Vắc xin và vấn đề tiêm chủng vắc xin trong lịch sử Việt Nam

451

Lịch sử dịch tễ học Việt Nam không cho biết rõ người Việt bắt đầu biết đến vắc xin và tiếp cận với tiêm chủng vắc xin từ khi nào. Khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử kể cả nguồn tư liệu trong nước và tư liệu do người nước ngoài viết về Việt Nam giai đoạn từ nửa đầu thế kỷ 19 trở về trước, hầu như rất ít nhắc đến vấn đề vắc xin và tiêm chủng vắc xin.

1. Vắc xin vũ khí hữu hiệu chống dịch bệnh

Theo kiến thức y khoa, vắc xin (vaccine) là loại chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch chủ động đối với một số bệnh truyền nhiễm thông qua việc kích thích sự bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Vắc-xin giúp hệ miễn dịch của con người tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số loại bệnh. Từ đó nếu vi-rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ nhận diện và tìm cách chống lại.

Việc đưa vắc xin vào cơ thể người được gọi là tiêm chủng, tiêm vắc xin là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Trong một số đại dịch truyền nhiễm từng xảy ra trên thế giới, vắc xin đã trở thành vũ khí hữu hiệu để cứu nhân loại.

Cho đến nay lịch sử y học thế giới ghi nhận người đầu tiên đặt nền móng cho tiêm chủng vắc xin là Edward Jenner, một bác sĩ kiêm thành viên danh dự của Hiệp hội Hoàng gia London (Anh). Từ cuối thế kỷ 18 ông đã thành công với việc lấy chất liệu virus từ các ca bệnh đậu mùa của bò để tiêm cho người, tạo ra hệ miễn dịch chống lại bệnh đậu mùa ở người. Mặc dù Jenner không phải là người đầu tiên khám phá ra phương thức hoạt động của vắc xin nhưng ông là người đặt nền móng cho lĩnh vực miễn dịch học và dập tắt dịch bệnh đậu mùa, một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất từng xảy ra trong lịch sử.


Tranh minh họa bác sĩ Edward Jenner đang tiêm chủng đậu mùa cho một bệnh nhân nhi. Nguồn: Sưu tầm

Đến hết thế kỷ 19 con người đã chế ra 5 loại vắc xin chống lại các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: đậu mùa, thương hàn, dịch hạch, dịch tả và bệnh dại. Sang thế kỷ 20 hàng loạt bệnh truyền nhiễm gây chết người nhất là đối với trẻ em đã được khống chế bởi vắc xin như: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, lao… Cho đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố danh sách 26 căn bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng vắc xin.

Mới đây nhất vắc xin phòng bệnh Covid-19, một loại bệnh do coronavirus gây ra với hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng đã được nhiều quốc gia và các liên minh y dược trên thế giới nghiên cứu phát triển ở nhiều giai đoạn và trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Vắc xin phòng Covid-19 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm sự lây lan, mức độ nghiêm trọng và tử vong do chúng gây ra. Theo công bố của WHO tính đến tháng 7 năm 2021 đã có 20 loại vắc xin được cấp phép sử dụng rộng rãi để phòng ngừa căn bệnh này trên toàn thế giới.

2. Vắc xin được sử dụng tại Việt Nam từ khi nào?

Lịch sử dịch tễ học Việt Nam không cho biết rõ người Việt bắt đầu biết đến vắc xin và tiếp cận với tiêm chủng vắc xin từ khi nào. Khảo cứu các nguồn tư liệu lịch sử kể cả nguồn tư liệu trong nước và tư liệu do người nước ngoài viết về Việt Nam giai đoạn từ nửa đầu thế kỷ 19 trở về trước, hầu như rất ít nhắc đến vấn đề vắc xin và tiêm chủng vắc xin. Các tư liệu giai đoạn sau đã có nhiều ghi chép về việc sử dụng vắc xin phòng ngừa bệnh tại Việt Nam như đậu mùa, dịch hạch, bệnh dại[1]…

Việc đưa vắc xin vào sử dụng và thực hiện tiêm chủng rộng rãi tại Việt Nam xuất phát từ các bác sĩ phương Tây, đặc biệt là người Pháp. Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới giai đoạn từ thế kỷ 19 trở về trước hầu như phải đối mặt với căn bệnh đậu mùa hoành hành và con số người chết hàng năm đều rất lớn. Không ai có thể quên câu chuyện đau lòng trong lịch sử đó là cái chết của Hoàng tử Cảnh con trưởng của vua Gia Long khi mới 21 tuổi cũng bởi căn bệnh quái ác này. Có lẽ thời điểm đó Việt Nam chưa biết đến loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa. Ngay cả vua Tự Đức thời niên thiếu cũng đã mắc bệnh đậu mùa và di chứng là việc ông không thể có con nối dõi. Một số tư liệu lịch sử cho rằng vua Tự Đức giữ được mạng sống là bởi ông đã được chủng ngừa vắc xin đậu mùa.

Vậy việc tiêm chủng vắc xin tại Việt Nam bắt đầu từ khi nào? Cho đến nay các nghiên cứu đều khẳng định vắc xin lần đầu tiên được sử dụng để tiêm chủng rộng rãi tại Việt Nam là dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và căn bệnh được chữa trị đầu tiên là bệnh đậu mùa. Theo các nghiên cứu, năm 1820 vua Minh Mạng đã cử bác sĩ hải quân Jean Marie Despiau, một thành viên trong đội Ngự y của triều đình đến Ma Cao để tìm kiếm thuốc chữa bệnh đậu mùa cho người dân. Vào thời đó chưa có phương tiện để bảo quản vắc xin nên phải dùng phương pháp truyền từ người sang người. Vì vậy Despiau đã mang theo những đứa trẻ cấy vi rút vào cánh tay chúng, đợi phát bệnh nổi đậu ngoài da đem mủ cấy qua người khác và cứ tiếp tục như vậy. Đầu năm 1821 Despiau đã về tới Huế và bắt đầu chủng ngừa cho các con của Minh Mạng[2].


Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại Hà Nội đầu thế kỷ 20.

Sau đó việc chủng ngừa rộng rãi tại Việt Nam đã dần được thực hiện. Một bản Tấu của Viện Cơ mật thời vua Thành Thái trong Châu bản triều Nguyễn cho biết: Một vị bác sĩ cao cấp người Pháp đã đề nghị Tòa Khâm sứ nên khen thưởng cho hai thầy thuốc người Việt Nam là Nguyễn Ức và Phan Văn Kiện vì đã đi khắp vùng trực kỳ để chủng đậu cho người dân. Theo ông này thì từ năm 1895 đến năm 1898 dương lịch hai thầy thuốc người Việt đã thực hiện chủng đậu cho tất cả 9803 người. Viện Cơ mật đã xem xét tuân theo phê chuẩn của vua Thành Thái ban thưởng cho các viên này hàm Tòng cửu phẩm, để tỏ rõ sự khuyến khích[3].

Trong một Châu bản khác dưới thời vua Tự Đức cho thấy triều đình đã nhiều lần cử người đi học về chủng đậu và sau khi học xong đều phải làm báo cáo trình lên nhà vua. Người đi học được cấp tiền, lương bổng, sau một thời gian hành nghề sẽ được ban thưởng phẩm hàm xếp vào ngạch quan.

Tuy nhiên việc chủng đậu không phải địa phương nào cũng làm tốt và hậu quả của việc này là trong trận đại dịch năm 1888 dưới thời vua Đồng Khánh, hai huyện Mộ Đức và Bình Sơn thuộc phủ Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi bị dịch đậu mùa chết đến 13.934 người. Quan tỉnh ấy vội tư trình lên Viện Cơ mật đề nghị nhờ Khâm sứ Pháp cử bác sĩ đến chủng đậu. Viện Cơ mật cho rằng quan tỉnh ấy lơ là vô trách nhiệm để dịch xảy ra đến 9 tháng mới báo cáo, vì vậy đã truyền chỉ trách phạt[4].

Dưới triều Nguyễn khá nhiều thầy thuốc đã được khen thưởng vì tích cực chủng đậu cho người dân như trường hợp lương y Trần Văn Tạo ở Phú Yên trong 3 năm đã chủng đậu cho hơn 3000 người và được vua Thành Thái khen thưởng xét bổ hàm Tòng cửu phẩm, Bùi Quang Phương với việc chủng đậu đắc lực đã được thưởng hàm Tòng bát phẩm…

Tài liệu phông Nha Kinh lược Bắc kỳ và Nha huyện Thọ Xương của Hà Nội cũng cho thấy giai đoạn cuối thế kỷ 19 hàng loạt tờ trát sức của Kinh lược sứ và Tri huyện Thọ Xương gửi xuống các địa phương đốc thúc các xã thôn đưa trẻ em đi tiêm chủng đậu. Thậm chí quan lại các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu dân không chủng ngừa đầy đủ và để xảy ra dịch bệnh sẽ phải trị tội rất nặng.

Có thể nói vắc xin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm. Trong lịch sử thế giới vắc xin và tiêm chủng vắc xin được được sử dụng từ khá sớm, thậm chí thế kỷ 18 việc chủng ngừa rộng rãi đã được thực hiện ở Châu Âu. Tuy nhiên, tại Việt Nam phải đến nửa đầu thế kỷ 19 vắc xin mới được biết đến và dần được sử dụng. Thế nhưng, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam đã ngày càng tiệm cận với thế giới trong các hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy các dịch bệnh nói chung hầu hết đã được ngăn chặn và khống chế.

Theo Nguyễn Thu Hoài/Vanvn

Nguồn tài liệu tham khảo:

1. Website của UNICEF và WHO.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

3. Nguồn ảnh: anhxua.vn


[1] Việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng bệnh dịch hạch và bệnh dại tại Việt Nam gắn với tên tuổi hai nhà khoa học nổi tiếng người Pháp là Alexandre Yersin và Louis Pasteur. [2] Theo Gaide, Y học châu Âu tại An Nam xưa và nay, BAVH 8/1921 và C. Michele Thompson, Vietnamese Traditional Medicine: A Social History, 2015. Tuy nhiên các nguồn sử liệu chính thống của Việt Nam như Châu bản triều Nguyễn hay Thực lục đều không tìm thấy các ghi chép về sự kiện này. [3]Châu bản triều Thành Thái, tập 37/163. [4] Châu bản triều Đồng Khánh, tập 5/340.