Văn học Hungary: Nước mắt dành cho những anh hùng thất bại

166

Dịch giả Giáp Văn Chung chia sẻ những câu chuyện về nền văn học Hungary, một đất nước nhỏ bé nhưng có số giải Nobel tính trên đầu người vào loại cao nhất trên thế giới.

Vào năm 2011, dịch giả Giáp Văn Chung từng được Nhà nước Hungary trao tặng giải Vì nền văn hóa Hungary – giải thưởng Nhà nước trao cho các công dân nước ngoài có những cống hiến lớn trong hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa Hungary, củng cố các mối quan hệ văn hóa giữa Hungary và các dân tộc khác trên thế giới.


Dịch giả Giáp Văn Chung

* Xin chào dịch giả Giáp Văn Chung. Thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhiều lần được gặp ông trên làn sóng của Đài. Có lẽ trong cuộc nói chuyện lần này về văn học Hungary, một cái nền văn học rất vĩ đại mà ông đã theo đuổi việc chuyển ngữ tới bạn đọc Việt Nam, trước hết ông có thể chia sẻ câu chuyện tại sao mà Hungary là đất nước được rất nhiều giải Nobel, nhưng mà chỉ có một giải Nobel văn học?

– Dịch giả Giáp Văn Chung: Vâng, thưa khán thính giả của đài VOV5, 15 người Hungary đoạt giải Nobel là một con số rất lớn, bởi vì với 9 – 10 triệu dân, có lẽ Hungary là dân tộc mà có số giải Nobel tính trên đầu người vào loại cao nhất trên thế giới, trong đó có một nhà văn là Imre Kertész.

Người ta đánh giá với nền văn học lớn như thế, tại sao lại chỉ có một tác giả được Nobel văn chương? Thì cũng xin nói thêm, rất nhiều nhà văn Hungary đã được đề cử giải Nobel văn chương. Có những người đã lọt vào vòng cuối cùng năm người. Thí dụ như năm Mạc Ngôn của Trung Quốc được trao giải, tác giả của cuốn Chiến tranh và Chiến tranh (mà Nhã Nam ấn hành) là Krasznahorkai László cũng lọt vào vòng 5, để cuối cùng Mạc Ngôn được Nobel.

Một điều nữa là tiếng Hungary rất khó, việc chuyển ngữ tiếng Hungary sang ngay cả tiếng các nước châu Âu cũng bị hạn chế, bởi nó là một ngôn ngữ đứng đơn lẻ trong đại gia đình các ngôn ngữ châu Âu.

* Những đặc điểm nào về lịch sử đã làm nên đặc trưng của diện mạo văn học Hungary từ xưa tới nay, thưa ông?

– Người ta cho rằng trong lịch sử thì người Hungary có gốc gác từ miền Trung Á bao la. Họ đã làm một cuộc di dân trải qua 500 năm đi dần về phương Tây và cuối cùng đến thế kỉ thứ 10 thì họ đến định cư tại vùng lòng chảo Carpat, tức là trung tâm, là mảnh đất Hungary hiện nay.

Có một đặc điểm nữa làm nên cái tính cách hay là cái đặc trưng của văn học Hungary, đấy là lịch sử Hungary trải qua rất nhiều giai đoạn bi thương. Khi họ sang đến châu Âu thì họ là dân du mục. Họ có đội quân rất hùng mạnh, đi đánh phá các nước xung quanh. Hiện nay ở các nước phương Tây như ở Tây Ban Nha vẫn còn những câu ngạn ngữ như “Lạy chúa hãy cứu con khỏi mũi tên của người Hung”. Sau đến đời vua Isván đệ nhất, ông khuyên người dân Hung bỏ cuộc sống du mục, định cư và hướng họ đi theo Thiên chúa giáo. Đến thế kỉ thứ 10 Giáo hoàng mới phong vị vương đầu tiên cho nước Hung và họ thực sự hòa nhập vào cộng đồng Công giáo châu Âu.

Thế nhưng, trải qua quá trình lịch sử, bởi vì vị trí Hungary ở điểm trung chuyển giữa Đông và Tây, cho nên liên tục bị các cuộc xâm lăng của các nước tràn qua. Ví dụ thời kỳ từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ 18, khi mà đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ – đế quốc Ottoman hùng mạnh liên tục tràn qua nước Hung để đánh sang châu Âu. Từ đó các bạn thấy có tiểu thuyết “Những ngôi sao thành Ê ghe” đã được dựng thành phim, có một thời rất nổi tiếng ở Việt Nam. Họ luôn luôn bị xâm lăng, đất nước nhiều lần bị chia sẻ, có những giai đoạn chia làm ba và trở nên hỗn loạn, gần như là có nguy cơ là dân tộc không tồn tại được.

Sau này, khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 – 1918 thì Hungary lại đứng về phe Đức – Áo – Hung và đã bị các nước phe trục đánh bại. Và đến năm 1920 họ kí một hòa ước, mà cái hòa ước ấy để lại trong nhiều thế hệ Hungary, một nỗi chua xót, một nỗi đắng cay mà đến bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai: Hiệp định đó đã chia nước Hung làm ba phần, cắt mất của Hungary 66 % diện tích và 5 triệu người Hung ở các vùng ven biên giới ngày một ngày hai sau Hiệp định đó trở thành các sắc dân thiểu số của các nước xung quanh. Bạn hãy tưởng tượng một đất nước mà bị cắt đi đến hai phần ba đất đai và mất 5 triệu người trong 10 triệu người cho các nước xung quanh… Là một tổn thất rất lớn.

Đến chiến tranh thế giới lần thứ hai họ lại đứng về phe phát xít, Đức – Ý- Hung – Nhật… Sau Thế chiến thứ hai họ lại bị cắt xén một lần nữa, có thể nói là đất nước chia năm xẻ bảy. Và điều ấy đọng lại trong tâm thức, trong suy nghĩ của người Hung. Và chính điều đó đã làm nên đặc trưng của văn học Hungary: Đa số các tác phẩm mang một âm hưởng bi thương. Nếu chúng ta tìm những yếu tố lạc quan, hy vọng ở tiểu thuyết Hung thì rất ít.

Tôi nghĩ các nhà văn lớn đều có một khả năng dự cảm, khả năng dự báo tương lai. Nếu chúng ta nhìn thế giới trong độ mươi, mười lăm năm nay, chúng ta cũng thấy khắp nơi chỉ là bạo lực, chiến tranh… Tôi nghĩ Krasznahorkai László với tác phẩm của mình đã góp phần dự báo, cảnh báo nhân loại là chúng ta đang đứng trước những nguy cơ rất lớn. Đấy là một trong những đặc điểm của văn học của Hungary.


Một số tác phẩm văn học Hungary đã được dịch ra tiếng Việt

* Có thể thấy là văn học Hungary cũng có những cái tác phẩm đỉnh cao về đề tài Holocaust – về việc tàn sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai?

– Hungary là nước ở đầu thế kỷ thứ 19 nhận rất đông người Do Thái. Trước đó người Do Thái lang thang ở các nước châu Âu với nhiều cộng đồng lẻ. Nhưng Chính phủ Hung lúc đó đã cho người Do Thái vào định cư. Có những lúc cao điểm người Do Thái ở Hungary được nhận tới 600- 700 nghìn người, trong 10 triệu dân thì tỉ lệ đấy rất cao. Chúng ta đã biết người Do Thái có quyết tâm rất lớn và cũng là một dân tộc rất trí tuệ. Họ đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển nước Hung trong những năm cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỉ 20.

Nhưng đến khi xảy ra cuộc chiến thế giới lần thứ hai, thì người Do Thái ở Hung bị đưa vào các trại tập trung với tỷ lệ rất lớn, có những ngày tới 2-3 chuyến tàu toa chở súc vật nhét đầy người Do Thái và chở thẳng đến Auschwitz. (còn gọi là Oświęcim). Nếu chúng ta vào thăm trại Oświęcim sẽ thấy trong khoảng 1,1 triệu người bị đưa vào lò thiêu ở đó, có quá nửa là người Do Thái ở Hung. Đấy cũng là một tổn thất rất lớn và in đậm dấu ấn trong văn học Hung. Một đặc điểm nữa là thời kỳ sau năm 1947, sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, có nhiều tác giả sáng tạo nên rất nhiều tác phẩm có giá trị.

* Vâng cũng như ông đã từng trao đổi, có thể thấy là tầm cỡ của một cái nền văn học hay nói rộng hơn là một nền văn hóa sẽ không phụ thuộc vào nước nhỏ hay nước lớn?

– Rất nhiều người hỏi tôi là tại sao một nước nhỏ như thế mà có nhiều tác gia lớn như thế. Ví dụ như anh Trần Tiễn Cao Đăng rất mê các tác giả Hungary. Tôi cũng có trả lời: Tôi nghĩ nó giống như một cái cây cảnh, nếu được cắt tỉa nó mới lên được hình hài đẹp.

Có lẽ Hungary cũng vì chịu rất nhiều tổn thất, đau thương như vậy, chia rẽ đất nước và số người bị bị mất mát rất lớn, liên tục có 160 năm nằm dưới ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sau đó lại có nhiều thế kỷ bị triều đình Habsburg của Áo thống trị, nên liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh vì tự do. Cho nên dân tộc Hung cũng có ý chí quật cường bên cạnh một lịch sử bi thương. Người ta nói không phải những người chiến thắng mới anh hùng, nhiều khi nước mắt phải dành cho những người thất bại. Đấy có lẽ cũng là một điểm làm nên đặc tính của Văn học Hungary hiện nay.

Kể từ sau năm 89 trở lại đây Hungary xuất hiện một lớp nhà văn rất tài hoa. Họ tự do viết. Có thể mình ngạc nhiên như Viện Hàn lâm nghệ thuật của Đức ở Berlin nhiều năm đều do những tác giả lớn của văn học Hung làm Giám đốc. Văn học Hung có quan hệ với nước Đức từ rất lâu, từ Thế chiến thứ nhất liên tục cho đến ngày nay. Các nhà văn Hung đến được với thế giới, đa phần đầu tiên qua độc giả người Đức, qua các bản dịch tiếng Đức, sau đó họ mới dịch ra các ngôn ngữ khác.

Bởi vì ngay từ đầu tôi xác định chỉ chọn những tác phẩm có giá trị lâu bền, bất kể là khó hay như thế nào tôi vẫn làm, nên thực ra số đầu sách mình làm được không được nhiều. Nếu mình chọn sách nhẹ hơn thì có thể số đầu sách sẽ lớn hơn. Cho đến nay tôi cũng in được, chủ yếu là sách văn học ở nhà Nhã Nam.

* Xin trân trọng cảm ơn dịch giả Giáp Văn Chung về cuộc trò chuyện này và rất mong chờ những cái tác phẩm dịch thuật tiếp theo của ông từ văn học Hung. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Phi Hà/VOV5