1. Hai chữ “cứu rỗi” có thể làm nhiều người hoài nghi bởi một tuyên xưng dễ mang lại cảm giác về sự ảo tưởng sức mạnh của văn học. Nhưng bằng tất cả sự nghiêm túc và trịnh trọng, thậm chí thiêng liêng, đầy lòng chân thành, chúng ta thử làm một cuộc truy tìm trong tinh thần nỗ lực xác quyết địa vị của văn học đối với tâm hồn con người.
Ngày nay, mỗi khi dẫn câu nói của Fyodor Dostoevsky “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” chẳng biết người ta có thật sự tin tưởng vào điều ấy. Và phạm trù “cái đẹp” ở đây xem ra rất trừu tượng mơ hồ. Tác phẩm văn học ở đâu trong “thế giới” ấy, nó “cứu rỗi” ai, cái gì và bằng cách nào?
Văn học đã không “chết” bởi những “đại tự sự” về nó, tuy nhiên văn học đã trở nên xơ cứng và bị đóng băng sau những diễn ngôn quyền lực của truyện kể đầy lí tính và mục đích thực dụng – dù là một thứ thực dụng mang danh lí tưởng cao cả. Những “tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại” – những truyện kể khổng lồ, chuyên chở một thứ “tư tưởng” thời đại, thậm chí vượt qua thời đại để đến tương lai, rốt cuộc cũng trở nên cũ kĩ. Phải chăng “văn học là tư tưởng”? Nói thế e sẽ vấp phải những tảng đá của thực tế: có những tác phẩm “không tư tưởng” mà sống bền lâu hơn cả những triết thuyết.
Một câu hỏi đặt ra là: Để chuyển đi một tư tưởng thì hình thức tác phẩm văn học hư cấu hay hình thức văn bản nghị luận sẽ phù hợp và hoàn thành tốt hơn sứ mệnh đó? Rõ ràng, xưa nay, các hệ tư tưởng đã phủ chằng chịt lên toàn cõi nhân loại, từ triết học đến tôn giáo (đó là chưa kể tới khoa học – thực chứng). Sự thật là “không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Để hiểu về thiền thì cứ đọc thẳng vào kinh điển Phật giáo chứ không hơi đâu lại tìm đến 17 âm tiết của haiku; để hiểu hiện sinh thì hãy đọc vào Hữu thể và hư vô của Sartre chứ mắc mớ gì lại đọc Buồn nôn của ông cho thêm rắc rối! Như vậy, tư tưởng xem ra không phải là yếu tính của văn học như nhiều người khăng khăng…
Câu chuyện vị nghệ thuật/ vị nhân sinh có lẽ đã trở nên cũ mèm trên thế giới. Ở ta, vấn đề ấy cũng có lúc tưởng đã lùi vào quá khứ sau cuộc tranh luận ở tiền bán thế kỉ XX, nhưng trớ trêu thay, đến nay vẫn cứ được đem ra bàn luận. Cần nhớ lại cái từ “vô dụng”/ “vô vị lợi” mà Kant đã dùng trong lí luận của ông, và sau này nó được thiên tài Oscar Wilde nhấn mạnh lại một lần nữa trong lời đề từ cho cuốn tiểu thuyết duy nhất của đời ông- Chân dung Dorian Gray.
Tất cả những trình bày trên đây cốt để dẫn tới một ý niệm về sự “phi ý niệm” mà nghệ thuật chân chính phải mang tới cho cuộc đời. Nói cách khác, phải tìm thấy nghệ thuật trong lối viết chứ không phải trong tư tưởng. Tư tưởng là cái đến sau, là sản phẩm phái sinh của một giọng nói/ tiếng nói (cũng như biết bao nhiêu thứ phái sinh khác mà người ta có thể đổ vấy lên đầu nghệ thuật mà không phải chịu bất cứ một trách nhiệm nào). Điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ tới khi cầm lên một cuốn tiểu thuyết là ngôn ngữ. Chính ngôn ngữ sẽ tạo ra một nền văn học mới – “một nền văn học thiểu số”. Nếu ngôn ngữ không phải là yếu tố đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết thì về cơ bản văn bản đã thất bại trong việc trở thành tiểu thuyết.
2. Câu hỏi “Văn học là gì?” và những biến thể của nó đã khởi lên cách nay vài ngàn năm, ít nhất là từ khi Aristotle viết Nghệ thuật thi ca. Cho đến nay, những câu trả lời cũng dài như chính lịch sử của câu hỏi vậy, từ dân dã tới bác học, từ khoa học (thực chứng) tới triết học, từ diễn ngôn nghị luận tới diễn ngôn thơ… Thể tính của văn học tất phải quan hệ với sứ mệnh của nó. Tuy nhiên, ngày nay đã không còn quá nhiều người thần thánh hóa văn chương nghệ thuật nữa, thậm chí người ta đã nói đến “sự mất giá” của văn chương nghệ thuật trong bối cảnh thời đại thông tin và sự thống trị của vật chất.
Cộng đồng văn học Việt Nam về cơ bản vẫn là một cộng đồng hiếu kì, ở đó “tính truyện kể” vẫn là một mãnh lực. Cốt truyện và những tình tiết gay cấn bao giờ cũng là một sự hấp hẫn, đến nỗi nếu một cuốn tiểu thuyết thiếu đi (hoặc mờ nhạt) những yếu tố ấy thì nó sẽ gặp phải sự thờ ơ hoặc ghẻ lạnh. Trong văn chương nhà trường, tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải đã khiến không ít người thất vọng bởi cái sự nhàn nhạt của nó; trong khi những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu thì gây được hứng thú hơn. Đối với đại chúng Việt Nam, “kịch tính” và “bài học rút ra” bao giờ cũng quan trọng đến thành tiêu chuẩn trong sự đòi hỏi hướng về văn học. Đây là tình trạng “trẻ thơ” của công chúng văn học. Nó giống như là sự thích thú mà truyện cổ tích mang lại cho trẻ nhỏ vậy.
Những tiểu thuyết được cho “khó đọc” không phải tự thân chúng thật sự khó đọc bởi sự uyên áo sâu xa thâm hậu chuyên chở một triết thuyết nào đó; nó khó đọc một phần vì tâm thế chờ đợi của độc giả. Trong công chúng văn học nước ta, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Cuốn theo chiều gió, thậm chí cả Chiến tranh và hòa bình thường được đón nhận mạnh mẽ và sự thật đã trở nên quen thuộc với đa số. Nhưng những tác phẩm của Kafka, Dostoevsky, Proust, Sartre, Camus… thì chưa bao giờ trở thành sách của đại chúng.
Tại sao có tình trạng nói trên? Chúng ta biết rằng, giữa ngôn ngữ và thực tại có một mối quan hệ kì lạ. Sự kì lạ ấy khiến những ai tin rằng ngôn ngữ chỉ là “công cụ của tư duy” thì họ không bao giờ có thể chạm tới ngôn ngữ như chạm tới một thực tại. Nghĩa là sự đọc sẽ bị lướt đi và trôi tuột trên một cái máng ý hướng dẫn tới một ý đồ, cái ý đồ mà người ta nghĩ là nó đang ở đâu đó cuối tác phẩm. Ngôn ngữ chỉ còn là một thảm cỏ hoặc một mặt nhựa để người đọc phóng qua đó mà chộp lấy một “tư tưởng”. Cái tâm thế đọc này vừa giết chết ngôn ngữ vừa gây nên nỗi thất vọng ghê gớm với những tâm hồn vốn luôn trù tính những gì to tát như một triết lí dẫn đạo cho cuộc đời. Nếu anh muốn tìm cái gì đó như một bài học thì anh cõ lẽ không cần phải tìm đến triết học hay tôn giáo gì cả, chỉ cần đọc tục ngữ hay truyện ngụ ngôn là đủ!
Trong tác phẩm đậm tính triết học, luận giải về văn chương Kafka, Gilles Deleuze và Félix Guattari đã xác quyết “ba trụ cột” làm nên “một nền văn học thiểu số”, gồm “sự giải lãnh thổ hóa của ngôn ngữ; sự gắn kết của cá nhân với cái chính trị trực tiếp và sự kết chuỗi tập thể của phát ngôn”. Rõ ràng trong ba trụ cột này, ngôn ngữ là khởi phát, là bước đi đầu tiên sẽ định hình và quyết định hai trụ cột còn lại. Lí luận này, ít nhất về sự trọng đại của ngôn ngữ đối với văn học, là hoàn toàn thống nhất với tư tưởng của ngành ngôn ngữ học cấu trúc và sau này là chủ nghĩa cấu trúc. Nó cũng đúng với các triết thuyết hiện đại về ngôn ngữ mà nhiều nhà đại triết học đã kiến tạo nên, làm thành bộ mặt của triết học trong suốt hậu bán thế kỉ XX.
Việc chúng ta khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong sự tạo thành một nền văn học cách tân để nó đến gần hơn với chân lí của đời sống là hoàn toàn phù hợp với lí luận và thực tiễn. Những ai xem thường ngôn ngữ và luôn bị trượt dài trên con đường tìm kiếm ý nghĩa “đại tự sự” trong văn học tất sẽ dẫn tới khước từ những tác phẩm của Proust và các tiểu thuyết gia hiện đại khác. Vì họ gặp phải một sự chán chường. Cái chán chường như người đọc văn học nhà trường ham “kịch tính” và “bài học rút ra” nhưng gặp phải Một người Hà Nội của Nguyễn Khải hay một kẻ đang đi tìm ý nghĩa đời người, đang chờ đợi “lời khuyên” nhưng lại đọc phải Buồn nôn của Sartre.
Đã đến lúc chúng ta cần đi sâu hơn vào loại “văn học thiểu số”. Buồn nôn là tác phẩm đã đưa Sartre đến với giải Nobel văn học – giải thưởng danh giá mà chính ông đã khước từ nó. Câu chuyện của nhân vật Roquentin là một câu chuyện chán ngắt, vô vị. Mà thực ra nó chẳng có “chuyện” gì cả. Đó chỉ là những chuỗi ngày vào ra ơ hờ, nhạt nhẽo với vài sự kiện mà có hay không có chúng thì câu chuyện cũng chỉ một màu xám ngoét đến “buồn nôn”. Việc đọc hết tác phẩm đòi hỏi một sự kiên trì lớn. Nó không phải là một cái gì “khó hiểu”, mà quan trọng là nó nhàm chán, cái nhàm chán có thể khiến một kẻ đang tư lự về cuộc đời cá nhân nảy lên những ý nghĩ chấm dứt sự tồn tại của mình. Đường đi của Buồn nôn không phải là một lối tắt để đến ngôi đền tư tưởng, mà ngược lại, trên mỗi chữ mỗi dòng “tầm thường” của trang văn người ta nhìn thấy bản chất của đời sống cứ hiện dần ra theo một giọng kể rời rạc, đều đều, nhạt thếch. Tất cả những trang chữ ấy, trong nhịp điệu ấy, tự nó làm thành bức tranh của đời sống – một đời sống gớm ghiếc trong thường nhật, cái thường nhật mà người ta do sống quá lâu trong nó nên đã không còn chút cảm giác nào nữa. Sartre bằng bút pháp của sự nhàm chán trong lối viết đã dội một sự bế tắc xám xịt vào niềm lạc quan điên rồ của nhân loại để đánh thức họ về một đời sống cùn mòn, mốc meo đầy âu lo và nỗi chán chường. Từ cái “hiện thực” ấy, con người cần một dự phóng và tinh thần dấn thân lựa chọn để “làm ra cuộc đời”, một cuộc đời xứng đáng hơn với con người.
Lúc này, cuốn tiểu thuyết không phải tác động đến người đọc bởi cái “câu chuyện” của nó, mà bằng mỗi “chữ”, bằng giọng kể, nó xộc thẳng một thứ “hiện hữu chết” vào tâm hồn con người. Cứ như thế, mỗi chữ mỗi trang là một cuộc tấn công trực diện vào thế giới chai sạn của chúng sinh. Tính chất của tiểu thuyết đã thay đổi như thế, theo một hướng “tầm thường” mà ám ảnh.
Chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh ra đời của cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, cái lúc mà Garcia Marquez nói với Mercedes Barcha: “Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá.” Chính cái điểm bắt đầu này (“giọng” và “gương mặt”) sẽ quyết định một tác phẩm có thể trở thành gì trong mênh mông ấn phẩm trên trái đất này. Cuốn Người xa lạ của Camus được mở đầu bằng dòng văn như sau: “Má tôi chết ngày hôm nay, hay có lẽ từ hôm qua, tôi cũng không biết nữa.” Câu văn kì quặc nhưng “tầm thường” này đã điểm sự ra đời của một lối văn chương “xa lạ”, đặt con người vào sự vong thân và những mối đe dọa tình cờ đầy sợ hãi lên kiếp người. Zarathutra đã nói như thế đã từng đưa Nietszche trở thành một nhà thơ nhiều hơn là một nhà triết học. Tác phẩm này đã gọi tên một nhà ngữ – văn học nhiều hơn là triết gia của chủ nghĩa hiện sinh. Tuy nhiên, cũng như các tác phẩm đã điểm qua, tuyệt phẩm này cũng vẫn thuộc về “một nền văn học thiểu số”.
3. Hai chữ “thiểu số” được nhắc tới nhiều lần trong bài viết này không nên bị hiểu nhầm sang nghĩa “số lượng”. Thiểu số không phải là số ít, hay quy mô nhỏ. Thiểu số là một tiếng nói khác, là một ngôn ngôn ngữ khác chảy trong lòng của ngôn ngữ chủ lưu. Nó tạo thành một sự “giải lãnh thổ hóa”, dần chuyển dịch một hiện tượng cá biệt thành tiếng nói của đại chúng. Nó chính là một thái độ đối với tất cả nền móng của tư tưởng tiền thân.
Tìm ra và tạo lập một tiếng nói khác là sứ mệnh của nhà văn; tìm đến và chìm vào tiếng nói ấy là con đường của độc giả. Một công chúng trưởng thành không phải là công chúng phát biểu tư tưởng như là những slogan, mà phải là công chúng biết nhìn, nghe, nói bằng một thứ ngôn ngữ khác. Không có con đường nào khác để đạt tới một tâm thức như thế nếu không phải là tìm đến văn học “khó đọc” và nghệ thuật chân chính nói chung.
Trong văn học Việt Nam, chúng ta đã từng gặp những “tiếng nói khác” ở nhiều thể loại. Tính chất “thiểu số” của chúng còn ở những mức độ khác nhau, tuy nhiên đó là những nỗ lực mà thành quả mang lại là tạo ra những nhánh sông be bé để độc giả khi đã mệt mỏi trên dòng sông chính quen nhàm thì có thể ghé thuyền vào để được đắm chìm trong một cảnh giới khác. Đó là trường hợp của Xuân Thu nhã tập, của Trần Dần, Lê Đạt, của Bùi Giáng, của Nguyễn Huy Thiệp… Riêng đối với tiểu thuyết, Thuận đã tạo được một dấu ấn mang màu “thiểu số”. Đặc biệt hơn và đi xa hơn trong việc “tìm ra tiếng nói của mình” là Nguyễn Bình Phương. Nhà văn kiệm lời này đã “nói” được nhiều nhất mà không cần một tuyên ngôn nào cả, bằng loạt “tiểu thuyết khó đọc”, “kén độc giả”: Vào cõi, Thoạt kì thủy, Ngồi, Người đi vắng, Mình và họ…
Sức sống và độ vang của một tiếng nói, hay của một con người, phụ thuộc vào chính giọng của anh ta, thứ giọng đã đi ra khỏi sự ôm phủ của con sông cái để làm một châu thổ cho nhánh sông âm thầm khai phát. Đóng góp lớn nhất của văn học cho con người và cho sự giải thoát của con người là kiến tạo được những giọng nói xa lạ, và đến lượt làm cho những giọng nói xa lạ này ngày một trở nên quen thuộc. Đại chúng hóa văn học, như một nhà nghiên cứu đã xác quyết, là đưa được văn học của thiểu số đến với đa số, là nâng dần trình độ đọc của số đông. Văn học chân chính “cứu rỗi” con người như thế, đưa họ chạm gặp những tiếng nói khác, đặt họ vào hành trình đến với tự do.
Theo Hồng Liên/VNQĐ