Vàm kênh ông Nghệ – Truyện ngắn của Phương Đình

599

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trên chiếc giường gỗ ở chái nhà sau, Tư Tâm đang ngủ say sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bỗng có tiếng động khiến Tư khẽ tỉnh ngủ. Chiếc giường Tư nằm chợt kêu răng rắc như phải chịu thêm một sức nặng. Định thần lại, Tư nghe rõ tiếng gọi nhỏ quen quen qua hơi thở trong đêm vắng.

Nhà văn Phương Đình 

  1. Đêm chếch sang canh tư.

Mảnh trăng hạ tuần mong manh như chiếc trâm vàng, dạt về phương đoài, lặn khuất trong không gian u tịch. Đàn vạc ăn khuya bay về tổ buông vài tiếng kêu rời rạc, não nùng. Cảnh vật Ngã ba kinh Ông Nghệ như còn chìm sâu trong giấc ngủ. Mấy tháng qua, có tin bọn Tây sẽ đi bố, trên sông khuya chỉ còn thưa thớt ít chiếc thuyền câu tôm hay ghe đáy. Vài chiếc xuồng của bà con nghèo đánh liều chở rau cải, trái cây, gà vịt… ra bán ở chợ Tân Quới.

Trong cảnh quá nửa khuya miền quê yên lặng thời chiến, bỗng the thé vọng lên từ phía bờ rạch Cái Tắc:

– Chị em mau tránh xa hết đi! Bọn Tây đi bố, đang bắt hãm tui trên bờ đây này. Tiếng la inh ỏi thảm thiết như giọng của một cô gái về hướng ngôi miếu cổ đúng là trong trẻo, cao vút quen thuộc của Út Đẹp sớm được chị em buôn bán hằng ngày nhận ra. Tiếng dầm chèo xao xác, xuồng ghe rẽ nước róc rách mỗi lúc càng lắng dịu đi… Gió đêm than thở rì rào không lấp nổi âm thanh tiếng tay đấm thùm thụp, tiếng hơi thở thều thào ngập ngừng và tiếng rên đứt đoạn mỗi lúc một lịm dần trong bóng tối mịt mùng bao phủ cả cảnh vật nơi vàm kênh ông Nghệ quạnh vắng…

*

Trời sáng, quang đãng… Chợ xã Tân Quới hôm nay nhóm muộn, ít người mua bán. Vài tiệm tạp hóa của người Hoa Kiều vẫn còn im ỉm đóng cửa khi nghe tin bọn Tây từ Cái Vồn lên, đi ruồng bố miệt trong hồi khuya.

Đầu vàm kinh Mười Thới, hôm nay trời không mưa, ông Cả Hay ở nhà không đi gác cu như thường ngày. Mặc chiếc quần xà lỏn trắng cũ ngả màu nước mắm kho, tay cầm kim, ông đang lúi húi khâu lại chỗ lưới rách ở mấy cái lục (1) gác chim treo bên hông nhà. Miệng ông phì phèo điếu thuốc vấn, làn khói trắng đục vòng vèo bay lên không thoáng trông như mái tóc nhuốm màu muối tiêu của ông. Tuy vậy, ngực ông Cả vẫn căng thịt, tay chân gân guốc, thể hiện sinh lực và bản lĩnh còn dồi dào ở người đàn ông mới qua khỏi tuổi trung niên. Nhưng điều may mắn về thể lực ở ông Cả đã mỉa mai trở thành mối lo âm ỉ trong lòng bà Đảnh, người vợ chắp nối còn khá trẻ chỉ hơn nửa tuổi ông.

– Bà ráng săn sóc mấy con gà con vịt, cho nó ăn no đủ, mau lớn để tháng sau làm giỗ ông nội sắp nhỏ. Ông Cả nói mà không nhìn bà vợ. Trong sân, bà Cả ngồi chồm hổm, tay nhanh nhẹn bốc lúa từ trong chiếc thau cũ bể miệng, rải tung ra sân cho gà vịt ăn

– Dạ, tui nhớ mà. Nhớ cả việc chuẩn bị sẵn cho ông một bình rượu ngâm con bổ củi nữa. Chớ độ này, tôi thấy ông hết xí quách rồi.

Bà quay lại, mắt lườm ông Cả, nói móc lò.

– À… sao bữa nay trời nắng ráo mà ông không đi gác chim… Tôi chắc bây giờ mấy con chim non ông nói ở xóm trong hẳn đã lớn. Chúng nó chắc đã đủ lông mạnh sức, trổ mã đẹp, sung sức, biết đá rồi. Ông nhớ mang con cu mồi “chiến” của ông đến dụ nó.

Bị xỏ ngọt nhưng ông Cả vẫn làm thinh. Sự từng trải của con người đào hoa bay bướm một thời giúp ông ngộ được dễ dàng thái độ “chịu đấm ăn xôi” vẫn là thượng sách. Phương châm ông vận dụng từ bao lâu nay là nhịn nhục “Chịu một người khuất phục, để khuất phục được nhiều người”, kỳ diệu như một chân lý thòa mãn cho con người “hảo ngọt” của ông.

Đàn gà vịt trong sân giành ăn thóc, đuổi cắn nhau kêu la quang quác, làm bốc tung mịt mù bụi đất. Nắng hè bắt đầu phả hơi nóng hừng hực lên con người và cảnh vật trong không gian đang khát khao một cơn gió mát.

Bơi chậm mái dầm để cập chiếc xuồng nhỏ vào bến, Út Đẹp từ từ buộc chặt nó bằng sợi dây luộc nhỏ xơ dừa vào chiếc cọc gỗ gần bờ sông. Vừa bước sang cầu để lên bờ, Út liền ngồi xổm xuống, với tay nách chiếc rổ trái cây còn nguyên chưa bán được trái nào, đi lững thững lên nhà. Đôi mắt Út thâm quầng trũng xuống trên khuôn mặt tái xanh bơ phờ. Bộ quần áo đen cắt vài nếp nhăn, lấm lem vài vệt đất bùn đã khô. Ra vẻ mệt mỏi, Út đi dáng yếu ớt khiến ông Cả và vợ từ xa đã sớm nhận hiểu ra…!

– Thưa ba, thưa má con đi chợ mới về, Út nhỏ nhẹ cúi đầu chào ông bà Cả.

– Ừ, con mới về. Thôi vô nhà đi Út. Tắm rửa xong con đi ăn cơm. Má đã làm xong cả rồi.

Thông cảm với Út, bà Cả không đả động gì đến sự cố đau lòng xảy ra cho nàng hồi khuya. Dự định đợi đứa con dâu bất hạnh lấy lại bình tĩnh, bà Cả sẽ hỏi lại Út sự tình. Là phụ nữ với nhau, bà Cả tỏ ra thông cảm hoàn cảnh của con dâu mình. Út cảm nhận được tình thương sâu kín qua cách xử sự tế nhị của mẹ chồng. Xếp dọn linh tinh công việc nhà cửa xong, Út về nghỉ ở phòng riêng bên mái tây.

Buổi trưa miền quê yên ả. Ngoài vườn, bóng cây xoài, cây bưởi đổ từng vệt đen mờ xuống bờ mương xăm xắp lá khô, thỉnh thoảng vụt bay rộ lên như đàn bướm lượn khi bất chợt một cơn gió mạnh thoảng qua. Út Đẹp nằm trên giường cảm thấy rã rời thể xác, trí óc bơ phờ, mơ màng về cơn giông bão hãi hùng hồi khuya. Trong khoảnh khắc nghĩ ngợi dằn vặt tâm trí, Út mơ hồ nhớ lại quãng đời quá khứ buồn vui lẫn lộn trong mấy năm qua như một định mệnh.

  1. Quán nước bình dân ấy được gọi văn vẻ là “Quán Không Tên” vì chẳng có bảng hiệu. Quán mở tại nhà riêng chủ nhân – một vị trí thuận lợi dân cư đông đúc nằm ngay góc Ngã tư Lộ Mới và hẻm Hai Địa. Lệ Mỹ và Út Đẹp – mẹ con bà chủ quán – tuổi tác đang giữa mùa xuân sắc, duyên dáng lại khéo ăn nói mềm mỏng nên “Quán Không Tên” từ ngày mới khai trương đã sớm trở thành “vườn cây si” xanh tốt cho nhiều khách hảo ngọt. Những vị khách đa tình thường đến uống cà phê kỳ thực là để mỗi ngày được nhìn những “thần tượng” của mình. Lệ Mỹ có chồng đi theo Việt Minh, biền biệt tin tức với gia đình từ bao năm qua, vẫn tràn đầy sinh lực ở giữa tuổi trung niên, cái tuổi hồi xuân ngấm ngầm bốc lửa của người đàn bà vắng chồng lâu năm. Út Đẹp, đứa con gái lớn của bà chủ lại hơ hớ tuổi xuân, hồn nhiên tròn mọng như một thứ trái cấm.

Robert là quan hai Tây bảnh trai đầy quyền uy ở thành phố. Đơn vị hắn đóng tại trại lính thuở ấy còn đặt ngay trường Trung học Cần Thơ (2) cách quán nước của mẹ con Lệ Mỹ hơn trăm mét. Am tường ngõ ngách lý lịch gia đình của Lệ Mỹ, Robert hay tới Quán Không Tên trong thời gian rảnh rỗi việc quân. Hắn tỏ ra ga – lăng với mẹ con Lệ Mỹ. Mỗi khi ăn uống xong, khi hắn trả tiền mà không nhận lại tiền lẻ còn dư do mẹ con Mỹ thối lại. Robert lịch sự, thường nhếch nụ cười trên môi, bảo với người trong quán là hắn gởi lại, nhờ chủ quán giữ giùm. Thỉnh thoảng, Robert cũng mang tới cho mẹ con Mỹ vài ổ bánh mì, ít đồ hộp, kẹo bánh… những thực phẩm của bọn lính viễn chinh. Hắn bảo là ăn lấy thảo chơi cho vui. Không bao lâu, Lệ Mỹ và Út Đẹp xem Robert như người khách mối thường xuyên, ngày càng gần gũi như một người thân trong gia đình.

Trời đứng trưa. Quán vắng khách. Robert từ quân trại mới đến trong khi Út Đẹp đang rửa ly tách sau nhà. Hắn vô nhà, đến đứng gần Lệ Mỹ đang ngồi bên trong cửa vào.

– Hôm nay, tôi muốn nói với cô Mỹ một chuyện. Nhưng cô có cho phép thì tôi mới nói. Âm họe ấp úng với mới tiếng Việt ít ỏi học lóm, ông quan hai Tây tỏ ra lịch sự.

– ?

Hôm đó, Robert không rượu. Nhìn thẳng vào đôi mắt Lệ Mỹ, hắn có vẻ bình tĩnh, thân thiện.

– Từ lâu tôi để ý thương Mỹ vì thông cảm với hoàn cảnh cô. Tôi thật lòng muốn làm bạn với Mỹ để chúng ta cùng chia sẻ nhau vui buồn và tôi cũng có cơ hội tiếp tay với gia đình Mỹ. Khi nào trở về Pháp, tôi sẽ đưa Mỹ và con về ở luôn bên nước tôi. Tôi nói thực lòng mình, mong Mỹ đừng từ chối để tôi không phải thất vọng.

Khuôn mặt Robert biểu lộ một sự tha thiết thành khẩn bằng đôi mắt đẹp hai mí của hàng thanh niên phương Tây già giặn tình trường. Mỹ chưa kịp trả lời, đôi bàn tay vạm vỡ rậm lông màu hung hung của hắn siết mạnh bàn tay nhỏ bé của Lệ Mỹ. Người thiếu phụ một con cảm thấy rờn rợn một luồng máu nóng âm ấm râm ran chảy suốt cơ thể, khiến tim nàng đập mạnh. Lệ Mỹ muốn phản ứng… nhưng lại ngồi yên. Là người từng đi đó đi đây, nếm trải nhiều trong cuộc đời và tình trường, Robert hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự im lặng qua thái độ của Mỹ qua đôi mắt Lệ Mỹ.

*

Con đường Phan Thanh Giản (3) bắt đầu không khí hoạt động buổi xế chiều với vài người đi bộ và vài chiếc xe lôi qua lại. Nắng hè oi bức, ong ong hắt xuống mặt lộ nhực lam nham đất đá, giữa hai bờ đường lún phún cỏ gà, cỏ chỉ. Chợt tiếng kèn báo thức buổi chiều tò te vang lên dồn dập một âm thanh xa lạ từ thành Tây (2) như nhắc với mọi người một thời điểm làm việc trong ngày.

Từ ngày có mặt với tư cách một thành viên trong gia đình Mỹ, Robert nghiễm nhiên trở thành một điểm tựa cho mẹ con nàng trước mắt bà con trong khu xóm. Mỹ và Út Đẹp đôi lúc cũng cảm thấy gia đình mình bớt cô đơn, lạnh lẽo. Sáng hôm ấy, Lệ Mỹ vắng nhà vì đã thức sớm đi chợ từ khuya. Tranh thủ lúc quán chưa có khách đến, Út Đẹp ra sau nhà ngồi giặt quần áo. Robert mình trần, quần short thong dong nằm võng vừa đọc báo vừa trông quán. Thỉnh thoảng, hắn gọi Út ra trước pha cà phê cho khách. Nhưng trưa nay, Robert tỏ ra lơ là với những con chữ trên trang báo để hướng mắt về đứa con gái riêng của vợ đang ngồi làm việc bên trong. Út Đẹp giống cha ở tầm vóc dong dỏng cao, giống mẹ ở đôi mắt sâu với con ngươi đen nhánh long lanh giữa cặp lông mi dài cong vút. Thân mình tròn trịa với làn da trắng mịn màng của Út cắt nét theo từng chỉ số hơi vượt quá tiêu chuẩn nhờ bộ bà ba đen may khéo. Giờ đây Út đang sung mãn ở đỉnh tuổi dậy thì. Trước hai người phụ nữ đẹp, không dễ nhận ra ngay sự cách biệt giữa tuổi mười tám với tuổi bốn mươi. Trong thâm tâm, có lúc Robert trông Lệ Mỹ và Út Đẹp chẳng khác hai chị em! Nghĩ ngợi mông lung, hắn để rơi tờ báo dưới nền nhà lúc nào không hay. Robert tập trung nhìn trân trối cô gái trẻ đẹp không mang dòng máu của mình.

Lệ Mỹ đi chợ về. Tay xách giỏ đồ ăn, nàng xuất hiện từ ngoài đường Robert vừa thoáng nhận ra… Lệ Mỹ không khỏi băn khoăn về đứa con gái mình đến tuổi cập kê, xinh đẹp như một hoa trinh nữ mà phải sống cùng mẹ trong một hoàn cảnh vô cùng éo le: “Con lớn rồi, là gái ai cũng phải có chồng. Để má coi chỗ nào đàng hoàng, sẽ tính việc lứa đôi cho con”. Mỹ tự nghĩ có bổn phận về chuyện gia đình và tương lai hạnh phúc của con gái mình…

Qua sự giới thiệu và đứng chủ hôn của người bác ruột ở Thành Lợi, Út Đẹp được gả về làm dâu trưởng ông Cả Hay ở rạch Cái Tắc. Chồng Út là Hai Dõng ngày trước vốn là con của người anh ruột ông Cả. Thương em mình sớm chịu cảnh góa vợ mà chưa có con nối dõi tông đường, người anh nghĩ: “Chú như cha” bèn đem một đứa con trai vừa giáp thôi nôi cho ông Cả đem về nuôi để vui cửa vui nhà lúc ông Cả chưa lấy vợ kế. Lớn lên, Dõng trở thành một thanh niên khỏe mạnh, lực lưỡng và rất siêng năng công việc ruộng vườn nên ông Cả quý yêu Dõng như con ruột. Dõng cũng dễ dạy, ngoan hiền, lúc nào cũng xem ông Cả như cha đẻ của mình. Không bận việc ruộng đồng, Dõng luôn có mặt quanh quẩn trong nhà chăm nom nhà cửa, vườn tược cây trái tiếp mẹ để ông Cả rảnh rang đi đá gà hoặc gác chim thong dong không khác chi một phong lưu công tử. Ông Cả thấy mình có phước, khi Dõng hai tuổi ông bước thêm bước nữa thì một năm sau bà vợ kế sinh liền cho ông một cậu con trai kháu khỉnh là thằng Tư Tâm bây giờ. May mắn nữa là Tư Tâm mặt mày tướng tá giống anh nó như đúc, tính tình cũng y vậy khiến cho anh em nó càng yêu thương nhau. Hai Dõng rất mực thương em. Lúc không ra đồng, ở nhà Dõng giành làm hết công việc nặng nhọc để em mình bớt cực khổ. Hoàn cảnh chiến tranh, trường tiểu học ở quê phải đóng cửa, hai anh em Dõng nghỉ học nửa chừng, chữ nghĩa chưa tiếp thu được bao nhiêu, chỉ vừa biết đọc biết viết. Ông bà Cả Hay hiểu rõ sự gánh vác hy sinh vì cha mẹ, vì em ở Dõng, càng yêu thương anh hai thằng Tâm. Nhất là từ khi Dõng cưới vợ. Gia đình có dâu là thêm một người đồng nghĩa với thêm một miệng ăn, một nỗi lo, điều làm Dõng suy nghĩ không ít để mình phải tận tụy lao động nhiều hơn trong cảnh nắng sớm mưa chiều ở quê nhà.

Nhà ông Cả Hay không xa chợ xã mấy nhưng bị địch coi là vùng trái độn, nằm trong tầm pháo kích tự do của giặc Pháp. Sáng sớm hay chiều muộn, ngày nào, mo-ọc chê, ô buýt của thực dân ở Trà Nóc bất ngờ câu qua hay từ Cái Vồn rót lên làm kinh hoàng mọi người, phá tan bầu không khí yên lành của người dân lương thiện, quanh năm cần cù chăm lo ruộng rẫy.

Trời chạng vạng. Cảnh vật bên ngoài nhuốm dần một màu đen mờ dưới màn đêm xám ngắt. Trong nhà, chiếc đèn dầu dừa vừa đủ ánh sáng cho mâm cơm dọn trên chiếc bàn tròn cũ đóng bằng ván mù u. Mọi người trong gia đình chuẩn bị ngồi vào bàn ăn cơm tối, chỉ còn đợi ông Cả đang rửa tay ngoài cửa trước vừa bước vô nhà:

– Thưa ba, cơm canh nóng đã dọn xong. Con mời ba, má và cả nhà cùng ăn cho còn nóng. Út vừa lễ phép dứt lời mời cha mẹ chồng ăn cơm, bỗng văng vẳng từ xa chưa rõ hướng nào: Cum, cum… Xè, xè… Ầm, ầm…

– Có pháo kích, mau nằm xuống đất.

Ông Cả hoảng hốt la lớn. Mọi người phản xạ như cái máy, nằm rạp xuống nền nhà, chưa kịp cầm đũa. Mấy ngày qua, bọn giặc hay bắn ô buýt vào làng trước bữa cơm tối.

Những đợt pháo kích kéo dài khoảng mươi phút mới chấm dứt. Đạn đại bác rơi tàn phá nhà cửa, cây cối vùng đầu kinh Mười Thới và rạch Cái Tắc trong phạm vi gần một cây số vuông vì bọn Pháp nghi có Việt Minh về. Nơi nhà ông Cả Hay, một quả rơi trước sân nhà, miểng văng chặt đứt cột bàn ông Thiên, làm bể lư hương tro rơi vung vãi. Miểng đạn pháo phang lủng mái ngói, cắt đứt mấy cái rui, khoét một lỗ trũng sâu nham nhở dưới đất cạnh trước hiên nhà. Một quả khác rớt ở bờ cản sau nhà mươi mét, làm trốc gốc trơ rễ một cây xoài, hắt tung tóe bùn đất ra xung quanh. Sinh hoạt ngày đêm trong làng không còn rộn rịp như trước. Ít ai dám đi xa, hoặc ra khỏi nhà vì đại bác giặc luôn rình rập, đe dọa mạng sống của họ.

Buổi mai trời nắng ráo. Không khí nhà ông Cả hôm nay nhộn nhịp hơn mọi ngày vì là kỳ giỗ đầu của Hai Dõng. Ông Cả làm giỗ đứa con trưởng nam đơn giản nhưng bà con trong xóm và một số người trong họ hàng gần đã có mặt từ sớm. Lệ Mỹ ở Cần Thơ không đi được do đường sá xa xôi, trong tình hình chưa yên ổn. Bàn thờ Dõng đặt bên trái góc nhà chính với tấm ảnh trắng đen họa hình người quá cố còn tinh khôi nét mực. Vẫn khuôn mặt chữ điền phúc hậu, đôi mắt sáng hiền lành dưới mái tóc chải bảy ba đậm chất nông dân.

Thức ăn cúng dọn đầy đủ trên bàn thờ, ông Cả, bà Cả nghiêm trang chậm rãi đốt nhang khấn vái… tiếp đến là bạn bè thân của Dõng và anh em bà con gần gũi với Dõng khi còn sống. Khói hương nghi ngút lan tỏa càng gợi ở lòng người có mặt nhiều kỷ niệm yêu thương sâu đậm về người đã mất.

Cưới vợ chưa tròn một năm, một đêm lấy cớ đi giăng câu để đưa thư liên lạc cho du kích, Dõng bị trúng đạn pháo kích nặng ở Bờ Gòn trong kinh Mười Thới. Sáng ra hay tin, Út và gia đình ông Cả chèo ghe đến nơi thì Dõng đã mất, chỉ còn cách mang xác Dõng về lo an táng.

Thấm thoát đã hai năm trôi qua kể từ ngày Hai Dõng mất.

Trời xế bóng. Nắng cuối hè bớt gay gắt. Cạnh nhà, dưới gốc cây xoài tàng lá rậm rạp phủ bóng mát trên một khoảng đất phẳng, Tư Tâm ngồi thong thả chẻ củi. Tiếng bụp… bụp của chiếc búa chạm vào những khúc củi khô vang lên xen lẫn vớ giọng ve sầu ra rả vọng lại từ vườn sau, tạo thành một âm thanh quen thuộc của miệt vườn. Trong nhà, ngồi một mình trên bộ ván gần tấm vách mắt cáo, Út chăm chú khâu lại những chiếc quần áo cũ của người trong nhà.

– Tư ơi, chiều nay còn phải đi kiếm cá, nhà gần hết đồ ăn. Mình nên đi sớm, tối quá không tiện. Hôm qua Tư đã dặn tui nhắc chú đó. Nghe tiếng chị dâu, Tư Tâm ngừng tay, cầm búa vào nhà chuẩn bị đi chài.

Về sống bên nhà chồng mấy năm ở miền quê sông nước, giờ đây Út đã biết bơi xuồng, chèo ghe… như bao cô thôn nữ khác. Tư ngồi mũi với miếng chài và cây dầm phụ sử dụng khi cần thiết, Út ngồi bơi sau lái xuồng.

Tháng bảy là mùa nước rong ở vùng Tây Nam Bộ, tôm cá từ Biển Hồ xứ Chùa Tháp, từ biển và sông lớn đổ dồn về kênh rạch ở nông thôn, người dân làng thường đi bắt cá bằng nhiều loại ngư cụ. Vào buổi xế chiều, mực nước rạch Cái Tắc đã giựt bớt đến gần nửa thân cây ô rô, cặc bần. Không mấy chốc, chiếc xuồng đến sát gần Ngã ba kinh Ông Nghệ, chỗ giao thoa rộng giữa ba dòng nước, nó phình ra như đầu con rắn hổ mang đang há miệng. Gần mé bờ vài mét, những đống chà với những nhánh cây khô nhô đầu lởm chởm là nơi dụ tôm cá đến ẩn nấp ở lòng sông. Trên mặt nước, vài cụm bèo tai tượng, mấy giề lục bình bập bềnh trôi lừ đừ theo dòng nước như những lãng tử sống cuộc đời lang thang vô định.

– Út bơi thêm đến gần giữa bụi tra và đống chà lớn dựa mé bờ kia đi. Chỗ đó có gốc cây chìm dưới đáy sông, cá tôm hay tụ tập ẩn nấp.

Út nhìn về hướng Tư chỉ, cho mũi xuồng ghếch về nơi đó rồi cùng Tư bơi thêm một quãng sông nữa.

– Dừng lại đây được chưa chú Tư?

– Được, chị Hai rà dầm lại đi. Làm theo lời Tư, Út quay gần nửa mình về sau lấy sức mạnh ngoai dầm chặn nước cho xuồng dừng lại. Chiếc xuồng như bị neo trên dòng sông đang chảy mạnh. Ở đầu mũi xuồng, Tư đứng dậy trong tư thế nhón đầu ngón chân phải như một võ sĩ đang thủ thế “Kim kê độc lập”, tay bắt nhịp nhàng từng lọn lưới căng thẳng, rổn rảng bên dưới những khoen chì nặng trĩu. Tư hơi rùn hai chân như xuống tấn, chuẩn bị quăng chài, làm chiếc xuồng chao đảo, nhún nhảy theo động tác quen thuộc của người dân chài. Âm thanh ọc ạch của nước sông chạm vào thành xuồng. Xoạt! Miếng chài được vung mạnh thành một vòng tròn như chiếc nấm rơm lớn nở xòe úp trên mặt nước.

Biết Út đã quen bơi chài, Tư không phải nhắc Út móc dầm giữ xuồng lại cho Tư kéo chài lên.

– Chài bị mắc gốc cây dưới đáy sông rồi. Chị giữ xuồng để tui lặn xuống coi ra sao.

Nói xong, Tư buộc dây chài vào đầu xuồng, nhảy tõm xuống nước, lặn mất dưới sông. Ngồi ở sau lái xuồng, Út hồi hộp chờ đợi, mắt nhìn chăm chú vào những ngấn nước lan rộng thành vòng tròn nơi Tư vừa lặn xuống. Một phút… hai phút… Út thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy Tư trồi lên mặt nước, tóc ướt dán sát vào đầu, đôi mắt đỏ hoe.

Gỡ hết chài bị vướng vào cây rồi. Tư Tâm leo lên xuồng, chậm rãi ngồi phăng lần chài lên.

– Trúng rồi Út ơi! Mặt mày rạng rỡ, Tư ngồi chăm chú, nhanh nhẹn gỡ từ trong lưới ra: từ cá mè vinh vẩy trắng lấp lánh ánh sáng, cá thát lát như chiếc lược bạc luôn vặn vẹo thân mình, con trèn mơn mởn hiền lành nằm yên, đến anh tôm càng xanh hùng hổ, mình mẩy rong rêu đang búng lạch chạch trong mắc lưới… để quăng vào khoang xuồng có nắp đậy…

Trời càng ngả chiều. Bóng những cây dừa cao lênh khênh quét dài trên mặt sông phẳng lặng, lãng đãng bóng hoàng hôn. Biết thời điểm sông có nhiều tôm cá, Tư bảo Út bơi sang bên kia vàm kinh vãi thêm ít chài nữa. Tư cầm dầm bơi tiếp Út, hướng mũi xuồng về cây gừa già nơi gần bờ sông có lô nhô mấy chiếc cọc đáy.

– Chỗ này được rồi Út. Chờ Út giữ lại thăng bằng chiếc xuồng, Tư đứng dậy chuẩn bị mẻ chài cuối ngày. Cố lấy sức mạnh tung chài, Tư bị lỡ trớn làm xuồng lắc lư, vô nước sắp chìm. Nhét nhanh dây chài vào mũi xuồng, Tư nhảy liền xuống nước cố nâng xuồng lên cho khỏi chìm. Nhưng ở sau lái, bị mất thăng bằng, Út luýnh quýnh rơi tõm xuống sông:

– Ái… Tư ơi! Tiếp Út!

Hoảng hồn, Tư nói lớn:

– Nắm chắc be xuồng nghe chị Hai. Tư nói mà chưa kịp nghĩ chị dâu mình là dân thành phố, ít khi biết bơi. Út đang loi ngoi, sì sụp bị sặc mấy hớp nước, cái đầu chìm lỉm vì tay nắm vuột be xuồng. Hai tay chới với đập tung tóe lên mặt sông nhưng Út vẫn bị chìm. Những bong bóng lún phún nổi lên chỗ mặt nước xao động. Mất hồn vía, Tư vụt thoát bơi nhanh đến lái xuồng, lặn sâu xuống khỏi mặt nước, hai tay quơ túi bụi tìm Út và nâng được Út lên khỏi mặt sông. Tư bồng Út đặt nhẹ lên bờ sông. Út đã bị ngộp nước. Màn đêm bắt đầu trùm kín khúc sông vắng vẻ, thưa thớt vài ngôi nhà cách nhau khá xa nên chưa ai hay. Bèo nhèo, ướt át, Út nằm bất động như con chuột mắc nước trên chiếc khăn rằn quấn cổ của Tư vừa trải ra trên chỗ mặt đất phẳng. Mắt nhắm nghiền, môi tái nhợt. Nút áo trên cùng chiếc bà ba đen sút ra để lộ mảng da trắng nơi ngực Út. Lớp vải quần áo ướt gắn chặt vào da thịt. Chiếc quần dài đen Út mặc bị nhánh chà móc rách, tét một đường dài dưới rún. Tư vội vã cởi chiếc áo sơ mi còn âm ẩm nước đang mặc đắp kín cho Út. Bà con gần đó hay tin, đến mỗi lúc một đông, góp ý:

– Ngực còn nóng, không sao đâu, ráng lo cứu cổ.

– Dâu trưởng ông Cả đó hả? Tội nghiệp cô gái lịch sự, còn trẻ quá mà liên tiếp gặp phải bất hạnh.

Một chị lớn tuổi mới đến có vẻ từng trải, sốt sắng giục:

– Làm hô hấp nhân tạo liền đi!

Tư quì gối một bên, hai tay úp lên ngực Út, làm động tác ấn lên ấn xuống nhịp nhàng, đem không khí vào buồng phổi cho hơi thở lưu thông trở lại. Nhưng nước từ trong miệng Út lại trào ra. Nghe lời bà con, Tư úp miệng mình vào miệng Út, chúm môi lấy hết sức hút nghe cái chụt… Tức thì nước trong người Út trào ra hai khóe miệng. Tư tiếp tục hút cho đến khi nước không còn ra nữa rồi trở lại làm hô hấp nhân tạo. Tư kéo tay Út quặt lên quặt xuống, kéo qua kéo lại… Một bác gái lại ngồi cạnh Út, lột chiếc khăn đang đội trên đầu lau tay chân, chậm nước trên mặt Út. Một chị khác cúi xuống gần Út, nghiêng đầu kê tai vào ngực Út, bỗng nói lớn:

– Tim đập lại rồi!

Mọi người biểu lộ vui mừng vì người chết ngộp chắc chắn sẽ sống lại. Bỗng mắt Út từ từ khẽ mở, bơ phờ nhìn Tư  Tâm và bà con xung quanh.

Dạo này giặc đã bớt pháo kích. Ông Cả và vợ yên tâm đi đám cưới đứa cháu ruột ở Phong Hòa từ sáng sớm hôm qua còn mấy ngày nữa mới về.

Tư và Út coi nhà, làm những công việc thường ngày xong rồi đi ngủ sớm. Đêm ở miền quê yên tĩnh như một giấc ngủ sâu. Tiếng gà gáy báo hiệu sang canh ba văng vẳng giữa khuya xen lẫn tiếng dế, tiếng vạc sành râm ran ngoài vườn tạo nên một dạ khúc đồng quê êm đềm muôn thuở. Trên không gian bao la, vầng trăng tròn vành vạnh gieo muôn sợi chỉ vàng lên cảnh vật, len lỏi qua song cửa mọi nhà. Gió đêm xào xạc ngoài vườn như lời thì thầm tình tự của những kẻ đang yêu.

Trên chiếc giường gỗ ở chái nhà sau, Tư Tâm đang ngủ say sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bỗng có tiếng động khiến Tư khẽ tỉnh ngủ. Chiếc giường Tư nằm chợt kêu răng rắc như phải chịu thêm một sức nặng. Định thần lại, Tư nghe rõ tiếng gọi nhỏ quen quen qua hơi thở trong đêm vắng.

– Tư, Tư…

– ?

– Tư, thức dậy cạo gió giùm, Út bị cảm, đau bụng quá.

– ?

Tư ngồi nhổm dậy. Không hỏi nhưng Tư sớm nhận ra được tiếng nói của người nào. Tư Tâm còn chần chừ chưa lên tiếng.

– Tư, Út… Út đây! Thức dậy… Giọng Út thật khẽ, rung rung, vừa đủ nghe cho hai người ngồi sát bên nhau. Không đợi Tư trả lời, Út bỏ đôi dép dưới nền nhà, ngồi nhanh lên mép giường ngay cạnh vách mùng của em chồng. Trí óc vừa tỉnh ngủ, Tư tần ngần, trả lời trong trạng thái vô thức:

– Bị cảm hả Út? Tâm muốn nói thêm: Để Tư cạo gió cho Út nhưng lại thôi vì Tư thấy ngài ngại…

*

Mấy tháng nay, bọn Tây đóng ở chi khu Cái Vồn thường phối hợp với lính đồn Tân Quới đột kích, ruồng bố những nơi chúng nghi có du kích về trong phạm vi từ kênh Mười Thới đến Thông Lưu. Trong mỗi đợt hành quân, càn quét, thực dân và tay sai tha hồ bắt bớ, đánh đập, hãm hiếp đàn bà con gái đẹp và bỏ tù những người dân vô tội. Trên đường về lại căn cứ, chúng không quên bắt theo lủ khủ vịt gà, của cải… mà chúng vơ vét của đồng bào. Không chịu đựng nổi cảnh chướng tai gai mắt, Tư Tâm thoát ly gia đình theo bộ đội anh Khương đã gần năm, chưa về thăm cha mẹ và chị dâu. Ông bà Cả sống trong quạnh quẽ nặng nề với đứa con dâu. Út Đẹp ra chợ ít hơn và tần tảo buôn bán vặt để nuôi cha mẹ chồng. Ông Cả dàu dàu ra mặt với nỗi “lo nước sầu đời”, không buồn đi gác chim nữa. Bà Cả nhớ con, xuống tóc tu “tại gia” trường chay khổ hạnh, ngày đêm chỉ lo gõ mõ tụng kinh như không còn thiết tha đến việc đời nữa.

Với tuổi mới chín vào độ xuân thì, Út Đẹp đã khắc khoải ôm ấp một tâm sự não nề, ít khi có được một nụ cười thanh thản trọn vẹn.

Tình hình áp lực Việt Minh càng gia tăng, quan Tây Pie từ Cái Vồn được điều về tăng cường cho đồn Tân Quới. Bà con không hiểu thực sự do cấp chỉ huy của hắn ta quyết định hay chính anh ta đã chủ động yêu cầu trong vấn đề thuyên chuyển này. Vì chính Pie là người đã gây nên khổ đau nhục nhã cho Út Đẹp trong đêm bão táp dục vọng. Sự cố xảy ra tại vàm kinh Ông Nghệ đã làm mất đi sự sung túc của chợ làng. Út Đẹp dồn dập bị dư luận và chị em buôn bán mỉa mai, khi dễ về đạo đức, tiết hạnh của mình. Nhất là có tin Út Đẹp đi chợ về thường ghé lại đồn Tân Quới từ khi Pie đồn trưởng có mặt nơi đây.

– Đúng là “Gái không chồng đi dọc đi ngang”.

– Dâu ông Cả Hay mà “ngựa” đến mức đó sao. Một chị thẳng thừng.

– Con nhỏ đó còn xuân hơ hớ, chồng chết đã lâu, làm sao mà nhịn thèm nổi.

– “Gái phải hơi trai như thày lay phải cứt chó” đó mà. Một bà tuồi sồn sồn nói giọng Bắc giọng tỏ ra văn vẻ.

Út Đẹp nghe đầy tai, cay đắng xót xa nhưng vẫn im lặng.

  1. Hôm nay đi bán, Út Đẹp thức thật sớm từ khuya…

Trời đã quá trưa. Ở nhà, ông bà Cả Hay sốt ruột đợi mãi mà không thấy con dâu về đúng buổi như thường ngày. Bỗng ông bà Cà nhận được tin đưa về cùng với lá thư tay do một chị trong xóm đi chợ về trao lại: “Đồn trưởng Pie, tên quan ba Tây cùng với tất cả lính của hắn ta không biết đã bỏ đồn đi đâu mất từ đêm hôm rồi”.

Ở đồn Tân Quới, lá cờ tam sắc không còn ngạo nghễ phất phơ trên đỉnh cột. Cổng rào, cửa đồn mở toang từ lúc nào. Trong đồn im vắng trống trải, không một bóng người…

                                         “… ngày… tháng… năm 194…

                                                  Thưa Ba Má kính thương,

 Con cúi đầu lạy Ba Má, xin Ba Má rộng lượng tha thứ cho con bao tội lỗi tày trời. Khi Ba Má đọc những dòng thư này thì tấm thân bèo bọt của con đã ở một phương a rồi. Dù giờ đây đứa con dâu bất hiếu của Ba Má không còn trong gia đình nhưng tâm trí con lúc nào cũng ôm ấp hình bóng yêu thương đáng kính của Ba Má, anh Dõng và chú Tư.

 Do hoàn cảnh nghiệt ngã đẩy đưa khiến con phải ra đi sau nhiều đêm trở trăn không ngủ. Anh Dõng chồng con không còn, chú Tư đã thoát ly nên con nghĩ chỉ còn cách phải đến với Pie để giác ngộ anh ta theo kháng chiến và cùng đi với con trên con đường chính nghĩa của dân tộc. Có như vậy mới mong chứng tỏ phần nào là con dâu của Ba Má, người bạn đời của chồng con… Pie cũng tỏ ra thông cảm cảnh ngộ của nhau, đã tâm sự với con nhiều về cuộc đời anh ta. Pie chẳng thiết tha về Pháp nữa, vì đất nước Pie cũng từng bị ngoại xâm thống trị, đồng bào anh ấy cũng đã nếm mùi đắng cay của nỗi nhục mất nước. Những lính trong đồn đa phần là người Miên hoàn cảnh cũng giống như cấp chỉ huy, không nhà cửa ruộng vườn ở đây nên ai cũng đồng ý, một lòng với Pie từ nay quyết tâm quay về chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Không được may mắn làm con dâu Ba Má suốt đời trong gia đình, nay con tình nguyện ở trong đại gia đình cách mạng, sống giữa lòng nhân dân và Tổ quốc do Bác Hồ kính yêu dắt dìu. Con kính mong Ba Má yên lòng, đừng quá bận tâm lo lắng cho con. Ba má cố giữ gìn sức khỏe, gắng ăn uống nghỉ ngơi nhiều hơn, để một ngày không xa con được gặp lại Ba Má vẫn mạnh giỏi, sống lâu, trong ngày quê hương hoàn toàn sạch bóng quân thù xâm lược. Con thắp nén hương lòng tưởng nhớ anh Dõng chồng con. Con kính tạm biệt Ba Má.

 Đứa con dâu bất hiếu của Ba Má”.

Nguyễn Thị Út Đẹp

P.Đ

(1) Lục: Lồng gác chim có chim mồi và bẫy sập

(2) Tức Collège Cần Thơ, sau đổi thành trường Phan Thanh Giản, (nay là Trường PTTH Châu Văn Liêm).