‘Văn học không thể chỉ trông đợi vào những thiên tài trời cho’

397

“Tất nhiên có những người sinh ra đã có “thần bút”. Nhưng một nền văn học không thể chỉ trông đợi vào những thiên tài trời cho. Nếu có những “tác giả hạng khá” chịu khó thai nghén và bung sức đúng lúc, chắc chắn sẽ tạo ra sự kích thích và trở thành đích nhắm hoặc công thức thành công cho nhiều người tiềm năng khác” – cây bút trẻ Vũ Đức Anh. 

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6 tại Đà Nẵng. Trong đó, tập trung bàn về thái độ và trách nhiệm lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, với xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”Nhân sự kiện này, phóng viên trò chuyện với cây bút trẻ Vũ Đức Anh để tìm hiểu rõ hơn góc nhìn của một người viết trẻ.


Nhà văn trẻ Vũ Đức Anh. 

Thế hệ cầm bút mới không nên tách khỏi truyền thống

So với những cây bút lão làng, anh nhận thấy thế hệ những người viết trẻ đã và đang đem tới điều gì mới mẻ cho văn chương hiện đại?

– Văn chương Việt Nam đang có cơ hội để phản ánh được một thời, rõ nhất là “Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới”. Ngôn ngữ cũng đang được khai thác một cách đa dạng: có tác giả đề cao cách diễn đạt truyền thống, có tác giả viết như văn học dịch. Một số tác giả giải trí cũng đã mang lại cho thị trường sách Việt Nam những tác phẩm thực sự có giá trị chuyên môn, làm cho bạn đọc trẻ ở Việt Nam trở về tìm hiểu tác giả Việt.

Vậy từ góc nhìn của một người viết trẻ, anh quan niệm thế nào về sứ mệnh của văn chương?

– Tôi tôn trọng các quan điểm khác nhau về văn chương. Nó có thể là một công việc cá nhân giúp cho người viết xây dựng thế giới suy tưởng của mình. Nhưng nó cũng có thể mang trong mình sứ mệnh gì đó cho cộng đồng hay nhân loại. Văn học giúp cho chúng ta nhìn nhận thế giới, và thời đại mình đang sống. Sau đó, nó là nơi nuôi dưỡng ngôn ngữ của dân tộc. Nói như vậy, là sứ mệnh quá nặng nề phải không? Nhưng viết lách rõ ràng là một hạnh phúc của chúng ta, và đằng nào cũng viết, thì hãy luôn cố gắng để góp sức cho những giá trị như vậy.

Thế hệ nhà văn trẻ được kì vọng sẽ làm nên những cuộc cách tân cho văn học. Đặt bản thân trong vai trò đó, anh nghĩ mình nên có trách nhiệm ra sao trước sự phát triển của văn học nước nhà?

– Tôi không phải người đặt nặng văn chương phải cao siêu, phải được như Nguyễn Tuân hay Linda Lê. Khi những người viết trẻ tự có tham vọng và ý thức phát triển khả năng văn chương của mình, chịu khó tìm tòi, sáng tạo và dấn thân thì tự nhiên họ sẽ thúc đẩy được tinh thần sáng tạo chung của văn học nước nhà.

Tất nhiên có những người sinh ra đã có “thần bút”. Nhưng một nền văn học không thể chỉ trông đợi vào những thiên tài trời cho. Nếu có những “tác giả hạng khá” chịu khó thai nghén và bung sức đúng lúc, chắc chắn sẽ tạo ra sự kích thích và trở thành đích nhắm hoặc công thức thành công cho nhiều người tiềm năng khác. Ngoài ra, văn học Việt Nam cũng cần được đọc lại, một thế hệ cầm bút mới cần phải tìm tòi, đọc lại và có những quan điểm mới về các tác phẩm cũ hoặc kinh điển. Đừng tự tách khỏi truyền thống.

Việc đọc sách, sự trải đời sẽ nuôi dưỡng bản năng của người cầm bút


Một số tác phẩm của Vũ Đức Anh

Là người say mê văn học, hẳn anh đã đọc nhiều tác phẩm của những cây bút trẻ khác. Có tác phẩm nào khiến anh ấn tượng không?

Tôi là một dạng người hướng ngoại, rất thích chơi với bạn văn. Tôi thích đọc Nguyễn Hải Nhật Huy (Tôi ngồi đây đợi cơn bão tới), Hiền Trang (Chopin biến mất), Nhật Phi (“Người ngủ thuê”), các truyện ngắn của Đinh Phương, Cao Nguyệt Nguyên… thích cách tìm tòi và mở đường của các best-seller như Thảo Trang (tác giả “Tết ở làng địa Ngục”, “Ngủ cùng người chết”) hay Hoàng yến (“Thượng Dương”, “Săn mộ”).

Tôi cũng thích đọc những tác phẩm tương đối ít được phô trương trên một số tạp chí văn nghệ. Ở đó thi thoảng tôi thấy có những điều làm tôi tâm đắc. Tôi nghĩ sự đọc là hành trình riêng biệt của một cá nhân, nó không đồng nghĩa với đọc để đánh giá tác giả, tác phẩm hay theo một xu hướng thời thượng nào. Càng không nên so sánh các thế hệ. Sự đọc nghiêm túc và lặng lẽ vẫn diễn ra xung quanh chúng ta. Tôi khẳng định chắc chắn một người đọc đủ nghiêm túc, đọc đủ nhiều sẽ ít than vãn, vì tâm hồn họ đủ đầy.

Mỗi tác giả đều sẽ theo đuổi một văn phong riêng, vậy làm thế nào để những tác phẩm của anh đem tới “vị lạ” trên văn đàn?

Tôi tự thấy mình là một dạng người theo đuổi nghệ thuật bằng lý trí. Cái đẹp phải hiệu quả. Tôi sẽ cố gắng dung hoà giữa tác phẩm đại chúng và thẩm mỹ nghệ thuật. Tôi đòi hỏi tác phẩm của mình vừa đủ hấp dẫn, dễ đọc theo một cách nhất định, nhưng vừa truyền tải được những ý tưởng, triết lý của mình. Đó là con đường rất nhiều thách thức: nếu không cẩn thận, bạn sẽ trở thành kẻ đứng ở lưng chừng, vừa là người đánh đố bạn đọc phổ thông, nhưng lại không đủ tầm để thuyết phục những bạn đọc khó tính.

Phần tóm tắt, giới thiệu truyện rất là quan trọng. Các truyện của tôi đều tóm được ý tưởng trong không quá ba câu giới thiệu. Một ý tưởng gốc hấp dẫn, giàu sức gợi và lôi kéo độc giả sẽ luôn là điều được ưu tiên. Kế đến, tôi luôn chọn một cách viết giàu nhạc tính và liên tưởng. Thực ra lên ý tưởng cốt truyện là việc của lý trí, nhưng khi đặt bút thực sự thì bản năng nhà văn sẽ lên tiếng. Việc đọc sách, sự trải đời, cách sống của một nhà văn sẽ là điểm mấu chốt để nuôi dưỡng cái bản năng đó.

* Anh đã đến với văn chương như thế nào?

Tôi viết cuốn truyện đầu tiên năm 23 tuổi, về một nhóm bạn trẻ nhận được một số tiền rất lớn để truy tìm một bộ sách thất lạc. Truyện đó rất trong sáng, nhưng bị từ chối do chưa đủ sức nặng. Sau đó tôi nhận ra mình có năng lực về cốt truyện và cách thể hiện ngôn ngữ, tôi chọn văn học trinh thám li kì làm xuất phát điểm.

Thời điểm ra tác phẩm đầu tay, tôi được chú ý bởi các bạn đọc trẻ, do đó là thời điểm Việt Nam ít có văn học giải trí theo dạng trinh thám, li kì hay kinh dị. Sau một thời gian, tôi có thêm 2 đầu sách nữa. Thiên Thần Mù Sương được cho là độc đáo và Đảo Bạo Bệnh thì đạt giải của Bộ Công an. Trong thời gian này tôi còn viết truyện ngắn. Nhưng truyện ngắn làm cho tôi hiểu rằng mình yêu thích thẩm mỹ văn chương nhiều hơn là giải trí. Tôi nghĩ sự nhận thức là dấu mốc quan trọng hơn so với một thành công nho nhỏ nào đó (thậm chí văn chương cần thất bại nhiều hơn là thành công). Trên hành trình viết văn, tôi càng hiểu bản thân mình hơn.

* Tới đây anh đã có định hướng gì cho công việc viết lách của mình hay chưa?

Trong đầu năm 2023, tôi sẽ xuất bản “Sống hai cuộc đời” – câu chuyện giả tưởng về những con người sở hữu hai thể xác khác nhau. Ở đây tôi hài hoà giữa văn học giải trí và những vấn đề có sức nặng về triết học. Không biết thể nghiệm này sẽ đi đến đâu. Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn luôn ước mơ mình có một cuộc đời khác, trong một số phận khác.

Tôi cũng sẽ triển khai một số ý tưởng của mình thành các series truyện ngắn.  Tôi không biết văn chương sẽ có số phận như thế nào, ta có đủ tài năng hay không, điều tôi nghĩ thì là cũ hay mới… Nhưng tôi biết rằng thế giới này đẹp hơn vì những sáng tạo. Tôi sống để trải nghiệm. Những ai quen biết tôi đều biết tôi không thuộc vào típ người ngồi trong phòng rèm để sáng tác, tôi luôn đi ra ngoài, vào cuộc, giao du, làm kinh tế, tận hưởng cả cái tốt và cái xấu của bản thân mình…

***

Nhà văn trẻ Vũ Đức Anh sinh năm 1993 tại Nga, hiện làm việc trong ngành xuất bản tại Hà Nội, Đức Anh là tác giả các tiểu thuyết tâm lý, trinh thám như: ờng lửa (2019), Thiên thần mù sương (2019), Đảo bạo bệnh (2020). Tiểu thuyết của anh từng đoạt giải cuộc thi viết “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Ngoài sáng tác, Đức Anh gây chú ý với những tiểu luận về văn chương và nghề văn.

Theo Phạm Hằng/Arttimes.vn