Văn học giả tưởng: Một khái niệm

1067
Long Nguyễn – Nhật Phi
(Vanchuongphuongnam.vn)Văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trẻ, trong một thập kỉ trở lại đây đã chứng kiến sự nở rộ, hoặc cũng có thể nói là sự tái xuất, của dòng văn chương giả tưởng tư biện. Tuy nhiên do ảnh hưởng của diễn biến văn chương khả kiến suốt gần một thế kỉ trước, phần nhiều người quan sát vẫn chỉ ghi nhận duy nhất văn học hiện thực là dòng “văn chương chính thống” duy nhất. Thậm chí chúng ta cũng có thể thấy được cả những định kiến hay mặc cảm rằng Kì ảo hay Khoa học Viễn tưởng chỉ là các thể loại “á văn học”, “cận văn học”. Điều ấy ít nhiều cũng là một sự bất công đối với các tác giả trẻ.
Ảnh minh họa

Mở

Thuở ngàn xưa, khi Prometheus ăn trộm lửa từ thần Apollo mà trao cho nhân loại, có lẽ ông cũng không ngờ rằng mình đã đồng thời tặng cho con người một món quà khác: trí tưởng tượng. Chứng kiến một mặt trời nhỏ bùng lên dưới tay mình, hẳn trong đầu óc những con người tiền sử ấy cũng đã manh nha cảm thức kiến tạo nên những tiểu thế giới mà tại đó chỉ có tâm trí của chính họ mới là chủ nhân tối cao, tách biệt khỏi thế giới hữu quan này. Lịch sử văn học nhân loại đã ghi nhận vô vàn những tiểu thế giới như thế thành hình, nửa như một nỗ lực nguyên sơ của công cuộc lí giải thế giới, nửa như sự bung thoát của ngọn lửa tưởng tượng rừng rực cháy trong tâm trí.

Từ những thánh kinh, các thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích cho tới các dòng truyền kì trung đại rồi sau này nữa là những khoa học viễn tưởng, kì ảo, ma huyễn cận và hiện đại. Có thể nói trí tưởng tượng đã luôn chảy trong lòng văn chương như thế trong hàng ngàn năm của nền văn minh, và thậm chí còn trực tiếp góp tay kiến tạo chính nền văn minh ấy ở mọi khía cạnh của nó, như chính ngọn lửa đã được trao cho những tổ tiên lông lá của chúng ta. Văn chương nói riêng và loài người nói chung vẫn cứ luôn bay cao trên đôi cánh tưởng tượng như thế.

Văn học hiện đại đã tìm ra cách phân loại và định danh cho những tiểu thế giới nói trên, song song với văn học hiện thực ít nhiều phổ biến hơn, ấy là khái niệm ‘Giả tưởng tư biện’ – Speculative Fiction.

Giả tưởng tư biện là gì?

Thuật ngữ ‘Speculative Fiction’ dịch ra là “giả tưởng tư biện” hoặc còn gọi là “giả tưởng suy đoán”. Ngày nay chúng ta có thể nói gọn hơn là “giả tưởng” không thôi cũng được, bởi lẽ trong khái niệm ‘giả tưởng’ cũng đã bao chứa cả nghĩa ‘tư biện’ rồi. Giả tưởng bao gồm rất nhiều dòng phụ, trong đó có Sci Fi – Khoa học giả tưởng, Fantasy – Kì ảo, Weird Fiction – Hư cấu kì quái, Horror – Kinh dị… Các tác phẩm giả tưởng có thể đối nghịch hẳn nhau, ví dụ như cặp Khoa học viễn tưởng và Kì ảo mà chúng ta sẽ trình bày ngay dưới đây, nhưng tựu trung lại luôn được xây dựng từ một câu hỏi nền tảng: “Nếu… thì…?”

Tuy nhiên, không phải tác phẩm cứ có yếu tố “Nếu…?” thì mặc nhiên trở thành văn học giả tưởng. Điểm cốt yếu là câu chuyện “Nếu…?” kia phải đủ lạ lùng, kì quặc, đủ xa rời sự thật, hay nói nôm na là đủ “điêu”. Giả sử một truyện xây dựng dựa trên ý tưởng “Nếu tôi bị bắt cóc thì sao?” sẽ không được coi là giả tưởng, vì đó là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Ngược lại, “Nếu tôi bị bắt cóc lên Sao Hỏa thì sao?” sẽ được coi là giả tưởng, bởi vì nó đủ xa thực tế.

Dưới đây là một số ví dụ về các tác phẩm sử dụng câu “Nếu…?” đủ tiêu chuẩn làm giả tưởng:

– Tấm Cám: Nếu như có ông Bụt có phép màu thương người lương thiện khổ đau thì sao?

– Harry Potter: Nếu phù thuỷ có thật ở thời hiện đại thì sao?

– Trò chơi Vương quyền: Nếu rồng, quỷ, phép thuật có thật ở thời Trung Cổ thì sao?

– Animorphs – Người hoá thú: Nếu con người có quyền năng hoá thú thì sao?

– Chúa tể của những chiếc nhẫn: Nếu có một chiếc nhẫn huyền thoại giúp ta làm bá chủ thiên hạ thì sao?

– Hay như chính truyện ngắn ‘Hai toà tháp’ mà chúng tôi đã giới thiệu trong số này: Nếu người ngoài hành tinh xâm lược Trái đất và đô hộ nhân loại thì sao?

Tóm lại, muốn biết một tác phẩm bất kì có thuộc dòng ‘giả tưởng tư biện’ hay không, cứ áp cốt truyện của nó vào thế giới thực xem chênh lệch nhau cỡ nào. Nếu nó lệch hẳn, hoặc phải rất lâu nữa mới thành hiện thực, đó ĐÚNG là giả tưởng. Ngược lại, nếu nó ăn khớp, hoặc có thể xảy ra nay mai, đó KHÔNG phải là giả tưởng.

Khoa học Viễn tưởng/Sci-fi VS Kì ảo/Fantasy

Khoa học Viễn tưởng (Science Fiction hay Sci-fi) và Kì ảo (Fantasy) có thể coi là hai dòng chủ lưu của thể loại Giả tưởng tư biện trong văn học hiện đại. Dầu vậy, không phải lúc nào người đọc cũng có thể nhận biết và phân biệt chính xác hai dòng này. Trong phần cuối này, chúng tôi sẽ trình bày một quá trình tư duy đơn giản nhằm giúp người đọc giải quyết khúc mắc đó.

Đầu tiên, muốn biết một tác phẩm có phải là Fantasy hoặc Sci-Fi không thì chúng ta hãy tự hỏi mình câu này: “Nó có điêu không?”

Nếu nó “điêu” thật, tức là khó/không thể xảy ra ở thế giới thật của chúng ta, nó sẽ hoặc là Fantasy, hoặc là Sci-Fi, mà chúng tôi sẽ gọi chung là SFF. Tất nhiên, để trở thành SFF thì tác phẩm cũng phải “điêu” ở một mức nhất định, điều mà chúng tôi đã trình bày ở trên.

Sau khi biết tác phẩm “điêu” rồi, chúng ta hãy hỏi tiếp: “Tại sao lại có cái sự điêu ấy?” Nếu các chi tiết hoang đường hiện lên mà không có bất cứ lời giải thích nào, người đọc phải mặc nhiên chấp nhận nó là đúng, chúng ta lập tức đưa tác phẩm vào mục Fantasy. Còn nếu tác giả có đưa ra lời giải thích, hãy hỏi tiếp: “Lời giải thích ấy dựa trên cơ sở nào?” Nếu nó được giải thích dựa trên khoa học, dù có sơ sài, cổ lỗ, hay khó tin đến thế nào đi chăng nữa, chỉ cần nó mang đủ các đặc trưng của khoa học là có thể đưa nó vào diện Khoa học Viễn tưởng/Sci-Fi. Ngược lại, nếu lời giải thích không liên quan gì đến khoa học, đặc biệt nếu nói thẳng ra các mô típ Kì ảo quen thuộc như phép thuật, huyền thoại… thì tất nhiên tác phẩm sẽ là Kì ảo/Fantasy.

Dưới đây là một ví dụ dễ hình dung:

– Long biết biến hình (Fantasy vì không có lời giải thích)

– Long có phép biến hình (Fantasy vì giải thích bằng phép thuật)

– Long sở hữu công nghệ giúp biến hình (Sci-Fi vì giải thích bằng khoa học)

Cũng đôi khi sẽ có những tác phẩm sử dụng cả mô típ của Fantasy lẫn Sci-Fi để giải thích cho những sự lạ lùng của mình. Trong trường hợp mức độ Fantasy/Sci Fi tàm tạm tương đương nhau, không cái nào quá lấn át với cái nào thì tác phẩm đó sẽ thuộc dòng Science Fiction Fantasy – Khoa học Kì ảo. Nếu có một trong hai bên áp đảo hẳn so với bên còn lại, và bên lép vế không có chi tiết nào đủ nổi trội để làm đối trọng, thì ta có thể xếp tác phẩm vào một trong hai dòng tuỳ vào tính chất đã trình bày ở trên.

Lời kết

Văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trẻ, trong một thập kỉ trở lại đây đã chứng kiến sự nở rộ, hoặc cũng có thể nói là sự tái xuất, của dòng văn chương giả tưởng tư biện. Tuy nhiên do ảnh hưởng của diễn biến văn chương khả kiến suốt gần một thế kỉ trước, phần nhiều người quan sát vẫn chỉ ghi nhận duy nhất văn học hiện thực là dòng “văn chương chính thống” duy nhất. Thậm chí chúng ta cũng có thể thấy được cả những định kiến hay mặc cảm rằng Kì ảo hay Khoa học Viễn tưởng chỉ là các thể loại “á văn học”, “cận văn học”. Điều ấy ít nhiều cũng là một sự bất công đối với các tác giả trẻ.

LN-NP

(Theo Văn+)