29.6.2018-20:10
Nhà văn Văn Chinh
Scritt Varo và thị
VĂN CHINH
NVTPHCM- Giáo sư Tiến sĩ Scritt Varo (1920 – 1998) quê ở đảo Patmos thuộc miền Nam nước Cộng hòa Greece mà chúng ta quen gọi là Hy Lạp. Ông dạy Lịch sử tư tưởng phương Đông ở nhiều trường đại học nhưng lại được coi như “nhà Trang tử học” hàng đầu châu Âu. Do một sự cố thời thế, năm 1956, ông nhận với giáo sư hướng dẫn đề tài nghiên cứu về Tần Thủy Hoàng cho luận văn tiến sĩ, nhưng vào năm 1976 lại bảo vệ luận án “Hạt nhân tiền dân chủ ở China cổ đại qua Tề vật luận của Trang tử”. Varo chỉ giải thích qua loa theo cách của một học trò với các thầy lí do sai biệt ấy, để sang tuổi 70 mới viết hẳn một cuốn sách dày hơn 500 trang giải thích cặn kẽ. Nhưng cặn kẽ cũng không khiến tôi quan tâm, nếu nó không có những chuyện liên quan đến Trang tử, thị, Lã Bất Vi, Tần Thủy Hoàng. Đây chính là lí do để tôi phải viết một truyện nữa cho thị hiện ra dưới góc nhìn khác, góc nhìn Scritt Varo.
Mọi người đều biết mộ Tần Thủy Hoàng chôn ở phía Bắc Ly Sơn, cách Hàm Dương một giờ ô tô chạy đường cao tốc về phía Đông, còn biết nó được phủ bằng quả núi đắp cao hơn 60m, nhưng thử hỏi, ai trong chúng ta đã nhìn thấy ông nằm ở chỗ nào? Không, đến Google cũng không. Nếu biết chắc, Trung Quốc nhất định sẽ quay video clip bán cho khách du lịch, với Trung Quốc, cái gì chả quy ra tiền. Còn nếu bảo vì ở dưới khu lăng mộ có nồng độ thủy ngân vượt quá ngưỡng sống cho mọi sinh vật đến hàng trăm lần, nhằm chống kẻ trộm nhòm ngó 50 nghìn cổ vật tùy táng thì tôi cho đấy chỉ là chuyện đem quỷ ra dọa người. Dẫu có thủy ngân thật, khắc người ta biết cách vận động hi sinh cho Trung Quốc giàu có. Nước này có hẳn một triết học về tuyên truyền có tên là Người thứ ba nói hổ về chợ.
Là bởi vì mỡ nhân ngư nuôi ngọn đuốc cho cung điện dưới tầng sâu lăng mộ được sáng vĩnh cửu đòi hỏi một cơ chế cung cấp mỡ vĩnh cửu. Cơ chế ấy như sau: nhân ngư, một giống cá hình người sống trong mạch nước ngầm, ăn các nguyên tố vi lượng sản sinh dưới lòng đất, sinh sôi nhanh, chóng lớn và rất béo. Vì béo, nhân ngư di chuyển rất chậm, đến mùa khô mạch nước ngầm cạn dần, con nào béo quá đành nằm phơi trên bờ. Vì nằm trên bờ thì lạnh hơn dưới nước, nên nhân ngư hay nằm quanh các ngọn đuốc và chết. Mỡ nhân ngư cứ thế thấm vào đuốc để nuôi ngọn lửa cháy mãi. Và nhân ngư không thể sống trong không khí có nồng độ thủy ngân cao đến thế. Lại còn, ai chứ Tần Thủy Hoàng rất kị cái câu mục mả do thủy ngân gây ra với di hài mình.
Trong cuốn sách nói trên, Scritt Varo viết nhiều điều li kì, tôi chỉ chọn những chi tiết có liên quan đến nhân vật của chúng ta, nên chúng thường gián đoạn:
“Trong thế phả Varo của tôi có truyền lại một chuyện lạ, được coi là bí mật dòng họ. Vào khoảng 200 năm trước Thiên Chúa, một vị tướng, một Varo hiển hách trên đường từ quân doanh đóng ở đảo Xixin thuộc đế chế Roma về thăm nhà, nhìn thấy giữa biển khơi cái quan tài bằng gỗ mộc có kích thước 450cm x 250 x 250. Đó là loại gỗ giống gỗ thông nhưng thớ vặn như bạch dương và đặc biệt ngâm mặn mà vẫn thơm ngạt ngào, ở miền ôn đới châu Âu không thể có cây bạch dương nào to như vậy. Gỗ mịn và ghép kín đến mức vớt khỏi biển là ráo ngay, trôi trên nước có dễ hàng năm mà không bị ngấm. Sai nô lệ mở, thấy sắc mặt người chết vẫn hồng hào và càng chắc chắn đó là người viễn Đông. Mắt nông, một mí, cằm bạnh râu vểnh, vầng trán cao cương dũng và trên đầu đội vương miện giản tiện, gài trâm vàng đính ba hạt kim cương. Bên cạnh, có xác một con rắn khúc đen khúc trắng dài đúng bằng thân người, 174cm. Cụ tổ tôi đoán ra thân phận người chết, đã long trọng chôn cất trong điền trang trồng oliu với nghi thức dành cho nhà vua, dù bí mật.”
“Cũng từ “cơ ngơi” người chết, nảy sinh một vấn đề nếu đi ngược con đường cỗ quan tài đã đi, sẽ tìm thấy các kho báu tùy táng. Vấn đề chỉ còn là nó bắt đầu chuyến đi từ đâu.”
“Tổ tôi còn nói, không hiểu sao từ hôm ấy ông trở nên hăng hái khác thường. Cụ tổ bà lúng túng mãi không thể rửa sạch miệng khóa xilip sắt bị sét để tổ ông thọc được chìa khóa vào. Đành thót bụng lại để cụ ông dùng kéo thợ rèn cắt sắt mà cắt, ôi một Varo trứ danh!”
“Cụ Varo chiến binh La Mã cổ đại sinh đến 28 người con, đến tuổi 91 vẫn dùng tốt, sinh thêm được đứa con thứ 29 với một nông nô và đó chính là cụ tổ của chi phái tôi (…) Vào thế kỉ XVI, nhiều Varo trở thành các nhà truyền giáo sang viễn Đông là vì cái bí mật dòng họ. Một Varo linh mục sang China với hẳn một bộ ba đồ đệ, một nhà thám hiểm, một thầy thuốc, một võ sĩ giác đấu. Họ nhận sứ điệp từ Vatican, nhưng theo một thương nhân Aicập trên con đường tơ lụa nổi tiếng. Khởi hành từ Patmos mùa xuân 1567, vừa đi vừa học tiếng Tần với người Aicập này, mùa xuân năm sau thì đến Hàm Dương, bập bẹ trò chuyện được. Cuối cùng, chỉ có Varo võ sĩ quay về, Varo thám hiểm chết vì tên bắn, Varo thầy thuốc ở lại học thêm Đông y sau lấy vợ Tần. Varo linh mục gửi về một bức thư, nội dung rất khó hiểu với người lạ: Kinh đô Hàm Dương cách rất xa bất cứ bờ biển nào. Con đường tơ lụa vào năm 1567 đi hết đúng một năm, liệu người ta có đi xa thế để vứt rác? Các dòng sông, trừ sông Ngân Hà, chỉ có thể đẩy vật nổi chứ không thể đưa vật chìm đi xa. Vậy cứ nghe lời Chúa, hãy kiếm miếng ăn trên trán của mình. Amen.”
“Chả nhẽ do mặc cảm bị dân Tần bắt chước Ngũ Tử Tư quật mả lấy sọ làm bô đái nên ông ta bắt thợ đào hầm mộ quá sâu, sâu hơn đáy sông Vị? Thợ đào xong, không sao, nhưng chỉ cần vào mùa mưa, nước sông Vị dồn ép bục đáy sông mà cuốn quan tài đi? Đi mãi đi mãi theo mạch nước ngầm mà ra tới Địa Trung Hải? Nếu đúng thế, mới càng thấy kĩ thuật đóng quan tài bằng gỗ ngọc giao của người Tần ghê gớm biết nhường nào. Nó không có dù chỉ một chiếc đinh, chỉ ghép bằng mộng mà kín đến mức đã nổi lên từ lòng biển như một cái phao?”
***
“Kho báu năm vạn cổ vật Tần Thủy Hoàng mang theo là có thật. Tôi đã đọc từ cuốn sách viết bằng chữ sansicrit một chi tiết như sau: “Về đến Sa Khâu, đêm ấy mệt nhưng rắn cứ đòi A Phòng đến hầu ngủ. Khi A Phòng rời hành điện, Doanh Chính thấy đầu đau như có cuộc chiến ác liệt ở trong. Rắn lại bảo, đừng sợ chết, đã từng chết nhưng chết xong sống lại làm vua. Nhớ chưa nào? Ừ nhỉ, vậy mà bao năm nay ta sợ chết là sợ cái hão huyền. Vậy phải làm gì, chết xong lần này sống dậy ta làm vua ở đâu? Thời chưa đến thì hãy đợi thời. Nhưng muốn thác sinh nhanh thì phải chôn theo mình rất nhiều của cải. Phải mang ngọc vàng châu báu, hối lộ nhiều cửa, Phán quan Địa tào vừa thích vàng vừa thích gái, hãy chôn theo một nửa mĩ nhân non. Nhưng mang châu báu đi hết, các con ta lấy gì sai khiến? Ôi dào, “Thủy Hoàng tử, địa cát cứ”. Trời chẳng bảo thế là gì? Liền lần lượt sai các tướng ngự lâm lập tức chạy ngựa trạm về cung, nhiều việc sực nhớ ra, cho đến khi không còn tướng nào bên cạnh, rắn phải bò ra nằm canh quan tài.”
Nhưng không phải mọi Varo đều hướng tới China do kho báu hấp dẫn. Nhất là đến đầu thế kỉ XX, khi Scritt Varo sinh ra, phong trào khai thác các xứ thuộc địa đang đặt hàng giới khoa học nghiên cứu phương Đông về mặt văn hóa học. Còn sở dĩ Scritt Varo chọn Tần Thủy Hoàng là bởi ông mê ngài. Duyên do là bởi hồi cuối thế kỉ XVI, Varo linh mục lúc sắp chết ở Hàm Dương đã gửi về cho dòng họ ba cuốn sách chữ China: Đế chế Tần, Sử kí của Tư Mã Thiên và Nam Hoa kinh của Trang tử. Có một nguyên tắc bất thành văn của dòng họ: trong nhà có sách bằng chữ của nước nào, con cháu phải biết thứ chữ ấy để đọc. Nên hết tú tài, Scritt Varo đã thông thạo tiếng China, rất thích nền quân chủ trực trị với chính sách thân dân, ruộng đất không thuộc của vua mà thuộc sở hữu người cày, chỉ phong đất cho hai người là Lã Bất Vi và Giao Ái rồi ngay sau đấy lại tạ sự mà đòi lại, chia hết cho nông dân, có giấy tờ hẳn hoi, gọi là danh địa, có quyền mua bán cho nhau hướng tới chế độ điền trang châu Âu. Ông ta so sánh với nền dân chủ đại nghị chỉ diễn ra duy nhất ở Hy Lạp 500 năm trước Thiên Chúa. Nhưng, ngoài sự so sánh ấy, chỉ suy ra được một so sánh khác, là có hai cái rốn văn minh sớm nhất của loài người là Hy La và China, thì hết phim. Năm 1956, Scritt Varo xin visa vào China nhưng không được thị thực nhập cảnh. Sách vở liên quan đến đế chế China tuyệt nhiên bị cấm mang khỏi biên giới. Bắc Kinh chỉ xuất khẩu sách nào có lợi cho họ trong khi cho đến năm 1956, Tần Thủy Hoàng vẫn bị coi là một bạo chúa ở quê hương ông ta, bất lợi cho hình ảnh nước Cộng hòa China Mới. Rốt cuộc, cái bí ẩn China vĩ đại tìm kiếm ở mọi thư viện đại học, mọi thư viện quốc gia hệ ngôn ngữ Latin không ra ngoài cuốn Đế chế Tần do cụ tổ Varo linh mục viết tay vào năm 1595 và thiên Tần Thủy Hoàng bản kỉ trong cuốn Sử kí của Tư Mã Thiên viết cuối thời Tây Hán bị dịch sai be bét.
Đành quay sang Trang tử.
Scritt Varo viết ở Hàm Dương năm 1974: “Nhưng, rất kì lạ là Trang tử chỉ có ảnh hưởng méo mó trong giới trí thức bất mãn, đậm hơn ở tầng lớp bình dân nhưng cũng rơi vào méo mó theo chiều ngược lại, khác hẳn Khổng tử không chỉ trở thành nền tảng của chính trị phong kiến cực đoan mà còn là của trật tự xã hội theo hướng cản trở phát triển.” Vào năm 1976 ở Bình Lục: “Vậy mà, trái lại ở Việt Nam – xứ thuộc địa của China hàng ngàn năm, Khổng tử chỉ bén mảng được đến đình làng thì mời ngài quay lại, nhưng Trang tử – đúng hơn là bộ ba Phật – Lão – Trang thì lại vào rất sâu, những triết lí sống một đời sống khác, đời sống dân gian ở xứ sở này.”
“Cứ loay hoay như thế tròn hai mươi năm mới hoàn thành luận văn khoa học với sự góp sức oái oăm của các bà đồng – sứ giả của một khoa học khác, khoa học tâm linh.”
Vào năm 1974, khi lăng mộ Tần Thủy Hoàng được khai quật vòng ngoài, Varo mới được phép sang China. Mất đúng một tuần lễ từ Bắc Kinh đến Tây An, rồi phải mất ba ngày chờ mới có xe từ Hàm Dương đến Ly Sơn để cuối cùng trong rất nhiều các bức tượng đất nung, các hoa văn trang trí ở đây không hề có rắn. Vậy cái quan tài kia là từ đâu? Varo đã rời Hàm Dương mà thậm chí không chụp một bức ảnh nào, ngoài các bức ảnh đoàn quân đất nung người ta bán cho du khách làm suvnie, rồi về Bắc Kinh ăn sủi cảo, mì vằn thắn mà đọc sách. Ở đây, Varo thêm một lần kinh ngạc nữa, “những sách về Tần Thủy Hoàng do người China viết chủ yếu là kết án ông ta như một bạo chúa ngoại hạng, một kẻ bị bệnh hoang tưởng lúc nào cũng sợ bị ám sát. Cuốn của Giả Nghị đời Hán thậm chí còn khá hằn học, như được ngưng kết bởi khối căm hận của hàng vạn oan hồn Nho sĩ mượn cây bút ông ta mà rủa xả. Sách báo Bắc Kinh đang phê Lâm (Bưu) đấu Khổng (tử), như dăm năm trước dùng phái phàm là (Lâm Bưu) đấu hữu (Chu Ân Lai) như một thời rất dài người ta tố cáo phong kiến đế quốc. Vậy thì Giả Nghị đấu tố Tần Thủy Hoàng là cũng vì lợi quyền Hán, cũng vì mình cả thôi. Sách báo ở đây là vũ khí, không phải thông tin và còn lâu mới là khoa học.
Nhưng đi hết lịch sử vấn đề cho ta một so sánh:
Tần Thủy Hoàng/ Trang tử
Trầm uất/ Bi phẫn
Rất ít người hiểu ta nhưng ta đã làm được/ Rất nhiều người hiểu ta nhưng ta thất bại
Đạo (đường) của ta sớm muộn rồi/ Đạo của ta nhiều lắm là tập hợp được một lũ
Trung Quốc cũng phải đi qua chán đời lêu lổng trong khi ta kiến tạo nó nhằm nếu muốn cường thịnh mang lại phúc đức cho thế gian.”
“Cái đau của cả hai cùng mắc vào một câu hỏi chung: Vì đâu? Vì đồng bào họ không tin, không coi trọng chân lí. Chuyện về Triệu Cao đem con hươu vào giữa triều rồi bảo đấy là con ngựa để thử ai trung với mình cho phép ta hình dung, với dân xứ này, con hươu hay con ngựa không quan trọng, quan trọng ở chỗ nó mang lại cho ta cái gì?”
Scritt Varo đã chán nản nghĩ suốt chuyến bay chán ngắt từ Bắc Kinh về Paris. May là từ Paris về Athens anh ta ngồi bên một cô gái Digan hóm hỉnh. Hỏi “What is your name?”, cô nói: “Nếu ông là người Anh, hãy gọi em là Gypsy, nếu là người Nga thì hãy gọi em là Bohémien, nếu Greece thì cần thêm định tính, là Aigyptoi khả tín!”
– Sao lại khả tín?
– Vì, con đầm này bảo, ông đang chán nản về một chuyến đi thất vọng. Con K rô nằm cạnh nó lại nói, ông đang so sánh giữa Chúa của mình với một kẻ dị giáo về tài năng. Ồ, con 10 rô và 5 rô lại cho một bí mật nữa, 10 là số biến, ông đang từ 0 về 5 là một đức tin có tính huyết thống. Ông nói ông vừa từ China, vậy thì trong vali ở khoang hành lí của ông có những bó hương.
Mồ hôi vã ra trên trán dù trời lạnh, Varo chỉ còn biết lập bập:
– Tôi phải trả cô bao nhiêu?
– Sao, tiền ấy à? Free đi, chỉ là chuyện gẫu.
– Vậy tôi phải gọi cô là Aigyptoi khả tín thật rồi. Ok, tôi người đảo Patmos, cứ gọi tôi là Varo. Nhưng sao lại đang chuyển đức tin?
– Trong hệ thập phân, số 5 ở giữa, là tim, là đức tin. Số 10 là số biến. Trong hệ niềm tin, chỉ có tín ngưỡng dùng nến và dùng trầm hương để kết nối, dân Nam Âu 90% là Kito hữu, cái mặt anh Hy Lạp phèn phẹt ra thế, thì không tin Chúa mới là lạ. Đạo Thiên Chúa hiện đang cảnh báo sự khô đạo, nên tôi đoán anh đang chuyển tín ngưỡng sang Phật giáo. Anh vừa bảo từ viễn Đông trở về, không mang hương thì mang gì. Thế thôi.
Varo cảnh giác hơn về trò đoán mò, lại càng ngờ khi cô ta nói, cô vừa từ Liên Xô. Cô sang đấy theo lời mời của một Ủy viên Bộ Chính trị, ông ta muốn bói tương lai, sao lại có chuyện quái đản đến thế được. Nhưng làm thế nào để cô ta biết mình đang so sánh giữa Jesus Kito với Trang tử về tài năng? Quả thật, Trang tử không chỉ lợi khẩu hơn, lại còn học vấn hơn, đáng tin hơn. Nhất là, ông ta sống trước những hơn ba thế kỉ, nói rất đúng, rất hay về nền tảng của bình đẳng, bác ái lại giữa một dân tộc cuồng tín mà không được ai tin theo. Vậy, phải chăng mấu chốt vấn đề nằm ở quan hệ giữa ông ta với đàn bà, với vợ? Nhưng vợ ông ta là ai? Tên là gì? Nghe nói rất trẻ. Và còn xinh đẹp nữa. Phải tìm hiểu về bà ta. Phải bắt đầu từ một người gần với thể chất phương Đông của bà ta là cô gái Di gan, một sắc dân mới được khoa học gene khẳng định có gốc gác Ấn Độ. Varo nhắm mắt nghĩ, rồi chuyển sang trò tán gái. Dễ thôi, Varo không hổ thẹn mang danh đàn ông Greece, lại có cặp mắt lai châu Á, hốc mắt nông, hơi xếch và một mí, còn Aigyptoi như cô nói, thì con mắt công khai lẳng lơ.
Cho đến lúc cùng chờ lấy hành lí, Varo mở khóa vali lấy ra bó hương cho cô gái xem, nháy mắt với nhau xong thì họ đã biết mình là của nhau, đêm ấy.
***
Về kinh nghiệm giường chiếu cô Digan này theo trường phái cổ điển, mạnh mẽ nhưng đằm thắm. Điều Varo thấy hơi lạ là, sau khi đã tận lực hưởng thụ, lại sau hàng tháng xơi toàn mì vằn thắn và một chuyến bay nửa vòng trái đất, mà ông ta còn có nhu cầu trò chuyện. Mà lại là chuyện tín ngưỡng, thế này:
– Thời cổ đại, nếu bắt gặp chúng ta thế này thì cả Giáo hội lẫn cộng đồng Aigyptoi lôi mỗi đứa về tẩn cho tuốt xác vì tội chối Chúa hoặc phản bội cộng đồng. Vậy rồi, ở nơi đầu rơi máu chảy những mấy trăm năm này lại có thể có cuộc chiến long trời lở đất cứ như thể Kitsinger và Nixon đến Bắc Kinh.
– Em cũng có cảm giác như vậy, thế giới đang thay đổi. Ngày xưa dân Aigyptoi chúng em rất ghét Chúa của anh vì ông ta cấm quyến luyến cha mẹ ông bà, trong Kinh thánh có những câu cay nghiệt về họ. Vậy rồi, em vừa đọc báo sáng qua loan tin mới nhất từ Roma, là căn cứ đề nghị của Tổng giám mục Giáo hội Việt Nam, Giáo hoàng Jean Paul đệ Lục đã minh định quyền thờ cúng tổ tiên ở những vùng văn hóa mà con chiên có xuất xứ như một thông điệp kiêm ái từ Đức Chúa Cha. Ôi giá như loài người hiểu nhau sớm hơn, như con người em hiểu cơ thể anh lúc này…
– Ồ, cảm ơn em, em vừa gợi cho anh một câu trả lời chính xác đã hàng chục năm nay nghĩ ngợi chưa ra. Trang tử thì gần như giết vợ còn Jesus trái lại, chịu đóng đinh câu rút nhân danh tình yêu.
– Kìa xem nó yêu chưa kìa, rất hăng hái!
Họ lại cùng nhau chiến đấu. Cô gái khi bắt đầu rên rỉ thì lại lảm nhảm. Ôi anh, chớ nghe xui dại Trang tử cấm dục đấy, thuyết của ông ta là diệt dục phải không? Ối anh ơi là anh ơi. Quái quỷ là Varo cũng là tay lời nói đi đôi với việc làm. Không phải Trang tử. Buddha mới diệt dục, ngốc ạ. Hai người khác nhau. Mà tên em là gì? Cứ gọi em là Puellae!(1) Anh hỏi thật, sao em cứ đùa. Hình như anh bắt đầu cần em hơn là em tưởng. Em có shop TÂM LINH ở hẻm… ngách… ngõ… trên đại lộ Olympic, số telephone… Ối anh ơi lúc nào thèm thì gọi cho em nhé, nhé thế, thế ối giời ơi khỏe thế. Ông tổ của anh còn xuyên thủng xilip sắt của bà, em có biết cái nhà tù khốn nạn ấy không? Có, có. Nó có từ thời chiến tranh cổ đại, là sáng kiến của những người sử dụng con người như một công cụ.
Varo im lặng lấy đà.
Rồi mệt nhoài lăn xuống nệm.
Con người ông ta rỗng rễnh bằng không. Phải mất mươi phút sau mới bỗng nhiên bật cười:
– Nhà văn Scrittori Varo – một cụ tổ của anh viết vào cuối thế kỉ thứ II trước Thiên Chúa ở Xixin thế này: Một số người chia công cụ thành ba nhóm: công cụ biết nói, công cụ biết kêu không phân biệt âm tiết và công cụ câm. Nô lệ thuộc loại công cụ biết nói, bò cái thuộc loại công cụ biết kêu thành tiếng không phân biệt âm tiết, còn xe ngựa thuộc loại công cụ câm. Em nói cứ y như cụ tổ anh vậy.
– Cũng chả biết thế nào. Con người khi chết thì hồn lìa khỏi xác, có khi thác sinh ngay, có khi sau hàng mấy trăm năm hồn phải chịu tội dưới âm phủ, hết kiếp nạn mới được sinh nhưng đâu đã thành được người ngay, phải làm kiếp dê cừu rắn rết chán.
***
Họ chia tay ngay sáng hôm sau, Varo phải ở lại khách sạn sân bay để bay tiếp về đảo Patmos. Ông ta không ngờ mình lại nhớ Puellae sớm đến như vậy. Nhớ lại giọng cô khi nói, hơi nũng, hơi điệu, âm ae bị giãn ra do lúc đang rướn mình nghe như ái thật gợi. Chợt nhớ câu nói về quá trình luân hồi khi Varo thiu thiu ngủ, khiến ông giật mình nhớ đến rắn trong hình dung uốn người như múa của nàng đêm qua. Thôi chết, rắn chẳng đã là một thông điệp bí ẩn suốt hơn hai ngàn năm đấy ư. Ông bấm số telephone. Đầu dây bên kia là một cô gái lạ:
– Dạ, Tâm Linh đây, tôi có hân hạnh được nói chuyện với ai?
– Cho xin gặp bà chủ.
– Cô ta đi Moscow chưa về, ông có nhắn gì không?
– Hơi tò mò một chút, Puellae đi Moscow làm gì? Cô ta có hẹn với tôi sẽ gặp sáng nay mà?
– Thưa ông, thay mặt Puellae xin lỗi ông. Có lẽ, bói bài cho một khách VIP sẽ phức tạp hơn chăng? Có thể họ còn xin ngồi đồng. Dầu sao Tâm Linh cũng xin lỗi, xin ông để lại số phone để khi cô ta về, sẽ báo cho ông nhanh nhất có thể.
Một trò chơi chữ, Varo đã biết tên của rắn đúng như cô nói và biết cần sửa lại câu thành ngữ đảo Patmos, là có thể tin chứ không phải “không thể tin vào các cô gái Digan”. Hóa ra, gặp rắn đúng là một điềm lành.
Tiếp theo là những trang kí ức Scritt Varo về cuộc mây mưa với Puellae mà ông ta gọi là rắn. Nhưng văn chương diễm tình không thể quá nhiều trong một truyện ngắn. Tôi chỉ xin chép phần liên quan đến chuyện này của Scritt:
“Cha tôi sốt ruột chờ tôi ở nhà, gắt ỏm tỏi sao tôi đi lâu thế. Cha tôi lấy từ cái két sắt ra tờ giấy báo tử của anh tôi, ném xuống bàn, nói: Con nó viết thư từ Việt Nam tìm thân nhân.”
“Gặp rắn, đúng là gặp rắn!”
“Chúng tôi chờ anh mấy mươi năm, cho đến khi không còn chờ nữa thì anh – một phần anh trở về. Anh tôi sinh năm 1918, khi Thế chiến I chưa kết thúc hẳn nên được cha tôi đặt là Spartacus Varo, theo tên một lãnh tụ chống chế độ nô lệ cổ đại. Năm 1939, vừa học xong trung học, anh sang Pháp để tham gia cuộc chiến chống phát xít. Tôi nhớ, khi tiễn anh cha tôi vỗ vai anh, nói: Danh dự nhà Varo nằm trên lưng ngựa. Cha đoán lần này Pháp thắng trận, con phải là một sĩ quan để còn tính tiếp. Cha nhắc con, những Varo kiêu hãnh của chúng ta từng có ba người làm vua Hy Lạp, một người làm Công quốc Pháp. Thế rồi khi bước ra khỏi Thế chiến II, đại úy Spartacus Varo trở thành sĩ quan tùy tùng của tướng Charles de Gaulle. Năm 1947, Spartacus được thăng thiếu tá trước khi sang Việt Nam với sứ mệnh giúp Bảo Đại thành lập “Xứ Mường tự trị” và thế là, một tương lai Công quốc hay thậm chí một Tướng Toàn quyền Indochinoi đang chờ anh. Nhưng, “thiếu tá Spartacus đã chết trận tại Hòa Bình, năm 1951 ngày 13 tháng 12. Để tưởng thưởng lòng dũng cảm đức hi sinh của ngài, Cộng hòa Pháp tặng đệ nhất Bắc đẩu bội tinh cho thiếu tá Spartacus Varo”. Vậy là cha tôi đã cất giữ tờ giấy ấy hơn 20 năm, trong két sắt. Như cất giữ hạt giống của niềm tin và bây giờ, hạt oliu đã thành cây, bói quả. Dự định hoàn kết luận văn sau cuộc khảo sát Hàm Dương để lấy bằng tiến sĩ của tôi phải hoãn lại. Tôi viết thư sang Việt Nam và trong khi chờ đợi, đã học tiếng Việt, bắt đầu từ bức thư phúc đức kia với “từ điển” là bản dịch tiếng Pháp đính kèm:
“Nam hà ngày 31 tháng 8 năm 1974
Kính gửi Nước Pháp
Thưa các đồng chí!
Tôi nà Trần thị Gái, 25 tuổi, có giấy khai sinh nàm bằng. Tờ khai sinh lày khai khi tôi đi học lớp 1 năm Tuất, nên nấy theo họ mẹ, phần Họ tên bố chỉ ghi là Lính Lê dương Pháp cưỡng bức. Thực ra không phải vậy, mẹ tôi bảo nói dối thế để căm thù đế quốc xài nang chứ thực bố tôi nà Xờ Pác Vác chức vụ thiếu tá. Mẹ tôi đem cá chê bắt được nên bán cho nhà thờ Bình nục, gặp nhau, nấy nhau. Tôi gửi các đồng chí bức ảnh chuyền thần, vì bức ảnh bố mẹ tôi cưới đã bị ố do nước lụt, để các đồng chí xem xét giải quyết cho rằng tôi không nhận vơ, trên ấy còn có chữ bố tôi ghi kỉ niệm ngày cưới 24 tháng 8 – 1948 rồi ký tên rõ.
Bố tôi ở Hà nam đến năm tôi nên hai thì nên đánh nhau trên mạn ngược, không rõ ở đâu, cũng chả thấy tin tức gì, chả biết còn sống hay đã chết. Từ đận ấy đến nay mẹ con tôi làm ăn nuôi nhau, cũng không ngóng vọng gì nhưng hôm xưa có giấy trên gửi về bảo có thế nào thì khai. Mẹ tôi bảo khai thì khai vậy thôi chứ cũng chả lước lon gì, bố tôi chỉ nà lê giương, không phải nà Pháp, ở lước lào ấy xa nắm, như thể nà người Việt nam sang Pháp đánh nhau hộ thôi, ngoài mấu đòn gánh thôi các đồng chí ạ.
Mong các đồng chí dúp đỡ. Tôi xin chân chọng cảm ơn.
Ký tên Trần thị Gái
TB: Nếu bố tôi còn sống, thì năm nay 56 tuổi, mẹ bảo ông tuổi con Ngựa.”
“Rất may là bức thư do một Việt kiều ở Paris dịch, lại cẩn thận ghi chú những từ nói ngọng phổ biến, nên nó là cuốn từ điển Việt Pháp khả tín. Lại còn may, đây là ngôn ngữ có rất nhiều từ China – Việt nên, chỉ nó với ba tháng học cấp tốc với chính người dịch bức thư, tôi đã tự tin sang Việt Nam. Nhưng, phải một năm sau ngày Hy Lạp lập quan hệ chính thức với nước này (15 tháng 4 năm 1975), tôi mới có visa đến Hà Nội, rồi từ đó đi tàu hỏa về ngoại ô Phủ Lý.”
“Không thể tin được, Gái cao đúng bằng anh trai tôi và do đó cũng bằng tôi, bằng Tần Thủy Hoàng và rắn, 174cm. Một con số huyền hoặc khiến tôi gai người. Con gái lai với kẻ thù, lại cao quá khổ, nên Gái Varo vẫn chưa lấy ai. Một nét buồn thăm thẳm xanh Hy Lạp. Còn ADN làm gì. Tôi khóc.”
Câu chuyện đến đây tạm thời kết thúc. Tôi sẽ quay lại hầu chuyện độc giả khi phát hiện những tình tiết mới liên quan đến dòng họ Varo trứ danh này.
______
1.Puellae, tiếng Hy Lạp: Cô gái, như là thị.
>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…