Và ‘đời người như buổi dừng chân trên trái đất’…

542

“Đời người như buổi dừng chân trên trái đất” nhưng đó thật sự là những “buổi dừng chân vĩ đại”. Ngay cả trong bế tắc cùng cực, con người vẫn nhìn thấy những điều đẹp đẽ nhất.

“Còn bác Tom, bác nhớ đến một đoạn trong một quyển sách, nay không còn mấy ai đọc nữa. Đoạn văn ấy nói về đời người giống như buổi dừng chân trên trái đất; nói về cái xứ sở mà đấng vĩnh cửu dành cho ta. Từ xưa, lời hứa hẹn ấy đã có tác dụng kỳ diệu đối với những con người giản dị; như một hồi kèn trận thúc giục, nó tăng cường lòng can đảm, nghị lực và tinh thần phấn khởi ở bất cứ nơi nào chỉ còn tuyệt vọng…” – trang văn đẹp như một giấc mộng của đời người, của khát vọng tự do và tái sinh.


Nguyên tác, được in lần đầu vào năm 1852.

Túp lều bác Tom trở lại

Tác phẩm “mạnh mẽ và trường tồn nhất từng được viết ra về chế độ nô lệ Mỹ –Túp lều bác Tom của nhà văn Harriet Beecher Stowe, bản dịch của Đỗ Đức Hiểu – vừa được Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học tái bản. Nhiều năm trước, tác phẩm này từng được phát hành với những phiên bản bìa khác nhau từ các đơn vị: Nhà xuất bản Kim Đồng, Đinh Tị Books, PandaBooks, Huy Hoàng Books…

Túp lều bác Tom là một trong những tác phẩm tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trên văn đàn Mỹ. Tác phẩm viết về chế độ nô lệ lẫn chính trị Mỹ và các cuộc nội chiến “Bắc Nam phân tranh” (giai đoạn 1860 – 1865) trên đất nước này. Khi ấy, miền Bắc nước Mỹ đã xóa bỏ chế độ nô lệ tàn bạo trong khi miền Nam vẫn duy trì.

Trong những đồn điền trồng bông ở miền Nam, nô lệ bị đối xử vô cùng tàn nhẫn. Họ bị người da trắng coi là “sinh vật biết nói” không có cảm xúc. Và bác Tom – một người nô lệ da đen trung thành, ngay thẳng, trọng danh dự – đã bị đánh cho đến chết chỉ vì bác từ chối đánh đập một nô lệ vô tội.

Bác Tom là đại diện điển hình cho những người da đen dưới chế độ nô lệ phi nhân tính, một đại diện của thân phận cùng khổ sống dưới gông cùm áp bức vẫn giữ trọn phẩm cách con người. Trong túp lều đơn sơ, vào những giờ phút bi đát tăm tối nhất của cuộc đời, người nô lệ khốn khổ ấy đã tựa vào Kinh Thánh, tựa vào những trang sách cứu rỗi, để gieo vào lòng người, thậm chí với kẻ ác, niềm tin và những giá trị tốt đẹp. Cuối cùng, bác trở thành biểu tượng nâng bước cho cuộc đấu tranh chống chế độ nô lệ, nâng bước cho muôn người khốn khổ đi tới.

Harriet Beecher Stowe lựa chọn cho các nhân vật hai con đường, như lời tuyên ngôn của nhân vật George trong tác phẩm: “Hoặc anh được tự do hoặc anh sẽ chết” – con đường đấu tranh để chạm đến tự do và con đường cam chịu, chấp nhận số phận.

Ngoài bác Tom, các nhân vật như chàng thanh niên George và những phụ nữ như Eliza, Cassy, Emilyn qua trang viết của nhà văn đã trở thành những “chính thể đại diện” để cất lên tiếng nói lầm than của thân phận nô lệ và cũng là tiếng nói của cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Sống – chết, tuyệt vọng – hy vọng, bế tắc – giải thoát… – những lần đặt cược sinh mệnh mình để đổi lấy sự sống tự do của những người da đen khốn khổ và hành trình chạy trốn của họ cùng nhen nhóm ngọn lửa tranh đấu cháy bừng cho con người trong cuộc đời thật.

Túp lều bác Tom có đóng góp lớn vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ trong những năm cuối thế kỷ XIX. Văn chương với sứ mệnh cao cả đã cùng góp phần tố cáo chế độ nô lệ vô nhân đạo. Không chỉ có những người da đen khốn khổ, tác phẩm còn xây dựng những tuyến nhân vật thuộc nhiều tầng lớp tiến bộ trong xã hội Mỹ, gửi gắm trong trang sách vẻ đẹp nhân văn của tình yêu thương, vị tha, bao dung và sự thấu hiểu giữa người da trắng đối với người da đen. Harriet Beecher Stowe là một phụ nữ da trắng, nhưng bà đứng về phía những người nô lệ, thay họ cất tiếng nói, thay họ đấu tranh. Với tác phẩm này, bà được xem là người phụ nữ da trắng trẻ tuổi đã góp phần vào chiến thắng của lực lượng tiến bộ đòi hủy bỏ chế độ nô lệ trên đất Mỹ.

Thanh âm của khát vọng tự do và sức sống mãnh liệt

Hơn một thế kỷ, Túp lều bác Tom vẫn là câu chuyện có giá trị vượt thời gian, với thanh âm của khát vọng tự do và sức sống mãnh liệt của con người, mãi mãi còn đồng vọng.

Để bảo vệ đứa con trai bé nhỏ không rơi vào tay kẻ buôn người, người mẹ Eliza đã bất chấp mọi gian khổ, hiểm nguy, ôm con trốn trong đêm. Đi trong đói khát và bị truy đuổi, nhưng cho dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh, người mẹ trẻ ấy vẫn lao về phía tự do. Đôi chân trần vượt qua dòng sông băng, đạp lên gai nhọn, vượt đường trường, sống chết có lúc chỉ trong gang tấc khi đứng ngay trong tầm bắn của kẻ buôn người máu lạnh… người mẹ ấy cuối cùng đã tìm thấy vùng đất tự do. Vẻ đẹp của sự tranh đấu cũng chính là vẻ đẹp của sự can trường, không khuất phục.

Cuộc trốn chạy của những nô lệ da den về miền đất hứa như một cuộc chạy đua với tử thần. Họ chiến đấu đến cùng với những kẻ săn đuổi mình nhưng cũng nhân hậu vô cùng khi không bỏ mặc gã buôn người bị thương nằm chờ chết bên đường. Họ cứu lấy sinh mệnh khốn khổ của bản thân nhưng cũng không từ bỏ sinh mệnh của kẻ có thể lấy mạng họ. Vẻ đẹp cao cả ấy thể hiện trong tác phẩm như một tiếng nói phản biện mọi luận điệu áp đặt của người da trắng lên người da đen lúc bấy giờ. Nó cho thấy nhân cách của người nô lệ da đen còn cao quý gấp mấy lần những tên chủ da trắng độc ác, những gã buôn người máu lạnh. Họ có nhân phẩm quý giá của nòi giống, của màu da, của dân tộc và trái tim họ, tràn đầy yêu thương, sức mạnh.

Harriet Beecher Stowe đã viết cuốn sách từ những gì bà đã mắt thấy tai nghe trong chế độ nô lệ tàn khốc: những cảnh buôn bán nô lệ thương tâm, mẹ phải lìa xa con, chồng phải rời bỏ vợ; những cảnh lao động khổ sai, mỗi ngày chén cơm phải đổi bằng máu và nước mắt… Tuy thế, bà cũng đã mở đường cho những con người khốn cùng ấy bằng thanh âm của tự do, tình yêu và hy vọng – những giá trị bất biến và là điểm tựa cho con người trong mọi bi ai, biến động của cuộc sống, của thời đại.

Túp lều bác Tom trở thành một biểu tượng cho phẩm cách, cho thân phận con người. Rất nhiều năm về sau, nhà văn Harriet Beecher Stowe mới nhắc đến hình mẫu nhân vật từ cuộc đời thật: Josiad Henson. Người đàn ông này từng là nô lệ, sau đó trở thành công dân tự do ở Canada, có số phận không khác bác Tom trong truyện.

“Đời người như buổi dừng chân trên trái đất” nhưng đó thật sự là những “buổi dừng chân vĩ đại”. Ngay cả trong bế tắc cùng cực, con người vẫn nhìn thấy những điều đẹp đẽ nhất. Ngay cả khi trái tim trống rỗng, vẫn phải tự mình thắp lên ngọn lửa của hy vọng bất diệt vì không có gì đẹp hơn tự do và sự sống này.

Nhà văn Harriet Beecher Stowe sinh ngày 14/6/1811 tại Connecticut, Mỹ. Sau đó, gia đình bà chuyển đến Ohio – một bang còn duy trì chế độ nô lệ sát miền Nam nước Mỹ. Chính hiện thực khốc liệt diễn ra ở nơi này đã trở thành chất liệu cho bà viết Túp lều bác Tom (tựa tiếng Anh: Uncle Tom’s Cabin hoặc: Life Among the Lowly).

Cũng ở vùng đất ranh giới hai miền Nam – Bắc này, từ năm 1840, bắt đầu có những người da trắng Mỹ với tư tưởng tiến bộ đã bí mật tổ chức những cuộc vượt biên giúp người nô lệ da đen bỏ trốn sang Canada – đất nước đã xóa bỏ chế độ nô lệ từ năm 1833.

Túp lều bác Tom được viết năm 1852 và nhanh chóng trở thành tác phẩm bestseller. Chỉ trong vài tháng sau khi phát hành, hàng trăm ngàn bản đã bán hết và ngay sau đó được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng. Tác phẩm được đánh giá là cuốn sách được đọc nhiều nhất vào thế kỷ XX, chỉ sau Kinh thánh. Khi gặp Harriet Beecher Stowe vào năm 1862, Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”. Nữ nhà văn qua đời vào ngày 1/7/1896.

Theo Bùi Tiểu Quyên/PNO