Tiến sĩ Huỳnh Công Tín cho rằng: Muốn nói văn chương miền Nam nói chung có nhiều thành tựu hay không, cần phải xem lại 2 điều: Một, về phương diện lý luận, thế nào là văn chương? Hai, cần rà soát thực tế lịch sử hơn 300 năm khai khẩn miền Nam. Tuy lịch sử văn chương miền Nam chưa dài so với lịch sử văn chương Việt Nam nhưng cũng có nhiều chuyện để nói.
Văn chương Nam Bộ – những “góc khuất” chờ thời gian trả lời
Đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, TS. Ngữ học Huỳnh Công Tín bảo rằng, mình là người sinh trưởng ở Nam Bộ “ba đời”… Thú vị cho bất kỳ ai muốn hiểu văn hóa, lời ăn tiếng nói của người Nam Bộ, có thể tìm thấy qua các tập sách của anh như: Từ điển Từ ngữ Nam Bộ, Văn chương miền sông nước Nam Bộ, Ấn tượng văn hóa Đồng bằng Nam Bộ, Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ… – nói như nhận xét của nhà văn Sơn Nam: “Thật đáng nể mặt”.
* Nếu lấy bộ sách công phu và giá trị “Nhà văn hiện đại” của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan làm mốc, ta sẽ thấy nhân vật lựa chọn trong đó, về phía Nam chỉ có Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ. Quá ít. Có phải do thời đó, văn chương Nam Bộ không có thành tựu đáng kể chăng?
– Huỳnh Công Tín: Đó cũng là suy nghĩ lâu nay của nhiều người. Bởi họ cũng như tôi, lớn lên từ ghế nhà trường các cấp, học được gì nhiều đâu, ngoài việc biết đến một số nhà văn, nhà thơ Nam Bộ, trước thì có Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Thủ Khoa Huân, Bùi Hữu Nghĩa…; sau thì có Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền… Vì vậy, muốn nói văn chương miền Nam nói chung có nhiều thành tựu hay không, cần phải xem lại 2 điều: Một, về phương diện lý luận, thế nào là văn chương? Hai, cần rà soát thực tế lịch sử hơn 300 năm khai khẩn miền Nam.
Tuy lịch sử văn chương miền Nam chưa dài so với lịch sử văn chương Việt Nam nhưng cũng có nhiều chuyện để nói. Từ các tao đàn văn chương, đến các lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, sân khấu, tuy không ai gọi 2 lĩnh vực này là văn chương. Thế nhưng những sáng tác trên bình diện nghệ thuật lời ca, ngôn từ trong các sáng tác âm nhạc tân cổ, tuồng cải lương, bao gồm bài nhạc tài tử, các vở tuồng cải lương với những tên tuổi bậc thầy trong lĩnh vực sáng tác lời từ, như Tư Trang, Năm Châu, Duy Lân, Hà Triều – Hoa Phượng, Mộc Linh, Thiếu Linh, Kiên Giang, Thu An, Viễn Châu, Nhị Kiều… và cả lời ca tân nhạc của các nhạc sĩ đã gắn chặt tên tuổi của họ trong công chúng bình dân, như Trúc Phương, Lam Phương, Anh Việt Thu, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Hoàng Trang… Theo tôi, đều có thể gọi là thành tựu văn chương. Đó là chưa kể, chúng ta đã bỏ sót vô vàn tác phẩm của một thời kì “nở rộ nhà văn” giai đoạn chữ Quốc ngữ mới thịnh hành trong công chúng. Mới đây thôi, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX đến sau này, như Nguyễn Trọng Quảng, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Việt Đông, Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Đặng Lễ Nghi, Sơn Vương…, rồi Phi Vân, Vũ Anh Khanh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…
Tiến sĩ ngôn ngữ học Huỳnh Công Tín.
* Cách đặt vấn đề của anh thú vị, vì rằng những tên tuổi đó, lĩnh vực đó vẫn chưa nhiều nhà nghiên cứu phân tích thấu đáo. Từ đó, nếu ngay bây giờ, anh thoáng nghĩ đến điều gì?
– À, xin nói nhanh, ví dụ bài thơ Đường “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, nhà thơ Trung Quốc ở cách chúng ta bao nhiêu thế hệ, không quan hệ gì mà vẫn được truyền bá trong giới học sinh, sinh viên, ừ, điều đó cũng được. Nhưng, nếu có dịp tiếp cận bài thơ dài “Tha La”, chúng ta sẽ thấy bài thơ của Vũ Anh Khanh (1926-1956) – nhà thơ đất Phan Thiết, hay hơn gấp bao nhiêu lần (tất nhiên là theo ý tôi) nhưng lại không được phổ biến trong sách báo, nói chi đến lĩnh vực học đường. Như vậy, có thiệt thời cho nhiều người muốn tìm hiểu văn chương miền Nam không? Tất nhiên, có thể bạn không đồng ý chuyện so sánh này nhưng tôi muốn nêu vấn đề để thấy cũng bởi chuyện chúng ta quan niệm như thế nào là thơ văn thôi. Trong khi đó, Vũ Anh Khanh còn là nhà văn với nhiều tác phẩm mà tôi biết nhiều người chưa nghe qua tên tựa, nói chi đến đọc tác phẩm để mà bình, đánh giá tài văn thơ của ông, như “Cây ná trắc”, “Nửa bồ xương khô”, “Đầm ô rô”, “Bên kia sông”… Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp lâu nay đã bị bỏ sót, bị quên lãng.
Hay như Sơn Nam – “ông già Nam Bộ” chỉ chuyên viết văn, không khoái làm thơ, chỉ làm mỗi bài thơ “Hạt bụi nghiêng mình” mà cũng “đã” và “hay” quá rồi! Bài thơ này cũng không thấy được chọn nên chắc nhiều người cũng lấy làm lạ, nhà văn Nam Bộ lại có thơ à! Mà nói về Sơn Nam, tuy ông là nhà văn lớn đất Nam Bộ, viết đủ các thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, đến bút ký, hồi ký, biên khảo… nhưng tác phẩm của ông không biết được chọn dạy bao nhiêu thời gian chính khóa ở nhà trường, nói gì đến bài thơ này của ông. Trong khi, có nhiều bài thơ khó nhớ, khó cảm thì học sinh các cấp lại được tiếp cận. Đấy lại là chuyện quan niệm về văn chương.
* Đành rằng là thế. Nhưng được biết, sự thiếu sót này, ít nhiều đã được “khắc phục” nếu chúng ta nhìn từ công trình đồ sộ “Từ điển văn học” bộ mới, 2.180 trang in khổ lớn và các tập sách chuyên đề, thưa anh?
– Tôi cũng nghĩ thế. Chỉ nêu thêm ví dụ khác: Gia Định hơn 300 năm đã có bước phát triển nhiều mặt rực rỡ. Nhìn lại quá trình đó, thế hệ sau ghi nhận công lao to lớn các bậc tiền hiền trong việc khai hoang, mở đất, gieo mầm tri thức cho người dân “chân lấm tay bùn” xứ sở này. Trong lớp người được ghi công đầu có thầy Võ Trường Toản, người đời xưng tụng “Vạn thế sư biểu”. Ngoài sự nghiệp trồng người, thầy có công đào tạo 3 nhà thơ lớn đất Gia Định, “Gia Định tam gia thi” gồm: Trịnh Hoài Đức (1765-1825), tác giả “Gia Định thành thông chí”; Lê Quang Định (1760-1813), tác giả “Nhất thống địa dư chí”; Ngô Nhân Tịnh (? – 1813), tác giả thơ văn được in trong nhóm Bình Dương thi xã và nhiều kẻ sĩ khác…; đồng thời, ông còn là nhà thơ. Rất tiếc, trước tác của nhà thơ đã thất lạc gần như toàn bộ. May trong tàng thư còn lưu giữ bài phú “Hoài cổ” của ông. Thế nhưng, trong “Phú Việt Nam chọn lọc” (NXB Văn học, 2008), Phong Châu và Nguyễn Văn Phú chọn in 35 bài phú Việt Nam (6 bài chữ Hán, 29 bài chữ Việt), tiếc lại không có bài phú này.
Còn, trong cuốn “Từ điển văn học” bộ mới, tập hợp quý vị hàn lâm trong giới khoa văn học, trong phần ảnh đăng kèm đã rất công phu đăng ảnh “Minh họa Cửu Ca của Khuất Nguyên” hay ảnh “Nhà cũ của Khang Hữu Vi”, nghĩa là rất “chi li” đến chuyện “ta bà thế giới” nhưng ở mục chữ H, thì có: “Hà Thành chính khí ca”, “Hà Thành thất thủ ca”, mà không có mục từ “Hà Tiên thập vịnh”, thiệt là buồn!
* À, ra thế. Anh có thể nói rõ hơn về Hà Tiên thập vịnh?
– Còn nhớ, ngày nhỏ ngồi ghế nhà trường mình có học về Tao đàn văn chương Nhị thập bát tú (28 vì tinh tú) do nhà vua Lê Thánh Tông làm chủ soái, có nhiều bài thơ “khẩu khí” rất hay. Sản phẩm mà 28 nhà thơ này để lại, tôi không nhớ là bao nhiêu bài thơ Đường nhưng chúng ta được học một số bài khá tiêu biểu. Lớn lên, tôi rất ngưỡng mộ một tao đàn khác tại xứ sở Hà Tiên dù nơi đây chỉ chuyên lo làm ăn, mua bán nhưng có một vị quan trấn thủ vùng đất này là Mạc Thiên Tích (1708-1780), còn gọi Mạc Thiên Tứ cũng đứng ra lập tao đàn, rồi làm chủ soái tao đàn có tên Chiêu anh các.
Tao đàn này có đến 75 nhân sĩ, gồm cả những người trong nước và ngoài nước. Lời tâm sự qua lại giữa người chủ soái tao đàn với khách thơ Nguyễn Cư Trinh, được Lê Quý Đôn ghi chép trong “Phủ biên tạp lục”, cho thấy sáng tác văn chương, tuy nói là để thưởng ngoạn, vui chơi nhưng rõ ràng là ông có những yêu cầu chặt chẽ và nghiêm túc về câu, chữ, hình thức diễn đạt, văn phong, tính chân thực, hàm súc: “Tâm là cái khó lường, tiết ra mà làm thơ, mà thành. Thơ mà có thể đọc được, cốt ở một chữ, có khi đến ba năm sau mới tìm được hay nghìn năm mà không giải quyết được. Tôi xem đó là khó lắm. Huống chi khi nhỏ còn bông lông, chưa hay dốc chí về kinh luân, lớn lên lại biếng lười, rất sợ cầu danh ở văn chương, cho nên sinh bình thơ hay rất ít. Huống lại sông vàng ải ngọc, muôn dặm tình hoài; lại việc ba quân còn rỗi đâu mà nghĩ đến thơ. Nếu có ngâm vịnh một hai bài thì cũng miễn cưỡng theo người, chứ vốn cũng không phải tự mình cao hứng, so với điều không nên cẩu thả thực đáng xấu hổ. Xin khéo vì tôi che giấu, không nên nói với người ngoài” (“Phủ biên tạp lục”, NXB Văn hóa – Thông tin, 2007, tr. 328-329).
Một thời kỳ văn chương ngắn ngủi trên đất Hà Tiên mà có đến trên 300 bài thơ Đường xướng – họa, vịnh 10 phong cảnh đẹp Hà Tiên và một tập thơ song thất lục bát đi kèm mô tả cảnh và người Hà Tiên có 334 câu, gọi chung là “Hà Tiên thập vịnh”, chẳng lẽ không đáng để có một mục từ về nó trong “Từ điển văn học” bộ mới được gọi là công phu nhất từ trước tới giờ sao. Đó là ta còn chưa kể đến Bình Dương thi xã, Bạch Mai thi xã…
* Có điều một số người cho rằng, “văn chương miền Nam gì mà viết như nói…”, ý họ “văn chương miền Nam không trau chuốt, bóng bẩy”. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
– Về điều này, nhiều nhà văn đã bàn, đã phân tích rồi, tôi không nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều: Anh có chơi cây kiểng không? Nếu có chơi, anh sẽ thấy được tâm lý của 2 loại người chơi kiểng. Một, có người thích cây kiểng được cắt tỉa gọn gàng, ngăn nắp; các chi, tàng đều phải được phân bố cân đối, chính xác trong từng centimét về khoảng cách không gian, độ lớn nhỏ. Hai, có người lại không thích cân đối, họ để tự nhiên, có những u ẩn, tì vết, cành chi tự nhiên như nhiên, nói lên nét đẹp trong sự đa dạng của tự nhiên… Anh theo quan điểm nào thì tùy nhưng phủ bác quan niệm còn lại thì không nên.
Theo Lê Minh Quốc/An ninh thế giới