‘Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa’ – lý luận văn học soi chiếu thực tiễn

375

Trương Đăng Dung, như một quá trình. Ga đi của ông là một chàng sinh viên từ quê hương Việt Nam đặt chân lên mảnh đất Hungary phía chân trời xa lạ. Từ điểm khởi hành này, dường như ông chưa đến ga cuối, mà chỉ băng qua những trạm dừng chân: nghiên cứu lý luận, dịch, thơ… “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa” (NXB Văn học, 2021) là một trạm dừng quan trọng trong sự nghiệp lý luận văn học của ông.


Nhà lý luận văn học – nhà thơ Trương Đăng Dung.

Trải qua quá trình học tập chính quy tại Hungary, Trương Đăng Dung sớm được tiếp xúc với tinh hoa lý thuyết phương Tây, gặp gỡ những khối óc lớn của khoa học xã hội nhân loại như E. Husserl, M. Heidegger, R. Ingarden, H.G. Gadamer, P. Ricoeur, H. R. Jauss, J. Derrida… Và thậm chí, ông dấn thân “trở thành một người Tây” hoàn toàn trong lối sống, ứng xử lẫn tư duy để có thể cảm nghiệm thấu triệt nguồn nước lý luận này. Nhưng đồng thời, từ một lăng kính khác, cho phép ông nhìn ra những giới hạn hiện hữu trong khoa học văn học ở Việt Nam.

Công trình Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa gồm 26 tiểu luận có thể được khái quát hóa bằng mô hình (1) khoa học văn học từ cái nhìn hệ thống, (2) tìm về bản thể của tác phẩm văn học (hay tác phẩm văn học như là quá trình), (3) vấn đề mô hình phản ánh nghệ thuật và (4) chiều kích riêng tư của văn học. Bản thân kết cấu của tập tiểu luận đã phản ánh quá trình vận động của Trương Đăng Dung trong suốt 40 năm tiếp nhận và nghiên cứu lý thuyết văn học.

Trong phần đầu tiên, Trương Đăng Dung cấp cho người đọc một thị kiến tổng quan về khoa học văn học, bao gồm sự vận động của khoa học văn học từ tiền hiện đại, sang hiện đại và đến hậu hiện đại, vị trí và chức năng của lý luận văn học trong khoa học văn học nói chung.

Khoa học văn học đóng vai trò không nhỏ trong giải pháp cho khủng hoảng sự hiểu, bởi vậy, sự vận động hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại trong tương ứng với tiếp cận tác phẩm văn học từ tác giả, tác phẩm và người đọc. Còn mục đích và nhiệm vụ của lý luận văn học là phát hiện, phân tích, giải thích và đánh giá những vấn đề mang tính quy luật chung của văn học. Để từ đó, lý luận văn học trở thành chỗ dựa cho nghiên cứu, phê bình trường hợp văn học cụ thể.

Trọng tâm của công trình và cũng là trọng tâm sự nghiệp nghiên cứu của Trương Đăng Dung nằm ở phần thứ hai. Trong phần này, tác giả đi về với bản thể của tác phẩm văn học. Quan niệm tác phẩm văn học như là quá trình, cũng là quan niệm rằng khi tác giả dừng bút thì không có nghĩa tác phẩm văn học đã kết thúc. Trái lại, tác phẩm luôn ở trong trạng thái đang-trở thành, chưa hoàn kết. Sự đọc, hiểu và cắt nghĩa của độc giả cũng chính là sự kiến tạo ý nghĩa và mang lại cho tác phẩm một sinh mệnh mới. Vai trò của người đọc, trước đây bị bỏ qua, lúc này đã lên ngôi.


Bìa cuốn sách “Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa”.

Phần thứ ba của công trình được tác giả dành ra để nghiên cứu hệ thống mỹ học của nhà lý luận Mácxit nổi tiếng người Hungary György Lukács. Lukács vốn gắn chặt với yêu cầu của lý luận hiện thực chủ nghĩa, nên ông không xem ngôn ngữ như là thực chất của tác phẩm, và mô hình của ông, do đó, chỉ đề cao tính chân thực của sự phản ánh, cũng như đồng nhất cái được phán ảnh trong tác phẩm và hiện thực bên ngoài tác phẩm. Trương Đăng Dung chỉ ra rằng khi nghiên cứu những vấn đề của văn học, Lukács đã chịu ảnh hưởng tác động của những mục đích thực tiễn nhất thời, điều khiến cho văn học ít nhiều bị triệt tiêu đi ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ nội tại của nó.

Những chất chồng suy nghiệm về lý luận văn học mang chiều kích cá nhân của Trương Đăng Dung được ký thác trong phần thứ tư của cuốn sách. Đó là một cảm thán ngưỡng mộ trước thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, một nghiệm sinh về cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại (điều sau này có ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác thơ của chính ông), một viễn kiến khắc khoải trước sự phát triển của văn học.

Ông tuyên ngôn: “Các nhà phê bình văn học đích thực không phải là những nhà quảng cáo, và càng không phải là những công chức thừa hành nhiệm vụ, giám sát các tác phẩm văn học một cách máy móc, tôi chưa dám nói là vụ lợi. Họ phải là những nhà khoa học có trái tim nghệ sĩ, giàu tâm huyết. Một xã hội có văn hóa và dân chủ là một xã hội biết nghe nhiều ý kiến khác nhau về mọi vấn đề, xã hội đó không thể chấp nhận những nhà phê bình kém cỏi về học vấn và trí trá về nhân cách” (Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa, tr. 425).

Xuất phát từ sự nhận diện những giới hạn của tiếp nhận lý thuyết, lịch sử và phê bình văn học, Trương Đăng Dung đã chẩn đoán căn nguyên những bệnh chứng của văn học Việt Nam, trong sáng tác nghệ thuật lẫn giảng dạy nghiên cứu. Như một điểm yếu về tư duy tư biện và tâm lý “sợ lý thuyết phức tạp,” lý thuyết nước ngoài ở Việt Nam chưa được giới thiệu có hệ thống, thường bị diễn giải sai lệch hoặc xén bớt, hoặc quan niệm theo cách đơn giản hóa. Mặt khác, việc quá đề cao một phân tích phản ánh nệ hiện thực vô hình trung khiến cho giá trị nghệ thuật của tác phẩm và căn tính nhân vật bị mờ nhòa. Phải chăng, đây cũng là một trong những căn nguyên sâu xa dẫn đến thực trạng văn học bị công thức hóa theo barem chấm điểm, tư duy sáng tạo của người học bị giới hạn bởi các yếu tố và tiêu chí chủ quan, lối giảng dạy bình giảng đọc – chép và văn mẫu ngự trị ở nhà trường hiện nay?

Làm lý luận ở Việt Nam, rất dễ vấp phải những sự hiểu sai. Thứ nhất, bị người ta quy (hoặc hiểu) cho là đường lối chính sách, một sản phẩm vốn nằm ngoài học thuật. Thứ hai, lý luận, giống như rừng sâu lạnh lẽo, luôn xa rời với số đông phổ thông trong một xã hội ưa thích tư duy đơn giản. Làm lý luận thuần túy càng bị quan niệm như những trí thức sống trong tháp ngà và ngồi ghế bành suy tư. Song, trong một khoa học, lý thuyết luôn đóng vai trò dẫn đạo cho thực tiễn. Và đặc biệt hơn, ở Việt Nam, nơi lý thuyết nhiều khi chỉ đóng vai trò minh họa cho thực tiễn, thì càng cần những lý thuyết tận nguồn được diễn giải sao cho đúng.

Theo Phạm Minh Quân/Báo Người đô thị

Nhà lý luận văn học, nhà thơ Trương Đăng Dung

Sinh năm 1955 tại Nghệ An

Phó Giáo sư Văn học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Đại học Eötvös Loránd, Budapest, Hungary (1978)

Bảo vệ Luận án Tiến sĩ Ngữ văn tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (1984)

Các tác phẩm nghiên cứu: Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, 1990), Từ văn bản đến tác phẩm văn học (tiểu luận, Nxb Khoa học xã hội, 1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (chuyên luận, Nxb Khoa học xã hội, 2004), Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học Lukács György (chuyên luận, Nxb Khoa học xã hội, 2018), Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa (Nxb Văn học, 2021)

Thơ: Những kỷ niệm tưởng tượng (Nxb Thế giới, 2011; Văn học, 2014; Europa, Budapest, 2018), Em là nơi anh tị nạn (Nxb Văn học, 2020).

Dịch: Truyện Kiều (Nguyễn Du, dịch sang tiếng Hungary, Europa, Budapest, 1984), Lâu đài (Franz Kafka, Nxb Văn học, 1998) cùng nhiều tác phẩm khác…