Văn hóa đọc cần bén sâu gốc rễ để trở thành một phần quan trọng của đời sống. Bởi có thể khẳng định, văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách văn hóa cá nhân, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đọc sách, yêu sách, trân quý sách vẫn là câu hỏi lớn đối với những trí thức yêu nước.
Trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ 2 vừa được tổ chức tại Hà Nội, văn hóa đọc được coi là một điểm nhấn quan trọng để gìn giữ và phát triển nền tảng văn hóa của quốc gia. Đã hai năm từ khi Luật Thư viện ra đời nhưng dường như văn hóa đọc vẫn chưa có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Văn hóa đọc cần bén sâu gốc rễ để trở thành một phần quan trọng của đời sống. Bởi có thể khẳng định, văn hóa đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách văn hóa cá nhân, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển con người, cũng chính là sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đọc sách, yêu sách, trân quý sách vẫn là câu hỏi lớn đối với những trí thức yêu nước.
Văn hóa đọc cần được thấm sâu trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Đọc sách phải là một ước vọng, một nhu cầu tự thân
* Theo quan sát của ông, văn hóa đọc có được cải thiện trong những năm qua ở Việt Nam hay không?
– Khi tôi làm xuất bản và tham dự các cuộc họp xuất bản của Bộ Truyền thông hay Ban Tuyên giáo Trung ương thì thấy có một hiện tượng, sách đang mỗi ngày một phát triển hơn, nghĩa là chúng ta dựa vào số lượng sách in ra, số lượng các nhà xuất bản đang được mở rộng thì nghĩa là sách đang tăng lên. Thế nhưng ở đây, với số lượng sách vậy, chúng ta rà soát lại tỷ lệ đọc sách trên đầu người ở Việt Nam là một tỷ lệ thấp nhất thế giới. Hai nữa, điều đáng quan tâm là chúng ta đọc loại sách gì, chúng ta xuất bản sách gì và chúng ta mang sách đó vào đời sống như thế nào?
Quyết định của Quốc hội về một ngày đọc sách, về Luật Thư viện là vô cùng hệ trọng, bởi từ đó, nó như một bàn đạp để chúng ta tiến hành tất cả các công việc khác nhưng phải nhớ rằng, điều này phải được thực hiện ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, nó thực hiện từ một gia đình, một công sở… Lâu nay thư viện chúng ta bị động, những nơi lưu trữ sách bị động. Chúng ta lưu giữ sách như lưu giữ một tài sản không chuyển động, bây giờ làm sao tài sản đó phải luân hồi.
Cách đây nhiêu năm, tôi sang dự hội chợ sách của Thụy Điển, ở đó, có hàng trăm hàng ngàn thư viện lưu động, đó là những cái xe và họ chở sách đến từng làng quê từng xóm nhỏ nhất và cứ mỗi tháng họ quay trở lại để luân chuyển sách, giới thiệu những cuốn sách mới. Chúng ta phải làm như vậy thì mới hy vọng, năm năm sau, mười năm sau, hai mươi năm sau, sách mới hoàn toàn tự nguyện đi vào đời sống. Và lúc đó, cái công cuộc văn hóa đọc sách mới có thể gọi là đạt thành công.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
* Tình yêu đọc sách phải được nuôi dưỡng từ chính những đứa trẻ, điều này, dường như chúng ta chưa chú trọng?
– Thực ra không phải nói đến đọc sách chúng ta mới nhìn thấy một lỗ hổng trong giáo dục trẻ em. Ở tất cả các nước tiên tiến tôi biết, tôi từng đến và từng dự giờ của học sinh trung học cơ sở của họ thì ở đó thời gian trẻ em dành cho thiên nhiên, thời gian tiếp cận với văn hóa, tiếp cận với di sản và có những buổi ngoại khóa rất quan trọng. Ở đây, cách học của chúng ta đày đọa học sinh. Chúng không có thời gian để hưởng thụ đời sống trẻ thơ của một đứa trẻ hay của một vị thành niên, gánh nặng của học hành quá lớn, những đứa trẻ không bao giờ tìm thấy một thế giới rất quan trọng được tạo nên tâm hồn, tính cách của chúng, đó là những vẻ đẹp thiên nhiên, những vẻ đẹp trong sách, vẻ đẹp của những môn nghệ thuật.
Điều này chúng ta phải thay đổi lại, bởi vì 5 năm học đại học người ta có thể nắm chắc kiến thức về môi trường, về công nghệ thông tin, về một ngành nào đó nhưng lớp 1 đến lớp 12 là khoảng thời gian quan trọng để bọn trẻ giao hòa, kết nối với toàn bộ thiên nhiên, cộng đồng văn hóa của mình, đấy mới là điều hệ trọng. Cho nên, việc giáo dục phải thay đổi lại, nó đã là một lỗ hổng từ xưa đến nay. Bây giờ chúng ta bàn về việc đọc sách, hưởng thụ những vẻ đẹp trong sách, hay những vẻ đẹp cuốn sách cuộc đời, cuốn sách thiên nhiên luôn mở ra nhưng trẻ em ít khi được hưởng thụ những điều đó. Đây là một vấn đề đáng báo động, không còn báo động nào cao hơn nữa và chúng ta phải điều chỉnh lại tất cả.
* Rõ ràng văn học thiếu nhi đang là một khoảng trống lớn?
– Văn học thiếu nhi của chúng ta đang bị trống rỗng. Trước kia, những đứa trẻ, hay thời tôi, con tôi họ có thể tiếp cận những cuốn sách thiếu nhi, bây giờ văn học thiếu nhi, văn học dịch có nhiều hơn nhưng văn học thiếu nhi trong nước ít hơn. Chúng ta vừa có văn học dịch nhưng phải vừa có văn học trong nước. Bởi vì, ở đấy, chúng nó sẽ tiếp cận một cách tuyệt vời với con người của xứ sở đó về phong tục tập quán, thiên nhiên, văn hóa ẩm thực với những câu chuyện của tổ tiên ông bà dựng lên. Có một thời chúng ta viết sách thiếu nhi là chúng ta đạo đức hóa những cuốn sách cho nên trẻ em bắt đầu không thích đọc. Chúng muốn tiếp cận những cuốn sách mà ở đó chúng được chìm trong thế giới tuổi thơ một cách tự nhiên với trí tưởng tượng đẹp nhất thì tôi nghĩ văn học thiếu nhi đang có vấn đề.
Hội Nhà văn nhiều năm kiếm tìm giải thưởng, có những ưu tiên riêng cho văn học thiếu nhi nhưng chúng tôi rất khó khăn tìm một cuốn sách thiếu nhi hay để trao giải. Văn học thiếu nhi đang là một lỗ hổng. Trong khi các nước khác, kể cả các nước rất tiên tiến, văn học thiếu nhi là một mối quan tâm lớn của nhà văn. Và văn học thiếu nhi được đặt lên như những cái hàng đầu bởi vì những khu thư viện các nước trên thế giới châu Âu hay Mỹ, văn học thiếu nhi được hiển lộ ra và chiếm một vị trí rất lớn. Nhưng ở nước ta nó chỉ là ngắm xen kẽ trong tất cả các cuốn sách khác, mà có nhiều cuốn sách, có thể nói là vô dụng.
* Vậy theo ông, để văn hóa đọc phát triển sâu, rộng, phát triển có gốc, có rễ chứ không chỉ dừng lại ở bề nổi, phong trào, chúng ta phải làm gì?
– Tôi nghĩ là vấn đề văn hóa đọc phải được thực thi như một nguyên tắc, một luật pháp, như một điều bắt buộc của mọi quốc gia. Một là hệ thống thư viện phải hiện đại, văn minh nhất, khoa học nhất. Thư viện không phải là một nơi bất động, thư viện phải là nơi truyền bá sách, mang sách lưu động đến với tất cả mọi người. Các thư viện của chúng ta có làm nhưng rất hạn chế, rất ít.
Vấn đề thứ 2 là chúng ta phải giáo dục cho người dân hiểu tầm quan trọng của sách trong các loại sách văn chương, nghệ thuật, thiên nhiên, con người chúng ta không đọc những cuốn sách đó chúng ta sẽ thiếu hụt đi rất nhiều. Bởi vì trong mỗi cuốn sách đó, không chỉ là những trải nghiệm của người viết, ở đó nó gợi mở ra những vẻ đẹp phong phú, những giấc mơ lớn cho người đọc sách.
Tôi vẫn thường nói, chúng ta đã soạn ra một thực đơn thân xác cho con em chúng ta quá kỹ lưỡng, thậm chí vượt mức đầy đủ nhưng chúng ta đã quên lãng soạn ra một thực đơn cho tâm hồn con người. Thì đến một ngày, một đứa trẻ bất hiếu, một đứa trẻ vô cảm, một đứa trẻ gây tội ác tày trời như chúng ta đã phải chứng kiến rất đau lòng, chúng ta phải nhớ rằng một điều vô cùng quan trọng chúng ta đã không mang đến cho chúng là những trang sách tuyệt vời, nhân văn và xúc động. Việc đọc sách phải nghĩ nó một ước vọng, nhu cầu tự thân. Tôi xin nói với các bậc làm cha làm mẹ rằng, nếu rời bỏ những cuốn sách dành cho con mình, nghĩa là họ đã dẫn con đi một con đường khác, mà con đường ấy, đi về hướng của những điều tệ hại hơn là những điều tốt đẹp.
– Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông!
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Chúng ta cần bền bỉ gieo mầm
Những cuốn sách tạo nên tư duy tĩnh và sâu, còn hình ảnh của màn hình tivi, internet là sự tổng hợp của công nghệ, máy móc, nó giúp rèn luyện tư duy động. Tư duy động tốt nhưng không có tư duy tĩnh làm nền, làm gốc rễ thì như cây không có gốc vậy. Tôi mong muốn từ bậc tiểu học, học sinh được học cách đọc sách và tạo thành thói quen. Bây giờ, buồn thay, việc đọc sách vẫn bị coi là thêm.
Không nhìn đâu xa, ngay Nhật Bản, một đất nước thành công, bứt phá đi lên từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, họ đọc sách dữ dội và thành công dữ dội, nghĩa là họ xây dựng cho dân tộc họ một nền tảng vững chắc. Còn ở ta, có một thời kỳ, văn hóa đọc đã phát triển mạnh mẽ, nhưng sau đổi mới, mở cửa, chúng ta quá chú trọng kinh tế mà không chú trọng văn hóa, trong đó, văn hóa đọc đóng một vai trò quan trọng. Và văn hóa đọc bị đứt đoạn.
Chúng ta cũng không thể đổ lỗi cho truyền thông vì nếu chúng ta chưa đứng trên một nền tảng vững chắc thì dù có truyền thông rầm rộ, nhiều ngày, rồi tổ chức các cuộc thi, tìm kiếm đại sứ văn hóa đọc thì cũng chỉ dừng lại ở phong trào mà thôi. Văn hóa đọc phải được thẩm thấu vào mỗi cá nhân từ ngày các em bước chân đến trường, nó mới thực sự có giá trị.
Ai cũng hiểu, mỗi cá nhân đọc sách sẽ tạo nên một cộng đồng đọc sách, một cộng đồng có văn hóa, và từ đó, tạo nên phẩm cách của một quốc gia. Tinh thần khai sáng của sách là điều không chối cãi, dù muộn, chúng ta vẫn cần bền bỉ gieo mầm để các thế hệ con em chúng ta coi trọng văn hóa đọc hơn nữa.
Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh: Xây dựng những cộng đồng đọc sách để phát triển văn hóa đọc hiệu quả và bền vững
* Có thể nói, mạng xã hội đã có những tác động không nhỏ đến thói quen nghe và đọc, đặc biệt là đối với giới trẻ. Theo chị, những tác động đó như thế nào?
– Facebook và mạng xã hội kết nối con người nhanh đến nỗi nó chiếm mất nhiều thời gian của giới trẻ, khiến cho họ quên cả cách kết nối với con người thật. Điều này lâu dài sẽ mang đến những hệ lụy rất lớn, đó là những bộ giá trị của các bạn trẻ dần dần sẽ biến mất: Đó là những giá trị về gia đình và người thân. Cùng với đó là các vấn đề về tâm lý sẽ tăng lên.
Điều thứ hai là chúng ta kết nối để biết nhiều thông tin nhưng cũng vì thế mà thông tin của chúng ta chỉ ở phía tầng trên và rất nhanh chóng từ thông tin này tiếp nối sang thông tin khác. Thời gian của các bạn trẻ sẽ bị đánh mất vào những phần kết nối như thế. Các bạn trẻ nếu như không biết điều chỉnh sẽ dần quên đi độ sâu. Sẽ ít ai tìm đến những quyển sách ở trong thư viện hay là những thông tin sâu sắc hơn nữa. Thói quen nghiên cứu, thói quen tìm hiểu, thói quen đi sâu vào một vấn đề, sẽ dần dần mai một và biến mất. Đây là điều tôi cho là rất nguy hiểm.
Việc thứ ba là chúng ta sẽ có một giới trẻ ít vận động. Giới trẻ chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi các giá trị ảo trên mạng xã hội. Các bạn trẻ thông qua những hình ảnh đó để tự đánh giá mình một cách lệch lạc, thậm chí có những người tự ti, có những người chán ghét bản thân, chán ghét chính hình ảnh thật của mình. Bởi những hình ảnh đưa lên facebook hay là tictok quá đẹp. Nó mang thông điệp rất sai lệch về con người quanh ta cũng như chính bản thân ta.
* Chị nói rằng, giới trẻ đang chìm trong một thế giới của những thông tin bề nổi do thói quen dùng mạng xã hội. Vậy để có những giá trị đọc một cách gốc rễ, bền lâu, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
– Chị vừa nói một từ rất quan trọng đó là gốc rễ, bền lâu trong văn hóa đọc. Gần đây chúng ta đã có những phong trào về văn hóa đọc, để cổ vũ văn hóa đọc là rất tuyệt vời, nhưng tất cả những điều đó mới chỉ là ngọn, chưa phải là gốc rễ. Gốc rễ là phải chạm đến từng con người, hành vi từng, thói quen của từng cá nhân, mỗi gia đình, mỗi một tập thể lớp, hay là một cộng đồng nho nhỏ…
Cá nhân tôi cho rằng để xây dựng và cổ vũ hoạt động đọc thực sự thì phải xây dựng thói quen đọc, đặc biệt là xây dựng phương pháp đọc, tiêu chí lựa chọn những cuốn sách đáng đọc… Bởi vì bây giờ chúng ta biết thế giới sách vở rất nhiều, ta còn có internet cạnh tranh nữa nên việc xây dựng từng thói quen bé nhỏ trong cuộc sống rất quan trọng. Nó phải bắt nguồn từ giáo dục: giáo dục gia đình và giáo dục của nhà trường.
Khi đưa câu chuyện đọc sách vào nhà trường thì chúng ta phải xem lại phương pháp dạy học. Tức phải hướng đến, định hướng về năng lực cho học sinh. Chúng ta không thể xem sách giáo khoa hay thầy cô giáo là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất. Sách giáo khoa của chúng ta đang thay đổi theo định hướng đó, làm sao cho người đọc tìm tòi thêm những thông tin bên ngoài. Và chính vì thế cái quan trọng nhất là nên thay đổi phương pháp tiếp cận của thầy cô giáo.
Thầy cô giáo có đưa được ra một danh mục sách để cho các con trong một năm học đọc, rút kinh nghiệm hay không, hay thầy cô có truyền đạt được cho học sinh phương pháp đọc sách hay không? Đọc để nhớ hết một cuốn sách hay đọc để nhớ những nội dung cơ bản, quan trọng nhất. Đọc có cần ghi chép hay không, ghi chép như thế nào để hiệu quả nhất. Đọc sách chúng ta tin vào sách hay có quyền phản biện? Tất cả những điều đó là phương pháp phải được trang bị cho học sinh ở trong nhà trường. Và điều này tôi chắc rằng ở Việt Nam vẫn còn đang thiếu.
Chúng ta rất cần những môn học, hoặc những hoạt động giáo dục trang bị cho các em kỹ năng đó. Tức là kỹ năng tiếp cận sách vở, đọc sách có mục đích, đọc sách giải trí nó rất là khác nhau. Và đó chính là kỹ năng tự học. Bên cạnh đó là giáo dục gia đình. Bố mẹ phải có ý thức về việc đọc sách, cùng nhau lập ra những cuộc đồng đọc sách nho nhỏ. Mỗi gia đình là một cộng đồng đọc sách nhỏ, cùng nhau chia sẻ sách giữa bố mẹ và con cái, rồi chú ý đến thời gian để cho con đọc sách.
* Hơn 10 năm bền bỉ theo đuổi con đường lan tỏa văn hóa đọc cho trẻ em, nhìn lại chị đã đạt được những thành quả gì?
– Câu lạc bộ đọc sách cùng con của chúng tôi đã thành lập đến nay đã mười một năm. Qua mười một năm chúng tôi đã tìm ra được những quy trình rất giản dị thôi nhưng có thể chạm được đến từng đứa trẻ, từng phụ huynh và cố gắng chia sẻ đến mức cao nhất đến các bậc phụ huynh ở các tỉnh thành trên khắp cả nước. Phương pháp phải rất giản dị, để cho tất cả ai cũng có thể làm được. Bước thứ nhất là làm thế nào để lôi cuốn trẻ đến với việc đọc sách và cũng là lôi cuốn mọi người nói chung đến đọc sách. Đây là một việc không dễ.
Đôi khi tôi hỏi các phụ huynh là một ngày bố mẹ có chạm được vào một cuốn sách nào không, có giở được 2- 3 trang sách không thì không phải ai cũng có thể làm được. Và điều này là một lẽ tất nhiên nếu chúng ta không có phương pháp, các em nhỏ cũng thế. Điều mà “Câu lạc bộ đọc sách cùng con” đã làm được đó là đưa ra một quy trình, các phương án để tạo động lực cho các em đến với một quyển sách. Chúng tôi không phủ nhận công nghệ, không phủ nhận niềm yêu thích của các em mà giúp các em hiểu bên cạnh sự thú vị của công nghệ thì sách cũng vô cùng thú vị. Sách đưa đến cho các bạn trẻ một thế giới kỳ diệu.
Bước thứ 2, chúng tôi cung cấp cho các em kỹ năng sâu hơn. Giúp các em hiểu thấy việc đọc sách nó thiết thực, và nó mang lại hiệu quả rõ rệt, trong việc học tập, đặc biệt là rèn luyện tư duy. Và cuối cùng là sự chia sẻ sách không thay thế cuộc sống thực được cho các em nhưng sách sẽ giúp các em kết nối với thế giới xung quanh. Chẳng hạn đọc một chủ đề nào đó, chúng tôi sẽ cùng kết nối để các em thấy về cuộc sống thực của mình, rồi phản biện lại nó, tìm cách kết nối với nó.
Cá nhân tôi cho rằng những nỗ lực nhỏ nhỏ như thế đã có thành công. Điều tôi vui là nhận được những phản hồi tích cực của các em. Đó là chính tình yêu đọc sách đã giúp các em yêu văn chương, đặc biệt là văn chương Việt Nam, giúp các em có kỹ năng học tốt hơn, đam mê khám phá cuộc sống hơn. Tôi cho rằng việc tổ chức những nhóm đọc, những cộng đồng đọc sách nhỏ như vậy ở khắp nơi chúng ta có thể chia sẻ được cùng với nhau và xây dựng được văn hóa đọc một cách hiệu quả và bền vững.
– Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!