‘Văn chương cần có tính phổ quát’

916

Ở tuổi 73, nhà văn Abdulrazak Gurnah đã trải qua nhiều thăng trầm cuộc đời, đủ để ông giữ được sự điềm đạm khi bất ngờ trở thành tâm điểm của nhiều ánh mắt tò mò trên khắp thế giới.

“Tôi cảm thấy rất tốt”, ông trả lời khi tôi hỏi ông cảm thấy thế nào. “Có chút hơi gấp gáp khi phải gặp và nói chuyện với rất nhiều người. Nhưng bạn có thể nói gì khác được đây? Tôi cảm thấy ổn”. Tôi gặp nhà văn đoạt giải Nobel Văn học trong văn phòng đại diện được bao quanh bởi những cuốn sách của ông ở London, một ngày sau khi Ủy ban Nobel thông báo người giành giải thưởng này.

Ông trông trẻ hơn tuổi 73, mái tóc đã phủ bạc, nói năng đều đều nhưng luôn chăm chú, nét mặt hầu như không thay đổi. Những choáng ngợp ban đầu đối với ông, nếu như có thì giờ dường như không còn hiện diện nữa. Gurnah thậm chí cho biết, ông còn ngủ khá ngon.

Nhà văn Abdulrazak Gurnah – người vừa giành Nobel Văn học 2021. 

Bằng lòng với số lượng độc giả mình sở hữu

Cách đây không lâu, ông chỉ là tác giả được giới phê bình đánh giá cao sau khi ra mắt 10 cuốn tiểu thuyết. Gurnah vẫn bắt đầu mọi việc tại nhà trong bếp của mình ở Canterbury, nơi ông sống sau khi nghỉ hưu với tư cách là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Kent.

Giờ đây, ở một vị trí hoàn toàn khác, ông đang làm quen dần với cuộc sống mới. Trích dẫn của Viện Hàn lâm Thụy Điển khi nhắc tới ông: “Sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân, số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. Giới phê bình thì ca ngợi tính trữ tình trong văn chương của ông, sự sáng chói nhẹ nhàng, đăm chiêu của nó.

Lúc đầu, Abdulrazak Gurnah không tin vào cuộc điện thoại thông báo ông giành giải Nobel văn chương. “Tôi nhận cuộc gọi đó với tâm trạng khá “nhạt”. Và giọng nói nhẹ nhàng lịch sự cất lên: “Tôi đang nói chuyện với ông Gurnah phải không?”. Ông vừa đoạt giải Nobel Văn học. Và tôi nói: “Thật thà đi! Anh đang nói về cái gì vậy?”. Tôi đã cố gọi cho Denise, vợ tôi. Cô ấy đang đi chơi với cháu trai ở sở thú. Cùng lúc đó thì tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại khác nhau, trong đó nhiều nơi muốn được phỏng vấn riêng”.

Đối với nhà văn 73 tuổi, giải thưởng này là một bước ngoặt. Gurnah chỉ là người da đen thứ tư giành được giải thưởng trong suốt lịch sử 120 năm. “Ông ấy là một trong những nhà văn châu Phi vĩ đại nhất còn sống, nhưng chẳng ai để ý tới, điều này làm tôi ngộp thở”, Alexandra Pringle, biên tập viên lâu năm của Gurnah nói với The Guardian vào tuần trước.

Tôi hỏi: “Liệu với con đường văn chương tương đối “khiêm tốn” (ông từng lọt vào danh sách rút gọn cho giải thưởng Booker năm 1994) có bao giờ khiến ông thất vọng không?”. “Có lẽ Alexandra nghĩ tôi xứng đáng đạt được nhiều điều tốt hơn. Bởi tôi không nghĩ rằng mình chưa để lại dấu ấn nào. Tôi bằng lòng với những độc giả mà tôi có, nhưng tất nhiên, tôi có thể làm được nhiều hơn thế”.


Những cuốn sách của nhà văn Abdulrazak Gurnah. 

Gurnah lớn lên ở Zanzibar, ngoài khơi bờ biển Tanzania. Kể từ năm 1890, đảo quốc này là một lãnh thổ bảo hộ của Anh, một vị trí mà Lord Salisbury mô tả là “rẻ hơn, đơn giản hơn, ít ảnh hưởng đến… lòng tự trọng”. Di sản riêng của Gurnah phản ánh lịch sử và ông lớn lên theo đạo Hồi (không giống như Freddie Mercury, nam ca sĩ, người con trai nổi tiếng khác của Zanzibar, có gia đình là người Zoroastrian, gốc Gujarat).

Năm 1963, Zanzibar giành độc lập nhưng người cai trị của nó, Sultan Jamshid, bị lật đổ ngay sau đó. Đối với cuộc cách mạng, Gurnah đã viết vào năm 2001: “Hàng ngàn người đã bị tàn sát, toàn bộ cộng đồng bị trục xuất và hàng trăm người bị cầm tù. Trong tình trạng hỗn loạn và bắt bớ diễn ra sau đó, một cuộc khủng bố đầy thù hận đã cai trị cuộc sống của chúng tôi”. Trong bối cảnh hỗn loạn này, ông và anh trai đã trốn sang Anh.

Một số tiểu thuyết của Abdulrazak Gurnah cập đến sự ra đi, từ bỏ và lưu vong. Trong Admiring Silence, người kể chuyện, mặc dù xây dựng cuộc sống và gia đình cho mình ở Anh, nhưng lại thấy mình không còn là người Anh hay Zanzibari nữa. Sự rạn nứt của chính Gurnah với quá khứ của chính mình có còn ám ảnh nhà văn này không?

Ông nói: “Ám ảnh là để sinh ra sự cường điệu. Đây là câu chuyện rất lớn của thời đại chúng ta, về những người phải khởi tạo và làm lại cuộc sống của họ từ vạch xuất phát. Họ lưu giữ được gì và làm thế nào để họ đối phó với những gì họ lưu giữ? Họ phải vật lộn với những gì họ tìm thấy? Hoặc, chúng được bản thân họ tiếp nhận như thế nào?”.

Tâm trí của Gurnah, vào cuối những năm 60 ở Anh, thường mang tính thù địch. “Tôi ở đây khi còn rất trẻ, mọi người sẽ không có vấn đề gì khi nói thẳng vào mặt bạn những lời lẽ mà bây giờ chúng tôi cho là xúc phạm. Bạn thậm chí không thể lên xe buýt mà không có thứ gì đó khiến bạn giật bắn mình”. Ông cho rằng, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã có phần giảm bớt nhưng một điều hầu như không thay đổi là phản ứng của chúng ta đối với vấn đề tị nạn. Những tiến bộ trên mặt trận đó phần lớn là viển vông.

“Mọi thứ dường như đã thay đổi, nhưng sau đó lại có những quy định mới về việc giam giữ người tị nạn và người xin tị nạn, mà đối với tôi, họ bị coi gần như là tội phạm. Những điều này đang được chính phủ bảo vệ. Đây không phải là điều gì quá khác biệt so với trước đây”.

Lo sợ khi trở về quê hương

Abdulrazak Gurnah đã sống 17 năm ở Anh trước khi đặt chân trở lại Zanzibar một lần nữa. Khi đó, ông đã quyết định trở thành một nhà văn.

“Việc viết lách với tôi lúc đó diễn ra không thường xuyên. Đó không phải là điều mà tôi đặt quá nhiều tâm trí. Ví dụ như: “Tôi muốn trở thành một nhà văn” hay tương tự”. Tuy nhiên, các phẩm chất của ông và điều kiện thực tế đã kết hợp với nhau một cách tự nhiên.

“Viết lách xuất phát từ chính môi trường mà tôi đang sống, đó là nghèo đói, nhớ nhà, không có trình độ, thất học. Vì vậy, từ sự khốn khổ đó, tôi bắt đầu viết ra mọi thứ. Nó không giống như tuyên ngôn rằng, tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết. Nhưng điều này tiếp tục phát triển dần. Sau đó, nó bắt đầu trở thành “viết” bởi vì bạn phải suy nghĩ, xây dựng và định hình”.

Chuyến trở về quê hương diễn ra như thế nào? “Thật là kinh hoàng, 17 năm là một khoảng thời gian dài và tất nhiên, cũng như nhiều người chuyển chỗ ở hoặc rời khỏi nhà của họ, tôi cảm thấy đủ loại tội lỗi. Có thể là xấu hổ, không biết chắc rằng mình đã làm đúng hay không. Không biết họ sẽ nghĩ gì về bạn, bạn biết đấy, bạn đã thay đổi, bạn không còn là “ai đó trong chúng ta” nữa. Nhưng trên thực tế, không có điều gì tồi tệ xảy ra. Tôi bước xuống máy bay và mọi người rất vui khi thấy tôi”.

Ông vẫn cảm thấy bị kẹt giữa hai nền văn hóa? “Tôi không nghĩ vậy. Có những khoảnh khắc như khi diễn ra (cuộc tấn công vào) Tháp Đôi (Mỹ – PV) chẳng hạn nảy sinh sự phản ứng dữ dội đối với Hồi giáo và những người theo đạo Hồi… Tôi cho rằng, nếu bạn xác định là một phần của nhóm này thì bạn có thể cảm thấy sự chia rẽ, bạn luôn tự hỏi rằng có suy nghĩ nào ở phía sau người đối diện mình không?”.

Mọi cư dân của Zanzibar đều biết về nước Anh. Nhưng có lẽ công bằng mà nói, khi nghe tin người mới đoạt giải Nobel lớn lên ở đâu, nhiều người Anh đồng nghiệp của anh ta sẽ hỏi: “Zanzibar là ở đâu?”.

Ở một cấp độ nhất định, đó là sự bất công bằng có thể hiểu được, do Zanzibar rất nhỏ (chỉ có dân số khoảng 1,5 triệu người). Nhưng Gurnah có cho rằng, người Anh biết đủ về quá khứ đầy ảnh hưởng của họ trên toàn thế giới?

“Không”, nhà văn 73 tuổi nói. “Họ biết về một số nơi mà họ muốn biết. Ví dụ như Ấn Độ. Có một thứ liên kết gì đó ở đây, ít nhất là với đế chế Ấn Độ. Tôi không nghĩ rằng họ lại quan tâm đến những nơi có lịch sử kém hào nhoáng hơn. Nếu nó chỉ là một điều nhỏ nhoi, họ cũng không thực sự quan tâm”. Mặt khác, ông nói, đây không phải là lỗi của người Anh. “Đó là bởi họ không được nghe về những điều này”.

Ông có nghĩ rằng, các thể loại văn chương ngoài tiểu thuyết có phù hợp để ông kể lại câu chuyện của mình? “Đối với tôi, dường như tiểu thuyết là cầu nối giữa học thuật rộng lớn này và nhận thức phổ biến. Vì vậy, bạn có thể đọc về những vấn đề này như hư cấu. Và tôi hy vọng rằng phản ứng sau đó của người đọc là “Tôi không biết điều đó” và cao hơn nữa “Tôi phải đi và đọc một cái gì đó về điều đó”, Gurnah nói.

Đó hẳn là một trong những kỳ vọng của ông đối với công việc viết văn?, “Chà”, nhà văn 73 tuổi thở dài, với giọng điệu cho thấy ông không thích thú khi bị ám chỉ là kiểu nhà văn có tính áp đặt với người đọc.

“Đó không phải là điều quan trọng nhất của việc viết tiểu thuyết. Bản thân bạn cũng muốn được nhận sự khoan khoái và thoải mái. Nó phải thật khéo léo, thú vị và đẹp mắt nhất có thể. Vì vậy, một phần của bạn cũng phải được “hưởng thụ”. “Điều này có lẽ thú vị để biết, nhưng nó cũng là để hiểu bản thân, hiểu con người và cách họ đối phó với các tình huống. Nói cách khác, bạn viết về thứ cụ thể, những trải nghiệm của người đọc phải có tính phổ quát”.

Gurnah nói rằng, ông không biết mình sẽ làm gì với số tiền thưởng 840.000 bảng Anh. “Một số người cũng hỏi về điều này. Tôi thậm chí còn chưa có bất kỳ ý tưởng nào”. Hiện tại, Gurnah là người Zanzibari nổi tiếng nhất kể từ khi Freddie Mercury chói sáng.

“Đúng vậy, Freddie Mercury nổi tiếng ở Anh, nhưng ông ta không thực sự nổi tiếng ở Zanzibar, ngoại trừ với những người muốn khách du lịch đến địa điểm của họ. Có một quán bar tuyệt vời mà một người họ hàng của tôi sở hữu, tên là Mercury. Nhưng tôi nghĩ nếu tôi hỏi ai đó trên phố, “Freddie Mercury là ai?” Thì có lẽ họ sẽ không biết. Phiền bạn”, ông cười nói,” họ có thể cũng sẽ không biết tôi là ai”.

Có thể nhà văn 73 tuổi nghĩ như vậy, nhưng với tư cách là người châu Phi da đen đầu tiên giành được giải thưởng Nobel Văn học trong hơn ba thập kỷ. Zanzibar và cả thế giới giờ chắc hẳn đã chú ý tới ông hơn một chút.

Theo Phương Việt/Dân Việt (Theo The Guardian)