Vai trò của báo chí truyền thông đối với hoạt động phê bình văn học ngày nay

458

Truyền thông (medium/media), theo định nghĩa của Wilbur Schramm, là công cụ đặt vào giữa quá trình, hoạt động giao tiếp nhằm khuếch đại và kéo dài việc đưa tin trong không gian và thời gian. Bộ phận hạt nhân của truyền thông là truyền hình, phát thanh, điện ảnh, báo chí trung ương, có độ phủ sóng toàn xã hội; bộ phận ngoại biên như các phương tiện sách, báo, tạp chí in, báo điện tử… được phủ sóng trong một phạm vi có chọn lọc hơn; bộ phận văn hóa đô thị như họp báo, giới thiệu sách mới thường chỉ có tại đô thị lớn… Truyền thông trở thành một công cụ quyền lực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiếp nhận và phê bình văn học.

Phê bình văn học với tư cách một khoa học về văn chương bắt đầu từ thế kỉ XVIII, phát triển mạnh mẽ trong thế kỉ XX, từ Tây phương đã nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu. Tương ứng với các hình thái và giai đoạn phát triển của văn học, phê bình văn học cũng có những trường phái, trào lưu riêng và trải qua những mốc phát triển đáng chú ý.

Có thể nói, thế kỉ XX đã chứng kiến sự ra đời của một loạt trào lưu và khuynh hướng phê bình từ phương Tây như: phê bình marxist, chủ nghĩa hình thức, phê bình Mới, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, chủ nghĩa tân lịch sử, thi pháp học, phong cách học, diễn ngôn học, tu từ học… Các khuynh hướng này cạnh tranh, bổ sung nhau, cung cấp nền tảng lí luận phong phú cho việc tiếp cận các hiện tượng văn học, khắc phục dần các nhận thức ấu trĩ, giáo điều.

Tại Việt Nam, tiếp nối các khuynh hướng phê bình tiêu biểu trước đây như phê bình xã hội học marxist, phê bình thi pháp học, phê bình văn hóa học, phê bình sinh thái…, đã xuất hiện một hình thái phê bình mới là phê bình truyền thông: kết hợp hiệu quả giữa văn học và báo chí truyền thông, mang lại sức sống mới cho nền văn nghệ đất nước.

Báo chí truyền thông đã thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ tới phê bình văn học thông qua các hình thức khác nhau: giới thiệu sách hay, điểm sách mới, tọa đàm, giao lưu giữa tác giả và độc giả, lồng ghép tổ chức sự kiện… Đặc biệt, sự phát triển của mạng xã hội đã góp phần đại chúng hoá hoạt động phê bình văn học, giúp cho nhiều cá nhân tự tin và có cơ hội thể hiện quan điểm của mình hơn. Với chức năng đưa tin, tạo các diễn đàn, định hướng dư luận, đánh giá chung, bày tỏ quan điểm, chính kiến…, tính chất thông tấn nhanh nhạy của các loại hình báo chí đã tạo ra môi trường phê bình rộng rãi, tăng cường tính dân chủ cho các hoạt động phê bình văn học.

Trên các kênh truyền hình chính thống, chuyên mục giới thiệu, phê bình sách, điểm sách hay trong và ngoài nước đã trở thành một món ăn tinh thần bổ ích và thường xuyên đối với người xem. Chương trình Mỗi ngày một cuốn sách trên VTV1 mang đến cho độc giả những cuốn sách chất lượng, do những nhà xuất bản hàng đầu phát hành, với đa phần là đầu sách văn học. Chuyên mục này cũng mở riêng trang web moingay1cuonsach.com.vn để tạo thêm một kênh quảng bá, giới thiệu sách hay đến bạn đọc. Tạp chí Văn nghệ online của Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiều chuyên mục phong phú, góp thêm một địa chỉ cho phê bình văn học trên các phương tiện báo đài. Các trang báo điện tử uy tín như VnExpress, Dân trí… luôn cập nhật thông tin về tình hình văn học trong và ngoài nước, giới thiệu những cuốn sách mới ra mắt một cách nhanh nhất, tăng cường những diễn đàn trao đổi, tranh luận cho các nhà phê bình, xoay quanh những hiện tượng văn học cũ và mới trong và ngoài nước (trên VnExpress còn dành riêng một mục đặt tên là E-văn cho văn học nghệ thuật). Tạp chí chuyên ngành xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành địa chỉ quen thuộc để giới nghiên cứu công bố các công trình của mình. Bên cạnh các ấn phẩm giấy, hầu hết các tạp chí đều mở thêm tạp chí online, lập website để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại công nghệ (Tạp chí Văn nghệ Quân đội có trang vannghequandoi.com.vn, Tạp chí Sông Hương có trang tapchisonghuong.com.vn, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật có trang vhnt.org.vn, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ có trang vanhoctuoitre.com.vn…)

Không gian phê bình đã mở rộng các đường biên; quan niệm về chức năng, vị trí của phê bình cũng dần thay đổi. Từ chỗ chỉ dành cho những người có học hàm, học vị, có tiếng nói trong nghiên cứu, nay phê bình văn học đã chuyển hướng về gần hơn đông đảo độc giả. Sự trợ lực của truyền thông góp phần đại chúng hoá các hoạt động phê bình văn học, giúp cho nhiều cá nhân tự tin và có cơ hội thể hiện quan điểm của mình hơn so với trước đây. Ví dụ như chương trình Cuốn sách của tôi đang được phát sóng trên VTV7, có thời lượng 15 phút mỗi số, do Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Điểm đặc biệt là những cuốn sách truyền cảm hứng sẽ được lựa chọn và giới thiệu bởi độc giả. Mỗi người đọc sẽ nói về ảnh hưởng của cuốn sách đối với họ, lí do họ yêu thích cuốn sách và những gì được chuyển tải trong sách đã giúp họ thay đổi cuộc sống của mình như thế nào… Trên nhiều tạp chí online hay ấn phẩm giấy, chuyên mục Ý kiến bạn đọc được quan tâm thực hiện, là nơi để bạn đọc bình dân đưa ra quan điểm, nhận xét cá nhân về các hiện tượng văn học, các tác phẩm văn học mà họ quan tâm. Không chỉ thế, các trang mạng xã hội như blog, facebook, zalo… cũng có thể trở thành diễn đàn để các cá nhân tự do phát ngôn và khoác lên mình vỏ bọc của những nhà “phê bình tự phong”. Chưa bao giờ, phê bình văn học lại rôm rả và có nhiều “đất” như ngày nay. Báo chí và truyền thông đã tạo nên bệ phóng cho các hoạt động phê bình văn học ngày càng phát triển rực rỡ, là đòn bẩy để các lĩnh vực văn hoá tư tưởng của xã hội được khai phóng và mở rộng không ngừng.

Nhưng bên cạnh những ưu thế về tốc độ và sự lan toả, phê bình truyền thông vẫn còn vấp phải những hạn chế chưa khắc phục được. Để bước vào thế giới của tác phẩm, người đọc nói chung, người làm hoạt động phê bình nói riêng càng không thể vội vàng hay hời hợt. Người làm phê bình cần phải có sự nghiền ngẫm để cảm nhận thông điệp mà tác phẩm đưa ra, cần thời gian để thẩm thấu và phân định các giá trị, cần năng lực để có thể phân tích và chỉ ra những điểm hay dở của tác phẩm. Nhưng tất cả những điều đó dường như chưa được thực hiện trọn vẹn bởi sự tham gia ồ ạt, không chọn lọc của truyền thông. Nhiều tác phẩm được truyền thông tâng bốc, tung hô quá đà lại chưa hẳn là những tác phẩm chất lượng (ví dụ trường hợp các tác phẩm được báo chí quảng bá như hồi kí Một đời giông bão của diễn viên Thương Tín, tự truyện Phút 89 của cầu thủ Lê Công Vinh… khi ra mắt đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ vì những sự thật trần trụi được phơi bày trong các tác phẩm này). Hiện tượng “đọc xổi”, “phê bình ảo”, nhập nhèm giữa các giá trị, sự thực dụng của một bộ phận báo giới… khiến cho hoạt động phê bình văn học không còn giữ được sự trang trọng, tính học thuật và sự nghiêm cẩn như trước.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ của truyền thông đại chúng chủ yếu là ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ đời thường, chưa có nhiều điều kiện để gọt giũa về ngôn ngữ chuyên môn. Nhiều bài phê bình sử dụng thứ ngôn ngữ còn non kém, ngô nghê về mặt học thuật, chưa kể những sai sót cơ bản về chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, diễn đạt… Ngoài ra, sự thịnh hành của phê bình trên mạng và các blog cá nhân dù làm gia tăng tính đối thoại nhưng lại dễ sa vào áp đặt, quảng cáo, mưu cầu lợi ích kinh tế, rất dễ bị công chúng quay lưng. Chưa kể không gian ảo của báo mạng còn khiến cho một số ý kiến phát ngôn ẩn danh dễ đi vào suy diễn, lời lẽ thiếu tôn trọng đối tượng phê bình, ảnh hưởng đến chất lượng phê bình.

Như vậy, phê bình văn học có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học, xác lập nền tảng lí luận cho sáng tác, thúc đẩy nhà văn tích cực tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mới theo hệ thống quan điểm xã hội – thẩm mĩ do nó thiết lập. Hoà trong xu thế phát triển của các khuynh hướng phê bình hiện đại, phê bình truyền thông là sự kết hợp giữa văn học và báo chí, mang lại cho văn học những cơ hội mới để chuyển mình nhưng đồng thời cũng có những thử thách không dễ vượt qua. Điều này đặt ra yêu cầu có tính cấp thiết đối với việc tạo lập và duy trì một môi trường truyền thông có văn hoá, có chiều sâu, tạo đà cho phê bình văn học phát triển hơn.

Theo Trần Thị Hồng Hoa/VNQĐ