Văn học Cần Thơ trước cơ chế thị trường – làm sao để có được tác phẩm hay?

142

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 19/12/2022, Ban Tuyên giáo TW và Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT VN tổ chức Hội thảo toàn quốc tại Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam với chủ đề: “Nhìn lai 15 năm thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, nhà PBVH Lê Xuân đã có bài tham luận:

Trong 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì Cần Thơ được xem là Tây Đô (Thủ phủ của vùng Tây Nam bộ) đã đi vào ca dao: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Dân số ĐBSCL có khoảng 18 triệu người thì Cần Thơ chiếm 1,3 triệu người. dân tộc Khmer có 23.691 người, dân tộc Hoa có 13.956 người, các dân tộc còn lại là 381 người. Mọi sinh hoạt của cư dân vùng này đều có sự giao thoa về văn hóa, văn minh ẩm thực, kiến trúc đình chùa. Hội Nhà văn Cần Thơ có trên 80 hội viên (trong đó có 7 hội viên là nhà văn Việt Nam) đa số đã ngoài 50 tuổi. Trước cơ chế thị trường trong thời hội nhập toàn cầu và sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới VHNT trong tình hình mới, văn học Cần Thơ đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn học khu vưẹc ĐBSCL và của cả nước, và làm sao để có được tác phẩm hay?

1Văn học ở Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung có bề dày lịch sử, rất giàu tiềm năng. Mỗi văn nghệ sĩ dưới ánh sáng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng đã luôn luôn nỗ lực, bám sát thực tế cuộc sống để phản ánh một cách trung thực dưới góc độ nghệ thuật của mình vào tác phẩm, làm sao đạt nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, góp phần động viên, cổ vũ mọi hoạt động của thành phố Cần Thơ trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cần Thơ là vùng đất trẻ, có truyền thống văn học đáng tự hào với những danh nhân: Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu… Các nhà văn lớp trước và các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã làm giàu thêm truyền thống văn học của địa phương.

Trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu và sự bùng nổ thông tin thời đại công nghiệp 4.0, các tác giả Cần Thơ đã có những mặt mạnh và những mặt hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là các tác giả luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của nhiều nhà văn Cần Thơ ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới.

Các giá trị “phi vật thể” từ những tác phẩm đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng với Tổ quốc. Các nhà thơ như: Lê Chí, Huỳnh Kim, Phù Sa Lộc, Trúc Linh Lan, Nguyễn Trung Nguyên, Trần Thanh Chương, Phan Huy, Phan Duy, Huệ Thi, Đặng Tuyết, Nguyễn An Bình, Huỳnh Duy Lộc, Nguyễn Thanh Toàn… Các tác giả văn xuôi, như: Nguyễn Khai Phong, Lâm Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Lê Đình Bích, Lương Minh Hinh, Phạm Văn Thúy, Nguyễn Hồng Chuyên, Đặng Hoàng Thám, Nhật Hồng, Sáu Nghệ, Hồ Kiên Giang, Nguyễn Ngọc Tuyết, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương, Phong Dương, Cao Thanh Mai, Huyền Văn, Nguyễn Quốc Nam, Trần Dũng, Nguyễn Thanh Huệ… luôn có sự tìm tòi, đổi mới về mặt thi pháp và ngôn từ. Nhiều câu thơ ám ảnh, ghim vào được trái tim người đọc:

“Thương hạt gạo không kịp mùa sinh nở.

Con cá chết chìm, tiếng khóc bi thương.”

(“Những triền đê vỡ” – Trúc Linh Lan)

Hay:

“Đôi mắt nói cùng điều ngang trá

Hèn nhát làm gì có được câu thơ”

(“Thơ mình” – Lê Chí).

Hoặc:

“Viên đạn xuyên qua người có thể chết

Bài thơ xuyên qua người có thể hồi sinh”

(“Mong manh” – Huỳnh Kim).

Tiểu thuyết “Lửa vòng cung” của cố nhà văn Nguyễn Khai Phong đã được hãng phim Tây Đô chuyển thể thành phim cùng tên 5 tập.

Riêng mảng văn học viết về đề tài các dân tộc thiểu số còn rất ít. Chỉ hơn mười tác giả thỉnh thoảng viết truyện ngắn, bút ký, tản văn, khảo cứu thiên về mảng văn học dân gian của đồng bào Khmer, Hoa, Chăm, như: Trúc Linh Lan, Trần Phỏng Diều, Trần Văn Nam, Thái Ngọc Anh, Đoàn Văn Nô, Tôn Thất Lang, Nguyễn Thị Nhung, Tăng Tấn Lộc, Phù Sa Lộc, Nguyễn Thanh Hội, Huỳnh Văn Nguyệt, Nhật Hồng, Hồ Kiên Giang…

Mặt hạn chế của đa số tác giả là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần. Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ và thể loại còn yếu. Số tác giả viết tiểu thuyết còn rất ít.

Riêng mảng Phê bình văn học (PBVH) không những ở Cần Thơ mà cả khu vực ĐBSCL còn thiếu và yếu. Số hội viên nhà văn Cần Thơ thì đông, hơn 80 hội viên (trong đó có 7 hội viên nhà văn Việt Nam) nhưng chỉ có một tác giả viết PBVH là Lê Xuân. Trong khi đó rất nhiều tác phẩm của các hội viên ra đời mà PBVH chưa làm được vai trò “bà đỡ” hay “hướng đạo” cho tác giả, chưa tương xứng với sự phát triển của văn học địa phương, ít dẫn đường cho người cầm bút đi đúng quỹ đạo sáng tác. Cũng có vài tác giả thỉnh thoảng có viết giới thiệu sách hoặc biên khảo, tiểu luận, như: Trần Phỏng Diều, Nguyễn Thanh (Ngũ Lang), Đặng Hoàng Thám… nhưng mới dừng lại ở mức “bàn thêm” về truyện, thơ, khảo cứu. Một số tác giả khác chưa phải là hội viên hội Nhà văn Cần Thơ, như nhà soạn giả Nhâm Hùng, nhà báo Đặng Huỳnh cũng có nhiều bài khảo cứu hay, giới thiẹu tác phẩm tác giả.

Hiện nay người viết PBVH ngại đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội, của dân tộc. Một số người có ý định trở thành nhà PBVH cũng gác bút, quay sang sáng tác thơ, truyện dễ đăng báo, tạp chí. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh có lần đã nói: “Hiện nay chúng ta đang “đốt đuốc” đi tìm nhà PBVH”. Có lẽ đó cũng là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì Cần Thơ. Cả khu vực ĐBSCL chỉ có hai hội viên Hội nhà văn Việt Nam viết PBVH là nhà văn Võ Tấn Cường ở Tiền Giang và nhà văn Lê Xuân ở Cần Thơ

2Về sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực VHNT đang phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới cả về thực tiễn và lý luận.

Các nhà văn Cần Thơ rất cần sự thấm nhuần hơn nữa Nghị quyết 23/NQ- TW ra ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển về VHNT trong thời kỳ mới”, vận dụng vào thực tiễn địa phương. Nghị quyết đã chỉ rõ những tác động tích cực và tiêu cực khi VHNT tham gia hội nhập vào nền kinh tế thị trường: “Quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình nghệ thuật nước nhà, đồng thời sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn nghệ, của công nghệ giải trí cũng có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống và công chúng văn nghệ. Mặt khác, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm tạo ra sự tự diễn biến trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đạo đức trong nội bộ ta”.

Trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối văn học không thể buông lơi, không ai có thể phủ nhận. Khái niệm “lãnh đạo” ở đây là chủ động định hướng đường lối văn nghệ của Đảng, hướng nhà văn dành trọn tâm hồn, trí tuệ và tình cảm cho sáng tác nghệ thuật chân chính.

Những năm qua, Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tổ chức các cuộc thi Thơ, Truyện ngắn, Bút ký văn học do Liên hiệp các Hội VHNT khu vực ĐBSCL luân phiên đăng cai. Qua các cuộc thi đó, phát hiện nhiều gương mặt mới làm phong phú thêm bức tranh văn học ĐBSCL. Nhưng nhìn chung các tác giả văn học Cần Thơ đạt giải chưa nhiều, ít có giải cao. Ít tác phẩm “gây cấn” như của Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau) hay Võ Diệu Thanh (An Giang). Nếu so với mặt bằng của văn học khu vực ĐBSCL hay phạm vi toàn quốc thì văn học Cần Thơ còn rất khiêm tốn nhưng cũng đã cho thấy một điều là người viết rất tâm huyết với văn chương. Tuy tác phẩm còn những hạn chế về nội dung và hình thức thể hiện nhưng phần nào đã đáp ứng được thị hiếu và sự mong đợi của công chúng yêu thích trong khu vực.

Trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường mở cửa hội nhập quốc tế, thì văn học cũng có phần cuốn theo guồng xoáy đó. Chúng ta “hội nhập” nhưng không “hòa tan”, không “biến màu”, “biến chất”. Khi giao lưu với văn hóa với thế giới, ta sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, là dịp để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm làm phong phú thêm truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nhìn lại những tác giả và tác phẩm văn học của các tác giả Cần Thơ thời gian qua trong nền kinh tế tri thức đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là tác giả luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam bộ trong mỗi trang viết. Đọc tác phẩm của các nhà văn Cần Thơ ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người Cần Thơ với các tiêu chí: nhân ái, trung thực, bao dung, trí tuệ, năng động… mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của cư dân ĐBSCL.

Mặt hạn chế của những cây viết trẻ (Phan Duy, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương, Phong Dương, Nguyễn Hoàng Viện…) là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn chưa nhiều, chưa sâu nên tác phẩm có sức khái quát còn ít. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần với những kỷ niệm về bản thân, gia đình, quê hương, chưa có sự vươn ra “biển lớn”. Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn yếu. Số tác giả viết tiểu thuyết còn rất ít.

Ở đây xin dừng lại bàn đôi điều về phương cách lãnh đạo đối với văn học của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nếu hiểu sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với văn học chỉ dừng lại ở việc đầu tư bao nhiêu kinh phí, bao nhiêu ngân sách cho hoạt động văn học thì tôi cho rằng đó chỉ mới một nửa. Đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế chính sách là không thể thiếu, nhưng trong nghệ thuật sự lãnh đạo của Đảng cần khơi dậy trong tâm hồn nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo, đánh giá đúng những giá trị văn hóa tinh thần mà tác phẩm đem lại.

Đã một thời do cách nhìn nhận, đánh giá Văn học theo lối tư duy xơ cứng, máy móc làm tổn thương không ít những nhà văn. Hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau với “Cánh đồng bất tận” là một ví dụ. Hoặc có nhà thơ viết “Ta thấy Tháp Chàm run rẩy khóc” (Bài thơ Tháp Chàm của NTN thì có cán bộ phụ trách văn hóa đã quy chụp, và nói: “Thời buổi này đã giải phóng hơn 20 năm sao lại còn nói “Tháp Chàm khóc”? Một tác phẩm văn học ra đời khi đã trải qua những sóng gió của dư luận khen chê, rồi tự sàng lọc, tự khẳng định, đó sẽ là những tác phẩm có giá trị bền vững.

Việc nhìn nhận, đánh giá tác phẩm văn học của những người làm công tác quản lý văn nghệ cần có thời gian và sự cảm thụ, thẩm định tinh tế. Đánh giá đúng giá trị văn hóa đích thực của tác phẩm là một trong những yếu tố chắp cánh cho những tài năng phát triển. Ngược lại, sự quy chụp vội vàng, xơ cứng đánh giá tác phẩm, tác giả theo cảm nhận chủ quan hời hợt sẽ làm thui chột tài năng ức chế cảm hứng sáng tạo, hơn thế còn làm giãn khoảng cách về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà văn.

Nhiều nhà lãnh đạo văn học ở địa phương do nhiều hoàn cảnh và năng lực hạn chế nên chưa hiểu hết đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ và các tính chất của tác phẩm văn học, đôi lúc đánh đồng hiện thực cuộc sống và hư cấu nghệ thuật. Hoặc có hiểu nhưng lại lái sang vấn đề chính trị, quan điểm để quy kết tác giả, tác phẩm có vấn đề này vấn đề nọ, sai về nhân sinh quan, thế giới quan. Đó là căn bệnh ấu trĩ, duy ý chí của một số cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn học chưa theo kịp xu thế thời đại, chưa nắm bắt được sự đổi mới của văn học trước tình hình mới của xã hội hiện nay.

Sự lãnh đạo của Đảng cần đi theo thể chế năng động để nhà văn có chân trời mới sáng tạo, để họ sống được bằng chính nghề của mình. Khi tác phẩm làm ra không bán được thì làm sao có thị trường văn học? Thị trường văn học chưa theo kịp thị trường kinh tế. Tác phẩm chưa biến được thành “hàng hóa” để chiếm lĩnh thị trường tinh thần của công chúng. Chúng ta chưa có được những tác phẩm hay, nhà văn giỏi để chinh phục độc giả. Đó là sự hụt hẫng về kế thừa đội ngũ nhà văn Cần Thơ. Trong những năm qua, họ chưa có sự bứt phá theo cơ chế thị trường.

Hiện nay phương tiện thông tin đại chúng phát triển như vũ bão. Báo hình, báo nói, các trang web, blog… mỗi ngày xuất hiện hàng ngàn bản. Trong khi đó, các nhà văn, nhà thơ vẫn còn trông chờ nhà nước “bao cấp” để in ấn tác phẩm. Và khi tác phẩm in ra cũng không phát hành và cạnh tranh được với các loại sản phẩm văn hóa khác của nước ngoài tràn vào. Ở Cần Thơ chỉ có một tác giả in thơ được 3.500 bản, bán lời được vài chục triệu. Còn phần lớn tác giả chỉ in từ 200 – 500 cuốn, chủ yếu để tặng bạn bè, người thân. Trái lại, có nhà văn viết theo đơn đặt hàng cho một số nhà sách lại sống được, vì chiều theo thị hiếu một số độc giả như nhà văn Nguyễn Thị Thanh Huệ đã viết bốn tập tiểu thuyết trong một năm. Đó cũng là câu hỏi cần được chính nhà văn tự lý giải và các nhà lãnh đạo văn nghệ quan tâm.

Một điều quan trọng nữa là Tạp chí Văn Nghệ Cần Thơ hai tháng mới ra được một số (vì lý do kinh phí) và 06 năm nay chưa có Tổng biên tập. Vì chưa tìm được người có đủ tiêu chí để đảm đương trọng trách này theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, thành ra mỗi lần in ấn lại phải xin Giấy phép xuất bản Văn hóa phẩm của Sở Thông tin và Truyền thong địa phương như một tờ Tập san. Đa số các bài viết tốt của các tác giả Cần Thơ lại gửi in ở các chí Văn nghệ khác của cả nước.  Đây cũng là một điều đáng suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Văn hóa, văn nghệ Cần Thơ, mà người trăn trở nhất là Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Cần Thơ. Trong khi đó còn lại 12 tỉnh ĐBSCL đều ra mỗi tháng một số, và có Tổng biên tập. Điều này rất cần Bộ Thông tin Truyền thông xem xét và quan tâm hơn.

3Viết về những vấn đề tiêu cực, Đảng ta từ trước đến nay không cấm đoán các tác giả phê phán cái xấu, cái ác, chống tham nhũng, tiêu cực… Nhưng viết thế nào để từ đó khẳng định được cái tốt, cái hay, hướng độc giả tới Chân, Thiện, Mỹ mới là điều cần làm, cần suy nghĩ. Bởi vì ranh giới giữa sự phê phán và đả kích là rất mong manh. Hình tượng văn học lại đa nghĩa. Vì vậy, nếu người cầm bút không vững tay là sẽ mập mờ giữa ranh giới phê phán và đả kích. Và, nếu người lãnh đạo văn học không sáng suốt lại hay phê phán theo kiểu quy chụp thì vô hình trung có khi giết chết một tác phẩm tốt. Bởi vậy, nhiều tác giả cứ viết theo kiểu tô hồng hoặc ca ngợi mặt tích cực một chiều, ngán đụng chạm những vấn đề tiêu cực, bức xúc của xã hội, nên độc giả không muốn đọc những tác phẩm loại ấy. Vì nó không đại diện cho tình cảm và tiếng nói công chúng. Do vậy, thị trường văn học không chấp nhận những tác phẩm nói chung chung, nhàn nhạt. Trên Tạp chí văn nghệ các địa phương ĐBSCL rất ít xuất hiện những tác phẩm gay cấn, phê phán sâu sắc bằng hình tượng nghệ thuật có tầm khái quát như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau), hoặc tiểu thuyết “Điếc mũi” của Sáu Nghệ (Cần Thơ).

Cố nhà văn Lê Văn Thảo có lần đã nói: “Đọc Tạp chí văn nghệ địa phương các tỉnh ĐBSCL thấy hiền quá, lành quá”. Xin đừng cho rằng lãnh đạo các địa phương quá khắt khe trong việc phê phán cái xấu, cái tiêu cực. Có những tác phẩm còn nhiều tranh cãi, cần ý kiến định hướng của lãnh đạo, nhưng không vì thế mà coi đó là sự gò bó, áp đặt. Thật ra nhiều lãnh đạo địa phương mong muốn các nhà nghệ sĩ có những tác phẩm phê phán mặt xấu, mặt thủ cựu ở địa phương. Nhưng chính các văn nghệ sĩ chúng ta chưa có được những tác phẩm như mong muốn. Các tác giả muốn làm được điều đó cần phải có vốn sống, tay nghề và bản lĩnh chính trị”.

Nhà thơ Lê Chí đã tâm sự: “Nhiều lúc phải tự hỏi: Thơ là gì? Làm thế nào để viết được một câu thơ hay, một bài thơ nhiều người đồng cảm? Thơ cần cho ai? Tôi nhận ra một điều mình đang tồn tại trong một hiện thực mà sự phức tạp đa diện, đa chiều không cách gì có thể lý giải đầy đủ được. Điều này có thể ứng với Thơ trong khả năng hữu hạn về khối lượng ngôn từ, bởi Thơ vốn ít chữ và vỏ Thơ thì mỏng lắm, chỉ chứa nổi những ấn tượng và xúc cảm – thế cũng đã là quá sức đối với Thơ rồi. Do vậy, tôi nghĩ dấu ấn không thể thiếu trong thơ mình là độ “bắt sáng” hiện thực cụ thể – điều kiện cho những “tia chớp” của tứ thơ xuất hiện. Và thế là bài thơ đã có “đường dây” dẫn dắt. Với tôi, Thơ thực sự là một nỗi ám ảnh”.

4Muốn có tác phẩm hay, tác phẩm “đỉnh cao” thì trước hết nhà văn phải có năng khiếu bẩm sinh, có tài “thiên phú” (trời cho) và sau đó là sự “chăm bẵm” của cơ quan lãnh đạo các cấp về VHNT địa phương. Nhà văn phải có khát vọng chân chính và tài năng thực sự để phát hiện, sáng tạo trong việc lựa chọn đề tài và hình thức thể hiện tác phẩm. Song, rất cần sự định hướng của lý tưởng tiến bộ, cách nhìn xã hội tươi sáng ở mặt tích cực. Nếu phản ánh cái xấu, cái ác thì cũng để từ đó khẳng định cái Chân Thiện Mỹ ở mỗi con người, giúp họ mở rộng tầm mắt để sống tốt hơn, nhân văn hơn “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu). Người nghệ sĩ phải có tình cảm lớn đối với đất nước và nhân dân thì tác phẩm mới bắt được mạch sống, hơi thở của thời đại. Đó là sự chia sẻ, cảm thông đi vào những góc khuất, những nỗi đau của thân phận con người để phản ánh một cách khách quan nhất, tránh tô hồng hay bôi đen cuộc sống. Nhà văn Nam Cao đã dạy: Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (“Đời thừa” – 1943) Và “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối. Sự giả dối, cẩu thả trong văn chương là một sự đê tiện. (“Trăng sáng” – 1943).

Nhà văn muốn viết hay thì phải sống đẹp, sống cao thượng đúng với trái tim của mình, đồng thời cũng cần cả sự dấn thân “vì mọi người” dẫu có thiệt thòi về “cái tôi” riêng tư. Từ đó văn học mới là lăng kính soi rọi vào bản chất của xã hội và con người, hướng người đọc tới những chân trời sáng. Làm được điều đó chúng ta sẽ có tác phẩm lớn. Và khi “Người ta đọc xong, nó đã thay đổi họ. Nó mang đến cho họ một thế giới mới hơn, rộng lớn và sâu sắc hơn, thay đổi từ bên trong. Trong một khía cạnh nào đó, con người ấy đã được khai sáng, và họ sẽ phải cúi đầu tôn kính cuốn sách ấy như một sự mang ơn” (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều).

Để làm được vai trò và sứ mệnh cao quý ấy, các nhà văn cần Thơ hôm nay khi xây dựng nhân vật cho tác TPVH không thể thiếu vắng hình ảnh con người trong lao động sản xuất và chiến đấu, như: nông dân, công nhân, anh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ công an ở những nơi khó khăn nhất để xây dựng và bảo vệ cuộc sống. Hiện tại Cần Thơ đang thiếu những tác phẩm viết về nông dân, nông thôn, nông nghiệp, khi 70% dân số lao động ở ĐBSCL là nông dân làm nông nghiệp. Ngược lại, có nhiều tác phẩm tập trung khai thác các đề tài về đô thị, về tình yêu với lối sống vội, sống gấp, đua đòi. Bên cạnh đó, một số TPVH in lậu đã quảng bá quan niệm, lối sống tiêu cực, không biết ngày mai, không có niềm tin và lý tưởng, đã làm tha hóa một bộ phận công chúng, nhất là lớp trẻ. Để tránh những hiện tượng lệch chuẩn ấy, nhà văn phải có niềm tin, có đam mê, có lý tưởng trong sáng như “Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà văn phải đảm nhận trọng trách tuyên truyền, cổ vũ, động viên tích cực nhiệm vụ cách mạng, đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, như nhà thơ Aragong (người Pháp) đã viết “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

Viết về đề tài Tổ quốc, Dân tộc, nhà văn phải có tấm lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài “Sao chiến thắng”:

Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng.

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết.

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…

Riêng mảng đề tài về Đảng, Bác, nhà văn hiện nay cần tìm nguồn cảm hứng sáng tạo như các văn nghệ sỹ thế hệ trước đã có nhiều tác phẩm thành công, lay động muôn triệu trái tim người đọc thì hầu như Cần Thơ chưa có. Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì hơn lúc nào hết các nhà văn Cần Thơ nên đầu tư suy nghĩ, tìm tòi hơn nữa để có những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết cụ thể hóa các mục tiêu mà cuộc vận động đặt ra bằng những hình tượng văn học mang tính hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Đội ngũ sáng tác văn học ở Cần Thơ có bước phát triển khá, văn xuôi mạnh hơn thơ, nhất là về truyện ngắn và ký. Nhiều tác giả đã xuất hiện trên các tạp chí và báo đài Trung ương. Đời sống văn chương có sôi nổi hơn trước, nhưng ít tranh luận về học thuật, về phương pháp sáng tác… Các cây bút trẻ còn ít, số lhội viên lớn tuổi có phần chững lại, đa số đã ngoài 50 tuổi. Gần 20 năm nay TPVH của các tác giả Cần Thơ gửi dự thi ở cấp quốc gia chỉ có 4 giải thưởng: Tác phẩm “Trầu không xanh lá”của nhà văn Cao Thanh Mai, “Một kho vàng” của nhà văn Nguyễn Hồng Chuyên đạt giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nhà văn Lê Xuân đạt giải của Liên hiệp các hội VHNT toàn quốc với tác phẩm “Tiếng nói tri âm” (Tiểu luận và PBVH), và tác phẩm “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa văn nghệ dân gian” (Tiểu luận và Khảo cứu) đạt giải của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Tóm lại: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó vừa là mục tiêu vừa là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, mỗi nhà văn Cần Thơ rất cần nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, rèn luyện tư tưởng, lập trường, quan điểm để có tư duy sáng tạo đúng và đẹp, làm nên những tác phẩm có sức lan tỏa, có bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh được cuộc sống đương đại trong xu thế hội nhập.

Những TPVH tốt là vốn quý của dân tộc. Tài năng của tác giả chỉ được khơi dậy và phát huy khi chúng ta có được cơ chế và lộ trình đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. Việc chăm lo, phát hiện các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện cho nhà văn phát huy tính độc lập để họ có tác phẩm hay phục vụ cho sự nghiệp của đất nước và dân tộc, phản ánh một cách chân thực và hùng hồn về con người và mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, một vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực như Cần Thơ, để xứng đáng là Trung tâm trên nhiều lĩnh vực ở khu vực ĐBSCL. Tôi tin rằng, thành phố Cần Thơ trong tương lai sẽ có những TPVH hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm đẹp, làm giàu kho tàng văn học Cần Thơ và văn học nước nhà.

L.X