2 sang Q.1, TP.HCM). Do lượng xe máy quá lớn khiến hai đầu hầm bị ùn ứ, tất cả đều phải nhích từng chút mới qua được hầm.
Lúc này, không khí trong hầm sông Sài Gòn trở nên ngột ngạt, bắt đầu có cảm giác khó thở. Đến khi di chuyển tới giữa hầm, nhiều người, nhất là phụ nữ, bắt đầu có cảm giác hoa mắt, chóng mặt… buộc phải gỡ bỏ lớp khẩu trang.
Chị Trịnh Thị Nguyệt, một người thường xuyên đi qua khu vực này, cho biết luôn bị choáng, thở gấp khi xe đi vào hầm. Không chỉ vậy, chị còn bị cảm giác buồn nôn, cho đến khi qua khỏi hầm một đoạn chị mới không còn cảm giác đó nữa.
Tương tự, anh Huỳnh Tấn Tài (ngụ Q.2) cũng bị buồn nôn mỗi lần đi qua đây. Nhất là vào giờ cao điểm, xe máy phải mất hơn 15 phút mới qua được hầm, trong khi lẽ ra chỉ mất chừng 3 phút. Chính điều này khiến không gian trong hầm trở nên chật hẹp, không khí sạch không đủ đáp ứng cho tất cả mọi người hô hấp.
“Theo tôi nên có một bảng điện lớn thông báo về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và tiếng ồn bên trong hầm để người đi đường biết”, anh Huỳnh Tấn Tài đề xuất.
Đẩy nhanh xây cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4
Ông Lê Minh Triết – giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn – cho biết đã tiếp nhận phản ảnh của người dân về tình trạng không khí trong đường hầm ngột ngạt, khó thở. “Đơn vị sẽ nhanh chóng phối hợp với các chuyên gia môi trường theo dõi, đo lại chỉ số CO… trong hầm” – ông Triết nói.
Theo ông Triết, khi nồng độ CO trong không khí vượt 200 ppm thì người bình thường tiếp xúc từ 10-15 phút sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn. Tuy nhiên kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy: lượng CO bên trong đường hầm chỉ ở ngưỡng 100-120 ppm.
Vì vậy “một trong những nguyên nhân dẫn đến cảm giác ngộp thở khi vào hầm có thể do sự thay đổi không khí đột ngột. Người dân đang đi trên đường thoáng thì gặp không gian hầm chật hẹp, lượng xe máy đông gây tiếng ồn lớn dễ dẫn tới ù tai, khó thở”.
Theo ông Triết, lượng xe máy qua hầm hiện nay đạt 70% công suất thiết kế hầm.
Giải pháp về lâu dài theo ông Triết: TP phải đẩy nhanh quá trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 để kéo giảm lượng xe máy vào hầm. Lượng xe máy giảm sẽ kéo giảm lượng CO, khói bụi, tiếng ồn.
“Hiện tiến độ xây dựng các cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 còn quá chậm” – ông Triết cho biết. Ngoài ra, để xử lý khói bụi ô nhiễm, trung tâm sẽ phối hợp với ngành y tế đi kiểm tra không khí, lượng CO, tiếng ồn định kỳ để kịp thời điều chỉnh các chỉ số trên về định mức an toàn.
Cũng theo Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn, hiện lưu lượng xe máy di chuyển qua hầm rất cao với hơn 290.000 lượt xe/ngày. Do đó, lượng không khí, âm thanh, tầm nhìn trong hầm phải được theo dõi, điều chỉnh liên tục thông qua hệ thống quan trắc tự động.
Hiện trong hầm được lắp đặt 3 cặp quạt Zitron chạy tự động nhằm thu luồng không khí có chứa bụi, CO đưa ra ngoài xử lý. “Tuy nhiên, trong trường hợp bên trong hầm bị kẹt xe, ùn ứ thì lượng CO có thể tăng lên đến 200 ppm. Điều này đã từng xảy ra” – ông Triết cho biết.
Phải đảm bảo khí “tươi”
Theo TS Đỗ Thị Mỹ Liên – viện phó Viện Công nghệ môi trường – năng lượng Đại học Sài Gòn: việc nhiều người cảm thấy hoa mắt, chóng mặt khi đi vào đường hầm sông Sài Gòn có thể chỉ là ảo giác.
“Bởi khi chúng ta di chuyển về hướng tối hơn, không gian nhỏ hẹp, cơ thể sẽ dễ bị ảo giác chóng mặt, nặng hơn là buồn nôn” – TS Liên nói. Tuy vậy cũng theo TS Liên, đơn vị quản lý đường hầm cần đo lại không khí, thanh lọc lượng CO để đảm báo có khí “tươi” bên trong hầm.
Về lâu dài, TP cũng cần nghiên cứu, giới hạn lượng xe cộ đi qua khu vực hầm sông Sài Gòn. Với sự phát triển chóng mặt như hiện nay, đến năm 2020, tổng số xe qua đây sẽ vượt quá công suất hầm và có thể gây ra những hệ lụy cho người đi đường.
THU DUNG/TTO
>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…