Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số miền Tây Nam Bộ hứa hẹn nhiều khởi sắc

355

Lê Xuân

    (Vanchuongphuongnam.vn)  Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (VHNT CDTTSVN) đã mở trại sáng tác một tuần từ 27/3 đến 2/4/2023 tại Nhà sáng tác Cần Thơ cho 18 hội viên của các chi hội 13 tỉnh Tây Nam bộ (còn gọi là khu vực ĐBSCL). Đây là khu vực có nhiều dân tộc Khmer, Hoa, Chăm… nhằm nâng cao hơn nữa về chất lượng sáng tác VHNT cho các dân tộc thiểu số.

     Trước khi khai mạc trại một ngày, Hội đã tổ chức hội nghị bàn “Công tác Chi hội VHNT CDTTS khu vực Tây nam bộ” với nhiều thành phần là các lãnh đạo hội VHNT đia phương, ban Tuyên giáo, các Sở , Ban, Ngành liên quan và toàn thể hội viên của trại tham dự.

Các đại biểu, thành viên tham dự buổi khai mạc trại sáng tác    

    Nhạc sĩ Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội, nhà văn Cao Duy Sơn- Phó Chủ tịch Hội, họa sĩ Trần Thái – Trưởng ban công tác hội viên, ông Nguyễn Gia Lâm – Chánh văn phòng Hội đã dự và chỉ đạo các hội viên trên nhiều lĩnh vực sáng tác và tổ chức ăn ở, tạo không khí thoải mái nhất để anh chị em sáng tác.

     Sau một tuần dự trại các hội viên vừa tập trung sáng tác vừa tranh thủ đi thực tế một số nơi ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận thuộc khu vực ĐBSCL. Cuối đợt, ban tổ chức trại đã nhận được 87 tác phẩm. Trong đó: Thơ có 14 bài; Văn xuôi: 43 bài; Kịch bản sân khấu: 02 bản;  Ảnh nghệ thuật: 19 ảnh; Nhạc: 08 bản;  Vọng cổ: 01 bản.

     Chủ tịch Nông Quốc Bình – Trưởng ban tổ chức trại đã nhận xét: Nhìn chung các tác phẩm của các tác giả đã bám sát hiện thực đời sống các dân tộc khu vực ĐBSCL, tập trung nhất là khai thác các đề tài về sinh hoạt văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực, làng nghề truyền thống, kiến trúc của người Khmer, người Chăm, người Hoa ở Tây Nam Nam bộ. Có 2 tác giả sáng tác song ngữ Khmer- Việt là Thạch Đờ Ni (Bạc Liêu) vơi 5 bài thơ song ngữ Khmer – Việt: “Nét đẹp chùa Khmer”, “Hương tình”, “Thiên xá”, “Họa tiết hình Naga”, “Nước ơi còn nhớ” và Thạch Sang Sết (Trà Vinh) với kịch bản múa song ngữ (Khmer- Việt) “Lời phán truyền chim Mahory”  viết về bảo vệ môi trường sinh thái khu vực ĐBSCL.

Chủ tịch Nông Quốc Bình – Trưởng ban tổ chức trại

       Về các tác phẩm âm nhạc: Nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng (Sóc Trăng) cho biết: Các bản nhạc đã mang được âm hưởng của dân ca Khmer, Chăm kết hợp nhạc dân gian và hiện đại thể hiện đươc ước vọng của đồng bào dân tộc với giai điệu đẹp, trong sáng, dễ hát dễ múa. Tiêu biểu là nhạc sĩ Quách Ngàn (Kiên Giang), Mai Trung Nghĩa (Vĩnh Long), Sơn Ngọc Hoàng (Sóc Trăng), Trần Phước Thuận (Bạc Liêu), như: “Chung một niềm tin” và “Bài ca cô giáo vùng xa”(Sơn Ngọc Hoàng),“Đêm Ok om bok”, “Về Phù ly! Vui lễ hội Dâng bong”, “Tri Tôn quê em”, “Tơ răm và chim Pông Kle” (Mai Trung Nghĩa)

      Nhận xét về các tác phẩm ảnh nghệ thuật, nhiếp ảnh Trương Thạch Vũ (Kiên Giang) cho hay: Các bức ảnh giàu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, Hoa, Thái, Chăm phản ánh đời sống văn hóa, lao động sản xuất, lễ hội, phong tục tập quán của cộng đồng dân tộc. Màu sắc hài hòa, bố cục chặt chẽ, tạo được những điểm nhấn trong mỗi bức ảnh. Tiêu biểu là các ảnh của tác giả Trương Thạch Vũ và Quách Ngàn (Kiên Giang) với các tác phẩm:”Dân tộc Thái, Thiếu nữ Khmer, chùa Khmrer, Vũ điệu Khmer, Đồng ruộng Khmer ngày nay, Dâng y, múa Lâm Thon…”

     Về các sáng tác thơ có hai tác giả tiêu biêu là Thạch Đờ Ni (Bạc Liêu) 4 bài, Trần Thanh Sơn (Vĩnh Long) 9 bài. Nhà thơ Trúc Linh Lan đã nhận xét: Các bài thơ song ngữ Khmer – Việt với ngôn ngữ giản dị, trong sáng gần gũi với con người và cuộc sống đồng bào dân tộc vùng sông nước, phản ánh được những khát vọng của họ về một tương lai tươi sáng trên quê hương. Nhà thơ An Phương với nhưng câu thơ giàu tính họa tính nhạc. Xin trích vài câu thơ dịch từ tiếng Khmer ra tiếng Việt:

Ta nắm tay nàng và choàng mái tóc đen bồng

 Đôi mắt nàng sáng bừng lên sức sống

 Khúc nhạc như làn mây bay bổng

 Ta hát mê say cho thỏa niềm khát vọng

 Về tình yêu cháy bỏng của đôi ta

Chon chơ nam thmây

Những chàng trai mặc áo hoa

Ôi mùa mùa vui mừng tuổi chan hòa…”.

      Nhà thơ Thạch Đờ Ni và những câu thơ thật giản dị vẽ nên vẻ đẹp của chùa Khmer khiến du khách nao lòng:

“Nóc cao nhọn hướng lên trời

 Như đang đùa vui cùng mây bay

 Du khách bao lần dừng chân ngắm

 Rồi rủ người thân đến nơi này”.

     Về văn xuôi có các tác giả của Huỳnh Duy Lộc  với 3 bài ký, viết về ẩm thực Khmer, tết Chon chnăm thmay và Cưới vợ người Khmer. Người đọc như được nhập cuộc vào lễ hội vào ăn uống và vui với cảnh đám cưới của người Khmer. Nhà thơ Thạch Thị Liễu có một chương trích trong tiểu thuyết “Chẳng có điều gì xa khuất” viết về cuộc chiến với Pon pốt những năm 1979-1980 ở biên giới phía Nam. Nhà PBVH Lê Xuân hoàn chỉnh tập Bút ký- Tản văn với 39 bài về nhiều chủ đề: dân tộc, người tốt việc tốt, du lịch, môi trường sinh thái, dạy và học văn, quê hương, gia đình, làng nghề, lao động sản xuất ở khu vực Tay Nam bộ.

      Ông Trần Thái – Trưởng ban Công tác hội viên Hội VHNT CDTTSVN nhấn mạnh: Các tác phẩm về VHNT CDTTS ở trại sáng tác lần này là một vốn quý góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương, thúc đẩy sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá của khu vực ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập toàn cầu. Và hy vọng trong tương lai gần, ĐBSCL sẽ có nhiều tác phẩm văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh hiện đại giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, làm giàu thêm kho tàng VHNT CDTTS ở  khu vực ĐBSCL và  cả nước.

L.X