Vài cảm nghĩ về sách ‘Bài Luân Vũ Giao Cảm Thi Ca – Cảm Nhận Văn Học II’ của Nguyên Bình

135

Châu Thạch

(Vanchuongphuongnam.vn) – Luân vũ là từ Hán Việt, có nghĩa là một điệu múa vòng tròn. Nhà thơ Nguyên Bình vừa xuất bản tập sách cảm nhận văn học thứ hai của ông với tựa đề “Bài Luân Vũ Cảm Nhận Thi Ca”, tôi hiểu chung chung tập sách mang ý nghĩa là một giai điệu mà ông cảm xúc viết lên từ mỗi bài thơ, hòa âm tất cả giao cảm của ông với thơ để viết nên cảm nhận ấy trong tập sách này.


Nhà thơ Nguyên Bình.

Nguyên Bình tên thật Nguyễn Bá Bĩnh, hiện ở Bà Rịa – Vũng Tàu, là một nhà thơ, một cây bút bình thơ được mến mộ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và bình thơ gây tiếng vang trên diễn đàn văn học. Quan niệm về bình thơ của ông như ông đã tâm sự đăng ở lời nói đầu của sách là “Tôi yêu thơ và trái tim tôi rung cảm trước vẻ đẹp của những vần thơ mà các bạn dâng tặng cho đời từ trái tim các bạn”, “Những gì tôi viết thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình”, “Đó là mục đích của tập sách nầy, nơi ghi lại ngọn nguồn cảm xúc khi tôi đọc những vần thơ tôi yêu”.

Quả thật, Châu Thạch tôi rất tâm đắc với quan niệm về bình thơ của Nguyên Bình. Hàn Mạc Tử nói “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng, xung quanh người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến- Làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai…” thì người bình thơ cũng vậy. Người bình thơ cảm nhận cái trong trẻo, cao cả, vô biên và vô lượng mà thi nhân tả lại của đất trời hòa điệu với hồn mình, nên cũng phải đem cái “thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình” để bài bình thơ của mình cũng thành một bài thơ không vần, không khô khan, làm cho người đọc cảm nhận sâu xa hơn, tận gốc rễ bài thơ mà mình đang bình, gởi vào đó chính tâm hồn của mình để lột tả tâm hồn tác giả của bài thơ, mà họ đã chất chứa trong thơ của họ.


Tập “Bài Luân Vũ Giao Cảm Thi Ca – Cảm Nhận Văn Học II” của Nguyên Bình

Với quan niệm bình thơ như thế, nhà thơ Nguyên Bình đã đi vào thơ của mọi tác giả với phong cách như là khách ngao du, thưởng thức và ghi lại mọi cảm xúc của mình. Nhà thơ nhìn bài thơ như nhìn một vườn hoa biết bao nhiêu hương và sắc để nói về màu và độ thơm của nó chứ không phải nhìn bài thơ như một công trình kiến trúc để đếm độ cao mấy tầng của nó. Nhà bình thơ Nguyên Bình nhận định thơ với tâm hồn thi sĩ chớ không phải nghiệm thu thơ để phải tháo ráp thơ ra như tháo ráp từng cơ phận của một cổ máy nào để khen, để chê, để bày hay để góp ý.

Bởi quan niệm bình thơ không phải là thầy dạy làm thơ và đọc thơ, bình thơ không phải là khen và chê thơ, mà bình thơ là diễn tả những rung động của tâm hồn mình khi hiểu thơ, hòa nhập với thơ và thăng hoa trong thơ, không khác gì diễn tả cơn say khi men rượu thấm trong thịt da mình. cho nên đọc những bài bình thơ của Nguyên Bình, tôi cứ tưởng tượng như mình đi trên thuyền hoa vào miền thắng cảnh, nhìn cảnh vật trong thơ, nghe tiếng gió của thơ và ngửi hương thơ thơm ngát trong mỗi bài thơ như ngửi hương của từng vườn hoa khác biệt, của từng loại hoa khác biệt nhau.

Tập sách “Bài Luân Vũ Của Giao Cảm Thi Ca” viết về thơ của 32 tác giả. Tất nhiên dưới con mắt biết chọn lựa của Nguyên Bình, thơ của những nhà thơ ấy không dỡ bao giờ, và dưới cây bút điêu luyện của ông đã mở bình hoa thơ cho thứ hương thơm dịu, thứ hương ngào ngạt tự do bay ra. Người viết bài nầy rất tiếc không thể dẩn chứng cụ thể, bởi khó mà viết ra được những ẩn chứa trong những bài bình thơ dài, bằng một bài viết ngắn vài trang của mình, trừ trường hợp bạn đọc mở cửa bước vào tập sách thanh tao kia, để hồn mình đi trên đôi bờ giấy, qua từng trang thơ thơ, là những trang viết về thơ của một tâm hồn thơ Nguyên Bình, thì bạn đọc chắc chắn sẽ thỏa lòng vì sẽ được đi trong “nguồn trong trẻo, vô biên, vô lượng, vây phủ bởi trăm giây quyến luyến” mà thơ của 32 tác giả và lời bình thơ của Nguyên Bình đem đến cho bạn.

C.T