Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tạp chí Văn nghệ (1948 – 1954) và tiền thân của nó là Tiên phong (1945 – 1946) hiện diện như một chứng tích Văn nghệ, có đóng góp quan trọng đối với công cuộc xây dựng nền văn học mới, dưới một chính thể mới. Tiên phong là cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943). Tờ bán nguyệt san này mặc dù chỉ tồn tại có hai năm, nhưng đã tập hợp các Văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa, hướng hoạt động của giới trí thức dân tộc vào việc xây dựng một nền văn hóa mới. Không ít tên tuổi xuất hiện trên tạp chí Tiên phong đã đi vào văn học sử như những người sáng lập nền văn học Việt Nam dưới chế độ mới.
Có rất nhiều tác phẩm đầu tiên của thời kì văn học mới sau 1945 đã được đăng tải, điểm bình trên tạp chí này, tiếc là cũng chỉ một ít tác phẩm trong số đó được nhắc đến, hoặc in lại trong các tuyển tập văn học về sau. Tiếp nối sứ mệnh của Tiên phong, năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam, ra đời. Văn nghệ là tạp chí nghị luận và sáng tác có sức thu hút cao Văn nghệ sĩ tâm huyết trao đổi, luận bàn về những vấn đề thiết cốt của sáng tạo, lí luận, phê bình, đào tạo nghệ thuật, là một diễn đàn phản ánh rõ nét nhất diện mạo sôi động và thành tựu phong phú, bề thế của văn học kháng chiến chống Pháp, của báo chí cách mạng. Hai tạp chí Tiên phong và Văn nghệ trong thời gian tồn tại đã đăng nhiều tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại khác nhau. Bài viết này chỉ đề cập đến thể kí đăng trên hai tạp chí này.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, các nhà văn đến với cách mạng sớm nhất như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Xuân Diệu, Kim Lân… đã có các bài kí phản ánh những đổi thay đang diễn ra ở miền núi và miền xuôi, ở làng quê và thành thị đăng trên tạp chí Tiên phong. Có thể kể là: Ở chiến khu, Ý nghĩa về một sáng mùa thu, Ngày mùa của Nguyễn Huy Tưởng; Tết Độc lập thứ nhất, tết trung cổ cuối cùng, Một cuộc hành hình, Tổ quốc của Xuân Diệu; Rãnh cày nổi giận của Mạnh Phú Tư; Lúa mới, Ấp Đồi Cháy của Nguyên Hồng; Thư gửi cho em ở nhà quê, Đường lên Cung Sơn, Nhật kí đường trong của Tô Hoài…
Tạp chí Tiên Phong – Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, số 1 ra ngày 10/11/1945 đăng toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Những đổi thay của đất nước sản sinh ra một lớp nhà văn ra đời và trưởng thành trong hoàn cảnh mới. Tác phẩm kí của họ thường được viết ngắn, giản dị, dễ hiểu, ghi lại những chuyện xúc động, phần lớn là có thật, nhằm vào mục tiêu động viên toàn dân kháng chiến, giáo dục lòng yêu nước – chí căm thù. Tiêu biểu là Trút vỏ trí thức, Chiến sĩ vô Nam, Nghe mõ trong làng, Anh Mười Nhị, Đôi mắt bà Trùm Thống của Minh Đạo; Đi qua miền Trung của Phạm Sinh; Cách mạng nhà quê của Phương Hoa; Họ ra đi của Lưu Quý Kỳ; Ngày hội của lòng em của Nguyễn Văn Bổng; Một lần tới thủ đô của Trần Đăng; Một chiều Hà Hải của Lân Hồ…
Kháng chiến đã tạo ra một nếp sống và nếp sáng tác mới cho các nghệ sĩ. Nhiều nhà văn lăn lộn ở chiến trường, bám sát bước chân bộ binh, những trận đánh, những chiến dịch. Nhiều nhà văn cần cù ghi chép sự việc, tâm tư tình cảm, diễn biến hàng ngày ngay trên những chặng đường hành quân, luyện tập, trú quân… Từ đó ra đời nhiều tác phẩm kí xuất sắc. Chẳng hạn, Voi đi của Siêu Hải miêu tả lại cuộc hành quân chuyển pháo của bộ đội, góp phần làm nên chiến thắng Sông Lô 1947. Bài kí thể hiện sự quyết tâm, thông minh sáng tạo của chiến sĩ trong việc dùng sức người và sức trâu để chuyển khẩu pháo lớn về trận địa. Cách viết giản dị, chân thực, sinh động, vui tươi. Hình ảnh người lính hiện lên khỏe khoắn, gần gũi với những nét riêng thú vị.
Sáng tác kí nổi lên ở giai đoạn đầu gắn liền với các chuyến đi chiến dịch. Nguyễn Tuân sau một thời gian day dứt “lột vỏ” đã tích cực có mặt trên những “đường vui”: từ khu Bốn ra Việt Bắc, lại vào khu Bốn, ra khu Ba, qua Sơn Tây, đi Tây Bắc, về Bắc Kạn… Tuy cuộc sống nhiều gian khổ đã có lúc khiến Nguyễn Tuân bực bội vì thiếu “chân giời”, vì cái màu “xanh vĩnh viễn”, “xanh tất cả” của núi rừng Việt Bắc, nhưng nhà văn đã nhập cuộc và hứng khởi viết những bài kí có giá trị. Ba bài kí Bàn đạp, Lửa sinh nhật và Đời lại mấy mươi tuổi ghi lại một số cảm giác cảm xúc của Nguyễn Tuân trong chuyến thực tế cùng một số Văn nghệ sĩ đi theo đơn vị bộ đội được giao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Đại Bục vào tháng 5/1949.
Nam Cao cũng ghi lại niềm vui lớn của chiến thắng Biên giới. Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng có những chi tiết, hình ảnh sống động: bầu trời biên giới bát ngát, không còn vẩn đục bóng đen quân thù, cuộc sống tự do trở về với mỗi làng xóm, mỗi cuộc đời. Và quan trọng hơn là không khí tươi vui trong những ngày Cao – Bắc – Lạng vừa được giải phóng. Nam Cao còn có đóng góp trong mảng kí viết về hậu phương kháng chiến, về căn cứ địa Việt Bắc, về hoạt động của cán bộ kháng chiến như Ở rừng, Từ ngược về xuôi, Trên những con đường Việt Bắc. Nhiều trang cảm động, nhất là những trang nhật kí ghi lại sự băn khoăn và bước chuyển mình quan trọng từ người trí thức cũ thành người cán bộ cách mạng, thành nhà văn – chiến sĩ Nam Cao.
Tô Hoài theo chiến dịch Biên giới, khám phá ra những khó khăn về thiên nhiên, địa hình, thời tiết của miền núi cao mà các chiến sĩ phải trải qua. Vượt Tây Côn Lĩnh rồi Đại Bục, Đại Phác mở màn ghi lại những trận đánh mở đầu cho thắng lợi của chiến dịch Sông Thao. Trong Vượt Tây Côn Lĩnh, chúng ta thấy cái địa thế thiên nhiên khủng khiếp, sức chịu đựng và tinh thần quả cảm của người lính cách mạng. Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao gần ba ngàn mét thuộc tỉnh Hà Giang – bình phong thiên nhiên ngăn Hoàng Su Phì phía Tây với Cổng Trời phía Đông. Núi đá trọc, quanh năm rét cóng, không cỏ cây, không người ở. Một đơn vị bộ đội Lao Hà ngày 25/7/1948 đã vượt Tây Côn Lĩnh vào địa phận Hoàng Su Phì đánh Pháp bằng lòng quả cảm phi thường. Dưới hình thức nhật kí của T.H, Đại đội trưởng chỉ huy cuộc hành quân, tác giả đã dựng nên cảnh bộ đội hành quân, leo núi, ngủ núi rất cụ thể, sinh động, chân thực nhưng cũng rất giàu cảm xúc.
Có thế nói, sự thâm nhập và tham gia vào các chiến dịch, ăn ở, hành quân với bộ đội đã giúp các nhà văn chuyển tải được một cách chân thực những khó khăn, vất vả và sự hi sinh gian khổ của người lính. Trong mảng kí thời kì này, những trang viết của Trần Đăng có vị trí đặc biệt. Trần Đăng – một sinh viên luật nhanh chóng trở thành người lính Vệ quốc, đã tiến hành cuộc đi liên tục trong quãng đời văn ngắn ngủi của mình, chỉ trên dưới ba năm mà có Lúa mới, Trận Phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị… Kí của Trần Đăng có sự kết hợp khá nhuần nhị giữa khả năng miêu tả sắc sảo cuộc sống khách quan và việc phân tích nội tâm nhân vật, giữa lí trí tỉnh táo và tình cảm nồng nàn ấm áp, giữa những chi tiết chân thực, sinh động và năng lực khái quát hóa bản chất cuộc sống. Nhờ vậy mà những cảm nghĩ của tác giả vừa sâu sắc vừa rạo rực, tha thiết. Kí của Trần Đăng thiên về đời sống chiến đấu, về phẩm chất anh hùng của nhân dân ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương. Tác giả có tài quan sát, ghi chép kĩ, thông minh và nhạy cảm. Một cuộc chuẩn bị đã ghi được những nét tiêu biểu về không khí của một cuộc chuẩn bị chiến đấu. Các cán bộ chỉ huy quây quần bên sa bàn. Mỗi người với tâm trạng phấn chấn khi được nhận nhiệm vụ chủ công. Những trò vui Văn nghệ của đồng đội để ngày mai ra trận… Những nét sinh hoạt đó gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một bức tranh chung, hấp dẫn. Trần Đăng không đứng ngoài quan sát, ghi chép mà nhập cuộc cùng đồng đội để chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn và cảm phục, yêu mến chiến sĩ, nên hình ảnh họ hiện lên rất chân thật với những tâm hồn cao đẹp. Đây được coi là những thành công đầu tiên về khắc họa hình ảnh người lính cách mạng trong văn học.
Nhắc đến văn học kháng chiến còn phải kể đến những tác phẩm kí viết về sự đổi thay đời sống ở các vùng nông thôn sau Cách mạng. Những người nông dân từ thân phận của người dân mất nước, cam phận làm nô lệ giờ đây đã trở thành những người làm chủ, tích cực tham gia sản xuất, chấp hành tốt các chính sách để bảo vệ và phát triển chế độ mới. Trên Tiên phong đã xuất hiện nhiều tác phẩm kí về đề tài này như Rãnh cày nổi giận của Mạnh Phú Tư, Nhành lúa reo của Nguyễn Văn Tỵ, Lúa mới của Nguyên Hồng, Tăng gia sản xuất của Hoài Thanh, Chị em đồng ruộng của Nguyệt Tú, Tình trâu và tình người của Nhật Tĩnh, Ngày mùa của Nguyễn Huy Tưởng… Cuộc cách mạng dân chủ, phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng diễn ra trên nhiều vùng nông thôn, bắt nhịp với bước phát triển của cuộc kháng chiến chuyển sang tổng phản công đã mở ra một bối cảnh mới cho người viết thâm nhập, thôi thúc họ kịp thời có những sáng tác về một vùng đề tài vừa quen thuộc vừa bỡ ngỡ. Những đợt thâm nhập thực tế theo phương thức của người cán bộ quần chúng – cùng ăn, cùng ở, cùng làm – đã giúp cho người viết thấm thía hơn những tội ác và sự bóc lột của giai cấp địa chủ. Từ đó họ có thể đi sâu và làm sáng tỏ thêm nguyên nhân những nỗi khổ mà người nông dân phải chịu đựng hàng nghìn đời. Trên nhận thức mới về đấu tranh giai cấp, từ sự gắn bó và tình cảm chân thành, xúc động đối với người nông dân, văn xuôi chứng kiến sự xuất hiện dồn dập một loạt kí như Lúa mới (1948) của Trần Đăng, Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng (1950) của Nam Cao, Đồng bằng và thủ đô anh dũng (1951), Bóng nó còn bám lấy xóm làng (1954) của Nguyễn Tuân, Thửa ruộng vỡ hoang (1954) của Xuân Trường… Có thể nói, cùng với sự mở rộng phạm vi mô tả, kí về mảng đề tài này đã góp phần làm sáng rõ một hình thái độc đáo của cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam, đem lại cho người đọc hôm nay một chân dung trung thực về người nông dân với kháng chiến, người nông dân với cách mạng.
Nhìn chung kí trên Tiên phong và Văn nghệ phát triển mạnh, đặc biệt là thời kì đầu cuộc kháng chiến. Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng, Nam Cao… đã để lại nhiều tác phẩm kí có giá trị. Trên cương vị của những phóng viên mặt trận, các nhà văn đã lăn lộn với đời sống chiến trường, ghi chép, quan sát, miêu tả… Những bức tranh về đời sống hiện ra chân thật, không màu mè, tô vẽ. Có lúc nó không tránh khỏi tình trạng thiếu chọn lọc hoặc rơi vào lối miêu tả tự nhiên chủ nghĩa, nhưng nhìn chung cảm hứng và chất liệu là thực.
Là thể loại xung kích có tác dụng mở đường cho văn học cách mạng, kí có thể sánh với thơ ca, nhanh nhạy, kịp thời và năng động. Kí xuất hiện do yêu cầu phản ánh cuộc sống đang diễn ra khẩn trương, gấp gáp, là thể loại được vận dụng có hiệu quả, nhất là trong điều kiện nhà văn là người chiến sĩ, vừa cầm bút lại vừa cầm súng. Ở đây nhà văn không cách xa cuộc sống mà là người quan sát, chứng kiến và tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh cách mạng, hòa mình với quần chúng, để – nói như Xuân Diệu là – “cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” với nhân dân.
Theo Trần Văn Trọng/VNQĐ