Văn chương Việt Nam 2022 – Một góc nhìn

197

Bùi Công Thuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có thói quen ghi lại những sự việc, những hiện tượng văn học trong năm, trước hết là để làm tư liệu và để chia sẻ với bạn văn đôi điều, bởi 2022 đã là quá vãng và sẽ qua đi mãi mãi. Dẫu thế nào, dưới một góc nhìn riêng, những gì ghi nhận được luôn là chủ quan và phiến diện.

Đã thành thiên cổ… 

Năm 2022, nhiều nhà văn đã thành thiên cổ, họ ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người ở lại và họ để lại một khoảng trống không thể lấp đầy. Khuôn mặt họ ngời sáng tài năng, dũng cảm và nhân cách giữa bao nhiêu bầm dập của cuộc đời. Thế hệ nhà văn nhà thơ đi sau chưa thấy ai có được cốt cách của họ.

Nhà văn Lê Lựu qua đời ngày 09/11/2022. Ông có nhiều tác phẩm: Người cầm súng (truyện ngắn, 1970); Phía mặt trời (truyện ngắn, 1972); Đánh trận núi Con Chuột (truyện dài thiếu nhi, 1976); Mở rừng (tiểu thuyết, 1977); Ở phía sau anh (tiểu thuyết, 1980); Ranh giới (tiểu thuyết, 1977); Campuchia một câu hỏi lớn (truyện ngắn, 1979); Đồng bằng chiến sĩ (truyện ký, 1980); Thời xa vắng (tiểu thuyết, 1986); Mặt trận của người lính (truyện ngắn, 1986); Một thời lầm lỗi (bút ký, 1988); Trở lại nước Mỹ (bút ký, 1989); Đại tá không biết đùa (tiểu thuyết, 1990); Chuyện làng Cuội (tiểu thuyết, 1993); Sóng ở đáy sông (tiểu thuyết, 1994); Hai nhà (tiểu thuyết, 2000); Thời loạn (2009); Chuyện quê ngày ấy (tiểu thuyết, 2010). Lê Lựu để lại dấu ấn trong lòng người đọc với tiểu thuyết Thời xa vắng (1986), góp phần làm nên dòng văn chương Dân chủ và Nhân văn thời “đổi mới”.

Nhà văn Trần Huy Quang qua đời 15/12/2022. Ông cũng để lại nhiều tác phẩm: Chiếc áo màu lửa (truyện ngắn, in chung, 1970), Sự trắc trở đã qua (truyện ngắn, 1984), Ngày mai (tiểu thuyết, 1985), Ngọn khói (tiểu thuyết, 1985), Người làm chứng (truyện và ký, 1988), Nước mắt đỏ (tiểu thuyết, 1988), Mối tình hoang dã (tiểu thuyết, 1990), Chị dâu (tiểu thuyết, 1994), Khúc hoàn lương (tiểu thuyết, 1995), Trần Huy Quang – phóng sự (1995); Nước mắt đỏ và những chuyện khác (2005); Chân trời xa thẳm (tiểu thuyết, 2008). Nhưng người ta nhớ thương ông là ở bút ký Câu chuyện về ông vua Lốp (1986) và truyện ngắn Linh Nghiệm trên Văn nghệ số ra 4/7/92 (số 92).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ngày 20/3/2021. Năm nay, năm 2022, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát. Đồng thời, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội đã quyết định trao Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời cho ông và các tác phẩm của ông. Trao giải thưởng cho Nguyễn Huy Thiệp là đúng bởi tài năng và đóng góp của ông cho sự đổi mới văn học Việt. Nhưng hình như người ta đã quên những gì nói về ông lúc ông còn sống và viết, cũng quên luôn những gì ông đã viết về nhà thơ, nhà văn Việt Nam (Trò truyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn – 2004), để giờ đây, thay vào đó là những lời tụng ca, tôn vinh ông. Tôi nghĩ, chắc ông chỉ cười ruồi với những người đã khen hoặc chê ông. Ông viết: “Trước mặt tôi đây là giò hoa thủy tiên thơm ngát. Tôi biết rằng cả đời tôi, rồi cả hoa cũng chẳng còn mãi trên đời này. Thời gian trôi đi, giống như sóng biển kia vỗ bờ, giống như dã tràng kia xe cát, sự sống rồi cứ tiếp nối nhau không ngừng như thế đầy, vô cùng vô tận. – Mặc kệ chuyện thị phi “ (Trò chuyện với hoa thủy tiên…). Lưu ý rằng Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm từ trần ngày 14/01/2022. Ông nguyên là Ủy viên Hội đồng LLPB Hội Nhà văn Việt Nam. Vài lần đi họp, tôi có ở chung phòng với ông. Ở ông, toát ra vẻ nghiêm túc, điềm đạn và thân tình. Ông viết ở nhiều thể loại, thành ra tìm một danh xưng chuyên nghiệp dành cho ông thật khó. Những người vừa làm thơ, vừa viết văn, vừa viết lý luận phê bình tài hoa như Nguyễn Đình Thi không có nhiều. Dù vẫy, người ta vẫn định vị Nguyễn Đình Thi là nhà thơ. Tôi nghĩ nghề của ông là làm báo, mặt mạnh của ông là thơ. Những thể loại khác ông viết ở dạng văn chương phong trào. Ông đã xuất bản các tác phẩm: Nữ hoàng trái cây (1987), Chia tay võ sĩ dế (1988), Thức đợi hoa quỳnh (1991), Thương nhớ tài hoa (1992), Người thám hiểm thời gian (1993), Hương Giao thừa (1994), May quá, lòng tốt vẫn còn đây (bút ký, 1994), Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam (sưu tầm biên khảo,  2000), Văn đàn bi tráng (2008), Sương Hồ Tây, mây Tháp Bút (2011), Hoài nghi và Tin cậy (2004), Bắc cung Hoàng hậu (tiểu thuyết, 2014), Người trong cõi tâm linh (tiểu thuyết, 2014), Đi tìm mật mã thơ (tiểu luận, 2015), Minh triết đất đai (2015), Hoàng Sa (thơ, 2018), Tiếp cận mật mã thơ (nghiên cứu phê bình, 2019).


Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Nhà thơ Trần Quang Quý giã từ cõi đời ngày 10/9/2022. Ông là một khuôn mặt thơ nổi bật trong nỗ lực cách tân thơ Việt đầu thế kỷ XXI. Ông để nhiều tác phẩm:  Viết tặng em trong ngôi nhà chật (thơ, 1990); Mắt thẳm (thơ, 1993);Lời sám hối muộn mằn (phim truyện, 1995); Chị Châu (phim tuyện, 1996); Giấc mơ hình chiếc thớt (thơ, 2003); Siêu thị mặt (thơ, 2006); Cánh đồng người (thơ song ngữ, 2010); Bờ sông trăng sáng (truyện ngắn, 2010); Màu tự do của đất (thơ, 2010); Ga sáng (thơ, 2016); Namkau (thơ, 2016); Bay lên những giấc mơ (bút ký, 2017); Nguồn (thơ, 2019); Ngô Văn Dụ – người làng Rau (ký, 2019); Chảy trên dòng thời gian (thơ, 2020); Ướp nhớ (thơ Namkau, 2020)…Người ta nhớ đến ông ở những cách tân thơ ông góp vào tiến trình thơ hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XXI và ở lối thơ Namkau mà ông đề xướng. Tôi đã có bài viết về hành trình 10 năm thơ của ông. Tôi ra Hà Nội trong năm, chưa kịp thăm ông thì đã tiễn biệt, trong lòng in đậm một khuôn mặt thơ gân guốc, hiền lành và chân tình.

Lê Lựu, Trần Huy Quang, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Quang Quý… sẽ còn được nói đến như những nhà văn nhà thơ tiên phong bằng sáng tác của mình đòi hỏi phải đổi mới văn học, rằng Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa đã không còn đáp ứng khát vọng sáng tạo. Tác phẩm của họ đã bổ sung phần “hiện thực” “không Xã hội chủ nghĩa” của văn học Việt Nam. Lưu ý rằng Chủ nghĩa Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chỉ phản ánh “Hiện thực cách mạng”. Tiếng nói của họ là tiếng nói “Nhân văn và Dân chủ”. Mỗi nhà văn nhà thơ đều thể hiện nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút đối với thời đại của mình. Thế hệ nhà văn nhà thơ đi sau họ hình như chưa xuất hiện trên văn đàn, thành ra, nhiều năm nay, văn chương Việt Nam lặng lẽ và nhạt nhẽo.

Văn chương phong trào nở rộ 

Công tác phong trào của Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương nở rộ nhiều hoạt động cổ vũ sáng tác. Không khí văn nghệ phong trào rôm rả. Tin tức và bài viết của các tác giả phong trào khá phong phú trên các trang mạng văn học. Nhiều cuộc thi sáng tác được phát động.

Xin ghi nhận một vài cuộc “vận động” tiêu biểu:

Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng 6/1/2022 tại Hà Nội.

Cuộc thi Truyện ngắn hay 2022  của Tạp chí Văn Nghệ và Hội Nhà văn TP.HCM 11/1/2022 với đề tài rộng mở: Viết về con người và cuộc sống; đối tượng tham gia là tất cả những cây bút chuyên và không chuyên cả trong và ngoài nước với tác phẩm bằng tiếng Việt. Truyện ngắn hay 2022 mở rộng dung lượng tác phẩm lên đến “dưới 3.500 chữ” cho mỗi truyện.

Cuộc vận động sáng tác về chủ đề Thương binh – Liệt sĩ của Hội Nhà văn, Tạp chí Văn nghệ TPHCM tổ chức để kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát động từ tháng 12/2021 đến đến hết tháng 9/2022, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm của 150 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022 – 2025, do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (01/12/2022) nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 – 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2025).

Các trại sáng tác cũng được mở ra khắp nơi, phong phú về chủ đề, đối tượng sáng tác và mục đích sáng tác. Đơn vị tổ chức từ cấp Huyện, cấp tỉnh tới cấp trung ương, thậm chí một tạp chí cũng tổ chức trại. Xin ghi nhận một vài sinh hoạt:

Trại Sáng tác Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc ngày 2.6.2022, tại Nhà Sáng tác Tam Đảo.Trại có 15 nhà văn Hội viên.

Trại sáng tác Trẻ 2022 của Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức từ ngày 25/3 đến 29/3 tại Nhà sáng tác Đà Lạt.

Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng năm 2022 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trại đã thu nhận được 16 bản thảo gồm 8 tiểu thuyết, 1 trường ca, 5 tập bút ký và truyện ngắn, 2 tập nghiên cứu phê bình văn học và 5 đề cương tiểu thuyết.

Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức hai trại sáng tác: trại sáng tác VHNT tại Quảng Ninh với chủ đề: “ Văn nghệ sĩ Đồng Nai đồng hành cùng đất nước” (tháng 6/2022), và trại sáng tác NHNT tại Đà Nẵng với chủ đề “ Văn nghệ sĩ với người lính biển đảo và quê hương đất nước” (tháng 7 năm 2022)

Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2022 tại huyện Na Hang do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 26/9/22. Có  25 văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành: Văn học, âm nhạc và nhiếp ảnh tham gia. Đây là dịp để các văn nghệ sĩ đi sâu cảm nhận, khám phá nhiều hơn vùng đất và con người Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Na Hang.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức trại sáng tác văn học thanh, thiếu nhi năm 2022 (Ngày 18/8).

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng Trung du và miền núi phía Bắc, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Chiều 20/9/22. Có 30 tác giả là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng Trung du và miền núi phía Bắc thuộc các chuyên ngành văn xuôi, thơ, âm nhạc và nhiếp ảnh.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2022 (từ ngày 03 đến ngày 16/10/2022) tại Nhà Sáng tác Vũng Tàu . Tham gia trại có 13 trại viên sáng tác hơn 40 tác phẩm trên các lĩnh vực Âm nhạc, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Văn học, Văn nghệ Dân gian.

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật – bồi dưỡng năng khiếu trẻ năm 2022 do Hội Văn học Nghệ thuật  tỉnh Bắc Ninh tổ chức Ngày 11/9/22, cho 30 học sinh Trường THCS Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh).

Trại sáng tác Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2022 do Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức. Tham gia trại có 32 hội viên thuộc Hội Văn học nghệ thuật của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gồm: Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Tạp chí Xứ Thanh tổ chức trại sáng tác hưởng ứng cuộc vận động sáng tác chào mừng Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027, chiều 30-1122. Gần 30 thành viên trại sáng tác sẽ đến tham quan và thâm nhập thực tế ở 2 huyện Bá Thước và Ngọc Lặc. Trong 3 ngày từ 1 đến 3-12, các trại viên sẽ đi thực tế, giao lưu, tìm tòi ý tưởng, đề tài, để cho ra đời những tác phẩm mới chất lượng.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang tổ chức Trại sáng tác VHNT năm 2022 tại Đại Lải. Có 13 văn nghệ sỹ thuộc các chuyên ngành Văn học, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Âm nhạc, Sân khấu Điện ảnh và Múa tham dự. Chương trình gồm tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều khu, điểm lịch sử, văn hóa, tâm linh, như thành Cổ Loa, Việt Phủ Thành Chương, Đền Hai Bà Trưng, Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (TP. Hà Nội); Tam ĐảoLàng gốm Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc) và một số địa danh khác… Qua đó tạo cảm hứng cho các anh, chị, em hội viên, văn nghệ sĩ sáng tác

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng tổ chức trại sáng tác văn học, nghệ thuật năm 2022 Từ ngày 2 đến 17-11 tại Nhà sáng tác Đà Lạt. Tham dự trại có 14 văn nghệ sĩ thuộc Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Mỹ thuật và Hội Văn nghệ dân gian của Đà Nẵng.

Trại sáng tác văn học “Chiến tranh, cách mạng, người lính – đất và người Ninh Bình” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình tổ chức. Trại diễn ra trong nửa tháng, với  chủ đề về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; người lính hôm nay hết mình với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất; ca ngợi đất và người Cố đô  với chiều sâu của lịch sử, văn hoá và những cống hiến, đóng góp của Ninh Bình trong sự phát triển của đất nước hôm nay…

Trại sáng tác Văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức (8/9/22). 70 văn nghệ sĩ thành phố tham gia trại sáng tác sẽ đi thực tế và hoàn thành các tác phẩm trong tháng 9, 10/2022 tại Nghệ An quê Bác, Khu di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) và thành phố Hải Phòng

***

Một hoạt động phong trào khác là tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X trong 2 ngày 18 và 19/6/2022 tại Đà Nẵng. Ban tổ chức hội nghị cho biết, có 138 đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ các vùng miền trong cả nước. Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có cuộc tọa đàm chủ đề “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hội thảo thơ và văn xuôi, bàn về thái độ, trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, với xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết”. Lãnh đạo Hội Nhà văn kỳ vọng: con đường duy nhất mà nhà văn cầm bút là phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Trong hội nghị lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó”.

Hội nghị qua đi mà không để lại dấu ấn gì cả về tổ chức và đội ngũ. Số lượng các đại biểu dự hỗi nghị khá đông, nhưng tìm trong số ấy những tài năng, thì còn phải chờ. Người trẻ sinh ra và lớn lên trong nền kinh tế thị trường, họ quen viết văn chương thị trường, bao giờ mới có được những tác phẩm dựa trên “nền tảng của chủ nghĩa nhân văn”? Rất tiếc là không có một hội thảo về văn học trẻ hiện nay để chỉ ra những  giá trị, tiềm năng và triển vọng của văn học trẻ hôm nay. Người trẻ lấy gì để “bứt phá” để mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam! Văn học trẻ đa phần là văn chương phong trào.

Một “phong trào” khác là thơ 1-2-3, kiểu bài thơ có 6 câu. Đã có khá nhiều người làm kiểu thơ này (cho nên tôi tạm gọi là “phong trào”), nhưng tôi không thấy nhà thơ tài danh nào tham gia phong trào, và cũng chưa có tập thơ 1-2-3 nào “đứng được” trong việc khẳng định kiểu thơ này như một “thể thơ” mới. Xét cho cùng đó chỉ là tạo ra một hình thức trình bày “mới”. Đã có thơ 2 câu (Lục bát), thơ Lục bát vắt dòng, thơ Haiku 3 câu, thơ Tứ tuyệt 4 câu, thơ Namkau (năm câu) do nhà thơ Trần Quang Quý khởi xướng, và bây giờ là thơ 1-2-3 (6 câu). Để trở thành một thể thơ, thơ 1-2-3 phải hình thành được một thi pháp riêng như thi pháp Ca dao, thi pháp thơ Haiku, thi pháp thơ Tứ tuyệt, thi pháp thơ Tân Hình thức. Thơ 1-2-3 hiện nay mới chỉ là ngẫu hứng. Dù sao, những nỗ lực đổi mới (tôi không gọi thơ 1-2-3 là cách tân) thơ Việt luôn luôn đáng trân trọng khi nó thực sự tạo ra những giá trị mới.

***

Nhìn vào những sinh hoạt văn học trên, chúng ta dễ nhận ra sự nở rộ của “văn nghệ quần chúng(chữ của Nghị quyết 23 Bộ Chính trị). Điều này làm an tâm những người có trách nhiệm, bởi vì Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị chỉ đạo: “Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp.”

Văn nghệ quần chúng (tôi gọi là “văn nghệ phong trào” bởi nó sáng tác theo phong trào) vừa phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu văn nghệ của quần chúng rộng rãi. Một tác giả quần chúng, chỉ cần viết “sạch sẽ” (không sai về chính tả, ngữ pháp, không sai về luật thơ, biết kể chuyện…) là có thể trở thành hội viên một Câu lạc bộ, một Hội VHNT địa phương, là có bài đăng báo giấy, đăng báo mạng của Hội, và nghiễm nhiên trở thành “nhà văn, “nhà thơ” đầy tự hào với bạn bè. Các Hội VHNT có nhiệm vụ tập hợp quần chúng để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, cho nên mục đích sáng tác của văn nghệ quần chúng là chính trị. Không đòi buộc văn nghệ quần chúng phải sáng tạo, phải cách tân nghệ thuật.

Chỉ tiếc là “Văn chương chuyên nghiệp” trong năm 2022 chưa có thành tựu nào ghi được dấu ấn, đặt những bước phát triển mới cho Văn học Việt Nam đương đại.

Có những việc làm nặng trĩu trái tim 

1. Việc gạt nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh khỏi danh sách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn là điều thật đáng buồn. Đó là quyết định của tập thể ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Hữu Hồng Minh được mời vào Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với các tên tuổi khác như Nguyễn Việt Hà, Nhật Chiêu, Nguyễn Phúc Lộc Thành…

Sự việc  khởi đi từ ý kiến của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn về bài thơ Lỗ thủng lịch sử của Nguyễn Hữu Hồng Minh 20 năm trước. Lê Thiếu Nhơn cho rằng  bài thơ Lỗ thủng lịch sử được đánh giá là “tởm lợm”, “quái đản” chính là mang “rác rưởi vào Hội Nhà văn”, việc này sẽ làm hạ uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam.

Là người mời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá Nguyễn Hữu Hồng Minh là người có nhiều đóng góp cho đổi mới thi ca Việt Nam. Ông cũng bày tỏ quan điểm nếu chỉ căn cứ vào một bài thơ mà kết luận về toàn bộ sự nghiệp văn thơ của một tác giả, kết luận về một con người thì không ai trên đời có cơ hội để trở nên tiến bộ. Dù vậy ông tôn trọng quyết định của Ban Chấp hành Hội [1].


Sự kiện kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho nhà thơ – nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh trở thành một vụ ồn ào năm qua.

Việc nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh không được kết nạp năm 2022 gây sốc trong dư luận. Bởi nó “dập tắt” ý tưởng “đổi mới” việc kết nạp hội viên của chủ tịch Nguyễn Quang Thiều, nó cho thấy sự hẹp hòi và lạc hậu trong việc nhìn nhận một tài năng khi xét kết nạp, nó cho thấy ý kiến của cá nhân Lê Thiếu Nhơn ảnh hưởng thế nào đến Ban Chấp hành; nó làm nản lòng những ai còn chút nhiệt tình muốn vào Hội Nhà văn, và đáng buồn hơn, nó làm tổn thương lòng tự trọng của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Những giá trị nhân văn mà Hội Nhà văn cổ vũ đã không thể hiện trong trường hợp này.

2. Việc được mời đề cử nhà văn Việt Nam tham gia giải Novel văn chương cũng gây ra những luồng ý kiến trái chiều.

Thư do Chủ tịch Viện Thụy Điển Anders Olsson ký vào tháng 12 viết:

“Kính gửi: Ngài chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Thay mặt cho Viện Thụy Điển, chúng tôi vinh dự mời ngài đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét Giải Nobel văn học năm 2022.

Chúng tôi mong muốn nhận được bản tường trình về lý do đề cử ứng viên, mặc dù không nhất thiết phải có. Khi xem xét các ứng viên, đề nghị ngài hãy quan tâm tới các vấn đề về thể loại, giới và địa lý.

Để được ủy ban xem xét, bản đề nghị của ngài cần được gửi tới Ủy ban Nobel để chuẩn bị cho việc thảo luận về giải thưởng trước ngày 31-1-2022.

Ủy ban Nobel sẽ xem xét tất cả các đề cử, với bản đề cử được ký bởi chính ứng viên, và phải được tuyệt đối giữ bí mật bởi cả người đề cử và ứng viên…”.

Mãi tới ngày 17-2 thư mới tới tay chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khi thời hạn đề cử đã qua. Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Dù thời hạn đề cử đã qua, tôi vẫn sẽ gửi thư tới Ủy ban Nobel để cảm ơn, và mong muốn Ủy ban Nobel sẽ tiếp tục gửi thư cho tôi sớm hơn trong dịp xét giải Nobel văn chương 2023“[2].

Vấn đề  được quan tâm là ai có trách nhiệm đề cử và đề cử nhà văn nào? Sẽ có những ý kiến “thiếu thiện chí” làm loạn diễn đàn. Chỉ một tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa có sự thống nhất trong việc đánh giá giá trị văn học. Các tiêu chí trao giải thưởng văn học trong nước cũng không thống nhất. Các quan điểm và phương pháp đọc tác phẩm cũng không thống nhất, vậy làm sao có thể đề cử một tác giả tác phẩm dự giải Nobel.

Nhà văn Nam Cao đã từng có ý định viết tác phẩm dự giải Nobel. Ông viết trong truyện ngắn Đời Thừa: Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái (5), sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Như thế mới thật là một tác phẩm hay, các anh có hiểu không? Tôi chưa thất vọng đâu! Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel (6) và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu! (lời nhân vật Hộ).

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng từng có ý định như Nam Cao. Tôi nhớ không lầm năm 1998 Nguyễn Huy Thiệp từng tuyên bố viết tác phảm dự giải Nobel, song sau khi đi nước ngoài về, tiếp cận với sách văn học Việt Nam được dịch và in ở nước ngoài, ông nhận ra tầm vóc của văn học việt Nam còn quá bé nhỏ trước một thế giới rộng lớn của văn học thế giới.

Nên chăng chúng ta cần có một Hội đồng văn học dùng các tiêu chí của Viện Hàn lâm Thụy Điển phụ trách giải Nobel Văn học để xem xét và chọn lựa tác phẩm dự giải. Tôi lại nghĩ, việc chọn ai vào Hội đồng này cũng không dễ thống nhất ý kiến. Sự thực là chúng ta chưa có tác giả tác phẩm có tầm vóc quốc tế rộng rãi, cho nên việc chen chân vào Nobel văn học chỉ là một ước mơ. Tôi lại nghĩ, các nhà văn hãy viết Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái (5), sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”, như ý kiến của Nam Cao trước đã.

3. Vẫn là nỗi buồn của nạn đạo văn. Đây là bản tin: “ngay lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng giải thưởng Tác Giả Trẻ đã xảy ra vụ ồn ào liên quan đến cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía những ám ảnh nghệ thuật” của Vũ Thị Trang. Ngày 24/1, Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh – Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại của Viện Văn học đã gửi đơn đề nghị đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam với yêu cầu “xem xét vấn đề vi phạm bản quyền tác giả của Vũ Thị Trang, xem xét lại việc trao giải thưởng Tác giả Trẻ cho Vũ Thị Trang để đảm bảo liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp của người làm nghiên cứu khoa học”.


Cuốn sách lý luận phê bình của TS Vũ Thị Trang được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tác giả trẻ nhưng sau đó phải tạm thu hồi giải vì lùm xùm đạo văn.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh cho biết đề tài nghiên cứu khoa học của mình đã bị tác giả Vũ Thị Trang (cũng có học vị Tiến sĩ) đưa vào cuốn sách “Phê bình phân tâm học phía những ám ảnh nghệ thuật” từ trang 199 đến trang 272. Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh khẳng định “nội dung cơ bản ở phần 3 của cuốn sách vẫn là những phần tôi đã viết, trong đó có đoạn tôi đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài Trả lời phỏng vấn đăng trên trang Zingnew ngày 11/6/2018”[3].

Đây là thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn về quyết định thu hồi giải:

Sau khi nghiên cứu đơn khiếu nại, cẩn trọng lắng nghe dư luận, tham khảo ý kiến một số nhà chuyên môn, các chuyên gia trong lĩnh vực lý luận phê bình và bản quyền cũng như trực tiếp gặp gỡ lắng nghe các bên liên quan trình bày quan điểm, luận cứ của mình, ngày 28.3.2022 Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam đã họp phiên mở rộng, có sự tham gia của đại diện Ban Kiểm tra Hội, để phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về sự việc này.

Từ kết quả cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng và trao đổi ý kiến thống nhất của tất cả các Ủy viên Ban Chấp hành: Để bảo đảm tính trong sáng, khách quan, nghiêm minh trong hệ thống Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như xét các yếu tố liên quan đến quy chế và uy tín của giải thưởng, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định:

– Tạm thời thu hồi Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm “Phê bình phân tâm học – phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang.

– Khi có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề bản quyền, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tham khảo và đưa ra quyết định tiếp theo phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”[4].

Sự việc xảy ra khiến công chúng và các Hội viên Hội Nhà văn hết sức nghi ngại cách làm việc của Ban Chấp hành Hội. Do đâu lại để xảy ra những sai sót như vậy? Các thành viên của Hội đồng xét tặng giải thưởng của Hội chẳng lẽ không một ai đọc được những gì TS Đỗ Hải Ninh đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2015 và trong bài Trả lời phỏng vấn đăng trên trang Zingnew ngày 11/6/2018 nên không biết có sự “đạo văn”? Hay chỉ khi công luận lên tiếng mới biết tác phẩm trao giải là “có vấn đề”! Nếu vậy sao có thể ngồi trong Hội đồng cầm cân nảy mực?4

4. Chuyện lùm xùm vụ nhà thơ Lương Ngọc An bị tố hiếp dâm Dạ Thảo Phương. Sau nhiều lời qua tiếng lại giữa các đương sự, Ban Chấp hành Hội Nhà văn trong thông báo ngày 15/4/2022 đã quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An nhận nhiệm vụ mới. Nguyên văn thông báo như sau: “Trong tình hình mới của Hội Nhà văn Việt Nam, theo Nghị quyết số 05-NQĐĐ ngày 14/4/2022 của Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1/5/2022”[5]. Thông báo này không đề cập gì đến vụ việc trên, song công luận hiểu rằng Lương Ngọc An phải rời khỏi chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ là có lý do.


Ông Lương Ngọc An trở thành cái tên của làng văn được chú ý trong năm qua với xì căng đan.

5. Về “Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội”. Trong thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (Về hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022) ngày 30 tháng 7 năm 2022, ở phần II. Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2022; mục 6 có ghi:

“6- Chuẩn bị nội dung Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội”.

Vì thông báo chỉ ghi đề mục công việc mà không có phần giải trình, nên Hội viên Hội Nhà văn đặt vấn đề về quyền tự do phát ngôn của mình. Mỗi công dân hội viên đều có quyền tự do ngôn luận theo quy định của pháp luật:

Tuyên ngôn nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc, Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 25  ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”

Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025, Điều 9: Quyền của Hội viên, mục 3 ghi: “Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hội theo quy định của Hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội”.

Luật Báo chí năm 2016, Điều 11. Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

  1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.
  2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
  3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Tôi trưng ra vài quy định của pháp luật về quyền tự do ngôn luận của công dân để thấy rằng, nếu “nội dung Quy chế Phát ngôn của hội viên nhằm chế tài, bảo vệ uy tín của Hội” không được soạn cản thận và không được Đại hội Hội Nhà văn biểu quyết đồng thuận, thì sẽ lại phát sinh nhiều vấn đề không hay.

Tôi nghĩ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn không cần phải đặt ra “Quy chế phát ngôn cho hội viên”. Nếu hội viên nào vi phạm điều lệ Hội thì Ban Thanh tra của Hội làm việc với người ấy, nếu cần thì có quyết định kỷ luật.

6. Về việc các thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi rút khỏi hội đồng

Trên Fb của mình, nhà văn Trần Đức Tiến đính chính bản tin của báo Tuổi trẻ ngày  25-7-2022, đưa tin: “Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà thơ Inrasara và nhà văn Trần Đức Tiến từ nhiệm”.

Nhà văn Trần Đức Tiến nói rằng: “Tôi “thông báo rút khỏi” Hội đồng văn học thiếu nhi, chứ không “xin rút” hay “xin từ nhiệm”. Vì sao? Vì tôi được mời vào làm, chứ không xin vào. Không “xin vào” nên không “xin ra”, mà chỉ “thông báo rút khỏi”.

Ông nói thêm: “Nhân đây, xin thông tin thêm cho mọi người, nhất là các nhà văn trong Hội được biết: cho đến nay, đã có 7/9 thành viên HĐVHTN gửi thư cho BCH thông báo rút khỏi hội đồng: Trần Đức Tiến (chủ tịch hđ), Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thụy Anh (phó chủ tịch hđ), Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Văn Thành Lê”.

Thông báo ngày 30/7/2022 của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (Về hoạt động 6 tháng đầu năm và chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm 2022) đã có trả lời về vấn đề này.

Dẫu thề nào, vấn đề việc 7/9 thành viên Hội đồng văn học thiếu nhi rút khỏi Hội đồng cũng  làm Hội viên Hội Nhà văn phải bận tâm và đặt vấn đề “Tại sao” lại có một sự việc như vậy. Nhà văn Trần Đức Tiến trình bày trong “thư cho Ban Chấp hành Hội Nhà văn (BCH), thông báo rút khỏi HĐVHTN Lý : làm việc với một BCH như hiện tại “sẽ không mang lại hiệu quả” (trong thư gửi Chủ tịch Hội, tôi nói dứt khoát hơn: một BCH “không thể hợp tác”)[6].

7. Một “chuyện nhỏ” không muốn nói ra.

Tháng 11/2022, có một cậu tự xưng là ở Nhà xuất bản HNV gọi điện hỏi tôi có nhận được tạp chí Viết&Đọc số mùa Thu chưa. Tôi trả lời, cả năm nay tôi không nhận được số tạp chí nào, nhưng không biết hỏi ai.

Từ khi Hội mua tạp chí Viết & Đọc để phát cho hội viên, tôi chỉ nhận được một số Mùa Đông 2021, ngoài ra không nhận được số nào. Báo Văn nghệ của Hội một tháng tôi nhận 1 lần (4 số báo). Tạp chí Thơ đình bản, hội viên đã hụt hẫng và tiếc nuối. Khi có tin Hội mua tạp chí Viết & Đọc phát cho hội viên, chúng tôi vui được một chút xíu (vì chỉ nhận được một số), sau đó lại rơi vào thất vọng.

Tạp chí Viết&Đọc không phải là tạp chí của Hội, mà Hội mua lại bằng tiền của Hội (kinh phí sinh hoạt Hội), việc này vừa lấp vào sự đình bản tạp chí Thơ, vừa giúp cho tạp chí Viết&Đọc mở rộng thêm người đọc, tôi thấy là thỏa đáng, mặc dù không bằng một tạp chí riêng của Hội.

Tôi không rõ vì lý do gì việc phát hành tạp chí Viết & Đọc tới hội viên lại chậm trễ. Cả năm 2022 tôi không nhận được số tạp chí nào. Điều này có phải là do cung cách làm việc của bộ phận phát hành không? Hay Hội đã ngưng không mua tạp chí Viết&Đọc để phát cho Hội viên nữa?

Tiễn năm 2022

Năm 2022 đã qua đi, tôi thấy nhẹ lòng một chút vì hy vọng năm 2023 mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Các nhà văn nhà thơ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ơi, hãy công bố những tác phẩm tâm huyết của đời mình đi! Hãy đưa văn học Việt Nam phát triển lên một bước mới, như thế thệ nhà văn kháng chiến, thế hệ nhà văn đổi mới (1986-1996), thế hệ nhà văn cách tân đầu thế kỷ XXI! Và  hãy viết một tác phẩm đạt giải Nobel văn chương như khát vọng của Nam Cao trước kia. Hãy sánh vai với Rabindranath Tagore (1861–1941), Hermann Hesse (1877–1962), Ernest Hemingway (1899–1961), Albert Camus (1913–1960), Jean-Paul Sartre (1905–1980), Mikhail Sholokhov (1905–1984), Aleksandr Solzhenitsyn (1918–2008), Gabriel García Márquez (1928–2014)… Việt Nam đã cất cánh rồi. Văn chương Việt Nam hãy bay lên…

B.C.T