Út Trà Ôn – ông vua vọng cổ

952

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nghệ sĩ Út Trà Ôn, tên thật: Nguyễn Thành Út (1919-2001), còn gọi là Mười Út, người làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Vĩnh Long).

Nghệ sĩ Út Trà Ôn (1919 – 2001).

Gốc gia đình nông dân, cha mẹ mất sớm, Út phải ra đồng làm lụng vất vả từ lúc 13 tuổi, Mười Út lấy ca hát làm vui và lân la tìm người học nhạc. Học xong 20 bản tổ của cổ nhạc (1937), được một nhà sư tặng cho bài Vọng cổ 20 câu: “Tôn Tẩn giả điên”, Út Trà Ôn (18 tuổi), lên Sài Gòn lập nghiệp. Hát cho Đài Phát thanh Sài Gòn, thu âm cho các hãng dĩa. Bản vọng cổ đầu tiên là bản “Thức trót canh thâu”. Từ 1942, Út Trà Ôn đi diễn (thường là làm kép chính) cho các gánh Cải lương rồi đứng ra lập gánh hát Kim Thanh, Thống Nhứt (cùng với bạn thân Hoàng Giang), sau đó tiếp tục cộng tác với các đoàn hát lớn ở Nam bộ. Ông được công chúng gọi là: Đệ nhất danh ca cải lương, Ông Hoàng Vọng cổ hay Vua Vọng cổ. Sau năm 1975, Út Trà Ôn cộng tác với đoàn Cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sân khấu tài năng, còn gọi là đoàn 2-84. Út Trà Ôn được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân. Ông mất năm 2001, được an táng tại Chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Không gian nghệ thuật trải dài hơn hai thập niên, bắt đầu sau 1950, được coi là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương miền Nam. Tại đất Tây Đô văn hiến, nếu có những nhạc sĩ tên tuổi như: Lưu Hữu Phước (1921-1989), Trần Kiết Tường (1924-1999)… người Ô Môn nổi tiếng ở lĩnh vực Tân nhạc thì tại Trà Ôn cũng từng xuất hiện những tài năng a nhạc khác rất nổi tiếng: cô Năm Cần Thơ (1916-2007), nghệ sĩ Kim Thoa,… và Út Trà Ôn trên địa hạt sân khấu cải lương.

Út Trà Ôn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không dính dáng gì đến chuyện đàn ca hát xướng, lớn lên nối tiếp cha mẹ làm ruộng kiếm sống. Trớ trêu sao, trong người anh nông dân chơn chất ấy ngay từ thuở thiếu niên lại âm thầm có dòng máu nghệ thuật. Là con út thứ mười nên được gọi là Mười Út, được trời phú cho có giọng ca trong vắt, mùi mẫn và ngọt ngào. Ngày xưa, ở làng quê Nam bộ, mỗi khi nghỉ ăn cơm trưa sau buổi làm công việc ruộng vườn hoặc vào những đêm trăng thanh gió mát, anh em nhà nông thường tụ tập từng nhóm, hát ca tài tử cho nhau nghe.

Nhờ có chất giọng đồng thiên phú cao vút, Mười Út được giới thiệu ra làm học trò lể, đứng ra xướng danh cho Hương chức hội tề trong buổi cúng tế, lễ hội ở đình làng và bắt đầu tham gia các buổi họp mặt anh em có đàn ca tài tử. Bằng chất giọng đặc biệt trong như nước ngọc tuyền (ý thơ Thế Lữ) cộng với trí thông minh, Mười Út nghĩ ra cách tự luyện thêm cho mình một lối ca riêng, từ cách nhả chữ đến nhấn nhịp, luyến láy ngân nga…, và dần dần thuộc lòng hết các bài bản ba Nam, sáu Bắc. Nhất là bản Vọng cổ từ nhịp 2, nhịp 4 rồi nhịp 8 tức ca nhặt, cho đến nhịp 16, rồi nhịp 32, 64 luyến láy, uyển chuyển, ngân nga. Mỗi lần Út Trà Ôn nói lối, chuẩn bị vô sáu câu vọng cổ là mọi người chung quanh im phăng phắc, lắng nghe. Thấy Mười Út có tài ca hát, bà con làng xóm không ngại xúi anh bỏ nghề làm ruộng, đi theo nghiệp cầm ca. Khoảng  đầu năm 1937, Mười Út cùng bạn bè rủ nhau lên

Sài Gòn chơi và vào nhà hàng Đức Thành Hưng ca hát với nhau. Biết được hãng rượu Dubonnet thường tổ chức tuyển chọn giọng ca hay ở rạp Moderne (Hiện Đại), Mười Út vào thi thử và trúng tuyển. Vì chưa được phép của gia đình, anh chỉ hát một thời gian ngắn rồi phải rời Sài Gòn trở về quê nhà ở Trà Ôn.

Phong thanh nghe tin có gánh hát Tiến Hóa của ông bầu Trúc Viên tức Trương Gia Kỳ Sanh ở miệt Sa Đéc đang tuyển chọn đào kép để lập gánh, anh em chòm xóm xúi quá, Mười Út đánh liều đi thi. Ông Bầu gánh giữ vai trò tuyển lựa tài tử, vừa nhìn thấy mặt chàng Út nông dân quê mùa hơi thấp, mặt mày đen đủi, không mấy đẹp trai, sợ không ăn khách khi ra sân khấu. Ông lộ vẻ không tin tưởng, khẽ lắc đầu, nói thầm trong bụng : “Cái thằng này coi tướng xấu quá, làm sao làm kép được bây giờ”. Thế nhưng khi Mười Út cất giọng lên thì ông bầu rất ngạc nhiên và đổi ý hoàn toàn: “Trời, tuy cái mặt nó xấu vậy chứ nó cất giọng lên thì mấy thằng kép đẹp xách dép nó cũng không bằng !”.

Từ đó, anh nông dân Nguyễn Thành Út trở thành kép chính của đoàn. Nhan sắc không đẹp có thể dùng phấn son tô điểm thêm, còn chất giọng của Mười Út thì quả là vật báu của đoàn Tiến Hóa. Nhờ có Mười Út mà tiếng tăm đoàn hát lên vùn vụt, suất diễn đêm nào cũng chật kín khán giả. Anh nông dân Nguyễn Thành Út ngày càng nổi tiếng, những ông bầu các gánh hát lớn săn đón, tìm cách mời anh về thủ vai kép chính trong đoàn mình. Năm 13 tuổi, Út được nhạc sĩ Năm Tồn đờn tranh và ông Tư Hiệu đờn cò, dạy cho 20 bản tổ của cổ nhạc. Năm 15 tuổi, nổi danh trong ban Đàn ca Tài tử quận Trà Ôn. Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với đài Phát Thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca ấm áp, truyền cảm và chân thành, sang sảng âm vang như tiếng chuông đồng, được phát ra từ nội lực sâu kín của một nghệ sĩ yêu nghề nồng cháy của ông qua làn sóng điện, không bao lâu được đông đảo thính giả bốn phương yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên, Út Trà Ôn ca trên đài là bản: “Thức trót canh thâu”. Với giọng ca đặc biệt ấn tượng, độc nhất vô nhị của mình, Út Trà Ôn được hãng dĩa Asia mời thu bài “Tôn Tẩn giả điên” gồm có 20 câu của một vị Yết Ma (tu sĩ) Phật giáo gởi tặng.

Từ năm 1942, Út Trà Ôn lần lượt làm kép chính, biểu diễn cho các gánh cải lương: Hề Lâp, Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh… Năm 1943, Út Trà Ôn nổi danh trong vai Hoàng Tử Thủy Tề trong tuồng Lý Chơn Tâm cỡi củi của gánh hát Hề Lập. Năm 1945, ông chuyển sang hát cho đoàn Mộng Vân, đóng vai Thái tử lưng gù (sau đổi là: Một người anh) của soạn giả Mộng Vân. Năm 1947, Út Trà Ôn được mời thu dĩa Asia bài: Thái sư Văn Trọng thập điều và bài Trụ Vương thiêu mình, cả hai bài này được đài Pháp-Á cho phát thanh trên làn sóng điện, làm dấy lên phong trào thưởng thức vọng cổ và báo chí hết lời ngợi khen Út Trà Ôn. Ông bầu Trúc Viên ký hợp đồng 50.000 đồng mời Út Trà Ôn về hát cho gánh Tiến Hóa của ông. Đây là số tiền kỷ lục trong những hợp đồng ký giữa nghệ sĩ và chủ gánh hát trong thời điểm này.

Năm 1951, Út ký hợp đồng 100.000 đồng với đoàn Mộng Vân (ta nên nhớ số trúng độc đắc của cuộc sổ số Đông Dương lúc đó cũng chỉ là 100.000 đồng) để hát các tuồng: Triều Tiên vong quốc sử, Đảng Chiếc lá vàng, Ba ngọn đèn xanh của Mộng Vân, mở màn cho một cao trào hát tuồng cải lương Kiếm hiệp rất ăn khách lúc bấy giờ. Năm 1952, nghệ sĩ Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa) lập đoàn Thanh Minh, Út Trà Ôn ký hợp đồng với đoàn Thanh Minh với giá tiền 750.000 đồng, để hát các tuồng: Con trai người ăn mày, Hoàng tử mùa xuân, Nẻo tắt Hoành Sơn, Hồi trống Vân Lâu…, Lương mỗi suất hát là 1.000 đồng, chủ nhật, hát hai suất: 2.000 đồng, ba ngày Tết, mỗi ngày hát hai suất cộng thêm tiền thưởng, Út Trà Ôn lãnh tổng cộng 9.000 đồng.

Năm 1954, sau khi mãn hợp đồng với đoàn Thanh Minh, lần đầu tiên, Út Trà Ôn (cùng ba nghệ sĩ tên tuổi khác : Thanh Tao, Kim Chưởng và Thúy Nga) lập gánh hát Kim Thanh, một đại bang danh tiếng lẫy lừng lúc bấy giờ. Năm 1959, sau khi mãn hợp đồng với chủ bầu bộ tứ, Út Trà Ôn trở về cộng tác với đoàn Thanh Minh. Ông ký giao kèo với một số tiền kỷ lục là 1.500.000 đồng, lương mỗi suất hát là 1.500 đồng. Với tiền ký hợp đồng bạc triệu, với tiền lương mỗi suất cao chót vót, chưa kể tiền ký hợp đồng với các hãng dĩa, tiền thu âm ca mỗi mặt dĩa là 1.000 đồng (trong 3 phút 10 giây), nghệ sĩ Út Trà Ôn có một cuộc sống giàu sang như một ông hoàng hay triệu phú. Ông mua một biệt thự sang trọng tại đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), tậu một xe hơi 8 máy mới. Ông mướn tài xế lái xe, một bà đầu bếp chuyên nấu ăn cho gia đình, ba cô giúp việc chăm sóc các con và làm lặt vặt việc nhà. Nhà có máy giặt, máy điều hòa không khí. Vợ Mười Út trước đây là cô giáo dạy học ở Cần Thơ, nay về ở với chồng là nghệ sĩ nhưng bà không thường ra rạp hát. Bà chỉ ở nhà trông nom, dạy dỗ con cái khi ông đi hát hay đi thu âm. Út Trà Ôn sống và làm việc như một công chức khi ở nhà, nhưng khi ra rạp hát, ông có thói quen hay đánh bi-da ăn thua tới 10.000 đồng một độ. Khi ông trình diễn ở sân khấu, chiếc cà rá hột xoàn thật lớn, 3 hay 4 ca ra đeo ở ngón tay, khi múa may, chói hào quang lấp lánh dưới ánh đèn chiếu sáng (projecteur).

Cũng nên biết thêm, trong thời kỳ hoàng kim của cải lương ấy, ngoài nghệ sĩ Út Trà Ôn, nhiều danh ca như: Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Cảnh, Minh Vương…hay các nữ diễn viên danh ca như : Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên…đều ký hợp đồng bạc triệu, lương mỗi suất hát cao bằng cả tháng lương của một công chức bình thường. Nhiều người thấy vậy, hăm hở đưa con cháu đến các lò cổ nhạc học ca, với hy vọng con cháu họ sau này có thể trở thành danh ca để ký hợp đồng bạc triệu như Út Trà Ôn. Nhớ lại năm 1960, ký giả Trần Tấn Quốc có tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả

Trên nhật báo Tiếng Dội. Mười Út chiếm đầu bảng với danh hiệu “Đệ nhất danh ca miền Nam”. Năm 1961, Út Trà Ôn ký hợp đồng hát cho đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản. Cũng trong năm này, danh hiệu “Đệ nhất danh ca” được khẳng định bằng bản vọng cổ để đời của nhạc sĩ soạn giả Viễn Châu: “Tình anh bán chiếu” với giọng ca độc đáo của Út Trà Ôn. Nội dung bài hát là tâm sự thất tình của một anh bán chiếu ở Cà Mau: Một năm trước, anh được cô gái ở Xóm Rẫy Phụng Hiệp đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước. Cô gái đã dẫn anh bán chiếu đến phòng riêng đo ni chiếc giường gỗ đỏ. Cô hỏi giá cả, anh bán chiếu trả lời lấy giá rẻ làm quen. Năm hôm sau, khi anh sắp sửa lui ghe, cô gái đứng trên bến dặn dò kỹ lưỡng. Về nhà, anh bán chiếu (và có lẽ kiêm luôn dệt chiếu) đã nhặt từng cọng lác sợi gai, tự tay dệt đôi chiếu bông cho cô gái. Nhưng đúng hẹn một năm sau, khi anh bán chiếu trở lại vàm kênh Ngả Bảy, vác đôi chiếu bông lên xóm rẫy, tìm lại người năm trước, thì cửa vườn nhà cô đã đóng kín. Xóm giềng cho biết cô gái đã theo chồng về xứ khác hơn bốn tháng rồi. Anh bán chiếu buồn bã thất vọng, đem đôi chiếu quay lại xuồng, chờ con nước lớn để lui ghe mà cõi lòng tan nát, than trách cho mối tình tuyệt vọng. Từ bài hát “Tình anh bán chiếu” trứ danh của Viễn Châu, “Đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn đã trở thành Vua Vọng cổ và nghệ sĩ Viễn Châu cũng được báo chí tôn xưng là Vua Soạn giả Vọng cổ. Năm 1962, cùng bạn thân nghệ sĩ Hoàng Giang (thường đóng vai kép độc) lập đoàn hát Thống Nhứt-Út Trà Ôn. Năm 1964, ông theo đoàn Dạ Lý Hương của bầu Xuân và năm 1965, ký hợp đồng với bấu Long, hát cho đoàn Kim Chung 1 rồi Kim Chung 6.

Năm 1968, Út Trà Ôn trở về cộng tác với đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, sau đó, ông có thời gian hát cho đoàn Thái Dương, đoàn Hoa Lan, đoàn Tiếng hát Dân tộc. Từ năm 1969 đến năm 1975, Út Trà Ôn hát tăng cường cho các đoàn hát: Tấn Tài, Thanh Hải, Minh Cảnh. Sau ngày giải phóng, trong giai đoạn tình hình đất nước còn khó khăn, dù là nghệ sĩ hạng sao, Út Trà Ôn khi được chọn hát cho đoàn tập thể Sài Gòn 1, vẫn nhận lương nghệ sĩ hạng A: 10 đồng một suất hát (chưa đủ tiền trả cho một tô hủ tíu ở tiệm Hồng Phát tại đường Võ Văn Tần), cũng hết ký lãnh tiền contrat như bao nhiêu nghệ sĩ khác như trước đây. Nghệ sĩ Út Trà Ôn vẫn vui vẻ phục vụ cho nghệ thuật. Năm 1979, chuyển sang diễn cho nhà hát Trần Hữu Trang cho đến năm 1988 thì ông xin nghỉ, không trình diễn trên sân khấu nữa. Tuy nhiên, vì nhớ nghề, khi đã 80 tuổi, ông vẫn thường được mời tham gia Ban Giám khảo cho các cuộc thi Tuyển lựa Giọng ca Cải lương ở các tỉnh, cho giải Huy chương vàng Trần Hữu Trang và cho Hội Sân khấu, góp phần đào tạo và tuyển lựa nghệ sĩ tài tử kế thừa và thỉnh thoảng đi ca cổ nhạc, giúp cho các chùa gây quỹ làm việc từ thiện.

Về cá tính và quan hệ gia đình, xã hội, Út Trà Ôn là một nghệ sĩ tài năng và giàu có nhưng ông có tiếng thủy chung với vợ không như nhiều văn nghệ sĩ đa cảm đa tình khác nên không nghe ai phản ánh về chuyện yêu đương ngoài lề gia đình của ông. Về tình cảm vợ chồng, Út Trà Ôn được may mắn có người vợ hiểu chồng, thương chồng, khồng hề biểu lộ ghen tương thường tình trước sự vồ vập, săn đón của công chúng ngưỡng mộ trong đó có không ít người đẹp say mê, theo đuổi chàng nghệ sĩ tài hoa. Với con cái (3 trai, 3 gái), vợ chồng nghệ sĩ cũng đã khéo giáo dục nên có được một cô con gái nghệ sĩ âm nhạc dân tộc Bích Phượng đã đi theo con đường nghệ thuật như cha dẫu khác ngành. Tuy nhiên, trong thế giới nghệ thuật, thì có tài có tật, một định lệ như người ta thường thấy ở đa phần nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu hay màn ảnh. Trong khi nghệ sĩ này mê xế, nghệ sĩ nọ chơi hoa, tài tử kia nát rượu, thì Út Trà Ôn thích cầm cơ chơi banh lổ (bi-da) ăn tiền và đánh đề có khuynh hướng dựa vào mộng mị.

Trong thời gian dài theo nghiệp cải lương, Mười Út đã sẵn sàng hướng dẫn và truyên nghề cho những nghệ sĩ cùng đứng chung sân khấu với ông. Nhiều nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Diệu Hiền, Út Hậu, Út Hiền, Phương Quang, Thanh Sang…đều kính trọng và coi ông như người sư phụ của mình, cả đến đồng nghiệp và công chúng cũng rất ái mộ và tôn vinh ông. Nhận xét về tài năng và nhân cách của nghệ sĩ Út Trà Ôn, nhạc sĩ – nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu, người sáng tác vọng cổ cho ông ca nhiều nhất, đã chân tình: “ Nghệ sĩ Út Trà Ôn có hơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm khoan thai, chững chạc, thích hợp với tâm sự của một ông lão chèo đò, sống ung dung tự tại cùng sông nước, không màng chuyện thế thái nhân tình. Giọng ca không chân phương quá mà cũng không luyến láy kỹ thuật quá, người ca biết tôn trọng ý tứ của người viết và tìm cách thể hiện cho thật phù hợp với bài ca. Nghệ sĩ Út Trà Ôn còn được xem là bậc thầy vế lối hành văn, sắp chữ, câu nhiều chữ, ca vẫn nghe hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Nhịp nhàng chắc chắn, cung bổng cung trầm đâu đó rõ ràng”, Thuở đương thời, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường…cũng rất khâm phục và vẫn xem ông là nghệ sĩ ca vọng cổ đỉnh cao, có một không hai. Theo soạn giả Nguyễn Phương: “Cái âm sắc đồng pha thổ trong giọng ca cộng với lối vô chồng được sử dụng trong câu vô, tạo cho người nghe một cảm xúc khó tả. Trong vở Tuyệt tình ca, khi gặp lại vợ mình, Út Trà Ôn ca: “Tôi đứng đây như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến trở lại với hai con… Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rã…” làm người nghe tưởng tượng như mình cũng đứng trên bờ sông ấy, cũng thấy cảnh vật ấy. Ngày nay, nhắc đến Út Trà Ôn, không ai có thễ quên được những bài hát để đời của ông như: Sầu vương biên ải (Thái Thụy Phong), Tình anh bán chiếu (Viễn Châu)… và những vở tuồng ông đóng vai chính còn để lại ấn tượng cho khán giả như: Ông Cò quận 9 trong Tuyệt tình ca, Hùng Đô la trong tuồng Lãnh Cầu Bông. Nhớ lại, ngay sau những ngày đầu mới giải phóng, khi công tác trong Ban Chấp hành hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ, để ghi nhớ ơn sâu với Đảng, tôi đã sáng tác bài vọng cổ “Đài hoa dâng Đảng” được các nghệ sĩ Ngọc Phượng, Thanh Cần…hát trên sân khấu và đài phát thanh Cần Thơ, thì sau đó soạn giả Trần Nam Dân viết “Đài hoa dâng Bác” do nghệ sĩ Út Trà Ôn trình diễn để ta không bao giờ quên công đức trời biển của Bác với nhân dân Việt Nam.

Tóm lại, Út Trà Ôn thật xứng đáng được giới ca nhạc sân khấu và công chúng hâm mộ nghệ thuật cải lương công nhận là “Đệ nhất danh ca” hay “Vua vọng cổ”. Vì bởi ở ông, khán thính giả đều cảm nhận được chất giọng đồng thiên phú vút cao với cách nhả chữ phát âm vô cùng độc đáo, nghệ thuật phân nhịp, ngắt câu thật sáng tạo, khiến ai nghe ông hát cũng phải cảm xúc, khâm phục và giữ mãi ấn tượng tốt đẹp không phai. Được phong tặng là nghệ sĩ nhân dân vì nghệ sĩ Út Trà Ôn đã thể hiện tài năng độc đáo, nhân cách đứng đắn và đạo đức khuôn mẫu trong suốt cuộc đời phục vụ cho khán giả mộ điệu và nền nghệ thuật dân tộc dưới ánh đèn sân khấu.

Mộ nghệ sĩ Út Trà Ôn.

Tương Như