Văn hóa đọc trên facebook

1056

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách nay mấy ngày, người bạn công tác ở một tờ báo tỉnh nhắn tin cho tôi hỏi: “Anh nghĩ sao về văn hóa đọc trên mạng xã hội, nhất là văn hóa đọc trên facebook hôm nay?”.

Cứ nghĩ đơn giản facebook là trang cá nhân của mỗi người, ai đăng gì thì mình đọc nấy, có gì mà phải đề cập đến? Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ và sâu hơn thì hóa ra tin nhắn của bạn ấy không phải là không có lý, vì không chỉ có quá nhiều việc để nhìn, mà còn có nhiều khía cạnh khác nhau trên thế giới phẳng nửa thật, nửa ảo này. Trong bài xã luận này tôi chỉ đề cập một chút về văn hóa đọc trên facebook mà thôi.

Điều đầu tiên phải nói đến là nhu cầu có thật của người dùng facebook là muốn được chia sẻ, giao lưu, tìm kiếm bạn bè để giới thiệu những gì mình có, mình hiểu biết, những tâm tư, tình cảm, những khoảnh khắc ghi lại của cuộc sống thông qua hình ảnh, bài viết, tác phẩm bao gồm cả truyện ngắn, tản văn, tùy bút, thơ, chuyện cười, video, tranh, ảnh và cả những kỹ năng, kiến thức, nghệ thuật… để mong muốn đem đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống cho bạn bè xung quanh, không phân biệt đối tượng ấy là ai, tuổi tác, giới tính, giai cấp, nghề nghiệp nào. Mỗi một dòng status (gọi là dòng trạng thái) được đăng lên, thì chủ nhân của nó mong được nhiều người đọc, bình luận, yêu thích và chia sẻ, càng nhiều càng thích. Đã có không ít người ngồi đếm like và comment hàng giờ liền cho một status của mình được nhiều bạn bè tương tác. Nó như một nhu cầu giải trí cần thiết của một người mà bản thân họ luôn có quyền làm những gì mình thích.

Xuất phát từ thực tế đó, mà cư dân mạng biết câu “Mình thích thì mình làm thôi” như một khẩu hiệu đầu tiên khi lên mạng. Và facebook là nơi mà họ dễ dàng thỏa mãn cái “thích thì làm” ấy. Và lẽ đương nhiên thích thì bấm like, không thích (nhưng thích bấm like) thì cũng bấm, không đọc, không xem hết dòng trạng thái của bạn bè thì cũng được quyền bấm like, thả tim, bình luận tất tần tật những gì mình “thích” dù có khi là không thích gì, biết gì, hiểu gì. Thói quen ấy lâu dần hình thành một tính cách mà ngôn ngữ mạng gọi bằng hai từ “like dạo”. Có nghĩa là không cần biết nội dung facebook người khác nói gì cứ vô tư bấm “like” theo thói quen là chính.

Dạo một dòng các quán cà phê, không khó để chứng kiến nhiều người dùng ngón cái, ngón trỏ quẹt nhanh trên màn hình điện thoại thông minh, và cũng dùng ngón tay này chấm lia lịa vào màn hình để “like” các status. Và đã có khối chuyện bi hài xảy ra cho việc làm vô thức này.

Một bạn chia sẻ “Mình đã thả tim cho đứa bạn thân khi bạn ấy bị mất cái laptop. Sau đó, mình đã xin lỗi, nhưng bạn không trả lời gì và không còn tương tác với mình nữa”. Hay như một bạn khác thì hối hận kể “Ba của bạn trai mình nhập viện mà sáng hôm đó mình đã comment một câu “Chúc mừng, ngày mới vui vẻ nhé!”. Không chỉ một số bạn trẻ có thói quen không đọc gì trên các dòng trạng thái của bạn bè, mà người lớn đôi khi cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi comment hỏi những câu mà chủ trang facebook cũng ngỡ ngàng vì những gì mình đã viết rõ ràng trên status. Anh bạn TM kể “Tôi chụp những tấm ảnh trong một lần đi xem kịch, vì vở kịch hôm đó rất hay nên tôi đã viết vài dòng cảm nhận của tôi đăng kèm. Thế nhưng một bạn comment hỏi rằng “Kịch này đang diễn ở đâu vậy T?”. Tôi nhắn tin inbox cho cô ấy “H… không đọc gì trên bài tôi viết à? Cô ấy vô tư trả lời “Ừ để chút coi lại”.

Một tấm hình, một dòng trạng thái ngắn thôi mà nhiều người  còn không đọc, không xem hết bạn bè mình viết gì trên đó thì nói chi đến những bài viết dài hơn. Bản thân người viết bài này từng nhận được những tin nhắn là “Anh viết ngắn thôi, làm biếng đọc lắm!”. Tôi hỏi mình: một truyện ngắn, một tản văn, một bài ký hay tùy bút thì ngắn thế nào là đủ đây? Đôi khi chỉ độ dài 2 trang A4 thôi đã thưa thớt người đọc rồi. Anh bạn văn của tôi có nick là LB chia sẻ “Tác phẩm văn học đăng trên facebook chủ yếu là bạn bè cùng viết văn với nhau đọc và cảm nhận thôi, chứ không có nhiều người đọc lắm đâu em”. Còn bạn T thì xót xa mà nhắn tin rằng: “Mình vào xem những tác phẩm văn chương của các bạn văn đăng lên, thì lượt xem đìu hiu lắm, như bài của bạn vừa đăng đây, đội ngũ facebook thông báo cho biết chỉ có 6 người đọc thôi, nhưng có đến 42 lượt like, toàn like dạo cả”. Nghe mà buồn cho văn chương “rẻ bèo” trên mạng. Và tôi hiểu vì sao thời gian gần đây bạn tôi chỉ thích chụp hình đăng lên face mà không mặn mà với văn chương, chữ nghĩa.

Dành trọn 1 tuần để vào xem các trang cá nhân của bạn bè và cả những bạn chưa kết bạn, thuộc nhiều ngành nghề, tầng lớp khác nhau, tôi cảm thấy buồn cho văn hóa đọc hôm nay. Những bài viết mang tính thẩm mỹ, giáo dục cao thì ít có người xem và bình luận. Đó là: Giá trị cuộc sống, giá trị tâm hồn, kiến thức y học, văn hóa ứng xử, nghệ thuật giao tiếp, kỹ năng sống… rất hiếm hoi góp mặt trên facebook. Thi thoảng xuất hiện trong trạng thái chia sẻ từ các trang mạng khác về thì cũng ít người xem và tương tác. Trang facebook của bạn có nick là Z chia sẻ nhiều bài viết hay về kiến thức, đạo đức, văn hóa, nghệ thuật, nhân đạo xã hội… nhưng không có ai xem, thậm chí rất nhiều bài cũng không thấy 1 like, trong khi danh sách bạn bè có đến cả ngàn người, mà đa phần là người trẻ.

Tôi lại vào xem trang facebook khác của một nhà thơ, lạ là không thấy thơ của tác giả, vài ba tháng mới có 1 bài ngăn ngắn đăng lên, còn lại đa phần là những câu chuyện kể đời thường có chút triết lý sống được lồng vào một cách tế nhị nhất có thể. Những dòng bình luận tương tác ở đây cũng chỉ là của bạn bè thuộc thế hệ 7X trở về trước, thỉnh thoảng có vài bạn tuổi 30 tham gia tương tác trên tinh thần đồng cảm là chính. Chia sẻ những cảm nhận này với một bạn thơ thuộc thế hệ 8X thì nhận được câu trả lời “Thơ đăng công khai trên facebook rất dễ bị mất bản quyền vì nạn đạo thơ”. Thêm một nốt trầm cho đời sống văn chương hôm nay, là thế.

Tác phẩm văn học hàn lâm, đỉnh cao trên thế giới bây giờ không khó tìm như trước đây. “Sách mạng” trên thế giới phẳng được đăng tải rất nhiều mà đôi khi con người không có thời gian để đọc, để nghe. Chỉ những ai thật sự yêu quý văn chương, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những giá trị tốt đẹp mà văn chương mang lại thì mới tìm tòi, khám phá. Nhiều hội chợ sách được tổ chức nhưng cũng thương mại hóa mọi khâu, khiến cho người yêu sách cũng chùng chân tìm đến. Đời thực đã thế thì nói chi đến đời sống ảo, mà facebook chỉ là một phần trong văn hóa đọc mà thôi.

Khép lại cho bài viết ngắn này là câu trả lời của nhiều bạn khi được hỏi dùng facebook để làm gì?

Lên facebook chủ yếu là “seo-phi”, like dạo, thả tim cho vui thôi, chớ ở không đâu mà đọc!” dù họ có thời gian ngồi cả ngày để dùng ngón trỏ lướt màn hình điện thoại đến quên ăn, và sẵn sàng bình luận sôi nổi, rôm rả cho những hình ảnh nhạy cảm, những chuyện giật gân, những tuyên bố “nói là làm”, hay những tin nóng mà không hẳn là sự thật, và đôi lúc không kềm chế được cảm xúc của hội chứng đám đông thì họ đã không còn là chính mình trước lực hút của đời sống ảo. Để rồi một hôm đẹp trời nào đó, họ phải ngậm ngùi nộp phạt vì những hành vi lẽ ra không nên có của mình.

L.N.M.H