Văn hóa giới trẻ đương đại và những gì còn lại của chủ nghĩa lãng mạn

544

Có lí gì mà không thể kết luận chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mĩ trong văn hóa trẻ đương đại?

1. Không biết có phải do đọc thơ Xuân Diệu suốt những năm 17 tuổi, cho nên, có một điều lạ, tôi luôn cho rằng từ “trẻ” thực chất là cách viết giản quy của sự lãng mạn. Ngày mẹ tôi cầm đàn ghita và hát ở tuổi 47 (điều mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bà bao giờ), tôi đã nói: “Mẹ trẻ quá!” Ý tôi là, với tư cách một đứa con, tôi nghĩ tâm hồn mẹ theo thời gian đã khô cằn đi nhiều bởi sự khó tính quá mức với đời sống gia đình cũng như bộn bề của công việc mưu sinh, nhưng, hóa ra cô sinh viên của 27 năm về trước vẫn còn lãng mạn, sôi nổi và cũng… điên rồ lắm. Thế nên, có lí gì mà không thể kết luận chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mĩ trong văn hóa trẻ đương đại? Tôi 21 tuổi và tôi trả lời: “Có. Lúc nào cũng có.”

Chủ nghĩa lãng mạn bắt rễ vào nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại. Quán tính của văn học đôi khi trong những va đập của lịch sử không đủ khả năng để ngăn lại. Chừng nào con người vẫn còn cần đến xúc cảm như một năng lực nhân tính thì chừng đó lãng mạn sẽ không mất đi. Nhất là ở thời kì này, cảm quan lãng mạn thực sự là một thứ sức mạnh tinh thần lớn. Nó trao cho con người một chiều kích để dám bình thường và một chiều kích để vĩ đại mà dấn thân. Một bài thơ cũ của Lu hay Đưa nhau đi trốn của Đen được xem như là những tuyên ngôn, là mã hóa của đời sống giới trẻ đương đại. Tại sao những bài nhạc và phong cách thơ theo kiểu như thế lại trở thành trào lưu cho những tự sự của tuổi trẻ? Mà kiểu như thế là kiểu thế nào?

2. Mĩ học của thời đại mới trước hết là mĩ học nảy sinh từ đô thị. Đô thị lấp lánh thơm tho với cấu trúc bên trong như một cái máy xay sinh tố vừa cắm điện, nuốt chửng và nhào nát từng cá thể bởi vô vàn guồng quay của trách nhiệm, của mặc định xã hội, của tham vọng và ước mơ đầy tạm bợ. Trong bước chân đầu tiên gia nhập vào cộng đồng ấy, những gã trẻ thấy lạc lõng và cô đơn khủng khiếp. Họ nhận ra giữa thứ mình muốn và thứ người ta cần là sự vênh lệch quá lớn. Trong những đoạn dốc cheo leo hướng đến lí tưởng của mình, họ bỗng chùn chân và muốn được… bình thường. Họ ngại vội vã. Họ sợ ganh đua. Họ muốn được lắng nghe. Nhưng ai cũng có một lí do thỏa đáng. Thế giới đầy tính tự trị và chủ quan của một cá thể khiến cho phần còn lại của thế giới vẫn mãi là những người lạ không thể đồng điệu. Chính lúc này, họ tìm đến những hình thức biểu hiện khác nhau để giải phóng. Và, viết luôn là một sự an ủi lớn. Chính nhà thơ Lu cũng chia sẻ rằng anh chỉ viết khi cảm xúc đẩy anh phải viết. Anh viết rất tự nhiên. Anh viết về những gì anh cảm thấy, nhìn thấy. Anh viết về những người quanh anh, về anh, về Hà Nội. Những câu thơ, bài hát trở thành lời tự thuật. Hiện thực mang tính phê phán bị dư thừa. Con người cần đến một sự lãng mạn để nhịp sống chậm hơn, để lắng nghe những cảm xúc và cảm giác bị xã hội tốc độ tua đi quá nhanh: Anh về giữa Bùi Thị Xuân/ uống hai mươi cốc nhân trần cho say/ thế thôi là hết một ngày (Một bài thơ cũ). Hai mươi cốc cơ mà. Ấy là những tự sự đầy mộc mạc, chân thật và “phản” đời thường khiến bài thơ tạo ra một sức hấp dẫn riêng. Như thể nó mở đường cho cái tinh thần chống đối nhen nhóm trong nhiều tâm hồn trẻ đang bị kìm chặt đến bí bách, ngột ngạt: Bố anh thì đi lại/ còn mẹ anh gọi điện thoại đến từng nhà/ nhiều ngày rồi mình không về/ không liên lạc được gì cả/ chỉ vỏn vẹn lại mảnh giấy/ đừng lo đêm nay con đi chơi xa (lời bài hát Đưa nhau đi trốn). Xã hội đương đại đem đến cho người ta cảm nhận về một sự bất ổn không thể gọi tên. Văn hóa của giới trẻ là cách họ đối thoại lại với những sự bất ổn ấy: Ôi những thứ chán chường/ không tẹo nào háo hức/ mình rời thành phố chật chội náo nức/ nơi mà cả việc thở cũng làm ta lao lực; Đời cuốn xô ta/ cả khi ta trốn trong phòng ngủ/ âu lo theo về/ dù ta đã khóa ba lần cửa (lời bài hát Đưa nhau đi trốn). Họ không hề ổn với những bổn phận, ngay cả khi họ lựa chọn nó. Sự nâng đỡ về mặt đạo đức nay trở thành những gánh nặng.

3. Nếu như chủ nghĩa lãng mạn ghi dấu vào lối tư duy của người trẻ theo cách như thế thì thật thú vị khi một vài nguyên tắc mĩ học của nó cũng đi vào kết cấu nghệ thuật của các loại hình văn hóa giới trẻ đương đại.

Nếu trong chủ nghĩa lãng mạn cổ điển, con người đi vào thế giới của tôn giáo để thể hiện suy tư và niềm tin của mình, thì nay giới trẻ tạo lập cho mình một thế giới riêng – một thế giới có anh và em, một thế giới song song. Ngọt vẽ ra thế giới màu xanh: Con đường màu xanh/ xanh màu lá, xanh đại dương/ không còn nhớ, không còn thương/ em là nắng, anh là sương/ thiên đường màu xanh (lời bài hát Xanh). Với Vũ: Xin cho em về, về một nơi rất xa loài người/ về một nơi phía sau mặt trời có anh đi cạnh em (lời bài hát Thế giới song song). Ấy là thế giới lí tưởng đối với họ – nơi họ được sống là mình. Thảng hoặc, họ quay về tìm lại quá khứ để trốn chạy hiện thực bất toàn và thiếu chắc chắn: Ngày mai vẫn đến gió hát ngang trời/ còn mình nhắm mắt không nói một lời/ lại được thấy mùa hè ta gặp nhau/ lại được sống mùa hè ta gặp nhau (lời bài hát Nhắm mắt thấy mùa hè – Hồ Tiến Đạt và Chung Chí Công). Giống như Huy Cận cô đơn, lạc lõng tìm về với vần thơ Đường cổ kính, Nhắm mắt thấy mùa hè hình như cũng mượn giai điệu nhạc Hoa cổ để hoài niệm về những thứ xa xăm đã đi qua.

Nếu như ngày trước, Nguyễn Tuân – một cây bút lãng mạn – được xem là nhà văn của chủ nghĩa xê dịch thì nay, giới trẻ cũng “ngả mũ” học hỏi lối sống ấy. Xê dịch, quả thực, đem lại cho người ta những cảm giác thuộc về trải nghiệm cá nhân. Cảm giác thuộc về nó nhưng cũng chẳng thuộc về nó; cảm giác về những tri nhận với mây trời, thiên nhiên thay vì tòa nhà cao chọc trời; cảm giác được buông bỏ những bổn phận để một lần được sống như những đứa nhóc không nhà/ sớm thức dậy ở một nơi xa (lời bài hát Đưa nhau đi trốn)… chưa bao giờ lại đáng sở hữu đến thế. Đặc biệt, vận dụng và quay về với các chất liệu dân gian như em đừng xanh quá khổ anh/ khổ thân con cáo hóa thành cây si hay ngôn ngữ bình dân, kiểu thơ con cóc như anh đứng đầu Hồ Đắc Di/ ngóng Lương Đình Của lầm lì gọi em/ em đừng lạnh lùng giống que kem/ để trong ngăn đá bỏ quên một tuần (Một bài thơ cũ) cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Thậm chí, cách phối nhạc với những làn điệu dân ca như trong Ai chờ ai (Linh Cáo) hay kết cấu tự sự kiểu bolero trong Ừ thì (Mew Amazing) khiến cho âm nhạc giới trẻ ngày nay bàng bạc những dấu vết của một thời ông cha. Nhiều người của thế hệ đi trước hay đánh giá tuổi trẻ bây giờ nông cạn, không sâu sắc. Bắt từ một mạch cũ để tạo ra một thứ riêng như thế có gọi là nông cạn được không?

4. Những nghệ sĩ trẻ đem tâm trạng rất đời của mình để làm chất liệu cho sản phẩm nghệ thuật. Victor Hugo – một đại diện của chủ nghĩa lãng mạn – từng thốt lên: “Khờ khạo thay nếu cho rằng tôi không phải là anh!” Nếu như có thể nhận ra quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn ở đó thì mỗi tự sự của giới trẻ, tôi thấy mình trong đó. Mỗi đêm về tôi vẫn lải nhải như lời bài hát Vô tư của Trang: Vì sao lại khóc? Vì sao lại buồn? Vì sao mưa không về? Tôi nằm giữa mênh mông tôi thẫn thờ. Tôi nằm giữa căn nhà nhìn lên nắng (dẫu rằng đông đã sang và chẳng còn nắng). Nếu như thời cha mẹ tôi thích nghe nhạc bolero vì họ tìm thấy mình trong ấy, thì tôi nghe trong những loại hình văn hóa của thế hệ tôi những câu chuyện của mình. Tôi thích chúng vì tôi tìm thấy một sự lắng nghe – thứ mà đời thực không cho tôi quá nhiều. Tôi cảm giác mình được hiểu. Và thế là ngày nắng đẹp rạng ngời hay gió về hay bão táp mưa rơi (lời bài hát Đưa nhau đi trốn), tuổi trẻ vẫn tiến lên một cách thật điên rồ và huy hoàng. Cái lí tưởng đẹp đẽ và sự vươn lên của con người trước hoàn cảnh như thế, phải chăng chính là điều còn lại của chủ nghĩa lãng mạn?

Theo Trần Nguyễn Lan Nhi/VNQĐ